GIÁO HỘI HIỆN THẾ
2020
Đức Thánh Cha Phanxicô
Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XXXI Thường Niên - Lễ Các Thánh
Các Thánh Nhân và Các Chân Phước là những chứng nhân thế giá nhất của niềm hy vọng Kitô giáo,
vì các vị đã sống trọn vẹn cuộc sống của các vị, giữa niềm vui lẫn khổ đau,
thực hành các Phúc Đức Trọn Lành, được Chúa Giêsu giảng dạy và âm vang trong Phụng Vụ (see Mt 5:1-12a).
Các Phúc Đức Trọn Lành của phúc âm thật sự là đường lối nên thánh.
Hãy đi ngược lại với tâm thức của thế gian này, với thứ văn hóa chiếm hữu,
thứ văn hóa vui thú vô nghĩa, thứ văn hóa đàn áp kẻ yếu kém nhất.
Lễ trọng hôm nay kính Các Thánh nhắc nhở chúng ta về ơn gọi nên thánh chung riêng,
và nêu lên cho chúng ta thấy những mẫu gương chắc chắn cho cuộc hành trình này,
một hành trình mỗi người bước đi một cách chuyên biệt, một cách bất khả tái diễn.
Xin chào anh chị em thân mến,
Vào ngày Lễ trọng Các Thánh này, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy suy nghĩ về niềm hy vọng cao cả, niềm hy vọng cao cả bởi cuộc phục sinh của Chúa Kitô: Chúa Kitô đã sống lại và chúng ta cũng sẽ được ở với Người, chúng ta sẽ được ở với Người. Các Thánh Nhân và Các Chân Phước là những chứng nhân thế giá nhất của niềm hy vọng Kitô giáo, vì các vị đã sống trọn vẹn cuộc sống của các vị, giữa niềm vui lẫn khổ đau, thực hành các Phúc Đức Trọn Lành, được Chúa Giêsu giảng dạy và âm vang trong Phụng Vụ (see Mt 5:1-12a). Các Phúc Đức Trọn Lành của phúc âm thật sự là đường lối nên thánh. Giờ đây tôi sẽ chia sẻ 2 Phúc Đức Trọn Lành, đó là phúc đức thứ hai và thứ ba.
Phúc Đức thứ hai đó là: "Phúc cho những ai than khóc, vì họ sẽ được an ủi vậy" (v.4). Những lời này dường như là những gì mâu thuẫn trái ngược, vì than khóc không phải là dấu hiệu của niềm vui và hạnh phúc. Những lý do than khóc là vì đau khổ và chết chóc, bệnh tật, hoạn nạn về luân lý, tội lỗi và nhầm lạc: tóm lại, là vì đời sống hằng ngày hằn lên các dấu vết mỏng dòn, yếu kém và khó khăn, một đời sống có những lúc bị thương tích và đớn đau bởi lòng vô ơn và các thứ hiểu lầm. Chúa Giêsu tuyên bố phúc cho những ai than khóc trước thực tại này, thành phần tin tưởng vào Chúa bất chấp mọi sự, và nấp mình dưới bóng chở che của Ngài. Họ không phải là lạnh lùng lãnh đạm, cũng không cứng lòng khi đớn đau, nhưng nhẫn nại hy vọng được niềm an ủi của Thiên Chúa. Và họ cảm nghiệm được niềm an ủi này ngay trên đời này.
Ở Phúc Đức thứ ba, Chúa Giêsu phán: "Phúc cho ai hiền lành vì họ sẽ được thừa hưởng trái đất này" (v.5). Anh chị em ơi, hãy sống hiền lành! Hiền lành là đặc tính của Chúa Giêsu, Đấng đã nói về mình rằng: "Hãy học cùng Tôi, vì Tôi hiền lành và khiêm nhượng trong lòng" (Mt 11:29). Con người hiền lành là những ai biết làm chủ bản thân mình, biết giành chỗ cho người khác, họ lắng nghe người khác, tôn trọng lối sống của người khác, các nhu cầu và yêu cầu của người khác. Họ không muốn nổi hơn và hạ bệ người khác, họ không muốn làm chủ hay thống trị hết mọi sự, hay không muốn áp đặt những ý nghĩ của họ hay những lợi ích của họ gây tổn hại cho người khác. Những con người này, dù không được thế gian cùng với tâm thức của nó nhận biết, nhưng lại trở nên quí báu trước nhan Thiên Chúa. Thiên Chúa ban cho họ đất hứa làm gia sản, đó là sự sống đời đời. Phúc Đức này cũng bắt đầu ở ngay dưới thế đây và được nên trọn nơi Chúa Kitô. Thế nhưng phải hiền lành... Vào lúc này trong đời sống, ngay cả trên thế giới nữa, xẩy ra rất nhiều thứ hung hăng gây hấn, cả trong đời sống hằng ngày nữa, điều đầu tiên xuất phát từ chúng ta đó là công kích, là bênh vực. Chúng ta cần phải sống hiền lành để tiến tới trên con đường nên thánh. Hãy lắng nghe, hãy tôn trọng, đừng tấn công: hãy hiền lành.
Anh chị em thân mến, hãy biết sống tinh tuyền, hiền lành và thương xót; hãy biết phó mình cho Chúa trong tinh thần nghèo khó và sầu thương; hãy biết dấn thân cho công lý và hòa bình - tất cả những điều ấy có nghĩa là hãy đi ngược lại với tâm thức của thế gian này, với thứ văn hóa chiếm hữu, thứ văn hóa vui thú vô nghĩa, thứ văn hóa đàn áp kẻ yếu kém nhất. Đường lối phúc âm này đã được các vị Thánh Nhân và Chân Phước bước đi. Lễ trọng hôm nay kính Các Thánh nhắc nhở chúng ta về ơn gọi nên thánh chung riêng, và nêu lên cho chúng ta thấy những mẫu gương chắc chắn cho cuộc hành trình này, một hành trình mỗi người bước đi một cách chuyên biệt, một cách bất khả tái diễn. Chỉ cần nói về tính chất khác nhau khôn lường nơi các tặng ân, cùng với những câu truyện đời giữa các vị thánh thôi: ở chỗ, các vị không ngang bằng nhau, mỗi vị đều có nhân cách riêng của mình, và đã tiến triển đời sống thánh đức của mình theo nhân cách của các vị, và mỗi người trong chúng ta đều có thể làm như thế, theo con đường này, đó là hiền lành, xin hiền lành, và chúng ta sẽ tiến tới những gì là thánh đức.
Gia đình rộng lớn thành phần môn đệ trung thành này của Chúa Kitô có một Người Mẹ là Trinh Nữ Maria. Chúng ta tôn kính Mẹ dưới tước hiệu Nữ Vương Các Thánh; thế nhưng, trước hết Mẹ là Thân Mẫu dạy cho hết mọi người biết đón nhận và theo đuổi làm con cái của Mẹ. Xin Mẹ giúp cho chúng ta biết nuôi dưỡng ước vọng nên thánh, biết bước đi trên con đường các Phúc Đức Trọn Lành.
(Sau Kinh Truyền Tin, ĐTC nói tiếp, và trong số các điều khác nhau, ngài đã báo rằng:)
Chiều ngày mai, tôi sẽ cử hành Thánh Lễ cầu hồn cho những ai đã qua đời ở Nghĩa Trang Teutonic, một nơi an táng của Vatican Thành. Tôi xin liên kết bản thân mình một cách thiêng liêng với những ai, trong khi tuân giữ các qui định về sức khỏe là những gì hệ trọng, đến cầu nguyện ở gần các ngôi mộ của những người thân yêu của họ trên khắp thế giới.
Đaminh Maria Cao Tấn
Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu