GIÁO HỘI HIỆN THẾ
2020
ĐTC Phanxicô - Huấn Từ Truyền Tin Lễ Thánh Stephano 26/12
Ngài là vị tử đạo tiên khởi, tức là vị chứng nhân đầu tiên, vị đầu tiên trong số tập đoàn anh chị em,
cho dù cho đến ngày nay, vẫn tiếp tục chiếu sáng vào trong tăm tối - những con người đáp trả sự dữ bằng sự lành,
những con người không hàng phục trước bạo lực và gian dối, nhưng chặt đứt xiếng xích hận thù ghen ghét bằng thái độ hiền lành và lòng yêu thương.
Thánh Stephano cống hiến cho chúng ta tấm gương này, đó là Chúa Giêsu đã đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ,
và ngài đã sống để phục vụ chứ không phải để được phục vụ, và ngài đã đến để phục vụ,
đó là Thánh Stephano được chọn làm một vị phó tế, ngài đã trở thành một phó tế, tức là một người tôi tớ, phục dịch bàn ăn của người nghèo ...
như Chúa Giêsu, ngài đã bị bắt, bị lên án và bị giết ở ngoài thành, và như Chúa Giêsu, ngài đã cầu nguyện và tha thứ.
Thánh Phaolô được hạ sinh bởi ơn Chúa, thế nhưng nhờ lòng tha thứ của Thánh Stephano, nhờ chứng từ của Thánh Stephano.
Đó là hạt giống hoán cải của Thánh Phaolô.
Đó là chứng cớ cho thấy các hành động yêu thương làm thay đổi lịch sử: cho dù là những hành vi cử chỉ nhỏ bé, kín đáo, hằng ngày.
Xin chào anh chị em thân mến,
Phúc Âm hôm qua nói về Chúa Giêsu, "ánh sáng thật" đã đến trong thế gian, ánh sáng "chiếu trong tăm tối" và "tối tăm không át được ánh sáng" (Jn 1:9,5). Hôm nay, thấy được một con người làm chứng cho Chúa Giêsu, đó là Thánh Stephano, một con người chiếu trong tăm tối. Những ai làm chứng cho Chúa Giêsu đều chiếu soi bằng ánh sáng của Người, chứ không phải ánh sáng của mình. Ngay cả Giáo Hội tự mình cũng chẳng có ánh sáng. Vì thế mà các vị giáo phụ ngày xưa đã gọi Giáo Hội là "mầu nhiệm vầng nguyệt". Như mặt trăng, tự mình không có ánh sáng thế nào, thì những vị chứng nhân ấy tự mình cũng chẳng có ánh sáng, các vị chỉ có thể nhận lấy ánh sáng của Chúa Giêsu mà phản chiếu ánh sáng này thôi. Thánh Stephanô bị cáo gian và bị ném đá một cách dã man, thế nhưng, trong bóng tối tăm của hận thù ghen ghét, (tức là trong tình trạng thống khổ bị ném đá), ngài đã để cho ánh sáng của Chúa Giêsu chiếu soi, ở chỗ, ngài đã cầu nguyện cho những kẻ sát hại ngài và tha thứ cho họ, như Chúa Giêsu trên thập tự giá. Ngài là vị tử đạo tiên khởi, tức là vị chứng nhân đầu tiên, vị đầu tiên trong số tập đoàn anh chị em, cho dù cho đến ngày nay, vẫn tiếp tục chiếu sáng vào trong tăm tối - những con người đáp trả sự dữ bằng sự lành, những con người không hàng phục trước bạo lực và gian dối, nhưng chặt đứt xiếng xích hận thù ghen ghét bằng thái độ hiền lành và lòng yêu thương. Những nhân chứng này làm cho hừng đông của Thiên Chúa được tỏ rạng trong đêm tối của thế giới này.
Thế nhưng họ trở thành nhân chứng ra sao? Bằng việc noi gương bắt chước Chúa Giêsu, nhận lấy ánh sáng từ Chúa Giêsu. Đó là đường lối của hết mọi Kitô hữu: noi gương bắt chước Chúa Giêsu, nhận lấy ánh sáng từ Chúa Giêsu. Thánh Stephano cống hiến cho chúng ta tấm gương này, đó là Chúa Giêsu đã đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ (see Mk 10:45), và ngài đã sống để phục vụ chứ không phải để được phục vụ, và ngài đã đến để phục vụ, đó là Thánh Stephano được chọn làm một vị phó tế, ngài đã trở thành một phó tế, tức là một người tôi tớ, phục dịch bàn ăn của người nghèo (see Acts 6:2). Ngài đã cố gắng bắt chước Chúa hằng ngày và ngài đã làm như thế cho đến cùng: như Chúa Giêsu, ngài đã bị bắt, bị lên án và bị giết ở ngoài thành, và như Chúa Giêsu, ngài đã cầu nguyện và tha thứ. Trong khi bị ném đá, ngài đã nói: "Lạy Chúa, xin đừng chấp tội của họ" (7:60). Thánh Stephano là một chứng nhân vì ngài đã noi gương bắt chước Chúa Giêsu.
Vấn đề được đặt ra ở đây là: những vị nhân chứng cho những gì là thiện hảo này có thực sự cần thiết hay chăng, khi mà thế giới đang bị chìm đắm trong gian ác? Cầu nguyện và tha thứ có ích gì chứ? Chỉ cần nêu lên một trường hợp tốt đẹp nào đó thôi? Thế nhưng trường hợp này giúp được gì chứ? Không, còn nhiều nữa. Chúng ta khám phá ra trường hợp này từ một chi tiết. Bản văn viết rằng trong số những người được Thánh Stephano cầu cho và tha thứ có "một người trẻ tên là Saolê" (v.58), người "đồng tình về cái chết của ngài" (8:1). Sau đó ít lâu, nhờ ơn Chúa, chàng Saolê đã trở lại, đã nhận được ánh sáng của Chúa Giêsu, đã chấp nhận ánh sáng này, đã hoán cải, và trở thành Phaolô, vị thừa sai cao cả nhất trong lịch sử. Thánh Phaolô được hạ sinh bởi ơn Chúa, thế nhưng nhờ lòng tha thứ của Thánh Stephano, nhờ chứng từ của Thánh Stephano. Đó là hạt giống hoán cải của Thánh Phaolô. Đó là chứng cớ cho thấy các hành động yêu thương làm thay đổi lịch sử: cho dù là những hành vi cử chỉ nhỏ bé, kín đáo, hằng ngày. Vì Thiên Chúa dẫn dắt lịch sử bằng lòng can đảm khiêm hạ của những con người cầu nguyện, yêu thương và tha thứ. Có rất nhiều vị thánh ẩn kín, những vị thánh hàng xóm láng giồng quen biết, những nhân chứng sống kín đáo, thành phần thay đổi thế giới bằng những tác động nhỏ bé.
Hãy trở thành nhân chứng cho Chúa Giêsu - điều này áp dụng vào cả chúng ta nữa. Chúa muốn chúng ta làm cho đời sống của chúng ta trở thành những kiệt tác nhờ các thứ thường tình, các thứ thường nhật hằng ngày chúng ta làm. Chúng ta được kêu gọi để làm chứng cho Chúa Giêsu ngay ở nơi chúng ta sống, trong gia đình của chúng ta, ở chỗ làm, ở khắp nơi, cho dù chỉ chiếu sáng bằng một nụ cười, thứ ánh sáng không phải của chúng ta - mà là từ Chúa Giêsu - và cho dù chỉ bằng cách xa tránh bóng tối của những gì là xì xèo tầm phào. Để rồi, khi chúng ta thấy điều gì đó sai trái, thay vì phê bình chỉ trích, trách móc và than phiền, chúng ta hãy cầu cho người lầm lỗi cũng như cho trường hợp khó khăn này. Rồi khi xẩy ra chuyện cãi vả nhau trong nhà, thì thay vì muốn mình thắng thế thì hãy cố gắng dẹp nó đi; và mỗi lần như vậy cứ bắt đầu lại, tha thứ cho những ai phạm đến mình. Những điều nhỏ bé thôi, nhưng nó lại thay đổi lịch sử, vì chúng mở ra cửa chính, mở ra cửa số cho ánh sáng của Chúa Giêsu. Thánh Stephano, trong khi đang còn bị ném những viên đá hận thù ghen ghét, đã đáp trả bằng những lời thứ tha. Ngài đã làm thay đổi lịch sự như thế đó. Cả chúng ta cũng có thể biến dữ thành lành từng lần, đúng như một câu ngạn ngữ nói rằng: "Hãy giống như một cây cau dừa: họ ném đá vào nó và nó rụng xuống những trái chà là".
Hôm nay, chúng ta hãy cầu nguyện cho những ai đang chịu bách hại vì danh Chúa Giêsu. Rất tiếc là xẩy ra cho nhiều người trong họ. Còn hơn là thuở ban đầu của Giáo Hội nữa. Chúng ta hãy phó dâng những người anh chị em này cho Đức Mẹ, nhờ đó, họ có thể hiền lành đáp trả những đàn áp và có thể khống chế sự dữ bằng sự lành, như những chứng nhân đích thực cho Chúa Giêsu.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết
nhấn mạnh tự ý bằng mầu