GIÁO HỘI HIỆN THẾ
2020
Thánh Lễ Chúa Nhật Phục Sinh Trực Tuyến ở Đền Thờ Thánh Phêrô 12/4/2020
Đaminh Maria cao tấn tĩnh, BVL: bộ hình trực tuyến
Bài Giảng Phục Sinh trong lễ và Sứ Điệp Phục Sinh sau lễ được trích từ Vatican Tiếng Việt
TRƯỚC HẾT LÀ MỘT SỐ HÌNH ẢNH TIÊU BIỂU CỦA LỄ VỌNG PHỤC SINH 9 GIỜ TỐI ROMA THỨ BẢY 11/4/2020
LỄ PHỤC SINH SÁNG CHÚA NHẬT 12/4/2020
Những Nét Chính Yếu Đặc Trung ở Nội Cung Đền Thờ Thánh Phêrô
PHẦN NHẬP LỄ
Kyrie Eleison
Gloria
Lời Nguyện đầu lễ
PHẦN PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
Bài Ðọc I: Cv 10, 34a. 37-43
"Chúng tôi đã ăn uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Phêrô lên tiếng nói rằng:
"Như anh em biết điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđêa, khởi đầu từ Galilêa,
sau khi Gioan rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét.
Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu cho Người.
Người đi khắp nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở cùng Người.
Và chúng tôi, chúng tôi là chứng nhân tất cả những gì Người đã làm trong nước Do-thái, và tại Giêrusalem,
Người là Ðấng người ta đã giết treo Người trên thập giá.
Nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân,
mà là với chúng tôi là nhân chứng Thiên Chúa đã tuyển chọn trước, chính chúng tôi đã ăn uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại.
Và Người đã truyền cho chúng tôi rao giảng cho toàn dân và làm chứng rằng
chính Người đã được Thiên Chúa tôn làm quan án xét xử kẻ sống và kẻ chết.
Mọi tiên tri đều làm chứng về Người rằng: Tất cả những ai tin vào Người, thì nhờ danh Người mà được tha tội".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 117, 1-2. 16ab-17. 22-23
Ðáp: Ðây là ngày Chúa đã lập ra, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó (c. 24).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: "Ðức từ bi của Người muôn thuở". - Ðáp.
2) Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt, tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên. Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống, và tôi sẽ loan truyền công cuộc của Chúa. - Ðáp.
3) Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta. - Ðáp.
Bài Ðọc II: Cl 3, 1-4
"Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.
Anh em thân mến, nếu anh em đã sống lại với Ðức Kitô,
anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa.
Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất.
Vì anh em đã chết, và sự sống anh em được ẩn giấu với Ðức Kitô trong Thiên Chúa.
Khi Ðức Kitô là sự sống anh em xuất hiện, bấy giờ anh em sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang.
Ðó là lời Chúa.
Ca Tiếp Liên
(Ðọc trong Chúa Nhật Phục Sinh, còn các ngày khác trong tuần Bát nhật thì không buộc đọc)
Các Kitô hữu hãy tiến dâng
lời khen ngợi hy lễ Vượt Qua.
Chiên con đã cứu chuộc đoàn chiên mẹ:
Ðức Kitô vô tội đã hoà giải tội nhân với Chúa Cha.
Sống và chết hai bên song đấu cách diệu kỳ,
tướng lãnh sự sống đã chết đi, nhưng vẫn sống mà cai trị.
Hỡi Maria, hãy nói cho chúng tôi nghe
bà đã thấy gì trên quãng đường đi?
Tôi đã thấy mồ Ðức Kitô đang sống
và vinh quang của Ðấng Phục Sinh,
thấy các thiên thần làm chứng,
thấy khăn liệm và y phục.
Ðức Kitô là hy vọng của tôi đã phục sinh,
Người đi trước chư vị tới xứ Galilêa.
Chúng tôi biết Ðức Kitô đã sống lại thật từ cõi chết!
Lạy Chúa, Vua chiến thắng, xin thương xót chúng con.
Alleluia: 1 Cr 5, 7b-8a
Alleluia, alleluia! - Lễ Vượt Qua của chúng ta là Ðức Kitô đã hiến tế vậy chúng ta hãy mừng lễ trong Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Ga 20, 1-9
"Người phải sống lại từ cõi chết".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối
và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ,
bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến,
bà nói với các ông rằng:
"Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu".
Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ.
Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước.
Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong.
Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi,
ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây,
khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ.
Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước.
Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.
Ðó là lời Chúa.
Bài Phúc Âm hôm nay được công bố bằng cả tiếng Hy Lạp, ngôn ngữ được sử dụng viết Thánh Kinh,
sau tiếng Latinh là tiếng chính thức của Giáo Hội Công Giáo Roma.
Sau khi nhận Sách Phúc Âm từ vị phó tế đọc bằng tiếng Hy Lạp và hôn thì ĐTC không giảng,
mà là ngồi lắng đọng suy niệm riêng, vì ngài sẽ ban Sứ Điệp Phục Sinh sau lễ Chúa Nhật Phục Sinh này.
Và ngài cũng đã giảng trong Lễ Vọng Phục Sinh vào lúc 9 giờ tối Thứ Bảy giờ Roma hôm qua, như dưới đây:
Sau ngày Sabbath (Mt 28: 1), những người phụ nữ đã đi đến ngôi mộ.
Đây là cách Tin Mừng của Đêm Vọng thánh thiêng này bắt đầu: với ngày Sa-bát.
Trong Tam Nhật Thánh, chúng ta thường có xu hướng bỏ qua ngày này
bởi ta đang háo hức chờ đợi bước chuyển từ mầu nhiệm Thánh Giá của ngày Thứ Sáu
sang lời hoan ca Alleluia của Chúa Nhật Phục Sinh.
Tuy nhiên, năm nay, chúng ta đang trải nghiệm, hơn bao giờ hết, sự im lặng lớn lao của Thứ Bảy Thánh.
Chúng ta có thể tưởng tượng mình ở vị trí của những phụ nữ vào ngày đó.
Giống như chúng ta bây giờ, trước mắt họ là một thảm cảnh đau thương, một bi kịch xảy ra quá bất ngờ.
đã nhìn thấy sự chết và nó đè nặng lên trái tim họ.
Nỗi đau xen lẫn nỗi sợ hãi: liệu họ có chịu chung số phận với Thầy mình?
Rồi sau đó là nỗi sợ về viễn tượng tương lai và tất cả những gì cần phải được xây dựng lại.
Một ký ức đau đớn, một niềm hy vọng bị cắt cụt.
Giống như chúng ta bây giờ, đối với họ, đó là giờ phút đen tối nhất.
Tuy nhiên, trong tình huống này, những người phụ nữ không cho phép mình bị tê liệt.
Họ không chịu khuất phục trước sự ảm đạm của đau khổ và tiếc nuối;
họ không tự thu mình lại, hay trốn chạy khỏi thực tại.
Họ đang làm một việc rất đơn sơ nhưng lại phi thường: chuẩn bị các hương liệu ở nhà để xức xác Chúa Giê-su.
Họ không ngừng yêu thương; từ trong đêm tối của cõi lòng, họ thắp lên một ngọn lửa thương xót.
Mẹ Maria của chúng ta đã trải qua ngày Thứ Bảy đó.
Đó là ngày xứng đáng dành để tôn vinh mẹ, trong tâm tình nguyện cầu và hy vọng.
Mẹ đã đáp lại nỗi buồn bằng niềm tin vào Thiên Chúa.
Những người phụ nữ này không thể ngờ được rằng, từ trong bóng tối của ngày Sa-bát đó,
chính họ đang thực hiện những sự chuẩn bị cho “Bình minh của ngày thứ nhất trong tuần”, ngày sẽ thay đổi lịch sử.
Như hạt giống bị chôn vùi trong lòng đất, Đức Giêsu chuẩn bị làm cho đời sống mới được nở hoa trong thế giới này;
và những người phụ nữ đó, bằng lời cầu nguyện và tình yêu, đã giúp tạo nên đoá hoa hy vọng đó.
Trong những ngày buồn thảm này, có biết bao người cũng đã và đang làm những điều mà những phụ nữ kia đã thực hiện,
đó là gieo hạt mầm hy vọng, với những cử chỉ bé nhỏ của lòng quan tâm, của tình thường và lời cầu nguyện.
Rạng sáng, những người phụ nữ đi đến ngôi mộ.
Thiên thần nói với họ: “Đừng sợ. Ngài không ở đây; vì Ngài đã sống lại” (câu 5-6).
Họ nghe thấy những lời của sự sống ngay cả khi họ đang đứng trước một ngôi mộ…
Và sau đó họ gặp Đức Giê-su, đấng ban tặng tất mọi niềm hy vọng, Đấng xác chuẩn thông điệp và nói:
“Đừng sợ”(câu 10). Đừng sợ, đừng lui bước trước sợ hãi: Đây là thông điệp của hy vọng.
Nó được gửi đến chúng ta hôm nay.
Đây là những lời mà Thiên Chúa lặp lại với chúng ta ngay trong đêm nay.
Đêm nay, chúng ta được trao một quyền cơ bản mà không bao giờ bị lấy mất: quyền hy vọng.
Đó là niềm hy vọng sống động và mới mẻ đến từ Thiên Chúa.
Đó không phải là thứ lạc quan tếu; nó không phải là một cái vỗ nhẹ vào lưng hay một lời khích lệ trống rỗng.
Đó là một món quà từ thiên đường, thứ mà chúng ta không thể tự mình kiếm được.
Trong những tuần này, chúng ta đã lặp đi lặp lại rằng ‘tất cả sẽ ổn thôi’.
Đó là những lời nói bén rễ từ nét đẹp nhân bản và thúc đẩy những câu khích lệ nổi lên từ cõi lòng chúng ta.
Nhưng khi ngày tháng trôi qua và nỗi sợ hãi tăng lên, ngay cả niềm hy vọng táo bạo nhất cũng có thể tan biến.
Niềm hy vọng của Đức Giê-su mang lại thì rất khác.
Ngài gieo vào lòng chúng ta niềm tin rằng Thiên Chúa có thể biến mọi thứ trở nên tốt lành, vì chưng ngay cả từ ngôi mộ Ngài cũng đã mang lại sự sống.
Ngôi mộ là nơi không ai bước vào.
Nhưng Chúa Giêsu trỗi dậy vì chúng ta; Ngài đã sống lại cho chúng ta, để mang lại sự sống từ nơi của sự chết, để khởi đầu một lịch sử mới ở chính nơi bị chèn bởi tảng đá.
Đấng đã lăn hòn đá bịt kín lối vào ngôi mộ cũng có thể loại bỏ những viên đá trong trái tim chúng ta.
Vì vậy, chúng ta đừng nhụt chí; chúng ta đừng đặt tảng đá chắn mất niềm hy vọng.
Chúng ta có thể và phải hy vọng vì Thiên Chúa là Đấng thành tín.
Ngài không bỏ rơi chúng ta; Ngài đã viếng thăm ta và đã bước vào những cảnh huống đau thương, thống khổ và chết chóc của chúng ta.
Ánh sáng của Ngài xua tan bóng tối của ngôi mộ; hôm nay Ngài muốn ánh sáng đó xuyên qua cả những góc tối nhất trong cuộc sống chúng ta.
Thưa quý anh chị em, ngay cả khi chúng ta đã chôn vùi niềm hy vọng trong trái tim mình, chúng ta cũng đừng từ bỏ, vì Thiên Chúa vẫn luôn lớn hơn.
Bóng tối và sự chết không có lời cuối cùng. Hãy mạnh mẽ lên, vì với Chúa không có gì là hư mất!
Lòng can đảm. Đây là một cụm từ thường được Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng.
Chỉ một lần những người khác dùng cụm từ này để khích một người đang cần giúp đỡ:
Hãy can đảm đứng dậy, Ngài đang gọi anh đó! (Mc 10:49).
Chính Người, Đấng Phục Sinh, đã nâng chúng ta lên trong những lúc cần thiết.
Trên hành trình cuộc sống, nếu ta cảm thấy yếu đuối, mỏng dòn, hoặc sa ngã, xin đừng sợ, Thiên Chúa sẽ đưa tay giúp đỡ và nói với ta: “Dũng cảm lên!”.
Tựa như Don Abbondio (trong tiểu thuyết của Manzoni), chúng ta cũng có thể nói “can đảm chẳng phải là điều gì bạn có thể tự trao cho mình”(I Promessi Sposi, XXV).
Đúng, ta không thể tặng nó cho chính mình, nhưng ta có thể nhận nó như một món quà.
Tất cả những gì ta phải làm là mở lòng cầu nguyện và nhẹ nhàng lăn đi tảng đá chặn lối vào trái tim của ta để ánh sáng của Chúa Giê-su có thể rọi vào.
Ta chỉ cần kêu cầu Ngài: “lạy Chúa Giêsu, hãy đến với con giữa nỗi sợ hãi này, và nói với con rằng: Hãy can đảm!”
Có Ngài, ôi lạy Chúa, chúng con sẽ chịu thử thách nhưng không bị lung lay.
Và, dù cho bất cứ nỗi buồn nào, chúng con sẽ được củng cố trong hy vọng, vì có Ngài, thập giá cũng dẫn đến sự phục sinh,
bởi Ngài ở cùng chúng con trong màn đêm u tối; Ngài chính là sự vững vàng giữa những điều không chắc chắn của chúng con;
Ngài là lời nói phát ra trong cơn thinh lặng của chúng con; và không gì có thể lấy đi tình yêu Ngài dành cho chúng con.
Đây là sứ điệp Phục Sinh, sứ điệp của hy vọng.
Sứ điệp này chứa một phần nữa, đó là sứ mạng được sai đi.
Đức Giê-su bảo các phụ nữ: “Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê”(Mt 28:10).
Thiên thần đã báo trước: “Người đi Ga-li-lê trước các ông”(Câu 7).
Chúa đi trước chúng ta.
Thật đáng khích lệ khi biết rằng Ngài đi trước chúng ta trong cuộc sống và trong cái chết; Ngài đến Galilê trước chúng ta.
Với Đức Giê-su và các môn đệ, nơi này gợi nhớ tới cuộc sống hàng ngày, tới gia đình và công việc.
Chúa Giêsu muốn chúng ta mang lại hy vọng ở đó, cho cuộc sống hàng ngày của chúng ta.
Đối với các môn đệ, Galilê cũng là nơi đáng nhớ, vì đó là nơi đầu tiên họ được kêu gọi.
Trở về Galilê có nghĩa là nhớ rằng chúng ta đã được Thiên Chúa yêu thương và kêu gọi.
Chúng ta cần tiếp tục cuộc hành trình, nhắc nhở bản thân rằng
chúng ta được sinh ra và tái sinh nhờ một lời mời gọi được trao tặng nhưng không cho chúng ta vì tình yêu.
Đây luôn là điểm mà chúng ta luôn có thể làm mới lại, đặc biệt là trong thời kỳ khủng hoảng và thử thách.
Nhưng còn hơn thế nữa. Galilê là khu vực xa nhất tính từ chỗ họ đang ở, tức từ Jerusalem.
Và không chỉ về mặt địa lý. Galilê cũng là nơi cách xa sự thánh thiêng của Thành Thánh nhất.
Đó là khu vực của những người thuộc các tôn giáo khác nhau sinh sống: đó là “Galilee của Dân Ngoại” (Mt 4:15).
Chúa Giêsu sai họ đến đó và yêu cầu họ bắt đầu lại từ đó.
Điều này nói gì với chúng ta?
Nó nói rằng thông điệp hy vọng không nên bị giới hạn vào những chốn thánh thiêng của riêng chúng ta, mà cần được mang đến cho mọi người.
Bởi vì tất cả mọi người đang cần sự trấn an,
và nếu chúng ta, những người đã chạm được vào “Lời của sự sống”(1Ga 1: 1), không trao ban sự trấn an đó thì ai sẽ làm thay?
Đẹp biết bao khi trở thành những Kitô hữu mang đến sự an ủi, trở thành người mang vác gánh nặng của người khác, và thành người khích lệ:
đó là những sứ giả của sự sống trong thời điểm chết chóc!
Ước gì chúng ta có thể mang lời ca sự sống đến mọi thứ ‘Galilee’,
mọi khu vực của gia đình nhân loại mà tất cả chúng ta thuộc về và là một phần của chúng ta, vì tất cả chúng ta đều là anh chị em.
Chúng ta hãy làm cho những kêu gào của sự chết phải im lặng; cho mọi thứ chiến tranh phải dừng lại!
Ước gì chúng ta có thể ngừng sản xuất và buôn bán vũ khí, vì chúng ta cần lương thực chứ không phải súng ống!
Hãy kết thúc việc phá thai và giết hại người vô tội.
Ước gì trái tim của những người dư dả có đủ sự cởi mở để trao ban các nhu cầu thiết yếu vào những đôi tay trống trơn của người nghèo.
Sau hết, những phụ nữ đó đã níu giữ chân Chúa Giê-su (Mt 28: 9).
Đó là đôi chân đã đi rất xa để gặp gỡ chúng ta: đến tận mức đi vào và trỗi dậy từ ngôi mộ.
Những phụ nữ ôm lấy đôi chân đã giẫm đạp cái chết và đã mở ra con đường hy vọng.
Hôm nay, như những người lữ hành tìm kiếm hy vọng, chúng con muốn bám vào Ngài, lạy Đức Giê-su Phục Sinh!
Chúng con quay lưng với cái chết và mở rộng trái tim cho Ngài, vì chính Ngài là Sự Sống.
PHẦN PHỤNG VỤ THÁNH THỂ
PHẦN KẾT LỄ
SỨ ĐIỆP PHỤC SINH
Sau lễ khoảng 7 phút, ĐTC cùng với phụng tế đoàn trở lại.
Nhưng không phải trước Bàn Thờ vừa Dâng Lễ, mà là ở trước Bàn Thờ giữa Đền Thờ,
nơi Đức Thánh Cha trao ngỏ Sứ Điệp Phục Sinh của ngài và ban Phép Lành Urbi et Orbi (thành Roma và thế giới).
Dưới đây là Sứ Điệp Phục Sinh của ngài:
Anh chị em thân mến, tôi xin gởi lời chúc mừng Phục Sinh đến toàn thể anh chị em!
Hôm nay khắp thế giới vang vọng lời loan báo của Giáo Hội: “Đức Giêsu Kitô đã phục sinh!” – “Ngài đã thực sự phục sinh!”
Như một ánh lửa mới, Tin Mừng này được thắp lên trong đêm tối:
đêm tối của thế giới đang ở trong những thách đố mang tính thời đại
và giờ đây còn bị bủa vây bởi dịch bệnh khiến cho cả gia đình nhân loại rơi vào thử thách tột cùng.
Trong đêm tối ấy, lời loan báo của Giáo Hội lại vang vọng:
“Đức Kitô, niềm hy vọng của tôi, đã phục sinh!”
Lời loan báo ấy là một sự “lây lan” khác, từ con tim đến con tim,
bởi mọi con tim nhân loại đang chờ đợi Tin Mừng này.
Đây là sự loan truyền của niềm hy vọng:
“Đức Kitô, niềm hy vọng của tôi, đã phục sinh!”
Đây không phải là một công thức phù phép làm tan biến mọi khó khăn.
Không phải như thế, sự phục sinh của Đức Kitô không phải như vậy.
Niềm vui phục sinh là sự vinh thắng của tình yêu trước cội rễ của sự dữ,
một chiến thắng không “đè bẹp” đau khổ và cái chết,
nhưng vượt qua chúng ngang qua ngả đường nơi vực thẳm, ngang qua việc cải tà quy chính,
đó chính là quyền năng tuyệt đối của Thiên Chúa.
Đấng Phục Sinh chính là Đấng Chịu Đóng Đinh, không phải ai khác.
Thân thể phục sinh của Ngài vẫn mang những vết thương không thể xoá nhoà,
những vết thương trở thành nguồn cội của niềm hy vọng.
Chúng ta hãy chạy đến với Ngài để Ngài chữa lành những tổn thương chúng ta phải chịu.
Hôm nay, tôi muốn nhớ đến cách đặc biệt những ai bị ảnh hưởng trực tiếp bởi corona virus:
những bệnh nhân, những người đã qua đời và gia quyến đang khóc thương họ, những người mà thậm chí họ không thể nói lời từ biệt sau cùng.
Xin Thiên Chúa của sự sống đón nhận vào vương quốc Ngài
tất cả những ai qua đời và ban an ủi và hy vọng cho những ai còn trong thử thách, nhất là những người cao niên và đơn chiếc.
Xin Chúa cũng không quên an ủi và trợ lực những ai trong hoàn cảnh hiểm nguy,
đó là những nhân viên bệnh viện, những ai sống trong quân đội và nhà tù.
Đối với nhiều người, sẽ là một lễ Phục Sinh trong cô đơn,
sống giữa nước mắt và đau khổ do dịch bệnh gây ra, từ những đau khổ thể lý đến khó khăn tài chính.
Dịch bệnh tước đi không chỉ người thân yêu của chúng ta,
mà còn cả cơ hội nối kết con người đến nguồn ai ủi phát sinh từ các Bí Tích,
đặc biệt là Bí Tích Thánh Thể và Bí Tích Hoà Giải.
Nhiều nơi giáo dân không thể đến với các bí tích này,
nhưng Thiên Chúa không để chúng ta đơn côi!
Chúng ta liên đới trong lời cầu nguyện, chúng ta biết chắc rằng Ngài đặt bàn tay trên ta (x. Tv. 138, 5),
luôn nhắc nhớ chúng ta: đừng sợ, “Thầy đã phục sinh và luôn ở bên con!” (x. Sách lễ Roma)
Lạy Đức Giêsu, Đấng Phục Sinh,
xin ban sức mạnh và hy vọng cho các bác sỹ, y tá khắp nơi,
những người đang thực hành chứng tá bác ái và liên đới với tha nhân với tất cả sức lực của mình và ngay cả đến hy sinh sức khoẻ bản thân.
Chúng ta hướng đến họ với niềm cảm kích và tri ân,
những người đang làm việc không ngừng nghỉ để bảo đảm những nhu cầu thiết yếu cho đời sống xã hội, cho sự ổn định
và tri ân đến lực lượng quân đội mà ở nhiều nước, họ đang góp phần giải quyết những khó khăn và đau khổ của tha nhân.
Trong những tuần này, cuộc sống của nhiều triệu người bị thay đổi cách miễn cưỡng.
Đối với nhiều người, ở nhà là cơ hội để suy gẫm,
để giảm bớt nhịp sống tất bật thường ngày,
để ở với người thân và trân quý thời gian bên nhau.
Tuy vậy, với nhiều người lại là thời điểm đầy lo lắng bởi tương lai phía trước thật vô định,
việc có thể bị đình chỉ và những hệ quả khác của cuộc khủng hoảng hiện tại.
Tôi khuyến nghị những ai có trách nhiệm chính trị dấn thân hết mình cho an sinh của người dân,
cung cấp phương tiện và hỗ trợ cần thiết để đi đến đồng thuận về một cuộc sống đúng nhân phẩm và hướng đến,
khi điều kiện cho phép, việc trở lại nhịp sống thường ngày.
Đây không phải là thời điểm của sự vô tâm, bởi cả thế giới đang đau khổ và phải hiệp nhất chống lại bệnh dịch.
Xin Đức Giêsu phục sinh ban tặng niềm hy vọng cho tất cả người nghèo,
những ai đang sống ở vùng xa, những người tị nạn và người vô gia cư.
Ước gì những anh chị em thiệt thòi nhất không bị bỏ rơi, họ có thể được nhận ra ở các thành phố, vùng ven đô khắp nơi trên thế giới.
Chúng ta không để họ thiếu thốn những nhu cầu thiết yếu,
những điều mà hiện tại rất khó đáp ứng vì nhiều hoạt động bị đình chỉ, cũng như thuốc men và nhất là trợ giúp y tế cần thiết.
Trước tình hình hiện tại, ước gì các lệnh trừng phạt quốc tế được nới lỏng,
những lệnh ngăn cản các Quốc gia hỗ trợ công dân của mình và hỗ trợ các Nước,
nhất là những nước nghèo nhất, đối diện với nhu cầu hiện tại
bằng cách giảm bớt, nếu không thể xoá bỏ, khoản nợ đang làm cho tình hình thêm khó khăn.
Đây không phải thời điểm của ích kỷ, bởi vấn đề chúng ta đang đối diện liên hệ đến tất cả và không phân biệt ai.
Trong nhiều nơi trên thế giới bị thiệt hại do corona virus, tôi bày tỏ tâm tình đặc biệt đến Châu Âu.
Sau Chiến Tranh Thế Giới lần thứ hai, châu lục quý mến này có thể hồi sinh là nhờ tinh thần liên đới cụ thể giúp vượt qua xung đột quá khứ.
Hơn lúc nào hết, trong tình hình hiện tại, những xung đột ấy không được phép tái hiện,
nhưng mọi người cần nhận ra mình là một phần của một gia đình duy nhất và cần giúp đỡ lẫn nhau.
Hiện tai, Châu Âu đang đối diện với một thử thách thời đại, quyết định không chỉ tương lai của mình mà còn của cả thế giới.
Ước mong chúng ta không được đánh mất cơ hội thể hiện nỗ lực liên đới, ngay cả khi phải thử đến những hướng giải quyết mới.
Nếu không sẽ rơi vào chủ nghĩa ích kỷ của tư lợi và cám dỗ trở về với quá khứ,
cùng với nguy cơ phá vỡ tương giao hoà bình và phát triển cho các thế hệ kế tiếp.
Đây không phải thời điểm của chia rẽ.
Xin Đức Kitô, hoà bình của chúng ta, soi sáng những ai có trách nhiệm trong các xung đột,
hầu chúng ta có đủ can đảm tuân thủ lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu và ngay lập tức trên khắp thế giới.
Đây không phải là thời điểm để tiếp tục sản xuất và buôn bán vũ khí,
sử dụng những khoản đầu tư lớn mà đáng lẽ phải được dùng để chăm lo cho con người và cứu vớt mạng sống.
Ước gì đây là lúc để kết thúc cuộc chiến dai dẳng đã nhuốm máu cả Syria,
kết thúc xung đột ở Yemen và kết thúc những căng thẳng ở Iraq cũng như ở Liban.
Cầu mong đây là lúc Israen và Palestine nối lại đàm phán
để tìm ra hướng giải quyết lâu dài và ổn định để cả hai bên được sống trong hoà bình.
Cũng là lúc ngừng lại những đau khổ của dân chúng ở các vùng phía đông Ucraina
và ngừng các cuộc tấn công khủng bố nhắm vào người vô tội ở nhiều nước của Phi Châu.
Đây không phải là thời điểm của lãng quên.
Cuộc khủng hoảng chúng ta đang đối diện không làm chúng ta quên đi nhiều tiếng kêu cứu của rất nhiều người đau khổ khác.
Xin Thiên Chúa hằng sống đến với các dân tộc ở Châu Á và Châu Phi,
những nơi đang trải qua khủng khoảng nhân đạo, như ở vùng Cabo Delgado, phía bắc Mozambic.
Xin Chúa sưởi ấm tâm hồn những ai đang chịu tị nạn và di dời vì chiến tranh, hạn hán và đói kém.
Xin Chúa che chở những người tị nạn và di dân,
trong số họ có rất nhiều trẻ em, đang sống trong cảnh cơ cực, đặc biệt là ở Libia và ở vùng biên giới giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.
Cầu mong cho Venezuela có thể đạt đến những giải pháp cụ thể và mau chóng,
nhiều khi cần đến trợ giúp quốc tế đối với dân tộc đang chịu cảnh đau khổ do tình hình chính trị, kinh tế-xã hội và y tế gây ra.
Anh chị em thân mến,
Vô tâm, ích kỷ, chia rẽ, lãng quên thực sự không phải là những ngôn từ mà chúng ta muốn nghe lúc này.
Chúng ta muốn cấm nói đến chúng luôn mãi!
Những từ ngữ này dường như chiếm ưu thế khi nơi chúng ta,
lo sợ và cái chết đang thắng thế, khi chúng ta không để cho Đức Giêsu ngự trị trong con tim và đời sống chúng ta.
Ngài đã chiến thắng sự chết và mở ra cho chúng ta con đường dẫn đến ơn cứu độ vĩnh cửu,
xoá đi bóng tối của kiếp nhân sinh và dẫn đưa con người tới ngày vinh thắng không bao giờ tàn lụi.
https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-04/thong-diep-phuc-sinh-2020.html
ĐHY nói về Ơn Toàn Xá bao gồm điềi kiện lãnh nhận, và ban cho những ai tham dự trực tiếp hay trực tuyến bấy giờ.
Như hôm Thứ Sáu 27/3/2020, khi ban Phép Lành Orbit et Orbit có Ơn Toàn Xá, bao giờ ĐTC cũng đeo thêm Giây Stola
Ngài đọc lời nguyện trước khi ban Phép Lành Toàn xá
DEO GRACIAS - ALLELUIA
Nếu cần xin xem lại Thánh Lễ Chúa Nhật Phục Sinh Trực Tuyến 11 Sáng Roma Ngày 12/4/2020 ở cái link dưới đây
https://www.youtube.com/watch?v=wg7oDVeP8hs&feature=youtu.be
Nếu cần xin xem lại Thánh Lễ Vọng Phục Sinh Trực Tuyến 9 Giờ Tối Roma Ngày Thứ Bảy 11/4/2020 ở cái link dưới đây
Nếu cần xin xem lại Tuần Thánh (Chúa Nhật Lễ Lá, Thứ 5 và Thứ 6) qua Hình Ảnh Trực Tuyến kèm thêm Youtube
ở những cái links dưới đây:
Đường Thánh Giá Thứ Sáu Tuần Thánh ngày 10/4/2020 ở Quảng Trường Thánh Phêrô
https://www.youtube.com/watch?v=AwWuNG7jMnc (chỉ youtube trực tuyến)