ĐẠI DỊCH COVID-19 SẼ ĐI VỀ ĐÂU?
ĐẠI DỊCH COVID-19: MỘT DIỄN TIẾN CÀNG THÊM TỒI TỆ
ĐẠI DỊCH COVID-19: MỘT TẬP DƯỢT HƯỚNG VỀ TƯƠNG LAI....?
Chưa bao giờ tin tức ở trên tất cả các báo chí, nhất là báo điện tử, lại tràn ngập về Đại Dịch Covid-19 như hiện nay, từ đầu năm cho tới bây giờ, càng ngày càng nhiều. Đấy mới là một "dấu chỉ thời đại" nhè nhẹ thôi, từ Đấng Quan Phòng Thần Linh thương xót muốn nhắc nhở và đánh động con người văn minh duy vật và duy nhân bản ngày nay, con người chỉ biết có hưởng thụ và tôn sùng nữ thần tự do, chỉ biết có quyền làm người hơn là tình người. Nếu mới chỉ xuất hiện con vi khuẩn tật nguyền corona mà đã khiến toàn thể loài người, từ đệ nhất cường quốc Hoa Kỳ đến tận cùng trái đất này, đã trở nên kinh hoàng và hoảng loạn lên như thế, thì thử hỏi cho đến khi "mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống và các quyền lực trên trời bị lay chuyển" (Mathêu 24:29), họ sẽ vô cùng khốn nạn đến đâu!
Bấy giờ, tất cả trời đất hầu như bao la bất tận này, chứ không riêng gì mảnh hành tinh trái đất bé nhỏ tí xíu của chúng ta đây, sẽ trở thành tối tăm mù mịt chưa từng có, tối tăm phải nói rằng hơn cả hình phạt thứ 9 Thiên Chúa đã giáng xuống trên dân nước Ai Cập ngày xưa, vì họ không chịu để cho dân của Ngài ra đi: "Trong ba ngày, người ta không nhìn thấy nhau và không ai rời chỗ mình được" (Xuất Hành 10:23). Giả sử loài người không chịu ăn năn thống hối, qua những dấu chỉ thời đại khởi đầu và nhẹ nhàng, như Đại Dịch Covid-19 này, trái lại, cứ tiếp tục sống vô thần duy vật, đến độ Thiên Chúa không thể không sử dụng đến thứ hình phạt khủng khiếp nhất, gần như là cuối cùng này, ngay trước khi Chúa Kitô Tái Giáng: "Bấy giờ, dấu hiệu của Con Người sẽ xuất hiện trên trời" (Mathêu 24:30), thì thử hỏi con người bấy giờ ra sao?
Hiện nay, trong Nạn Đại Dịch Covid-19 này, cho dù cả nước, như Ý quốc hay Tây Ban Nha, được lệnh phong tỏa để phòng chống dịch bệnh bao nhiêu có thể, và cho dù các giáo phận trên thế giới nói chung, điển hình là ở Ý quốc và Hoa Kỳ, có những nơi chẳng những không có lễ (suspension), hay có lễ lại không buộc tham dự (dispension), mà còn không được vào nhà thờ để chầu Chúa hay cầu nguyện, chẳng hạn như ở Giáo Phận San Bernardino California, nơi người viết đang sống v.v., người ta vẫn còn có thể dự lễ online, vẫn còn có thể theo dõi tin tức qua truyền thanh, truyền hình, website, vẫn còn có thể liên lạc với nhau bằng điện thoại, điện thư hay facebook, vẫn còn được học online và được làm việc ở nhà online v.v. Thế nhưng, thử hỏi vào lúc "mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống và các quyền lực trên trời bị lay chuyển", có còn sóng, còn wifi, còn nhiệt năng, còn điện lực v.v. để họ bấy giờ tiếp tục sử dụng các phương tiện truyền thông, các thứ máy móc, các phương tiện di chuyển (cả trên đất, trên biển và trên không) nữa hay chăng. Thậm chí có dự trữ lương thực, như thời Covid-19 hiện nay, cả năm ăn không hết, cũng bằng thừa, chỉ thành rác, bởi vì, bấy giờ họ sống trong tối đen đến độ "không nhìn thấy nhau và không ai rời chỗ mình được".
ĐẠI DỊCH COVID-19: MỘT CƠ HỘI TIN TƯỞNG NGUYỆN CẦU!
Đối với Kitô hữu Công giáo, để có thể tồn tại qua bất cứ gian nan thử thách nào trong cuộc hành trình đức tin của mình, cũng như của chung cộng đồng dân Chúa, và cộng đồng nhân loại, họ đều sử dụng phương pháp bất khả thiếu là cầu nguyện, với tất cả lòng tin tưởng của mình, vì họ tin rằng những gì con người bất lực và bất khả thì "đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được" (Luca 1:37). Và đó là lý do mới có các kinh nguyện đã được phổ biến trong cộng đồng dân Chúa, đặc biệt nhất là của Đức Thánh Cha Phanxicô, như đã được phổ biến trong bài "Một khi Thiên Chúa thương xót nhắc nhở và cảnh báo - Đại dịch Covid-19", hay của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam như sau:
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi toàn năng
chúng con đang họp nhau cầu nguyện,
tha thiết nài xin cho cơn dịch bệnh mau chấm dứt.
Lạy Chúa Cha giàu lòng thương xót
xin nhìn đến nỗi thống khổ
của đoàn con trên khắp thế giới,
đặc biệt tại những nơi dịch bệnh đang hoành hành.
Xin củng cố đức tin của chúng con,
cho chúng con hoàn toàn tín thác
vào tình yêu quan phòng của Cha.
Lạy Chúa Giêsu là Đấng cứu độ duy nhất,
là vị lương y đầy quyền năng và lòng thương xót,
xin thương cho các bệnh nhân sớm được chữa lành,
và an ủi các gia đình đang gặp khó khăn thử thách.
Xin cho lời chúng con khiêm tốn cầu nguyện,
được chạm tới trái tim nhân lành của Chúa,
xin giảm bớt gánh nặng khổ đau,
và cho chúng con cảm nhận được bàn tay Chúa
đang ân cần nâng đỡ chúng con.
Lạy Chúa Thánh Thần là nguồn sức mạnh tình yêu,
xin soi sáng các vị hữu trách và những người có khả năng,
giúp họ sớm tìm ra phương thuốc chữa trị dịch bệnh,
xin ban cho các bác sĩ và nhân viên y tế
sức mạnh của tình thương và lòng nhiệt thành quảng đại,
luôn tận tâm tận lực phục vụ các bệnh nhân.
Chúng con xin trao vào đôi tay từ mẫu của Mẹ Maria,
những lời khẩn nguyện trong cơn đại nạn,
nhờ lời Đức Mẹ chuyển cầu,
xin Chúa nhận lời chúng con. Amen
Bà Rịa, ngày 17-02-2020
Có một số Kitô hữu Công giáo còn nhớ đến Thánh Nữ Tử Đạo Corona, không ngờ trùng tên với vi khuẩn corona trong nạn Đại Dịch Covid-19 hiện nay, một vị thánh vẫn được công nhận là Thánh Quan Thày của các cơn dịch bệnh. Ngài là vợ của một binh lính, và người chồng của ngài không hề biết ngài là Kitô hữu. Ngài được phúc tử đạo năm 170, lúc ngài gần 16 tuổi, dưới thời hoàng đế Roma Marcus Aurelius. Thánh nhân được tôn sùng ở Austria và Bavaria, như thánh quan thày cứu chữa dịch bệnh.
Hiện thánh tích của ngài còn được lưu giữ ở thành Anzu Bắc Ý, tâm chấn dịch bệnh corona ở Âu Châu nói chung và Ý quốc nói riêng. Lễ kính vị thánh này là ngày 14/5 hằng năm. Có thể tới ngày lễ của Thánh Corona, Quan Thày cứu chữa dịch bệnh, Đại Dịch Covid-19 sẽ chấm dứt, chẳng những ở Ý quốc mà còn trên toàn thế giới. Nếu thực tế cho thấy hiện nay, sau 3 tháng, từ 8/12/2019 đến giữa Tháng 3/2020, nạn dịch bệnh corona nguy hiểm và nguy tử quái ác này đã hầu như và kể như đã được vãn hồi ở Trung quốc, thì cũng trong khoảng 3 tháng, từ đầu tháng 2/2020 tới giữa Tháng 5/2020, dịp lễ của Thánh Corona 14/5/2020, vi khuẩn corona cũng biệt kính ngài mà hoàn toàn biến mất...
ĐẠI DỊCH COVID-19: MỘT ĐỨC TIN CHIẾN THẮNG SỰ DỮ!
Cho dù vi khuẩn corona có biến khuất sau cả nửa năm hoành hành thế giới (12/2019 - 5/2020), như một dấu chỉ thời đại, thế nhưng, nếu con người vẫn tiếp tục ngoan cố với tội lỗi của mình, lại còn tự phụ và tự hào, tưởng chỉ họ mới có đủ quyền lực đánh bại được thứ vi khuẩn corona rùng rợn, hơn là nhận thức được rằng Thiên Chúa đã nương tay lại, đã nhẫn nại cho họ một cơ hội nữa, nhờ lời nguyện cầu của Giáo Hội ở khắp nơi, nhất là nhờ những cái chết vô tội của một số người lành nào đó, như của 10 vị linh mục Ý quốc được tờ báo điện tử CNA đăng tải hôm 17/3/3020, thì họ sẽ không thể nào tránh khỏi những tai ương hoạn nạn chắc chắn sẽ tiếp tục xẩy ra cho họ, đúng hơn là sẽ ập xuống hay chụp xuống trên họ, còn khốn nạn hơn nạn đại dịch Covid-19 hiện nay gấp trăm ngàn lần. Bấy giờ họ có ăn năn thống hối cũng không còn kịp nữa, cũng phải đền tội của mình phạm đến Chúa một cách xứng đáng.
Tuy nhiên, đối với kẻ lành, họ chẳng những không sợ tai ương hoạn nạn, mà còn có thể lợi dụng chính những sự dữ ấy để sống đức tin tuân phục và đức ái trọn hảo hơn bao giờ hết và hơn ai hết, nhờ họ thực hành đúng như lời kêu gọi của Chúa Kitô về ngày cùng tháng tận: "Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc" (Luca 21:28), một cử chỉ cùng với thái độ thẳng đứng và ngẩng đầu một cách hiên ngang và trung kiến của "những ai bền đỗ đến cùng sẽ được cứu độ" (Mathêu 24:13). Điển hình nhất hiện nay đó là trong trường hợp họ ở những giáo phận chẳng những không có lễ cả ngày thường lẫn Chúa Nhật, mà còn không được vào nhà thờ để cầu nguyện và chầu Chúa, trong chính lúc tâm hồn họ cần đến Chúa hơn bao giờ hết, như vào lúc này đây, với cơn đại dịch Covid-19, thì họ vẫn có thể sống đức tin tuân phục và đức ái trọn hảo: ở chỗ nào và như thế nào?
Nếu không phải ở chỗ họ áp dụng thực hành lời Chúa Giêsu đã nhắc nhở và huấn dụ người đàn bà Samaria: "Đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem... Nhưng giờ đã đến - và chính là lúc này đây - giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần linh và chân lý, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần linh, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần linh và chân lý" (Gioan 4:21,23-24). Nghĩa là, đời sống đạo của họ, cũng là đời sống đức tin của họ, không còn lệ thuộc vào nơi chốn, vào phương tiện, vào những gì bên ngoài, hơn là vào chính cùng đích của họ là Thiên Chúa, vào Thánh Ý của Ngài, bằng một đời sống nội tâm, nơi Thiên Chúa thật sự hiện diện bởi Thần Linh của Ngài, Vị Thần Linh Chân Lý, Đấng sẽ dẫn họ vào tất cả sự thật là Chúa Kitô (xem Gioan 16:13, 14:6), nghĩa là Vị Thần Chân Lý ở trong họ ấy sẽ làm cho Chúa Kitô lớn lên trong họ, cho đến tấm vóc viên trọn của Người là Đầu (xem Epheso 4:15), đến độ, họ có thể nói: "Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà là Chúa Kitô sống trong tôi" (Galata 2:20)!
Đaminh Maria cao tấn tĩnh, BVL,
Giáo phận San Bernardino California ngày áp lễ Thánh Giuse 19/3/2020.