SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

 

Chia Sẻ Phụng Vụ Lời Chúa 
Mùa Thường Niên Tuần V Năm A và Chẵn
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL



Chúa Nhật


Lời Chúa


Bài Ðọc I: Is 58, 7-10

"Sự sáng của ngươi tỏ rạng như hừng đông".

Trích sách Tiên tri Isaia.

Này đây Chúa phán: "Hãy chia bánh của ngươi cho kẻ đói, hãy tiếp nhận vào nhà ngươi những kẻ bất hạnh không nhà ở; nếu ngươi gặp một người trần truồng, hãy cho họ mặc đồ vào, và đừng khinh bỉ xác thịt của ngươi. Như thế, sự sáng của ngươi tỏ rạng như hừng đông, các vết thương của ngươi sẽ lành nhanh chóng; công lý của ngươi sẽ đi trước mặt ngươi, vinh quang của Chúa sẽ hậu thuẫn cho ngươi. Như thế, ngươi gọi, Chúa sẽ trả lời; ngươi la lên, Chúa sẽ phán: "Này Ta đây". Nếu ngươi loại bỏ khỏi ngươi xiềng xích, cử chỉ hăm doạ, lời nói xấu xa, khi ngươi hy sinh cho người đói rách, và làm cho những người đau khổ được vui thích, thì ánh sáng của ngươi sẽ bừng lên trong bóng tối, và bóng tối sẽ trở thành như giữa ban ngày".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 111, 4-5. 6-7. 8a và 9

Ðáp: Trong u tối người xuất hiện như sự sáng soi kẻ lòng ngay (c. 4a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Trong u tối, người xuất hiện như sự sáng soi kẻ lòng ngay, người nhân hậu, từ bi và công chính. Phước đức cho người biết xót thương và cho vay, biết quản lý tài sản mình theo đức công bình. - Ðáp.

2) Cho tới đời đời người sẽ không nao núng: người hiền đức sẽ được ghi nhớ muôn đời. Người không kinh hãi vì nghe tin buồn thảm, lòng người vững vàng cậy trông vào Chúa. - Ðáp.

3) Lòng người kiên nghị, người không kinh hãi, người ban phát và bố thí cho những kẻ nghèo, lòng quảng đại của người muôn đời còn mãi, sừng người được ngẩng lên trong vinh quang. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: 1 Cr 2, 1-5

"Tôi đã công bố cho anh em bằng chứng của Chúa Kitô chịu đóng đinh".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, phần tôi, khi tôi đến với anh em, tôi không đến với uy thế của tài hùng biện hoặc của sự khôn ngoan; tôi đến công bố bằng chứng của Thiên Chúa. Thật vậy, tôi không cho là tôi biết điều gì khác giữa anh em, ngoài Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh. Phần tôi, chính trong sự yếu hèn, sợ hãi và run rẩy mà tôi đã đến với anh em; lời tôi nói và việc tôi rao giảng không dựa vào những lời quyến rũ của sự khôn ngoan loài người, nhưng dựa vào sự giãi bày của thần trí và quyền năng, để đức tin của anh em không dựa vào sự khôn ngoan loài người, nhưng dựa vào quyền năng của Thiên Chúa.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Ga 8, 12

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta là ánh sáng thế gian; ai theo Ta sẽ được ánh sáng ban sự sống". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 5, 13-16

"Các con là sự Sáng thế gian".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con là muối đất. Nếu muối đã lạt, người ta biết lấy gì mà ướp cho mặn lại? Muối đó không còn sử dụng vào việc chi nữa, chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó.

"Các con là sự sáng thế gian. Một thành phố xây dựng trên núi, không thể che giấu được. Và người ta cũng không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt nó trên giá đèn, hầu soi sáng cho mọi người trong nhà. Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời".

Ðó là lời Chúa.

 

Related image


Suy niệm

 

 

"Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ

- "Việc tôi rao giảng không dựa vào những lời quyến rũ của sự khôn ngoan loài người, nhưng dựa vào sự giãi bày của thần trí và quyền năng"

 

 

Bài Phúc Âm cho Chúa Nhật V Thường Niên Năm A hôm nay tiếp tục ngay sau bài Phúc Âm Chúa Nhật IV Thường Niên Năm A, một bài Phúc Âm về Các Phúc Đức Trọn Lành được Chúa Giêsu chỉ dạy riêng cho các môn đệ thân tín của Người, để các vị có thể "giảng dạy cho họ tất cả những gì Thày đã truyền dạy các con" (Mathêu 28:20), trước hết bằng đời sống chứng nhân của các vị, như "ánh sáng" chiếu tỏa trên "thế gian" này.  

Đúng thế, nội dung của những lời Chúa Giêsu tiếp tục dạy cho các môn đệ của Người trong bài Phúc Âm hôm nay (5:13-16) đã cho thấy rõ ý hướng của Người, như câu mở đầu của bài Phúc Âm Chúa Nhật tuần trước, tỏ lộ, ở chỗ Người dạy riêng cho các môn đệ nhưng nhắm đến lợi ích chung dân chúng và riêng đoàn chiên của các vị sau này: "Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng...". 

Đó là lý do Người đã khẳng định với các môn đệ của Người rằng: "Các con là muối đất. Nếu muối đã lạt, người ta biết lấy gì mà ướp cho mặn lại? Muối đó không còn xử dụng vào việc chi nữa, chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó. Các con là sự sáng thế gian. Một thành phố xây dựng trên núi, không thể che giấu được. Và người ta cũng không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt nó trên giá đèn, hầu soi sáng cho mọi người trong nhà. Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời". 

Chúa Giêsu đã ví các môn đệ của Người như "muối đất" và như "ánh sáng thế gian". Tại sao Người không đề cập đến "ánh sáng thế gian" trước mà là "muối đất" trước. Phải chăng Người có ý nói đến 2 phương diện tối yếu bất khả thiếu và bất khả phân ly của thành phần môn đệ được Người tuyển chọn, đó là phương diện nội tâm (cần phải có trước) và phương diện làm chứng (thành quả tất yếu đến sau)?  

Đúng vậy, nếu một người tông đồ mà không có đời sống nội tâm sâu xa mặn mà như "muối đất", trái lại, nội tâm của họ hết sức nông cạn, hời hợt, sống theo tình cảm, đầy ắp kiến thức suông, mang tâm tình tự phụ tự mãn v.v., chẳng kết hợp với Chúa Kitô và theo tác động thần linh của Chúa Thánh Thần, thì làm sao họ có thể có cùng một tâm tưởng của Chúa Kitô, có những lời nói sưởi ấm lòng người như Chúa Kitô, có những tác hành và phản ứng nhân ái yêu thương với Chúa Kitô, và vì thế họ không thể nào làm chứng cho Người theo đúng như ơn gọi và sứ vụ chuyên biệt trổi vượt cao cả của họ như "một thành phố xây dựng trên núi, không thể che giấu được nữa". 

Chính vì ý thức được thâm sâu những gì Chúa Giêsu truyền dạy như thế mà Giáo Hội, qua Công Đồng Chung Vaticanô II (11/10/1962 - 8/12/1965), đã khẳng định về căn tính và sứ vụ chính yếu bất khả thiếu của mình là "Ánh Sáng Chư Dân - Lumen Gentium", nhan đề của Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, một căn tính và sứ vụ chiếu soi muôn dân, sứ vụ làm chứng cho Chúa Kitô: "Tự bản chất, Giáo Hội lữ hành là truyền giáo" (Công Đồng Chung Vaticanô II - Sắc Lệnh 'Ad Gentes - Cho Chư Dân' về Việc Truyền Giáo của Giáo Hội - đoạn 2).

"Các con là ánh sáng" trở thành căn tính chính yếu và sứ vụ bất khả thiếu của các tông đồ trong Bài Phúc Âm hôm nay chỉ có thể trở thành hiện thực nơi từng vị tông đồ nói riêng và nơi thành phần môn đệ của Người nói chung nếu trước hết và trên hết họ không trở thành "muối đất". Đó là lý do Chúa Giêsu đã, theo thứ tự giáo huấn của Người, bảo các vị "là muối đất" trước khi "là ánh sáng thế gian". Nghĩa là, nếu "ánh sáng thế gian" ám chỉ sứ vụ làm chứng và truyền giáo của các vị, của Giáo Hội trước thế giới, thì "muối đất" ám chỉ đời sống nội tâm và bỏ mình khổ chế của các vị, nhất là việc các vị cần phải hy sinh đến bồi cho thế gian. Bởi vậy, nếu các vị không có một đời sống nội tâm như "muối đất" như thế làm sao các vị có thể trở thành "ánh sáng thế gian", hay ngược lại, làm cho thế gian càng ung thối hơn bởi gương mù gương xấu của các vị, như thành phần "phản kitô".

Chính vì chiều hướng "muối đất" và "ánh sáng thế gian" liên quan đến phần rỗi của nhân gian, đến đức ái trọn hảo như thế mà Bài Đọc 1 hôm nay cũng đã cho thấy ý nghĩa sâu xa của "ánh sáng" cần phải chiếu tỏa nhờ đức bác ái của những ai sống công chính như sau:

"Hãy chia bánh của ngươi cho kẻ đói, hãy tiếp nhận vào nhà ngươi những kẻ bất hạnh không nhà ở; nếu ngươi gặp một người trần truồng, hãy cho họ mặc đồ vào, và đừng khinh bỉ xác thịt của ngươi. Như thế, sự sáng của ngươi tỏ rạng như hừng đông, các vết thương của ngươi sẽ lành nhanh chóng; công lý của ngươi sẽ đi trước mặt ngươi, vinh quang của Chúa sẽ hậu thuẫn cho ngươi.... Nếu ngươi loại bỏ khỏi ngươi xiềng xích, cử chỉ hăm doạ, lời nói xấu xa, khi ngươi hy sinh cho người đói rách, và làm cho những người đau khổ được vui thích, thì ánh sáng của ngươi sẽ bừng lên trong bóng tối, và bóng tối sẽ trở thành như giữa ban ngày".

Bài Đáp Ca hôm nay cũng theo chiều hướng "ánh sáng" yêu thương của Bài Đọc 1 như sau: "Trong u tối, người xuất hiện như sự sáng soi kẻ lòng ngay, người nhân hậu, từ bi và công chính. Phước đức cho người biết xót thương và cho vay, biết quản lý tài sản mình theo đức công bình" (câu 1), và "Lòng người kiên nghị, người không kinh hãi, người ban phát và bố thí cho những kẻ nghèo, lòng quảng đại của người muôn đời còn mãi, sừng người được ngẩng lên trong vinh quang" (câu 2).

"Các con là ánh sáng thế gian", như Chúa Kitô khẳng định về căn tính của thành phần môn đệ tông đồ của Người, đã được thực sự thể hiện rạng ngời nơi một vị tông đồ được chính Người sai đi như "Ta sẽ làm cho con trở thành ánh sáng chư dân để mang ơn cứu độ cho đến tận cùng trái đất"  (Tông Vụ 13:47), đó là vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô, một vị tông đồ đã sống ơn gọi và sứ vụ là "ánh sáng chư dân" của mình như chính ngài tỏ lộ ở Bài Đọc 2 hôm nay như sau:

"Anh em thân mến, phần tôi, khi tôi đến với anh em, tôi không đến với uy thế của tài hùng biện hoặc của sự khôn ngoan; tôi đến công bố bằng chứng của Thiên Chúa. Thật vậy, tôi không cho là tôi biết điều gì khác giữa anh em, ngoài Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh. Phần tôi, chính trong sự yếu hèn, sợ hãi và run rẩy mà tôi đã đến với anh em; lời tôi nói và việc tôi rao giảng không dựa vào những lời quyến rũ của sự khôn ngoan loài người, nhưng dựa vào sự giãi bày của thần trí và quyền năng, để đức tin của anh em không dựa vào sự khôn ngoan loài người, nhưng dựa vào quyền năng của Thiên Chúa".

 

Kitô hữu cần phải là một con người sáng ngời

 

Trong đoạn Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay, ngay sau các Phúc Đức Trọn Lành, Chúa Giêsu nói cùng các môn đệ của Người rằng: "Các con là muối đất... Các con là ánh sáng thế gian" (Mt 5:13-14). Điều này khiến chúng ta hơi lạ lùng một chút khi chúng ta nghĩ đến những ai bấy giờ ở trước mặt Chúa Giêsu khi Người nói những lời ấy. Thành phần môn đệ ấy là những ai? Họ là thành phần đánh cá, là thành phần đơn sơ chất phác... Thế nhưng, Chúa Giêsu nhìn họ bằng con mắt của Thiên Chúa, và chủ trương của Người có thể hiểu được một cách chính xác như là thành quả của các Phúc Đức Trọn Lành. Người muốn nói rằng: Nếu các con nghèo khó trong tinh thần, nếu các con hiền lành, nếu các con tinh tuyền trong lòng, nếu các con từ bi thương xót... các con sẽ là muối đất và là ánh sáng thế gian!

 

... Chúng ta, những Kitô hữu đã chịu Phép Rửa, là thành phần môn đệ thừa sai và chúng ta được kêu gọi để trở nên một Phúc Âm sống động trên thế giới này: bằng một đời sống thánh thiện, chúng ta sẽ "ướp" các môi trường khác nhau và bênh vực chúng khỏi bị băng rữa như muối gây tác dụng vậy; và chúng ta sẽ mang ánh sáng của Chúa Kitô bằng chứng từ bác ái chân thực..... Kitô hữu cần phải là một con người sáng ngời, một con người cưu mang ánh sáng, một con người luôn tỏa sáng! Một thứ ánh sáng không phải của họ mà là tặng ân từ Thiên Chúa, một tặng ân từ Chúa Giêsu. Chúng ta chất chứa ánh sáng ấy. Nếu Kitô hữu làm tắt lịm ánh sáng này thì đời sống của họ vô nghĩa: họ là một Kitô hữu chỉ có tên mà thôi, một con người không chất chứa ánh sáng; đời sống của họ vô nghĩa. Giờ đây tôi muốn hỏi anh chị em rằng anh chị em muốn sống ra sao nhé? Như một cây đèn bừng cháy hay một cây đền không cháy? Cháy hay không? Anh chị em muốn sống ra sao đây? [Dân chúng đáp lại: Bừng cháy!] Như các cây đèn cháy sáng! Thực sự là Thiên Chúa đã ban cho chúng ta ánh sáng này và chúng ta cần phải cống hiến nó cho những người khác. Đó là ơn gọi của Kitô hữu vậy.

 

 

http://w2.vatican.va/content/francesco/en/angelus/2014/documents/papa-francesco_angelus_20140209.html
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL chuyển dịch

 

 

 


 

Thứ Hai


Phụng Vụ Lời Chúa


Bài Ðọc I: (Năm II) 1 V 8, 1-7. 9-13

"Họ mang hòm bia Thiên Chúa vào nơi Cực Thánh, và mây bao phủ nhà Chúa".

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, các kỳ lão Israel, cùng những thủ lãnh các chi họ và những trưởng gia tộc con cái Israel đều tề tựu trước mặt vua tại Giêrusalem, để cung nghinh hòm bia Thiên Chúa từ thành Ðavít, tức là thành Sion. Trong ngày đại lễ, nhằm tháng Ethanim, tức tháng bảy, toàn dân Israel tụ họp quanh vua Salomon. Khi các kỳ lão Israel đến, các tư tế liền khiêng hòm bia, và mang hòm bia Chúa đi, mang cả nhà tạm giao ước và tất cả những đồ thánh trong nhà tạm; các tư tế và các thầy Lêvi phụ trách khiêng đi.

Vua Salomon và toàn dân Israel tề tựu quanh ngài, tiến đi với ngài trước hòm bia, và tế lễ vô số chiên bò không kể xiết. Các tư tế khiêng hòm bia Thiên Chúa đặt vào nơi đã chỉ định tại đền thờ, nơi cực thánh, dưới cánh các tượng vệ binh thần. Các tượng này giang cánh trên nơi để hòm bia, và che phủ hòm bia và các đòn khiêng. Trong hòm bia không có gì khác ngoài hai bia đá mà Môsê đã đặt vào hòm ở núi Horeb, lúc Chúa lập giao ước với con cái Israel khi họ ra khỏi đất Ai-cập. Khi các tư tế lui ra khỏi cung thánh, thì có mây bao phủ nhà Chúa. Vì mây mù, nên các tư tế không thể đứng đó mà thi hành chức vụ: vì vinh quang của Chúa tràn đầy nhà Chúa. Bấy giờ Salomon nói rằng: "Chúa đã từng phán sẽ ngự trong đám mây. Vậy tôi đã xây cất ngôi nhà làm nơi ở cho Chúa, một nơi vững chắc Chúa ngự đến muôi đời".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 131, 6-7. 8-10

Ðáp: Lạy Chúa, xin lên đường đi tới nơi an nghỉ (c. 8a).

Xướng: 1) Ðây là điều chúng tôi đã nghe nói tại Ephrata, chúng tôi đã gặp thấy nơi đồng ruộng Gia-ar. Chúng ta hãy tiến vào nhà Chúa, hãy sụp lạy trước bệ dưới chân Ngài. - Ðáp.

2) Lạy Chúa, xin lên đường đi tới nơi an nghỉ, Chúa và Hòm Bia oai quyền của Chúa cùng đi! Các tư tế của Ngài hãy mặc lấy lòng đạo đức, và các tín đồ của Ngài hãy mừng rỡ hân hoan. Xin vì Ðavít là tôi tớ Chúa, Chúa đừng hắt hủi người được Chúa xức dầu. - Ðáp.

 

Alleluia: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 6, 53-56

"Tất cả những ai chạm tới Người, đều được khỏi bệnh".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ qua biển rồi, các ngài tới miền Giênêsarét và ghé bến. Các ngài lên khỏi thuyền, tức thì người ta nhận ra Người, họ liền rảo chạy khắp miền, và nghe tin Người ở đâu thì khiêng những người đau yếu nằm trên chõng đến đó. Bất cứ Người vào làng trại hay đô thị nào, người ta cũng đặt các bệnh nhân ở các nơi công cộng và xin Người cho họ ít là được chạm tới gấu áo Người, và tất cả những ai chạm tới Người, đều được khỏi bệnh.

Ðó là lời Chúa.

 


   

Suy nghiệm Lời Chúa

 

    Đức Kitô Thần Lực    


Hôm nay, Thứ Hai Tuần V Thường Niên, chủ đề "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" cho chung Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh kéo dài tới Thứ Tư Lễ Tro mở đầu Mùa Chay hằng năm, lại càng rõ nét hơn bao giờ nơi Bài Phúc Âm hôm nay, một bài phúc âm được Thánh ký Marco thuật lại về quyền năng chữa lành của Người như sau:

"Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ qua biển rồi, các ngài tới miền Giênêsarét và ghé bến. Các ngài lên khỏi thuyền, tức thì người ta nhận ra Người, họ liền rảo chạy khắp miền, và nghe tin Người ở đâu thì khiêng những người đau yếu nằm trên chõng đến đó. Bất cứ Người vào làng trại hay đô thị nào, người ta cũng đặt các bệnh nhân ở các nơi công cộng và xin Người cho họ ít là được chạm tới gấu áo Người, và tất cả những ai chạm tới Người, đều được khỏi bệnh".

Thật vậy, cảnh tượng được Bài Phúc Âm hôm nay trình thuật đã làm cho chúng ta thấy được hình ảnh đáng thương của thành phần dân chúng đau khổ bởi tật nguyền bệnh nạn cần được chữa lành luôn sống trong hy vọng, đợi chờ và tìm kiếm Đấng Cứu Tinh của mình: "nghe tin Người ở đâu thì khiêng những người đau yếu nằm trên chõng đến đó. Bất cứ Người vào làng trại hay đô thị nào, người ta cũng đặt các bệnh nhân ở các nơi công cộng". 

Bài Phúc Âm hôm nay còn cho thấy cả hình ảnh chính yếu về một Đấng Cứu Thế đầy quyền lực, đến độ Người không cần trực tiếp giơ tay đụng đến bất cứ một bệnh nhân hay một người bị tật nguyền nào, thế mà họ vẫn được chữa lành, chỉ cần họ tin tưởng sờ đến gấu áo của Người (chứ không phải hay không cần chạm đến thân xác của Người) là đủ: "tất cả những ai chạm tới Người, đều được khỏi bệnh".

Hiện tượng chữa lành hay được chữa lành kiểu mới, hoàn toàn không theo truyền thống này, xuất phát từ sáng kiến và hành động đầy đức tin của người đàn bà bị bệnh loạn huyết 12 năm ở bài Phúc Âm Thứ Tư tuần trước, một người đàn bà đã được Chúa Giêsu có ý công khai hóa việc bà làm giữa một đám thật đông đang chen nhau theo Người lúc ấy. Biết được cái mẹo vặt mà tuyệt này, dân chúng bảo nhau làm, vừa giản tiện vừa mau chóng nữa, giúp cho chính Chúa Giêsu cũng có thể nhờ đó chữa lành nhiều người trong một thời gian ngắn. 

Hiện tượng chữa lành như trong bài Phúc Âm hôm nay còn xẩy ra cả ở nơi Thánh Tông Đồ Phêrô nữa, như Sách Tông Vụ thuật lại ở đoạn 5 câu 15-16, một vị thánh có một thần lực đến độ cả đến bóng của ngài đi ngang qua phủ trên ai thì người ấy được chữa lành, một thần lực bề ngoài có thể hơn cả chính bản thân Chúa Kitô, Đấng đã khẳng định trước với các môn đệ ở Bữa Tiệc Ly rằng "ai tin vào Thày ... họ sẽ làm được những việc lớn lao hơn những gì Thày làm, vì Thày về cùng Cha(Gioan 14:12).

Đúng thế, cho dù thành phần tật nguyện bệnh hoạn không cần sờ đến gấu áo của Thánh Phêrô, như gấu áo của Chúa Kitô, mà chỉ cần được bóng của ngài thoáng qua thôi đã được chữa lành, thì thần lực xuất phát từ ngài cũng không phải tự ngài và của ngài, mà là bởi Chúa Kitô ở trong ngài, như cây nho thông nhựa sống của mình cho cành nho, nhờ đó và vì thế chỉ có cành nho (là các môn đệ của Người) mới sinh trái và mới có thể sinh hoa trái, chứ hoa trái không bao giờ xuất phát từ chính thân nho (là Chúa Kitô).

Vấn đề chính yếu ở đây có thể chứng thực Đức Giêsu Nazarét là "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" là thần lực của Người và là thần lực từ Người xuất phát, ngoài ra không bao giờ có một con người thuần túy nào ở trên đời này như Người, có thể chữa lành cho con người ta, không phải chỉ bằng cách trực tiếp đặt tay, đụng chạm đến con người cần được chữa lành, mà chỉ cần bằng gấu áo của Người, thậm chí còn qua cả thành phần môn đệ trung gian của Người sau này nữa.

Cách thức chữa lành bằng gấu áo và qua trung gian môn đệ như thế là hình bóng tiên báo về bản chất thần linh cùng tác dụng thần linh nơi các Bí Tích của Chúa Giêsu, những khí cụ thần linh được Người thiết lập để tiếp tục hiện diện với Giáo Hội cho đến tận thế, và qua thừa tác vụ của Giáo Hội trong việc cử hành cùng ban phát các Bí Tích Thánh, Người tiếp tục chữa lành cho chung nhân loại và riêng đàn chiên của Người, đến độ chính Giáo Hội đã trở thành bí tích cứu độ của Người và cho Người (xem Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 1).

Thế nhưng, về phần người được chữa lành hay muốn được chữa lành thì vấn đề quan trọng và then chốt đối với họ là tin tưởng. Bằng không, cho dù Chúa Kitô có thần lực đến đâu chăng nữa, Người cũng chẳng có tác dụng thần linh gì nơi họ, dù họ có tật nguyện bệnh nạn về cả phần xác lẫn phần hồn đáng thương đến đâu chăng nữa.

Như thế không phải là thần lực của Chúa Giêsu có giới hạn và bị bất lực trước những ai không chấp nhận Người, và do đó Người không làm gì được họ, cho dù Người hết sức muốn thông ban và cứu độ, trái lại, chính đương sự tự vô hiệu hóa thần lực cứu độ vô cùng linh hiệu của Người nơi bản thân của họ, và chính bản thân họ cũng chứng thực là thần lực chữa lành của Người chỉ giành cho người nào xứng đáng lãnh nhận mà thôi, một thứ vô cùng quí báu của Người như thế không thể nào lấy quẳng cho loài chó hay loài heo dơ bẩn (xem Mathêu 7:6).

Nếu gấu áo của Chúa Kitô có thể chữa lành thì có nghĩa là những gì được đụng chạm đến Người đều có sức chữa lành (xem 1Gioan 1:1-2). Đó là lý do những ai gặp gỡ Chúa Kitô không thể nào không trở thành chứng nhân của Người và cho Người, như 2 môn đệ của tiền hô Gioan tẩy Giả (xem Gioan 1:35-50). Vậy Kitô hữu chúng ta quả thực đã được đụng chạm đến Thánh Thể của Ngưòi khi cử hành Thánh Lễ, thậm chí được nên một với Người khi hiệp lễ. Nhưng thử hỏi chúng ta đã có sức chữa lành hay chăng? Ở chỗ những ai giao tiếp với chúng ta có nhận ra Chúa Kitô nơi chúng ta chăng, hay trái lại, họ chỉ thấy toàn là những gì phản kitô nơi chúng ta, ở những thái độ ghen ghét hận thù, nói hành nói xấu, gian dối lừa đảo, vị kỷ chấp nhất v.v. Chính hoa trái chứng từ của chúng ta tới đâu cho chúng ta bieêt mức độ chúng ta đã hiệp thông thần linh có thật hay chăng và tới đâu! Tuy nhiên, cho dù chúng ta có còn đầy những gì là phản kitô như thế, mà vẫn tỏ ra biết mình, với tất cả thiện chí ăn năn thống hối của chúng ta, thì  cũng cho thấy LTXC đã chạm đến chúng ta, nhờ đó chúng ta, bằng chính bản chất yếu hèn của mình, có thể trở thành nhân chứng cho tình yêu vô cùng nhân hậu của Người, như người đàn bà Samaritanô ở bờ giếng Giacop (xem Gioan đoạn 4).

Nếu Dân Tân Ước là Giáo Hội có các Bí Tích Thánh nói chung và Thánh Thể nói riêng là một thực tại hiện diện thần linh của Chúa Kitô giữa đàn chiên của Người như thế nào, thì Dân Cựu Ước là Do Thái cũng có Hòm Bia nói chung và chính Hai Bia Đá nói riêng như một biểu hiệu cho hiện diện thần linh của Thiên Chúa nơi họ như vậy. 

Bài Đọc I cho Năm Chẵn hôm nay được trích từ Sách Các Vua quyển 1 thuật lại biến cố từ vua (Solomon) đến dân bấy giờ long trọng nghênh đón Hòm Bia, được các vị tư tế chuyên lo việc thờ phượng trong dân (như các vị thừa tế thánh chức trong Giáo Hội từ đầu tới mãi mãi), khiêng từ Nhà tạm vào Đến Thánh Giêrusalem như sau:

"Vua Salomon và toàn dân Israel tề tựu quanh ngài, tiến đi với ngài trước hòm bia, và tế lễ vô số chiên bò không kể xiết. Các tư tế khiêng hòm bia Thiên Chúa đặt vào nơi đã chỉ định tại đền thờ, nơi cực thánh, dưới cánh các tượng vệ binh thần. Các tượng này giang cánh trên nơi để hòm bia, và che phủ hòm bia và các đòn khiêng. Trong hòm bia không có gì khác ngoài hai bia đá mà Môsê đã đặt vào hòm ở núi Horeb, lúc Chúa lập giao ước với con cái Israel khi họ ra khỏi đất Ai-cập. Khi các tư tế lui ra khỏi cung thánh, thì có mây bao phủ nhà Chúa. Vì mây mù, nên các tư tế không thể đứng đó mà thi hành chức vụ: vì vinh quang của Chúa tràn đầy nhà Chúa. Bấy giờ Salomon nói rằng: 'Chúa đã từng phán sẽ ngự trong đám mây. Vậy tôi đã xây cất ngôi nhà làm nơi ở cho Chúa, một nơi vững chắc Chúa ngự đến muôi đời'".

Hòm Bia Cựu Ước quả thực là biểu hiện cho sự hiện diện thần linh của Thiên Chúa giữa dân Ngài, bởi thế, Hòm Bia ở đâu Thiên Chúa hiện diện ở đó, như trong Bài Đọc 1 cho thấy: "Khi các tư tế lui ra khỏi cung thánh, thì có mây bao phủ nhà Chúa. Vì mây mù, nên các tư tế không thể đứng đó mà thi hành chức vụ: vì vinh quang của Chúa tràn đầy nhà Chúa". 

Hình ảnh "mây bao phủvẫn được Thánh Kinh Cựu Ước sử dụng liên quan đến sự hiện diện thần linh của Thiên Chúa có thể ám chỉ Thánh Thần, "Quyền Năng của Đấng Tối Cao sẽ bao phủ cô" (xem Luca 1:35). Bởi thế theo niềm tin của mình, Giáo Hội vẫn liên kết Thánh Linh với Đền Thờ Thiên Chúa là nơi Thiên Chúa ngự trị. 

Trong Bài Đọc 1 hôm nay, chính Vua Solomon, khi chứng kiến thấy "có mây bao phủ nhà Chúa" và thấy "vinh quang của Chúa tràn đầy nhà Chúa" như thế, vua cũng đã bày tỏ niềm tin của mình rằng: "Chúa đã từng phán sẽ ngự trong đám mây. Vậy tôi đã xây cất ngôi nhà làm nơi ở cho Chúa, một nơi vững chắc Chúa ngự đến muôi đời".

Bài Đáp Ca hôm nay cũng liên kết Thiên Chúa với Hòm Bia của Ngài, mà còn nhấn mạnh đến vai trò của các vị tư tế là thành phần trực tiếp đến phụng vụ thần linh:

1) Ðây là điều chúng tôi đã nghe nói tại Ephrata, chúng tôi đã gặp thấy nơi đồng ruộng Gia-ar. Chúng ta hãy tiến vào nhà Chúa, hãy sụp lạy trước bệ dưới chân Ngài.

2) Lạy Chúa, xin lên đường đi tới nơi an nghỉ, Chúa và Hòm Bia oai quyền của Chúa cùng đi! Các tư tế của Ngài hãy mặc lấy lòng đạo đức, và các tín đồ của Ngài hãy mừng rỡ hân hoan. Xin vì Ðavít là tôi tớ Chúa, Chúa đừng hắt hủi người được Chúa xức dầu.

 

Thánh Scolastica Ðồng Trinh (540)

 

 Ngày 10/02: Thánh Scholastica, trinh nữ

Lễ nhớ

1. Ghi nhận lịch sử - Phụng Vụ

Từ cuối thế kỷ thứ VIII, lịch Phụng Vụ của Mont-Cassin định ngày kỷ niệm Scholastica vào ngày 10 tháng 02. Việc tôn kính thánh nữ được lan rộng, nhất là trong các Đan viện từ thế kỷ thứ IX.

Scholastica sinh tại Nursia (Ombrie) khoảng năm 480, là em của thánh Bênêđictô. Thánh Grégoire Cả (Dialogues II,33-34) nói rằng, chị đã tận hiến cho Thiên Chúa từ khi còn bé và có thói quen đến thăm anh một năm một lần tại núi Mont-Cassin. Hai vị thánh gặp nhau và chia tay vào lúc đêm, vì theo luật dòng, Viện phụ không được phép rời khỏi Đan viện lúc đêm.

Thánh Grégoire Cả nói, vào buổi chiều khi họ gặp nhau lần cuối cùng, Scholastica đã xin anh : ”Em xin anh, đừng bỏ em đêm nay : hãy nói cho em nghe về niềm vui của đời sống trên trời”. Thánh Bênêđictô trả lời : ”Em nói cái gì vậy, hãy ra ngoài Đan viện, anh không được phép”. Thánh Grégoire viết tiếp : ”Bầu trời không gợn một đám mây ! thánh nữ nghiêng đầu cầu nguyện. “Khi Bà ngước mặt lên, sấm sét bùng lên dữ dội và cơn mưa ập tới, đến độ vị đáng kính Bênêđictô và anh em đi theo ngài không thể vượt qua nơi mà họ đang trú...Như thế họ đã tỉnh thức suốt đêm, trao đổi những việc thiêng liêng cho tới sáng”.

Ba ngày sau, khi thánh Bênêđíctô ở Đan viện, thấy linh hồn của người em mình, dưới hình chim bồ câu, bay lên trời. Ngài hiểu rằng em đã rời bỏ trần gian và đã đi tìm xác em về đặt trong ngôi mộ ngài đã chuẩn bị cho chính mình. Câu chuyện trình thuật kết lại như sau : ”Những ai đã có tinh thần luôn kết hợp trong Chúa, sẽ không bao giờ chia lìa nhau ngay cả trong mộ” (Dialogues II,34).

Hiện tại di hài của thánh nữ Scholastica và thánh Bênêđictô được yên nghỉ dưới bàn thờ trong tu viện ở Mont-Cassin.

2. Thông điệp và tính thời sự

Scholastica và Bênêđictô là hai tâm hồn luôn kết hợp sâu xa trong Chúa, vì giữa họ, tình yêu thiên linh là nguồn mọi tình bạn chân thật.

Thánh Grégoire Cả đã giải thích “phép lạ” do lời cầu nguyện của thánh nữ : “Đừng lấy làm lạ, trong trường hợp này, một phụ nữ lại mạnh hơn : em khao khát gặp anh mình lâu hơn. Và như thánh Gioan nói : Thiên Chúa là Tình yêu, Bà mạnh hơn chỉ vì Bà yêu nhiều hơn”. Bà đã nói với Viện phụ: “Em van anh, mà anh lại không chịu nghe em. Em cầu xin Thiên Chúa và Người đã nhậm lời”.

Lời cầu nguyện của thánh nữ Scholastica gợi lên “tình yêu không vấy bẩn” và “sự dịu dàng” mà các tâm hồn phục vụ Thiên Chúa được cảm nghiệm.

Bài đọc một trong Thánh lễ (1 Cr 7,25-35) ca tụng đức trinh khiết mà thánh nữ tận hiến cho Thiên Chúa : Người phụ nữ có chồng, hay các trinh nữ, chỉ lo lắng việc của Thiên Chúa; họ chỉ muốn dâng cho Người đời sống và tinh thần của mình.

Bài Phúc Âm (Lc 10,38-42) cho thấy Bà Maria ngồi bên chân Chúa, chỉ muốn nhấn mạnh đến tình yêu người trinh nữ Scholastica, vì Bà đã chọn phần tốt nhất mà không ai có thể lấy mất được (câu 42).

https://tgpsaigon.net/bai-viet/-ngay-10-02-thanh-scholasticatrinh-nu-49145



 

Thứ Ba


Phụng Vụ Lời Chúa


Bài Ðọc I: (Năm II) 1 V 8, 22-23. 27-30

"Chúa đã phán: "Danh Ta sẽ ở nơi đó, để nhậm lời van nài của dân Israel".

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, Salomon đứng trước bàn thờ Chúa, đối diện với cộng đoàn Israel, ông giơ hai tay lên trời và nguyện rằng: "Lạy Chúa là Thiên Chúa Israel, trên trời dưới đất, không có thần nào giống như Chúa. Chúa giữ lời giao ước và lòng từ bi đối với các tôi tớ đang thành tâm đi trước mặt Chúa. Nhưng ai dám nghĩ rằng: quả thật Thiên Chúa ngự ở trần gian? Vì nếu trời và các tầng trời còn không thể chứa được Chúa, huống chi ngôi nhà con xây cất đây! Nhưng lạy Chúa là Thiên Chúa của con, xin đoái nghe lời cầu nguyện và sự van nài của tôi tớ Chúa; xin lắng nghe lời ca khen và kinh nguyện mà tôi tớ Chúa dâng lên trước mặt Chúa hôm nay, ngõ hầu đêm ngày mắt Chúa nhìn xem ngôi nhà này là nơi Chúa đã phán 'Danh Ta sẽ ở nơi đó', để nghe lời cầu nguyện mà tôi tớ Chúa kêu xin trong nơi này, để nhậm lời van nài của tôi tớ Chúa và của dân Israel sẽ cầu nguyện tại nơi đây. Từ thiên cung nơi Chúa ngự, xin Chúa nhậm lời, và khi đã nhậm lời, xin Chúa dủ lòng thương".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 83, 3. 4. 5 và 10. 11

Ðáp: Lạy Chúa thiên binh, khả ái thay cung điện của Chúa (c. 2).

Xướng: 1) Linh hồn tôi khát khao và mòn mỏi, mong vào hành lang nhà Ðức Thiên Chúa. Tâm thần và thể xác tôi hoan hỉ tìm đến cùng Thiên Chúa trường sinh. - Ðáp.

2) Ðến như chim sẻ còn kiếm được nhà, và chim nhạn tìm ra tổ ấm, để làm nơi ấp ủ con mình, cạnh bàn thờ Chúa, ôi Chúa là Thiên Chúa thiên binh, Ôi Ðại Vương và Thiên Chúa của con. - Ðáp.

3) Ôi Thiên Chúa, phúc đức ai ngụ nơi nhà Chúa: họ sẽ khen ngợi Chúa tới muôn đời. Thuẫn đỡ cho chúng con, xin hãy nhìn xem, lạy Thiên Chúa, xin hãy đoái nhìn mặt Ðức Kitô của Người. - Ðáp.

4) Thực, một ngày sống trong hành lang nhà Chúa, đáng quý hơn ngàn ngày ở nơi đâu khác. Con ưa đứng nơi ngưỡng cửa nhà Chúa con, hơn là cư ngụ trong lều bọn ác nhân. - Ðáp.

  

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! - Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 7, 1-13

"Các ngươi gác bỏ một bên các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục phàm nhân".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước. Vì theo đúng tập tục của tiền nhân, những người biệt phái và mọi người Do-thái không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng. Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: "Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?" Người đáp: "Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: "Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người". Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người: rửa bình, rửa chén và làm nhiều điều như vậy". Và Người bảo: "Các ngươi đã khéo bỏ giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục của các ngươi. Thật vậy, Môsê đã nói: "Hãy thảo kính cha mẹ", và "ai rủa cha mẹ, sẽ phải xử tử". Còn các ngươi thì lại bảo: "Nếu ai nói với cha mẹ mình rằng: Những của tôi có thể giúp cha mẹ được là Corban rồi (nghĩa là của dâng cho Chúa)", và các ngươi không để cho kẻ ấy giúp gì cho cha mẹ nữa. Như thế các ngươi huỷ bỏ lời Chúa bằng những tập tục truyền lại cho nhau. Và các ngươi còn làm nhiều điều khác giống như thế".

Ðó là lời Chúa.



Suy nghiệm Lời Chúa


  

    Đức Kitô Dạy Luật    


Hôm nay, Thứ Ba Tuần V Thường Niên, Bài Phúc Âm vẫn tiếp tục chủ đề "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" cho chung Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh kéo dài tới Thứ Tư Lễ Tro mở đầu Mùa Chay hằng năm.

Nếu trong Bài Phúc Âm hôm qua, "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" tỏ mình ra, đúng hơn, thông mình ra, hay thông ban ân sủng của mình ra qua việc chữa lành bệnh nạn tật nguyền, thậm chí bằng cả gấu áo của Người cho những ai tin tưởng chạm đến gấu áo ấy, thì trong Bài Phúc Âm hôm nay, Người tỏ mình ra "là chân lý" (Gioan 14:6), Người thông ban chân lý của Người và từ Người ra cho những ai mù quáng, hay nói cách khác, Người mang chân lý đến cho những ai về tâm linh cần chữa lành cái vô thức hay mù quáng của họ, như những người bị bệnh nạn tật nguyền về phần xác cần được Người chữa lành về thể lý vậy.

Thật thế, thành phần mù quáng về tâm linh cần được "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" chữa lành cho đó là "những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem", tức là thành phần giữ luật, thông luật và dạy luật thuộc loại thế giá, thế lực, thuộc loại chính qui, chính gốc, bởi họ có dính dáng tới giáo đô "Giêrusalem", như thể các vị giáo sĩ ở các nước Công giáo trên khắp thế giới ngoài Âu Châu và Tây phương, như ở Á Châu hay Phi Châu hoặc Mỹ Châu Latinh có bằng cấp ở Giáo đô Roma vậy. 

Thành phần biệt phái và luật sĩ thuộc loại chính hiệu "made in Jerusalem" này đã bị khuyết tật hay bị mắc tật nguyền bẩm sinh di truyền mù quáng này ở chỗ nào, nếu không phải ở chỗ đúng như lời Chúa Giêsu nhận định và khiển trách họ trong bài Phúc Âm hôm nay: 

"Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người". 

Phải, cái tật nguyền mù quáng của họ là ở chỗ "giả hình", bôi bác ngoài "môi miệng" chứ không thật "lòng", sống một cuộc đời "giả dối", ở chỗ "dạy những giáo lý và những luật lệ loài người", như những gì được Thánh ký Marco liệt kê trong Bài Phúc Âm hôm nay: "không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng". 

Đáng lẽ, nếu thực sự xứng danh là thành phần thông luật thì họ phải nắm bắt được tất cả sự thật của luật và về luật, liên quan đến mục đích của luật và tinh thần của luật, từ đó họ mới có thể dạy luật cho dân chúng hiểu mà theo, để cả họ lẫn dân đều giữ luật đúng với những gì Thiên Chúa là Đấng ban luật qua Moisen mong muốn. 

Đằng này, chính vì  họ coi trọng loài người hơn Thiên Chúa, hay nói ngược lại, coi Thiên Chúa không bằng loài người, coi giá trị nhân bản cao hơn giá trị thần linh, như chính Chúa Giêsu nhận định "các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người: rửa bình, rửa chén và làm nhiều điều như vậy", mà họ đã giảng dạy một cách sai lầm, điển hình là họ đã dạy sai lạc điều răn thảo kính cha mẹ trong 10 Điều Răn Chúa dạy, như Chúa Giêsu đã vạch ra cho họ thấy trong Bài Phúc Âm hôm nay:

"Thật vậy, Môsê đã nói: 'Hãy thảo kính cha mẹ', và 'ai rủa cha mẹ, sẽ phải xử tử'. Còn các ngươi thì lại bảo: 'Nếu ai nói với cha mẹ mình rằng: Những của tôi có thể giúp cha mẹ được là Corban rồi (nghĩa là của dâng cho Chúa)', và các ngươi không để cho kẻ ấy giúp gì cho cha mẹ nữa. Như thế các ngươi hủy bỏ lời Chúa bằng những tập tục truyền lại cho nhau. Và các ngươi còn làm nhiều điều khác giống như thế".

Sở dĩ thành phần chính hiệu Giêrusalem biệt phái và luật sĩ thông luật trong bài Phúc Âm hôm nay bị Chúa Giêsu vạch trần bộ mặt giả hình và lối sống giả dối của họ ra như vậy là vì họ đã dẫn giải sai ý nghĩa của lề luật liên quan đến ý của Đấng ban lề luật cho con người, và những dẫn giải của họ hoàn toàn theo khuynh hướng tự nhiên muốn sống hưởng thụ và dễ chịu hơn là hy sinh và chịu khó, kể cả đối với những bậc sinh thành dưỡng dục họ. 

Hiện tượng và tình trạng thiên lệch đầy chủ quan và vị kỷ này của "những người biệt phái và luật sĩ từ Giêrusalem" này cũng không có gì là khó hiểu, bởi vì một khi họ coi nhẹ Thiên Chúa, coi luật của Ngài không bằng tục lệ loài người, thì cha mẹ loài người của họ cũng đâu có giá trị gì đối với họ mấy nữa. 

Và như thế, ở một nghĩa nào đó, họ đã lấy họ làm cùng đích, khi họ coi luật lệ của Thiên Chúa chỉ là phương tiện để họ hưởng thụ, ở chỗ, một đàng bề ngoài họ có vẻ tuân thủ kỹ lưỡng lề luật đấy, nhưng về tinh thần họ lại tuân thủ lề luật một cách chủ quan, nghĩa là, việc họ giữ luật là đường lối tinh ranh để họ có thể nhờ đó thỏa mãn ý riêng của họ một cách chính đáng, và như thế và nhờ thế họ mới có thể làm chủ lề luật, thay thế vị trí của chính Đấng lập luật và ban luật cho họ.

Vua Solomon trong Bài Đọc 1 cho Năm Chẵn hôm nay đã cảm nhận rất chí lý trong lời vua nguyện cầu dâng lên Thiên Chúa: "Lạy Chúa là Thiên Chúa Israel, trên trời dưới đất, không có thần nào giống như Chúa. Chúa giữ lời giao ước và lòng từ bi đối với các tôi tớ đang thành tâm đi trước mặt Chúa. Nhưng ai dám nghĩ rằng: quả thật Thiên Chúa ngự ở trần gian? Vì nếu trời và các tầng trời còn không thể chứa được Chúa, huống chi ngôi nhà con xây cất đây!"

Đúng vậy, trước hết, chính vì "trên trời dưới đất, không có thần nào giống như Chúa", nên loài người nói chung, nhất là dân Chúa là thành phần được Ngài tỏ mình ra cho dọc suốt giòng lịch sử cứu độ của họ, bao gồm cả việc Ngài ban lề luật của Ngài cho họ, chẳng những không được theo một tà thần nào khác, mà còn không được tạo nên các thứ ngẫu tượng của mình thay thế Ngài, hay nói ngược lại, không được nhân tạo hóa Thiên Chúa là Đấng đã tỏ mình ra theo ý nghĩ chủ quan nông cạn của họ, điển hình là khuynh hướng dẫn giải lề luật của Ngài hoàn toàn thuần nhân bản như trong Bài Phúc Âm hôm nay.

Sau nữa, "nếu trời và các tầng trời còn không thể chứa được Chúa, huống chi ngôi nhà con xây cất đây!", theo nghĩa bóng, còn có nghĩa là loài người hữu hình và hữu hạn không thể nào thấu suốt được Thiên Chúa, nên không thể giam nhốt Ngài trong lòng trí chủ quan và vốn thiên lệch của mình, trái lại, Ngài sẽ thật sự ở với họ và ngự trong họ một khi họ thành tâm tìm kiếm và phụng thờ Ngài "trong tinh thần và chân lý" (Gioan 4:24), vì như Vua Solomon cảm nhận rất đúng trong Bài Đọc 1 hôm nay, Ngài là Vị "Chúa giữ lời giao ước và lòng từ bi đối với các tôi tớ đang thành tâm đi trước mặt Chúa". 

Bài Đáp Ca hôm nay cũng theo chiều hướng chung của phụng vụ Lời Chúa hôm nay nói chung và Bài Đọc 1 nói riêng, ở chỗ, linh hồn chỉ sống hạnh phúc khi sống trong "nhà Chúa" (câu 2) hay ở "hành làng nhà Chúa" (câu 3) hoặc ở "ngưỡng cửa nhà Chúa" (câu 3) mà thôi, chứ không phải là nhà của mình là ý riêng của mình, hay ở hành lang nhà mình là khuynh hướng chủ quan của mình, hoặc ở ngưỡng cửa nhà mình là những việc làm giả hình của mình.

1) Linh hồn tôi khát khao và mòn mỏi, mong vào hành lang nhà Ðức Thiên Chúa. Tâm thần và thể xác tôi hoan hỉ tìm đến cùng Thiên Chúa trường sinh. 

2) Ðến như chim sẻ còn kiếm được nhà, và chim nhạn tìm ra tổ ấm, để làm nơi ấp ủ con mình, cạnh bàn thờ Chúa, ôi Chúa là Thiên Chúa thiên binh, Ôi Ðại Vương và Thiên Chúa của con.

3) Ôi Thiên Chúa, phúc đức ai ngụ nơi nhà Chúa: họ sẽ khen ngợi Chúa tới muôn đời. Thuẫn đỡ cho chúng con, xin hãy nhìn xem, lạy Thiên Chúa, xin hãy đoái nhìn mặt Ðức Kitô của Người. 

4) Thực, một ngày sống trong hành lang nhà Chúa, đáng quý hơn ngàn ngày ở nơi đâu khác. Con ưa đứng nơi ngưỡng cửa nhà Chúa con, hơn là cư ngụ trong lều bọn ác nhân. 

 

 

LỄ MẸ LỘ ĐỨC 11-2

 


Image result for our lady of lourdes

 

ĐTCGPII Tông Du Lộ Đức 14/8/2004 - Dẫn Nhập cho việc Lần Hạt Mân Côi tại Động Massabiella


Anh Chị Em thân mến!


1.     Qùi ở nơi đây, trước động Massabielle, Tôi sâu xa cảm thấy rằng Tôi đã tiến đến đích điểm của cuộc Tôi hành hương. Hang động này, nơi Mẹ Maria đã hiện ra, là tâm điểm của Lộ Đức. Nó nhắc nhở chúng ta về hang Núi Horeb, nơi tiên tri Êlia gặp gỡ Chúa, Đấng đã nói với ông bằng “một giọng nhỏ nhẹ” (1Kgs 19:12).


Nơi đây Đức Trinh Nữ đã xin Bernadette đọc Kinh Mân Côi, như chính Mẹ cũng lần hạt. Bởi thế hang động này đã trở thành một học đường nguyện cầu chuyên biệt, nơi Mẹ Maria dạy cho hết mọi người biết nhìn ngắm dung nhan Chúa Kitô bằng tình yêu bừng nóng.


Như thế, Lộ Đức là nơi Kitô hữu Pháp quốc, cũng như các Kitô hữu thuộc rất nhiều quốc gia Âu Châu khác và trên thế giới, quì xuống nguyện cầu.


2.     Là những người hành hương tới Lộ Đức, chúng ta cũng muốn buổi tối hôm nay, cùng với Maria Mẹ của chúng ta, tái diễn trong nguyện cầu những “mầu nhiệm” được Chúa Giêsu tỏ mình ra cho thấy rằng Người là “ánh sáng thế gian”. Chúng ta nhớ lại lời Người hứa: “Ai theo Tôi sẽ không đi trong tăm tối, song sẽ được ánh sáng sự sống” (Jn 8:12).


Chúng ta muốn học từ nơi người nữ tỳ khiêm hạ này của Chúa thái độ đơn sơ và cởi mở trước lời Chúa, cũng như thái độ quảng đại dấn thân đón nhận giáo huấn của Chúa Kitô trong đời sống của chúng ta.


Nhất là, khi suy niệm về việc Mẹ Chúa thông phần vào sứ mệnh cứu chuộc của Con Mẹ, Tôi xin anh chị em hãy nguyện cầu cho các ơn gọi linh mục và sống đồng trinh vì Nước Trời, để tất cả những ai được kêu gọi biết đáp ứng một cách quảng đại và kiên trì.


3.     Trong lúc hướng lòng về Mẹ Maria Rất Thánh, chúng ta hãy cùng với Thánh Bernadette nguyện cầu rằng: “Lạy Mẹ nhân lành, xin thương đến con; con xin hoàn toàn hiến dâng bản thân mình cho Mẹ, để Mẹ dâng con cho Con yêu dấu của Mẹ, Đấng con muốn yêu mến bằng cả tấm lòng của con. Lạy Mẹ nhân lành, xin ban cho con trái tim hoàn toàn bừng cháy tình yêu mến Chúa Giêsu”.


(Đức Thánh Cha bị mất thăng bằng khi quì cầu nguyện ở hang động Đức Mẹ hiện ra, khiến các vị hộ tống vội đỡ lấy Ngài cho khỏi ngã trước khi đặt Ngài vào xe lăn. Sau mấy phút cầu nguyện, Ngài đã chỉ định một vị hồng y đọc bài diễn từ của Ngài).

ĐTCGPII Tông Du Lộ Đức 14/8/2004 - Dẫn Nhập cho Cuộc Rước Đuốc ở Accuiel Notre-Dame


Anh Chị Em thân mến!


1.     Khi Trinh Nữ Maria hiện ra với Bernadette ở hang động Massabielle, Mẹ đã mở màn cho một cuộc đối thoại giữa Trời và đất là một cuộc đối thoại đã kéo dài qua thời gian và tiếp tục cho tới ngày hôm nay. Khi nói với cô gái trẻ tuổi này, Mẹ Maria đã xin dân chúng hãy đoàn lũ kéo tới đây, như thể nói lên rằng cuộc đối thoại này không thể chỉ được giới hạn ở ngôn từ mà còn phải trở thành một cuộc hành trình bên Mẹ dọc suốt con đường lữ hành đức tin, đức cậy và đức mến nữa.


Ở Lộ Đức đây, hơn một thế kỷ qua, dân Kitô giáo đã trung thành đáp ứng những lời hiệu triệu từ mẫu ấy, hằng ngày bước đi theo Chúa Kitô nơi Bí Tích Thánh cũng như mỗi đêm rước kiệu bằng những bài hát và những lời nguyện cầu để tôn kính Người Mẹ của Chúa.


Năm nay, vị Giáo Hoàng này cũng tham gia với anh chị em nơi hành động tôn sùng và mến yêu đối với Đức Nữ Trinh Rất Thánh này, người nữ hiển vinh của Sách Khải Huyền, được đội triều thiên 12 ngôi sao (x Rev 12:1). Cầm trong tay cây đuốc sáng, chúng ta nhớ lại và tuyên xưng niềm tin của chúng ta vào Chúa Kitô Phục Sinh. Nơi Người toàn thể đời sống của chúng ta được chiếu soi và hy vọng.


2.     Anh chị em thân mến, Tôi xin gửi gấm cho anh chị em ý chỉ đặc biệt của việc chúng ta nguyện cầu tối hôm nay: đó là hãy cùng Tôi nài xin Trinh Nữ Maria xin cho thế giới của chúng ta đây tặng ân hòa bình hằng được mong mỏi.


Chớ gì thứ tha và tình yêu huynh đệ cắm rễ vào lòng người. Chớ gì hết mọi thứ vũ khí đều được buông xuống, và tất cả mọi thứ hận thù ghen ghét và bạo lực đều được loại trừ.


Chớ gì hết mọi người đều thấy nơi tha nhân của mình không phải là kẻ thù cần phải đánh đấm, mà là người anh em cần phải được chấp nhận và yêu thương, nhờ đó chúng ta mới có thể hợp nhau xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.


3.     Cùng nhau chúng ta hãy kêu cầu Vị Nữ Vương Hòa Bình này và hãy lập lại việc chúng ta dấn thân phục vụ cho mối hòa giải, đối thoại và đoàn kết. Có thế chúng ta mới chiếm được thứ hạnh phúc được Chúa hứa cho thành phần kiến tạo hòa bình (Mt 5:9).


Tôi theo anh chị em bằng lời nguyện cầu và phép lành của Tôi.

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu được Zenit phổ biến ngày 20/7/2004


Thứ Tư

 

 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

 

Bài Ðọc I: (Năm II) 1 V 10, 1-10

"Nữ hoàng Saba đã nhìn thấy mọi sự khôn ngoan của vua Salomon".

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, nữ hoàng Saba nghe biết Salomon nổi tiếng vì danh Chúa, bà đến hỏi thử ông nhiều câu đố. Bà đến Giêrusalem với đoàn tuỳ tùng đông đảo và nhiều của cải, gồm có lạc đà chở thuốc thơm, vô số vàng và đá ngọc quý báu. Bà yết kiến Salomon và bày tỏ cùng vua mọi nỗi niềm tâm sự. Salomon giải đáp mọi vấn nạn bà nêu ra, và không một lời bí ẩn nào mà không được vua giải đáp.

Nữ hoàng Saba nhìn thấy sự khôn ngoan của Salomon, thấy nhà ngài xây cất, món ăn ngài dùng, nhà của quần thần, trật tự của các công thần và y phục của họ, các quan chước tửu, và các của lễ toàn thiêu mà ngài hiến dâng trong đền thờ Chúa, thì bà hết hồn. Bà thưa cùng vua rằng: "Thật đúng như lời tôi nghe đồn trong xứ tôi về các công trình và sự khôn ngoan của ngài. Và lúc đó tôi không tin những điều người ta kể cho tôi, cho tới khi tôi đến đây, chính mắt tôi đã trông thấy, và tôi quả quyết rằng những điều đồn đại tôi nghe chưa bằng một phân nửa. Sự khôn ngoan và các công trình của ngài còn vĩ đại hơn tiếng đồn tôi đã nghe. Phúc cho thần dân của ngài, và phúc cho các cận vệ của ngài, luôn luôn được ở trước mặt ngài và nghe lời khôn ngoan của ngài. Chúc tụng Thiên Chúa của ngài là Ðấng yêu thương ngài, và đặt ngài lên ngôi báu Israel. Vì Chúa yêu quý Israel muôn đời, nên đã đặt ngài làm vua, để ngài cai trị công minh chính trực". Vậy bà tặng vua một trăm hai mươi nén vàng, một số rất lớn thuốc thơm và đá ngọc quý giá. Người ta không khi nào thấy một số thuốc thơm nhiều hơn thuốc thơm mà nữ hoàng Saba tặng cho vua Salomon. Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 36, 5-6. 30-31. 39-40

Ðáp: Miệng người hiền thuyết đức khôn ngoan (c. 30a).

Xướng: 1) Bạn hãy phó thác đường lối mình cho Chúa, hãy trông cậy vào Người và để chính Người hành động. Người sẽ làm cho chính nghĩa bạn sáng như bình minh, và quyền lợi bạn tỏ như giờ ngọ. - Ðáp.

2) Miệng người hiền thuyết đức khôn ngoan, và lưỡi người nói điều đoan chánh. Luật Thiên Chúa ở trong lòng người, và bước chân người không xiêu té. - Ðáp.

3) Người hiền được Chúa ban ơn cứu độ, trong cơn khốn khó, Người là chỗ họ dung thân. Chúa bang trợ và giải thoát họ, Người giải thoát và cứu họ khỏi lũ ác nhân, vì họ đã nương tựa vào Người. - Ðáp.

 

Alleluia: Ga. 15, 15b

Alleluia, alleluia - Chúa phán: "Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết.- Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 7,14-23

"Những gì từ con ngùi ta xuất ra, đó là cái làm cho người ta ra ô uế"

Bài trích Phúc Âm theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu lại gọi dân chúng mà bảo rằng: "Hết thảy hãy nghe và hiểu rõ lời Ta. Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người ta xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế. Ai có tai để nghe thì hãy nghe".

Lúc Người lìa dân chúng mà về nhà, các môn đệ hỏi Người về ý nghĩa dụ ngôn ấy.

Người liền bảo các ông: "Các con cũng mê muội như thế ư? Các con không hiểu rằng tất cả những gì từ bên ngoài vào trong con người không thể làm cho người ta ra ô uế được, vì những cái đó không vào trong tâm trí, nhưng vào bụng rồi xuất ra".

Như vậy Người tuyên bố mọi của ăn đều sạch.

Người lại phán: "Những gì ở trong người ta mà ra, đó là cái làm cho người ta ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu, ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng.

Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho ngươì ta ô uế".

Ðó là Lời Chúa.

 

 

 

Suy nghiệm Lời Chúa

 

 

Bài Phúc Âm cho Thứ Tư tuần 5 Thường Niên Hậu Giáng Sinh hôm nay liên quan đến bản thân của con người ta và những gì làm cho con người ra nhơ bẩn. Theo Lời Chúa Giêsu phán dạy cho các tông đồ ở bài Phúc Âm hôm nay thì "Những gì ở trong người ta mà ra, đó là cái làm cho người ta ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu, ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho ngươì ta ô uế".

 

Nếu những gì xuất phát từ nội tâm của con người mới làm cho họ ra ô uế xấu xa thì ngược lại những gì từ ngoài vào không thể nào làm cho họ ra ô uế, như chính Chúa Kitô đã khẳng định trong cùng bài Phúc Âm hôm nay: "Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế". Vì, như Người dẫn giải thêm cho các môn đệ khi ở riêng với các vị: "tất cả những gì từ bên ngoài vào trong con người không thể làm cho người ta ra ô uế được, vì những cái đó không vào trong tâm trí, nhưng vào bụng rồi xuất ra". Căn cứ vào đó, Thánh ký Marcô đã thêm chi tiết kết luận như sau: "Như vậy Người tuyên bố mọi của ăn đều sạch".

 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những cái ở ngoài vào trong con người không phải chỉ có đồ ăn thức uống, là những gì qua cửa miệng của con người, mà còn bao gồm cả những thứ khác nữa, như hình ảnh qua mắt của con người, hay lời nói qua tai của con người, hoặc xúc giác kích thích qua làn da của con người, 3 giác quan có thể thu thập những cái xấu xa hay gương mù gương xấu từ bên ngoài xã hội vào trong tâm trí bên trong: chẳng hạn những hình ảnh xấu, những lời nói xấu hay những sờ mó xấu. Thế nhưng, vấn đề ở đây là nếu con người chấp nhận những cái xấu từ bên ngoài bất khả tránh trên thế gian này ấy thì chúng mới có tác dụng xấu đến nội tâm của họ.

 

Vấn đề tiếp theo vấn đề trên là con người khó đề phòng và ngăn cản nổi những hình ảnh xấu, những lời nói xấu và những đụng chạm xấu bất ngờ xẩy ra cho mình, dù mình không muốn, để rồi sau đó những chất liệu xấu từ ngoài đó một khi đã lọt qua mắt, qua tai và qua xúc giác của họ, họ bị chúng ám ảnh, bị chúng quấy nhiễu, trở thành như những chước cám dỗ khiến họ khó lòng mà chống trả, thậm chí chúng đã làm cho nội tâm của họ ra xấu bằng những ý nghĩ xấu kèm theo ước muốn xấu, chẳng hạn như ngoại tình trong lòng (xem Mathêu 5:28).

 

Bởi thế, vấn đề khổ chế mới được đặt ra để giải quyết hai vấn đề then chốt trên đây. Nếu chúng ta biết chúng ta không thoát khỏi, dụ chẳng có ý tìm kiếm, hoàn toàn bất ngờ, bị ảnh hưởng và chi phối bởi những thứ xấu xa từ bên ngoài vào, qua thị giác của chúng ta, hay quá thính giác của chúng ta, hoặc qua xúc giác của chúng ta, đến độ làm cho chúng ta bối rối, bất an, thậm chí sa ngã phạm tội... thì buộc chúng ta phải thực hành phương cách bất khả thiếu vô cùng cần thiết đó là khổ chế giác quan. Một khi đã khổ chế giác quan rồi mà vẫn thỉnh thoảng còn bị cái xấu bên ngoài lọt vào bên trong chúng ta vào một lúc nào đó thì nó cũng khó lòng chi phối chúng ta dễ dàng và mạnh mẽ như trước, bởi chúng ta đã cố ý tránh né nó rồi.

 

Chỉ có những tâm hồn Kitô hữu nào thực sự nhận biết mình vô cùng yếu đuối mới chịu khó và cẩn thận thực hành việc khổ chế khó khăn này có vẻ cổ hủ này. Nhờ đó họ có thể giữ tâm hồn trong trắng và mới dễ dàng sống cuộc đời "vô tội", hay cùng lắm chỉ "vô tình" tác hành xấu xa một chút nào đó hay vào một lúc nào đó thôi. Nếu nhờ khổ chế, không tò mò nhìn những gì không thực sự cần thiết, không đọc hay xem những cái chẳng giúp ích mấy cho đời sống thiêng liêng, không nghe những gì khiến bản thân bị phân tâm, không đụng chạm hay để mình bị đụng chạm gây xúc cảm không tốt, cho dù bất lịch sự v.v. mà Kitô hữu có được một đời sống nội tâm và bình an thì phải công nhận họ là một con người khôn ngoan.

 

Sự khôn ngoan của Vua Salomon trong Bài Đọc I hôm nay được nữ hoàng Saba hết lời khen tặng: "Thật đúng như lời tôi nghe đồn trong xứ tôi về các công trình và sự khôn ngoan của ngài. Và lúc đó tôi không tin những điều người ta kể cho tôi, cho tới khi tôi đến đây, chính mắt tôi đã trông thấy, và tôi quả quyết rằng những điều đồn đại tôi nghe chưa bằng một phân nửa. Sự khôn ngoan và các công trình của ngài còn vĩ đại hơn tiếng đồn tôi đã nghe. Phúc cho thần dân của ngài, và phúc cho các cận vệ của ngài, luôn luôn được ở trước mặt ngài và nghe lời khôn ngoan của ngài. Chúc tụng Thiên Chúa của ngài là Ðấng yêu thương ngài, và đặt ngài lên ngôi báu Israel. Vì Chúa yêu quý Israel muôn đời, nên đã đặt ngài làm vua, để ngài cai trị công minh chính trực".

 

Tuy nhiên, sự khôn ngoan của vua dầu sao cũng vẫn ở lãnh vực tự nhiên hơn siêu nhiên. Bởi thế mà sau này, cho dù có khôn ngoan trước mặt trần gian đến như thế, có thể nói vô tiền khoáng hậu như vậy, vua vẫn không khôn ngoan trước nhan Thiên Chúa, vẫn không tỏ ra khôn ngoan về đời sống đức tin và thiêng liêng, đến độ, như Bài Đọc I ngày mai cho thấy, vua đã trắng trợn ruồng bỏ chính Đấng đã ban cho vua sự khôn ngoan mà theo các thứ tà thần ngẫu tượng của thành phần thê thiết của vua. Đó là lý do, Bài Đáp Ca hôm nay mới nhấn mạnh đến khía cạnh đạo lý nơi tất cả những gì xuất phát từ "miệng người hiền thuyết đức khôn ngoan": 

 

1) Bạn hãy phó thác đường lối mình cho Chúa, hãy trông cậy vào Người và để chính Người hành động. Người sẽ làm cho chính nghĩa bạn sáng như bình minh, và quyền lợi bạn tỏ như giờ ngọ.

2) Miệng người hiền thuyết đức khôn ngoan, và lưỡi người nói điều đoan chánh. Luật Thiên Chúa ở trong lòng người, và bước chân người không xiêu té.

3) Người hiền được Chúa ban ơn cứu độ, trong cơn khốn khó, Người là chỗ họ dung thân. Chúa bang trợ và giải thoát họ, Người giải thoát và cứu họ khỏi lũ ác nhân, vì họ đã nương tựa vào Người.

 


Thứ Năm


Phụng Vụ Lời Chúa


Bài Ðọc I: (Năm II) 1 V 11, 4-13

"Bởi ngươi không giữ giao ước, Ta cất vương quốc khỏi ngươi; nhưng vì Ðavít thân phụ ngươi,Ta sẽ dành một chi tộc cho con trai ngươi".

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Khi vua Salomon đã về già, các bà vợ của ông mê hoặc lòng ông, kéo ông theo các thần dân ngoại, lòng ông không còn trọn vẹn với Chúa là Thiên Chúa của ông, như lòng Ðavít thân phụ ông. Salomon tôn thờ nữ thần Astarthê của dân Siđon, và thần Môlốc của dân Ammon. Và Salomon đã làm điều không đẹp lòng Chúa và không trọn niềm theo Chúa, như Ðavít thân phụ ông. Bấy giờ Salomon xây am trên núi đối diện với Giêrusalem cho Khanios, thần của dân Moab, và cho Môlốc, thần của dân Ammon. Ông cũng làm như thế cho tất cả các bà vợ ngoại bang của ông, để các bà dâng hương và tế lễ cho các thần của các bà. Vậy Chúa thịnh nộ với Salomon, vì tâm hồn ông đã bỏ Chúa là Thiên Chúa Israel, Ðấng đã hiện ra với ông hai lần, và cấm ông không được chạy theo các thần khác, nhưng Salomon không tuân giữ điều Chúa truyền dạy ông.

Do đó, Chúa phán cùng Salomon rằng: "Bởi ngươi đã ăn ở như thế, và đã không tuân giữ giao ước và lề luật mà Ta đã truyền cho ngươi, Ta sẽ phân chia vương quốc của ngươi, và trao cho tôi tớ ngươi. Nhưng vì nể Ðavít, thân phụ ngươi, Ta sẽ không thi hành điều đó khi ngươi còn sống. Ta sẽ phân chia vương quốc ngươi ngay trên tay con của ngươi. Vì Ðavít, tôi tớ Ta, và vì Giêrusalem Ta đã tuyển chọn, Ta sẽ không lấy tất cả vương quốc: Ta sẽ dành một chi tộc cho con trai ngươi".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 105, 3-4. 35-36. 37 và 40

Ðáp: Lạy Chúa, xin nhớ chúng con khi gia ân huệ cho dân Ngài (c. 4a).

Xướng: 1) Phúc cho ai tuân giữ những lời huấn lệnh, và luôn luôn thực thi điều công chính. Lạy Chúa, xin nhớ chúng con khi gia ân huệ cho dân Ngài; xin mang ơn cứu độ đến thăm viếng chúng con. - Ðáp.

2) Họ đã hoà mình với người chư dân, và học theo công việc chúng làm. Họ sùng bái tà thần của chúng, những tà thần đã hoá thành lưới dò hại họ. - Ðáp.

3) Họ đã giết những người con trai và con gái, để làm lễ cúng tế quỷ thần. Chúa đã bừng cơn thịnh nộ với dân tộc, và tởm ghét phần gia nghiệp của Ngài. - Ðáp.

 

Alleluia: 1 Sam 3,9

Alleluia, alleluia - Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 7, 24-30

"Những con chó ở dưới gầm bàn cũng ăn những mụn bánh rơi của con cái"

Bài trích Phúc Âm theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt Tyrô và Siđon. Vào một nhà kia, Người không muốn ai biết mình, nhưng người không thể ẩn náu được. Vì ngay lúc đó, một bà kia có đứa con gái bị thần ô uế ám, bà nghe nói về Người liền đến phục lạy Người.

Bà đó là người dân ngoại, dòng giống Syrôphênixi và bà xin Người trừ quỷ ra khỏi con bà.

Người nói: "Hãy để con cái ăn no trước đã, vì không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó".

Nhưng bà trả lời và thưa Người rằng: "Thưa Thầy, đúng thế, nhưng các chó con cũng được ăn những mụn rơi dưới bàn ăn của con cái".

Người liền nói với bà: "Vì lời bà nói đó, bà hãy về; quỷ đã ra khỏi con gái bà rồi".

Khi bà về đến nhà, thì thấy cô gái nhỏ nằm trên giường và quỷ đã xuất rồi.

Ðó là Lời Chúa.

Image result for Mark 7, 24-30

 

 

Suy nghiệm Lời Chúa

 

 

 

 

Bài Phúc Âm cho Thứ Năm Tuần V Thường Niên hậu Giáng Sinh hôm nay liên quan đến một đàn bà "dân ngoại", thuộc "dòng giống Syrôphênixi", ở "địa hạt Tyrô và Siđon" ngoài lãnh thổ dân Do Thái. Sở dĩ Chúa Giêsu đến vùng đất của dân ngoại này, không còn trong lãnh thổ dân Do Thái ấy, là vì "Người không muốn ai biết mình", khi Người "vào một nhà kia" ở đó. Người có ngờ đâu rằng, nói theo kiểu trần gian, danh tiếng của ngài, như bài Phúc Âm cho Thứ Năm Tuần 2 Thường Niên đã lan khắp đất nước Do Thái, vượt cả ra ngoài biên cương bờ cõi của đất nước này nữa: "Chúa Giêsu cùng các môn đệ lui về bờ biển, đám đông từ Galilêa theo Người, và từ Giuđêa, Giêrusalem, Iđumê, bên kia sông Giođan, miền Tyrô và Siđon, nhiều kẻ đến cùng Người, khi nghe biết tất cả những việc Người đã làm".

 

Bởi thế, Người đã lọt vào tầm mắt theo dõi thật chuyên nghiệp trinh thám và lỗ tai nghe ngóng vô cùng thính thị của một người đàn bà dân ngoại chưa bao giờ gặp Người, như Bài Phúc Âm hôm nay ghi lại: "Người không muốn ai biết mình, nhưng người không thể ẩn náu được. Vì ngay lúc đó, một bà kia có đứa con gái bị thần ô uế ám, bà nghe nói về Người liền đến phục lạy Người... xin Người trừ quỷ ra khỏi con bà".

 

Thật là oái oăm và nghiệt ngã thay, nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét nào đó mà "bà nghe nói về Người", liên quan đến các phép lạ Người làm, đến quyền năng khu trừ ma quỉ của Người, đến giáo huấn khôn ngoan đầy thần lực của Người, nhất là đến tấm lòng khoan dung thương cảm dân chúng nói chung và những con người đang gặp gian nan khốn khó nói riêng, như trường hợp của bà, bấy giờ, sau khi bà tỏ thái độ "phục lạy Người" hết sức kính cẩn Người và tin tưởng vào Người, thì Người lại tỏ một thái độ quá ư là dị thường, một thái độ mà xét theo bình thường thật sự là hết sức khinh miệt kẻ khác (coi họ như chó má vậy), và là một thái độ kỳ thị chủng tộc (dân ngoại với dân Do Thái), như chính tai của bà đã nghe thấy "Người nói: 'Hãy để con cái ăn no trước đã, vì không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó'".

 

Không ngờ, người đàn bà dân ngoại này, thành phần vốn bị dân Do Thái khinh miệt ấy, trước con mắt thế gian, tưởng rằng bà ta chắc chắn bị gục ngay tại chỗ bởi cái độc chiêu tàn bạo ấy, một độc chiêu đánh trúng ngay vào nhân phẩm cao quí và danh dự chủng tộc của bà, bà ta vẫn không hề hấn chi, trái lại, cũng không ngờ, bà ta lại có một nội công hết sức thâm hậu, đến độ chẳng những đã chịu đòn quá giỏi "Nhưng bà trả lời và thưa Người rằng: 'Thưa Thầy, đúng thế...'", mà còn phản đòn một cách tuyệt diệu nữa: "Nhưng các chó con cũng được ăn những mụn rơi dưới bàn ăn của con cái".

 

Đáng lẽ câu Chúa Giêsu khen tặng viên đại đội trưởng Roma là nhân vật đã đến xin Người chữa lành cho đứa đầy tớ nam người Do Thái đang yếu bệnh liệt giường ở nhà ông: "Tôi bảo thật cho các người biết Tôi chưa hế thấy ai trong Isarael có một đức tin mạnh như vậy" (Mathêu 8:10), cũng phải được Người nói về nữ cao thủ dân ngoại thuộc "dòng giống Syrôphênixi" này. Cả viên đại đội trưởng người Roma, lẫn người đàn bà xứ Sidon trong bài Phúc Âm hôm nay, đều được như ý nguyện nhờ lòng tin của họ, và phải nói là chính lòng tin của họ đã chữa lành và trừ quỉ, bởi Chúa Giêsu không hề đến nhà của họ, không trực tiếp gặp nạn nhân của họ, mà nạn nhân được họ thương vẫn được lành mạnh hay được trừ quỉ: "'Vì lời bà nói đó, bà hãy về; quỷ đã ra khỏi con gái bà rồi'. Khi bà về đến nhà, thì thấy cô gái nhỏ nằm trên giường và quỷ đã xuất rồi". 

 

Dân ngoại cho dù bị dân Do Thái cho là thành phần ô uế xấu xa, so với họ là thành phần được Thiên Chúa tuyển chọn và tỏ mình ra cùng ban lề luật Thánh cho, tự dân ngoại, vẫn không xấu, nếu áp dụng nguyên tắc sạch dơ của Chúa Giêsu trong Bài Phúc Âm hôm qua: từ ngoài vào không làm cho con người ra dơ bẩn mà là những cái từ trong chính con người mà ra. Chẳng hạn người đàn bà dân ngoại trong Bài Phúc Âm hôm nay có xấu đâu, trái lại, còn mạnh tin hơn chính dân Do Thái nữa. Bởi thế, nếu dân Do Thái không chấp nhận những tà thần ngẫu tượng của họ, những tà thần ngẫu tượng so với Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của dân Do Thái, thì các tà thần ngẫu tượng đó cũng chẳng làm gì được họ, cũng chẳng làm cho họ ra ô uế xấu xa đến độ bị Chúa ghê tởm ruồng bỏ như một Vua Salomon đầy vinh quang và khôn ngoan trần thế nhưng hoàn toàn bị mê hoặc mù quáng trong tâm hồn, như được Bài Đọc I hôm nay thuật lại:

 

"Khi vua Salomon đã về già, các bà vợ của ông mê hoặc lòng ông, kéo ông theo các thần dân ngoại, lòng ông không còn trọn vẹn với Chúa là Thiên Chúa của ông, như lòng Ðavít thân phụ ông. Salomon tôn thờ nữ thần Astarthê của dân Siđon, và thần Môlốc của dân Ammon. Và Salomon đã làm điều không đẹp lòng Chúa và không trọn niềm theo Chúa, như Ðavít thân phụ ông. Bấy giờ Salomon xây am trên núi đối diện với Giêrusalem cho Khanios, thần của dân Moab, và cho Môlốc, thần của dân Ammon. Ông cũng làm như thế cho tất cả các bà vợ ngoại bang của ông, để các bà dâng hương và tế lễ cho các thần của các bà. Vậy Chúa thịnh nộ với Salomon, vì tâm hồn ông đã bỏ Chúa là Thiên Chúa Israel, Ðấng đã hiện ra với ông hai lần, và cấm ông không được chạy theo các thần khác, nhưng Salomon không tuân giữ điều Chúa truyền dạy ông. Do đó, Chúa phán cùng Salomon rằng: 'Bởi ngươi đã ăn ở như thế, và đã không tuân giữ giao ước và lề luật mà Ta đã truyền cho ngươi, Ta sẽ phân chia vương quốc của ngươi, và trao cho tôi tớ ngươi'".

 

Bài Đáp Ca hôm nay cũng nhận định rằng nếu dân Do Thái nói chung và con người nói riêng không để cho cái xấu từ bên ngoài vào, theo phương cách khôn ngoan khổ chế được chia sẻ hôm qua, thì chẳng có tà thần ngẫu tượng nào có thể làm chủ mình, như trường hợp của Vua Salomon trong Bài Đọc I hôm nay:

 

2) Họ đã hoà mình với người chư dân, và học theo công việc chúng làm. Họ sùng bái tà thần của chúng, những tà thần đã hoá thành lưới dò hại họ.

3) Họ đã giết những người con trai và con gái, để làm lễ cúng tế quỷ thần. Chúa đã bừng cơn thịnh nộ với dân tộc, và tởm ghét phần gia nghiệp của Ngài.

 

Đó là lý do câu đầu tiên của Bài Đáp Ca hôm nay mới cho biết ai là người có phúc và nguyện xin rằng:

 

1) Phúc cho ai tuân giữ những lời huấn lệnh, và luôn luôn thực thi điều công chính. Lạy Chúa, xin nhớ chúng con khi gia ân huệ cho dân Ngài; xin mang ơn cứu độ đến thăm viếng chúng con.

 

 

 

 

Thứ Sáu


Phụng Vụ Lời Chúa


Bài Ðọc I: (Năm II) 1 V 11, 29-32; 12, 19

"Israel lìa bỏ nhà Ðavít".

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Khi ấy, Giêroboam từ Giêrusalem đi ra, thì tiên tri Ahia, người Silô mặc áo choàng mới, gặp ông dọc đường. Lúc đó chỉ có hai người ở ngoài đồng. Ahia cầm lấy áo choàng mới ông đang mặc, xé ra làm mười hai phần và nói với Giêroboam rằng: "Ông hãy cầm lấy mười phần cho ông, vì Chúa là Thiên Chúa Israel phán thế này: 'Ðây, Ta sẽ phân chia vương quốc từ tay Salomon, và Ta sẽ cho ngươi mười chi tộc. Vì Ðavít tôi tớ Ta, và vì thành Giêrusalem mà Ta đã lựa chọn trong mọi chi tộc Israel, Ta sẽ dành cho Salomon một chi tộc' ". Như thế, Israel lìa bỏ nhà Ðavít cho đến ngày nay.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 80, 10-11ab. 12-13. 14-15

Ðáp: Ta là Chúa, là Thiên Chúa của ngươi, ngươi hãy nghe Ta răn bảo (c. 11a & 9a).

Xướng: 1) Ở nơi ngươi đừng có một chúa tể nào khác cả, ngươi cũng đừng thờ tự một chúa tể ngoại lai: vì Ta là Chúa, là Thiên Chúa của ngươi, Ta đã đưa ngươi ra ngoài Ai-cập. - Ðáp.

2) Nhưng dân tộc của Ta chẳng có nghe lời Ta, Israel đã không vâng lời Ta răn bảo. Bởi thế nên Ta để mặc cho chúng cứng lòng để chúng sinh hoạt tuỳ theo sở thích. - Ðáp.

3) Phải chi dân tộc của Ta biết nghe lời Ta, Israel biết theo đường lối của Ta mà ăn ở: thì lập tức Ta sẽ triệt hạ kẻ thù của chúng, và để đập tan quân địch của chúng, Ta sẽ trở tay! - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 24, 4c và 5a

Alleluia, alleluia - Lạy Chúa, xin dạy bảo tôi về lối bước của Chúa và xin hướng dẫn tôi trong chân lý của Ngài. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 7, 31-37

"Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được".

Bài trích Phúc Âm theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu từ địa hạt Tyrô, qua Siđon đến gần biển Galilêa giữa miền thập tỉnh.

Người ta đem đến cho Người một kẻ điếc và xin Người đặt tay trên kẻ ấy.

Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh.

Ðoạn ngước mắt lên trời, Người thở dài và bảo: Ephata, nghĩa là "hãy mở ra", tức thì tai anh được sõi sàng.

Chúa Giêsu liền cấm họ: đừng nói điều đó với ai cả.

Nhưng Người càng cấm, thì họ càng loan truyền mạnh hơn.

Họ đầy lòng thán phục, mà rằng: "Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được".

Ðó là Lời Chúa.





 

 

Suy nghiệm Lời Chúa




Phải, trong Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Sáu Tuần V Thường Niện Hậu Giáng Sinh, đề tài "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" cho thời điểm phụng niên này vẫn được tỏ hiện ở câu cuối cùng được Thánh ký Marco ghi nhận như sau: "Người càng cấm, thì họ càng loan truyền mạnh hơn. Họ đầy lòng thán phục, mà rằng: 'Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được'".

 

Đúng thế, "ân sủng và chân lý" nơi "Người Con duy nhất đến từ Cha" là Chúa Giêsu Kitô này được dịp tỏ hiện ra ở những nỗi khốn cùng và bất lực của con người đáng thương, nhưng qua nhân tính của Người, một nhân tính đã được ngôi hiệp (hypostatic union) với thân tính để trở thành dấu chỉ hiện diện thần linh của Thiên Chúa, thành phương tiện tỏ mình ra của Thần Tính Chúa Kitô và thành bí tích thông ban sự sống của Thánh Linh là Đấng ban sự sống.

Đó là lý do trong bài Phúc Âm hôm nay, Thánh ký Marco đã ghi nhận từng cử chỉ Chúa Giêsu thực hiện trong việc chữa lành cho một nam nạn nhân bị điếc, những cử chỉ được diễn tiến theo một tiến trình có vẻ phức tạp làm sao ấy, không đơn giản như trường hợp Người chẳng cần gặp mặt nạn nhân thì nạn nhân cũng được chữa lành hay được trừ quỉ, như trường hợp đứa con gái bị quỉ ám của người đàn bà dân ngoại xứ Sidon trong bài Phúc Âm hôm qua.

Trong trường hợp chữa lành cho một nạn nhân chỉ bị điếc này, một tật nguyền không trầm trọng bằng bại liệt hay bị quỉ ám, thế mà Chúa Giêsu đã phải làm 5 cử chỉ liền, theo đúng thứ tự thủ tục Người cố ý làm, như được thuật lại như sau: "Người đem anh ta ra khỏi đám đông (1), đặt ngón tay vào tai anh (2) và bôi nước miếng vào lưỡi anh (3). Ðoạn ngước mắt lên trời (4), Người thở dài và bảo: Ephata, nghĩa là 'hãy mở ra' (5), tức thì tai anh được sõi sàng".

Chi tiết đầu tiên cần lưu ý ở đây là nạn nhân bị điếc này có thể bị từ bẩm sinh, nên cũng chẳng nói được, vì không nghe được từ khi mới sinh. Phải chăng vì thế mà trong nghi thức chữa lành cho nam nạn nhân bị câm điếc này, Chúa Giêsu mới kèm thêm cả cử chỉ "bôi nước miếng vào lưỡi anh", và sau khi nạn nhân được Chúa Giêsu chữa lành, thì Thánh ký Marco đã sử dụng động từ hợp với nạn nhân bị tật câm hơn bị tật điếc: "tức thì tai anh được sõi sàng" theo bản dịch Việt ngữ chúng ta trích dẫn ở đây. Nghĩa là nạn nhân có thể mở miệng ra nói một cách "sõi sàng", chứ Việt ngữ đâu bao giờ nói "tai anh được sõi sàng", một giác quan liên quan đến thính giác được chữa lành đúng ra phải nói "tai anh nghe được rõ ràng".

Không biết bản dịch Việt ngữ này dịch theo nguồn nào, nhưng theo bản dịch Anh ngữ của The New American Bible được chuyển dịch từ nguyên ngữ Thánh Kinh và được phát hành từ năm 1970, theo chiều hướng canh tân phụng vụ sau Công Đồng Chung Vaticanô II (1962-1965), thì nguyên văn của câu "tức thì tai anh được sõi sàng" ở Việt ngữ bên Anh ngữ dài dòng hơn và rõ ràng hợp lý hơn như thế này: "At once, the man's ears were opened, he was freed from the impediment and began to speak plainly", nghĩa là: "tức thì tai của người này được mở ra, anh được thoát khỏi trở ngại và bắt đầu nói năng sõi sàng" (những chữ được cố ý gạch dưới cho thấy chúng giống như ở câu dịch quá vắn gọn trong bài Phúc Âm hôm nay).


Về thể lý và phương diện tự nhiên, tật nguyền câm điếc chỉ là một tật nguyền tương đối nhẹ, so với các tật nguyền khác như phong cùi, bại liệt, quỉ ám v.v., nhưng về mặt siêu nhiên thì lại là một tật nguyền rất ư là trầm trọng, liên quan chẳng những đến đức tin cứu độ (tai nghe) mà còn đến sứ vụ rao giảng (miệng nói) làm chứng cho đức tin nữa, như vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô đã khẳng định: "'Hết mọi người kêu danh Chúa đều được cứu độ'. Vậy làm sao họ có thể kêu lên Đấng mà họ không tin tưởng được chứ? Mà họ làm sao có thể tin vào Đấng mà họ không hề nghe nói đến? Và làm sao họ có thể nghe nói đến mà lại không có ai rao giảng? Rồi làm sao con người rao giảng nếu không được sai đi?" (Roma 10:13-15).

Đó là lý do, tiến trình thực hiện việc chữa lành cho nam nạn nhân câm điếc này Chúa Giêsu đã bao gồm những cử chỉ thiết yếu bất khả thiếu và bất khả phân ly như sau:

1- "Người đem anh ta ra khỏi đám đông": 
vì đức tin là một cảm nghiệm thần linh cá biệt giữa bản thân của từng con người với Đấng muốn mạc khải tỏ mình ra cho họ, Đấng chỉ muốn mạc khải cho từng người những gì Ngài thấy thật là thích hợp với hoàn cảnh, thân phận và ơn gọi của những ai Ngài thấy cần và đến thời điểm của Ngài - "những gì các con nghe một cách âm thầm thì hãy rao giảng trên mái nhà" (Mathêu 10:27).

2-3. "Đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh": "Ngón tay" 
(Luca 11:20) được Chúa Giêsu cố ý sử dụng để chữa lành trong trường hợp nạn nhân câm điếc này đây ám chỉ "Thánh Linh" (Mathêu 12:28), Đấng mà không có Ngài thì dù con người có tai đó cũng chẳng nghe thấy gì và chẳng hiểu gì lời Chúa (xem Mathêu 13:13-14), và có miệng lưỡi đó cũng chẳng thể làm chứng cho Phúc Âm, nhất là khi bị điệu ra trước quyến lực bách hại của trần gian (xem Mathêu 10:19-20).

4-5. "Ðoạn ngước mắt lên trời, Người thở dài và bảo: Ephata, nghĩa là 'hãy mở ra', tức thì tai anh được sõi sàng": 
Tác động Chúa Giêsu "ngước mắt lên trời" đây cho thấy Người hướng về Cha của Người (xem Mathêu 11:25-27) mà than lên cùng Cha của Người ("emitted a groan" theo bản dịch Anh ngữ, hơn là "thở dài" theo bản dịch Việt ngữ có vẻ chán nản làm sao ấy), để Người nhân danh Cha mà chữa lành cho nạn nhân câm điếc ấy bằng việc mạc khải về Cha cho nạn nhân qua chính bản thân của Người: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha... không biết Cha, trừ Người Con và kẻ mà Người Con muốn mặc khải cho".

Trong Bài Đọc 1 hôm nay, sự kiện "tiên tri Ahia" gặp "Giêroboam từ Giêrusalem đi ra" ở "dọc đường" và "ở ngoài đồng", để rồi "chỉ có hai người", vì sự kiện này liên quan đến một biến cố lịch sử trọng đại của dân Do Thái không ai ngờ, thì bấy giờ "Ahia cầm lấy áo choàng mới ông đang mặc, xé ra làm mười hai phần và nói với Giêroboam rằng: 'Ông hãy cầm lấy mười phần cho ông, vì Chúa là Thiên Chúa Israel phán thế này: Ðây, Ta sẽ phân chia vương quốc từ tay Salomon, và Ta sẽ cho ngươi mười chi tộc. Vì Ðavít tôi tớ Ta, và vì thành Giêrusalem mà Ta đã lựa chọn trong mọi chi tộc Israel, Ta sẽ dành cho Salomon một chi tộc'. Như thế, Israel lìa bỏ nhà Ðavít cho đến ngày nay".

Sở dĩ xẩy ra "sự cố" bất ngờ và tai hại này trong lịch sử của Dân Do Thái là vì hậu quả của triều đại Vua Salomon, như đã được chính Chúa là Đấng đã ban cho vị vua này giầu sang phú quí và khôn ngoan hơn ai hết trên trần gian này nhưng chính vua lại trở thành cuồng dại đến độ Chúa đã phải cảnh báo vua 2 lần trước khi Ngài dứt khoát quyết định thực hiện những gì Ngài phán cùng vua như được ghi lại trong Bài Đọc I hôm qua như thế này: "Bởi ngươi đã ăn ở như thế, và đã không tuân giữ giao ước và lề luật mà Ta đã truyền cho ngươi, Ta sẽ phân chia vương quốc của ngươi, và trao cho tôi tớ ngươi".

Đó là lý do Bài Đáp Ca hôm nay đã âm vang tiếng của Thiên Chúa khuyên dạy con người nói chung, "hãy nghe Ta răn bảo", nhất là những ai cứng lòng như Vua Salomon, có tai mà như điếc, đến độ trở thành câm, không dám lên tiếng ngăn cấm tà thần ngẫu tượng của cả ngàn thê thiếp vua chấp nhận theo xác thịt, một con người câm điếc, có thể nói tiêu biểu nhất cho dân Chúa, một dân tộc bị câm điếc trầm trọng, cần phải được chữa lành như nam nạn nhân câm điếc trong Bài Phúc Âm hôm nay, một dân tộc dù sao vẫn được Ngài yêu thương và liên lỉ nhắc nhở và kêu gọi họ qua các vị tiên tri, hay qua chính Thánh Vịnh ở Bài Đáp Ca hôm nay:


1) Ở nơi ngươi đừng có một chúa tể nào khác cả, ngươi cũng đừng thờ tự một chúa tể ngoại lai: vì Ta là Chúa, là Thiên Chúa của ngươi, Ta đã đưa ngươi ra ngoài Ai-cập.

2) Nhưng dân tộc của Ta chẳng có nghe lời Ta, Israel đã không vâng lời Ta răn bảo. Bởi thế nên Ta để mặc cho chúng cứng lòng để chúng sinh hoạt tuỳ theo sở thích.

3) Phải chi dân tộc của Ta biết nghe lời Ta, Israel biết theo đường lối của Ta mà ăn ở: thì lập tức Ta sẽ triệt hạ kẻ thù của chúng, và để đập tan quân địch của chúng, Ta sẽ trở tay!

 




 

Thứ Bảy

 

Phụng Vụ Lời Chúa


Bài Ðọc I: (Năm II) 1 V 12, 26-32; 13, 33-34

"Giêroboam đúc hai con bò vàng".

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, Giêroboam nói trong lòng rằng: "Giờ đây vương quốc sẽ trở về với nhà Ðavít; nếu dân này lên Giêrusalem để tế lễ trong nhà Chúa, thì lòng dân này sẽ quy thuận với chủ mình là Roboam, vua xứ Giuđa; họ sẽ giết ta và trở về với Roboam". Bấy giờ, ông triệu tập hội nghị và đúc hai con bò vàng, ông nói với dân chúng rằng: "Các ngươi không cần phải lên Giêrusalem nữa. Hỡi Israel, đây những vị thần minh đã dẫn ngươi ra khỏi đất Ai-cập". Ông đặt một con bò vàng ở Bêthel và một con ở Ðan. Việc đó là dịp tội cho dân Israel, vì dân chúng lên tận Ðan để thờ con bò vàng. Ông còn xây chùa miếu trên những nơi cao, đặt các người trong dân làm tư tế, họ không phải là con cháu Lêvi. Ông chọn ngày rằm tháng tám là ngày lễ trọng, giống như lễ trọng thường cử hành trong xứ Giuđa. Ông lên bàn thờ để tế những tượng bò mà ông đã đúc, ông làm như thế ở Bêthel; cũng tại Bêthel, ông đã thiết lập hàng tư tế trong các chùa miếu mà ông đã xây cất trên những nơi cao.

Sau các sự việc đó, Giêroboam chẳng những không dứt bỏ đàng tội lỗi, mà trái lại ông còn tiếp tục đặt ở những nơi cao hàng tư tế chọn trong dân chúng. Do đó, nhà Giêroboam phạm tội, bị lật đổ và xoá khỏi mặt đất.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 105, 6-7a. 19-20. 21-22.

Ðáp: Lạy Chúa, xin nhớ chúng con khi gia ân huệ cho dân Ngài (c. 4a).

Xướng: 1) Chúng tôi đã phạm tội cũng như tổ phụ chúng tôi, chúng tôi đã làm điều gian ác và ăn ở bất nhân. Tổ phụ chúng tôi, khi còn ở bên Ai-cập, đã không suy xét những việc lạ lùng của Chúa. - Ðáp.

2) Dân chúng đã đúc con bò tại Horéb, và lễ bái thần tượng đã đúc bằng vàng. Họ đem vinh quang của mình đánh đổi lấy hình tượng con bò ăn cỏ. - Ðáp.

3) Họ đã quên Thiên Chúa là Ðấng cứu độ mình, Ðấng đã làm những điều trọng đại bên Ai-cập, Ðấng đã làm những điều kỳ diệu trên lãnh thổ họ Cam, và những điều kinh ngạc nơi Biển Ðỏ. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv. 94, 8ab

Alleluia, alleluia - Ước gì hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 8,1-10

"Họ ăn no nê".

Bài trích Phúc Âm theo Thánh Marcô.

Trong những ngày ấy, dân chúng theo Chúa Giêsu đông đảo, và họ không có gì ăn, Người gọi các môn đệ và bảo: "Ta thương đám đông, vì này đã ba ngày rồi, họ không rời bỏ Ta và không có gì ăn. Nếu Ta để họ đói mà về nhà, họ sẽ mệt lả giữa đường, vì có nhiều người từ xa mà đến".

Các môn đệ thưa: "Giữa nơi hoang địa nầy, lấy đâu đủ bánh cho họ ăn no".

Và người hỏi các ông: "Các con có bao nhiêu bánh?"

Các ông thưa: "Có bảy chiếc".

Người truyền dân chúng ngồi xuống đất, rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ phân phát.

Các ông chia cho dân chúng.

Các môn đệ còn có mấy con cá nhỏ.

Người cũng đọc lời chúc tụng và truyền cho các ông phân phát.

Dân chúng ăn no nê và người ta thu lượm những miếng còn thừa lại được bảy thúng.

Số người ăn độ chừng bốn ngàn.

Rồi Người giải tán họ, kế đó Người cùng các môn đệ xuống thuyền đến miền Ðammanutha.

Ðó là Lời Chúa.

 

Related image

 

 

Suy nghiệm Lời Chúa

 

 

ĐỨC KITÔ - HÓA BÁNH RA NHIỀU

 

Theo bộ Phúc Âm Nhất Lãm thì Chúa Giêsu đã làm phép lạ bánh hóa ra nhiều 2 lần. Bài Phúc Âm hôm nay thuật lại Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều lần thứ hai. Chính việc Người hóa bánh ra nhiều bởi lòng thương xót của Người với dân chúng cũng chứng thực Ngưòi thực sự là "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý", hợp với chủ đề cho Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh mà hôm nay là Thứ Bảy trong Tuần Thứ V.

 

Đúng thế, "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" này không phải chỉ tỏ mình ra qua việc Người "đầy ân sủng" ở chỗ chữa lành bệnh tật và khu trừ ma quỉ cho dân chúng, mà còn "đầy chân lý" ở chỗ giảng dạy chung dân chúng với tất cả quyền uy và thế giá của mình, cũng như ở chỗ soi lòng mở trí cho thành phần trí thức và quyền hành trong dân, như nhóm biệt phái và luật sĩ, kỳ lão và tư tế, mỗi khi họ theo dõi Người để đặt vấn đề với Người và để bắt bẻ Người.

 

Qua bài Phúc Âm hôm nay, "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý" ấy còn tỏ ra mình "đầy ân sủng" ở chỗ Người quan tâm đến cả nhu cầu ăn uống căn bản bất khả thiếu của dân chúng bằng việc hóa bánh ra nhiều nữa; trong khi đó, các môn đệ của Người hầu như chẳng ai để ý gì hết, hay có để ý đi nữa cũng không biết làm sao có thể đáp ứng nhu cầu của dân chúng, nếu quan tâm tại sao các vị không tự động đến thân thưa cùng Thày mình, như trường hợp Mẹ Maria trong tiệc cưới Cana: "Họ hết rượu rồi" (Gioan 2:3)?

 

Chúa Giêsu tự biết Người phải làm gì, nhưng Người muốn bao gồm cả phần của những ai theo Người nữa, thành phần đã được Người tuyển chọn để thay thế Người chăm sóc đoàn chiên của Người sau này. Trước hết bằng việc tỏ cho họ thấy mối quan tâm thương cảm dân chúng của Người: "Trong những ngày ấy, dân chúng theo Chúa Giêsu đông đảo, và họ không có gì ăn, Người gọi các môn đệ và bảo: 'Ta thương đám đông, vì này đã ba ngày rồi, họ không rời bỏ Ta và không có gì ăn. Nếu Ta để họ đói mà về nhà, họ sẽ mệt lả giữa đường, vì có nhiều người từ xa mà đến'".

 

Sau nữa, Người muốn chính các môn đệ của Người phải cộng tác với Người, bằng việc đóng góp một chút gì đó họ có, để chính Người biến một chút đóng góp của các vị ấy tăng lên gấp bội, đủ để đáp ứng nhu cầu của dân chúng bấy giờ: "Các môn đệ thưa: 'Giữa nơi hoang địa nầy, lấy đâu đủ bánh cho họ ăn no'. Và người hỏi các ông: 'Các con có bao nhiêu bánh?' Các ông thưa: 'Có bảy chiếc'.... Các môn đệ còn có mấy con cá nhỏ". Theo tự nhiên thì "bảy chiếc bánh" và "mấy con cá nhỏ" của các môn đệ chẳng thấm thía vào đâu với con "số người ăn độ chừng bốn ngàn". Thế nhưng, cho đến bấy giờ các vị vẫn chưa nghĩ được rằng Thày của các vị chỉ cần một chút ấy thôi vẫn có thể làm no thỏa số dân chúng ấy.

 

 Sau hết, Người chẳng những muốn các môn đệ đóng góp vào việc Người làm, bằng tất cả những gì họ có, dù chỉ một chút xíu, dù chẳng là bao nhiêu, miễn là có thế thôi, mà còn làm thừa tác viên ban phát "ân sủng" của Người cho dân chúng nữa, vì sau này các vị chính là thừa tác viên ban phát mầu nhiệm thánh qua các bí tích, nhất là Bí Tích Thánh Thể. Đó là lý do Phúc Âm cho thấy, sau khi "Người truyền dân chúng ngồi xuống đất, rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh, tạ ơn, bẻ ra" thì chính Người không đích thân đi phân phát, mà "trao cho các môn đệ phân phát". Cả "mấy con cá nhỏ" cũng thế: "Người cũng đọc lời chúc tụng và truyền cho các ông phân phát". Kết quả tốt đẹp đó là: "Dân chúng ăn no nê và người ta thu lượm những miếng còn thừa lại được bảy thúng".

 

Chi tiết "người ta thu lượm những miếng còn thừa lại được bảy thúng" càng cho thấy "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân lý", Đấng ban ân sủng cho con người còn hơn cả mức độ họ cần, vì Người là "mục tử nhân lành đến cho chiên (chẳng những) được sự sống (mà còn là) một sự sống viên mãn" nữa (Gioan 10:10). Khi con người mới được Thiên Chúa tạo dựng nên, còn ở trong tình trạng công chính nguyên thủy, chưa biết đến tội lỗi là gì, bấy giờ họ mới có "sự sống" nhưng vẫn chưa phải là "sự sống viên mãn", cho tới khi "Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta, chúng ta đã được thấy vinh hiển của Người, vinh hiển của Người Con duy nhất đến từ Cha, đầy ân sủng và chân lý" (Gioan 1:14).

 

Nếu không có "sự sống" và là "sự sống viên mãn" thì, như các Bài Đọc I cho ngày Thứ Tư và Thứ Sáu Tuần II Thường Niên ghi nhận, dù là Thánh Vương Đavít, một con người đầy lòng tin tưởng vào Chúa (điển hình là trận đấu với viên tướng vô đối thủ Goliat người Philitinh) và bác ái với địch thù của mình (điển hình là Vua Saolê tìm sát hại chàng nhưng chàng vẫn tha chết cho 2 lần), cũng có lúc sa ngã nặng nề với tội ngoại tình kèm theo cả tội sát nhân, như Bài Đọc I Thứ Sáu Tuần III Thường Niên cho thấy, hay tệ hơn nữa là Salomon, một vị vua, như Bài Đọc I cho Thứ Tư và Thứ Năm tuần này cho thầy, khôn ngoan đệ nhất thiên hạ nhưng vẫn bị tà thần ngẫu tượng của dân ngoại làm mê hoặc đến cố chấp ruồng bỏ Thiên Chúa.

 

Thậm chí càng tệ hơn nữa, hơn ai hết và hơn bao giờ hết, là nhân vật Giêroboam trong Bài Đọc I hôm nay, một con người được Thiên Chúa nhưng không bất ngờ chọn làm vua 10 chi tộc Israel, như Bài Đọc I hôm qua cho thấy, mà vẫn chẳng những tỏ ra vô ơn bội nghĩa với Chúa lại còn âm mưu phản lại Ngài một cách trắng trợn, như thể ông ta là chúa tể chứ không phải là Đấng đã chọn ông, chỉ vì ông ta muốn "sự sống dồi dào" một cách chủ quan và vị kỷ, nhưng lại là những gì hủy diệt chính bản thân ông cùng với tất cả triều đại của ông. Ở chỗ, như Bài Đọc I hôm nay rõ ràng ghi thuật:

 

"Trong những ngày ấy, Giêroboam nói trong lòng rằng: 'Giờ đây vương quốc sẽ trở về với nhà Ðavít; nếu dân này lên Giêrusalem để tế lễ trong nhà Chúa, thì lòng dân này sẽ quy thuận với chủ mình là Roboam, vua xứ Giuđa; họ sẽ giết ta và trở về với Roboam'. Bấy giờ, ông triệu tập hội nghị và đúc hai con bò vàng, ông nói với dân chúng rằng: 'Các ngươi không cần phải lên Giêrusalem nữa. Hỡi Israel, đây những vị thần minh đã dẫn ngươi ra khỏi đất Ai-cập'. Ông đặt một con bò vàng ở Bêthel và một con ở Ðan. Việc đó là dịp tội cho dân Israel, vì dân chúng lên tận Ðan để thờ con bò vàng. Ông còn xây chùa miếu trên những nơi cao, đặt các người trong dân làm tư tế, họ không phải là con cháu Lêvi. Ông chọn ngày rằm tháng tám là ngày lễ trọng, giống như lễ trọng thường cử hành trong xứ Giuđa. Ông lên bàn thờ để tế những tượng bò mà ông đã đúc, ông làm như thế ở Bêthel; cũng tại Bêthel, ông đã thiết lập hàng tư tế trong các chùa miếu mà ông đã xây cất trên những nơi cao. Sau các sự việc đó, Giêroboam chẳng những không dứt bỏ đàng tội lỗi, mà trái lại ông còn tiếp tục đặt ở những nơi cao hàng tư tế chọn trong dân chúng. Do đó, nhà Giêroboam phạm tội, bị lật đổ và xoá khỏi mặt đất".

 

Tuy nhiên, như tình trạng đói khổ về phần xác của dân chúng trong Bài Phúc Âm hôm nay còn được Chúa Giêsu động lòng thương đáp ứng cho họ no thỏa thế nào thì tình trạng khốn nạn phần hồn của dân Chúa, thành phần liên tục vô ơn bội nghĩa với Chúa và phản bội bất trung với Chúa, như một Giêroboam tiêu biểu trong Bài Đọc I hôm nay, vẫn đáng được Chúa thương khi họ nhận ra lầm lỗi của mình mà van xin Ngài: "Lạy Chúa, xin nhớ chúng con khi gia ân huệ cho dân Ngài", với tất cả ý thức được gói gọn trong Bài Đáp Ca hôm nay như sau:

 

1) Chúng tôi đã phạm tội cũng như tổ phụ chúng tôi, chúng tôi đã làm điều gian ác và ăn ở bất nhân. Tổ phụ chúng tôi, khi còn ở bên Ai-cập, đã không suy xét những việc lạ lùng của Chúa.

2) Dân chúng đã đúc con bò tại Horéb, và lễ bái thần tượng đã đúc bằng vàng. Họ đem vinh quang của mình đánh đổi lấy hình tượng con bò ăn cỏ.

3) Họ đã quên Thiên Chúa là Ðấng cứu độ mình, Ðấng đã làm những điều trọng đại bên Ai-cập, Ðấng đã làm những điều kỳ diệu trên lãnh thổ họ Cam, và những điều kinh ngạc nơi Biển Ðỏ.