ƠN GỌI NHÂN BẢN

 

Giấy Chứng Nhận

Tác Giả: Nói thay người khác

 

Trên tàu hỏa, một nữ soát vé xinh đẹp đang nhìn chằm chằm người đàn ông trung niên có dáng vẻ như người làm thuê, nói như quát: “Soát vé”. Người trung niên tìm khắp người, cuối cùng cũng tìm được vé, nắm chắc trong tay, như không muốn đưa.
 
Người soát vé nhìn theo tay người trung niên, cười tinh quái, nói: “Đây là vé trẻ em”.
 
Người trung niên đỏ mặt, ấp úng nói: “Chẳng phải giá vé trẻ em cũng như giá vé người tàn tật sao?”….
 
Vé trẻ em và vé người tàn tật bằng tiền nhau, dĩ nhiên người soát vé hiểu đươc điều đó. Cô ta nhìn người trung niên vẻ dò xét, hỏi: “Ồng là người tàn tật à?”.
 
“Vâng, tôi là người tàn tật”.
 
“Vậy đưa giấy chứng nhận cho tôi xem”.
 
Người trung niên vội nói ngay: “Tôi … không có giấy chứng nhận. Khi mua vé, người bán vé đòi cho xem giấy chứng nhận, không còn cách nào khác, tôi đành phải mua vé trẻ em”.
 
Người soát vé cười khẩy nói: “Không có giấy chứng nhận tàn tật, làm sao chứng minh được ông là người tàn tật?”.
 
Người trung niên không nói năng gì, chỉ nhẹ nhàng vén quần lên – ông ta chỉ còn nửa bàn chân.
 
Người soát vé nghiêng đầu nhín, nói: “Cái tôi cần xem là giấy chứng nhận, là tờ giấy có đóng dấu nổi của cơ quan thương tật”..
 
Người trung niên đau khổ giải thích: “Tôi không có hộ khẩu ở đây, nên người ta không làm giấy chứng nhận cho tôi. Hơn nữa, khi tôi làm thuê cho một chủ tư nhân, sau khi xảy ra tai nạn, ông chủ đã bỏ chạy, tôi không có tiền đi giám định…”
 
Biết tin, trưởng toa đến hỏi tình hình.
 
Người trung niên lại một lần nữa trình bầy, mình là người tàn tật, mua một chiếc vé có giá tiền như người tàn tật…
 
Trưởng toa lại hỏi: “Giấy chứng nhận tàn tật của ông đâu?”
 
Người trung niên nói mình không có giấy chứng nhận, rồi cho trưởng toa xem nửa bàn chân còn lại.
 
Trưởng toa cũng chẳng thèm nhìn, vẻ khó chịu nói: “Tôi chỉ cần giấy chứng nhận, không cần nhìn người! Có giấy chứng nhận mới được ưu tiên mua vé tàn tật. Ông nhanh chóng mua vé bổ sung đi”.
 
Người trung niên nét mặt ỉu xìu, chẳng biết nói năng gì.
Ông ta tìm bới các túi và hành lý mang theo, chỉ có vài đồng bạc, không đủ tiền mua vé bổ sung. Ông khóc lóc nói với trưởng toa: “Sau khi tôi bị máy cắt mất nửa bàn chân, không còn làm ăn gì được nữa. Không có tiền, ngay cả quê cũng không dám về, tiền mua chiếc vé này cũng do bà con gom góp lại. Mong ông nới tay làm phúc, bỏ qua cho tôi!”.
 
Trưởng toa kiên quyết: “Không được”.
 
Người nữ soát vé cũng nhân cơ hội này nói với trưởng toa: “Đưa ông ta đến toa than ở đầu tầu làm lao động nghĩa vụ”.
 
Trưởng toa nghĩ một lát rồi nói: “Thế cũng được”.
 
Một người lạ mặt ngồi đối diện với người trung niên, bỗng dưng đứng đậy, trừng mắt nhiìn trưởng toa, nói: “Ông có phải là đàn ông không?”
 
“Đương nhiên tôi là đàn ông rồi!”
 
“Ông lấy gì để chứng minh mình là đàn ông? Ông hãy cho mọi người xem giấy chứng nhận mình là đàn ông”
 
Mọi người xung quanh cười ầm lên.
 
Trưởng toa ngẩn người ra, nói: “Tôi là thằng đàn ông đứng lù lù ở đây, làm sao mà giả được?”
 
Người lạ mặt lắc đầu, nói: “Tôi cũng như ông, chỉ cần giấy chứng nhận chứ không cần nhìn người, có giấy chứng nhận đàn ông mới là đàn ông, không có giấy chứng nhận không phải là đàn ông”.
 
Trưởng toa bí quá, không t́ìm được câu trả lời.
 
Người nữ soát vé đứng lên gỡ thế bí cho trưởng toa, nói với người lạ mặt: “Tôi không phải đàn ông, ông có điều gí nói với tôi không nào?”
 
Người lạ mặt chỉ vào mũi cô ta và nói: “Về cơ bản, cô không phải là người”
 
Người nữ soát vé lồng lộn lên, giọng the thé: “Ông có độc mồm không đấy, tôi không phải là người thì là cái gí?”
 
Người lạ mặt bình tĩnh, cười và nói: “Cô là người à? Vậy thì tốt rồi, hãy cho tôi xem giấy chứng nhận cô là người…”
 
Mọi người xung quanh lại được một trận cười khoái chí.
 
Chỉ có một người không cười, đó là người trung niên mất nửa bàn chân. Ông nhìn chằm chằm mọi người và không biết từ khi nào, nước mắt lã chã tuôn rơi, không biết là ấm ức hay cảm kích…