GIÁO HỘI HIỆN THẾ
2021
ĐTC Phanxicô - Bài Giảng Chúa Nhật III Thường Niên
cho Chúa Nhật Lời Chúa năm thứ 2
Giờ đây chúng ta xét đến những ai Chúa Giêsu muốn nói với. Những lời đầu tiên của Người được ngỏ cùng thành phần đánh cá ở Galilêa, những con người chất phác mộc mạc, sống bằng việc lao động tay chân mệt nhọc, ngày cũng như đêm. Họ không phải là những chuyên gia về Thánh Kinh, hay những kẻ đầy những kiến thức và văn hóa. Họ sống ở một miền được làm nên bởi các thành phần dân chúng khác nhau, những sắc dân khác nhau và các thứ sùng bái khác nhau: một nơi chốn có thể đã xa vời với tính chân thuần đạo giáo ở Giêrusalem, trung tâm của xứ sở này. Tuy nhiên, ở đó lại là nơi Chúa Giêsu bắt đầu, chứ không phải từ tâm điểm mà là từ một vùng ngoại biên, và Người đã làm như vậy để cũng nói với cả chúng ta nữa là không ai xa vời với cõi lòng của Thiên Chúa. Hết mọi người đều có thể đón nhận lời của Người và đích thân gặp Người. Phúc Âm cống hiến cho chúng ta một chi tiết hay hay về vấn đề này, khi Phúc Âm nói với chúng ta rằng việc giảng dạy của Chúa Giêsu đã diễn ra sau việc rao giảng của Thánh Gioan (Mk 1:14). Chữ sau là những gì quan trọng: nó cho thấy một sự khác biệt. Thánh Gioan đã tiếp nhận dân chúng trong hoang địa, nơi chỉ có những ai có thể lìa bỏ nhà cửa của mình mới có thể đến. Trái lại, Chúa Giêsu nói về Thiên Chúa ngay giữa lòng xã hội, cho hết mọi người, bất cứ họ ở nơi đâu. Người không nói vào những thời gian hay nơi chốn nhất định, thế nhưng "đi dọc theo bờ biển hồ", nói với những con người đánh cá "đang thả lưới" (v.16). Người nói với dân chúng ở những lúc và những nơi bình thường nhất. Ở đây chúng ta thấy quyền năng phổ quát của lời Chúa vươn tới hết mọi người và hết mọi nơi của cuộc sống.
Tuy nhiên, lời Chúa còn có một quyền lực đặc biệt nữa, đó là lời Chúa có thể trực tiếp đụng chạm đến từng người. Các môn đệ sẽ không bao giờ có thể quên được những lời họ đã nghe thấy hôm ấy trên bờ biển hồ, bên các chiếc thuyền bè của họ, khi đang ở cùng với các phần tử trong gia đình và đồng nghiệp của mình: những lời đã vĩnh viễn làm nên cuộc đời của họ. Chúa Giêsu đã nói cùng họ rằng: "Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho anh em trở thành những tay đánh cá con người ta" (v.17). Người đã không kêu gọi họ bằng cách sử dụng những lời lẽ và ý tưởng cao sang, mà đã nói với cuộc sống của họ. Ngài đã nói với những con người đánh cá này rằng họ phải là những tay đánh cá người. Nếu Người bảo họ rằng: "Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các anh thành những vị Tông Đồ, các anh sẽ được sai vào trần gian để rao giảng Phúc Âm bằng quyền năng của Thần Linh; các anh sẽ bị giết chết, thế nhưng các anh sẽ làm thánh", chúng ta có thể tin chắc rằng chàng Phêrô và Anrê đã trả lời với Người rằng: "Xin đa tạ, chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục sống với cái nghề chài lưới này thôi!" Thế nhưng, Chúa Giêsu đã nói với họ liên quan đến cảnh sống của họ: "Các anh là những người đánh cá, và các anh sẽ trở thành những tay chài lưới người ta". Cảm thấy bị tác động mạnh trước những lời lẽ ấy, họ đã nhận ra rằng việc họ đang thả lưới đánh cá là một việc quá bé mọn, trong khi đó việc ra chỗ nước sâu để đáp lại lời của Chúa Giêsu mới là bí quyết của niềm vui chân thực. Chúa cũng làm y như thế với chúng ta, ở chỗ, Người nhìn chúng ta nơi chúng ta ở, Người yêu thương chúng ta như chúng ta là, và Người nhẫn nại bước đi bên cạnh chúng ta. Như Người đã làm với những con người đánh cá ấy, Người đang đợi chờ chúng ta ở bờ bến cuộc đời chúng ta. Bằng lời của mình, Người muốn biến đổi chúng ta, mời gọi chúng ta sống cuộc đời viên trọn hơn và cùng Người tiến ra chỗ nước sâu.
Vậy anh chị em thân mến, chúng ta đừng bỏ qua lời Chúa. Đó là một bức thư tình, được Đấng biết chúng ta nhất viết cho chúng ta đấy. Trong việc đọc lời Chúa, chúng ta nghe lại tiếng của Người, nhìn thấy dung nhan của Người và lãnh nhận Thần Linh của Người. Lời này đem chúng ta đến gần với Thiên Chúa. Chúng ta đừng giữ lời này xa xa vậy thôi, mà hãy luôn mang theo lời ấy với chúng ta, trong túi của chúng ta, trên điện thoại của chúng ta. Chúng ta hãy cống hiến cho lời Chúa một nơi xứng đáng trong nhà của chúng ta. Chúng ta hãy để Phúc Âm ở một nơi giúp chúng ta có thể nhớ mở lời ấy ra hằng ngày, có thể là đầu ngày và cuối ngày, nhờ đó, giữa tất cả những lời vang vọng vào đôi tai của chúng ta, cũng có cả mấy câu lời Chúa đụng chạm tới cõi lòng của chúng ta. Để làm điều này, chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta sức mạnh để tắt truyền hình đi và mở Thánh Kinh ra, tắt điện thoại di động đi và mở Phúc Âm ra. Trong phụng niên này, chúng ta đang đọc Phúc Âm Thánh Marco, cuốn phúc âm giản lược và ngắn nhất trong các Phúc Âm. Sao lại không đọc Phúc Âm ở nhà nữa chứ, cho dù là một đoạn ngắn mỗi ngày. Chúng ta sẽ cảm thấy Thiên Chúa gần gũi cận kề với chúng ta và làm cho chúng ta tràn đầy lòng can đảm để tiến bước trong đời.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu