GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2021

 

 

 

ĐTC PHANXICÔ VỚI NGOẠI GIAO ĐOÀN CHƯ QUỐC

CÓ BANG GIAO VỚI QUỐC ĐÔ VATICAN

THỨ HAI 8/2/2021

 

... Tôi xin lỗi về bất cứ bất tiện nào gây ra bởi việc hủy bỏ cuộc gặp gỡ của chúng ta được dự định vào ngày 25 tháng Giêng vừa qua... (thời điểm ấy ngài đang bị đau thần kinh tọa)

Cuộc họp sáng hôm nay của chúng ta xẩy ra ở một nơi rộng rãi hơn là Sảnh Đường Chúc Phúc, để tôn trọng nhu cầu giãn cách bản thân mình, cần phải có bởi dịch bệnh này. Tuy nhiên, việc giãn cách này chỉ về thể lý thôi. Cuộc gặp gỡ hôm nay cho thấy một cái gì đó rất khác hẳn: nó là một dấu hiệu của sự gần gũi và tương trợ, những gì gia đình chư quốc cần phải mong ước. Trong thời điểm dịch bệnh này, thứ nhu cầu gần gũi này càng quan trọng hơn bao giờ hết, vì hiển nhiên là vi khuẩn này vượt qua mọi thứ chướng vật, và nó cũng không dễ bị cô lập hóa. Bởi vậy việc khống chế nó là một nhiệm vụ nơi mỗi người chúng ta cũng như nơi các xứ sở của chúng ta.

....

Tất cả chúng ta chắc chắn là đang mong phục hồi các cuộc giao tiếp của mình nhanh bao nhiêu có thể, và việc chúng ta qui tụ ở đây hôm nay mang ý nghĩa là một dấu hiệu hy vọng về vấn đề này. Chính bản thân tôi cũng muốn tái tấu các chuyến Tông Du của mình, bắt đầu bằng chuyến tông du đến Iraq được dự tính vào Tháng Ba tới đây. Những cuộc Viếng Thăm này là một dấu hiệu quan trọng về mối quan tâm của vị Thừa Kế Thánh Phêrô đối với Dân Chúa khắp thế giới, và việc đối thoại của Tòa Thánh với các quốc gia. Các cuộc viếng thăm này cũng thường là một cơ hội để phát triển các mối liên hệ tốt đẹp giữa các tôn giáo, trong tinh thần chia sẻ và đối thoại...

...

Năm vừa kết thúc đây đã lưu lại những gì là sợ hãi, bất ổn và thất vọng, cũng như sầu thương về nhiều mạng sống bị mất mát. Nó gây ta một tinh thần cô lập và ngờ vực lẫn nhau, khiến cho các quốc gia dựng lên những rào cản. Thế giới tương liên mà chúng ta đã quen thuộc nhường chỗ cho một thế giới, một lần nữa, lại bị phân mảnh và phân chia. Tuy nhiên, các tác dụng của dịch bệnh này gây ra một thứ tai hại toàn cầu, chạm đến tất cả mọi xứ sở và mọi dân tộc trên thế giới, ảnh hưởng đến vô số chiều kích của đời sống chúng ta, và càng khiến trầm trọng hóa hơn "các cuộc khủng hoảng tương liên sâu xa như những cuộc khủng hoảng về khí hậu, về lương thực, về kinh tế và về di dân" [1]. Theo chiều hướng ấy, tôi đã nghĩ đến việc thích đáng thiết lập một Ủy Ban Covid-19 của Vatican, để phối hợp đáp ứng của Tòa Thánh cũng như của toàn Giáo Hội, theo yêu cầu của các giáo phận trên thế giới, trong việc phản ứng với cuộc khủng hoảng về sức khỏe cùng với những nhu cầu trầm trọng gây ra trước mắt.

Ngay từ đầu, dường như hiển nhiên cho thấy rằng dịch bệnh này gây ra một tác dụng đáng kể tới lối sống chúng ta vốn đã quen thuộc, cũng như tới những thứ thuận tiện và ổn định  chúng ta được hưởng mà không biết trân trọng. Tác dụng này gây ra một cuộc khủng hoảng, vì nó cho chúng ta thấy diện mạo của một thế giới đang bị bệnh hoạn trầm trọng, chẳng những gây ra bởi vi khuẩn, mà còn ở nơi môi trường thiên nhiên của thế giới, ở những tiến trình về kinh tế và chính trị của thế giới, và thậm chí còn hơn thế nữa, cả ở những mối liên hệ giữa con người với nhau. Dịch bệnh này cho thấy các nguy cơ và hậu quả tiềm ẩn ở nơi một lối sống bị thống trị bởi tính vị kỷ, và bởi một nền văn hóa rác thải, và nó đặt trước chúng ta một sự chọn lựa, đó là tiếp tục con đường chúng ta đã từng theo đuổi cho tới nay, hay chúng ta bắt đầu một đường lối mới.

Tôi xin vắn tắt đề cập đến một số những cuộc khủng hoảng, đã được thứ dịch bệnh này làm bùng lên hay làm sáng tỏ, mà còn lưu ý tới các cơ hội được những cuộc khủng hoảng này có thể cống hiến cho việc xây dựng một thế giới nhân bản hơn, chính đáng hơn, cảm thông hơn và bình an hơn.

Cuộc khủng hoảng về sức khỏe

Dịch bệnh này buộc chúng ta phải đương đầu với hai chiều kích bất khả tránh né nơi cuộc hiện hữu của con người, đó là sức khỏe và chết chóc. Dịch bệnh xẩy ra này nhắc nhở chúng ta về giá trị của sự sống, của hết mọi sự sống nơi mỗi người cùng với giá trị của sự sống, ở hết mọi thời điểm hành trình trần thế của nó, từ khi nó được thụ thai cho tới khi tự nhiên kết thúc. Tuy nhiên, thật là đau đớn phải ghi nhận rằng dưới chiêu bài bảo đảm các thứ được cho là quyền lợi chủ quan, con số gia tăng nơi các cơ cấu pháp lý trên thế giới của chúng ta đây dường như xa lìa khỏi nhiệm vụ bất khả chuyển nhượng trong việc bảo vệ sự sống con người ở vào từng giai đoạn của nó.

Dịch bệnh này cũng nhắc nhở chúng ta về quyền lợi - quyền lợi! - của từng con người được chăm sóc xứng đáng, như tôi đã nhấn mạnh đến trong Sứ Điệp cho Ngày Thế Giới Hòa Bình được cử hành hôm mùng 1/1 năm nay. Vì "mỗi một con người tự mình là đích điểm, không bao giờ chỉ là một thứ phương tiện, chỉ được thẩm định bằng sự ích lợi của họ. Con người được dựng nên để chung sống trong gia đình, cộng đồng và xã hội, tất cả đều bình đẳng về phẩm giá. Các thứ nhân quyền đều xuất phát từ phẩm giá này, các nhiệm vu làm người cũng thế, như trách nhiệm đón nhận và hỗ trợ người nghèo, bệnh nhân, những ai bị loại trừ" [2]. Nếu chúng ta không cho những con người yếu kém nhất trong chúng ta được quyền sống, thì chúng ta làm sao có thể hiệu lực bảo đảm cho việc tôn trọng hết mọi thứ quyền lợi khác chứ?

....

Cũng thật khẩn thiết đạt được một tiến bộ về y học và khoa học đáng kể qua năm tháng - một tiến bộ đã khả dĩ thật mau chóng tạo nên được các thứ chủng ngừa hứa hẹn hiệu nghiệm chống lại vi khuẩn corona - mang lại lợi ích cho chung nhân loại. Tôi khuyến khích tất cả mọi quốc gia hãy tích cực góp phần vào những nỗ lực quốc tế đang được thực hiện để bảo đảm việc phân phối một cách công bằng về các thứ chủng ngừa này, không chỉ theo tiêu chuẩn về kinh tế, mà còn theo nhu cầu của tất cả mọi người nữa, đặc biệt cho những ai thiếu thốn nhất.

Cho dù là thế đi nữa, trước một kẻ thù biến hóa khôn lường như Covid-19 này, thì việc tiếp cận với các loại chủng ngừa cần phải được kèm theo cả hành vi hữu trách của cá nhân nữa, để ngăn chặn nạn lây lan của thứ vi khuẩn ấy, bằng cách sử dụng các biện pháp ngăn ngừa cần thiết mà chúng ta đã quen thuộc trong những ngày tháng này đây. Thật là thảm hại khi chúng ta đặt tin tưởng vào nguyên chủng ngừa, như thể nó là một thứ thuốc chữa đủ mọi thứ bệnh, khiến con người khỏi phải liên tục quan tâm đến sức khỏe của mình, cũng như sức khỏe của những người khác nữa...

Cuộc khủng hoảng về môi trường

Không phải chỉ có loài người mới yếu bệnh. Thứ dịch bệnh này đã chứng tỏ cho thấy một lần nữa là chính trái đất này cũng mỏng dòn và cần được chăm sóc.

Thật vậy, có những khác biệt sâu xa giữa cuộc khủng hoảng về sức khỏe, gây ra bởi dịch bệnh này, với cuộc khủng hoảng về môi sinh, gây ra bởi việc khai thác bừa bãi các nguồn thiên nhiên. Các nguồn thiên nhiên này phức tạp và dai dẳng hơn nhiều, cần phải có những giải quyết lâu dài chung. Ảnh hưởng của hiện tượng thay đổi khí hậu chẳng hạn, dù là trực tiếp, như những biến cố lũ lụt và hạn hán, liên quan đến thời tiết thái quá, hay gián tiếp, như chứng kém dinh dưỡng hoặc bệnh hô hấp, gây ra những hậu quả kéo dài một thời gian đáng kể.

Để thắng vượt được những cuộc khủng hoảng này, cần phải có được sự hợp tác quốc tế trong việc chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta. Bởi vậy mà tôi hy vọng rằng Hội Nghị Liên Hiệp Quốc Về Vấn Đề Thay Đổi Khí Hậu (COP26), diễn ra ở Glasgow vào tháng 11 tới đây, sẽ mang lại một hiệp định hiệu lực để giải quyết các hậu quả về tình trạng thay đổi khí hậu ấy. Đây là lúc phải hành động, vì chúng ta đã cảm thấy những tác dụng của những gì là thụ động cứ bị kéo dài.

Tôi nghĩ đến, chẳng hạn, những âm dội của tình trạng thay đổi khí hậu tại nhiểu hải đảo nhỏ ở Thái Bình Dương đang có nguy cơ dần dần bị biến mất. Thảm trạng này không những gây ra tình trạng hủy hoại toàn thể các khu làng, mà còn buộc các cộng đồng địa phương, nhất là các gia đình, phải liên tục di tản, mất đi căn tính cùng văn hóa của họ. Tôi cũng nghĩ đến những trận lũ lụt ở vùng Đông Nam Á, đặc biệt là ở Việt Nam và Phi Luật Tân, những trận bão lụt đã gây ra nhiều chết chóc, và khiến cho tất cả nhiều gia đình không còn gì để sinh sống. Tôi cũng không quên đề cập tới hiện tượng gia tăng hâm nóng của trái đất này, một hiện tượng đã gây ra những vụ hỏa hoạn tàn phá hủy hoại ở Úc Châu và California.

Cả ở Phi Châu nữa, tình trạng thay đổi khí hậu, bị trầm trọng hóa hơn bởi việc con người nhúng tay vào can thiệp một cách khinh xuất - và giờ đây lại bởi dịch bệnh này nữa - là nguyên nhân cần phải nghiêm chỉnh quan tâm. Tôi đặc biệt nghĩ đến tình trạng thiếu an toàn về thực phẩm, một tình trạng mà năm ngoái đã ảnh hưởng nhất đền Burkina Faso, Mali và Niger, với hằng triệu người bị đói khổ. Cả ở Nam Sudan nữa, có nguy cơ bị đói kém, và thật sự là nguy cơ về một tình trạng cấp cứu nhân đạo trầm trọng và liên tục...

Cuộc khủng hoảng về kinh tế và xã hội

Nhu cầu cần ngăn chặn vi khuẩn corona đã thúc đẩy nhiều chính quyền chấp nhận những hạn chế về việc tự do di chuyển. Qua một số ngày tháng, những hạn chế này đã đóng cửa các cơ sở thương mại, và ngành sản xuất nói chung cũng bị chậm lại, gây ảnh hưởng trầm trọng đến các công ty, đặc biệt là những cơ sở làm ăn cỡ vừa và nhỏ, đến công ăn việc làm, và hậu quả là đến đời sống của các gia đình và tất cả mọi lãnh vực của xã hội, đặc biệt là những ai dễ bị tổn thương nhất.

Cuộc khủng hoảng gây tai hại về kinh tế đã làm sáng tỏ một thứ bệnh hoạn khác của thời đại chúng ta đây, đó là thứ bệnh hoạn của một nền kinh tế theo khuynh hướng khai thác và sa thải, cả con người lẫn các nguồn thiên nhiên. Quá thường xẩy ra là chúng ta đã lơ là với tình đoàn kết, cùng với những thứ giá trị làm cho nó trở thành một nền kinh tế phục vụ cho việc phát triển toàn vẹn con người, hơn là cho những lợi lộc riêng biệt. Chúng ta cũng đã mất đi cái nhìn về tầm quan trọng của xã hội nơi hoạt động kinh tế, cũng như mục đích phổ quát của các thứ sản vật và các nguồn thiên nhiên.

Bởi vậy mà cuộc khủng hoảng hiện nay đang cống hiến một cơ hội hữu ích trong việc tái suy tư về mối liên hệ giữa con người với kinh tế. Cần phải có một loại "cách mạng Copernicus mới" là những gì có thể đặt kinh tế vào việc phục vụ con người nam nữ, chứ không phải là ngược lại. Tóm lại, "một thứ kinh tế khác: thứ kinh tế làm cho sống chứ không chết, thứ kinh tế bao gồm chứ không loại trừ, nhân bản chứ không phải là vô nhân đạo, thứ kinh tế chăm sóc cho môi trường chứ không phải là tác hại nó" [4]

Để đối chọi với những hậu quả tiêu cực này của cuộc khủng hoảng ấy, nhiều chính quyền đã sẵn sàng với một số sáng kiến khác nhau và đã phân phối việc tài trợ thiết yếu. Tuy nhiên, không phải là không thường xuyên với những nỗ lực được thực hiện để tìm kiếm những giải quyết ở địa phương một vấn đề thật sự có tính cách toàn cầu. Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta không còn có thể nghĩ về việc chỉ tự mình hành động thôi. Cũng cần phải chia sẻ những sáng kiến chung ở tầm cấp quốc tế nữa, nhất là trong việc nâng đỡ công ăn việc làm và việc bảo vệ những giới dân chúng nghèo nhất....

....

Việc đóng biên giới vì dịch bệnh này, cùng với cuộc khủng hoảng kinh tế, cũng đã tăng tốc trầm trọng con số việc cấp cứu nhân đạo, cả ở những miền xẩy ra xung đột lẫn những vùng bị ảnh hưởng bởi việc thay đổi khí hậu cùng bị hạn hán, cũng như ở những trại tị nạn và di dân... Sudan... những xứ sở ở vùng hạ mạc Sahara Phi Châu... Syria....

Trong các trường hợp khác, những cuộc khủng hoàng nhân đạo trở nên trầm trọng hơn bởi những thứ cấm vận kinh tế, những gì vẫn thường xẩy ra, ảnh hưởng chính yếu đến thành phần dân chúng dễ bị tổn thương hơn là các vị lãnh đạo chính trị. Cho dù thông cảm với những lý do cần phải áp đặt những thứ cấm vận này, Tòa Thánh không coi đó là những gì có công hiệu, và hy vọng rằng chúng sẽ được giảm bớt, ít là để cải tiến được luồng trợ cấp nhân đạo, đặc biệt là các thứ thuốc men và dụng cụ chăm sóc sức khỏe, những gì rất cần thiết trong thời dịch bệnh này.

Chớ gì tình hình hiện nay cũng trở thành một kích tố trong việc tha nợ quốc tế, hay ít là giảm nợ, những gánh nặng đang phải hứng chịu bởi các xứ xở nghèo hơn, những gánh nặng nợ nần ngăn chặn việc phục hồi cùng trọn vẹn phát triển hiệu năng của họ.

...

Từ sau Thế Chiến Thứ II, thế giới của chúng ta đã chưa từng trải qua thảm trạng gia tăng số người tị nạn. Vì thế, rất cần phải tái quyết tâm bảo vệ họ, cùng với những người phải di tản nội địa, và nhiều người dễ bị tổn thương buộc phải vượt thoát khỏi tình trạng bách hại, bạo lực, xung đột và chiến tranh...

Cuộc khủng hoảng về chính trị

Những vấn đề quan trọng tôi vừa đề cập đến làm sáng tỏ một cuộc khủng hoảng sâu xa hơn nữa, một cuộc khủng hoảng, ở một khía cạnh nào đó, là căn nguyên của các cuộc khủng hoảng khác, và cái quyền lực thảm thê của nó đã trở thành nổi bật lên bởi chính dịch bệnh này. Tôi muốn nói đến cuộc khủng hoảng chính trị vẫn đang ảnh hưởng đến nhiều xã hội ở một thời điểm nào đó, và những ảnh hưởng đớn đau của nó đã được bừng lên trong cơn dịch bệnh này.

Một trong những dấu hiệu chuẩn mực cho cuộc khủng hoảng này đó là tình trạng gia tăng nơi các cuộc xung đột về chính trị, cùng với vấn đề khó khăn, nếu không muốn nói là thực sự bất lực, trong việc tìm kiếm những giải quyết chung hợp cho các vấn đề đang ảnh hưởng tới thế giới của chúng ta. Đây là một xu hướng gia tăng, một xu hướng đang càng ngày càng trở nên lan rộng hơn cả ở những xứ sở có một truyền thống dân chủ lâu dài. Việc làm sống động các nền dân chủ là một thách đố trong thới điểm lịch sử hiện nay [6], một thách đố đang trực tiếp ảnh hưởng đến tất cả mọi quốc gia, dù nhỏ hay lớn, dù phát triển về kinh tế hay đang trong tiến trình phát triển. Trong những ngày này, tôi đặc biệt nghĩ đến nhân dân Myanmar... Con đường tiến đến dân chủ được thực hiện trong mấy năm gần đây đã bị lũng đoạn một cách sống sượng bởi đảo chính tuần vừa qua...

... Dân chủ được xây dựng trên sự tương kính, trên khả năng mỗi người có thể góp phần vào thiện ích của xã hội, cũng như trên việc quan tâm đến các ý kiến khác nhau, không phải để đe dọa quyền bính và sự an toàn của quốc gia, mà nhờ việc tranh cãi chân thành với nhau làm cho chúng thêm phong phú, và giúp cho chúng có thể tìm thấy được những giải quyết thích đáng hơn để dẹp đi các thứ vấn đề. Tiến trình dân chủ cần phải theo đuổi đường lối đối thoại bao gồm, hòa bình, xây dựng và tôn trọng giữa tất cả mọi thành phần làm nên xã hội dân sự ở hết mọi thành phố và quốc gia. Những biến cố ấy, ở những cách thức khác nhau và bối cảnh khác nhau, từ Đông sang Tây, đã đánh dấu năm vừa qua nữa, như tôi đã đề cập đến, cũng ở các xứ sở có một truyền thống dân chủ lâu dài, đã cho thấy tình hình bất khả vượt thoát khỏi thách đố này ra sao, và chúng ta không thể nào tránh được nhiệm vụ về luân lý và xã hội để giải quyết nó một cách tích cực. Vấn đề phát triển việc ý thức về dân chủ cần phải nhấn mạnh đến chuyện thắng vượt nhân cách cá nhân và đến chuyện tôn trọng qui luật đang có. Thật vậy, luật lệ là điều kiện tiên quyết bất khả châm chước cho việc thực thi của tất cả mọi quyền bính, và cần phải bảo đảm bằng các cơ cấu cai trị hữu trách, bất kể các khuynh hướng chính trị chủ chốt.

Buồn thay, cuộc khủng hoảng chính trị và các giá trị dân chủ này cũng được phản ảnh cả ở tấm cấp quốc tế nữa, với các âm hưởng lên cả toàn thể cơ cấu đa phương cùng với hậu quả hiển nhiên mà các Tổ Chức được thiết lập để duy trì hòa bình và phát triển - căn cứ vào luật lệ, chứ không phải vào "thứ luật mạnh được yếu thua" - thấy được hiệu năng của mình bị tổn hại. Thật sự là chúng ta không thể chối cãi được là cơ cấu đa phương, trong những năm gần đây, cũng đã tỏ ra một số giới hạn. Dịch bệnh này là một cơ hội quí báu để tạo nên và áp dụng những việc canh tân cải cách về cấu trúc để các Tổ Chức quốc tế có thể tái phục hồi ơn gọi thiết yếu của mình, trong việc phục vụ gia đình nhân loại, nơi việc bảo về sự sống con người và hòa bình.

Một trong những dấu hiệu của cuộc khủng hoảng chính trị chính là ở chỗ tỏ ra lưỡng lự thường xẩy ra trong việc thực hiện đường lối canh tân cải cách. Chúng ta không được sợ canh tân cải cách, cho dù chúng đòi phải hy sinh và thường đòi phải thay đổi cách tư duy của chúng ta. Hết mọi cơ cấu sống động cần phải liên tục được canh tân đổi mới, và các việc canh tân cải cách này đang diễn ra nơi Tòa Thánh và Giáo Triều Roma cũng hợp với chiều hướng này.

...

(ĐTC bài tỏ lòng mong ước của ngài đến một số nơi đáng chủ ý về công lý và hòa bình, thứ tự như ở: Syria... Thánh Địa... Lebanon... Trung Đông... Cộng Hòa Trung Phi... Châu Mỹ Latinh... Bán Đảo Triều Tiên... Nam Caucasus)

....

Sau hết, tôi không thể không đề cập đến một tai họa trầm trọng khác của thời đại chúng ta đây, đó là khủng bố, thứ khủng bố hằng năm sát hại nhiều nạn nhân trong số thành phần dân sự bất khả tự vệ trên khắp thế giới. Nạn khủng bố là một sự dữ đã từng gia tăng từ thập niên 1970 trong thế kỷ vừa qua, và đạt tới tột đỉnh của mình ở cuộc tấn công vào Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ vào ngày 11/9/2001, đã sát hại gần 3 ngàn người. Thảm thương thay, con số những cuộc tấn công khủng bố đã gia tăng trong vòng 20 năm qua, gây ảnh hưởng đến các xứ sở khác nhau ở mọi châu lục. Tôi nghĩ đến các cuộc tấn công khủng bố nhất là ở miền hạ mạc Sahara Phi Châu, cũng như ở Á Châu và Âu Châu...

...

Cuộc khủng hoảng về liên hệ nhân bản

Để kết thúc những quan ngại này, tôi muốn tập trung vào một thứ khủng hoảng cuối cùng, thứ khủng hoảng hệ trọng nhất trong tất cả mọi thứ khủng hoảng, đó là thứ khủng hoảng về các mối liên hệ của con người, như là một thứ thể hiện của một cuộc khủng hoảng về nhân loại học phổ quát, liên quan đến chính quan niệm về con người và phẩm vị siêu việt của họ.

Dịch bệnh này, một dịch bệnh buộc chúng ta phải kéo dài những tháng ngày dài cô lập và thường lẻ loi, đã mang lại nhu cầu về các mối liên hệ con người của hết mọi người. Trước hết tôi nghĩ đến các học sinh không thể đến trường học hay đại học thường xuyên... Hơn nữa, việc gia tăng vấn đề học hành từ xa cũng gây ra cho trẻ em và thanh thiếu niên vào một sự lệ thuộc hơn nữa vào internet cũng như vào các hình thức ảo của vấn đề truyền thông nói chung, khiến chúng càng dễ dàng tiếp cận online một cách dễ bị tổn thương quá phơi bày về các hoạt động tội ác.

Chúng ta đang chứng kiến thấy một loại "thảm họa về giáo dục" - xin để tôi lập lại điều này: một loại "thảm họa về giáo dục" - mà chúng ta cần phải có phản ứng vì các thế hệ hậu sinh và cho chung xã hội... Thật vậy, giáo dục là "một kháng tố tự nhiên chống lại thứ văn hóa cá nhân chủ nghĩa mà có những lúc thoái hóa thành một thứ một thứ sùng bái cái tôi thực sự và thành một thứ ưu thế của thái độ dửng dưng lãnh đạm. Tương lai của chúng ta không thể là thứ tương lai chia rẽ, kiệt quệ về tư tưởng, về việc sáng tạo, về sự chăm chú, về vấn đề đối thoại và về việc hiểu biết nhau [14].

Những giai đoạn lâu dài bị cấm cung đồng thời cũng cống hiến cơ hội cho các gia đình có giờ với nhau hơn. Đối với nhiều gia đình thì đó là một dịp quan trọng để lấy lại những mối liên hệ sâu xa của họ... Cho dù là thế chăng nữa, thì không phải là hết mọi người đều đã có thể sống một cách thanh thản ở nhà của mình, và một số hình thức sống chung đã suy thoái và gây ra tình trạng bạo lực tại gia...

Nhu cầu cần phải ngăn chặn tình trạng lan tràn thứ vi khuẩn này cũng hàm chứa cả một số những thứ tự do căn bản, bao gồm cả tự do tôn giáo, ở chỗ giới hạn việc thờ phượng công cộng cùng với các hoạt động về giáo dục cũng như bác ái của các cộng đồng đức tin. Tuy nhiên, cần phải nhận biết rằng tôn giáo là một khía cạnh căn bản của con người cũng như của xã hội, và không thể bị loại trừ. Ngay cả khi chúng ta tìm cách bảo vệ sự sống của con người khỏi tình trạng lây lan của vi khuẩn này, chúng ta cũng không thể coi chiều kích về tinh thần và luân lý của con người kém quan trọng hơn sức khỏe về thể lý.

Hơn nữa, quyền tự do thờ phượng, không phải là hệ quả của quyền tự do hội họp. Nó chính yếu xuất phát từ quyền tự do tôn giáo, một thứ nhân quyền căn bản và nên tảng. Bởi thế, quyền này cần phải được tôn trọng, bảo vệ và bênh vực bởi các thẩm quyền dân sự, như quyền về sức khỏe của thân xác và thể lý. Đối với vấn đề này, thì chuyện chăm sóc lành mạnh cho thân xác không bao giờ lại coi thường chuyện chăm sóc cho linh hồn.

... Cuộc khủng hoảng về các mối liên hệ con người, và từ đó, các cuộc khủng hoảng khác đã được tôi đề cập tới, không thể được khắc phục, trừ phi chúng ta bảo toàn được phẩm giá  siêu việt của mỗi một con người được dựng nên theo hình ảnh và tương tự như Thiên Chúa.

...

Năm 2021 là một thời điểm không được để cho nó hư phí. Và nó sẽ không bị hư phí nếu chúng ta có thể làm việc với nhau một cách quảng đại và quyết tâm. Về vấn đề này, tôi xác tín rằng tình huynh đệ là việc chữa lành thực sự cho dịch bệnh này cùng với nhiều sự dữ khác đã ảnh hưởng đến chúng ta. Cùng với các thứ chủng ngừa, tình huynh đệ và niềm hy vọng thực sự là phương thuốc chúng ta cần trong thế giới ngày nay.

... Nguyện ước tốt đẹp của tôi đó là năm nay cần phải trở thành một dịp tốt đẹp để đi sâu vào những mối liên kết huynh đệ thắt nối toàn thể gia đình nhân loại chúng ta.



[1] Message for the 2021 World Day of Peace, 8 December 2020, 1.

[2] Ibid. 6.

[3] Devotions upon Emergent Occasions (1623), Meditation XVII.

[4] Letter for the “Economy of Francesco” Initiative (1 May 2019).

[5] SAINT JOHN XXIII, Encyclical Letter Pacem in Terris (11 April 1963), ed. Carlen, 11.

[6] Cf. Address to the European Parliament, Strasburg (25 November 2014).

[7] Radio Message to the People of the Entire World, 24 December 1944.

[8] Message to the United Nations Conference to Negotiate a Legally Binding Instrument to Prohibit Nuclear Weapons (23 March 2017): AAS 109 (2017), 394-396; Encyclical Letter Fratelli Tutti, 262.

[9] Ibid.

[10] Encyclical Letter Pacem in Terris (11 April 1963), ed. Carlen, 112.

[11] Angelus, 1 January 2021.

[12] Video Message for the Meeting “Global Compact on Education. Together to Look Beyond” (15 October 2020).

[13] Ibid.

[14] Ibid.

[15] SAINT JOHN PAUL II, Apostolic Exhortation Familiaris Consortio (22 December 1981), 1.

[16] Ibid, 48.

[17] Epistola XIII, 39.

 

http://www.vatican.va/content/francesco/en/speeches/2021/february/documents/papa-francesco_20210208_corpo-diplomatico.html

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu