GIÁO HỘI HIỆN THẾ
2021
ĐTC Phanxicô: Sứ Điệp Mùa Chay 2021
"Nào, chúng ta hãy lên Giêrusalem" (Mt 20:18)
Mùa Chay: Một Thời Gian Canh Tân Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến
Anh Chị Em thân mến,
Chúa Giêsu đã mạc khải cho các môn đệ của Người biết về ý nghĩa sâu xa nhất nơi sứ vụ của Người, khi Người bảo cho các vị về cuộc khổ nạn của Người, cái chết và cuộc phục sinh của Người, để hoàn tất ý muốn của Chúa Cha. Như thế là Người đã gọi các môn để các vị thông dự vào sứ vụ này cho phần rỗi của thế gian.
Trong cuộc hành trình Mùa Chay tiến đến Lễ Phục Sinh của chúng ta, chúng ta tưởng nhớ đến Đấng "tự hạ và vâng lời cho đến chết, cho dù chết trên thập tự giá" (Phil 2:8). Trong mùa hoán cải này, chúng ta hãy canh tân đổi mới lại đức tin của chúng ta, kín múc được từ "thứ nước hằng sống" của đức cậy, và đón nhận bằng tấm lòng cởi mở đức mến của Thiên Chúa, Đấng làm cho chúng ta thành những người anh chị em trong Chúa Kitô. Ở lễ vọng Phục Sinh, chúng ta sẽ lập lại những lời hứa rửa tội của chúng ta, và cảm thấy được mình được tái sinh như những con người nam nữ mới bởi tác động của Thánh Linh. Cuộc hành trình Mùa Chay này, như toàn bộ hành trình của đời sống Kitô hữu, thậm chí cho đến nay vẫn được chiếu soi bởi ánh sáng phục sinh, thứ ánh sáng soi động ý nghĩ, thái độ và quyết định của thành phần môn đồ theo Chúa Kitô.
Việc Chay tịnh, cầu nguyện và bố thí, như Chúa Giêsu dạy (cf Mt 6:1-18), giúp chúng ta có thể thực hiện và thể hiện việc hoán cải của chúng ta. Con đường nghèo khó và từ mình (chay tịnh), việc quan tâm và ưu ái chăm sóc cho người nghèo (bố thí), và việc đối thoại như con cái với Chúa Cha (cầu nguyện), cả 3 đều làm cho việc hoán cải trở thành khả dĩ cho chúng ta để chúng ta sống cuộc đời theo đức tin chân chính, bằng đức cậy sống động và với đức mến hiệu năng.
1. Đức tin kêu gọi chúng ta chấp nhận sự thật và chứng thực sự thật này trước Thiên Chúa cũng như trước mắt tất cả mọi anh chị em của chúng ta.
Trong Mùa Chay này, việc chấp nhận và sống sự thật được mạc khải nơi Chúa Kitô, trước hết, có nghĩa là mở lòng mình ra cho Lời Chúa, Lời được Giáo Hội truyền đạt từ đời nọ đến đời kia. Sự thật này không phải là một quan niệm trừu tượng, chỉ giành cho một ít kẻ thông minh có hạng nào đó thôi. Trái lại, nó là một sứ điệp tất cả chúng ta đều có thể lãnh nhận và hiểu biết, nhờ tính chất khôn ngoan của một tấm lòng cởi mở trước Vị Thiên Chúa uy nghi cao cả, Đấng yêu thương chúng ta trước khi chúng ta nhận biết Ngài. Chính Chúa Kitô là sự thật này. Bằng việc nhận lấy nhân tính của chúng ta, bao gồm cả những gì rất ư là hạn hữu của nó, Người đã biến mình thành đường lối - dù gay go đòi hỏi nhưng vẫn được mở ra cho tất cả mọi người - để dẫn chúng ta đền tình trạng viên mãn của sự sống.
Chay tịnh, được cảm nghiệm như là một hình thức từ mình, giúp cho những ai thực hiện nó bằng tấm lòng chân thành tái khám phá ra tặng ân của Thiên Chúa, và nhận biết rằng, vì được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa và tương tự như Ngài, mà chúng ta mới nên trọn nơi Ngài. trong việc ấp ủ cảm nghiệm nghèo khó, những ai chay tịnh biến họ thành nghèo khó với kẻ nghèo khổ, và tích lũy kho tàng của một tình yêu thương vừa lãnh nhận vừa chia sẻ. Nhờ đó, việc chay tịnh giúp chúng ta kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân, vì tình yêu, như Thánh Toma Aquina dạy, là một chuyển động hướng ngoại khiến chúng ta tập trung vào người khác, và coi họ như là một người của chúng ta (cf. Fratelli Tutti, 93).
Mùa Chay là thời gian tin tưởng, vì chúng ta đón nhận Chúa vào cuộc đời của chúng ta và để Ngài "cư ngự" giữa chúng ta (cf Jn 14:23). Việc chay tịnh bao gồm cả tình trạng được giải thoát khỏi tất cả những gì đè nén chúng ta - như chủ nghĩa hưởng thụ hay một thứ thái quá về tín liệu, dù đúng hay sai - để mở của lòng chúng ta cho Đấng đến cùng chúng ta, bần cùng trong tất cả mọi sự, nhưng lại "đầy ân sủng và chân lý" (Jn 1:14), đó là Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Thế của chúng ta.
2- Đức cậy như là "nước hằng sống" giúp chúng ta có thể tiếp tục hành trình của chúng ta
Chị phụ nữ Samaritanô ở giếng nước được Chúa Giêsu xin cho uống, không hiểu Người muốn nói gì khi Người nói rằng Người có thể cống hiến cho chị "nước hằng sống" (Jn 4:10). Tất nhiên là chị ta nghĩ rằng Người đang nói đến thứ nước tự nhiên, nhưng Chúa Giêsu lại nói về Thánh Linh, Đấng được Người thông ban dồi dào nơi mầu nhiệm vượt qua, tuôn xuống một niềm hy vọng không gây thất vọng. Chúa Giêsu đã nói đến niềm hy vọng này khi Người nói về cuộc khổ nạn và tử nạn của Người là Người sẽ "sống lại vào ngày thứ ba" (Mk 20:19). Chúa Giêsu đang nói về tương lai được lòng thương xót của Chúa Cha tỏ hiện. Việc hy vọng với Người và vì Người có nghĩa là tin tưởng rằng lịch sử không kết thúc ở những lầm lỗi của chúng ta, ở những gì là bạo lực và bất công của chúng ta, hay ở tội lỗi đóng đanh tình yêu. Mà có nghĩa là được lãnh nhận ơn tha thứ của Chúa Cha từ tấm lòng rộng mở của Ngài.
Trong những lúc rắc rối trục trặc này, khi mà hết mọi sự hầu như mỏng dòn và bất định, thì đường như khó nói đến vấn đề hy vọng. Tuy nhiên, Mùa Chay thật sự là mùa hy vọng, khi chúng ta trở về cùng Thiên Chúa, Đấng tiếp tục nhẫn nại chăm sóc cho tạo vật của Ngài đã thường bị chúng ta đối xử tàn tệ (cf. Laudato Si’, 32-33; 43-44). Thánh Phaolô thúc giục chúng ta hãy thể hiện niềm hy vọng của chúng ta nơi việc hòa giải: "Anh em hãy hòa giải với Thiên Chúa" (2Cor 5:20). Nhờ lãnh nhận ơn tha thứ nơi phép bí tích là tâm điểm trong tiến trình hoán cải của chúng ta, về phần mình, chúng ta có thể lan truyền ơn tha thứ cho những người khác. Lãnh nhận ơn tha thứ cho bản thân mình, chúng ta có thể cống hiến ơn này, bằng việc chúng ta sẵn lòng tham gia việc chuyên chú đối thoại với những người khác, và mang lại an ủi cho những ai cảm thấy sầu thương và đau đớn. Ơn tha thứ của Thiên Chúa, cũng được cống hiến nhờ những lời nói và việc làm của chúng ta, giúp chúng ta có thể cảm nghiệm thấy được một Lễ Phục Sinh của tình huynh đệ.
Trong Mùa Chay, chớ gì chúng ta gia tăng để ý tới "việc nói những lời lẽ khuyên giải, bổ sức, ủi an và phấn khích, chứ không phải là những thứ ngôn tự hạ cấp, buồn phiền, giận dữ hay khinh bỉ" (Fratelli Tutti, 223). Để cống hiến cho người khác niềm hy vọng, đôi khi chỉ cần tỏ ra tử tế, "sẵn sàng dẹp hết mọi sự khác để chứng tỏ cho thấy mình hào hứng, để trao tặng một nụ cười, để ngỏ một lời khích lệ, để lắng nghe giữa trạng thái dửng dưng lãnh đạm phổ quát" (ibid.224).
Nhờ trầm mặc và thinh lặng nguyện cầu, chúng ta được cống hiến niềm hy vọng như những gì phấn chấn và ánh sáng nội tâm, chiếu soi những thách đố và những chọn lựa chúng ta đang phải đương đầu trong sứ vụ của mình. Bởi thế nên cần phải cầu nguyện (cf Mt 6:6), và gặp gỡ Người Cha dịu dàng yêu thương ở nơi kín đáo.
Vấn đề cảm nghiệm Mùa Chay bằng niềm hy vọng bao gồm cả việc gia tăng nơi nhận thức rằng, nơi Chúa Giêsu Kitô, chúng ta đang là thành phần nhân chứng của thời đại mới, một thời đại Thiên Chúa "đang làm cho tất cả mọi sự nên mới" (cf Rev 21:1-6). Nghĩa là lãnh nhận niềm hy vọng của Chúa Kitô, Đấng đã hiến mạng sống của mình trên thập tự giá và đã được Thiên Chúa làm cho phục sinh vào ngày thứ ba, và luôn "sẵn sàng để làm sáng tỏ cho bất cứ ai đặt vấn đề về niềm hy vọng ở trong chúng ta" (1Pet 3:15).
3- Đức mến trong việc quan tâm và cảm thương với tất cả mọi người theo chân Chúa Kitô là thể hiện cao cả nhất của đức tin và đức cậy.
Đức mến vui mừng khi thấy người khác tăng trưởng. Bởi thế mà đức mến đớn đau khi người khác bị sầu thương, cô độc, yếu bệnh, vô gia cư, bị khinh bỉ hay thiếu thốn. Đức mến là một bước nhẩy vọt của con tim; đức mến đưa chúng ta ra khỏi bản thân mình, và tạo nên những mối gắn bó chia sẻ và hiệp thông.
"'Tình yêu xã hội' có thể làm gia tăng văn minh yêu thương là những gì chúng ta cảm thấy mình được kêu gọi thực hiện. Bằng sự thúc bách của mình hướng đến tính chất đại đồng, đức mến có khả năng xây dựng một thế giới mới. Không phải chỉ thuần cảm tính mà là một phương tiện tốt nhất để khám phá thấy những đường lối hiệu nghiệm trong việc phát triển hết mọi người"(Fratelli Tutti, 183).
Đức mến là một tặng ân mang lại ý nghĩa cho đời sống của chúng ta. Đức mến giúp chúng ta thấy người khác đang thiếu thốn như phần tử của gia đình chúng ta, như là bạn bè, anh em hay chị em. Một số lượng nhỏ bé, nếu được tặng ban bằng lòng yêu thương, thì chẳng bao giờ cùng, nhưng lại trở nên nguồn sự sống và hạnh phúc. Trường hợp tiêu biểu cho số lượng nhỏ bé này ở nơi hũ bột và vò dầu của bà góa thành Zarephath, người đã cống hiến một cái bánh cho tiên tri Elia (cf. 1 Kings 17:7-16); số lượng bé nhỏ này cũng ở nơi trường hợp những ổ bánh được Chúa Giêsu chúc phúc, bẻ ra và trao cho các môn đệ để phân phát cho đám đông (cf. Mk 6:30-44). Trường hợp số lượng nhỏ bé này cũng ở nơi việc bố thí của chúng ta, dù bé hay to, khi trao tặng một cách vui vẻ và chân thành.
Cảm nghiệm Mùa Chay bằng đức ái nghĩa là chăm sóc cho những ai khổ đau hay bị bỏ rơi và lo sợ bởi dịch bệnh Covid-19. Trong những ngày đầy bất ổn này về tương lai, chúng ta hãy nhớ lời Chúa nói với Người Đầy Tớ của Ngài rằng: "Đừng sợ, vì Ta đã cứu chuộc ngươi" (Is 43:1). Bằng đức mến của mình, chớ gì chúng ta biết nói những lời lẽ trấn an và giúp cho người khác nhận biết rằng Thiên Chúa yêu thương họ như những người con trai con gái của Ngài.
"Chỉ cần một ánh mắt được đức mến biến đổi cũng có thể làm cho phẩm giá của người khác được nhận biết, nhờ đó, thành phần nghèo khổ được công nhận cũng như được quí trọng về phẩm giá của họ, được trân trọng nơi căn tính và văn hóa của họ, có thế họ mới thực sự được hội nhập vào xã hội" (Fratelli Tutti, 187).
Anh chị em thân mến, hết mọi lúc trong đời sống của chúng ta đều là một thời khắc để tin tưởng, để cậy trông và để mến thương. Tiếng gọi cảm nghiệm Mùa Chay như là một hành trình hoán cải, nguyện cầu và chia sẻ sản vật của chúng ta, giúp chúng ta - với tư cách là cộng đồng hay cá nhân - làm sống lại đức tin xuất phát từ Chúa Kitô sống động, đức cậy được tác động bởi hơi thở Thánh Linh và đức mến được tuôn trào từ trái tim nhân hậu của Chúa Cha.
Xin Mẹ Maria, Mẹ Chúa Cứu Thế, hằng trung thành ở dưới chân thập tự giá Chúa Kitô và ở trong lòng của Giáo Hội, nâng đỡ chúng ta bằng sự hiện diện yêu thương của Mẹ. Xin phúc lành của vị Chúa Phục sinh hỗ trợ tất cả chúng ta trong cuộc hành trình của chúng ta hướng tới ánh sáng của Lễ Phục Sinh.
Roma, Đền Thờ Thánh Gioan Laterano, ngày 11/11/2020, Lễ NHớ Thánh Matin Thành Tour.
Phanxicô
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết
nhấn mạnh tự ý bằng mầu