GIÁO HỘI HIỆN THẾ
2021
ĐTC Phanxicô - Giảng lễ Tro 17-2-2021
Giờ đây chúng ta bắt đầu hành trình Mùa Chay của chúng ta, một hành trình được mở màn bằng những lời của tiên tri Joel. Những lời này vạch vẽ đường lối chúng ta cần phải theo đuổi. Chúng ta nghe lời kêu mời xuất phát từ tấm lòng của Thiên Chúa, Đấng van xin chúng ta bằng cánh tay giang ra, và bằng ánh mắt mong mỏi chúng ta "hãy hết lòng trở về với Ta" (2:12). Hãy trở về với Ta. Mùa Chay là hành trình trở về cùng Thiên Chúa. Biết bao nhiêu lần, bằng hoạt động của chúng ta, hay bằng thái độ dửng dưng lãnh đạm, chúng ta đã nói với Ngài rằng: "Lạy Chúa, rồi con sẽ đến với Chúa, xin chờ con một chút... Con không thể đến với Chúa hôm nay, nhưng ngày mai con sẽ bắt đầu cầu nguyện và làm một cái gì đó cho người khác nghe". Chúng ta cứ làm như thế, hết lùc này tới lúc khác. Thế nhưng, vào chính lúc này đây, Thiên Chúa lại đang nói với lòng của chúng ta. Trong cuộc đời này, chúng ta bao giờ cũng làm một cái gì đó, và lấy lý để thoái thác đáp ứng, tuy nhiên, chính vào lúc này đây, anh chị em ơi, chính vào lúc này đây là lúc trở về cùng Thiên Chúa.
Ngài phán: Hãy hết lòng trở về cùng Ta. Mùa Chay là hành trình bao gồm cả cuộc đời chúng ta, toàn con người của chúng ta. Đó là lúc xét lại con đường chúng ta đang đi, để tìm thấy nẻo đường dẫn lối về nhà, và tái khám phá ra mối liên hệ sâu xa của chúng ta với Thiên Chúa là Đấng hết mọi sự đều phải lụy thuộc. Mùa Chay không phải chỉ về những thứ hy sinh nhỏ mọn chúng ta thực hiện, mà còn là về việc nhận thức được hướng chiều con tim chúng ta đang nhắm tới. Đó là cốt lõi của Mùa Chay: hãy tự vấn xem cõi lòng của chúng ta đang hướng chiều về đâu. Hãy hỏi xem cuộc hải hành của đời sống chúng ta đang đưa chúng ta về đâu - về Thiên Chúa hay về chính bản thân chúng ta? Tôi sống để làm đẹp lòng Chúa, hay để được chú ý tiới, được ngợi khen, được ưu tiên...? Tâm can của tôi có "lung lay", chập chừng lưỡng lự hay chăng? Tôi có hay chăng yêu Chúa một chút và cũng thích thế gian một chút, hay lòng tôi bám lấy Chúa? Và tôi có hay chăng mãn nguyện với những gì là giả hình của tôi, hay tôi cố gắng giải thoát tâm can của tôi khỏi những gì là giả tạo và sai lầm đang kéo ghì nó xuống?
Cuộc hành trình Mùa Chay là một cuộc xuất hành, một cuộc xuất hành từ tình trạng nô lệ đến tình trạng tự do. Bốn mươi ngày này tương đương với 40 năm dân Chúa đã lê bước qua sa mạc mà về lại quê hương của họ. Khó khăn biết bao khi phải rời bỏ Ai Cập! Càng khó hơn nữa cho dân Chúa khi tấm lòng của họ phải rời bỏ Ai Cập, đến độ họ đã mang theo Ai Cập trong lòng hơn là mảnh đất Ai Cập họ lìa bỏ. Trong cuộc hành trình của mình, một khuynh hướng vẫn hằng tồn tại cái thèm thuồng củ hành củ tỏi, cái mong mỏi trở lại, cái nhung nhớ quá khứ hay cái ngẫu tượng này hoặc ngẫu tượng kia. Chúng ta cũng thế thôi: cuộc hành trình của chúng ta trở về cùng Thiên Chúa đang bị ngăn chận bởi những gắn bó bệnh hoạn của chúng ta, bị kìm kéo bởi những cạm bẫy lôi cuốn của tội lỗi, bởi thứ an toàn giả tạo của tiền bạc cùng với những hào nhoáng, bởi tâm trạng bất mãn bại liệt của chúng ta. Để bắt đầu cuộc hành trình này, chúng ta cần phải lột trần những thử ảo ảnh ấy.
Thế nhưng chúng ta có thể tự vấn xem vậy thì chúng ta tiến hành ra sao đối với cuộc hành trình của chúng ta trở về cùng Thiên Chúa đây? Chúng ta có thể được dẫn dắt bởi những hành trình trở về được lời Chúa cho biết.
Chúng ta có thể nghĩ đến người con hoang đàng và nhận thấy rằng, đối với cả chúng ta nữa, đây là thời gian lúc trở về cùng Chúa Cha. Như người con ấy, chúng ta cũng đã quên mất cái hương thơm của gia đình chúng ta rồi, chúng ta đã phung phá đi mất cái gia sản quí báu của chúng ta nơi những thứ đê tiện, cuối cùng là trắng tay và cay đắng cõi lòng. Chúng ta đã ngã xuống, như những đứa bé cứ ngã mãi, những đứa bé tập tễnh bước đi nhưng vẫn không khỏi ngã xuống, hết lúc này đến lúc khác, cần được người cha của mình bế lên. Chính ơn tha thứ của Chúa Cha đã luôn nâng chúng ta đứng lên. Ơn tha thứ của Thiên Chúa - Việc Xưng Thú - là bước đầu tiên trong cuộc hành trình trở về của chúng ta. Đề cập đến việc Xưng Thú, tôi xin các vị giải tội hãy tỏ ra như những người cha, bằng cách ấp ủ hơn là đòn vọt.
Thế rồi chúng ta cần trở về với Chúa Giêsu, như người phong cùi, một con người khi được chữa lành, đã trở lại tạ ơn Người. Dù cả 10 người đã được chữa lành, nhưng chỉ có một mình anh ta mới là người duy nhất được cứu, vì anh ta đã trở lại với Chúa Giêsu (cf. Lk 17:12-19). Tất cả chúng ta đều có những yếu bệnh thiêng liêng mà tự mình chúng ta không thể chữa lành cho mình được. Tất cả chúng ta đều có những tính mê nết xấu nặng nề, đến độ chúng ta không thể nào tự mình trừ diệt nổi. Tất cả chúng ta đều có những nỗi sợ hãi làm chúng ta liệt bại không thể nào tự mình thắng vượt nổi. Chúng ta cần bắt chước người phong cùi ấy, con người đã trở lại cùng Chúa Giêsu sấp mình dưới chân của Người. Chúng ta cần Chúa Giêsu chữa lành, chúng ta cần dâng các thương tích của chúng ta cho Người mà thân thưa rằng: "Lạy Chúa Giêsu, con đang ở trước nhan Chúa đây, với tội lỗi của con, với những nỗi sầu khổ của con. Chúa là vị lương y. Chúa có thể giải thoát con. Xin Chúa hãy chữa lành trái tim của con".
Một lần nữa, lời Chúa xin chúng ta hãy trở về cùng Chúa Cha, trở về với Chúa Giêsu. Lời Chúa cũng kêu gọi chúng ta hãy trở về cùng Chúa Thánh Thần nữa. Tro ở trên đầu chúng ta nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta là cát bụi và chúng ta sẽ trở về với bụi cát. Tuy nhiên, trên cát bụi chúng ta này, Thiên Chúa đã thổi Thần Linh sự sống của Ngài. Bởi thế chúng ta không còn sống cuộc đời chạy theo cát bụi của mình nữa, chạy theo những gì nay còn đó mai mất rồi. Chúng ta hãy trở về với Vị Thần Linh này, Đấng ban Sự Sống; chúng ta hãy trở về với Lửa làm cát bụi chúng ta phục sinh, với Lửa dạy chúng ta yêu thương. Chúng ta sẽ luôn chỉ là cái bụi, thế nhưng, như một bài thánh ca đã hát lên rằng "cát bụi biết yêu thương". Một lần nữa chúng ta hãy cầu nguyện cùng Thánh Linh, và hãy tái nhận thức được thứ lửa ngợi khen chúc tụng này, thứ lửa thiêu đốt các loại tro tàn than van và thoái lui.
Anh chị em ơi, cuộc hành trình trở về cùng Thiên Chúa của chúng ta trở thành khả dĩ chỉ vì Ngài đã hành trình đến với chúng ta trước. Bằng không, không thể xẩy ra cuộc hành trình trở về cùng Ngài của chúng ta. Trước khi chúng ta đến cùng Ngài thì Ngài đã xuống với chúng ta. Ngài đi trước chúng ta; Ngài đã xuống gặp chúng ta. Vì chúng ta, Ngài đã hạ mình xuống còn hơn cả những gì chúng ta có thể tưởng tượng nữa; Ngài đã trở thành tội lỗi, Ngài đã trở thành sự chết. Thánh Phaolô đã nói với chúng ta như thế: "Vì chúng ta Thiên Chúa đã biến Người thành tội lỗi" (2Cor 5:21). Không ruồng bỏ chúng ta mà là hỗ trợ chúng ta trong cuộc hành trình của chúng ta mà Ngài đã ôm lấy tội lỗi của chúng ta cùng với sự chết của chúng ta. Ngài đã đụng tới tội lỗi của chúng ta; Ngài đã chạm tới sự chết của chúng ta. Bởi thế cuộc hành trình của chúng ta là ở chỗ để Ngài cầm tay dẫn dắt chúng ta. Người Cha kêu gọi chúng ta trở về nhà cũng chính là Người Cha đã bỏ nhà đi tìm kiếm chúng ta; Vị Chúa chữa lành chúng ta cũng là Đấng chấp nhận khổ đau trên thập tự giá; Vị Thần Linh giúp chúng ta có thể thay đổi cuộc sống cũng là Vị nhẹ nhàng nhưng mãnh liệt thở hơi lên cát bụi chúng ta.
Vậy thì đây là lời van xin của Vị Tông Đồ này: "Anh em hãy hòa giải với Thiên Chúa" (v.20). Hãy hòa giải: cuộc hành trình này không do bởi sức lực của chúng ta. Không ai có thể tự mình hòa giải với Thiên Chúa. Việc hoán cải chân thành, được tỏ hiện nơi các việc làm cùng với những việc thực hành khác, chỉ có thể khả dĩ khi nó được bắt đầu trước tiên với tác động của Thiên Chúa. Cái khiến chúng ta có thể trở về cùng Ngài không phải là khả năng của chúng ta, hay công lênh của chúng ta, mà là do việc Ngài ban ân sủng cho chúng ta. Ân sủng là những gì cứu độ chúng ta; cứu độ hoàn toàn là ân sủng, hoàn toàn là nhưng không. Chúa Giêsu đã rõ ràng nói đến điều này trong Phúc Âm: cái làm cho chúng ta nên công chính không phải là thứ chính trực chúng ta tỏ ra cho người khác thấy, mà là mối liên hệ chân tình của chúng ta với Chúa Cha. Khởi điểm của việc trở về cùng Thiên Chúa đó là việc nhận biết nhu cầu chúng ta cần đến Ngài cùng với lòng thương xót của Ngài, cần đến ân sủng của Ngài. Đó là con đường chính thực, con đường khiêm tốn. Tôi có cảm thấy thiếu thốn hay chăng, hoặc tôi cảm thấy mình tự mãn rồi vậy?
Hôm nay, chúng ta cúi đầu để nhận lấy tro. Vào cuối Mùa Chay, chúng ta sẽ cúi sâu hơn nữa để rửa chân cho anh chị em của chúng ta. Mùa Chay là một thứ giáng hạ xuống cả về nội tâm lẫn với người khác. Đó là việc hiện thực một ơn cứu độ không thăng hoa trong vinh quang mà là hạ giáng trong yêu thương. Nghĩa là về việc trở nên nhỏ mọn. Để chúng ta khỏi xa lạc với cuộc hành trình của mình, chúng ta hãy đứng trước thập tự giá của Chúa Giêsu: một ngai tòa nín lặng của Thiên Chúa. Hằng ngày chúng ta hãy chiêm ngắm các thương tích của Người, những thương tích đã được Người mang về trời để hằng ngày, Người tỏ cho Chúa Cha thấy khi Người chuyển cầu cho chúng ta. Hằng ngày chúng ta hãy chiêm ngắm những thương tích ấy. Nơi những thương tích này, chúng ta nhận ra cái trống không của chúng ta, những thiếu sót của chúng ta, các vết thương của chúng ta cùng với tất cả nỗi đớn đau chúng ta đã nghiệm cảm. Tuy nhiên, cả ở đó nữa, chúng ta rõ ràng thấy rằng Thiên Chúa không chỉ tay vào bất cứ một ai, trái lại, Ngài đã giang tay ra ôm lấy chúng ta. Người đã phải chịu các thương tích của Người vì chúng ta đã, và Người đã chữa lành chúng ta bằng các thương tích ấy (cf. 1 Pet 2:25; Is 53:5). Bằng việc hôn các thương tích này, chúng ta sẽ nhận ra rằng, ở đó, ở nơi các thương tích đớn đau nhất của cuộc đời, Thiên Chúa đang chờ đợi chúng ta bằng lòng thương xót vô biên. Vì ở đó, ở nơi chúng ta dễ bị tổn thương nhất, nơi chúng ta cảm thấy hổ thẹn nhất, thì Ngài lại đến để gặp gỡ chúng ta. Vì đã đến gặp gỡ chúng ta, giờ đây Người mời gọi chúng ta hãy trở về với Người, để tái nhận thức được niềm vui được yêu thương.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết
nhấn mạnh tự ý bằng mầu