GIÁO HỘI HIỆN THẾ
2021
ĐTC Phanxicô - Giáo Lý về Cầu Nguyện:
Bài 24 Cầu Nguyện theo Phụng Vụ
Xin chào anh chị em thân mến,
Trong lịch sử Giáo Hội đã từng có khuynh hướng thực hành một thứ Kitô giáo nội tại, không công nhận tầm quan trọng thiêng liêng của những nghi thức phụng vụ chung. Thường thì khuynh hướng này cho rằng tính chất tinh tuyền được cho là tốt đẹp hơn của một thứ đạo giáo thì không lệ thuộc vào các nghi thức bên ngoài, những nghi thức bị coi là một thứ gánh nặng vô dụng hay tác hại. Vấn đề phê phán bình phẩm ấy chính yếu không phải là một hình thức lễ nghi nào đó, hay một cách thức cử hành đặc biệt nào đó, mà là hình thức cầu nguyện theo phụng vụ.
Thật vậy, người ta có thể thấy được trong Giáo Hội một số hình thức linh đạo đã không biết hội nhập thích đáng với giây phút phụng vụ. Nhiều tín hữu, cho dù họ có sốt sắng tham dự vào phụng vụ, nhất là tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật, lại kín múc dưỡng chất cho đức tin của họ, cũng như cho đời sống thiêng liêng của họ, từ các nguồn mạch khác, ở một kiểu cách tôn sùng nào đó.
Trong các thập niên gần đây nhiều điều đã được thực hiện. Hiến Chế Phụng Vụ Thánh Sacrosanctum Concilium của Công Đồng Chung Vaticanô II là tiêu biểu cho cái đòn bẩy ở cuộc hành trình dài này. Hiến Chế này tái xác nhận một cách tổng quan và có hệ thống về tầm quan trọng của phụng vụ thánh đối với đời sống của Kitô hữu, thành phần tìm thấy trong đó tính chất môi giới khách quan nơi sự kiện là Chúa Giêsu Kitô không phải là một ý nghĩ nào đó hay là một cảm thức nào đó, mà là một Con Người sống động, và Mầu Nhiệm của Người là một biến cố lịch sử. Việc cầu nguyện của Kitô hữu băng ngang qua những môi giới hữu hình, đó là Thánh Kinh, là các Bí Tích, là các nghi thức phụng vụ, là cộng đồng. Trong đời sống Kitô hữu cần phải bao gồm cả lãnh vực thể lý và chất thể nữa, vì ở nơi Chúa Giêsu Kitô lãnh vực này đã trở thành một đường lối cứu độ. Chúng ta có thể nói rằng chúng ta cần phải cầu nguyện bằng thân thể nữa: thân thể tham phần vào việc cầu nguyện.
Bởi thế không có chuyện linh đạo Kitô giáo mà lại không được bắt nguồn từ việc cử hành các mầu nhiệm thánh. Sách Giáo Lý viết: "Sứ vụ của Chúa Kitô và của Thánh Linh là sứ vụ loan báo, hiện thực và truyền đạt mầu nhiệm cứu độ, một mầu nhiệm ở nơi tấm lòng cầu nguyện" (2655). Phụng vụ, tự mình, không phải chỉ là việc cầu nguyện tự phát, mà là những gì đích thực hơn nữa, ở chỗ phụng vụ là một tác động bao gồm cảm nghiệm của toàn thể Kitô giáo, và do đó cũng là lời cầu nguyện. Phụng vụ là một biến cố, là những gì đang xẩy ra, là sự hiện diện, là cuộc gặp gỡ. Phụng vụ là cuộc gặp gỡ Chúa Kitô. Chúa Kitô làm cho mình hiện diện nơi Chúa Thánh Thần qua các dấu bí tích: vì thế Kitô hữu chúng ta cần phải tham dự vào mầu nhiệm thần linh. Tôi dám nói rằng Kitô giáo mà không có phụng vụ thì như thể Kitô giáo không có Chúa Kitô vậy. Không có Chúa Kitô trọn vẹn. Ngay cả ở nghi thức sơ sài nhất, chẳng hạn như nghi thức được một số Kitô hữu đã cử hành, và tiếp tục cử hành ở những nơi bị giam cầm gò bó, hoặc ở chỗ hẻo lánh trong một ngôi nhà vào những thời bị bách hại, thì Chúa Kitô vẫn thực sự hiện diện và hiến mình cho tín hữu của Người.
Phụng vụ, chính vì chiều kích khách quan của mình, cần phải được cử hành một cách sốt sắng, để nhờ đó ân sủng được tuôn đổ qua nghi thức không bị phân tán, mà thay vào đó đạt được cảm nghiệm của tất cả mọi người. Sách Giáo Lý giải thích điều này rất hay như sau: "Cầu nguyện nội tâm hóa và đồng hóa phụng vụ trong khi và sau khi cử hành" (ibid). Nhiều kinh nguyện của Kitô giáo không xuất phát từ phụng vụ, thế nhưng tất cả những kinh nguyện ấy, nếu là kinh nguyện Kitô giáo, đều bao hàm phụng vụ, tức là, bao gồm tính chất môi giới về bí tích của Chúa Giêsu Kitô. Những gì chúng ta cử hành Bí Tích Thánh Tẩy, hay thánh hiến bánh và rượu nơi Bí Tích Thánh Thể, hoặc xức dầu một bệnh nhân bằng Dầu Thánh, thì đều có Chúa Kitô bấy giờ! Chính Người tác hành và hiện diện như Người đã chữa lành tứ chi yếu liệt của một bệnh nhân, hay ở Bữa Tiệc Ly Người đã trao ban di chúc của Người cho phần rỗi của thế giới.
Việc cầu nguyện của Kitô hữu làm cho sự hiện diện của Chúa Giêsu về bí tích nơi việc cầu nguyện của họ. Những gì là bề ngoài đối với chúng ta trở nên những gì thuộc về chúng ta, ở chỗ phụng vụ thể hiện điều này ngay cả ở chính cử chỉ ăn uống tự nhiên. Thánh Lễ không thể chỉ để "xem": đây cũng là một lời diễn tả không đúng, "tôi đang đi xem lễ". Thánh Lễ không thể nào chỉ để xem, như thế chúng ta chỉ là những con người bàng quan về một cái gì đó qua đi chẳng cần gì đến việc tham dự của chúng ta. Thánh Lễ bao giờ cũng được cử hành, không chỉ bởi vị linh mục chủ tế, mà còn bởi tất cả Kitô hữu cảm nghiệm Thánh Lễ nữa. Tâm điểm là Chúa Kitô! Tất cả chúng ta, nơi tính chất đa dạng về tặng ân và thừa tác vụ, cùng liên kết với tác động của Người, vì Người, Chúa Kitô, đóng Vai Chính trong phụng vụ.
Khi các Kitô hữu tiên khởi bắt đầu việc tôn thờ thì họ đã làm như thế bằng việc hiện thực hóa các việc làm và lời nói của Chúa Giêsu, với ánh sáng và quyền năng của Chúa Thánh Thần, để đời sống của họ, được tác động bởi ân sủng, trở nên một hy lễ thiêng liêng hiến dâng lên Thiên Chúa. Phương cách này thật sự là một "cuộc cách mạng". Thánh Phaolô viết trong Thư gửi giáo đoàn Roma, đó là: "Bởi thế, thưa anh em, tôi nài xin anh em, nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa, hãy dâng hiến thân thể của anh em làm việc tôn thờ thiêng liêng như một hy tế sống động, thánh hảo và đáng Thiên Chúa chấp nhận" (12:1). Đời sống được kêu gọi để trở thành việc tôn thờ Thiên Chúa, thế nhưng điều này sẽ không thể nào xẩy ra mà lại thiếu việc cầu nguyện, nhất là việc cầu nguyện về phụng vụ. Chớ gì ý nghĩ này giúp cho tất cả chúng ta lúc chúng ta đi dự lễ: Tôi đi cầu nguyện cùng cộng đồng, tôi đi cầu nguyện với Chúa Kitô đang hiện diện. Khi chúng ta đi cử hành Bí Tích Thánh Tẩy chẳng hạn, thì chính Chúa Kitô ở đó, hiện diện, làm phép rửa. "Thế nhưng, thưa cha, đó là một ý nghĩ thôi, một lời miêu tả thôi": không, đó không phải là một lời miêu tả. Chúa Kitô hiện diện, và anh chị em cầu nguyện với Chúa Kitô là Đấng ở bên anh chị em trong phụng vụ.
(Sau bài giáo lý, ĐTC nói tiếp:)
Ngày mai đánh dấu Ngày Quốc Tế Đầu Tiên về Tình Huynh Đệ Nhân Loại, mới được thiết lập bởi một Nghị Quyết của Tổng Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Việc khởi động này cũng ghi nhận về cuộc gặp gỡ hôm mùng 4 tháng Hai năm 2019 ở Abu Dhabi, thời điểm mà vị Đại Giáo Trưởng ở Al-Azhar là Ahmad Al-Tayyib và tôi ký kết Văn Kiện về Tình Huynh Đệ Loài Người cho Hòa Bình Thế Giới và Việc Chung Sống. Tôi rất hân hoan về việc các quốc gia trên toàn thế giới đang tham gia việc cử hành này, để cổ võ việc đối thoại liên tôn và liên văn hóa. Chiều ngày mai, sẽ tôi tham dự vào cuộc gặp gỡ thực sự này với vị Đại Giáo Trưởng ở Al-Azhar, với vị Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc là Ông Antonio Guterres, cùng với các vị lãnh đạo khác. Quyết Nghị của Liên Hiệp Quốc nhìn nhận "vấn đề đóng góp mà việc đối thoại giữa tất cả mọi nhóm tôn giáo có thể thực hiện thì hướng tới một nhận thức cải tiến cùng với kiến thức về các thứ giá trị chung của toàn thể nhân loại". Chớ gì điều này là lời cầu nguyện của chúng ta hôm nay và việc chúng ta dấn thân hằng ngày trong năm.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết
nhấn mạnh tự ý bằng mầu