GIÁO HỘI HIỆN THẾ
2021
ĐTC Phanxicô - Giáo Lý về Cầu Nguyện:
Bài 25 Cầu Nguyện trong Đời Sống Hằng Ngày
Xin chào anh chị em thân mến,
Trong bài giáo lý trước, chúng ta đã thấy được kinh nguyện Kitô giáo được "gắn liền" với Phụng Vụ ra sao. Hôm nay, chúng ta sẽ chia sẻ về cách thức Phụng Vụ luôn đi vào đời sống thường nhật như thế nào: trên đường phố, trong văn phòng, khi di chuyển giao thông công cộng... Ở những nơi đó việc đối thoại với Thiên Chúa vẫn tiếp tục, ở chỗ, con người cầu nguyện giống như một tình nhân luôn ấp ủ người yêu của mình trong tâm can của mình ở bất cứ nơi nào họ di chuyển.
Thật sự là hết mọi sự đều tạo nên việc đối thoại với Thiên Chúa ấy: hết mọi niềm vui đều trở thành lý do để ngợi khen chúc tụng, hết mọi thử thách là một cơ hội để xin được trợ giúp. Việc cầu nguyện luôn sống động trong đời sống của chúng ta, như những cục than hồng, ngay cả khi miệng không nói năng mà lòng vẫn lên tiếng. Hết mọi ý nghĩ, ngay cả những tư tưởng hiển nhiên là 'trần tục', vẫn có thể được thấm nhiễm bởi việc cầu nguyện. Nơi trí thông minh của con người thậm chí còn có một góc cạnh cầu nguyện nào đó; thật vậy, nó là cửa ngõ hướng về mầu nhiệm, ở chỗ, nó soi chiếu một ít bước đi trước mắt chúng ta, sau đó vươn lên toàn thể thực tại, một thực tại có trước nó và vượt trên nó. Mầu nhiệm này không có một bộ mặt băn khoăn lo lắng. Không, kiến thức về Chúa Kitô làm cho chúng ta tin tưởng rằng bất cứ điều gì con mắt tự nhiên của chúng ta cũng như con mắt tâm trí của chúng ta không thể thấy được, chứ không phải chẳng có gì ở đó hết, thì có một ai đó đang đợi chờ chúng ta, có ân sủng vô cùng. Bởi thế mà việc cầu nguyện Kitô giáo làm cho cõi lòng của con người thẩm thấu một niềm hy vọng bất khả chế ngự, ở chỗ, bất cứ cảm nghiệm gì chúng ta có được trong cuộc hành trình của chúng ta thì tình yêu của Thiên Chúa cũng có thể biến nó thành sự lành.
Về vấn đề này, Sách Giáo Lý viết: "Chúng ta học biết cầu nguyện vào một số thời gian nhất định, bằng cách lắng nghe Lời Chúa và tham dự mầu nhiệm Vượt Qua của Người; Người còn ban Thánh Thần để giúp chúng ta cầu nguyện trong mọi lúc, trong mọi biến cố của cuộc sống hằng ngày. [...] Thời gian là của Cha; chúng ta gặp được Người trong hiện tại, không phải hôm qua hay ngày mai, nhưng chính hôm nay" (khoản 2659). Hôm nay tôi gặp Chúa, hôm nay bao giờ cũng là ngày của cuộc gặp gỡ này.
Không có một ngày tuyệt vời nào khác ngoài ngày chúng ta đang sống đây. Những ai đang sống thì luôn nghĩ về tương lai, nghĩ theo tương lai: "Thế mới cảm thấy tốt đẹp hơn...", chứ đừng chấp nhận từng ngày xẩy ra: những con người này là thành phần sống trong mơ tưởng của mình, họ không biết đương đầu với thực tại cụ thể. Ngày hôm nay là thực hữu, ngày hôm nay là những gì cụ thể. Và việc cầu nguyện được thực hiện ngay hôm nay. Chúa Giêsu đến để gặp gỡ chúng ta hôm nay đây, ngày chúng ta đang sống. Đó là việc cầu nguyện biến ngày này thành ân sủng, hay nên tốt đẹp hơn, nó biến đổi chúng ta: nó làm khuây khỏa nỗi tức giận, duy trì yêu thương, tăng bội niềm vui, thông ban sức mạnh để thứ tha. Đôi khi nó sẽ như thể chúng ta không còn sống nữa, mà là ân sủng đang sống và hoạt động trong chúng ta bằng việc nguyện cầu. Chính ân sủng là những gì đang đợi chờ chúng ta, bao giờ cũng vậy, đừng quên: hãy nhận lấy ngày hôm nay khi nó đến. Chúng ta hãy nghĩ như thế khi chúng ta cảm thấy có tâm tưởng tức giận, bất hạnh, khiến chúng ta cay đắng, chặn đứng chúng ta lại. Chúng ta hãy thưa cùng Chúa rằng: "Chúa đang ở đâu? Con đang đi đâu đây?" Chúa đang ở đó, Chúa sẽ ban cho anh chị em lời lẽ chính đáng, lời khuyên tiến lên bất chấp nỗi đắng cay đó, cảm giác tiêu cực đó. Vì cầu nguyện bao giờ cũng là một cái gì đó tích cực, khi sử dụng một lời lẽ trần tục. Nó sẽ đưa anh chị em về phía trước. Mỗi một ngày xẩy ra đều được kèm theo lòng can đảm, nếu nó được đón nhận bằng nguyện cầu. Nhờ đó, các vấn đề chúng ta phải đương đầu dường như không còn là những chướng vật cho niềm hạnh phúc của chúng ta nữa, mà là những gì khiếu nại nơi Thiên Chúa, là cơ hội để gặp gỡ Ngài. Khi người nào đó được Chúa đồng hành thì họ cảm thấy can trường hơn, tự do hơn và thậm chí hạnh phúc hơn.
Vậy chúng ta hãy cầu nguyện luôn, cho hết mọi người, ngay cả cho các kẻ thù của chúng ta. Chúa Giêsu đã khuyên chúng ta làm như thế: "Các con hãy cầu nguyện cho thù địch của các con". Chúng ta hãy cầu nguyện cho những người chúng ta yêu dấu, ngay cả những ai chúng ta không biết. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các kẻ địch thù của chúng ta, như tôi đã nói, như Thánh Kinh thương mời gọi chúng ta làm như thế. Việc cầu nguyện hướng chúng ta về một thứ tình yêu siêu mãn. Trước hết chúng ta hãy cầu nguyện cho những ai đang buồn khổ, cho những ai đang khóc lóc trong cô độc và thất vọng để cho thấy rằng vẫn còn có người yêu thương họ. Việc cầu nguyện làm nên phép lạ; để rồi, nhờ ơn Chúa, người nghèo hiểu được, ngay trong tình trạng bất ổn hiểm nghèo của họ, rằng lời cầu nguyện của một Kitô hữu nào đó đã tỏ hiện lòng cảm thương của Chúa Kitô. Thật vậy, Người đã trìu mến nhìn vào đám đông bơ vơ lạc lõng như chiên vô chủ (cf Mk 6:34). Chúa là - chúng ta đừng quên - Chúa của lòng cảm thương, của sự gần gũi cận kề, của những gì là êm ái dịu dàng: không bao giờ được quên ba chữ về Chúa. Vì đó là kiểu cách của Chúa: cảm thương, gần gũi, dịu dàng.
Cầu nguyện giúp chúng ta yêu thương những người khác, bất chấp lỗi lầm và tội lỗi của họ. Con người bao giờ cũng quan trọng hơn là các hành động của họ, và Chúa Giêsu không phán xét thế gian mà là cứu độ nó. Kinh tởm biết bao đời sống của một con người luôn xét đoán những người khác, luôn lên án, luận phán... Đó là một đời sống kinh khiếp, bất hạnh, trong khi Chúa Giêsu đã đến cứu chúng ta. Hãy mở lòng mình ra, hãy tha thứ, hãy cống hiến cho người khác thái độ chấp nhận, thông cảm, gần gũi, thương cảm, dịu dàng, như Chúa Giêsu. Chúng ta cần yêu thương nhau và hết mọi người, bằng cách trong nguyện cầu chúng ta nhớ rằng tất cả chúng ta đều là những tội nhân, đồng thời bản thân được Thiên Chúa yêu thương. Khi yêu thương thế giới này như thế, yêu thương nó một cách dịu dàng, chúng ta sẽ khám phá ra rằng mỗi ngày và hết mọi sự đều chất chứa một mảnh vụn nào đó trong mầu nhiệm của Thiên Chúa.
Sách Giáo Lý viết tiếp: "Cầu nguyện ở trong các biến cố hằng ngày và từng lúc là một trong những bí mật của Nước Chúa được tỏ bày cho 'những trẻ nhỏ', cho những người đầy tớ của Chúa Kitô, cho người nghèo của các mối phúc đức. Việc cầu nguyện là những gì chính đáng và tốt đẹp để việc tỏ hiện của vương quốc công lý và hòa bình gây tác dụng đến nhịp bước của lịch sử, thế nhưng phải đem những hoàn cảnh bình thường của cuộc sống hằng ngày vào kinh nguyện. Tất cả mọi hình thức của việc cầu nguyện có thể trở thành thứ men được Chúa sánh ví như vương quốc này" (khoản 2660).
Con người - tất cả chúng ta, nam cũng như nữ - con người giống như một hơi thở, như cỏ đồng nội (cf Ps 144:4; 103:15). Triết gia Pascal có lần đã viết rằng: "Không cần phải cả vũ trụ này vung cánh tay ra để tàn sát họ: chỉ cần một hơi bốc, một giọt nước cũng đủ giết họ rồi" (Thoughts, 186). Chúng ta là những hữu thể mỏng dòn, nhưng chúng ta biết cầu nguyện: đó là phẩm giá cao cả nhất của chúng ta và cũng là sức mạnh của chúng ta nữa. Hãy can đảm. Hãy cầu nguyện trong mọi lúc, trong mọi hoàn cảnh để Chúa được gần gũi với chúng ta. Và khi lời cầu nguyện hợp với cõi lòng của Chúa Giêsu thì sẽ thấy được phép lạ xẩy ra.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết
nhấn mạnh tự ý bằng mầu