GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2021

 

 

 

ĐTC Phanxicô - Giáo Lý về Cầu Nguyện

 

Bài 28: Cầu Nguyện hiệp thông với Mẹ Maria

 

Pope Francis delivers a general audience address in the library of the Apostolic Palace. / Credit: Vatican Media

 

Xin chào anh chị em thân mến!

Hôm nay, bài giáo lý này tập trung vào việc cầu nguyện trong mối hiệp thông với Mẹ Maria. Bài giáo lý này xẩy ra trúng ngay vào ngày Áp Lễ Trọng Truyền Tin. Chúng ta biết rằng đường lối chính yếu của việc Kitô hữu cầu nguyện đó là nhân tính của Chúa Giêsu. Thật vậy, lòng tin tưởng tiêu biểu cho việc cầu nguyện của Kitô hữu sẽ vô nghĩa nếu Ngôi Lời không nhập thể, để cống hiến cho chúng ta mối liên hệ con cái với Cha của Người trong Thần Linh. Chúng ta đã nghe thấy trong Sách Thánh về việc qui tụ của thành phần môn đệ, của những người phụ nữ đạo hạnh và của Mẹ Maria, để nguyện cầu sau biến cố Thăng Thiên của Chúa Giêsu. Cộng Đồng Kitô hữu tiên khởi này bấy giờ đang đợi chờ tặng ân của Chúa Giêsu, lời hứa của Chúa Giêsu.

Chúa Kitô là Đấng Trung Gian, Chúa Kitô là chiếc cầu chúng ta bang qua để đến với Chúa Cha (xem Sách Giáo Lý Công Giáo khoản 2674). Người là Đấng Cứu Chuộc duy nhất: không có những vị đồng cứu chuộc nào khác với Chúa Kitô. Người là Đấng Cứu Chuộc duy nhất. Người là Đấng Trung Gian trên hết. Người là Đấng Trung Gian. Mỗi một lời cầu chúng ta dâng lên Thiên Chúa đều nhờ Chúa Kitô, với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô, và lời cầu này được nên trọn nhờ việc chuyển cầu của Người. Thánh Linh làm cho vai trò trung gian của Chúa Kitô qua hết mọi thời và ở hết mọi nơi: không có một danh xưng nào khác làm cho chúng ta có thể được cứu độ, vì Chúa Giêsu Kitô là Đấng Trung Gian duy nhất giữa Thiên Chúa và nhân loại (xem Acts 4:12).

Vì vai trò trung gian duy nhất của Chúa Kitô mà những vị được Kitô hữu cậy nhờ để cầu nguyện và tôn sùng mới có ý nghĩa, mà trước hết là Trinh Nữ Maria, Mẹ của Chúa Giêsu.

Mẹ chiếm được một vị thế đặc biệt trong đời sống của Kitô hữu, bởi thế, nơi cả việc cầu nguyện của họ nữa, vì Mẹ là Mẹ của Chúa Giêsu. Các Giáo Hội Đông Phương thường vẽ Mẹ như là Vị Odigitria, Đấng "dẫn đường chỉ lối"; mà đường lối là Chúa Giêsu Kitô Con của Mẹ. Tôi nhớ đến bức họa cổ kính mỹ lệ về Vị dẫn đường chỉ lối Odigitria ở Vương Cung Thánh Đường Bari. Bức họa mộc mạc thôi. Đức Mẹ đang tỏ cho thấy Chúa Giêsu trần trụi; đoạn cảnh trần trụi của Người được che phủ bằng một cái áo, nhưng sự thật là ở chỗ Người trần trụi, bản thân Người, một con người, được hạ sinh bởi Mẹ Maria, là Đấng Trung Gian. Mẹ cho thấy Đấng Trung Gian này: Mẹ là Vị dẫn đường chỉ lối Odigitria. Việc hiện diện của Mẹ ở khắp ảnh tượng Kitô giáo, đôi khi rất trọng vọng nữa, nhưng bao giờ cũng liên hệ với Con của Mẹ và liên kết với Người (xem Sách Giáo Lý Công Giáo số 2674), đến độ chúng ta có thể nói Mẹ là môn đệ hơn là Mẹ. Những hướng dẫn Mẹ đã cống hiến ở tiệc cưới Cana: "hãy làm những gì Người bảo". Mẹ luôn qui về Người. Mẹ là vị môn đệ đầu tiên.

Đó là vai trò Mẹ Maria hoàn trọn suốt cuộc đời trần thế của Mẹ và Mẹ mãi mãi duy trì vai trò này, ở chỗ, Mẹ chỉ muốn làm nữ tỳ khiêm hạ của Chúa thôi. Mẹ hầu như biến mất trong các Phúc Âm ở một khía cạnh nào đó; thế nhưng Mẹ tái xuất hiện ở những lúc quan trọng hơn, như ở Cana, khi Con Mẹ, nhờ việc quan tâm can thiệp của Mẹ, đã thực hiện "dấu lạ" đầu tiên (xem Gioan 2:1-12), rồi trên Golgotha ở dưới chân cây thập tự giá.

Chúa Giêsu đã bao gồm vai trò mẫu thân của Mẹ cho toàn thể Giáo Hội nữa, khi Người trao phó Mẹ cho người môn đệ yêu dấu của Người không lâu trước khi chết trên cây thập tự giá. Từ lúc ấy trở đi, tất cả chúng ta đã được tập hợp lại dưới áo choàng của Mẹ, như được phác vẽ ở một số bức tranh tường hay các bức họa thời trung cổ. Ngay cả bài tụng ca Latinh đầu tiên là kinh – sub tuum praesidium confugimus, sancta Dei Genitrix (biệt chú của người dịch: lời cầu này Tiếng Việt chúng ta vẫn gọi là Kinh Trông Cậy thường được đọc vào cuối mỗi khi đọc kinh chung): Đức Mẹ là Đấng 'bao bọc', như một Người Mẹ, Đấng được Chúa Giêsu trao phó chúng ta, tất cả chúng ta; nhưng như là một Người Mẹ, chứ không phải như một nữ chúa, không phải như đấng đồng cứu chuộc: như Người Mẹ. Lòng sùng kính của Kitô hữu đã luôn cống hiến cho Mẹ nhưng danh hiệu mỹ miều, như một đứa con dâng lên cho má mình vậy: biết bao nhiêu là điều tốt đẹp con cái nói về người mẹ được chúng yêu mến rất nhiều! Biết bao nhiêu là điều mỹ lệ. Thế nhưng, chúng ta cần phải cẩn thận: những điều mà Giáo Hội, mà Các Thánh, nói về Mẹ, những điều tuyệt vời về Mẹ Maria, không hề làm suy giảm một tí nào Việc Cứu Chuộc duy nhất của Chúa Kitô. Người là Đấng Cứu Chuộc duy nhất. Những lời ấy là những lời bày tỏ lòng yêu mến như một đứa con với má của mình - có một số lời được phóng đại lên. Thế nhưng, tình yêu thương, như chúng ta biết, bao giờ cũng làm cho chúng ta, chỉ vì yêu mến, phóng đại sự vật lên.

Vậy, chúng ta bắt đầu cầu nguyện cùng Mẹ, bằng việc sử dụng một số diễn tả ở trong các Phúc Âm hướng về Mẹ, như "đầy ơn phúc", "Mẹ có phúc hơn mọi người nữ" (xem Sách Giáo Lý Công Giáo khoản 2676 f.). Được Công Đồng Chung Ephêsô công nhận, danh xưng "Theotokos", "Mẹ Thiên Chúa" chẳng bao lâu được thêm vào Kinh Kính Mừng. Và, tương tự như Kinh Lạy Cha, sau phần chúc tụng, chúng ta thêm lời thỉnh nguyện: chúng ta xin Mẹ Maria cầu cho chúng ta là kẻ tội lỗi, xin Mẹ dịu dàng chuyển cầu cho chúng ta "khi nay và trong giờ lâm tử". Giờ đây, trong các trường hợp cụ thể của cuộc sống, cũng như trong giây phút cuối cùng, xin Mẹ đồng hành với chúng ta - như một Người Mẹ, như vị môn đệ tiên khởi - trong cuộc vượt qua của chúng ta tới sự sống đời đời.

Mẹ Maria luôn hiện diện ở bên giường của con cái mình khi họ lìa bỏ thế giới này. Nếu ai đó lẻ loi và bị bỏ rơi, thì Mẹ là Người Mẹ, Mẹ có đó, gần gũi, như Mẹ đã ở gần Con của Mẹ khi hết mọi người khác bỏ rơi Người.

Mẹ Maria đã và đang hiện diện vào những ngày dịch bệnh này, gần gũi với những con người, bất hạnh thay, đã kết liễu hành trình trần thế của mình hoàn toàn lẻ loi cô độc, không được an ủi và cận kề của những người thân yêu của mình. Mẹ Maria luôn ở đó cận kề gần gũi với chúng ta, bằng niềm êm ái dịu dàng từ mẫu của Mẹ.

Những lời cầu nguyện dâng lên Mẹ không uổng công vô ích. Người Nữ đã thưa "xin vâng", Vị đã lập tức đón nhận lời mời gọi của Thiên Thần, cũng đáp ứng những lời thỉnh cầu của chúng ta, Mẹ nghe thấy tiếng của chúng ta, thậm chí cả những ai gần gũi với lòng của chúng ta mà không đủ sức để nói lên lời, nhưng Thiên Chúa lại biết được hơn cả chúng ta. Mẹ lắng nghe như một Người Mẹ. Giống như và còn hơn thế nữa, hết mọi người mẹ tốt lành, Mẹ Maria bênh vực chúng ta khỏi hiểm nguy, Mẹ quan tâm đến chúng ta, ngay cả khi chúng ta chỉ quan tâm đến những gì của chúng ta và bị lạc mất hướng đi, và khi chúng ta chẳng những gây nguy hiểm cho sức khỏe của chúng ta mà còn cả phần rỗi của chúng ta nữa. Mẹ Maria ở đó để cầu nguyện cho chúng ta, cầu nguyện cho những ai không nguyện cầu. Cầu nguyện với chúng ta. Tại sao? Vì Mẹ là Mẹ của chúng ta.

 

https://www.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2021/documents/papa-francesco_20210324_udienza-generale.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu 

Đức Thánh Cha chủ sự buổi ngắm Đàng Thánh Giá tại thềm đền thờ Thánh Phêrô 2020

 

Các cử hành phụng vụ của Đức Thánh Cha trong Tuần Thánh

 

Phòng Báo chí Tòa Thánh công bố chương trình các lễ nghi Tuần Thánh do Đức Thánh Cha chủ sự từ Chúa nhật Lễ Lá đến thứ Hai sau lễ Phục Sinh, với các hạn chế do Covid

 

Ngọc Yến - Vatican News

Theo thông báo chi tiết của Phòng Báo chí Tòa Thánh vào chiều thứ Ba 23/3/2021, mỗi buổi cử hành phụng vụ Tuần Thánh sẽ diễn ra với sự hiện diện hạn chế của các tín hữu trong việc tôn trọng các biện pháp y tế đã được quy định.

Chúa Nhật Lễ Lá, Lễ Truyền Dầu, Tam Nhật Vượt Qua và lễ Phục Sinh sẽ được cử hành tại bàn thờ Ngai tòa thánh Phêrô, bên trong đền thờ, nghĩa là bàn thờ phía sau bàn thờ tuyên xưng đức tin.

Chúa nhật Lễ Lá, 28/03: Thánh lễ do Đức Thánh Cha chủ sự sẽ bắt đầu vào lúc 10 giờ 30.

Thứ Năm Tuần Thánh, 01/04: Vào lúc 10 giờ, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự Lễ Truyền Dầu. Và buổi chiều, vào lúc 18 giờ Lễ Tiệc Ly, chưa chắc chắn Đức Thánh Cha sẽ chủ sự; nếu ngài không chủ sự thì Đức Hồng y Giovanni Battista Re, niên trưởng Hồng y đoàn sẽ chủ sự Thánh Lễ.

Thứ Sáu Tuần Thánh 02/04: Vào lúc 18 giờ, Đức Thánh Cha cử hành Tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa. Và vào lúc 21 giờ, Đức Thánh Cha chủ sự buổi ngắm Đàng Thánh Giá tại thềm đền thờ Thánh Phêrô.

Thứ Bảy 03/04: Vào lúc 19 giờ 30, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự Thánh lễ Vọng Phục sinh.

Chúa nhật Phục sinh, 04/04: Vào lúc 10 giờ, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự Thánh lễ Chúa Nhật Phục sinh. Sau Thánh lễ, Đức Thánh Cha sẽ ban phép lành toàn xá Urbi et Orbi.

Thứ Hai, 05/4: Vào lúc 12 giờ, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin tại Thư viện Dinh Tông tòa.

Như vậy, theo chương trình trên, năm nay vào sáng thứ Năm Tuần Thánh sẽ có Thánh lễ Truyền Dầu. Năm ngoái, do đại dịch, Đức Thánh Cha không cử hành Thánh lễ Truyền Dầu,và Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích cho phép các Giáo phận có thể dời Thánh lễ Truyền Dầu sang một ngày khác.