GIÁO HỘI HIỆN THẾ
2021
ĐTC Phanxicô - Giáo Lý về Cầu Nguyện:
Bài 34 - Cầu Nguyện Một Trận Chiến
Xin chào anh chị em thân mến,
Tôi cảm thấy vui khi tái diễn cuộc gặp gỡ trực diện này, vì tôi sẽ nói với anh chị em một điều gì đó: chẳng tốt đẹp gì khi nói trước khoảng không, trước máy quay phim. Điều đó chẳng có gì là đẹp đẽ. Vậy giờ đây, sau nhiều tháng, nhờ lòng can đảm của Đức ông Sapienza, người đã nói rằng: "Không, chúng ta sẽ thực hiện việc này ở đó", mà chúng ta mới đang lại qui tụ với nhau ở đây. Đức ông Sapienza tốt lắm!... Tôi cảm thấy hài lòng khi nhìn thấy từng người trong anh chị em, như tất cả chúng ta đều là anh chị em trong Chúa, và việc nhìn nhau là những gì giúp chúng ta cầu nguyện cho nhau... Cám ơn anh chị em đã hiện diện và viếng thăm. Hãy mang sứ điệp của Giáo hoàng này cho hết mọi người. Sứ điệp của vị giáo hoàng đó là tôi cầu nguyện cho hết mọi người, và tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tôi, liên kết trong lời nguyện cầu.
Việc nói về cầu nguyện, việc cầu nguyện của Kitô giáo, như suốt cuộc sống của Kitô hữu, không phải là "một thứ dạo bước trong công viên". Không một đại nhân vật cầu nguyện nào chúng ta thấy trong Thánh Kinh, cũng như trong lịch sử của Giáo Hội đã cảm thấy cầu nguyện là những gì "thoải mái". Đúng thế, người ta có thể cầu nguyện như con vẹt - bla, bla, bla, bla, bla - nhưng như thế không phải là cầu nguyện. Cầu nguyện thật sự là có được đầy những bình an, nhưng bằng cuộc đối chọi nội tâm, có những lúc khó khăn, một cuộc đối chọi có thể kéo dài những đoạn đời lâu dài. Cầu nguyện không phải là một cái gì dễ dàng, và đó là lý do tại sao chúng ta muốn thoát ly cầu nguyện. Mỗi lần chúng ta muốn cầu nguyện, lập tức chúng ta nhớ đến nhiều hoạt động khác, những hoạt động vào lúc ấy xem ra quan trọng hơn và khẩn trương hơn. Điều này cũng xẩy ra cho cả tôi nữa! Tôi cũng bị. Tôi đi cầu nguyện một chút xíu... nhưng không, tôi cần phải làm điều này điều kia... Chúng ta thoát ly cầu nguyện, tôi không biết tại sao, nhưng nó lại là như thế đấy. Hầu như bao giờ cũng vậy, sau khi buông bỏ nguyện cầu, chúng ta nhận ra rằng những điều ấy không phải là những gì thiết yếu tí nào, và chúng ta có thể đã phí phạm giờ giấc. Đó là cách Kẻ Thù của chúng ta đánh lừa chúng ta.
Tất cả những con người nam nữ tin tưởng Thiên Chúa cho thấy chẳng những niềm vui của việc cầu nguyện, mà còn cả những gì là buồn tẻ và mệt mỏi gây ra bởi cầu nguyện nữa: có những lúc nó trở thành một cuộc đối chọi khó khăn để giữ giờ giấc và cách thức nguyện cầu. Một số vị thánh đã tiếp tục cầu nguyện qua nhiều năm tháng, có được bất cứ một khoái cảm nào mà không cảm thấy cái vô dụng của cầu nguyện. Việc thinh lặng, cầu nguyện và tập trung là những việc thực hành khó khăn, đôi khi bị bản tính tự nhiên cưỡng lại nữa. Bấy giờ chúng ta thà ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới hơn là ở đó, ở hàng ghế trong nhà thờ đó, cầu nguyện. Những ai muốn cầu nguyện cần phải nhớ rằng đức tin không phải là chuyện dễ, đôi khi đức tin tiến bước hầu như hoàn toàn trong đêm tối, không có điểm qui chiếu nào. Có những lúc trong đời sống đức tin tăm tối, thế nên có một số vị thánh gọi đó là "đêm tối tăm", vì chúng ta chẳng nghe thấy gì hết. Thế nhưng tôi vẫn tiếp tục cầu nguyện.
Sách Giáo Lý liệt kê một chuỗi dài những kẻ thù của cầu nguyện, những kẻ thù gây khó dễ cho việc cầu nguyện, đẩy chúng ta đến chỗ khó khăn (cf các số 2726-2728). Có một số người ngờ vực là việc cầu nguyện có thể thực sự vươn tới Đấng Quyền Năng: tại sao Thiên Chúa vẫn cứ thinh lặng? Nếu Thiên Chúa là Đấng Quyền Năng, Ngài có thể nói một vài câu để chấm dứt vấn đề chứ. Đối diện với thái độ lãnh tránh của thần linh, những người khác ngờ vực cầu nguyện chỉ là một việc thuần tâm lý; một cái gì đó hữu dụng nhưng không chân thực hay cần thiết: và người ta thậm chí có thể thực thi cầu nguyện mà không cần là một tín hữu. Cứ thế mà lòng thòng các thứ giải thích.
Tuy nhiên, các kẻ thù tệ hại nhất của việc cầu nguyện lại ở ngay trong chúng ta. Sách Giáo Lý diễn tả chúng như thế này: "Chán nản vì khô khan, buồn phiền vì mình không tiến dâng tất cả cho Chúa, 'vì chúng ta có nhiều của cải' , thất vọng vì Chúa không theo ý mình, kiêu ngạo nên chai lỳ trong tình trạng bất xứng của tội nhân, dị ứng với việc cầu nguyện vì cho rằng cầu nguyện là xin xỏ và việc cho không của Chúa" (2728). Đây rõ ràng là một liệt kê tóm gọn có thể được nối dài hơn nữa.
Phải làm gì trong lúc cám dỗ, khi mà tất cả mọi sự dường như bị dao động? Nếu chúng ta nhìn vào lịch sử của khoa linh đạo thì thấy ngay rằng các vị sư phụ linh hường đã nắm vững được tình trạng chúng ta đã diễn tả. Để thắng vượt nó, mỗi vị đã cống hiến một thứ đóng góp nào đó, chẳng hạn một lời khuyên khôn ngoan, hay một gợi ý cho những giây phút đương đầu đầy khó khăn. Nó không phải là vấn đề của những thứ lý thuyết phức tạp, những thứ lý thuyết non nớt, không, mà là lời khuyên xuất phát từ kinh nghiệm, cho thấy tầm quan trọng của việc chịu đựng cùng kiên trì cầu nguyện.
Thật là thú vị khi ôn lại ít là một số những lời khuyên này, vì mỗi một lời khuyên đều đáng được khai phá hơn nữa. Chẳng hạn, cuốn Linh Thao của Thánh Ignatiô Loyola là một tập sách ngắn đầy khôn ngoan dạy cách giúp đời sống của con người được đâu vào đó. Nó làm cho chúng ta hiểu rằng ơn gọi của Kitô hữu có tính chất chiến đấu, nó là một quyết định sống theo qui chuẩn của Chúa Giêsu Kitô, chứ không phải theo ma quỉ, bằng nỗ lực làm lành ngay cả khi gặp khó khăn.
Trong những lúc thử thách, cần nhờ rằng chúng ta không lẻ loi một mình, ai đó đang nhìn đến chúng ta và bảo vệ chúng ta. Thánh Antôn Viện Phụ, vị sáng lập đời sống đan tu Kitô giáo, cũng đã đối diện những lúc kinh hoàng ở Ai Cập, khi cầu nguyện trở thành một cuộc đối chọi khó khăn. Vị sử gia của ngài là Thánh Athanasiô, Giám mục Alexandria, thuật lại một trong những tình tiết tệ nhất trong đời sống của vị thánh ẩn tu này khi ngài mới ở độ tuổi 35, một thời điểm của độ tuổi trung niên, đối với nhiều người, bị dính dáng với tình trạng khủng hoảng. Thánh Antôn bị quấy nhiễu bởi cơn thử thách, nhưng ngài đã kháng cự lại. Sau cùng khi đã lấy lại được tình trạng thanh thản, ngài đã hướng về Chúa bằng một giọng điệu như thể trách móc: "Vậy thì Chúa ở đâu? Tại sao Chúa không đến ngay để kết thúc nỗi khổ đau của con?" Chúa Giêsu đã trả lời: "Antôn, Ta ở đó. Thế nhưng Ta muốn đợi xem con chiến đấu" (Đời Sống Thánh Antôn, 10).
Việc chiến đấu trong cầu nguyện. Cầu nguyện rất thường là một cuộc chiến đấu. Tôi được nhắc nhở về một điều tôi cảm nghiệm thấy một cách trực tiếp, khi tôi ở một giáo phận khác. Một cặp vợ chồng kia, có một người con gái 9 tuổi, bị một chứng bệnh các bác sĩ không thể chuẩn bệnh. Cuối cùng, vị bác sĩ trong nhà thương nói với người mẹ rằng "Xin bà hãy gọi chống bà đến". Bấy giờ người chồng đang làm việc, họ là những lao nhân, họ làm việc hằng ngày. Vị bác sĩ nói với người cha rằng: "Đứa trẻ sẽ không sống nổi qua đêm nay. Chúng tôi không thể làm gì được để ngăn chặn tình trạng nhiễm độc này". Có thể người đàn ông đó không dự lễ mỗi Chúa Nhật, nhưng lại có đức tin mạnh. Ông ta ra về, khóc lóc; ông ta để vợ ông cùng với đứa con ở nhà thương, lấy xe lửa đi 70 cây số đến Đền Thờ Đức Bà Lujan, Quan Thày của Á Căn Đình. Bấy giờ - Đền thờ này đã đóng cửa, gần 10 giờ đêm buổi tối hôm ấy - ông gắn chặt với các cánh cửa của Đền Thờ này, và cả đêm ở đó cầu khấn cùng Đức Mẹ, chiến đấu cho sức khỏe của đứa con gái.
Đây không phải là những gì bịa đặt theo tưởng tượng: tôi đã trông thấy ông ta! Tôi tận mắt thấy ông ta. Con người ấy ở đó chiến đấu. Cuối cùng, vào lúc 6 giờ sáng, Nhà Thờ mở cửa, ông đã vào để chào kính Đức Mẹ rồi trở về nhà. Ông nghĩ rằng "Đức Mẹ đã lìa bỏ chúng ta. Không, Đức Mẹ không thể nào làm như vậy với tôi". Sau đó ông đi gặp vợ ông, và bà đã mỉm cười nói với ông rằng: "Tôi không biết điều gì đã xẩy ra. Các vị bác sĩ đã nói rằng có một cái gì đó đã thay đổi, và giờ đây nó đã được lành". Con người ấy, chiến đấu bằng việc cầu nguyện, đã nhận được ơn ban của Đức Mẹ. Đức Mẹ đã lắng nghe lời của ông. Tôi đã thấy điều này: cầu nguyện làm nên phép lạ, vì cầu nguyện trực tiếp động đến tấm lòng êm ái dịu dàng của Thiên Chúa, Đấng chăm sóc cho chúng ta như người cha. Và khi Ngài không ban cho chúng ta một ơn nào đó, Ngài sẽ ban cho chúng ta ơn khác, sau này chúng ta mới thấy được. Thế nhưng bao giờ cũng phải chiến đầu bằng cầu nguyện để xin ân sủng. Phải, có những lúc chúng ta xin ơn mà chúng ta không cần đến, nhưng chúng ta lại xin mà không thực sự cần, không chiến đấu... Chúng ta đừng xin các điều nghiêm trọng như thế. Cầu nguyện là chiến đấu, và Chúa luôn ở với chúng ta.
Nếu trong một lúc mù tối nào đó, chúng ta không thể thấy được sự hiện diện của Ngài, thì chúng ta sẽ thấy trong tương lai. Chúng ta cuối cùng cũng sẽ lập lại cùng câu được tổ phụ Giacop đã từng nói: "Thật sự là Chúa đang ở nơi này; mà tôi không biết" (Khởi Nguyên 28:16). Vào lúc xế đời, nhìn lại, cả chúng ta cũng có thể nói: "Tôi nghĩ rằng tôi lẻ loi cô độc một mình, nhưng không, không phải thế, Chúa Giêsu đã ở với tôi". Tất cả chúng ta sẽ có thể nói như vậy. Xin cám ơn anh chị em.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết
nhấn mạnh tự ý bằng mầu