GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2021

 

 

 

 

ĐTC Phanxicô: Giáo Lý về Cầu Nguyện

 Bài 35: Cầu Nguyện với tâm trạng chia trí, khô khan, uể oải

 

Xin chào anh chị em thân mến,

Tiếp tục với chiều hướng của Sách Giáo Lý, trong bài giáo lý này, chúng ta nói đến cảm nghiệm từng trải về cầu nguyện, bằng việc cố gằng cho thấy một số những khó khăn rất thông thường, những khó khăn cần phải được điểm mặt và thắng vượt. Cầu nguyện không phải là chuyện dễ, vì có nhiều khó khăn xẩy ra khi cầu nguyện. Cần phải biết được chúng, điểm mặt chúng và chế ngự chúng.

Vấn đề đầu tiên xẩy ra cho những ai cầu nguyện đó là chia trí (ccc 2729). Anh chị em bắt đầu cầu nguyện, thế rồi trí khôn của anh chị em lang thang đây đó, hết chỗ này đến chỗ kia; lòng của anh chị em ở đây, trí của anh chị em lại ở đó... cầu nguyện một cách chia trí. Cầu nguyện thường đồng hành với chia trí. Thật vậy, trí khôn của con người khó mà tập trung lâu dài vào một tư tưởng. Tất cả chúng ta đều trải nghiệm thấy liên lỉ có một luồng gió hình ảnh cùng ảo ảnh chuyển động, những thứ theo chúng ta ngay cả vào trong giấc ngủ nữa. Tất cả chúng ta đều biết rằng không được chiều theo xu hướng lệch lạc ấy.

Trận chiến trong việc làm sao giữ được việc tập trung không liên hệ chỉ với việc cầu nguyện mà thôi. Nếu người ta không đủ tập trung ở một mức độ nào đó, họ sẽ không thể học hành hay làm việc được cho đâu vào đó. Các tay lực sĩ nhận thức được rằng họ không thể thắng được cuộc đấu chỉ nhờ vào việc thao luyện về thể lý, mà còn bằng cả kỷ luật tâm thần nữa, nhất là khả năng tập trung và chuyên chú.

Vấn đề chia trí không phải là những gì tội lỗi, nhưng chúng cần phải được chống chọi. Trong gia sản đức tin của chúng ta, có một nhân đức thường bị quên lãng, nhưng rất hiện thực ở trong Phúc Âm. Nhân đức này được gọi là "tỉnh thức". Chúa Giêsu phán: "Hãy tỉnh thức. Hãy cầu nguyện". Sách Giáo Lý để cập đến nó một cách rõ ràng trong việc hướng dẫn về cầu nguyện (khoản 2730). Chúa Giêsu thường kêu gọi các môn đệ về trách nhiệm sống tỉnh táo, với ý nghĩ rằng Người lại đến không sớm thì muộn, như chàng rể đi ăn cưới về, hay như chủ nhân đi xa về. Thế nhưng, vì chúng ta không biết ngày giờ Người trở lại, mà tất cả mọi giây phút trong đời sống của chúng ta đều quí báu, chứ không được phí phạm vào các thứ chia trí. Vào lúc chúng ta không ngờ, tiếng Chúa sẽ vang lên: vào ngày đó, phúc cho những đầy tớ nào Người thấy chuyên cần, vẫn còn tập trung vào những gì thực sự thiết yếu. Họ không chạy theo hết mọi thứ hấp dẫn xuất hiện trong khí khôn của họ, nhưng cố gắng bước theo đường ngay nẻo chính, làm lành và thi hành công việc của họ. Chia trí là ở chỗ trí tưởng tượng lang thang đây đó... Thánh Têrêsa thường gọi thứ tượng tượng lang thang khi cầu nguyện này là "con mụ điên trong nhà"; nó như một con mụ điên đưa anh chị em đi đây đi đó... Chúng ta cần phải ngăn chặn nó và nhốt nó lại, bằng việc chăm chú.

Thời kỳ khô khan cho thấy một diễn biến khác. Sách Giáo Lý đã diễn  tả nó như thế này: "Khi xẩy ra tình trạng khô khan thì tâm hồn bị tách lìa Thiên Chúa, chẳng thấy thú vị để suy tư, tưởng nhớ và cảm xúc, bao gồm cả những gì là thiêng liêng. Đây là lúc chúng ta chỉ còn lấy đức tin mà gắn bó với Đức Ki-tô trong cơn thống khổ của Người cũng như trong mồ chôn của Người" (khoản 2731). Tình trạng khô khan khiến chúng ta nghĩ đến Thứ Sáu Tuần Thánh về đêm, và nguyên Thứ Bảy Tuần Thánh, ở chỗ, Chúa Giêsu không còn ở đó, Người đang ở trong mồ; Chúa Giêsu đã chết, chúng ta lẻ loi cô độc. Đó là ý nghĩ nẩy sinh với tình trạng khô khan. Chúng ta thường không biết được đâu là lý do khô khan: nó có thể tùy thuộc vào chúng ta, cũng như vào cả Thiên Chúa nữa, Đấng để xẩy ra những trường hợp nào đó ở đời sống bên ngoài hay bên trong. Hoặc, cũng có những lúc có thể là một thứ nhức đầu hay bị trục trặc về gan ngăn chặn chúng ta cầu nguyện. Thường chúng ta không thực sự biết được lý do. Các vị sư phụ về đường thiêng liêng diễn tả cảm nghiệm đức tin như là chuyện liên tục luân chuyển về các giai đoạn an ủi và ưu buồn; có những lúc mọi sự thật dễ dàng, những lúc khác lại thật là nặng nề. Rất thường xẩy ra chuyện chúng ta gặp một người bạn, chúng ta hỏi thăm "Bạn có khỏe không? / How are you" - "Hôm nay tôi xuống tinh thần / Today I am down". Chúng ta rất thường bị "xuống tinh thần", nói cách khác, chúng ta chẳng cảm thấy gì, chúng ta chẳng thấy an ủi chi, chúng ta trở thành bất lực. Đó là những ngày u xám / grey days... và có rất nhiều ngày như thế trong đời! Thế nhưng vấn đề nguy hiểm là ở cõi lòng u xám, ở chỗ, khi tình trạng "cảm thấy xuống tinh thần này" chạm đến cõi lòng và trở thành chán nản..., và có những con người sống với một cõi lòng u xám. Thật kinh hoàng: người ta không thể cầu nguyện, người ta không thể cảm thấy niềm ủi an bằng một cõi lòng u xám! Hay, người ta cũng không thể nào thoát ra được tình trạng khô khan bằng một cõi lòng u xám. Cõi lòng cần phải cởi mở và rạng ngời, để ánh sáng Chúa có thể lọt vào. Nếu ánh sáng Chúa chưa lọt vào thì hãy cứ hy vọng chờ đợi nó. Đứng đóng kín nó lại trong tâm trạng u xám.

 Thế rồi, một điều khác nữa là tình trạng uể oải, một tật xấu khác, một thói hư khác, một khuynh hướng thực sự phản lại với việc cầu nguyện, và nói chung hơn nữa, còn phản lại với chính đời sống Kitô hữu, đó lại là một vấn đề khác. Tâm trạng uể oải là "một hình thức chán chường vì đã coi thường khổ chế, đã giảm suy tỉnh thức, đã thả lỏng con tim" (khoản 2733). Nó là một trong bảy "mối tội đầu", vì đầy những chán ngấy, nó có thể dẫn đến cái chết của linh hồn.

Vậy chúng ta có thể làm gì nơi tình trạng luân chuyển giữa những gì là nhiệt tình và các thứ chán chường này đây? Người ta cần phải biết làm sao luôn tiến tới. Sự tiến bộ thực sự nơi đời sống thông liêng không phải là ở chỗ đầy những lần ngất trí xuất thần, mà là ở có thể kiên trì trong những lúc khó khăn: cứ tiếp tục bước tới..., và nếu anh chị em cảm thấy mệt mỏi thì hay dừng lại một chút rối bắt đầu bước tiếp. Một cách kiên trì. Chúng ta hãy nhớ dụ ngôn về niềm vui trọn hảo của Thánh Phanxicô: Không phải những may lành vô cùng bất tận từ trời tuôn xuống là những gì đo lường khả năng của một người anh em, mà là việc vững vàng tiến bước, ngay cả khi họ không được nhận biết, ngay cả khi họ bị xử tệ, ngay cả khi hết mọi sự chẳng còn cảm thú ban đầu nữa. Chúng ta cần phải học để thân thưa rằng: "Lạy Thiên Chúa của con, cho dù Chúa có như thể làm tất cả mọi sự khiến con không còn tin vào Chúa nữa, con vẫn tiếp tục cầu nguyện với Chúa". Những ai tin tưởng thì không bao giờ ngừng cầu nguyện! Đôi khi nó giống như lời cầu nguyện của ông Job, nhân vật không chấp nhận bị Thiên Chúa đối xử bất công, đã tỏ ra kháng nghị và xin Ngài phân xử. Thế nhưng, rất thường xẩy ra là ngay cả việc kháng nghị với Thiên Chúa cũng là một cách thức cầu nguyện, hay, như một bà lão nhỏ bé kia đã nói "cả việc tỏ ra giận dỗi với Thiên Chúa cũng là một cách thức nguyện cầu", vì có nhiều lần con cái tỏ ra giận dỗi với cha của mình: nó là một cách thức liên hệ với người cha; vì họ nhận biết Ngài là "cha", họ mới cảm thấy giận dỗi...

Cả chúng ta nữa, thành phần còn kém xa sự thánh thiện và đức nhẫn nại của nhân vật Job, biết rằng, cuối cùng, ở vào lúc kết thúc giai đoạn buồn tủi, giai đoạn chúng ta đã dâng lên Trời cao những tiếng kêu la thầm lắng và đã nhiều lần đặt vấn đề "tại sao?", Thiên Chúa sẽ đáp ứng chúng ta. Đừng quên cầu nguyện đặt vấn đề "tại sao?" Nó là lời cầu nguyện của trẻ em khi chúng bắt đầu tỏ ra không hiểu các sự vật/việc, tình trạng được các nhà tâm lý gọi là "giai đoạn tại sao", bởi con trẻ hỏi cha mình rằng "Tại sao vậy Bố? Tại sao vậy Ba? Tại sao vậy?" Thế nhưng, hãy lưu ý đây: nó không lắng nghe câu trả lời của cha nó. Người cha bắt đầu trả lời nhưng nó lại cứ nhào tới đặt vấn đề "Tại sao?". Nó chỉ muốn lôi kéo sự chú ý của cha nó về phía nó thôi; và khi chúng ta hơi giận dỗi Thiên Chúa và bắt đầu hỏi tại sao là chúng ta đang lôi kéo tấm lòng của Cha chúng ta hướng về tình trạng khốn khổ của chúng ta, về những thứ khó khăn của chúng ta, về đời sống của chúng ta. Đúng vậy, nhưng phải can đảm thân thưa cùng Thiên Chúa rằng: "Nhưng tại sao?" Vì có những lúc, tỏ ra một chút gận dỗi lại tốt hơn cho anh chị em, vì nó tái bừng lên mối liên hệ cha con chúng ta cần có với Thiên Chúa. Và Ngài chấp nhận nó, cho dù là những bày tỏ nghiệt ngã nhất và cay đắng nhất với tình yêu của một người cha, và Ngài sẽ coi chúng như là một tác động của đức tin, như một lời nguyện cầu. Xin cám ơn anh chị em.

 

https://www.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2021/documents/papa-francesco_20210519_udienza-generale.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu