GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2021

 

 

 

 

ĐTC Phanxicô: Giáo Lý về Cầu Nguyện

 

 Bài 36: Cầu Nguyện bằng lòng tin tưởng

 

Xin chào anh chị em thân mến,

Có một điều cực lực chống lại việc cầu nguyện, xuất phát từ nhận định mà tất cả chúng ta đều có, đó là chúng ta cầu nguyện, chúng ta kêu xin, nhưng đôi khi những lời cầu nguyện của chúng ta dường như chẳng được lắng nghe đáp ứng gì hết: những gì chúng ta đã kêu xin - cho bản thân mình hay cho người khác - không được thỏa đáng. Chúng ta rất thường cảm thấy như vậy... Nếu lý do chúng ta cầu xin là những gì cao quí (như cho một bệnh nhân được khỏe mạnh, hay cho chiến tranh chấm dứt, chẳng hạn thế), thì cảm giác không được thỏa đáng như là những gì tệ hại. Ví dụ như khi xẩy ra chiến tranh, chúng ta cầu xin cho chiến tranh chấm dứt, những thứ chiến tranh diễn ra ở rất nhiều nơi trên thế giới. Cứ nghĩ mà xem nào là Yemen, nào là Syria, những xứ sở vẫn còn chiến tranh kéo dài từ năm này qua năm nọ, những xứ sở bị tàn phá bởi chiến tranh: chúng ta cầu nguyện mà chiến tranh chẳng chấm dứt gì hết. Làm sao lại có thể như vậy được chứ? "Một số thậm chí không cầu nguyện nữa, vì họ nghĩ lời thỉnh nguyện của họ chẳng được khấng nhận" (Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo - 2734). Thế nhưng, nếu Thiên Chúa là Cha, tại sao Ngài lại không lắng nghe chúng ta? Ngài là Đấng đã bảo đảm với chúng ta rằng Ngài ban những gì là tốt lành cho những người con cái ngỏ lời xin Ngài những điều ấy (cf Mt 7:10), tại sao Ngài lại không đáp ứng những yêu cầu của chúng ta? Tất cả chúng ta đều có cảm nghiệm về điều ấy: chúng ta đã cầu xin, cầu xin, ơn khỏi bệnh nạn của bạn bè, của cha mẹ, vấn đề là như thế. Nhưng Thiên Chúa đã không đáp ứng yêu cầu của chúng ta! Đó là một cảm nghiệm tất cả chúng ta đều có.

Sách Giáo Lý cống hiến cho chúng ta một tóm lược hay ho về vấn đề này. Nó giúp chúng ta cảnh giác với cái nguy cơ không sống cảm nghiệm đích thực của đức tin, mà biến mối liên hệ với Thiên Chúa thành một cái gì như là ma thuật. Cầu nguyện không phải là một thứ phù phép: nó là một cuộc đối thoại với Chúa. Thật sự khi chúng ta cầu nguyện chúng ta có thể chiều theo cái nguy cơ không phải là những kẻ phục vụ Thiên Chúa, mà là muốn Ngài phục vụ chúng ta (cf 2735). Bởi thế nó là một thứ cầu nguyện chỉ biết đòi hỏi, chỉ muốn lèo lái các biến cố theo dự tính của chúng ta, chỉ theo ước vọng của chúng ta hơn bất cứ những gì khác. Trái lại, Chúa Giêsu đã rất khôn ngoan khi dạy chúng ta Kinh Lạy Cha. Đó là một kinh nguyện, như chúng ta biết, chỉ nguyên về các vấn đề thôi, thế nhưng những vấn đề đầu tiên chúng ta dâng lên đều về Thiên Chúa. Những vấn đề đó chúng ta xin cho được nên trọn, chứ không phải là dự tính của chúng ta, mà là ý của Ngài cho thế giới này. Tốt hơn là hãy phó mặc nó cho Ngài: "Danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện" (Mt 6:9-10).

Tông Đồ Phaolô đã nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta thậm chí không biết được những gì thích hợp để kêu xin (cf Rm 8:26). Chúng ta kêu xin cho những gì là cần thiết, cho những nhu cầu của chúng ta, những gì chúng ta muốn: "Nhưng điều đó có thích hợp với chúng ta hay chăng?" Thánh Phaolô nói với chúng ta rằng chúng ta chẳng biết ngay cả những gì thích đáng để kêu xin. Khi chúng ta cầu xin, chúng ta cần phải khiêm hạ: đó là thái độ trước hết để cầu nguyện. Giống như thái độ ở nhiều nơi khi cầu nguyện trong nhà thờ: phụ nữ mang khăn che mặt, hay chấm nước phép để bắt đầu cầu nguyện, nhờ đó chúng ta cần phải tự nhủ trước khi cầu nguyện rằng đó là cách thức thích đáng; Thiên Chúa sẽ ban cho tôi những gì thích đáng. Ngài biết. Khi chúng ta cầu nguyện chúng ta cần phải khiêm hạ, để những lời của chúng ta thực sự là lời cầu nguyện, chứ không phải là việc nói chuyện vu vơ bị Chúa loại bỏ. Chúng ta cũng có thể cầu nguyện vì những lý do sai trái: chẳng hạn như xin chiến thắng kẻ thù trong trận chiến, mà không tự vấn xem Thiên Chúa nghĩ gì về một trận chiến như thế. Thật là dễ dàng để viết lên biểu ngữ "Thiên Chúa ở cùng chúng ta"; nhiều người hăng say đoan chắc rằng Thiên Chúa ở với họ, nhưng ít người chịu xét xem họ có thực sự ở cùng Chúa hay chăng. Trong việc cầu nguyện, chính Thiên Chúa là Đấng phải hoán cải chúng ta, chứ không phải chúng ta là người cần phải hoán cải Thiên Chúa. Đó là khiêm hạ. Con cầu nguyện nhưng Lạy Chúa, xin Chúa hãy hoán cải trái tim của con để nó biết xin những gì là thích hợp, những gì là tốt nhất cho sức sống thiêng liêng của con.

Tuy nhiên. cái tệ hại vẫn còn đó, ở chỗ, khi người ta thành tâm cầu nguyện, khi họ xin những gì hợp với Nước Chúa, khi một người mẹ cầu cho đứa con bị bệnh, tại sao Chúa dường như không nghe họ? Để trả lời cho vấn nạn này, chúng ta cần lắng đọng suy niệm lại các Phúc Âm. Những trình thuật về cuộc đời của Chúa Giêsu đầy những lời cầu nguyện: nhiều người bị thương tích ở nơi thân thể và trong tinh thần đã kêu xin Người chữa lành; có những người cầu xin cho một người bạn không bước đi được nữa; có những người cha người mẹ mang con cái nam nữ của mình đến với Người... Tất cả đều là những lời cầu xin thấm thía đau thương. Đó là một ban đại hợp ca của lời kêu cầu: "Xin thương xót chúng tôi!"

Chúng ta thấy có những lúc Chúa Giêsu đáp ứng ngay, trong khi lại có những trường hợp khác thì bị trì hoãn, như thể Chúa không đáp lại. Hãy nghĩ đến người đàn bà Canaan van xin Chúa Giêsu cho người con gái của bà: người đàn bà này đã phải kiên trì một thời gian dài để được lắng nghe (cf Mt 15:21-28). Bà thậm chí còn tỏ ra khiêm nhượng nghe thấy Chúa Giêsu thốt ra một lời có vẻ hơi xúc phạm đến bà nữa: chúng ta không nên lấy bánh ném cho chó ăn, chỉ cho chó thôi. Thế nhưng, lời hạ nhục này không thành vấn đề với người đàn bà ấy, người con gái của bà được lành mạnh mới quan trọng. Nên bà cứ tiếp tục: "Đúng thế, nhưng ngay cả những con chó cũng được thừa hưởng những vụn bánh từ bàn của chủ rơi xuống", Chúa Giêsu như thế đó. Lòng can đảm nơi việc cầu xin. Hay hãy nghĩ đến người bất toại được khiêng bởi 4 người bạn của mình: Chúa Giêsu thoạt tiên tha tội cho anh ta và sau đó mới chữa thân thể của anh ta (cf Mk 2:1-12). Bởi thế, ở vào một số trường hợp vấn đề không được giải quyết ngay. Trong đời sống của chúng ta cũng vậy, mỗi một người chúng ta đều có kinh nghiệm này. Chúng ta hãy để ý một chút mà xem, biết bao nhiêu lần chúng ta đã cầu xin một ân sủng, một phép lạ, cứ cho là như thế đi, nhưng chẳng thấy xẩy ra gì hết. Sau đó, qua giòng thời gian, các thứ lại được giải quyết, nhưng theo cách thức của Thiên Chúa, theo đường lối thần linh, chứ không theo những gì chúng ta mong muốn vào lúc ấy. Thời điểm của Thiên Chúa không phải là thời điểm của chúng ta.

Từ quan điểm này, việc chữa lành cho người con gái của ông Giairô mới đáng chú ý (cf Mk 5:21-33). Một người cha cuống quít lên, vì đứa con gái của ông đang yếu bệnh và vì thế ông xin Chúa Giêsu giúp đỡ. Vị Sư Phụ này liền nhận lời ngay, nhưng trên đường đi thì xẩy ra một việc chữa lành khác, để rồi sau đó có tin báo rằng đứa con gái đã chết. Như thế kể như là xong, nhưng trái lại, Chúa Giêsu nói với người cha rằng: "Đừng sợ, hãy cứ tin" (Mk 5:36). "Hãy tiếp tục tin tưởng": vì chính đức tin là những gì nâng đỡ lời cầu xin. Thật vậy, Chúa Giêsu sẽ đánh thức đứa trẻ ấy từ giấc ngủ chết chóc. Thế nhưng, ông Giairô đã phải bước đi trong tăm tối, chỉ bằng ngọn lửa đức tin. Lạy Chúa, xin ban cho con đức tin! Chớ gì đức tin của con tăng trưởng! Hãy xin ơn này, xin biết tin tưởng. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nói rằng đức tin có thể chuyển núi dời non. Thế nhưng, phải thực sự tin tưởng. Chúa Giêsu bị chế ngự bởi đức tin nơi người nghèo của Người, nơi dân của Người; Người đặc biệt cảm thấy những gì là dịu dàng êm ái trước đức tin của họ. Và Người lắng nghe.

Lời cầu Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha trong Vườn Nhiệt dường như cũng không được lắng nghe. "Cha ơi, nếu có thể thì xin cất chén này khỏi Con". Chúa Cha dường như không lắng nghe Người. Người Con cần phải uống trọn vẹn chén khổ nạn. Thế nhưng Thứ Bảy Tuần Thánh không phải là chương kết thúc, vì vào ngày thứ ba, Chúa Nhật, là Phục Sinh. Sự dữ là chúa của ngày áp cuối: xin hãy nhớ kỹ điều này. Sự dữ không bao giờ là ngày cuối cùng, không: ngày áp cuối, khi mà đêm là lúc tăm tối nhất, ngay trước rạng đông. Bởi thế mới có khung hướng vào ngày áp cuối là lúc ma quỉ làm cho chúng ta nghĩ rằng hắn đã thắng cuộc: "Đó, các ngươi đã thấy chưa, Ta đã thắng cuộc!" Tên gian ác là Chúa của ngày áp cuối: cuối cùng là Phục Sinh. Thế nhưng tên gian ác này không bao giờ là Chúa của ngày cuối cùng: Thiên Chúa mới là Chúa của ngày cuối cùng. Vì ngày đó thuộc về một mình Thiên Chúa, mà đó là ngày mà tất cả lòng mong ước của con người muốn được cứu độ sẽ nên trọn. Chúng ta hãy biết khiêm tốn nhẫn nại đợi chờ ơn Chúa, đợi chờ ngày cuối cùng. Rất thường xẩy ra là ngày áp cuối là ngày rất khốn khó, vì những đau khổ của con người là những gì khốn khó. Thế nhưng, Chúa lại ở đó. Và vào ngày cuối cùng, Ngài giải quyết hết tất cả mọi sự. Xin cám ơn anh chị em.

 

https://www.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2021/documents/papa-francesco_20210526_udienza-generale.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu