GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2021

 

 

 

 

ĐTC Phanxicô - Giáo Lý về Cầu Nguyện

Bài 39 - Cầu Nguyện của Chúa Kitô Khổ Giá

 

 

Xin chào anh chị em thân mến!

Chúng ta đã mấy lần lập lại ở loạt bài giáo lý này là việc cầu nguyện là một trong những đặc tính hiển nhiên nhất trong cuộc đời của Chúa Giêsu: Chúa Giêsu đã cầu nguyện, và Người đã cầu nguyện rất nhiều. Trong hành trình thực hiện sứ vụ của mình, Chúa Giêsu đã trầm mình cầu nguyện, vì việc đối thoại với cha là cái cốt lõi sáng chói cho tất cả cuộc sống của Người.

Các Phúc Âm đều chứng thực việc cầu nguyện của Chúa Giêsu đã trở nên thậm chí còn thiết tha hơn và dầy đặc hơn vào giớ khắc khổ nạn và tử nạn của Người. Những biến cố tột đỉnh này của đời sống Người là những gì tạo nên cái cốt lõi chính yếu cho việc rao giảng của Kitô giáo: Những giờ khắc Chúa Giêsu trải qua cuối cùng ấy ở Jerusalem là tâm điểm của Phúc Âm, chẳng những vì các Thánh ký giành nhiều chỗ tương xứng để trình thuật, mà còn vì biến cố tử nạn và phục sinh của Người - như một chia chớp sáng - lám sáng tỏ những phần đời khác của Chúa Giêsu. Người không phải là một kẻ thương người tỏ ra chăm sóc nỗi khổ đau và yếu bệnh của con người: Người còn hơn như vậy nữa rất nhiều. Nơi Người không phải chỉ có sự thiện hảo: mà còn có một điều gì hơn thế nữa, đó là ơn cứu độ, không phải là một thứ cứu độ theo thời - có thể cứu tôi khỏi bệnh nạn hay một giây phút thất vọng nào đó - mà là ơn cứu độ trọn vẹn, ơn cứu độ thiên sai, ơn cứu độ cống hiến niềm hy vọng vào cuộc vinh thắng cuối cùng của sự sống trên sự chết.

Bởi thế mà vào những ngày cuối cùng nơi Cuộc Vượt Qua của Người, chúng ta thấy Chúa Giêsu hoàn toàn trầm mình cầu nguyện.

Người đã thảm thiết cầu nguyện trong vườn Nhiệt, như chúng ta đã nghe, bởi một nỗi sầu thương đến chết đi được. Thế nhưng, ngay trong giây phút đó, Chúa Giêsu đã thân thưa với Thiên Chúa là "Abba", cha (cf. Mk 14:36). Lời này, theo tiếng Aramatic là ngôn ngữ của Chúa Giêsu, bộc lộ tâm tình thân mật, lòng tin tưởng. Ngay khi Người cảm thấy tối tăm bủa vây Người, Chúa Giêsu liền xua tan nó bằng lời thỏ thẻ: Abba, cha.

Chúa Giêsu cũng cầu nguyện trên thập tự giá, khi Người bị u ám che phủ trước Vị Thiên Chúa thinh lặng. Nhưng, một lần nữa, tiếng "Cha" lại thốt ra từ môi miệng của Người. Đó là lời cầu nguyện thiết tha nhất, vì trên thập tự giá, Chúa Giêsu là vị chuyển cầu tối cao: Người cầu cho những người khác, Người cầu cho hết mọi người, ngay cả những ai lên án Người, ngoài một phạm nhân đáng thương đứng về phía Người. Ai cũng chống lại Người hay tỏ ra dửng dưng lạnh lùng, chỉ có duy tay tội ác ấy đã nhận biết được quyền năng. "Cha ơi, xin tha cho họ; vì họ không biết những gì họ làm" (Lk 23:34). Ở giữa thảm trạng này, nơi cơn vô cùng đớn đau cả hồn lẫn xác ấy, Chúa Giêsu đã cầu nguyện bằng những lời thánh vịnh; với thành phần nghèo khổ trên thế giới, nhất là những ai bị mọi người quên lãng, Ngài đã thốt lên những lời thảm thương của Thánh Vịnh 22: "Chúa Trời tôi ơi, Chúa Trời tôi ơi, tại sao Ngài lại bỏ rơi tôi?" (v.2). Người cảm thấy bị ruồng bỏ, và Người đã cầu nguyện. Thánh giá là tặng ân trọn vẹn của Chúa Cha, Đấng hiến ban tình yêu thương, tức là, đã hoàn trọn ơn cứu độ cho chúng ta. Một lần nữa, Người lại gọi Ngài là "Chúa Trời tôi ơi, "Cha ơi, con xin phó linh hồn Con trong tay Cha": tức là hết mọi sự, tất cả mọi sự đều là cầu nguyện, trong 3 tiếng đồng hồ trên Thánh Giá.

Bởi thế Chúa Giêsu cầu nguyện trong những giờ khắc quyết liệt nơi cuộc khổ nạn và tử nạn của Người. Chúa Cha đã đáp lại lời cầu nguyện của Người bằng cuộc phục sinh của Người. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là lời cầu nhiệt liệt, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu là lời cầu độc đáo, và đồng thời cũng trở thành khuôn mẫu cho lời cầu nguyện của chúng ta. Chúa Giêsu cầu nguyện cho hết mọi người: Người thậm chí đã cầu nguyện cho tôi, cho mỗi một người trong anh chị em. Hết mọi người đều có thể nói rằng: "Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho tôi trên thập tự giá". Người đã cầu nguyện. Chúa Giêsu có thể nói với từng người trong chúng ta rằng: "Thày đã cầu nguyện cho con ở Bữa Tiệc Ly, và ở trên cây Thánh Giá". Ngay cả trong lúc đớn đau khổ sở nhất, chúng ta cũng chẳng bao giờ bị lẻ loi cô độc. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu vẫn ở với chúng ta. "Vậy thưa cha, đây, chúng tôi đang lắng nghe những điều này, Chúa Giêsu có cầu cho chúng tôi hay chăng?" Có chứ, Người tiếp tục cầu nguyện để lời của Người giúp chúng ta tiến bước. Thế nhưng, hãy cầu nguyện và hãy nhớ rằng Người đang cầu nguyện cho chúng ta.

Điều ấy, đối với tôi như là những gì tuyệt vời để ghi nhớ. Đây là bài giáo lý cuối cùng của loạt bài giáo lý về cầu nguyện: hãy nhớ rằng ân sủng là ở chỗ chúng ta không chỉ cầu nguyện mà còn có thể nói chúng ta được "cầu nguyện cho" nữa, chúng ta đã được đón nhận nơi cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với Chúa Cha, hiệp thông với Thánh Linh. Chúa Giêsu cầu nguyện cho tôi: mỗi người trong chúng ta có thể ghi nhớ lấy điều ấy. Chúng ta không được quên điều này. Ngay cả trong những lúc tệ hại nhất. Chúng ta đã được đón nhận trong cuộc đối thoại của Người với Chúa Cha trong mối hiệp thông của Thánh Linh. Chúng ta đã được Chúa Giêsu Kitô chấp nhận, và ngày trong giờ khắc khổ nạn, tử nạn và phục sinh, hết mọi sự đã được cống hiến cho chúng ta. Bởi thế, bằng cầu nguyện và đời sống, chỉ còn lòng can đảm và niềm hy vọng, và nhờ lòng can đảm và niềm hy vọng này để cảm thấy mãnh liệt được lời cầu nguyện của Chúa Giêsu và để cứ tiến bước: nhờ đó cuộc sống của chúng ta được trở thành một đời sống tôn vinh Thiên Chúa, với ý thức rằng Người cầu nguyện cùng Chúa Cha cho tôi, Chúa Giêsu đang cầu nguyện cho tôi.

 

https://www.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2021/documents/papa-francesco_20210616_udienza-generale.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu