GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2021

 

 

 

 ĐTC Phanxicô: Giáo Lý về Thư Galata Bài 14 - Đi theo Thần Linh

 

Thân ái chào anh chị em,

Trong đoạn Thư Galata chúng ta vừa nghe, Thánh Phaolô đã huấn dụ Kitô hữu hãy đi theo Thánh Linh (cf. 5:16,25), tức là một lối sống theo đuổi Thánh Linh. Thật vậy, tin vào Chúa Giêsu tức là theo Người, là đi ở đằng sau Người trong hành trình của Người, như những vị môn đệ tiên khởi đã làm. Đồng thời cũng còn có nghĩa là tránh đi theo những đường lối ngược chiều, đường lối của vị kỷ, của việc tìm kiếm các thứ tư lợi của mình, được vị tông đồ này gọi là "các ước muốn của xác thịt" (v.16). Vị Thần Linh là hướng đạo viên cho cuộc hành trình dọc theo con đường của Chúa Kitô ấy, một cuộc hành trình cao cả nhưng khó khăn được bắt đầu từ Phép Rửa và kéo dài suốt cuộc đời của chúng ta. Chúng ta có thể nghĩ đến nó như là một cuộc du hành dài trên các đỉnh núi: nó là một cuộc du hành dài hơi để tới một đích điểm hấp dẫn, nhưng cần nhiều nỗ lực và gan lì.

Hình ảnh này có thể giúp chúng ta hiểu được công của Thánh Phaolô ở những lời ngài nói: "đi theo Thần Linh", "để mình được hướng dẫn" bởi Ngài. Chúng là những phát biểu cho thấy một hành động, một chuyển động, một năng động giúp cho chúng ta không bị khựng lại trước những gì là vạn sự khởi đầu nan, nhưng mời gọi niềm tin tưởng vào "quyền lực từ trên cao" (Shepherd of Hermas, 43, 21). Tiến bước theo con đường này, Kitô hữu cần có một nhãn quan sống tích cực. Điều này không có nghĩa là sự dữ đang hiện diện trên thế gian này biến mất, hay giảm bớt những thôi thúc tiêu cực từ tính vị kỷ của chúng ta. Trái lại, nghĩa là niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa bao giờ cũng mạnh hơn những gì chúng ta chống cưỡng và lớn hơn cả tội lỗi của chúng ta. Đó là điều quan trọng, đó là tin rằng Thiên Chúa bao giờ cũng cao cả vĩ đại hơn. Hơn những gì chúng ta chống cưỡng, hơn tội lỗi của chúng ta.

Khi huấn dụ Kitô hữu Galata theo đuổi đường lối ấy, vị Tông đồ này đặt mình vào tầm mức của họ. Ngài loại bỏ động từ ở thể truyền khiến - mà chỉ nói "hãy bước đi" (v.16) - và sử dụng từ ngữ có tính cách biểu thị chung là "chúng ta". "Chúng ta hãy bước đi theo Thần Linh" (v.25). Tức là chúng ta hãy bước đi cùng một hàng ngũ và chúng ta hãy để cho Thánh Linh dẫn dắt chúng ta. Đó là một lời huấn dụ, một cách thức huấn dụ. Thánh Phaolô cảm thấy lời huấn dụ này cần thiết cho cả bản thân ngài nữa. Cho dù ngài biết rằng Chúa Kitô đang sống trong ngài (cf 2:20), ngài cũng thâm tín rằng ngài chưa đạt đến đích nhắm ấy, đến đỉnh núi (cf Phil 3:12). Vị Tông đồ này không đặt mình bên trên cộng đồng. Ngài không nói rằng: "Tôi là người lãnh đạo; các anh là những người khác; Tôi xuống từ đỉnh núi cao còn các anh thì đang trên đường đi". Ngài không nói như thế, nhưng đặt mình ở giữa mọi người đang hành trình để cống hiến mẫu gương cụ thể về việc cần phải tuân phục Thiên Chúa biết bao, một cách tương ứng càng ngày càng tốt đẹp hơn với sự dẫn dắt của Thần Linh. Và tuyệt vời biết bao khi chúng ta thấy được các vị mục tử cùng hành trình với dân của mình, thành phần không biết mệt mỏi - "Không, tôi là người quan trọng hơn, tôi là mục tử. Còn quí vị...", "Tôi là linh mục", "Tôi là giám mục", nói một cách vênh váo. Không phải: các mục tử hành trình với dân. Rất là tốt đẹp. Có lợi cho tâm hồn.

"Việc đi theo Thần Linh" chẳng những là một việc cá nhân, nó còn liên quan đến chung cộng đồng nữa. Thật vậy, thật là hào hứng, nhưng gay go, trong việc xây dựng cộng đồng theo đường lối được vạch vẽ bởi vị Tông đồ này. "Những ước muốn xác thịt", "những cám dỗ", chúng ta có thể nói, mà tất cả chúng ta đều có - tức là những ghen tương của chúng ta, những thành kiến, những giả hình và những bất mãn cứ tiếp tục hoành hành - và cần phải sử dụng đến một loạt luật lệ nghiêm khắc là điều dễ dàng chiều theo thôi. Thế nhưng, nếu làm như vậy thì lại sai lệch với đường lối tự do, và thay vì leo lên tới đỉnh lại đi xuống thấp hơn. Trước hết, hành trình theo con đường của Thần Linh đòi phải giành chỗ cho ân sủng và bác ái. Tạo chỗ cho ân sủng của Thiên Chúa. Đừng sợ. Sau khi làm cho tiếng nói của mình được nghiêm chỉnh lắng nghe, Thánh Phaolô đã mời gọi Kitô hữu Galata hãy nâng đỡ những khó khăn của nhau, và nếu ai bị lầm lỗi thì hãy tỏ ra dịu hiền (cf 5:22). Chúng ta hãy lắng nghe lời của ngài: "Thưa anh em, nếu có ai vướng mắc tội nào, thì anh em, những người được Thần Khí thúc đẩy, hãy lấy tinh thần hiền hoà mà sửa dạy người ấy; phải tự đề phòng kẻo chính mình cũng bị cám dỗ. Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Ki-tô". (6:1-2). Hoàn toàn khác với việc xì xèo nhảm nhí, như khi chúng ta thấy một điều gì đó và chúng ta nói về nó với nhau ở sau lưng người ta, có phải không? Xì xèo nhảm nhí về tha nhân của chúng ta. Không, như thế không phải là chuyện bước theo Thần Linh. Những gì theo Thần Linh thì phải là dịu dàng với anh chị em khi chỉnh sửa họ, và hãy giữ mình cho khỏi bị rơi vào những thứ tội ấy, tức là hãy biết khiêm hạ.

 Thật vậy, khi chúng ta chiều theo khuynh hướng phán đoán xấu cho người khác, thường xẩy ra, tốt hơn chúng ta cần phải phản tỉnh về nỗi yếu hèn của chúng ta. Thật là dễ dàng để phê phán chỉ trích người khác! Thế nhưng có những người dường như có bằng cấp về việc xì xèo đàm tiếu. Từng ngày và mọi ngày họ phê bình chỉ trích người khác. Hãy nhìn vào bản thân mình của anh chị em! Cần phải tự vấn xem cái gì thúc đẩy chúng ta chỉnh sửa cho anh chị em chúng ta, và chúng ta có đồng trách nhiệm một cách nào đó với lầm lỗi của họ hay chăng. Không kể việc ban cho chúng ta tặng ân biết tỏ ra êm ái dịu dàng, Thánh Linh còn mời gọi chúng ta sống liên đới kết đoàn nữa, trong việc mang lấy gánh nặng của người khác. Biết bao nhiêu là gánh nặng ở nơi đời sống của con người, như yếu bệnh, không có công ăn việc làm, lẻ loi cô độc, nhức nhối đớn đau...! Và biết bao nhiêu là những thứ thử thách khác cần đến sự cận kề gần gũi và yêu thương của anh chị em chúng ta! Những lời của Thánh Âu-Quốc-Tinh khi ngài nhận định về đoạn thư này cũng giúp ích cho chúng ta nữa, đó là "Bởi thế cho nên, thưa anh em, bất cứ khi nào có ai sai phạm, [...] thì hãy chỉnh sửa họ như thế này, dịu dàng, êm ái. Nếu anh lên tiếng thì lòng hãy yêu thương. Dù anh phấn khích, dù anh tỏ ra mình là một người cha, dù anh khiển trách, dù anh tỏ ra nghiêm khắc, thì hãy yêu thương" (Discourse 163/B 3). Bao giờ cũng yêu thương. Qui luật tối hậu liên quan đến việc anh em sửa bảo lẫn nhau đó là yêu thương, đó là muốn sự thiện cho anh chị em của chúng ta. Cần phải có nhiều giờ để nhẫn nại chịu đựng các vấn đề của người khác, những khiếm khuyết yếu điểm của người khác trong thinh lặng nguyện cầu, để thấy được cách thức đúng đắn mà giúp họ sửa đổi bản thân họ. Điều ấy không phải là chuyện dễ. Đường lối dễ dàng nhất là xì xèo đàm tiếu. Nói xấu người khác như thể tôi là người hoàn hảo vậy. Không được làm như vậy. Hãy êm ái dịu dàng. Hãy nhẫn nại nhịn nhục. Hãy nguyện cầu van xin. Hãy gần gũi cận kề.

Hãy tiến bước với niềm vui và nhẫn nại trên con đường này, để mình được Thánh Linh dẫn dắt. Xin cám ơn anh chị em.

 

https://www.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2021/documents/papa-francesco_20211103_udienza-generale.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu