GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2021

 

 

 

ĐTC Phanxicô - Giáo Lý về Thư Galata

2- Thánh Phaolô: Vị Tông Đồ Đích Thực

 

 

Thân mến chào anh chị em,

Chúng ta hãy cùng nhau tiến vào Thư Galata mỗi lần một chút. Chúng ta đã thấy được các Kitô hữu ở đây rơi vào cuộc khủng hoảng về cách thức làm sao sống đức tin. Tông đồ Phaolô bắt đầu viết bức thư này để nhắc nhở họ về mối liên hệ quá khứ của họ, cảm nhận khắc khoải của ngài khi xa cách họ, và tấm lòng yêu thương bất khả đổi thay của ngài đối với từng người trong họ. Tuy nhiên, ngài vẫn không quên bày tỏ mối quan tâm của ngài về việc Kitô hữu ở Galata cần phải theo đuổi con đường chân thực: đó là mối quan tâm của một người cha, vị đã sinh ra các cộng đồng này trong đức tin. Ý nguyện của ngài rất rõ ràng, đó là cần phải lập lại tính chất mới mẻ của Phúc Âm, những gì Kitô hữu Galata đã lãnh nhận nhờ việc rao giảng của ngài, để xây dựng một căn tính đích thực làm nền tảng cho đời sống của họ. Căn tính nền tảng này đó là nguyên tắc tái khẳng định tính chất mới mẻ của Phúc Âm mà họ đã lãnh nhận từ ngài.

Chúng ta nhận thức ngay được rằng Thánh Phaolô có một kiến thức sâu xa về mầu nhiệm Chúa Kitô. Ngay đầu Bức Thư này của mình, ngài không tranh cãi vặt thường được sử dụng bởi thành phần gièm pha phỉ báng của ngài. Vị Tông đồ này "cao bay" và tỏ cho chúng ta thấy nữa, cách tác hành khi xẩy ra những xung khắc trong cộng đồng này. Thật vậy, chỉ vào đoạn cuối của Bức Thư mới cho thấy vấn đề cắt bì là trọng tâm của việc công kích, vấn đề chính yếu theo truyền thống Do Thái giáo. Thánh Phaolô muốn đào sâu hơn, vì cái nguy cơ chính là chân lý của Phúc Âm và sự tự do của Kitô hữu được bao gồm trong chân lý này. Ngài không dừng lại ở bề mặt của các vấn đề, của những xung khắc, như chúng ta thường có khuynh hướng thực hiện để được giải quyết tức thời, những gì khiến chúng ta lầm tưởng rằng tất cả chúng ta đều có thể đồng ý về một thứ thỏa hiệp nào đó. Thánh Phaolô yêu mến Chúa Giêsu và biết rằng Chúa Giêsu không phải là một con người, một vị Thiên Chúa của những thứ thỏa hiệp. Đó không phải là cách thức hành động của Phúc Âm, nên vị Tông đồ này đã chọn con đường thách thức khó khăn hơn. Ngài viết: "Vậy tôi đang tìm cách để được con người hay Thiên Chúa ưng chuẩn đây?" Ngài không cố gắng để xoa dịu hết mọi người. Ngài tiếp tục viết: "Hay tôi đang chiều lòng người ta? Nếu tôi vẫn chiều lòng người ta thì tôi sẽ không phải là tôi tớ của Chúa Kitô nữa" (1:10).

Trước hết, Thánh Phaolô cảm thấy phận vụ của ngài cần phải nhắc nhở Kitô hữu Galata rằng ngài là một vị tông đồ đích thực, không bởi công lao của ngài, nhưng bởi ngài được Thiên Chúa kêu gọi. Ngài thuật lại câu chuyện về ơn gọi của ngài cùng việc hoán cải của Người, một sự việc xẩy ra trùng hợp với việc Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra với ngài trong hành trình Damasco (Acts 9:1-9). Cũng hay khi thấy rằng ngài xác nhận về đời sống của ngài trước biến cố đó. Đây là những gì ngài nói về cuộc sống trước đó của ngài: "Anh em hẳn đã nghe nói tôi đã ăn ở thế nào trước kia trong đạo Do-thái: tôi đã quá hăng say bắt bớ, và những muốn tiêu diệt Hội Thánh của Thiên Chúa. Trong việc giữ đạo Do-thái, tôi đã vượt xa nhiều đồng bào cùng lứa tuổi với tôi: hơn ai hết, tôi đã tỏ ra nhiệt thành với các truyền thống của cha ông" (1:13-14). Thánh Phaolô đã dám khẳng định rằng ngài vượt trổi hơn tất cả những người khác về Do Thái giáo, ngài quả thực là một tay biệt phái nhiệt thành, "vì tôi sống công chính theo lề luật thì chẳng ai trách được tôi" (Philiphe 3:6). Hai lần ngài nhấn mạnh rằng ngài là một tay bênh vực "các truyền thống của cha ông" và là "một tay kiên cố chống đỡ lề luật". Đó là câu chuyện về Thánh Phaolô.

Một mặt thì ngài còn nhất trí nhấn mạnh đến việc ngài hung hăng bách hại Giáo Hội và ngài đã từng là "một tên lộng ngôn, một kẻ bách hại và là một con người hung bạo" (1Timotheu 1:13). Ngài không bỏ qua các thứ tĩnh từ: ngài tự diễn tả mình như thế. Mặt khác, ngài đề cao lòng thương xót Chúa đối với ngài, khiến ngài trải qua một cuộc biến đổi tận gốc rễ, như tất cả đều biết. Ngài viết: "Nhưng lúc ấy các Hội Thánh Đức Ki-tô tại miền Giu-đê không biết mặt tôi. Họ chỉ nghe nói rằng: 'Người trước đây bắt bớ chúng ta, bây giờ lại loan báo đức tin mà xưa kia ông những muốn tiêu diệt'" (1:22-23). Ngài đã hoán cải, đã đổi thay, đổi thay tâm can của ngài. Vậy Thánh Phaolô đề cao sự thật về ơn gọi của ngài, bằng một sự tương phản nảy lửa đã xẩy ra trong cuộc đời của ngài: từ chỗ là một tay bách hại Kitô giáo vì không giữ truyền thống và lề luật, ngài đã được kêu gọi trở thành một tông đồ để loan báo Phúc Âm của Chúa Giêsu Kitô. Thế nhưng chúng ta thấy rằng Thánh Phaolô tỏ ra tự do thanh thản: ngài được tự do thanh thản để loan báo Phúc Âm và ngài cũng tự do xưng thú tội lỗi của ngài. "Tôi là như thế đó": đó là sự thật làm cho con tim được tự do, và đó là thứ tự do của Thiên Chúa.

Khi nghĩ lại câu chuyện này, Thánh Phaolô tràn đầy những ngỡ ngàng và tri ân. Như thể ngài muốn nói với Kitô hữu Galata rằng ngài chỉ có thể là một vị tông đồ. Ngài đã từng được dưỡng dục từ thuở bé để trở thành một con người công chính tuân giữ Lề Luật Moisen, và hoàn cảnh đưa đẩy đã khiến ngài chiến đấu với thành phần môn đệ của Chúa Kitô. Tuy nhiên, một điều bất ngờ đã xẩy ra, đó là, bởi ân sủng của mình, Thiên Chúa đã tỏ ngài về Con của mình, Đấng đã chịu chết và phục sinh, nhờ đó ngài có thể trở thành một người rao giảng tin mừng giữa Dân ngoại (1:15-16).

Khôn thấu biết bao đường lối của Chúa! Chúng ta cảm nghiệm thấy điều này hằng ngày, nhất là khi chúng ta nghĩ lại những lúc Chúa gọi chúng ta. Chúng ta không bao giờ được quên thời điểm và cách thức Thiên Chúa đã đi vào cuộc đời của chúng ta: chúng ta hãy gìn giữ trong tâm trí của mình về cuộc gặp gỡ trong ân sủng được Thiên Chúa dùng để biến đổi cuộc sống của chúng ta. Biết bao nhiêu lần, trước những công việc cao cả Chúa làm, vấn đề được đặt ra là thế nhưng Chúa có thể sử dụng một tội nhân, một con người mỏng dòn yếu hèn để làm theo ý của Chúa hay sao? Tuy nhiên, chẳng có sự gì như vậy mà lại tình cờ xẩy ra hết, vì hết mọi sự đã được sửa soạn theo dự án của Thiên Chúa. Ngài đan kết lịch sử của chúng ta, và, nếu chúng ta tin tưởng đáp ứng dự án cứu độ của Ngài, chúng ta sẽ nhận ra nó. Ơn gọi bao giờ cũng bao hàm một sứ vụ chúng ta nhắm tới; đó là lý do tại sao chúng ta cần phải nghiêm túc sẵn sàng, ý thức rằng chính Thiên Chúa là Đấng sai chúng ta, chính Thiên Chúa là Đấng trợ giúp chúng ta bằng ân sủng của Ngài. Thưa anh chị em, chúng ta hãy để cho mình được tác động bởi nhận thức ấy: quyền năng của ân sủng biến đổi cuộc sống và làm cho nó đáng được phục vụ Phúc Âm. Quyền lực của ân sủng bao phủ tất cả mọi tội lỗi, biến đổi tâm can, thay đổi đời sống, và làm cho chúng ta thấy được những đường nẻo mới. Chúng ta đừng quên điều ấy. Xin cám ơn anh chị em.

 

https://www.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2021/documents/papa-francesco_20210630_udienza-generale.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu