GIÁO HỘI HIỆN THẾ
2021
ĐTC Phanxicô: Giáo Lý về Thư Galata
Bài 5 - Lề Luật như giám hộ viên
Xin chào anh chị em!
Thánh Phaolô, vị đã kính mến Chúa Giêsu và đã hiểu rõ ơn cứu độ là gì, đã dạy chúng ta rằng "con cái của lời hứa" (Galata 4:28) - tức là tất cả chúng ta đây, thành phần đã được công chính hóa bởi Chúa Giêsu Kitô - thì không còn lệ thuộc vào Lề Luật nữa, mà là được kêu gọi thực hành lối sống tự do cần có của Phúc Âm. Tuy nhiên, Lề Luật vẫn còn đó. Thế nhưng còn đó một cách khác, ở chỗ, vẫn Lề Luật như vậy, vẫn Thập Giới, mà bằng một cách khác, vì tự mình nó không còn được công chính khi Chúa đến. Bởi thế, trong bài giáo lý hôm nay, tôi muốn giải thích điều này. Chúng ta đặt vấn đề: Theo Thư Galata thì đâu là vai trò của Lề Luật? Trong đoạn thư chúng ta vừa nghe, Thánh Phaolô đã nói rằng Lề Luật giống như một giám hộ viên. Đó là một hình ảnh đẹp đẽ, hình ảnh về thứ giám hộ chúng ta đã nói đến trong buổi triều kiến chung vừa rồi, một hình ảnh đáng được tìm hiểu đúng với ý nghĩa của nó.
Vị Tông đồ này dường như gợi ý là Kitô hữu hãy chia lịch sử cứu độ ra làm hai phần, như câu truyện đời của ngài. Có hai giai đoạn: trước khi trở thành tín hữu tin vào Chúa Giêsu Kitô và sau khi đã lãnh nhận đức tin. Ở tâm điểm của hai giai đoạn này là biến cố tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu, một biến cố được Thánh Phaolô giảng dạy để tác động lòng tin tưởng vào Người Con của Thiên Chúa, nguồn mạch ơn cứu độ, và nơi Chúa Giêsu Kitô chúng ta được công chính hóa. Bởi thế, khởi đi từ lòng tin vào Chúa Kitô mới có chuyện Lề Luật có "trước đó" và "sau đó", vì Lề Luật vẫn còn đó, Thập Giới vẫn còn đó, thế nhưng thái độ lại khác nhau trước khi Chúa Giêsu xuất hiện và sau đó. Lịch sử trước đó được xác định là "lệ thuộc Lề Luật". Con người sống theo Lề Luật thì được cứu độ, được công chính hóa; giai đoạn lịch sử tiếp sau đó, tức giai đoạn sau khi Chúa Giêsu xuất hiện, lại sống theo Thánh Linh dẫn dắt (Galata 5:25). Đây là lần đầu tiên Thánh Phaolô sử dụng cụm từ: "lệ thuộc Lề Luật". Ý nghĩa sâu xa này ám chỉ một sự qui phục tiêu cực, tiêu biểu cho thành phần nô lệ: "bị lệ thuộc". Vị Tông đồ này làm sáng tỏ vấn đề khi nói rằng nếu một người "lệ thuộc Lề Luật" thì như thể bị "canh giữ" và "gò bó", một thứ bảo hộ phòng ngừa. Thánh Phaolô nói rằng giai đoạn này đã kéo dài một thời gian lâu dài - từ Moisen, cho tới khi Chúa Giêsu xuất hiện - và mãi mãi tồn tại với những ai sống trong tội lỗi.
Mối liên hệ giữa Lề Luật và tội lỗi sẽ được diễn giải một cách có hệ thống hơn nơi Thư Roma, được viết ít năm sau Thư Galata. Tóm lại, Lề Luật dẫn đến xác định những gì là vi phạm và làm cho dân chúng nhận thức được tội lỗi của họ: "Anh em đã làm như thế nên Lề Luật - Thập Giới - mới nói rằng anh em phạm tội". Hay nói cách khác, như kinh nghiệm chung cho thấy, thứ luật này đưa đến chỗ tác động việc vi phạm. Trong Thư Roma, ngài viết: "Khi chúng ta còn bị tính xác thịt chi phối, thì các đam mê tội lỗi dùng Lề Luật mà hoạt động nơi các chi thể chúng ta, để chúng ta sinh hoa kết quả đưa tới cái chết. Nhưng nay, chúng ta không còn bị Lề Luật ràng buộc nữa, vì chúng ta đã chết đối với cái vẫn giam hãm chúng ta" (Roma 7:5-6) Tại sao? Vì việc công chính hóa của Chúa Giêsu Kitô đã tới. Thánh Phaolô bày tỏ vắn gọn quan điểm của ngài về Lề Luật như thế này: "Tử thần có độc là vì tội lỗi, mà tội lỗi có mạnh cũng tại có Lề Luật" (1Corinto 15:56). Một thứ trao đổi: anh em lệ thuộc lề luật và anh em ở đó như mở đường cho tội lỗi.
Theo chiều hướng ấy thì lề luật đóng vai giám hộ viên như được ám chỉ mới trọn vẹn ý nghĩa. Thế nhưng, Lề Luật là giám hộ viên dẫn anh em đi đâu? Đi đến với Chúa Giêsu. Theo đường lối học thức cổ thời thì giám hộ viên đây không có phận sự được chúng ta qui cho như ngày nay, tức là phận vụ nâng đỡ trợ giúp việc học hành của con trẻ nam nữ nào đó. Trái lại, vào thời ấy thì người này là một kẻ nô lệ có phận sự dẫn đứa con của vị chủ nhân đến thày giáo rồi sau đó mang con của chủ trở về nhà. Người này bảo vệ đứa nhỏ cần phải trông coi cho khỏi nguy hiểm và canh chứng nó cho khỏi các hành vi cử chỉ xấu. Phận vụ của người nô lệ đi trông coi con của chủ này thật sự là việc kèm giữ. Khi đứa nhỏ trưởng thành thì giám hộ viên này hết phận sự. Giám hộ viên được Thánh Phaolô ám chỉ ở đây không phải là thày giáo, mà là người đi kèm theo đứa nhỏ được giao cho kèm giữ, người canh chừng đứa bé và đưa nó về lại nhà.
Việc qui cho Lề Luật những ý nghĩa như thế giúp cho Thánh Phaolô có thể làm sáng tỏ vai trò của Lề Luật trong lịch sử của dân Do Thái. Ngũ Kinh, tức là Lề Luật, là một hành động hào phóng của Thiên Chúa đối với dân của Ngài. Sau việc tuyển chọn Abraham là một hành động cao cả khác Ngài tỏ ra đó là Lề Luật, ở chỗ chỉ cho dân Ngài con đường phải theo. Thật sự là nó có những phận vụ rào chắn, nhưng đồng thời nó lại bảo vệ dân của Ngài, nó đã giáo huấn họ, no đã kỷ cương họ và đã nâng đỡ họ nơi tình trạng yếu kém của họ, nhất là nó đã bảo vệ họ khỏi chiều hướng ngoại giáo; vào thời ấy có rất nhiều thái độ ngoại đạo. Ngũ Kinh dạy rằng: "Chỉ có một Thiên Chúa duy nhất và Ngài đã đưa chúng ta vào con đường của chúng ta". Một hành động thiện hảo của Chúa. Như tôi đã nói, nó thật sự là có những phận vụ rào chắn, nhưng đồng thời nó lại bảo vệ dân của Ngài, nó đã giáo huấn họ, no đã kỷ cương họ và đã nâng đỡ họ nơi tình trạng yếu kém của họ. Đó là lý do tại sao vị Tông đồ này tiếp tục diễn tả câu nói về lứa tuổi non dại. Ngài nói: "Bao lâu người thừa kế còn là thiếu niên thì không khác gì một nô lệ, mặc dù là chủ mọi tài sản. Nó phải ở dưới quyền những người giám hộ và quản lý, cho đến khi mãn hạn người cha đã định. Chúng ta cũng vậy, khi còn là thiếu niên, chúng ta phải làm nô lệ những yếu tố của vũ trụ". (Galata 4:1-3). Nói tóm lại, niềm xác tín của vị Tông đồ này là ở chỗ Lề Luật thật sự đóng một vai trì tích cực - như giám hộ viên kèm giữ người mình coi sóc - thế nhưng nó có một nhiệm vụ giới hạn về thời gian. Nó không thể kéo dài quá xa, vì nó liên hệ tới tầm mức trưởng thành của cá nhân cùng với việc tự do chọn lựa của họ. Khi người ta biết tin tưởng thì Lề Luật mất giá trị kèm giữ của nó và phải nhường bước cho một thẩm quyền khác. Như thế nghĩa là gì? Nghĩa là sau Lề Luật chúng ta có thể nói: "Chúng tôi tin vào Chúa Giêsu Kitô và chúng tôi làm những gì chúng tôi muốn?" Không! Các Giới Răn vẫn còn đó, thế nhưng nó không còn công chính hóa chúng ta. Điều làm cho chúng ta nên công chính đó là Chúa Giêsu Kitô. Các Giới Răn cần phải tuân giữ, thế nhưng chúng không mang lại cho chúng ta sự công chính; đã có những gì là nhưng không của Chúa Giêsu, việc gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô mới hoàn toàn công chính hóa chúng ta. Công trạng của đức tin là lãnh nhận Chúa Giêsu. Chỉ có một công trạng duy nhất đó là cởi mở cõi lòng. Vậy chúng ta phải làm gì với các Giới răn đây? Chúng ta cần phải tuân giữ các Giới răn, nhưng như là một thứ phụ giúp để gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô thôi.
Giáo huấn về giá trị của Lề Luật này là những gì rất quan trọng, và đáng được cẩn thận suy xét để chúng ta khỏi bị hiểu lầm và trở nên sai lệch. Thật là hữu ích khi chúng ta tự vấn xem chúng ta vẫn sống trong giai đoạn chúng ta cần đến Lề Luật, hay trái lại chúng ta hoàn toàn nhận thức được mình đã lãnh nhận ơn được làm con cái của Thiên Chúa hầu sống trong yêu thương. Chúng ta đang sống ra sao? Bằng nỗi sợ hãi là nếu tôi không làm như thế thì tôi sẽ sa hỏa ngục? Hay tôi sống với cả niềm hy vọng, với niềm vui về ơn cứu độ nhưng không nơi Chúa Giêsu Kitô? Đó là một câu hỏi cần. Cả câu thứ hai này nữa: Tôi có coi thường các Giới răn hay chăng? Không. Tôi tuân giữ chúng, nhưng không tuyệt đối, vì tôi biết rằng chính Chúa Giêsu Kitô là Đấng công chính hóa tôi.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết
nhấn mạnh tự ý bằng mầu