GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2021

 

 

ĐTC Phanxicô: Giáo Lý về Thư Galata

Bài 8: Chúng ta là con cái của Thiên Chúa

 

 

Thời của đức tin đã đến

23 Trước khi đức tin đến, chúng ta bị Lề Luật giam giữ, cho tới khi đức tin được mặc khải.24 Như thế Lề Luật đã thành người quản giáo dẫn chúng ta tới Đức Ki-tô, để chúng ta được nên công chính nhờ đức tin.25 Nhưng khi đức tin đến, thì chúng ta không còn ở dưới quyền giám hộ nữa.26 Thật vậy, nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giê-su Ki-tô.27 Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Ki-tô, đều mặc lấy Đức Ki-tô.28 Không còn chuyện phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Ki-tô.29 Mà nếu anh em thuộc về Đức Ki-tô, thì anh em là dòng dõi ông Áp-ra-ham, những người thừa kế theo lời hứa.

 

Xin chào anh chị em,

Chúng ta tiếp tục hành trình đào sâu vào đức tin - đức tin của chúng ta - theo chiều hướng của Thư Thánh Phaolô gửi cho giáo đoàn Galata. Vị Tông đồ này cương quyết khẳng định với thành phần Kitô hữu này, kẻo họ quên mất tính chất mới mẻ nơi mạc khải của Thiên Chúa là những gì đã được loan báo cho họ. Hoàn toàn hợp với thánh ký Gioan (cf 1Jn 3:1-2), Thánh Phaolô nhấn mạnh rằng đức tin nơi Chúa Giêsu Kitô giúp cho chúng ta được trở nên con cái của Thiên Chúa và cũng là thành phần thừa tự của Ngài. Kitô hữu chúng ta thường coi nhẹ thực tại được làm con cái của Thiên Chúa này. Trái lại, cần phải tri ân nhớ đến giây phút chúng ta trở nên như thế, giây phút chúng ta lãnh nhận phép rửa, nhờ đó chúng ta sống đại hồng ân này một cách hết sức ý thức. Nếu tôi được hỏi anh chị em hôm nay rằng "ai trong anh chị em biết chính xác ngày rửa tội của anh chị em?", thì tôi không nghĩ có nhiều bàn tay giơ lên... Thế mà, nó là ngày chúng ta đã được cứu độ, ngày chúng ta đã được trở nên con cái của Thiên Chúa. Vậy những ai không biết được ngày này thì cứ hỏi cha mẹ đỡ đầu, bố mình, mẹ mình, cô dì chú bác: "Con được rửa tội ngày nào nhỉ?" Đó là ngày cần phải được tưởng nhớ hằng năm: nó là ngày chúng ta được làm con Thiên Chúa. Đồng ý chứ? Tất cả anh chị em có làm điều này không? (Cộng đồng đáp lại:) "vâng" (rồi cười). Chúng ta hãy tiến hành nhé.

Thật vậy, một khi "đức tin đã xuất hiện" nơi Chúa Giêsu Kitô (v.25) thì một thân phận mới mẻ tận gốc đã được thiết lập mang lại vai trò con cái thần linh. Vai trò con cái được Thánh Phaolô nói tới đây không còn là một vai trò chung chung bao gồm tất cả mọi con người nam nữ như thể họ là con cái của cùng một Đấng Hóa Công. Không, trong đoạn thư chúng ta vừa nghe, ngài khẳng định rằng đức tin giúp chúng ta có thể trở nên con cái của Thiên Chúa "trong Chúa Kitô" (v.26). Đó là những gì là mới mẻ. Yếu tố "trong Chúa Kitô" này là những gì làm nên tính cách khác biệt. Không phải chỉ là con cái của Thiên Chúa như hết mọi người: hết mọi con người nam nữ đều là con cái của Thiên Chúa, tất cả mọi người, bất kể tôn giáo chúng ta đang theo đuổi. Không. Mà "trong Chúa Kitô" này là những gì làm nên khác biệt đối với Kitô hữu, và điều này chỉ xẩy ra bằng việc thamửự nạn và phục sinh của Người mà Người đã hòa giải chúng ta với Chúa Cha. Bất cứ ai tin tưởng chấp nhận Chúa Kitô, đều "mặc lấy" Chúa Kitô và nhận được phẩm vị làm con cái nhờ phép rửa (v.27). Đó là những gì được nói đến ở câu 27.

Trong các thư của mình, Thánh Phaolô đề cập đến phép rửa nhiều lần. Đối với ngài, việc lãnh nhận phép rửa thì cũng giống như việc được dự phần vào mầu nhiệm của Chúa Giêsu một cách hiệu lực và thực sự. Chẳng hạn, trong Thư gửi Giáo đoàn Roma, ngài còn tiến xa đến độ nói rằng nơi phép rửa chúng ta đã chết với Chúa Kitô và đã được cùng Người mai táng để sống với Người (cf 6:3-14). Chết với Chúa Kitô, cùng được mai táng với Người để sống với Người. Đó là ơn phép rửa: được tham dự vào cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu. Bởi thế, phép rửa không phải là một nghi thức bề ngoài. Những ai lãnh nhận phép rửa này đều được biến đổi sâu xa từ bên trong, nơi thẳm cung của họ, và chiếm được một sự sống mới, một sự sống chính là những gì giúp họ có thể hướng về Thiên Chúa và gọi Người bằng danh xưng "Cha ơi" thức "Ba ơi". "Cha"? Không: "bố" (cf. Gal 4:6).

Vị Tông đồ này khẳng định một cách mãnh liệt rằng cái căn tính đã được lãnh nhận nhờ phép rửa này là những gì hoàn toàn mới mẻ, đến độ nó vượt trên những khác biệt vẫn có nơi cấp độ đạo giáo. Tức là, theo ngài, "không còn Do Thái hay Hy Lạp", ngay cả ở lãnh vực xã hội nữa, "không còn nô lệ hay tự do, không còn nam hay nữ" (Gal 3:28). Chúng ta thường đọc những lời diễn tả này một cách quá mau mà không năm bắt được cái giá trị cách mạng được chất chứa ở đó. Đối với Thánh Phaolô, khi viết cho giáo đoàn Galata rằng trong Chúa Kitô "không còn Do Thái hay Hy Lạp" thì như thể một cuộc lật đổ thực sự nơi phạm trù đạo giáo. 

Căn cứ vào sự kiện thuộc về một dân tộc được tuyển chọn thì dân Do Thái được ưu ái hơn là dân ngoại (cf. Roma 2:17-20). Thánh Phaolô đã khẳng định như vậy (cf Rom 9:4-5). Bởi thế, không lạ gì thứ giáo huấn mới mẻ này của vị Tông đồ nghe như có tính cách lạc giáo. "Mọi người bình đẳng là làm sao? Chúng ta đều khác nhau mà!" Nó nghe như lạc giáo làm sao ấy phải không? Ngay cả thứ bình đẳng thứ hai giữa những ai "tự do" và những ai "nô lệ", đã gây ra một thứ nhãn quan bật ngửa. Tính chất phân biệt giữa những người nô lệ và tự do là những gì sống còn ở thời cổ xưa. Theo luật thì những công dân tự do được hoan hưởng tất cả mọi quyền lợi, trong khi phẩm vị làm người của thành phần nô lệ không được công nhận. 

Điều này cũng đang xẩy ra ngay cả đến hôm nay nữa. Có nhiều người trên thế giới này, nhiều lắm, hàng triệu con người ta không có quyền được ăn, không được giáo dục, không được làm việc. Họ là những tên nô lệ mới. Họ là những con người sống ở bên lề xã hội, họ bị mọi người khai thác. Tình trạng nô lệ thậm chí vẫn còn cho tới nay - chúng ta hãy nghĩ một chút đến điều ấy. Phẩm vị làm người bị chối bỏ nơi những con người ấy. Họ là thành phần nô lệ. Bởi vậy mà cuối cùng thì sự bình đẳng trong Chúa Kitô thắng vượt những khác biệt về xã hội giữa phái tính, khi thiết lập một thứ bình đẳng giữa nam và nữ, một thứ bình đẳng cách mạng vào thời ấy, và là một thứ bình đẳng cần được tái khẳng định cho hôm nay đây. Nó cần phải tái khẳng định thậm chí cả ở ngày hôm nay đây. Biết bao nhêu lần chúng ta nghe thấy những lời bày tỏ bôi nhọ nữ giới! Biết bao nhiêu lần chúng ta đã nghe nói "Nhưng không, đừng đụng đến bất cứ sự gì, đó là chuyện của phụ nữ". Thế nhưng, này, con người nam nữ có cùng một phẩm vị như nhau. Đã từng xẩy ra trong lịch sử, thậm chí còn cho tới ngày nay, có một kiểu nô lệ của nữ giới, đó là chuyện nữ giới không có cùng cơ hội như nam nhân. Chúng ta cần phải đọc những gì Thánh Phaolô nói: chúng ta đều bình đẳng với nhau trong Chúa Giêsu Kitô.

 Như chúng ta có thể thấy, Thánh Phaolô khẳng định mối hiệp nhất sâu xa đang hiện hữu giữa tất cả những ai đã lãnh nhận phép rửa, nơi bất cứ thân phận nào của họ, dù là nam hay nữ - bình đẳng nhau vì hết mọi người đều là một tạo vật mới trong Chúa Kitô. Hết mọi thứ phân biệt đều trở thành phụ thuộc đối với phẩm vị được làm con cái của Thiên Chúa, Đấng vì yêu thương, kiến tạo nên một sự bình đẳng thực sự và thiết yếu. Hết mọi người, nhờ việc cứu chuộc của Chúa Kitô và phép rửa chúng ta đã lãnh nhận, chúng ta tất cả đều bình đẳng, đều là con cái của Thiên Chúa. Bình đẳng.

 Thưa anh chị em, thế nên chúng ta được gọi là một cách tích cực hơn để sống một sự sống mới có cội gốc nơi câu diễn tả sâu xa đó là được làm con cái của Thiên Chúa. Bình đẳng vì chúng ta là con cái của Thiên Chúa; và con cái của Thiên Chúa là vì Chúa Kitô đã cứu chuộc chúng ta và chúng ta đã đạt được phẩm vị này nơi phép rửa. Thật là hệ trọng cho chúng ta ngày nay trong việc tái nhận thức vẻ đẹp được làm con cái của Thiên Chúa, được là anh chị em giữa chúng ta, vì chúng ta được hiệp nhất nên một trong Chúa Kitô, Đấng đã cúu chuộc chúng ta. Những khác biệt và tương phản gây phân rẽ không được hiện diện giữa các tín hữu trong Chúa Kitô. Và một trong các vị tông đồ, Thánh Giacôbê đã viết trong Thư của ngài là: "Hãy coi chừng những khác biệt, vì thật là chuyện không đúng khi có một người bước vào nơi anh em hội họp (tức là Thánh Lễ), tay đeo nhẫn vàng, áo quần lộng lẫy, đồng thời có một người nghèo khó, ăn mặc tồi tàn, cũng bước vào,3 mà anh em kính cẩn nhìn người ăn mặc lộng lẫy và nói: 'Xin mời ông ngồi vào chỗ danh dự này', còn với người nghèo, anh em lại nói: 'Đứng đó!' hoặc: 'Ngồi dưới bệ chân tôi đây!'" (Giacôbê 2:2-3)

Chúng ta tạo nên những thứ khác biệt này, nhiều lần như vậy một cách vô ý thức. Không, chúng ta đều bình đẳng! Hơn thế nữa, ơn gọi của chúng ta là ơn gọi làm cho cụ thể hóa và hiển nhiên hóa lời kêu gọi hiệp nhất toàn thể nhân loại (cf Conc. Ecum. Vat. II, Cost. Lumen gentium, 1). Hết tất cả mọi sự đều làm trầm trọng hóa những khác biệt giữa con người, thường gây ra nạn kỳ thị - tất cả những điều ấy, trước nhan Thiên Chúa, không còn cơ sở nào nữa, nhờ ơn cứu độ nơi Chúa Kitô. Điều quan trọng ở đây đó là đức tin tác động theo đường lối hiệp nhất của Thánh Linh. Và trách nhiệm của chúng ta là trách nhiệm của một hành trình dứt khoát theo con đường bình đẳng, nhưng là một thứ bình đẳng được hỗ trợ, tức là được kiến tạo bởi ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu. Đừng quên khi anh chị em trở về nhà hôm nay, đó là "Tôi đã được rửa tội bao giờ?". Hãy tìm hiểu xem để luôn nhớ đến ngày ấy. Và khi đến ngày ấy thì hãy cử hành mừng nó. Xin cám ơn anh chị em.

 

https://www.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2021/documents/papa-francesco_20210908_udienza-generale.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu