GIÁO HỘI HIỆN THẾ
2021
Trong cuộc hành trình của chúng ta để hiểu hơn nữa về giáo huấn của Thánh Phaolô, hôm nay, chúng ta sẽ gặp phải một đề tài khó nhưng quan trọng, đó là đề tài công chính hóa. Công chính hóa là gì? Chúng ta, thành phần tội nhân, đã được công chính hóa. Ai đã công chính hóa chúng ta? Tiến trình thay đổi này là việc công chính hóa. Chúng ta, trước nhan Thiên Chúa, là kẻ công chính. Đúng thế, chúng ta mắc phải những tội lỗi riêng tư của mình. Thế nhưng, tự căn bản chúng ta là kẻ công chính. Đó là việc công chính hóa. Đề tài này đã được bàn luận đến rất nhiều, để tìm thấy được một lời dẫn giải thích đáng nhất với tư tưởng của vị Tông đồ này, và thường xẩy ra là những cuộc bàn luận ấy thậm chí đi đến những chủ trương khác nhau. Trong Thư Galata, cũng như trong Thư Roma, Thánh Phaolô nhấn mạnh đến sự kiện là việc công chính xuất phát từ đức tin nơi Chúa Kitô. "Thế nhưng, thưa cha, tôi công chính vì tôi tuân giữ tất cả các giới răn!" Đúng vậy, tuy nhiên việc công chính lại không xuất phát từ chỗ đó. Nó có trước đó nữa. Có một đấng nào đó đã công chính hóa bạn, một vị nào đó đã làm cho bạn nên công chính trước nhan Thiên Chúa. "Vâng, nhưng mà tôi là một tội nhân". Phải, bạn được công chính hóa, nhưng vẫn là một tội nhân. Tuy nhiên, căn bản thì bạn là kẻ công chính. Ai đã công chính hóa bạn? Chúa Giêsu Kitô. Đó là sự công chính hóa.
Đâu là những gì kín ẩn ở đằng sau chữ "công chính hóa" thật là quan trọng đối với đức tin này? Không dễ gì có thể có được một định nghĩa thấu đáo, thế nhưng, nếu nắm bắt được tổng thể ý nghĩ của Thánh Phaolô thì có thể nói một cách giản dị rằng công chính hóa là hoa trái của "việc Thiên Chúa tự động xót thương ban ơn tha thứ" (Catechism of the Catholic Church, n. 1990). Đó là Thiên Chúa của chúng ta, Đấng rất thiện hảo, nhân hậu, nhẫn nại, đầy xót thương, Đấng tiếp tục ban ơn tha thứ, liên tục. Ngài thứ tha, và công chính hóa là Thiên Chúa, Đấng trước hết tha thứ cho hết mọi người trong Chúa Kitô. Lòng thương xót của Thiên Chúa ban ơn tha thứ. Thật vậy, Thiên Chúa, bằng cái chết của Chúa Giêsu - chúng ta cần nhấn mạnh đến điều này: nhờ cái chết của Chúa Giêsu - đã hủy diệt tội lỗi và cuối cùng ban cho chúng ta ơn tha thứ và cứu độ của Ngài. Bởi vậy, được công chính hóa, tội nhân được Thiên Chúa đón nhận và được hòa giải với Ngài. Như thể mối liên hệ nguyên thủy giữa Đấng Hóa Công và tạo vật trước tình trạng bất tuân của tội lỗi gây ra đã được phục hồi. Thế nên, việc công chính hóa bởi Thiên Chúa giúp chúng ta có thể lấy lại được tính chất vô tội bị mất đi do tội lỗi. Việc công chính hóa xẩy ra như thế nào đây? Trả lời cho vấn nạn này có nghĩa là khám phá ra một tính chất mới mẻ khác nữa nơi giáo huấn của Thánh Phaolô, đó là việc công chính hóa xuất phát từ ân sủng. Chỉ nhờ ân sủng: tức là chúng ta được công chính hóa hoàn toàn là do ân sủng. "Thế nhưng chẳng lẽ tôi không thể, ai đó không thể, đến với quan tòa và trả cho ông để ông có thể công chính tôi hay sao?" Không. Bạn không thể nào trả cho việc này. Đã có một đấng trả thay cho tất cả chúng ta rồi, đó là Chúa Kitô. Và từ Chúa Kitô, Đấng đã chết cho chúng ta, mới phát sinh ra ân sủng Chúa Cha ban cho hết mọi người: Công chính hóa xuất phát từ ân sủng là vậy.
Vị Tông đồ này luôn nhớ đến cảm nghiệm đã làm thay đổi cuộc đời của ngài: đó là cuộc gặp gỡ của ngài với Chúa Giêsu Phục sinh trên đường Damasco. Chàng Phaolô này đã từng là một con người hãnh diện, đạo đức và nhiệt tình, thâm tín rằng việc công chính ở chỗ thận trọng tuân giữ các chỉ thị của lề luật. Tuy nhiên, bấy giờ ngài đã được Chúa Kitô chế ngự, và đức tin vào Người đã hoàn toàn biến đổi ngài, giúp ngài có thể khám phá ra một sự thật đã từng được dấu kín, đó là chúng ta không trở nên công chính nhờ nỗ lực riêng của chúng ta, không, không phải là chúng ta mà là Chúa Kitô, bằng ân sủng của Người. Đấng làm cho chúng ta nên công chính. Bởi vậy mà chàng Phaolô đã sẵn sàng từ bỏ hết mọi sự trước kia đã từng làm cho chàng sống phong phú, để trọn vẹn nhận biết mầu nhiệm Chúa Giêsu (cf. Ph 3:7), vì chàng đã khám phá ra rằng chỉ duy ân sủng của Thiên Chúa đã cứu chàng. Chúng ta đã được công chính hóa, chúng ta đã được cứu độ, chỉ hoàn toàn nhờ ân sủng, chứ không phải vì công trạng riêng tư gì của chúng ta hết. Và đó là những gì cống hiến cho chúng ta lòng tin tưởng lớn lao. Chúng ta là thành phần tội nhân, đúng vậy; nhưng chúng ta sống cuộc đời của chúng ta bằng ân sủng của Thiên Chúa công chính hóa chúng ta ấy mỗi lần chúng ta xin ơn tha thứ. Tuy nhiên, chúng ta được công chính hóa không phải chỉ có lúc ấy thôi, tức là chúng ta đã được công chính hóa, nhưng Ngài lại đến để tha thứ cho chúng ta nữa.
Đối với vị Tông đồ này, đức tin có một giá trị bao gồm tất cả. Nó chạm đến hết mọi giây phút và hết mọi khía cạnh của đời sống tín hữu: từ phép rửa cho đến khi chúng ta ra khỏi trần gian này, hết mọi sự đều được truyền đạt bởi đức tin vào cái chết và cuộc phục sinh của Chúa Giêsu, Đấng ban ơn cứu độ. Việc công chính hóa bởi đức tin đề cao tính chất nồng cốt của ân sủng được Thiên Chúa, không phân biệt, ban cho những ai tin vào Con Ngài.
Tuy nhiên, chúng ta không được kết luận rằng Luật Moisen đã chẳng còn giá trị gì nữa đối với Thánh Phaolô, nó vẫn là một tặng ân bất khả vãn hồi từ Thiên Chúa. Vị Tông đồ này viết rằng nó là những gì "thánh hảo" (Rm 7:12). Ngay cả đối với đời sống thiêng liêng của chúng ta nữa, việc tuân giữ các giới răn là những gì thiết yếu. Cho dù là thế, chúng ta cũng không thể nào cậy dựa vào các nỗ lực của chúng ta: ân sủng của Thiên Chúa mà chúng ta lãnh nhận nơi Chúa Kitô mới là những gì chính yếu. Ân sủng ấy xuất phát từ tình trạng được công chính hóa do Chúa Kitô là Đấng đã đền thay cho chúng ta ban cho chúng ta. Từ Người, chúng ta nhận được một tình yêu nhưng không, những gì giúp cho chúng ta, về phần mình, có thể yêu mến một cách cụ thể.
Theo chiều hướng ấy, cần nhớ lại giáo huấn của Tông đồ Giacôbê, vị đã viết: "Anh em thấy rằng một người được công chính hóa bởi các việc làm chứ không phải bởi nguyên đức tin". Điều này có vẻ như ngược ngạo làm sao ấy, thế nhưng lại không phải vậy. "Vì như thân thể không có tâm linh là thân thể chết thế nào, thì đức tin không việc làm cũng là đức tin chết như vậy" (Jas. 2:24,26).
Việc công chính hóa, nếu nó không sinh hoa trái bằng các việc làm của chúng ta, thì chỉ bị chôn vùi, bị chết đi. Nó vẫn có đó, nhưng chúng ta cần phải tác động nó bằng các việc làm của chúng ta. Đó là cách thức những lời của Thánh Giacobê bổ túc cho giáo huấn của Thánh Phaolô. Bởi thế, đối với cả 2 vị, việc đáp ứng của đức tin đòi chúng ta chủ động trong tình yêu của chúng ta với Thiên Chúa cũng như với tha nhân. Tại sao lại "chủ động trong tình yêu ấy?" Vì tình yêu ấy đã cứu độ tất cả chúng ta, tình yêu ấy tự động đã công chính hóa chúng ta, một cách nhưng không!
Việc công chính hóa tháp nhập chúng ta vào lịch sử lâu dài của một ơn cứu độ cho thấy sự công chính của Thiên Chúa, ở chỗ, trước những sa ngã và thiếu sót liên tục của chúng ta, Ngài đã không buông bỏ, nhưng Ngài lại muốn làm cho chúng ta nên công chính, và Ngài làm như thế bằng ân sủng, bằng tặng ân của Chúa Giêsu Kitô, của cuộc tử nạn và phục sinh của Người. Đôi khi tôi đã nói Thiên Chúa tác hành ra sao, kiểu cách của Thiên Chúa là gì. Và tôi đã sử dụng 3 chữ như thế này: kiểu cách của Thiên Chúa là gần gũi, cảm thương và dịu dàng. Ngài luôn đến gần với chúng ta, tỏ lòng cảm thương và êm ái dịu dàng. Việc công chính hóa chính là việc gần gũi cả thể nhất của Thiên Chúa đối với chúng ta, những con người nam nữ, chính là lòng cảm thương cao cả nhất của Thiên Chúa đối với chúng ta là những con người nam nữ, chính là những gì êm ái dịu dàng nhất của Chúa Cha. Việc công chính hóa là tặng ân ấy của Chúa Kitô, của cái chết cùng phục sinh của Chúa Kitô giải thoát chúng ta. "Thế nhưng, thưa cha, con là một tội nhân... con đã trộm cắp..." Phải, đúng vậy. Thế nhưng, theo nguyên tắc thì bạn là kẻ công chính. Hãy để cho Chúa Kitô gây tác động đến sự công chính đó. Tự căn bản thì chúng ta không bị kết án, không, chúng ta là kẻ công chính. Cho phép tôi nói rằng chúng ta là những vị thánh. Tuy nhiên, sau đó, bằng các hành động của mình, chúng ta trở thành những tội nhân. Thế nhưng, tự căn bản thì chúng ta là những vị thánh, ở chỗ, chúng ta hãy để cho ẩn sủng của Chúa Kitô tác động, và sự công chính này, sự công chính hóa ấy sẽ cống hiến cho chúng ta sức mạnh đến tiến bộ. Vậy, ánh sáng đức tin giúp chúng ta có thể nhận biết lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa ra sao, ân sủng của Ngài hoạt động cho thiện ích của chúng ta. Tuy nhiên cũng ánh sáng ấy làm cho chúng ta thấy được trách nhiệm đã được ủy thác cho chúng ta trong việc hợp tác với Thiên Chúa vào công cuộc cứu độ của Ngài. Quyền lực này của ân sủng cần phải được kèm theo bởi các việc làm thương xót của chúng ta, thành phần được kêu gọi để sống chứng nhân cho tình yêu diệu vợi biết bao của Thiên Chúa. Chúng ta hãy tiến lên với lòng tin tưởng này, tức là tất cả chúng ta đã được công chính hóa, chúng ta được công chính trong Chúa Kitô. Chúng ta cần phải làm cho sự công chính ấy tác hiệu bằng các việc làm của chúng ta. Xin cám ơn anh chị em.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết
nhấn mạnh tự ý bằng mầu