GIÁO HỘI HIỆN THẾ
2021
Vào Chúa Nhật Thứ III Phục Sinh này, chúng ta trở về Jerusalem, vào nhà Tiệc Ly, theo hai môn đệ Emmau, những người đã hết sức cảm kích khi lắng nghe những lời của Chúa Giêsu trên đường đi, sau đó đã nhận ra Người "nơi việc bẻ bánh" (Luca 24:35). Bấy giờ, ở Nhà Tiệc Ly, Chúa Kitô Phục Sinh tỏ mình ra giữa một nhóm các môn đệ và chào họ rằng: "Bình an cho các con!" (v.36). Nhưng họ run sợ và nghĩ "rằng họ đã thấy ma" (v.37), như Phúc Âm thuật lại. Đoạn Chúa Giêsu cho họ thấy các thương tích nơi thân thể của Người mà nói: "Hãy xem chân thay của Thày đây" - tức là các vết thương - "chính Thày đây; hãy sờ mà xem" (v.39). Rồi để thuyết phục họ, Người hỏi họ bánh ăn và ăn ngay trước con những con mắt ngỡ ngàng của họ (cf.vv.41-42).
Ở đây có 2 chi tiết trong đoạn trình thuật này. Phúc Âm thuật rằng các Tông Đồ "họ vẫn chưa tin vì vui mừng". Niềm vui của họ hớn hở đến độ họ không thể nào tin rằng thật sự là như thế. Và chi tiết thứ hai: họ đã tỏ ra ngỡ ngàng bối rối; ngỡ ngàng vì việc gặp gỡ Thiên Chúa bao giờ cũng khiến anh chị em cảm thấy ngỡ ngàng: nó còn hơn là hớn hở, hơn là hân hoan nữa; nó là một thứ cảm nghiệm khác. Họ đã hân hoan, nhưng lại là một niềm vui làm cho họ nghĩ rằng: không, thực sự không thể nào!... Đó là nỗi ngỡ ngàng trước sự hiện diện của Thiên Chúa. Đừng quên tâm trạng này, một tâm trạng tuyệt vời.
Có ba động từ làm nên đoạn Phúc Âm này. Ở một nghĩa nào đó, chúng phản ảnh đời sống cá nhân và cộng đồng của chúng ta, đó là nhìn xem, sờ chạm và nuôi ăn. Ba tác động có thể cống hiến niềm vui từ cuộc thực sự gặp gỡ Chúa Giêsu sống động.
Nhìn xem. "Các con hãy nhìn xem chân tay của Thày đây", Chúa Giêsu phán như thế. Hãy nhìn xem chẳng những là nhìn mà còn hơn thế nữa; nó cũng bao gồm cả việc chăm chú, cả ý muốn. Vì thế nó là một trong những động từ của tình yêu. Một người mẹ và người cha nhìn xem con cái của mình; những cặp tình nhân ngắm xem nhau; một vị lương y cẩn thận xem xét bệnh nhân... Tác động nhìn xem là bước đầu tiên phản lại với thái độ dửng dưng lạnh lùng, ngược lại với khuynh hướng nhìn đi chỗ khác trước các nỗi khốn khó và đau thương của kẻ khác. Hãy nhìn xem. Vậy thì tôi đang nhìn hay đang nhìn xem Chúa Giêsu?
Động từ thứ hai là sờ chạm. Bằng việc mời gọi các môn đệ sờ chạm đến mình, để chứng thực rằng Người không phải là ma - hãy sờ chạm đến Thày! - Chúa Giêsu muốn nói với họ và với chúng ta rằng mối liên hệ với Người và với anh chị em chúng ta không thể nào lại cứ "giãn cách". Kitô giáo không hiện hữu xa cách; Kitô giáo không hiện hữu chỉ ở tầm mức nhìn xem. Tình yêu đòi phải nhìn xem và cũng đòi hỏi cận kề gần gũi nữa; nó cần giao tiếp, cần chia sẻ đời sống. Người Samaritano Nhân Lành không chỉ nhìn xem con người nửa sống nửa chết được thấy trên đường: Người Samaritanô Nhân Lành đã dừng lại, đã cúi xuống, đã chữa trị các thương tích, đã động chạm đến con người ấy, đã nâng người ấy lên ngựa của mình và đem người ấy đến quán trọ. Chính Chúa Giêsu đã làm y như thế: yêu mến Người nghĩa là tham phần vào mối hiệp thông sự sống, mối hiệp thông với Người.
Vậy chúng ta sang động từ thứ ba, đó là nuôi ăn, một động từ diễn tả rõ ràng nhân tính của chúng ta nơi tình trạng bần cùng tự nhiên nhất của nó, tức là, nhu cầu nuôi sống chính bản thân chúng ta để sống còn. Thế nhưng việc nuôi ăn, khi chúng ta thực hiện với nhau, trong gia đình hay giữa bạn bè, cũng thể hiện tình yêu thương nữa, một thể hiện của mối hiệp thông, của mừng vui... Phúc âm rất thường cho chúng ta thấy Chúa Giêsu là Đấng trải nghiệm được chiều kích yến tiệc này! Với các môn đệ, ngay cả khi Người sống lại. Đến độ, Bữa Tiệc Thánh Thể đã trở thành dấu chỉ biểu hiệu của cộng đồng Kitô hữu. Cùng nhau ăn Thân Mình Chúa Kitô: đó là cốt lõi của đời sống Kitô giáo.
Anh chị em thân mến, đoạn Phúc Âm này nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu không phải là "ma", mà là một Con Người sống động; rằng khi Chúa Giêsu cận kề gần gũi với chúng ta thì Người làm cho chúng ta tràn đầy niềm vui, đến độ ngờ vực, và Người khiến chúng ta cảm thấy bối rối, bằng tâm trạng ngỡ ngàng chỉ có ở nơi sự hiện diện của Thiên Chúa thôi, vì Chúa Giêsu là một Con Người sống động.
Là Kitô hữu trước hết không phải là một thứ tín lý hay là một lý tưởng về luân lý; mà là một mối liên hệ sống động với Người, với Vị Chúa Phục Sinh: chúng ta nhìn xem Người, chúng ta sờ chạm Người, chúng ta được Người nuôi dưỡng và được Người biến đổi bằng tình yêu thương của Người, chúng ta nhìn xem, sờ chạm và nuôi dưỡng những người khác như là những người anh chị em. Xin Trinh Nữ Maria giúp chúng ta sống cảm nghiệm ân sủng này.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết
nhấn mạnh tự ý bằng mầu