GIÁO HỘI HIỆN THẾ
2021
ĐTC Phanxicô: Huấn Từ Lạy Nữ Vương Chúa Nhật VI Phục Sinh Năm B
Xin chào anh chị em thân mến,
Trong đoạn Phúc Âm của Chúa Nhật này (Jn 15:9-17), sau khi so sánh mình với cây nho và chúng ta với cành nho, Chúa Giêsu giải thích đâu là hoa trái xuất phát từ những ai liên kết với Người: hoa trái này là tình yêu. Một lần nữa Người lập lại động từ then chốt: lưu ngụ. Người mời gọi chúng ta hãy ở lại trong tình yêu của Người, để niềm vui của Người ở trong chúng ta làm cho niềm vui của chúng ta được trọn vẹn (vv.9-11). Ở lại trong tình yêu của Chúa Giêsu.
Chúng ta tự hỏi tình yêu này là gì mà Chúa Giêsu nói với chúng ta hãy ở trong thì có được niềm vui của Người? Đó là tình yêu bắt nguồn ở Chúa Cha, vì "Thiên Chúa là tình yêu" (1Jn 4:8). Tình yêu này của Thiên Chúa, của Chúa Cha, tuôn chảy như một giòng sông nơi Người Con Giêsu của Ngài, và qua Người đến với chúng ta là thành phần tạo vật của Ngài. Thật vậy, Người phán: "Như Cha Thày đã yêu Thày thế nào thì Thày cũng đã yêu thương các con như vậy" (15:9). Tình yêu Chúa Giêsu cống hiến cho chúng ta là chính tình yêu Chúa Cha yêu mến Người: tình yêu tinh tuyền, vô điều kiện, tình yêu cho không. Không thể nào mua được nó, hoàn toàn miễn phí. Bằng việc trao tặng tình yêu này cho chúng ta, Chúa Giêsu đối xử với chúng ta như là các người bạn - với tình yêu này -, làm cho chúng ta nhận biết Cha, và Người bao gồm chúng ta trong cùng sứ vụ của Người cho thế gian này được sự sống.
Bởi thế, chúng ta có thể tự đặt vấn đề là vậy thì làm thế nào chúng ta ở trong tình yêu ấy? Chúa Giêsu phán: "Nếu các con tuân giữ các lệnh truyền của Thày, các con sẽ ở lại trong tình yêu của Thày" (v.10). Chúa Giêsu đã tóm gọn các lệnh truyền của Người lại thành một lệnh truyền duy nhất, đó là "các con hãy yêu thương nhau như Thày đã yêu thương các con" (câu 12). Để yêu thương như Chúa Giêsu nghĩa là dấn thân phục vụ, phục vụ anh chị em của mình, như Người đã rửa chân cho các môn đệ. Nó còn có nghĩa là ra khỏi chính mình, tách mình khỏi những thứ tin tưởng loài người chúng ta, khỏi những thoải mái dễ chịu trần thế, để hướng bản thân mình về người khác, nhất là những ai cần thiết hơn. Nghĩa là làm cho mình trở nên thuận lợi, như chúng ta là và bằng những gì chúng ta có. Nghĩa là yêu thương không bằng lời nói mà bằng việc làm.
Yêu thương như Chúa Giêsu nghĩa là 'tẩy chay' những 'thứ tình yêu khác' được thế gian cống hiến cho chúng ta: yêu thích tiền bạc - những ai yêu tiền bạc không yêu thương như Chúa Giêsu yêu thương - yêu thích thành công, phù du, quyền lực... Những đường lối lừa đảo "yêu thích" này tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Chúa, và khiến chúng ta càng trở nên vị kỷ, càng tự ái, càng hống hách. Thái độ hống hách dẫn chúng ta tới một thứ thoái hóa yêu thương, đến chỗ lạm dụng người khác, gây đau khổ cho những người thân yêu của chúng ta. Tôi nghĩa đến thứ tình yêu thiếu lành mạnh biến thành bạo lực - và biết bao nhiêu phụ nữ trở thành nạn nhân của bạo lực trong những ngày này. Đó không phải là tình yêu. Tình yêu như Chúa yêu thương chúng ta nghĩa là trân trọng con người ở bên cạnh chúng ta, là tôn trọng quyền tự do của họ, là yêu thương họ như họ là, chứ không phải như chúng ta muồn họ là, yêu một cách nhưng không. Nói cho cùng thì Chúa Giêsu muốn chúng ta ở lại trong tình yêu của Người, lưu ngụ trong tình yêu của Người, chứ không phải là các ý nghĩ của chúng ta, chứ không phải là việc tôn sùng bản thân chúng ta. Những ai ở trong việc tôn sùng bản thân mình là sống trong cái gương soi, ở chỗ, ngắm nghía mình. Những ai thắng vượt được tham vọng kiểm soát và điều khiển kẻ khác. Không không chế mà là phục vụ họ. Mở lòng chúng ta ra cho người khác, đó là yêu thương, là hiến mình cho người khác.
Anh chị em thân mến, việc ở lại trong tình yêu của Chúa dẫn chúng ta đến đâu? Đâu là nơi việc ấy dẫn chúng ta tới? Chúa Giêsu đã nói với chúng ta rằng: "Để niềm vui của Thày ở trong các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn" (v.11). Chúa muốn niềm vui Người có, vì Người hoàn toàn hiệp thông với Chúa Cha, ở trong chúng ta cho đến độ chúng ta được liên kết với Người. Niềm vui nhận biết chúng ta được Thiên Chúa yêu thương, bất chấp những bất trung của chúng ta ấy, giúp chúng ta có thể tin tưởng đương đầu với các thử thách cuộc đời, làm cho chúng ta sống qua những cuộc khủng hoảng để thoát khỏi chúng một cách tốt đẹp hơn. Những việc làm chứng đích thật của chúng ta là ở chỗ sống trong niềm vui này, vì niềm vui là dấu hiệu đặc thù của một Kitô hữu chân thực. Thành phần Kitô hữu đích thật thì không u buồn; họ luôn có được niềm vui ấy trong lòng, ngay cả trong những lúc khó khăn.
Xin Trinh Nữ Maria giúp chúng ta ở lại trong tình yêu của Chúa Giêsu và lớn lên trong tình yêu với hết mọi người, làm chứng cho niềm vui của Vị Chúa Phục Sinh.
(Sau Kinh Lạy Nữ Vương:)
Chúng ta không thể quên được các người mẹ! Chúa Nhật này, ở nhiều quốc gia mừng Ngày Hiền Mẫu. Chúng ta hãy chào mừng tất cả các người mẹ trên thế giới, kể cả những người mẹ không còn ở với chúng ta nữa. Hãy tặng cho các người mẹ một tràng pháo tay!
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết
nhấn mạnh tự ý bằng mầu