GIÁO HỘI HIỆN THẾ
2021
ĐTC Phanxicô: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật II Giáng Sinh
(Tòa Thánh mừng Lễ Hiển Linh vào đúng ngày 6/1 hằng năm, thời điểm ngài sẽ ban huấn từ truyền tin về Hiển Linh sau)
Xin chào anh chị em thân mến,
Vào Chúa Nhật thứ hai sau Lễ Giáng Sinh này, Lời Chúa không cống hiến cho chúng ta một đoạn đời nào của Chúa Giêsu, mà là về Người trước khi Người được hạ sinh. Lời Chúa đưa chúng ta trở lại với mạc khải về Chúa Giêsu trước khi Người đến ở giữa chúng ta. Điều này đặc biệt xẩy ra nơi phần dẫn nhập của Phúc Âm Thánh Gioan, với câu mở đầu là: "Từ ban đầu đã có Ngôi Lời" (Jn 1:1). Từ ban đầu: là những lời đầu tiên của Thánh Kinh, cũng là những lời mở đầu cho trình thuật tạo dựng: "Từ ban đầu Thiên Chúa đã dựng nên trời và đất" (Gen 1:1). Hôm nay, Phúc Âm nói rằng Chúa Giêsu, Đấng chúng ta đã chiêm ngưỡng nơi biến cố Người Giáng Sinh, là một hài nhi, đã hiện hữu từ trước rồi: trước khi các sự có, trước khi có vũ trụ, trước khi hết mọi sự có. Người đã hiện hữu trước không gian và thời gian: "Nơi Người là sự sống" (Jn 1:4), trước khi sự sống xuất hiện.
Thánh Gioan gọi Người là Logos, tức là Lời. Như vậy thì Người nghĩa là gì? Lời được sử dụng để thông đạt: người ta không nói năng một mình, mà là nói với ai đó. Người ta luôn nói với ai đó. Khi chúng ta ở ngoài đường và chúng ta thấy dân chúng nói chuyện với nhau thì chúng ta nói rằng "Người ấy, có chuyện gì đó đã xẩy ra cho họ..." Không, chúng ta luôn nói với ai đó. Vậy, sự kiện Chúa Giêsu là Lời ngay từ ban đầu có nghĩa là từ ban đầu Thiên Chúa đã muốn thông đạt với chúng ta rồi, Ngài muốn nói với chúng ta. Người Con duy nhất của Chúa Cha (v.14) muốn nói với chúng ta vể vẻ đẹp được làm con cái của Thiên Chúa; Người là "ánh sáng thật" (v.9), và muốn đánh tan bóng tối sự dữ khỏi chúng ta; Người là "sự sống" (v.4), Đấng biết về đời sống của chúng ta, và muốn nói với chúng ta rằng Người đã luôn yêu thương cuộc đời ấy. Người yêu thương tất cả chúng ta. Đó là sứ điệp tuyệt vời cho ngày hôm nay: Chúa Giêsu là Lời của thiên Chúa, Lời hằng hữu của Thiên Chúa, Đấng luôn nghĩ về chúng ta và muốn thông đạt với chúng ta.
Để làm như thế, Ngài đã vượt ra khỏi cả ngôn từ. Thật vậy, ở tâm điểm của bài Phúc Âm hôm nay chúng ta được nói cho biết rằng: "Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta" (v.14). Lời đã hóa thành nhục thể: Tại sao Thánh Gioan đã sử dụng lời diễn tả "xác thịt" này? Chẳng lẽ ngài không thể nói một cách trang trọng hơn là Lời đã hóa thân làm người hay sao? Không, ngài sử dụng chữ xác thịt vì chữ này nói lên thân phận của con người với tất cả những gì là hèn yếu của nó, với tất cả những gì là mỏng dòn của nó. Ngài nói với chúng ta rằng Thiên Chúa đã trở nên mềm yếu để Người có thể chạm tới tính chất mềm yếu của chúng ta một cách chặt chẽ hơn. Bởi vậy mà từ lúc Lời đã hóa thành nhục thể thì chẳng có gì về đời sống của chúng ta mà lại còn xa lạ với Người nữa. Chẳng có gì bị Người khinh thường, chúng ta có thể chia sẻ hết mọi sự với Người, tất cả mọi sự. Anh chị em thân mến, Thiên Chúa đã hóa thành nhục thể để nói với chúng ta, để nói với anh chị em rằng Người yêu thương chúng ta như thế đó, nơi tình trạng mềm yếu của chúng ta, nơi tình trạng mỏng dòn của anh chị em; ngay chỗ đó, ngay ở những gì chúng ta cảm thấy hổ thẹn nhất, ngay ở những gì anh chị em cảm thấy xấu hổ nhất. Đó là những gì táo bạo, quyết định của Thiên Chúa thật là táo bạo: Người đã mặc lấy xác thịt là chính những gì chúng ta thường cảm thấy hổ ngươi: Ngài đã thông cảm với tâm trạng hổ thẹn của chúng ta, đã trở nên người anh của chúng ta, đã đồng hành với cuộc sống của chúng ta.
Người đã hóa thành nhục thể và không bao giờ thay đổi. Người đã không mặc lấy nhân tính của chúng ta như một tấm áo có thể mặc vào và cởi ra. Không, Người không bao giờ tách mình khỏi xác thịt của chúng ta. Người sẽ không bao giờ bị tách lìa khỏi nó: hiện nay và muôn đời Người ở trên trời với thân thể của Người đã được làm nên bởi xác thịt của con người. Người muôn đời liên kết bản thân mình với nhân tính của chúng ta; chúng ta có thể nói rằng Người "đã kết hôn" bản thân mình với nhân tính. Tôi thích nghĩ rằng khi Chúa cầu cùng Chúa Cha cho chúng ta, thì Người không chỉ nói thôi: Người làm cho Cha thấy những thương tích nơi xác thịt của Người nữa, Người làm cho Cha thấy các vết thương Người đã chịu vì chúng ta. Đó là Chúa Giêsu: với xác thịt của mình, Người đóng vai là vị chuyển cầu, Người thậm chí muốn có thêm cả những dấu vết đau thương nữa. Chúa Giêsu ở trước Chúa Cha bằng xác thịt của Người. Thật vậy, Phúc Âm nói rằng Người đã đến cư ngụ giữa chúng ta. Người không đến để viếng thăm chúng ta thôi, rồi đi; Người đến để cư ngụ với chúng ta, để ở với chúng ta. Vậy thì Người muốn gì nơi chúng ta đây? Người muốn có được một tình trạng thân mật sâu xa. Người muốn chúng ta chia sẻ với Người niềm vui nỗi khổ của chúng ta, các ước muốn cùng với các nỗi sợ hãi của chúng ta, các niềm hy vọng và sầu thương của chúng ta, con người cùng với các thứ hoàn cảnh của mình. Chúng ta hãy tin tưởng mà làm điều ấy: chúng ta hãy mở lòng mình ra cho Người, chúng ta hãy nói với Người hết tất cả mọi sự. Chúng ta hãy âm thầm lắng đọng trước máng cỏ để thưởng thức những gì là mềm mại dịu dàng của Thiên Chúa, đã trở nên gần gũi, đã hóa thành nhục thể. Chúng ta hãy dạn dĩ mời Người đến giữa chúng ta, đến với nhà của chúng ta, đến với gia đình của chúng ta. Cả những gì, mà hết mọi người đều biết rõ nữa, đó là chúng ta hãy mời Người đến với những gì là yếu hèn của chúng ta. Chúng ta hãy mời Người, để Người có thể thấy được những thương tích của chúng ta. Ngài sẽ đến và đời sống của chúng ta sẽ được đổi thay.
Xin Thánh Mẫu của Thiên Chúa, nơi Mẹ Lời đã hóa thành nhục thể, giúp chúng ta biết đón nhận Chúa Giêsu, Đấng gõ cửa lòng của chúng ta để đến cư ngụ với chúng ta.
(Sau Kinh Truyền Tin, ĐTC nói tiếp:)
Anh chị em thân mến,
Tôi xin lập lại cùng tất cả anh chị em những lời chúc tốt đẹp nhất của tôi cho một Năm vừa mới bắt đầu. Là thành phần Kitô hữu, chúng ta có khuynh hướng xa tránh cái tâm thức về định mệnh hay ma thuật; chúng ta biết rằng những gì chúng ta có thể cải tiến là ở chỗ, nhờ ơn Chúa giúp, chúng ta cùng nhau hoạt động cho công ích, đặt trọng tâm vào những người anh chị em yếu kém nhất và bất hạnh nhất. Chúng ta không biết được những gì xẩy ra cho chúng ta trong năm 2021 này, thế nhưng những gì mà mỗi người chúng ta, cũng như tất cả chúng ta cùng nhau, có thể thực hiện đó là chăm sóc cho nhay và cho thiên nhiên tạo vật, cho ngôi nhà chung của chúng ta.
Thật vậy, chúng ta có khuynh hướng chỉ chăm lo cho các thiện ích của mình thôi, khuynh hướng tiếp tục gây chiến, chẳng hạn, chỉ tập trung vào chiều kích kinh tế, sống một cách hưởng thụ, tức là chỉ tìm kiếm những gì thỏa mãn làm chúng ta khoái thú... đó là một chước cám dỗ. Tôi đọc thấy ở một tờ báo làm tôi cảm thấy thật buồn: ở một xứ sở nọ, tôi quên mất ở đâu rồi, có hơn 40 chuyến máy bay cất cánh, giúp cho dân chúng có thể thoát khỏi tình trạng bị phong tỏa cấm cung, mà đi hoan hưởng các ngày lễ. Thế nhưng, những con người ấy, những con người tốt lành ấy, lại không nghĩ đến những ai ở nhà, nghĩ đến vấn đề kinh tế mà nhiều nhười đang phải đương đầu đến tệ hại gây ra bởi tình trạng phong tỏa, về thành phần bệnh nhân? Họ chỉ nghĩ đến việc lấy ngày nghỉ cho những gì là vui thú của họ thôi. Điều này làm cho tôi cảm thấy rất ư là buồn.
Đaminh
Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh
tự ý bằng mầu