GIÁO HỘI HIỆN THẾ
2021
ĐTC Phanxicô: Huấn Từ Truyền Tin
Chúa Nhật III Thường Niên Năm B
ĐTC Phanxicô lại tái phát chứng đau thần kinh tọa, nên đã không thể chủ sự Lễ và Giảng Lễ Cử Hành Chúa Nhật Lời Chúa hôm nay và chủ sự Giờ Kinh Chiều cho biến cố đại kết Kitô giáo, nhưng hai cử hành này vẫn diễn tiến như thường, với những vị thay thế ngài, cùng với các bài giảng ngài đã dọn sẵn.
Xin chào anh chị em thân mến,
Đoạn Phúc Âm của Chúa Nhật tuần này (cf. Mk 1:14-20) cho chúng ta thấy, có thể nói, là "chuyền gậy chỉ huy" từ Thánh Gioan Tẩy Giả sang Chúa Giêsu. Gioan là vị tiền hô của Người, ngài đã dọn chỗ cho Người cùng dọn đường cho Người: giờ đây Chúa Giêsu có thể bắt đầu sứ vụ của người, và loan báo ơn cứu độ bấy giờ đang hiện diện; Người là ơn cứu độ. Việc rao giảng của Người được tóm gọn lại nơi những lời này: "Thời gian đã mãn và Nước Thiên Chúa gần đến; hãy ăn năn hoán cải và tin vào Phúc Âm" (v.15). Thế thôi. Chúa Giêsu đã không sử dụng những từ ngữ nửa vời. Đó là một sứ điệp mời gọi chúng ta hãy suy niệm về hai đề tài thiết yếu đó là thời gian và việc hoán cải.
Trong bản văn này của Thánh ký Marcô, thời gian được hiểu như là sự kéo dài của lịch sử cứu độ được Thiên Chúa thực hiện; bởi thế, thời gian "đã trọn" đây là thời gian tác động cứu độ đã đạt tới tột đỉnh của mình, tới chỗ hoàn toàn hiện thực của nó, ở chỗ đó là giây phút lịch sử Thiên Chúa đã sai Người Con vào trần gian và vương quốc của Ngài trở nên "sát cận" hơn bao giờ hết. Thời gian cứu độ nên trọn vì Chúa Giêsu đã đến. Tuy nhiên, ơn cứu độ không phải là những gì tự động; mà là một tặng ân yêu thương và vì thế được cống hiến cho tự do của con người. Bao giờ cũng thế, khi chúng ta nói đến yêu thương là chúng ta nói đến tự do: một tình yêu không có tự do sẽ không phải là tình yêu; nó có thể là lợi lộc, là sợ hãi, nhiều điều khác, thế nhưng tình yêu bao giờ cũng tự nguyện, cũng là nhưng không và đòi hỏi một tự do đáp ứng, ở chỗ, nó đòi chúng ta phải hoán cải. Nói cách khác, nó là vấn đề thay đổi tâm thức - đó là việc hoán cải, là thay đổi tâm thức - cũng như thay đổi cuộc đời, ở chỗ, không còn theo các thứ kiểu cách thế gian, mà là của Thiên Chúa, là Chúa Giêsu, là theo Chúa Giêsu, như Chúa Giêsu đã làm và như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. Đó là một thay đổi quyết liệt về nhãn quan và thái độ.
Thật vậy, tội lỗi, nhất là thứ tội tục hóa là thứ tội giống như không khí, nó thấm nhập vào hết mọi sự, đã dẫn tới một thứ tâm thức có khuynh hướng bám lấy bản thân mình, chống lại người khác cũng như chống lại Thiên Chúa. Đó là những gì kỳ lạ... Đâu là căn tính của anh chị em? Nhiều lần chúng ta nghe thấy rằng căn tính của chúng ta được thể hiện liên quan đến những gì là "đối nghịch". Khó mà bày tỏ căn tính của con người ta theo tinh thần thế gian một cách tích cực và cứu độ được lắm, ở chỗ, nó đối nghịch với bản thân, đối nghịch với người khác và đối nghịch với Thiên Chúa. Bởi vậy mà nó không ngần ngại - thứ tâm thức tội lỗi, tâm thức thế gian - sử dụng những gì là lừa đảo và bạo động. Lừa đảo và bạo động. Chúng ta hãy xem những gì xẩy ra với lừa đảo và bạo động nhé: nào là tham lam, muốn quyền lực hơn là phục vụ, nào là chiến tranh, là khai thác dân chúng... Đó là tâm thức lừa đảo thật sự xuất phát từ nơi cha đẻ của lừa đảo, là tên đại gian ác, là ma quỉ. Hắn là cha đẻ của những gì là gian dối, như Chúa Giêsu đã điểm mặt hắn.
Sứ điệp của Chúa Giêsu ngược lại với tất cả những điều ấy. Đấng mời gọi chúng ta nhận biết bản thân mình cần đến Thiên Chúa và ân sủng của Ngài; cần có một thái độ quân bình đối với các sự thiện trần gian; cần đón nhận và khiêm hạ đối với tất cả mọi người; cần nhận thức và hiện thực bản thân mình nơi việc gặp gỡ cùng phục vụ người khác. Đối với mỗi người chúng ta, thời gian để có thể chấp nhận ơn cứu độ thì ngắn ngủi: nó là tình trạng kéo dài của cuộc đời chúng ta trên thế gian này. Nó ngắn ngủi thôi. Có lẽ nó dường như dài...Tôi nhớ lại là có lần tôi đã đi ban các phép Bí Tích, làm Phép Xức Dầu cho một bệnh nhân rất tốt lành, một người già rất tốt lành, và vào lúc bấy giờ, trước khi rước Thánh Thể và được Xức Dầu, ông ta đã nói với tôi câu này: "Đời tôi đã vụt bay", như thể ông ta nói rằng tôi cứ nghĩ rằng nó vĩnh cửu chứ, thế nhưng... "đời tôi đã vụt bay". Đó là cách thức chúng ta, cách thức con người già ấy, cảm thấy đời mình qua đi. Ông ta đã khuất mất rồi.
Lịch sử của cuộc đời chúng ta có hai nhịp sống: một nhịp có thể đo đếm được, được làm nên bởi ngày giờ năm tháng; còn nhịp khác được làm nên bởi những mùa thời gian phát triển của chúng ta như vào đời, thơ ấu, thanh xuân, trưởng thành, lão thành, chết chóc. Mỗi thời, mỗi giai đoạn đều có giá trị riêng của nó, và có thể là một giây phút đặc biệt được gặp gỡ Chúa. Đức tin giúp chúng ta khám phá ra ý nghĩa thiêng liêng của những thời đoạn này: mỗi một thời đoạn này đều chất chứa một tiếng gọi đặc biệt của Chúa, mà chúng ta có thế đáp ứng một cách tích cực hay tiêu cực. Trong bài Phúc Âm, chúng ta thấy cách thức chàng Simon, Anrê, Giacôbê và Gioan đã đáp ứng, ở chỗ, họ là những con người trưởng thành, họ đã có công ăn việc làm của những con người đánh cá, họ đã có gia đình... Tuy nhiên, khi Chúa Giêsu đi ngang qua và kêu gọi họ, "họ lập tức bỏ lưới cá mà theo Người" (Mk 1:18).
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy chuyên chú, đừng để Chúa Giêsu băng ngang qua chúng ta mà không đón nhận Người. Thánh Âu Quốc Tinh thường nói: "Con sợ Thiên Chúa khi Ngài băng ngang qua". Sợ cái gì? Không phải là sợ không nhận ra, không trông thấy mà là không đón nhận.
Xin Trinh Nữ Maria giúp cho chúng ta biết sống hết mọi ngày, hết mọi giây phút như là thời gian cứu độ, thời gian Chúa băng ngang qua và kêu gọi chúng ta theo Người, từng người theo cuộc đời của mình. Và giúp chúng ta biết hoán cải từ tâm thức trần gian, tâm thức của những gì là mơ tưởng như thể các thứ pháo bông, sang tâm thức của yêu thương và phục vụ.
(Sau Kinh Truyền Tin, ĐTC nói tiếp:)
Anh chị em thân mến,
Chúa Nhật hôm nay được giành cho Lời Chúa. Một trong những tặng ân cao cả của thời đại chúng ta đó là việc tái nhận thức được Thánh Kinh trong đời sống của Giáo Hội ở tất cả mọi cấp độ. Chưa từng có chuyện Thánh Kinh có thể tiếp cận với tất cả mọi người, bằng tất cả mọi thứ ngôn ngữ, và giờ đây lại còn bằng những hình thức thính thị và phương tiện số nữa. Thánh Giêrônimô, vị thánh kỷ niệm 1600 năm qua đời tôi nhắc nhở gần đây, nói rằng ai không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô (cf. In Isaiam Prol.). Ngược lại, Chúa Giêsu, Lời đã hóa thành nhục thể, đã chết đi và đã sống lại, là Đấng mở trí khôn của chúng ta ra để chúng ta hiểu được Thánh Kinh (cf Lk 24:45). Điều này xẩy ra đặc biệt ở nơi Phụng Vụ, thế nhưng còn cả ở những lúc chúng ta cầu nguyện một mình hay trong nhóm, nhất là bằng Phúc Âm cùng với các Thánh Vịnh. Tôi xin cám ơn và phấn khích các giáo xứ về việc dấn thân liên tục cho việc giáo dục lắng nghe Lời Chúa. Chớ gì chúng ta đừng bao giờ thiếu mất niềm vui gieo rắc Phúc Âm! Tôi xin được lập lại là chúng ta nên có thói quen, một thói quen lúc nào cũng mang theo một cuốn Phúc Âm nhỏ trong túi, trong xách tay, để có thể đọc trong ngày, ít là 3-4 câu. Phúc Âm phải luôn ở với chúng ta.
Chiều ngày mai, ở Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoài Thành, chúng ta sẽ cử hành Giờ Kinh Chiều Lễ Thánh Phaolô Trở Lại, để kết thúc Tuần Lễ Cầu Nguyện cho Mối Hiệp Nhất Kitô Giáo, cùng với các vị đại diện các Giáo Hội khác và các Cộng Đồng Giáo Hội. Tôi mời gọi anh chị em hãy liên kết một cách thiêng liêng vào lời cầu nguyện của chúng ta.
Hôm nay cũng là lễ nhớ Thánh Phanxicô Salêsiô, vị thánh quan thày của các phóng viên báo chí. Hôm qua, Sứ Điệp cho Ngày Truyền Thông Thế Giới đã được ban hành, với nhan đề "Hãy đến mà xem. Truyền thông bằng việc gặp gỡ dân chúng ở nơi chốn và cách thức của họ". Tôi tha thiết xin tất cả thành phần phóng viên báo chí và các nhà truyền thông "hãy đến mà xem", ngay cả nơi mà không ai muốn đến, và làm chứng cho chân lý.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết
nhấn mạnh tự ý bằng mầu