GIÁO HỘI HIỆN THẾ
2021
ĐTC Phanxicô - Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật V Mùa Chay Năm B
Xin chào anh chị em thân mến,
Vào Chúa Nhật Thứ 5 Mùa Chay này, phụng vụ công bố bài Phúc Âm được Thánh Gioan nói đến một tình tiết xẩy ra vào những ngày cuối đời của Chúa Kitô, trước cuộc Khổ Nạn không bao lâu (cf. Jn 12:20-33). Trong khi Chúa Giêsu đang ở Giêrusalem vào dịp Lễ Vượt Qua thì có mấy người Hy Lạp, tò mò về những gì Người đã làm, đã ngỏ ý muốn gặp Người. Họ đến tìm tông đồ Philiphê mà nói cùng ngài rằng: "Chúng tôi muốn gặp Chúa Giêsu" (v.21). "Chúng tôi muốn gặp Chúa Kitô". Chúng ta hãy nhớ lấy điều này: ""Chúng tôi muốn gặp Chúa Giêsu", Philiphê nói với Anrê, rồi cả hai cùng nhau đến trình cùng Thày của mình. Nơi lời yêu cầu này của những người Hy Lạp ấy, chúng ta có thể thoáng thấy lời yêu cầu của nhiều con người nam nữ, ở hết mọi nơi và mọi thời, đặt ra cho Giáo Hội cũng như cho từng người chúng ta rằng: "Chúng tôi muốn gặp Chúa Kitô".
Vậy Chúa Giêsu đã đáp lại lời yêu cầu này ra sao? Bằng cách làm cho chúng ta phải suy nghĩ. Người phán: "Đã đến giờ Con Người được hiển vinh... Hạt lúa miến rơi xuống đất mà không mục nát đi thì nó vẫn chỉ là một cái hạt vậy thôi; nó có bị mục nát đi thì mới sinh nhiều hoa trái" (vv.23-24). Những lời này dường như chẳng có đáp lại lời yêu cầu của các người Hy Lạp. Thật ra, những lời ấy còn vượt trên lời yêu cầu ấy nữa. Thật vậy, Chúa Giêsu muốn tỏ ra rằng đối với hết mọi con người nam nữ muốn gặp Người, Người là hạt giống kín đáo sẵn sàng mục nát đi để sinh nhiều hoa trái. Người như thể nói rằng: nếu quí vị muốn biết Tôi, nếu quí vị muốn hiểu Tôi, thì hãy nhìn vào hạt lúa miến đang chết đi trong lòng đầt, tức là hãy nhìn vào thập tự giá.
Chúng ta nghĩ đến dấu Thánh Giá, một dấu Thánh Giá mà qua các thế kỷ đã trở thành biểu hiệu trên hết của Kitô hữu. Ngay cả ngày nay, những ai muốn "gặp Chúa Giêsu", có thể từ các xứ sở và các nền văn hóa Kitô giáo không được biết tới cho lắm, thì họ gặp cái gì đầu tiên? Dấu hiệu phổ thông nhất họ gặp là gì? Tượng Chuộc Tội, Cây Thánh Giá. Ở các ngôi nhà thờ, ở tại các ngôi nhà của Kitô hữu, thậm chí được đeo trên người của họ. Điều quan trọng ở đây là dấu hiệu này cần phải hợp với Phúc Âm, đó là thập giá chỉ có thể biểu hiệu lòng yêu thương, việc phục vụ, không ngần ngại ban tặng bản thân mình: Chỉ như thế thập giá mới thực sự là "cây sự sống", một sự sống dồi dào sung mãn.
Hôm nay đây nữa, nhiều người, thường không lên tiếng như thế, cũng ngầm muốn "thấy Chúa Giêsu", muốn gặp Người, muốn biết Người. Đó là lý do tại sao chúng ta hiểu được trách nhiệm cao cả của Kitô hữu chúng ta cũng như của cộng đồng chúng ta. Chúng ta cũng cần phải đáp ứng bằng chứng từ của một đời sống dấn thân phục vụ, một cuộc sống phản ảnh kiểu cách của Thiên Chúa - gần gũi, thương cảm và dịu dàng - cùng dấn thân phục vụ. Nghĩa là gieo rắc hạt giống yêu thương, không phải bằng những ngôn từ thoáng qua mà bằng những mẫu gương cụ thể, giản dị và can đảm, không phải bằng những việc lên án về lý thuyết, mà là bằng các cử chỉ yêu thương. Thế rồi, với ơn ban của mình, Chúa làm cho chúng ta sinh hoa trái, ngay cả khi mảnh đất chúng ta gieo hạt giống yêu thương nào đó có khô cằn bởi các thứ hiểu lầm, khó khăn hay bách hại, hoặc bởi những yêu sách duy luật hay bởi thứ lý đoán biên bản. Đó là những mảnh đất cằn cỗi. Chính vì thế mà trong các cơn thử thách và trong tình trạng lẻ loi cô độc, trong lúc hạt giống mục nát đi lại là lúc sự sống bừng nở, trổ sinh trái chín đúng mùa. Chính trong tình trạng đan kết giữa sự chết và sự sống này mà chúng ta mới cảm nghiệm thấy được niềm vui và hoa trái thực sự của tình yêu thương, là những gì bao giờ cũng, tôi xin lập lại, được ban tặng theo kiểu cách của Thiên Chúa đó là gần gũi, cảm thương và êm ái dịu dàng.
Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta theo Chúa Giêsu, bước đi một cách vững vàng và hân hoan trên con đường phục vụ, để tình yêu của Chúa Kitô được chiều tỏa nơi mỗi thái độ của chúng ta và càng ngày càng trở thành lối sống hằng ngày của chúng ta.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết
nhấn mạnh tự ý bằng mầu