GIÁO HỘI HIỆN THẾ
2021
ĐTC Phanxicô: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật V Mùa Thường Niên Năm B
Xin chào anh chị em thân mến,
Một lần nữa lại ở Quảng Trường này. Đoạn Phúc Âm hôm nay (cf Mk 1:29-39) trình thuật về việc Chúa Giêsu chữa lành cho nhạc mẫu của chàng Phêrô cùng nhiều bệnh nhân và khổ nhân khác đang tụ tập chung quanh Người. Việc chữa lành cho nhạc mẫu của chàng Phêrô là việc chữa lành về thể lý đầu tiên được Thánh ký Marcô thuật lại: một người nữ bị sốt nằm trên giường; thái độ và cử chỉ của Chúa Giêsu đối với bà là một biểu hiệu: "Người đến cầm lấy tay của bà" (v.31). Vị Thánh ký này ghi nhận như thế. Thật là mềm mại nơi tác động đơn sơ hầu như hoàn toàn tự nhiên này: "bà được khỏi cúm; và phục vụ các vị" (ibid). Quyền năng chữa lành của Chúa Giêsu không gặp trở ngại nào; và con người được chữa lành phục hồi đời sống bình thường của mình, lập tức nghĩ đến người khác chứ không phải bản thân mình - và đó là điều quan trọng; đó là dầu hiệu cho thấy "thứ khỏe mạnh" thật sự!
Hôm đó là ngày hưu lễ. Dân chúng ở ngôi làng đó chờ cho đến chiều tà, để rồi, khi kết thúc ngày nghỉ theo luật buộc, họ mới ra khỏi nhà để mang đến cho Chúa Giêsu tất cả những ai yếu bệnh và bị quỉ ám. Người đã chữa lành họ, nhưng cấm ma quỉ không được tiết lộ Người là Đức Kitô (cf vv. 32-34). Vậy, ngay từ ban đầu, Chúa Giêsu đã tỏ cho thấy lòng Người thương mến những con người bị khổ đau về phần xác cũng như trong tâm thần: đó là một lòng thương mến đến gần với những ai khổ đau về phần xác cũng như tâm thần. Đó là lòng thương mến của Chúa Cha, một lòng thương mến Người hiện thực và biểu lộ bằng việc làm và lời nói. Các môn đệ của Người là những chứng nhân về tấm lòng thương mến ấy; các vị đã thấy để rồi đã làm chứng về nó. Thế nhưng, Chúa Giêsu đã không muốn có những kẻ đóng vai chỉ thuần bàng quan nơi sứ vụ của Người: Người muốn bao gồm cả họ nữa; Người đã sai họ đi; Người cũng ban cho họ quyền năng chữa lành và trừ quỉ nữa (cf Mk 10:1; Mk 6:7). Và điều này đã không ngừng tiếp tục trong đời sống của Giáo Hội cho đến ngày nay. Đó là những gì quan trọng. Việc chăm sóc cho đủ mọi loại bệnh nhân không phải là "một thứ hoạt động tùy ý" đối với Giáo Hội, không! Nó không phải là những gì ngoại lệ, không. Việc chăm sóc cho hết mọi loại bệnh nhân là những gì thuộc về sứ vụ trọn vẹn của Giáo Hội như là sứ vụ của Chúa Giêsu vậy. Sứ vụ này là mang đến cho nhân loại khổ đau những gì là êm ái dịu dàng của Thiên Chúa. Chúng ta sẽ được nhắc nhở về điều này trong ít ngày nữa, vào ngày 11/2, Ngày Thế Giới Bệnh Nhân.
Thực tại xẩy ra là chúng ta đang trải nghiệm trên khắp thế giới gây ra bởi cơn dịch bệnh đang làm cho sứ điệp này, làm cho sứ vụ thiết yếu này của Giáo Hội, trở nên thích đáng một cách đặc biệt. Tiếng của Ông Job âm vang trong phụng vụ hôm nay, một lần nữa cho thấy thân phận của con người, rất cao qúi về phẩm giá - thân phận con người của chúng ta, thân phận cao quí nhất về phẩm giá - và đồng thời cũng rất yếu đuối mỏng dòn. Trước thực tại này, cõi lòng bao giờ cũng cảm thấy thắc mắc "tại sao?"
Để trả lời cho vấn nạn này, Chúa Giêsu, Lời đã hóa thành nhục thể, đáp lại không phải bằng lời dẫn giải - vì chúng ta rất cao quí về phẩm giá và rất yều hèn về thân phận, Chúa Giêsu không đáp lại vấn nạn "tại sao" này bằng một lời dẫn giải -, mà bằng một sự hiệp diện yêu thương cúi mình xuống, ở chỗ cầm lấy tay mà nâng dậy, như Người đã làm với nhạc mẫu của chàng Phêrô (cf Mk 1:31). Bằng cách cúi mình xuống để nâng người khác lên. Chúng ta đừng quên rằng cách thân tình duy nhất khi nhìn vào một con người từ bên trên xuống đó là khi anh chị em giơ bàn tay của mình ra giúp họ đứng lên. Đó là cách duy nhất. Đó là sứ vụ được Chúa Giêsu ủy thác cho Giáo Hội. Người Con của Thiên Chúa tỏ hiện vai trò làm chúa của mình không phải "từ trên cao nhìn xuống", không phải từ một khoảng cách, mà là cúi xuống, là giơ bàn tay của mình ra; Người tỏ hiện vai trò làm chúa của Người một cách gần gũi, một cách mềm mại dịu dàng, một cách cảm thương. Gần gũi, dịu dàng, cảm thương là những kiểu cách của Thiên Chúa. Thiên Chúa cận kề gần gũi, và Ngài gần gũi cận kề một cách dịu dàng và cảm thương. Biết bao nhiêu lần chúng ta đọc thấy trong Phúc Âm, trước một vấn đề sức khỏe hay bất cứ vấn đề nào đó "Người đã động lòng thương". Lòng cảm thương của Chúa Giêsu, việc gần gũi cận kề của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu là kiểu cách của Thiên Chúa. Đoạn Phúc Âm hôm nay cũng nhắc nhở chúng ta rằng lòng cảm thương này được bắt nguồn sâu xa nơi mối liên hệ mật thiết với Chúa Cha. Tại sao? Trước bình minh và khi chiều xuống, Chúa Giêsu đều lánh mặt ẩn thân nguyện cầu (v.35). Từ đó Người lấy sức mạnh để hoàn tất sứ vụ rao giảng và chữa lành của Người.
Xin Thánh Trinh Nữ giúp chúng ta biết để cho Chúa Giêsu chữa lành cho chúng ta - hết mọi người chúng ta đều cần đến điều này - để nhờ đó, về phần mình, chúng ta trở thành những chứng nhân cho niềm êm ái dịu dàng chữa lành của Thiên Chúa.
(Sau Kinh Truyền Tin ĐTC nói tiếp về tình hình ở Myanmar, nơi ngài đã tông du năm 2017 đang có biến loạn được ngài cầu nguyện cho, và ngài cũng nhắc nhở chính Chúa Nhật này là Ngày Cho Sự Sống ở Ý.... và cuối cùng ngài nói đến vị thánh được tưởng nhớ ngày 8/2 hằng năm, đó là:)
Ngày mai, phụng vụ tưởng nhớ Thánh Josephine Bakhita, một nữ tu người Sudan đã trải qua cuộc đời làm nô lệ nhục nhã và khổ đau, chúng ta cử hành Ngày Cầu Nguyện và Nhận Thức chống Nạn Buôn Người. Năm nay đích nhắm của nó đó là hoạt động cho một nền kinh tế không ủng hộ, dù là gián tiếp, với nạn buôn người đê hèn này, tức là hoạt động cho một thứ kinh tế không bao giờ biến con người nam nữ trở thành những món hàng hóa, những thứ đồ vật, nhưng luôn là đích nhắm. Phục vụ con người nam nữ, chứ không sử dụng họ như một mặt hàng. Chúng ta hãy xin Thánh Josephine Bakhita giúp chúng ta về điều này.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết
nhấn mạnh tự ý bằng mầu