GIÁO HỘI HIỆN THẾ
2021
ĐTC Phanxicô: Huấn Từ Truyền Tin cho Chúa Nhật XIII Thường Niên Năm B
Xin chào anh chị em thân mến,
Hôm nay, trong bài Phúc Âm (cf Mk 5:21-43), Chúa Giêsu gặp phải 2 trường hợp thảm thương nhất, đó là chết chóc và bệnh nạn. Ngài giải thoát 2 con người khỏi những thảm thương ấy, đó là một em bé gái, một con người chết ngay khi cha của em đi xin Chúa Giêsu giúp đỡ; và một phụ nữ, người bị bệnh loạn huyết qua nhiều năm tháng. Chúa Giêsu bị những gì là khổ đau và chết chóc của chúng ta chạm đến, và Người thực hiện hai dấu lạ chữa lành để nói với chúng ta rằng đau khổ hay chết chóc không phải là những phán quyết cuối cùng. Người bảo chúng ta rằng chết chóc không phải là cùng tận. Người khống chế thứ kẻ thù này là những gì tự mình bản thân chúng ta không thể thoát được.
Tuy nhiên, trong giai đoạn bệnh nạn vẫn còn thu hút tin tức này, chúng ta sẽ tập trung vào dấu lạ khác, đó là dấu lạ chữa lành cho người phụ nữ. Những cảm xúc của bà bị tổn thương còn hơn cả sức khỏe của bà nữa. Tại sao? Bà bị bệnh loạn huyết, và vì thế, theo não trạng thời bấy giờ, bà bị coi là đồ nhơ nhớp dơ bẩn. Bà là một người đàn bà bị tẩy chay loại trừ; bà không thể nào có được những mối liên hệ vững chắc; bà không thể có được một người chồng; bà không thể có được một gia đình, và không thể nào có được những mối liên hệ bình thường về xã hội, vì bà "nhơ nhớp", một thứ bệnh khiến bà ra "dơ bẩn". Bà đã sống một mình, với một con tim đau nhức. Đâu là chứng bệnh trầm trọng nhất trong cuộc đời? Lao phổi? Dịch tễ? Không. Thứ bệnh trầm trọng nhất trong đời đó là bị hụt hẫng yêu thương; là không thể được thương yêu. Đúng, người đàn bà này mắc bệnh loạn huyết, thế nhưng, hậu quả lại là bị hụt hẫng yêu thương, bởi về mặt xã hội thì bà không thể chung sống với người khác. Và việc chữa lành đáng kể nhất đó là việc chữa lành cảm xúc. Thế nhưng, làm cách nào chúng ta được chữa lành đây? Chúng ta có thể nghĩ đến những cảm xúc của chúng ta: chúng đang bị bệnh hay được lành mạnh? Chúng có bị bệnh không? Chúa Giêsu có thể chữa lành chúng.
Câu chuyện về người đàn bà vô danh này là một thí dụ điển hình - chúng ta hãy gọi bà như vậy, "người đàn bà vô danh" -, một nhân vật mà tất cả chúng ta thấy được về bản thân mình. Bản văn thuật lại rằng bà đã cố gắng chữa trị đủ kiểu đủ cách, "đã tiêu tán hết tất cả những gì bà có, mà chẳng những không khá hơn lại còn tệ hơn" (câu 26). Cả chúng ta nữa, phải chăng biết bao nhiêu lần chúng ta đã lao mình vào những thứ chữa trị sai lầm để thỏa mãn tình trạng thiếu thốn yêu thương? Chúng ta nghĩ rằng thành công và tiền bạc có thể làm cho chúng ta sung sướng hạnh phúc, thế nhưng tình yêu lại là những gì không thể nào mua sắm được; nó hoàn toàn nhưng không. Chúng ta ẩn nấp trong những gì là ảo, nhưng tình yêu là những gì khả giác. Chúng ta không thể chấp nhận bản thân mình như chúng ta là, và chúng ta ẩn nấp ở đằng sau những cái mã bề ngoài, mà tình yêu lại không phải là một thứ dáng vẻ. Chúng ta tìm kiếm những thứ giải quyết từ những tay phù phép và từ những thày bùa thày bói, để rồi chẳng còn tiền bạc gì hay bình an chi, như người đàn bà đó. Sau hết, bà đã chọn Chúa Giêsu và chen lấn vào đám đông để làm sao có thể được chạm đến gấu áo của Chúa Giêsu. Nói cách khác, người đàn bà này tím cách làm sao để trực tiếp liên hệ, được giao tiếp về thể lý với Chúa Giêsu. Đặc biệt là trong thời điểm hiện nay, chúng ta hiểu được tầm quan trọng biết bao trong việc giao tiếp và những mối liên hệ. Với Chúa Giêsu cũng thế: có những lúc chúng ta hài lòng với một số luật này lệ nọ và lập đi lập lại các thứ kinh nguyện - nhiều lần, như những con vẹt -, thế nhưng Chúa lại đợi chờ chúng ta gặp gỡ Người, để mở lòng chúng ta ra cho Người, nhờ đó, như người đàn bà này, chúng ta chạm đến y phục của Người để được chữa lành. Vì, nhờ được trở nên thân mật với Chúa Giêsu mà chúng ta được chữa lành các cảm xúc của chúng ta.
Chúa Giêsu muốn như thế. Thật vậy, chúng ta đọc thấy rằng, ngay khi bị xô lấn bởi đám đông, mà Người vẫn rảo mắt nhìn quanh để tìm kiếm kẻ đã chạm vào Người. Các môn đệ đã thưa cùng Người rằng: "Thày thấy đó, đám đông đang chen lấn chung quanh Thày...". Không: "Ai đã chạm đến Ta vậy?" Đó là ánh mắt của Chúa Giêsu: có nhiều người bấy giờ, nhưng Người lại tìm kiếm một khuôn mặt và một con tim đầy đức tin. Chúa Giêsu không nhìn vào toàn thể, như chúng ta vẫn làm, nhưng Người nhìn vào cá nhân. Người không dừng lại ở những thương tích và lầm lỗi quá khứ, mà vượt lên trên các thứ tội lỗi và tổn thương. Tất cả chúng ta đều có một truyện đời nào đó, và từng người chúng ta, trong thâm tâm của mình, đều biết rõ những thứ dị ngợm gớm ghiếc nơi câu truyện đời của mình. Thế nhưng Chúa Giêsu lại nhìn vào nó để chữa lành nó. Trái lại, chúng ta thích nhìn vào những thứ ghê tởm của người khác. Biết bao nhiêu lần khi chúng ta nói năng, chúng ta thích nói chuyện nhảm nhí, tức là nói xấu kẻ khác, "lột da" người khác. Thế nhưng, hãy lưu ý: đâu là chân trời của cuộc sống nơi những thái độ ấy chứ? Không như Chúa Giêsu, Đấng luôn tìm cách để cứu chúng ta; Người nhìn vào ngày hôm nay đây; thiện chí không phải là chuyện dị ngợm nơi chúng ta. Chúa Giêsu vượt lên trên tội lỗi. Người vượt lên trên các thứ tổn thương. Chúa Giêsu không dừng lại ở các thứ dáng vẻ, mà là vươn tới tâm can cõi lòng. Người thực sự chữa lành bà, kẻ đã bị mọi người loại trừ, một phụ nữ dơ bẩn nhơ nhớp. Người dịu dàng gọi bà là "con gái" (câu 34) - cung cách của Chúa Giêsu là gần gũi cận kề, cảm thông thương yêu, và êm ái dịu dàng: "Hỡi con ..." - và Người khen tặng đức tin của bà, phục hồi lòng tự tin cho bà.
Cùng anh chị em đang ở nơi đây, anh chị em hãy để cho Chúa Giêsu nhìn vào và chữa lành cõi lòng của anh chị em. Tôi cũng làm như vậy nữa: hãy để cho Chúa Giêsu nhìn thấy cõi lòng của chúng ta và chữa lành nó. Và nếu anh chị em đã cảm thấy cái nhìn êm ái dịu dàng của Người nơi anh chị em, thì hãy gắn bó thân mật với Người, và hãy làm như Người làm. Anh chị em hãy nhìn chung quanh: anh chị em sẽ thấy nhiều người sống bên cạnh anh chị em cảm thấy bị tổn thương và lẻ loi cô độc; họ cần cảm thấy được yêu thương: hãy tiến tới với họ. Chúa Giêsu xin anh chị em hãy nhìn vào cõi lòng hơn là dáng vẻ bề ngoài: một cái nhìn không xét nét mà là đón nhận - chúng ta đừng phán xét kẻ khác - Chúa Giêsu xin chúng ta một cái nhìn không xét nét. Vì chỉ có tình yêu thương mới chữa lành được đời sống thôi. Xin Đức Mẹ, Đấng An Ủi những ai sầu đau, giúp chúng ta biết chăm sóc cho những người bị tổn thương cõi lòng mà chúng ta gặp thấy trong hành trình của chúng ta. Đừng phán xét; đừng xét nét thực tại về cá nhân hay xã hội của người khác. Thiên Chúa yêu thương hết tất cả mọi người! Đừng phán xét; hãy để cho họ sống và cố gắng tiến đến với họ bằng tình yêu thương.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết
nhấn mạnh tự ý bằng mầu