GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2021

 

 

 

 

ĐTC Phanxicô: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XXI Thường Niên Năm B

 

 

Thân mến chào anh chị em,

Bài Phúc Âm cho phụng vụ hôm nay (Jn 6:60-69) cho chúng ta thấy phản ứng của đám đông, và của những người môn đệ, với bài nói của Chúa Giêsu sau phép lạ những ổ bánh được tăng bội. Chúa Giêsu đã mời gọi họ hãy suy diễn cái dấu chỉ ấy và hãy tin vào Người, Đấng là bánh thực sự từ trời xuống, thứ bánh sự sống; và Người đã mạc khải cho biết rằng thứ bánh Người sẽ ban cho ấy chính là mình của Người và máu của Người. Đó là những lời lẽ nghe có vẻ ngang ngược khó nghe đối với con người ta, đến độ, vào lúc ấy, như Phúc Âm cho biết, nhiều môn đệ của Người đã bỏ đi; tức là họ không theo vị Thày này nữa (vv.60,66). Bấy giờ Chúa Giêsu mới hỏi 12 Vị: "Các con cũng có muốn ra đi hay chăng?", nên Phêrô, thay cho cả nhóm, khẳng định các vị quyết ở lại với Người: "Lạy Thày, chúng con còn biết theo ai đây? Thày mới có những lời sự sống đời đời; chúng con đã tin và đã nhận biết rằng Thày là Đấng Thánh của Thiên Chúa" (Gioan 6:68-69). Đó là một lời tuyên xưng đức tin tuyệt vời.

Chúng ta hãy vắn tắt nhìn vào thái độ của những ai rút lui, không còn theo Chúa Giêsu nữa. Việc bất tin tưởng này từ đâu mà có vậy? Đâu là lý do cho việc tẩy chay này?

Những lời lẽ của Chúa Giêsu đã làm bùng lên một tệ hại cả thể: Người đã nói rằng Thiên Chúa đã quyết định tỏ mình ra và hoàn thành ơn cứu độ bằng tính chất yếu hèn của xác thịt loài người. Đó là mầu nhiệm nhập thể. Việc Thiên Chúa nhập thể là những gì quái gở, gây trở ngại cho những con người ấy - thế nhưng, thường cũng cho cả chúng ta nữa. Thật vậy, Chúa Giêsu khẳng định rằng thứ bánh cứu độ thực sự, thứ bánh truyền đạt sự sống đời đời, là chính thịt của Người; vì thế, để được hiệp thông với Thiên Chúa, trước khi tuân giữ luật lệ hay chu toàn các chỉ thị của đạo giáo, cần phải sống mối liên hệ thực sự và cụ thể với Người đã. Bởi ơn cứu độ từ Người mà có, nơi việc nhập thể của Người. Tức là người ta không được theo đuổi Thiên Chúa một cách mơ màng, tưởng tượng ra những gì là lớn lao cao cả quyền thế, nhưng Ngài cần phải được nhận biết nơi nhân tính của Chúa Giêsu, để rồi, nơi cả nhân tính của anh chị em chúng ta gặp gỡ trên đường đời. Thiên Chúa đã biến mình thành xác thịt. Và khi chúng ta nói điều ấy, theo Kinh Tin Kính, vào Ngày Lễ Giáng Sinh, hay vào Lễ Truyền Tin, chúng ta quí gối xuống thờ lạy mầu nhiệm nhập thể. Thiên Chúa đã biến mình thành thịt và máu; Ngài đã hạ mình xuống tới độ trở thành một con người như chúng ta. Ngài đã khiêm hạ tới độ gánh váo vào thân những đau khổ và tội lỗi của chúng ta, và vì thế Ngài xin chúng ta đừng tìm kiếm Ngài ở bên ngoài đời sống và lịch sử, mà nơi mối liên hệ với Chúa Kitô cũng như với anh chị em của chúng ta. Tìm kiếm Ngài trong đời, nơi lịch sử, trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Anh chị em thân mến, con đường dẫn đến cuộc gặp gỡ Thiên Chúa là ở mối liên hệ với Chúa Kitô cũng như với anh chị em của chúng ta.

Ngay cả đến hôm nay đây, việc Thiên Chúa mạc khải nơi nhân tính của Chúa Giêsu vẫn có thể gây ra tệ hại và không dễ gì chấp nhận đâu. Đó là những gì Thánh Phaolô gọi là "cái điên rồ" của Phúc Âm trước mắt những ai tìm kiếm các phép lạ hay những gì là khôn ngoan trần thế (cf.1Cor 1:18-25). "Tính chất quái gở tệ hại" này được tiêu biểu rõ ràng nơi bí tích Thánh Thể: trước mắt thế gian thì có nghĩa lý gì khi quì gối trước một miếng bánh chứ? Tại sao trên đời này lại có những người cần phải được chuyên cần nuôi dưỡng bằng thứ bánh này chứ? Thế gian cảm thấy thật là quái gở.

Trước việc làm kỳ diệu của Chúa Giêsu, Đấng đã sử dụng 5 ổ bánh và 2 con cá để nuôi hàng ngàn người, thì hết mọi người đều tung hô Người và muốn tôn vinh Người làm Vua. Thế nhưng, khi Người dẫn giải cho họ biết rằng cử chỉ ấy là dấu chỉ về sự hy sinh của Người, tức là về việc Người hiến ban mạng sống của Người, hiến ban thịt và máu của Người, và những ai muốn theo Người thì phải nên giống Người, nên giống như nhân tính của Người, được dâng hiến cho Thiên Chúa và người khác, thì bấy giờ là xong, vị Giêsu này không còn được yêu thích nữa, nhân vật Giêsu này đã khiến chúng ta hoảng lên. Trái lại, chúng ta lại cần phải lo rằng nếu Người không làm cho chúng ta hoảng lên, khi chúng ta đã có thể hạ thấp sứ điệp của Người xuống! Chúng ta hãy xin ơn biết để bản thân mình được khơi động lên và hoán cải trước "những lời sự sống đời đời" của Người. Xin Rất Thánh Maria, vị đã cưu mang Người Con Giêsu của Mẹ nơi xác thịt và đã liên kết bản thân Mẹ với hy tế của Người, giúp chúng ta luôn làm chứng cho đức tin của chúng ta trong cuộc sống thực hữu của chúng ta.

  

https://www.vatican.va/content/francesco/en/angelus/2021/documents/papa-francesco_angelus_20210822.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu