GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2021

 

 

ĐTC Phanxicô: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XXVI Thường Niên Năm B

 

 

 

Thân ái chào anh chị em,

 

Bài Phúc Âm của Phụng vụ hôm nay nói với chúng ta về một cuộc đối thoại ngắn gọn giữa Chúa Giêsu và Tông đồ Gioan, vị đã nói thay cho chung cả nhóm môn đệ. Các vị đã thấy một người nhân danh Chúa mà trừ quỉ, nhưng các vị ngăn cản người này làm như thế, vì người này không thuộc về nhóm của các vị. Về điều này, Chúa Giêsu mời gọi các vị đừng cản trở những ai hoạt động cho thiện ích, vì họ góp phần để hiện thực hóa dự án của Thiên Chúa (cf Mk 9:39-41). Sau đó Người cảnh báo cho các vị biết rằng thay vì phân chia người ta thành tốt và xấu, chúng ta tất cả đều được kêu gọi hãy coi chừng lòng trí của chúng ta, để chúng ta khỏi chiều theo sự dữ và làm gương mù cho người khác (cf vv. 42-45, 47-48).

Tóm lại, những lời này của Chúa Giêsu là những lời cho thấy một khuynh hướng và đồng thời cũng cống hiến một huấn dụ. Khuynh hướng này đó là khuynh hướng khép kín. Các vị môn đệ muốn ngăn ngừa một hoạt động tốt lành chỉ vì con người làm điều ấy không thuộc về nhóm của các vị. Các vị nghĩ rằng các vị mới có "những quyền lợi duy nhất nơi Chúa Giêsu", và các vị là thành phần duy nhất có thẩm quyền hoạt động cho Vương quốc của Thiên Chúa mà thôi. Thế nhưng, tỏ ra như vậy là các vị tiến đến chỗ cảm thấy các vị được ưu ái và coi những kẻ khác là những con người xa lạ, cho đến độ trở thành kẻ thù đối với các vị. Thưa anh chị em, tất cả những gì là khép kín thực sự đẩy những ai không nghĩ như chúng ta ra xa, và, như chúng ta biết, điều này là cội nguồn của nhiều sự dữ xảy ra trong lịch sử, như sự dữ của chủ nghĩa tuyệt đối hóa đã thường phát sinh ra những chích sách độc tài chuyên chế, cùng với quá nhiều bạo lực chống lại những ai khác biệt với mình.

Thế nhưng, cũng cần phải coi chứng khuynh hướng khép kín trong Giáo Hội. Vì ma quỉ, tên gây ra chia rẽ - đó là ý nghĩa của chữ "ma quỉ", tên gây chia rẽ - bao giờ cũng gieo rắc ngờ vực để gây ra chia rẽ và loại trừ tẩy chay nhau. Hãy cố gắng một cách tinh khôn, nó có thể xẩy ra nơi thành phần các môn đệ nữa, thành phần tẩy chay cả đến những ai đã trừ được cả chính ma quỉ! Chúng ta đôi khi, thay vì là những cộng đồng cộng đoàn khiêm tốn và cởi mở, cũng có thể gây ấn tượng chúng ta là "đệ nhất thiên hạ", và tẩy chay những cộng đồng khác; thay vì cố gắng đồng hành với hết mọi người, chúng ta lại tỏ ra "cái quyền tín hữu" của chúng ta: "Tôi là một tín hữu", "tôi là người Công giáo", "tôi thuộc về hiệp hội này, hội đoàn nọ..." mà các người nghèo hèn khác không được như vậy. Đó là một thứ thương hại. Chìa cái "bằng tín hữu" ra để phân xử và tẩy chay. Chúng ta hãy xin ơn thắng vượt được khuynh hướng phán xét và phân loại, và xin Thiên Chúa gín giữ chúng ta cho khỏi cái tâm thức của một "cái tổ", cái tâm thức cứ ru rú một cách ghen tương ở trong một nhóm nhỏ coi mình là tốt lành: vị linh mục với các tín hữu của mình, các nhân viên mục vụ thu mình lại với nhau để không cho một ai lọt vào, các phong trào và các hiệp hội cứ khư khư bám vào cái đoàn sủng riêng biệt của mình, cứ thể... Khép kín. Tất cả những điều ấy làm cho các cộng đoàn Kitô hữu thành những nơi chốn của những gì là phân chia hơn là hiệp thông. Thánh Linh không muốn những rào cản, Ngài muốn cởi mở, muốn những cộng đoàn biết đón nhận, nơi cho chỗ cho hết mọi người, cho hết mọi phong trào và đoàn thể sống đoàn sủng của họ v.v.

Thế rồi trong bài Phúc Âm còn có huấn dụ của Chúa Giêsu nữa, đó là thay vì phán xét hết mọi sự và hết mọi người, chúng ta hãy thận trọng về chính bản thân mình! Thật vậy, cái nguy hiểm là ở chỗ không biết thích nghi với người mà lại ưu ái với bản thân mình. Chúa Giêsu huấn dụ chúng ta đừng chiều theo sự dữ bằng những hình ảnh nẩy lửa này: "Nếu cái gì nơi các ngươi nên dịp tội thì hãy cắt bỏ nó đi" (cf vv 43-48). Nếu cái gì làm cho anh chị em đau thì hãy cắt bỏ nó đi! Không phải là "Nếu cái gì gây dịp tội, thì hãy ngưng lại, nghĩ về nó, cải tiến một chút...". Mà là "Cắt bỏ nó. Ngay lập tức!" Chúa Giêsu tỏ ra cương quyết ở đây, Người gắt gao đòi hỏi, nhưng vì thiện ích của chúng ta, như là một vị lương ý mà thôi. Mỗi một cắt bỏ, mỗi một cắt tỉa đều giúp cho việc tăng trưởng tốt hơn và sinh hoa kết trái yêu thương. Vậy chúng ta hãy tự vấn xem: điều gì nơi tôi phản nghịch lại với Phúc Âm? Đâu là những gì cụ thể Chúa Giêsu muốn tôi bắt bỏ đi trong đời sống của tôi?

Chúng ta hãy cầu cùng Trinh Nữ Vô Nhiễm giúp chúng ta biết đón nhận người khác và tỉnh táo với bản thân của chúng ta.

 

https://www.vatican.va/content/francesco/it/angelus/2021/documents/papa-francesco_angelus_20210926.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu