GIÁO HỘI HIỆN THẾ
2021
Thân ái chào anh chị em,
Bài Phúc Âm của Phụng vụ hôm nay nói về Chúa Giêsu, Đấng khi rời thành Jericho, đã phục quang cho Batimê, một người mù ngồi ăn xin ở vệ đường (cf Mk 10:46-52). Đây là một gặp gỡ quan trọng, cuộc gặp gỡ cuối cùng trước khi Chúa vào thành Jerusalem để Vượt Qua. Batimê đã bị mất đi thị giác, nhưng không bị mất tiếng nói! Vì, khi anh ta nghe thấy Chúa Giêsu sắp đi ngang qua, anh ta đã bắt đầu la to lên rằng: "Hỡi Giêsu, Con Vua Đavít, xin xót thương tôi!" (v.47). Rồi anh ta cứ la lên la lên như thế. Thành phần môn đệ và đám đông, khó chịu bởi tiếng la lối của anh ta, đã quát mắng anh ta phải im hơi lặng tiếng. Thế nhưng anh ta lại càng la to hơn nữa: "Hỡi Con Vua Đavít, xin hãy xót thương tôi!" (v.48). Chúa Giêsu nghe thấy thế thì lập tức dừng lại. Thiên Chúa luôn lắng nghe tiếng kêu cứu của người nghèo, và không bị quấy rầy tí nào bởi tiếng kêu của Batimê; trái lại, Người nhận thấy nó đầy những tin tưởng, một đức tin không sợ kiên định, cứ gõ cửa lòng Thiên Chúa, bất chấp có bị hiểu lầm và khiển trách chăng nữa. Đó là cội rễ của phép lạ này. Thật vậy, Chúa Giêsu đã phán cùng anh ta rằng: "Đức tin của con đã cứu chữa con" (v.52).
Đức tin của Batimê hiển nhiên ở nơi lời nguyện cầu của anh ta. Đó không phải là một lời cầu có tính cách bẽn lẽn và khuôn phép. Trước hết và trên hết anh ta gọi Chúa là "Con Vua Đavít": tức là anh ta nhận biết Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai, là Vua đã đến trong thế gian. Sau đó anh ta tin tưởng gọi đích danh tên Người là "Giêsu". Anh ta không sợ Người, anh ta tỏ ra không xa cách. Bởi vậy mà, từ cõi lòng, anh ta đã la lên về tất cả thảm cảnh của mình cho Thiên Chúa như là một thân hữu của anh ta thấy: "Xin xót thương tôi với!" Anh ta chỉ biết cầu xin có thế thôi: "Xin thương xót tôi với!" Anh ta không xin một chút tiền lẻ như với những ai qua đường. Không. Anh ta xin hết mọi sự từ Đấng có thể làm được hết mọi sự. Anh ta xin dân chúng tiền lẻ; nhưng xin mọi sự từ Chúa Giêsu là Đấng làm được hết mọi sự. "Xin thương xót tôi, xin xót thương tất cả những gì tôi là". Anh ta không xin được một ưu ái nào, mà bày tỏ chính bản thân anh ta ra: anh ta xin thương xót con người của anh ta, đời sống của anh ta. Đó không phải là một yêu cầu nhỏ mọn, mà là một yêu cầu quá tuyệt vời, bởi nó là tiếng kêu xin xót thương, tức là, kêu xin lòng cảm thương, kêu xin lòng thương xót Chúa, niềm êm ái dịu dàng của Ngài.
Batimê không sử dụng nhiều lời lẽ. Anh ta chỉ nói những gì thiết yếu và ký thác bản thân mình cho tình yêu của Thiên Chúa là những gì có thể làm cho đời sống của anh ta tái triển nở bằng việc làm những gì con người bất khả. Đó là lý do tại sao anh ta không xin Chúa bố thí cho, mà xin cho được thấy hết mọi sự - anh ta bị mù lòa, nhưng anh ta còn cảm thấy đau khổ hơn cả bị mù nữa. Cái mù lòa của anh ta chỉ là cái chỏm của một tảng băng thôi; còn bao gồm cả những thương tích, những nhục nhã đê hèn, những mộng mơ tan biến, những lỗi lầm, nỗi thương tiếc trong tâm can của anh ta nữa. Anh ta đã cầu nguyện bằng cả tấm lòng của anh ta. Còn chúng ta thì sao? Khi chúng ta xin Chúa ân sủng, trong lời cầu nguyện của mình chúng ta có bao gồm cả lịch sử của chúng ta, những thương tích của chúng ta, những đê hèn của chúng ta, những mộng mơ bất thành của chúng ta, những lầm lỡ của chúng ta, cùng với những ân hận của chúng ta hay chăng?
"Hỡi Giêsu, Con Vua Đavít, xin xót thương tôi!" Cả chúng ta nữa, hãy đọc lời cầu nguyện này hôm nay. Chúng ta hãy tự vấn xem: "Lời cầu nguyện của chúng ta ra sao?" Tất cả chúng ta, hãy tự vấn xem: "Lời cầu nguyện của tôi như thế nào?" Nó có tỏ ra can trường, có chất chứa tính cách kiên trì tốt lành của Batimê, có "nắm bắt lấy" Chúa khi Người ngang qua hay chăng, hoặc nó chỉ một lời chào hỏi bình thường quen thuộc mỗi khi tôi nhớ đến nó thôi? Những lời cầu nguyện hâm hâm dở dở chẳng giúp ích gì hết. Ngược lại, lời cầu nguyện của tôi có "thực chất", có bày tỏ cõi lòng của tôi ra trước nhan Chúa hay chăng? Tôi có trình bày truyện đời của tôi, cùng với cảm nghiệm sống của tôi cho Người hay chăng? Hay nó là những gì nhạt nhòa, nông nổi, theo nghi thức, chẳng cảm thấy gì và không xuất phát từ cõi lòng? Khi đức tin sống động thì lời nguyện cầu mới cảm kích, ở chỗ, nó không xin thứ tiền lẻ, nó không bị biến thành những nhu cầu chốc lát. Chúng ta cần phải xin Chúa Giêsu hết tất cả mọi sự, Đấng có thể làm được mọi sự. Đừng quên điều ấy. Chúng ta cần phải xin Chúa Giêsu mọi sự, một cách kiên trì với Người. Người chỉ chờ để tuôn đổ ân sủng và niềm vui của Người vào lòng của chúng ta thôi; thế nhưng, tiếc thay, chính chúng ta lại tỏ ra giãn cách, ở chỗ rụt rè, biếng nhác hay chẳng tin tưởng gì hết.
Nhiều người chúng ta cũng vậy, khi cầu nguyện, chúng ta không tin rằng Chúa có thể làm phép lạ. Tôi nhớ đến câu chuyện - mà tôi đã thấy - về một người bố đã được các bác sĩ nói rằng đứa con gái 9 tuổi của ông không qua khỏi đêm hôm ấy; cháu bấy giờ đang ở trong nhà thương. Ông ta đã đi xe buýt 70 cây số để đến một Đền Thánh Mẫu. Bấy giờ chỗ ấy đã đóng cửa, và ông ta bám lấy cánh cổng mà cầu nguyện thâu đêm rằng: "Lạy Chúa, xin hãy cứu lấy cháu! Chúa ơi, xin làm cho cháu được sống!" Ông đã cầu cùng Đức Mẹ, suốt đêm, kêu lên cùng Thiên Chúa, kêu xin từ tấm lòng của mình. Thế rồi, sáng hôm sau, khi ông trở lại nhà thương, ông thấy vợ ông đang khóc. Ông đã nghĩ rằng "Cháu đã chết mất rồi". Nhưng vợ ông ta lại nói: "Chẳng ai hiểu gì hết, chẳng ai hiểu gì cả, các bác sĩ đều nói là có một cái gì đó lạ lùng xẩy ra, cháu dường như đã được chữa lành rồi". Tiếng kêu của người đàn ông đã xin hết mọi sự ấy đã được Chúa lắng nghe, Đấng đã ban cho ông mọi sự. Đây không phải là một câu chuyện: chính tôi đã đích thân chứng kiến thấy ở giáo phận của mình. Chúng ta có can đảm như vậy khi cầu nguyện hay chăng? Chúng ta hãy xin hết mọi sự với Đấng có thể ban cho chúng ta mọi sự, như Batimê là một bậc thày cao cả, một đại sư cầu nguyện. Chớ gì Batimê, nơi đức tin tinh tuyền, kiên định và can trường của anh ta, trở thành mẫu gương cho chúng ta. Xin Đức Mẹ, Vị Trinh Nữ nguyện cầu, dạy chúng ta hướng về Thiên Chúa bằng tất cả tấm lòng của chúng ta, tin tưởng rằng Ngài đang chăm chú lắng nghe hết mọi lời nguyện cầu.
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết
nhấn mạnh tự ý bằng mầu