GIÁO HỘI HIỆN THẾ

 

2021

 

 

 

 

ĐTC Phanxicô: Huấn Từ Truyền Tin Chúa Nhật XXXXI Thường Niên Năm B

 

Thân ái chào anh chị em,

Trong phụng vụ hôm nay, Phúc Âm cho chúng ta thấy một vị ký lục tiến đến với Chúa Giêsu mà hỏi Người rằng: "Giới răn nào là giới răn cao trọng nhất?" (Mk 12:28). Chúa Giêsu đã đáp lại bằng cách trích dẫn Thánh Kinh và khẳng định rằng giới răn đệ nhất là kính mến Thiên Chúa; rồi từ giới răn đệ nhất này xuất phát giới răn thứ hai, như hoa trái tự nhiên của nó, đó là yêu thương tha nhân như bản thân mình (cf.vv.29-31). Khi nghe thấy câu trả lời như vậy thì người ký lục chẳng những nhìn nhận rằng Người nói đúng, rồi từ đó lại còn cho mình là đúng nữa, bằng cách lập lại những lời giống như của Chúa: "Thưa Thày, Thày nói đúng; Thày thực sự đã nói đúng... đó là việc kính mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn và hết sức, cùng yêu thương tha nhân như bản thân mình thì hơn cả lễ toàn thiêu cùng các hy tế" (vv.32-33).

Thế nhưng, chúng ta có thể tự vấn xem, trong việc tỏ ra đồng ý này của mình, tại sao vị ký lục lại cần phải hoàn toàn lập lại giống như những lời của Chúa Giêsu nói như thế? Việc lập lại này lại càng lạ lùng hơn nữa nếu chúng ta nghĩ rằng đây là Phúc Âm theo Thánh Marcô, vị viết Phúc Âm một cách vắn gọn. Vậy thì đâu là ý nghĩa của việc lập lại này? Việc lập lại này là một giáo huấn cho tất cả chúng ta là những người đang lắng nghe. Vì Lời Chúa không thể được nhận lãnh như bất cứ một loại tin tức nào. Lời của Chúa cần phải được lập lại, cần phải làm thành của mình, cần phải được bảo toàn. Truyền thống đan tu của các đan sĩ sử dụng một từ ngữ táo bạo nhưng rất chính xác. Nó là như thế này: Lời Chúa cần phải được "mớm lại / nhai lại". "Mớm lại / nhai lại" Lời Chúa. Chúng ta có thể nói rằng chính vì quá bổ dưỡng mà Lời Chúa cần phải được nhai lại / mớm lại nơi mọi khía cạnh của đời sống, bao gồm như được Chúa Giêsu nói trong bài Phúc Âm hôm nay, đó là hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức của chúng ta (cf v.30). Lời Chúa cần phải âm vang, vang vọng và tái dội trong chúng ta. Khi tình trạng âm vang nội tâm này xẩy ra là dấu cho thấy Chúa đang ở trong tâm hồn. Người nói với chúng ta, như Người đã làm cho vị ký lục tuyệt vời trong bài Phúc Âm: "Ngươi không còn xa Nước Thiên Chúa nữa đâu" (v.34).

Anh chị em thân mến, Chúa không cần lắm những nhà dẫn giải Thánh Kinh khôn ngoan, cho bằng Người tìm kiếm các tâm hồn đơn sơ dễ dạy, biết đón nhận Lời của Người, để cho mình được biến đổi nội tâm. Đó là lý do tại sao rất cần phải làm quen với Phúc Âm, luôn sẵn có Phúc Âm - cho dù là một cuốn Phúc Âm bỏ túi trong mình để đọc đi đọc lại, để say mê Phúc Âm. Khi chúng ta làm như thế thì Chúa Giêsu, Lời của Chúa Cha, đi vào lòng của chúng ta, Người trở nên thân mật với chúng ta và chúng ta sinh hoa kết trái trong Người. Chẳng hạn chúng ta hãy áp dụng vào bài Phúc Âm hôm nay đi: chúng ta đọc bài Phúc Âm hôm nay thôi vẫn chưa đủ mà còn phải ý thức rằng chúng ta cần kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân nữa. Giới răn này, một "đại giới răn", cần phải được âm vang nơi chúng ta, cần phải được đồng hóa, tức là cần phải trở thành tiếng nói của lương tâm chúng ta. Có thế thì Lời Chúa mới không còn là thứ chữ nghĩa chết chóc, trong ngăn kéo tâm hồn chúng ta, vì Thánh Linh làm cho hạt giống của Lời Chúa nẩy mầm trong chúng ta. Khi Lời Chúa tác động thì bao giờ cũng linh hoạt, sống động và tác hiệu (cf Heb 4:12). Nhờ đó mà từng người chúng ta có thể trở thành một thứ "chuyển dịch" sống động, khác biệt và nguyên tuyền, chứ không phải chỉ là một thứ nhại lại, mà là một thứ "chuyển dịch" sống động, khác biệt và nguyên tuyền của Lời yêu thương duy nhất được Thiên Chúa ban cho chúng ta. Đó là những gì chúng ta thấy nơi đời sống của các vị Thánh chẳng hạn. Không một vị nào giống như vị nào, các vị đều khác nhau, nhưng lại cùng một Lời Chúa như nhau.

 Bởi vậy, hôm nay, chúng ta hãy noi gương của vị ký lục tuyệt vời này. Chúng ta hãy lập lại những lời của Chúa Giêsu, làm cho những lời ấy âm vang trong chúng ta, đó là "kính mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức chúng ta và yêu thương tha nhân như bản thân mình". Và chúng ta hãy tự vấn xem giới răn này có thực sự hướng dẫn đời sống của tôi hay chăng? Giới răn này có vang vọng trong đời sống hằng ngày của tôi hay chăng? Thật là hay, vào tối hôm nay, trước khi đi ngủ, chúng ta hãy xét mình về Lời này xem chúng ta đã kính mến Chúa hôm nay hay chưa, và chúng ta đã thực hiện một điều gì tốt đẹp nho nhỏ cho những ai chúng ta chợt gặp gỡ hay chăng. Chớ gì hết mọi cuộc gặp gỡ đều mang lại một chút gì đó tốt lành, một chút yêu thương xuất phát từ Lời Chúa ấy. Xin Trinh Nữ Maria, nơi Mẹ Lời Chúa đã hóa thành nhục thể, dạy chúng ta biết đón nhận lời hằng sống của Phúc Âm trong tâm hồn của chúng ta.

(Sau Kinh Truyền Tin, ĐTC còn nói tiếp về tình hình các nơi và biến cố xẩy ra trong ngày, trong đó, đầu tiên là Việt Nam và cuối cùng là hội nghị về khí hậu như sau:)

Anh chị em thân mến,

Ở những phần đất khác nhau của Việt Nam, những trận mưa lớn kéo dài trong những tuần qua đã gây ra lụt lội rộng lớn, khiến cả ngàn người phải di tản. Tôi cầu nguyện và nhớ tới các gia đình đang chịu khổ đau, và phấn khích tất cả những vị lãnh đạo của xứ sở này, cùng với Giáo Hội địa phương, đang thực hiện việc đáp ứng với tình trạng khẩn trương ấy....

Hôm nay, ở Glasgow Tô Cách Lan, Liên Hiệp Quốc bắt đầu hội nghị về tình trạng thay đổi khí hậu COP26. Chúng ta hãy cầu nguyện để tiếng kêu của Trái Đất này và tiếng kêu của người nghèo được lắng nghe; để cuộc họp này có thể cung cấp những đáp ứng hiệu quả, cống hiến niềm hy vọng cụ thể cho các thế hệ tương lai. Theo chiếu hướng ấy, một cuộc triển lãm hình ảnh mang tên Laudato Si đang được khai trương hôm nay ở Quảng Trường Thánh Phêrô, công trình của một nhiếp ảnh gia trẻ gốc người Bangladesh.

Biệt chú riêng của người chuyển dịch: 3 chữ tắt COP có nghĩa là hội nghị các bên: Conference of the Parties, một sáng kiến của Liên Hiệp Quốc, và đã được thực hiện từ năm 1995, năm nào cũng vậy, cho đến nay, 2021 là lần/năm thứ 26, nên được gọi tắt là COP26, và trong lịch sử 26 năm này, COP21 ở Paris Pháp quốc năm 2015 rất quan trọng, nhưng tất cả những quyết định thiết yếu và khẩn trương từ 6 năm trước ấy, vẫn còn đang dậm chân tại chỗ, cần phải được COP26 lần này, trong một năm đột nhiên dồn dập đủ mọi thiên tai trên khắp thế giới, bao gồm cả đại dịch, giải tỏa và hiện thực mới có thể cứu vãn ngôi nhà chung hiện nay, bằng không, sẽ khó lòng, đúng hơn, không thể nào và không còn kịp để cứu vãn vận mệnh chung của toàn thể nhân loại nữa, như đã từng được cảnh báo trong Thông Điệp Laudato Si (2015), và được kêu gọi trong Thông Điệp Fratelli Tutti (2020) của ĐTC Phanxicô. Người dịch sẽ tiếp tục phổ biến những cái links cần thiết về vấn đề khí hậu then chốt hiện nay, như đã từng làm trước đây trong Năm Laudato Si cho tới nay.

https://www.vatican.va/content/francesco/en/angelus/2021/documents/papa-francesco_angelus_20211031.html

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch kèm theo nhan đề và các chi tiết nhấn mạnh tự ý bằng mầu