KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT

2011, 2012, 2013, 2014, 2015, 2018, 2019-2020

2021

 

 

 

SỐNG CÒN VỚI ĐẠI DỊCH COVID-19 TOÀN CẦU

 

TRONG NGÔI NHÀ CHUNG CỦA CHÚNG TA

 

 

 

Tổng hợp và nhận định: Đaminh Maria cao tấn tĩnh, BVL

 

 

Nội Dung

 

Dẫn nhập: Ngôn Sứ Lịch Sử

Mỹ ghi nhận kỷ lục gần 4.500 người chết vì Covid-19 một ngày

Đa dạng Sinh thái: Thượng đỉnh ‘‘One Planet’’ mở đầu cho một năm quyết định

Ít nhất 33 nước đã ghi nhận ca mắc biến thể virus corona mới ở Anh

Virus corona chủng mới tiến hoá thế nào?

Tình nguyện viên thử nghiệm vaccine Covid-19 như thế nào?

Bộ Giáo lý Đức tin xác định: các vắc-xin ngừa Covid được chấp nhận về mặt đạo đức

WHO: Các nước giàu tranh mua khiến nước nghèo không có vac-xin Covid-19

Cảm giác sau khi tiêm vaccine Covid-19

Vatican bắt đầu chiến dịch chích ngừa virus corona

Covid-19: WHO cảnh báo đừng quá kỳ vọng vào miễn dịch cộng đồng

Covid-19 diễn biến thế nào vào 2021?

Đúc kết: Dấu Chỉ Thời Đại

 

 

 

Bộ Giáo lý Đức tin xác định: các vắc-xin ngừa Covid được chấp nhận về mặt đạo đức

 

Vatican News Tiếng Việt ngày 21/12/2020

 

Ngày 21/12, với sự chấp thuận của Đức Thánh Cha, Bộ Giáo lý Đức tin đã ban hành thông tư “Tính đạo đức của việc sử dụng một số vắc-xin ngừa Covid-19”, trong đó khẳng định rằng trong đại dịch này, việc sử dụng các vắc-xin được điều chế bằng cách sử dụng các dòng tế bào lấy từ hai bào thai bị phá thai vào những năm 1960 là có thể chấp nhận về mặt đạo đức.

Bộ Giáo lý Đức tin ban hành tài liệu này sau khi nhận được những yêu cầu xin hướng dẫn về việc sử dụng các vắc xin ngừa Covid-19, cũng như để làm rõ những nghi ngờ và câu hỏi nảy sinh từ những tuyên bố đôi khi mâu thuẫn về vấn đề này.

Tài liệu nhắc lại ba tuyên bố trước đó về cùng một chủ đề: của Hàn Lâm viện Tòa Thánh về Sự sống vào năm 2005; Huấn thị Dignitas Personae – Phẩm giá con người – của Bộ Giáo lý Đức tin vào năm 2008 và cuối cùng là Thông tư mới của Hàn Lâm viện Tòa Thánh về Sự sống vào năm 2017.

Bộ Giáo lý Đức tin khẳng định tài liệu “không có ý định đánh giá tính an toàn và hiệu quả của các vắc xin này, nhưng chỉ xem xét các khía cạnh đạo đức của việc sử dụng chúng.”

Không cộng tác chính thức hay hợp pháp hóa việc phá thai

Theo Bộ Giáo lý Đức tin, khi vì nhiều lý do khác nhau, các vắc-xin ngừa Covid “hoàn toàn không có vấn đề về mặt đạo đức” chưa có sẵn, thì việc tiêm vắc-xin được điều chế bằng việc sử dụng các dòng tế bào từ bào thai bị phá thai là “có thể chấp nhận về mặt đạo đức”.

Tài liệu của Bộ giải thích rằng việc cộng tác vào tội ác phá thai, trong trường hợp này là người tiêm vắc-xin, là tương quan “xa” và nghĩa vụ đạo đức phải tránh cộng tác này “không có tính ràng buộc” nếu chúng ta đang ở trong tình trạng có virus lây lan không ngăn chặn được, như trong đại dịch Covid-19. Do đó, “trong trường hợp này, tất cả các loại vắc xin được công nhận là an toàn và hiệu quả về mặt lâm sàng đều có thể được sử dụng với nhận thức rằng việc sử dụng các loại vắc-xin như vậy không có nghĩa là hợp tác chính thức vào việc phá thai mà từ đó các tế bào được dùng sản xuất vắc-xin được lấy”.

Bộ Giáo lý Đức tin cũng nói rõ rằng việc sử dụng các vắc-xin này không làm cho việc phá thai trở thành hợp pháp và cũng không phải là chấp thuận về mặt đạo đức việc sử dụng các dòng tế bào từ bào thai bị phá.

Tiêm ngừa vì lợi ích chung

Trong khi nhắc rằng dù chủng ngừa Covid không phải là nghĩa vụ đạo đức, Thánh Bộ nhấn mạnh đến việc tiêm chủng vì lợi ích chung, đặc biệt là để bảo vệ những người yếu nhất và dễ bị lây nhiễm nhất. Nếu từ chối tiêm chủng vì lý do lương tâm thì phải cố tránh trở thành tác nhân lây nhiễm. (CSR_9449_2020)

 

Nhận định:

Ngay khi thuốc chủng ngừa đang chờ đợi được phê chuẩn ở Mỹ và ở Anh vào cuối tháng 11 và đầu tháng 12/2020, thì vấn đề thuốc chủng ngừa này liên quan đến phương diện đạo lý và luân lý được đặt ra, và trước hết đã được Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ giải quyết, sau đó mới tới chính thẩm quyền tối cao của Tòa Thánh Vatican, như bản tin trên đây. 

Thật vậy, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã cẩn thận làm sáng tỏ vấn đề sinh học liên quan đến vấn đề đạo đức học đã được bản tin của Vatican News Tiếng Việt ngày 16/12/2020 cho biết như sau:

"Trong tuyên bố hôm 14/12, Đức cha Kevin C. Rhoades, Chủ tịch Ủy ban Giáo lý Đức tin, và Đức Tổng Giám mục Joseph F. Naumann, Chủ tịch Ủy ban Các hoạt động ủng hộ sự sống của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, nhắc lại rằng, do tình trạng khẩn thiết của cuộc khủng hoảng sức khỏe, 'việc chưa có các vắc-xin khác và thực tế là mối liên hệ giữa việc phá thai xảy ra nhiều thập kỷ trước và việc nhận vắc-xin được sản xuất ngày nay là mối liên hệ xa, việc tiêm vắc xin Covid-19 trong những trường hợp này có thể chính đáng về mặt đạo đức'”.

"Chưa có vắc-xin khác thay thế

"Theo các Giám mục Hoa Kỳ, mặc dù cả ba loại vắc-xin do Pfizer, Moderna và AstraZeneca sản xuất, hiện đã có mặt ở Hoa Kỳ, có một số mối liên hệ với các dòng tế bào kết nối với bào thai bị phá thai, nhưng việc sử dụng chúng sẽ là chính đáng về mặt đạo đức nếu xét đến hoàn cảnh hiện tại. Đó là: hiện tại, chưa có một vắc-xin khác “hoàn toàn không liên quan đến phá thai”, nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng và quan trọng nhất là nhu cầu bảo vệ những người dễ bị tổn thương hơn khỏi căn bệnh này.

"Các giám mục cũng lưu ý rằng vắc-xin AstraZeneca 'vấn đề về đạo đức hơn' do đó nên tránh dùng nếu có những lựa chọn thay thế. Tuy nhiên, nếu 'một người không thực sự có sự lựa chọn về vắc-xin, ít nhất là sự trì hoãn lâu dài việc tiêm chủng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của mình và sức khỏe của người khác, thì có thể được phép sử dụng nó'".

"Không giảm nhẹ quyết tâm chống phá thai

"Đồng thời các giám mục nhắc các tín hữu không được để cho bản chất vô đạo đức của việc phá thai bị lu mờ bởi việc sử dụng vắc-xin ngừa Covid-19, không được giảm nhẹ quyết tâm 'chống lại tệ nạn phá thai và việc sử dụng các tế bào thai nhi để nghiên cứu'”.

Tóm lại, căn cứ vào cả thẩm quyền giáo huấn của cả Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ lẫn Tòa Thánh Vatican, thì cho dù thuốc chủng ngừa được phép sử dụng có liên quan đến các loại tế bào thai nhi bị phá hủy, nhưng, về phương diện tiêu cực, vì lý do tạm thời chưa có một chất nào khác có thể thay thế để chế tạo thuốc chủng ngừa vi khuẩn corona đang tàn phá sự sống con người và làm lây lan nguy hiểm, và về phương diện tích cực, bởi nó có thể cứu được nhiều sinh mạng con người nếu được chính ngừa với thuốc chủng này.

Do đó, việc cho phép sử dụng loại thuốc chính ngừa có liên quan tới tế bào thai nhi bị phá hủy hoàn toàn không phải là việc đồng lõa phá thai, hay khuyến khích phá thai, để có thêm tế bào mà chế tạo các thuốc chủng ngừa. Theo người viết suy diễn thì trường hợp được sử dụng thuốc chủng ngừa covid-19 này, cũng giống như trường hợp thuốc giảm đau, tự nó có tác dụng gây chết người, nhưng vẫn được sử dụng nó như là một phương tiện chũa trị đớn đau mà thôi, chứ không phải như mục đích, theo chủ quan cố ý muốn tự tử hay muốn tiệt sinh an tử hoặc trợ tử, cho nạn nhân bị bệnh bất trị cảm thấy đau đớn thì vẫn được phép vậy. Hay trường hợp của 2 vợ chồng, trong họ có một người bị hội chứng liệt kháng AIDS, có thể được sử dụng bao cao su phòng ngừa, không phải về vấn đề thụ thai, mà là vấn đề bảo vệ sự sống nơi người không bị cùng một hội chứng.

 

WHO: Các nước giàu tranh mua khiến nước nghèo không có vac-xin Covid-19

Báo đài RFI ngày 9/1/2020

Tổ Chức Y Tế Thế Giới cả năm qua vẫn không ngớt kêu gọi tinh thần đoàn kết quốc tế trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, hứa hẹn vac-xin là tài sản chung nhân loại, mọi người đều có quyền tiếp cận như nhau. Nhưng thông điệp đó rõ ràng không được chú ý. Một lần nữa tổ chức của Liên Hiệp Quốc lại lên tiếng tố cáo một số nước giầu đặt hàng tích trữ vac xin khiến các nước nghèo không thể có được thuốc chủng và nguy cơ đẩy giá vac xin lên cao.

Thông tín viên Jérémy Lanche tại Genève : 

 Xu hướng dân tộc chủ nghĩa trong vấn đề vac-xin từng khiến Tổ Chức Y Tế Thế Giới lo ngại giờ đã xuất hiện rõ. Trên 42 nước đã bắt đầu tiêm chủng cho dân chúng, chỉ có 6 quốc gia trong diện thu nhập trung bình hoặc thấp. Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã bảo đảm cho các nước nghèo 2 tỷ liều vac xin thông qua chương trình Covax. Thế nhưng chương trình này bị gián đoạn vì cá nước giàu đã thương lượng trực tiếp với các nhà sản xuất vac xin.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, nhấn mạnh : «Tôi muốn các nhà sản xuất vac-xin ưu tiên phân phối qua chương trình Covax. Tôi đề nghị các nhà sản xuất và các nước chấm dứt việc chen đơn hàng bổ sung gây hại cho chương trình Covax. Không một nước nào được xếp trên nước khác. Không một nước nào có quyền gian lận xếp hàng để có vac-xin tiêm chủng cho dân mình khi mà nhiều nước khác không có».

Chỉ trích nhằm chủ yếu vào nước Đức. Berlin đã đặt 30 triệu liều bổ sung của Pfizer/BioNTech. Trong khi mà các nước thuộc Liên Hiệp Châu Âu cam kết không thương lượng mua vac xin song song với Ủy Ban Châu Âu.

Ủy Ban Châu Âu đã giải thích đơn hàng của Berlin nói trên nằm trong kế hoạch do Bruxelles thương lượng. Tuy nhiên nghi ngờ vẫn không hết. Đó là xu hướng chạy đua vac xin. Trong cuộc đua này, Israel dẫn đầu khi đã tiêm chủng được cho 20% dân. Châu Âu cam đoan đã bảo đảm đủ số liều để tiêm chủng cho 80% dân số.

Nhận định:

Chính Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã nói đến vấn đế phân phối đồng đều thuốc chủng ngừa này từ trước khi có nó và sau khi có nó nữa:

Trước khi có thuốc chủng ngừa:

"Thật là đáng buồn khi thuốc chủng ngừa Covid-19 chỉ ưu tiên cho thành phần giầu có nhất! Thật là đáng buồn khi thuốc chủng ngừa này trở thành sở hữu của quốc gia này hay quốc kia kia, hơn là toàn cầu và cho chung tất cả mọi người" (Bài Giáo Lý Chữa Lành Xã Hội 3 ngày 19/8/2020)  

"Cuộc khủng hoảng chúng ta đang trải qua đây là do dịch bệnh đang ảnh hưởng đến hết mọi người; chúng ta sẽ thoát khỏi nó tốt đẹp hơn nếu tất cả chúng ta đều cùng nhau tìm kiếm công ích; bằng không, chúng ta sẽ thoát ra khỏi nó một cách tệ hơn. Tiếc thay, chúng ta lại thấy các thứ khuynh hướng lợi lộc phe đảng đang xuất hiện. Chẳng hạn, có một số muốn giành lấy các giải quyết khả dĩ cho bản thân mình thôi, như trong trường hợp các thứ thuốc chủng ngừa, để sau đó đem bán chúng cho người khác". (Bài Giáo Lý Chữa Lành Xã Hội 6 ngày 9/9/2020)

Sau khi có thuốc chủng ngừa:

"Chúng ta cũng không thể để vi-rút của chủ nghĩa cá nhân cực đoan chiến thắng chúng ta và khiến chúng ta thờ ơ trước những đau khổ của anh chị em khác. Tôi không thể đặt mình trước người khác, đặt luật thị trường và bằng sáng chế lên trên luật tình yêu và sức khỏe của con người. Tôi kêu gọi tất cả mọi người: các nhà lãnh đạo đất nước, các công ty, các tổ chức quốc tế thúc đẩy hợp tác chứ không phải cạnh tranh và tìm kiếm giải pháp cho tất cả: vắc xin cho tất cả mọi người, đặc biệt cho những người dễ bị tổn thương và thiếu thốn nhất ở tất cả các khu vực trên hành tinh. Đặt những người dễ bị tổn thương và thiếu thốn nhất lên hàng đầu!" (Sứ Điệp Giáng Sinh 25/12/2020)

Tình đoàn kết nhân loại:

Chính vị giáo hoàng này, trong loạt bài Giáo Lý Chữa Lành Xã Hội Mùa Đại Dịch Covid-19 Toàn Cầu, cũng đã vừa cảnh báo vừa kêu gọi về tình đoàn kết nhân loại, nếu không đoàn kết thì càng làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng bởi đại dịch covid-19, nên muốn chống đại dịch và thoát được đại dịch này cần phải đoàn kết lại với nhau:

"Dịch bệnh này đã càng cho thấy hết mọi người đều mềm yếu dễ bị tổn thương và liên kết với nhau ra sao. Nếu chúng ta không chăm sóc cho nhau, bắt đầu từ những người hèn kém nhất, với những con người bị ảnh hưởng nhất, bao gồm cả thiên nhiên vạn vật, chúng ta sẽ không thể nào chữa lành được thế giới này". (Bài Giáo Lý ngày 12/8/2020)

"Bởi thế, việc phản ứng với thứ dịch bệnh này có tính cách nhị diện. Một mặt thì cần phải tìm cách chữa trị thứ vi khuẩn nhỏ bé nhưng kinh hoàng này, thứ vi khuẩn đã bắt cả thế giới phải quì gối xuống. Mặt khác, chúng ta cũng cần phải chữa trị một thứ vi khuẩn to lớn hơn, đó là vi khuẩn bất công xã hội, tình trạng bất bình đẳng về cơ hội, tình trạng tẩy chay loại trừ, và tình trạng không bảo vệ thành phần yếu kém nhất trong xã hội. Trong việc đáp ứng chữa lành nhị diện này có một chọn lựa, theo Phúc Âm, không thể bỏ qua, đó là việc quan tâm hơn đến người nghèo" (Bài Giáo Lý ngày 19/8/2020)

 

 

 

Cảm giác sau khi tiêm vaccine Covid-19

Báo điện tử VNEpress ngày 4/12/2020 

Yasir Batalvi, 24 tuổi, cứng khớp tay sau mũi vaccine Covid-19 đầu tiên. Sau mũi thứ hai, anh bắt đầu sốt, mệt mỏi và lạnh run.

Khi Mỹ tiến gần đến việc cấp phép vaccine Covid-19, nhiều người tự hỏi cảm giác sau khi tiêm vaccine sẽ như thế nào. Nó có giống tiêm phòng cúm không? Hay sẽ đau đớn hơn? Sẽ gặp những tác dụng phụ nào?

Vaccine của Pfizer hợp tác cùng BioNTech, cùng vaccine của Moderna, là hai loại đang được xin để Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cấp phép sử dụng khẩn cấp. Chúng đều sử dụng công nghệ mRNA mới. Chưa có loại vaccine nào được cấp phép ở Mỹ sử dụng công nghệ này, dù các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu nó trong nhiều thập kỷ để chống lại các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh dại và Ziko, thậm chí là một vài loại ung thư.

Vaccine mRNA hoạt động theo cơ chế trao cho cơ thể các chỉ dẫn dưới dạng RNA thông tin, để tạo ra một mẩu nhỏ Sars-CoV-2, cụ thể là protein đột biến. Khi cơ thể chúng ta nhận được những chỉ dẫn này, nó sẽ bắt đầu sản xuất protein đột biến. Điều này sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể, hệ thống sẽ coi protein đột biến là "ngoại lai" và tạo kháng thể chống lại nó. Vì vậy, khi chúng ta nhiễm virus thực sự, cơ thể đã chuẩn bị sẵn sàng để chống lại.

Những loại vaccine này đòi hỏi tiêm hai liều, một mũi đầu để tạo bước thích nghi cho cơ thể, sau đó vài tuần là mũi thứ hai nhằm tăng cường phản ứng. Kết quả nghiên cứu cho thấy vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna đều hiệu quả 95%.

Batalvi mới tốt nghiệp đại học và sống ở Boston. Ban đầu, anh đăng ký thử nghiệm vaccine của Moderna từ đầu tháng 7 vì cảm thấy mình cần làm gì đó để giúp mọi người vượt qua đại dịch.

"Tôi cảm thấy vô cùng bất lực. Đại dịch đã ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của mọi người. Nó không chỉ là cuộc sống, mà còn là sinh kế của họ", Batalvi nói. "Vì vậy tôi đã đăng ký tham gia thử nghiệm thuốc vì muốn làm việc mình đủ sức làm. Tôi không nghĩ rằng mình sẽ được chọn nhưng cuối cùng, tôi đã nhận được điện thoại báo tin vào tháng 9. Tới giữa tháng 10, tôi bắt đầu thử".

Batalvi đã hơi lo lắng khi xắn tay áo lên, nhất là khi được đưa cho tờ giấy dài 22 trang và cần ký tên. Nhưng anh cảm thấy mình đã làm điều hữu ích.

"Tôi nghĩ nCoV đã gây gián đoạn lớn tới cuộc sống của chúng tôi, nên tôi quyết định mình phải làm gì đó, đây là nghĩa vụ công dân", Batalvi nói. "Bởi tôi cho rằng tiêm chủng quy mô lớn là cách thực tế duy nhất để thoát khỏi đại dịch mà chúng ta đang mắc kẹt".

"Ban đầu, mũi tiêm cho cảm giác như tiêm phòng cúm, nó chỉ để lại một vết nhỏ trên cánh tay", anh nhớ lại. "Tôi rời bệnh viện về nhà và tối hôm đó, khớp bắt đầu cứng lại. Tôi chắc chắn vẫn kiểm soát được tình hình nhưng đúng là không muốn giơ tay lên. Tác dụng phụ chỉ mang tính cục bộ, không gây ảnh hưởng lớn và tôi vẫn cảm thấy ổn".

Đó là sau liều đầu tiên. Liều thứ hai lại khác hẳn.

"Tôi thực sự xuất hiện một số triệu chứng khá nghiêm trọng sau liều thứ hai. Lúc mới tiêm xong tôi vẫn ổn khi ở trong viện. Nhưng tối hôm đó thật tồi tệ. Tôi bắt đầu sốt nhẹ, mệt mỏi và ớn lạnh", Batalvi nói. Anh đã rời viện về nhà nhưng thấy mình "sẵn sàng quay lại viện ngày hôm sau".

Batalvi gọi điện cho bác sĩ của chương trình để hỏi về triệu chứng. Họ không hề hoảng hốt và khuyên anh giữ bình tĩnh. Những triệu chứng trên không có nghĩa là bạn nhiễm nCoV do vaccine, mà thực tế, những phản ứng này cho thấy cơ thể đang phản ứng đúng cách.

"Điều này nghĩa là hệ miễn dịch của cậu đang tích cực làm việc. Cậu sẽ sớm khỏe thôi", Tiến sĩ Paul Offit, chuyên gia về vaccine của bệnh viên nhi đồng Philadelphia, nói.

"Không nên ngần ngại quay lại tiêm mũi thứ hai, bởi nó sẽ đặt bạn ở vị thế tốt hơn chống lại loại virus khủng khiếp này, loại đã giết chết hơn 250.000 người và gây ra nhiều biến chứng lâu dài".

Anthony Fauci, nhà dịch tễ học hàng đầu nước Mỹ, cũng nói điều tương tự với Mark Zuckerberg, giám đốc điều hành Facebook, hồi đầu tuần. "Điều mà cơ thể đang nói với bạn qua phản ứng đó rằng nó đang đáp ứng tốt với mũi tiêm", ông nói. "Khi tiêm vaccine, một số người có phản ứng, một số người không".

"Những người khác đau ở cánh tay. Một số có thể vừa đau vừa lạnh tay, giống như cúm và một số ít người bị sốt", ông nói.

Fauci khẳng định "đa số những triệu chứng này đều biến mất trong vòng 24 hoặc nhiều nhất là 48 giờ", nói thêm điều quan trọng là phải trung thực về các tác dụng phụ mà mình thấy xuất hiện.

Cố vấn khoa học Moncef Slaoui, trưởng Chiến dịch Tần tốc, chương trình đẩy mạnh nghiên cứu vaccine và phát triển thuốc Covid-19 của chính phủ Mỹ hợp tác với khối tư nhân, cho biết khoảng 10 - 15% đối tượng tham gia nghiên cứu xuất hiện "tác dụng phụ đáng chú ý" sau khi tiêm.

"Đa số mọi người xuất hiện tác dụng phụ ít chú ý hơn. Tôi cho rằng so sánh với khả năng bảo vệ 95% chống lại căn bệnh nhiễm trùng gây chết người hoặc suy nhược cơ thể, đây là sự cân bằng phù hợp", ông nói.

Không nên nhầm lẫn tác dụng phụ mà Batalvi gặp phải với các vấn đề an toàn. Bất kỳ nhà sản xuất vaccine nào đang muốn FDA cấp phép đều phải trình báo dữ liệu an toàn hai tháng sau khi tiêm liều thứ hai, bởi nhiều thử nghiệm trước đó từng xuất hiện các vấn đề mất an toàn lớn.

Tới nay, cả vaccine của Moderna và Pfizer đều cho kết quả tốt, nhưng chỉ thời gian mới trả lời được câu hỏi liệu có bất kỳ vấn đề mất an toàn nghiêm trọng nào xảy ra trong vài năm tới hay không.

"Dù chúng tôi có thể dự đoán được 90 - 95% tác dụng phụ xảy ra trong vòng hai tháng sau khi hệ thống miễn dịch phản ứng tốt với cả hai loại vaccine, nhưng chúng tôi không có kinh nghiệm biết được một, hai năm sau sẽ như thế nào và chúng ta sẽ phải đi từng bước", Slaoui nói.

 

Nhận định:

 

Đối với tôi, cho đến nay, tôi vẫn thắc mắc về loại vi khuẩn nào được sử dụng để chích ngừa cho chúng ta, có phải là chính loại vi khuẩn corona gây đại dịch covid-19 hay chăng, hoặc một vi khuẩn nào tương tự. Theo tôi, cho tới nay, nếu khoa học vẫn chưa nắm bắt được hết chân tướng của vi khuẩn corona thì làm sao có thể chống lại nó hay ngừa nó. Mà muốn phòng chống nó bằng các thứ thuốc chủng thì các người được chích ngừa phải được chính vào thân thể chính loại vi khuẩn corona gây đại dịch covid-19 mới có thể ngừa nó. Như trường hợp chính ngừa cúm cũng thế, nếu không chính đúng loại vi khuẩn có thể bị tấn công thì vẫn bị cúm như thường, như trường hợp của tôi vào năm 2015, lần đầu tiên chính ngừa cúm lại là lần bị cúm, trong khi đó các năm khác không chích thì chẳng sao.

 

Bởi thế, trong bản tin trên, ngoài những chi tiết về cảm giác hay triệu chứng nơi tình nguyện viên được chủng ngừa đáng chú ý và nên biết, thì câu quan trọng nhất và đáng chú ý nhất trong bản tin này đối với tôi đó là câu: "Vaccine mRNA hoạt động theo cơ chế trao cho cơ thể các chỉ dẫn dưới dạng RNA thông tin, để tạo ra một mẩu nhỏ Sars-CoV-2, cụ thể là protein đột biến. Khi cơ thể chúng ta nhận được những chỉ dẫn này, nó sẽ bắt đầu sản xuất protein đột biến. Điều này sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể, hệ thống sẽ coi protein đột biến là 'ngoại lai' và tạo kháng thể chống lại nó. Vì vậy, khi chúng ta nhiễm virus thực sự, cơ thể đã chuẩn bị sẵn sàng để chống lại".

 

Trước hết, cần phải xác định nguyên ngữ và nguyên nghĩa của hai cụm chữ vắn tắt về kỹ thuật y khoa là "mRNA" và "Sars-CoV-2", như chúng ta đa số đã biết cụm chữ tắt "covid-19" ra sao:

 

"mRNA" là cụm chữ thay cho "messenger RNA", và riêng cụm chữ hoa RNA là cụm từ của "ribonucleic acid", và nếu ghép chung lại với nhau thì cụm chữ "mRNA" là "messenger ribonucleic acid", có nghĩa là một chất liệu di truyền vốn chất chứa những chỉ dẫn để tế bào trong cơ thể con người có thể làm ra chất đạm (protein) hợp với đúng chất đạm của thứ vi khuẩn gây lây nhiễm, như covid-19. 

 

Với chất đạm, do tế bào con người được chích mRNA và nhờ mRNA chỉ dẫn tạo ra ấy, khi cơ thể người được chich mRNA bị nhiễm covid-19 liền nhận ra ngay kẻ thù nguy tử đã đột nhập vào cơ thể của mình, liền biến mRNA thành các mảnh vụn vô hại như các chất kháng thể, để chống lại vi khuẩn dịch bệnh mà bảo vệ bản thân khỏi nhiễm và khỏi chết. Bởi vậy chất "mRNA" được chích vào cơ thể là để giúp cho tế bào trong cơ thể con người được chích ấy, có thể nhờ nó hướng dẫn mà tạo nên các thứ chất đạm nằm trên bề mặt của "Sars-CoV-2" gây nhiễm covid-19. Vậy cụm chữ tắt "Sars-CoV-2" thay cho những chữ nào và có nghĩa là gì?

 

"Sars-CoV-2" là cụm chữ tắt thay cho cụm từ "severe acute respiratory syndrome coronavirus 2", tức là "hội chứng khó thở trầm trọng vi khuẩn corona 2", một tên gọi cho một luồng vi khuẩn corona mới, một tên gọi đã được Cơ Quan Y Tế Thế Giới của Liên Hiệp Quốc chính thức hóa vào ngày 11/2/2020, vắn gọn hơn là "covid-19", thay cho "Coronavirus disease 2019", nghĩa là "chứng bệnh vi khuẩn corona 2019".

 

Và sở dĩ trong tên gọi "covid-19" được bắt nguồn từ tên gọi "Sars-CoV-2" là vì "covid-19", về di truyền, có liên hệ tới vi khuẩn corona năm 2003 được gọi là SARS, nhưng khác với vi khuẩn corona của dịch bệnh SARS 2003, về cả tên gọi, ở chỗ, dịch bệnh SARS 2003 được gọi là "SARS-CoV" thôi, trong khi covid-19 thêm số 2 nữa thành "Sars-CoV-2", vì dịch bệnh 2003 và 2019 đều do vi khuẩn corona, nhưng đại dịch covid-19 là lần thứ 2.

 

"Sars-CoV-2", trước hết, thuộc về một luồng vi khuẩn corona mới, nhưng các vi khuẩn corona khác, không phải là chính "Sars-CoV-2", thường chỉ gây ra những chứng bệnh nhẹ hay vừa ở ngăn phổi phía trên, còn "Sars-CoV-2" lại gây ra chứng khó thở trầm trọng đến nỗi chết được, vì thế các chuyên gia có thẩm quyền của cơ quan y tế thế giới mới gọi nó là "hội chứng khó thở trầm trọng vi khuẩn corona 2".

 

Đến đây, qua những tìm hiểu kỹ lưỡng trên, tôi vẫn thấy vấn nạn về loại vi khuẩn nào được chích vào người để có thể chống lại được với covid-19 mà tôi đã đặt ra vẫn chưa được hoàn toàn giải quyết. Bởi vì chất được chích vào cơ thể con người muốn phòng chống covid-19 là mRNA, để nhờ chất này tế bào trong cơ thể làm ra chất đạm như chất đạm nằm trên bề mặt của "Sars-CoV-2".

 

Trong khi đó, khoa học chỉ biết được covid-19 gây ra bởi thứ vi khuẩn corona mới, và thứ vi khuẩn corona mới này cùng một luồng vi khuẩn corona tương tự như vi khuẩn corona gây ra dịch bệnh SARS-CoV" 2003 thôi. Vậy thì nếu mRNA chỉ dẫn tế bào trong cơ thể người được chích ngừa tạo ra thứ vi khuẩn corona gây ra dịch bệnh SARS-CoV 2003 thì làm sao có khả năng chống lại với chính covid-19, thứ vi khuẩn corona trầm trọng hơn, nguy hiểm hơn và đột biến hơn các thứ vi khuẩn corona trong luồng vi khuẩn tương tự với nó, hay xuất hiện trước nó, như nó đang tung hoành khắp thế giới từ đầu năm 2020 tới nay, càng ngày càng làm cho con người trở nên chẳng những khó thở đến tắt thở về thể lý, mà còn ngạt thở và chết ngạt về tâm thần nữa.

 

 

(Xin theo dõi tiếp phần 4)