SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO
Phụng Vụ Giờ Kinh
Muôn lạy Chúa Ba Ngôi cực thánh,
Chúa tài tình thống lãnh thời gian,
Cho người suốt buổi làm ăn,
Đêm về trọn giấc yên hàn nghỉ ngơi.
Kinh cầu nguyện, ngàn lời con hát,
Thoả nhường bao, bát ngát trời mây !
Ngày qua rồi lại đến ngày
Sống đời vinh hiển sum vầy cùng Cha.
Trước bệ rồng, thiết tha quỳ lạy,
Thần dân Ngài hết thảy nài van
Được cùng chư thánh thiên đàng
Tưng bừng góp tiếng hoà vang nguyện cầu.
Đoàn con cái khấu đầu phủ phục
Dâng những lời hoan chúc hiển vinh :
Ba Ngôi một Chúa nhân lành,
Muôn ngàn phước cả uy linh vô cùng.
Ánh sáng, ánh hào quang và ân sủng
trong Chúa Ba Ngôi và bởi Chúa Ba Ngôi
Trích thư của thánh A-tha-na-xi-ô, giám mục.
Không phải là điều viển vông nếu chúng ta nghiên cứu truyền thống cổ xưa, giáo lý và đức tin của Hội Thánh Công Giáo, đức tin mà Chúa đã trao ban, các Tông Đồ đã rao giảng và các giáo phụ đã duy trì. Thật vậy, Hội Thánh được xây dựng trên nền tảng đức tin đó, đức tin mà hễ ai lạc xa thì không phải và không còn lý do gì để được gọi là Ki-tô hữu nữa.
Chúa Ba Ngôi chí thánh và toàn thiện, được nhận biết nơi Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, không có gì xa lạ hay ở bên ngoài pha lẫn vào, không phải do Tạo Hoá và thụ tạo hợp lại mà thành, nhưng hoàn toàn có quyền năng sáng tạo và hình thành, đồng nhất với chính mình, bất khả phân xét về bản tính, duy nhất xét về hiệu quả và hành động. Thật vậy, Chúa Cha làm ra mọi sự nhờ Ngôi Lời trong Chúa Thánh Thần ; và theo cách đó, sự duy nhất của Ba Ngôi vẫn được bảo toàn. Như thế, chỉ có một Thiên Chúa duy nhất được rao giảng trong Hội Thánh ; Người là Đấng ở trên mọi sự, qua mọi sự và trong mọi sự. Trên mọi sự vì Chúa Cha là nguyên lý và là nguồn mạch ; qua mọi sự vì phải qua Ngôi Lời ; và trong mọi sự vì trong Chúa Thánh Thần.
Khi viết cho các tín hữu Cô-rin-tô về các ơn thiêng liêng, thánh Phao-lô đã quy mọi sự về một Thiên Chúa duy nhất là Cha như về một đầu duy nhất, bằng lời lẽ sau đây : Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí ; có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa ; có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người.
Quả thật, các ơn mà Chúa Thánh Thần phân phát cho từng người, đều do Chúa Cha ban cho qua Ngôi Lời. Vì mọi sự của Chúa Cha cũng là của Chúa Con : và như vậy, các ơn được Chúa Con ban trong Chúa Thánh Thần cũng thật là các ơn của Chúa Cha. Tương tự như thế, khi Chúa Thánh Thần ở trong chúng ta, thì Ngôi Lời, Đấng cho chúng ta được lãnh nhận Chúa Thánh Thần, cũng ở trong chúng ta, mà trong Ngôi Lời có cả Chúa Cha nữa, đúng như lời sau đây : Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Quả vậy, ở đâu có ánh sáng, ở đó cũng có ánh hào quang ; và ở đâu có ánh hào quang, ở đó có hiệu năng và ân sủng rạng ngời.
Thánh Phao-lô cũng dạy chính điều đó trong thư thứ hai gửi tín hữu Cô-rin-tô như sau : Cầu chúc anh em được đầy tràn ân sủng của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, đầy tình thương của Thiên Chúa và ơn hiệp thông của Thánh Thần. Thật vậy, ân sủng và ân huệ được ban trong Chúa Ba Ngôi thì được ban do Chúa Cha, qua Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần. Cũng như ân sủng được Chúa Cha ban qua Chúa Con thì ơn được thông hiệp vào các ân huệ cũng được ban cho chúng ta chỉ trong Chúa Thánh Thần mà thôi. Và có thông dự vào Thánh Thần, chúng ta mới có tình thương của Chúa Cha, ân sủng của Chúa Con và sự hiệp thông của Chúa Thánh Thần.
Sấp mình lạy Ba Ngôi một Chúa,
Ánh thiều quang muôn thuở sáng soi,
Phận hèn dâng kính Chúa Trời
Câu ca điệu hát với đôi lời cầu.
Lòng tin kính trước sau chẳng đổi :
Chúa là Cha tuyệt đối quang vinh,
Ngôi Hai Con Một hiển linh,
Thánh Thần do bởi mối tình cha con.
Ôi chân lý, ôi lòng ái tuất,
Chính Ngài là phước thật vô biên ;
Nay tin cậy mến trung kiên,
Mai lên gặp Chúa thoả niềm ước mong !
Ôi cứu cánh, ôi nguồn sinh lực,
Tác tạo nên muôn vật muôn loài ;
Thuỷ chung chỉ có mình Ngài,
Ủi an nâng đỡ những ai tín thành !
Mọi sự đều phát sinh bởi Chúa,
Được Ngài ban no thoả niềm vui,
Thánh Nhan toả ánh rạng ngời,
Ấy là phần thưởng cho người cậy trông.
Cùng chạy đến tình thương Thánh Phụ,
Và nguyện xin Thánh Tử Thánh Thần,
Câu kinh hoà tiếng thở than,
Dám mong lượng cả từ nhân đáp lời.
Chúng ta hãy tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi và cùng nhau dâng lời tôn vinh chúc tụng :
Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con,
cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa.
Lạy Cha chí thánh, chúng con là những kẻ yếu hèn, không biết phải cầu nguyện thế nào cho xứng, - xin cử Thánh Thần đến trợ giúp và cầu nguyện thay cho chúng con.
Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con,
cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã cầu xin Chúa Cha cử Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ đến với Hội Thánh, - xin thương để Thánh Thần ở lại với chúng con mãi mãi.
Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con,
cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến giúp chúng con sống bác ái, hiền hoà, - và ăn ở sao cho trung thành, khiêm tốn, tiết độ và thanh khiết.
Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con,
cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa.
Lạy Cha toàn năng, Cha đã cử Thánh Thần của Đức Ki-tô đến, để Người dạy chúng con gọi Cha là Cha, - xin cho chúng con là nghĩa tử cũng được đồng thừa kế với Đức Ki-tô.
Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con,
cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa.
Lạy Chúa Ki-tô, sau khi lên ngự bên hữu Chúa Cha, Chúa đã cử Thánh Thần đến làm chứng về Chúa, - xin cho chúng con cũng biết làm chứng cho Chúa trước mặt mọi người.
Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con,
cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa.
Lời ca hát, nguyện dâng lên Thánh Phụ,
Vì công trình sáng tạo Chúa làm nên,
Là bài thơ xưng tụng Đấng nhân hiền :
Ôi hùng vĩ, công trình Ngôi Thánh Phụ !
Lời khen ngợi, lòng trào dâng Thánh Tử,
Thập giá Ngài giải thoát mọi sinh linh.
Hy lễ đây cứu sống cả tạo thành :
Quảng đại quá, hy lễ Ngôi Thánh Tử !
Lời vinh tụng, kính mừng Thần Khí Chúa,
Ngài xướng lên qua điệu hát cộng đoàn,
Khúc ân tình vang dội khắp trần gian,
Ôi huyền diệu, ân tình Thần Khí Chúa !
Dâng điệu hát, dâng cung đàn muôn thuở
Cho trọn niềm con thảo với Chúa Cha,
Với Chúa Con : tình huynh đệ mặn mà,
Và Thần Khí : lửa mến yêu tha thiết.
Chúa Cha đã dùng quyền năng Chúa Thánh Thần mà làm cho Con Một Người là Đức Ki-tô sống lại, và trở nên nguồn sống cho chúng ta. Vậy ta hãy dâng lời tôn vinh chúc tụng :
Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con, cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa.
Lạy Cha là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, xin cử Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ, đến cùng Hội Thánh, - để Người nhân danh Đức Ki-tô mà làm cho Hội Thánh luôn luôn hợp nhất trong tình thương và chân lý vẹn toàn.
Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con, cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa.
Xin sai nhiều sứ giả Tin Mừng đến với muôn dân, để giảng dạy và làm phép rửa nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, - và để củng cố đức tin cho họ.
Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con, cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa.
Xin cử Thánh Thần đến trợ giúp những ai chịu thử thách vì danh Đức Ki-tô, - và soi sáng để họ biết làm chứng cho sự thật.
Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con, cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa.
Xin cho mọi người nhận biết Cha cùng với Ngôi Lời và Thánh Thần chỉ là một Thiên Chúa, - để họ tin kính, cậy trông và yêu mến Chúa Ba Ngôi.
Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con, cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa.
Cha là Thiên Chúa của kẻ sống, xin cho những người đã chết được sống lại, - và muôn đời chung hưởng phúc vinh quang.
Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con, cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa.
Lạy Thiên Chúa là Cha chúng con, Chúa đã sai Con Một là Lời Chân Lý và sai Thánh Thần, Đấng thánh hoá muôn loài đến trần gian mặc khải cho chúng con biết mầu nhiệm cao vời của Chúa, xin cho chúng con hằng tuyên xưng đức tin chân thật là nhận biết và tôn thờ một Thiên Chúa Ba Ngôi uy quyền vinh hiển. Chúng con cầu xin
Chúa Nhật sau Lễ Hiện Xuống
Lễ Chúa Ba Ngôi Năm A
Bài Ðọc I: Xh 34, 4b-6. 8-9
"Thiên Chúa là Ðấng thống trị, từ bi và nhân hậu".
Trích sách Xuất Hành.
Ngày ấy, từ sáng sớm, Môsê chỗi dậy và lên núi Sinai, như Chúa đã truyền dạy cho ông, ông mang theo hai bia đá. Khi Thiên Chúa ngự trên đám mây, Môsê đứng trước mặt Chúa và kêu cầu danh Chúa.
Chúa đi qua trước mặt ông và hô: "Ðức Chúa! Ðức Chúa! Thiên Chúa thương xót và từ nhân, bao dung, đầy nhân nghĩa và tín thành". Môsê vội vã sấp mình xuống đất thờ lạy và thưa rằng: "Lạy Chúa, nếu con có ơn nghĩa trước nhan thánh Chúa, thì xin Chúa hãy đi cùng với chúng con, (vì dân này là dân cứng đầu), xin xoá mọi gian ác và tội lỗi chúng con, xin nhận chúng con làm cơ nghiệp của Chúa".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Ðn 3, 52. 53. 54. 55. 56
Ðáp: Chúa đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời (c. 52b).
Xướng: 1) Lạy Chúa là Thiên Chúa cha ông chúng con, Chúa đáng chúc tụng, đáng ca ngợi, tôn vinh và tán tụng muôn đời. Chúc tụng thánh danh vinh quang Chúa, đáng ca ngợi, tôn vinh và tán tụng muôn đời. - Ðáp.
2) Chúa đáng chúc tụng trong đền thánh vinh quang Chúa, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời. - Ðáp.
3) Chúc tụng Chúa ngự trên ngai vương quyền Chúa, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời. - Ðáp.
4) Chúc tụng Chúa, Ðấng nhìn thấu vực thẳm và ngự trên các Thần Vệ Binh, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời. - Ðáp.
5) Chúc tụng Chúa ngự trên bầu trời, đáng ca ngợi và tôn vinh muôn đời. - Ðáp.
Bài Ðọc II: 2 Cr 13, 11-13
"Ân sủng của Ðức Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần".
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.
Anh em thân mến, anh em hãy vui lên, hãy nên trọn lành, hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí, và hoà thuận với nhau, thì Thiên Chúa, nguồn sự bình an và tình yêu, sẽ ở với anh em. Anh em hãy chào nhau bằng cái hôn thánh thiện. Tất cả các thánh ở đây gởi lời chào anh em. Nguyện xin ân sủng Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và tình yêu của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh em. Amen.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Kh 1, 8
Alleluia, alleluia! - Sáng danh Ðức Chúa Cha, và Ðức Chúa Con, và Ðức Chúa Thánh Thần; sáng danh Thiên Chúa Ðấng đang có, đã có và sẽ đến. - Alleluia.
Phúc Âm: Ga 3, 16-18
"Thiên Chúa đã sai Chúa Con đến để thế gian nhờ Người mà được cứu độ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để tất cả những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy, thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa".
Ðó là lời Chúa.
Lễ Chúa Ba Ngôi Năm B
Bài Ðọc I: Ðnl 4, 32-34. 39-40
"Chính Chúa là Thiên Chúa, chớ không có Chúa nào khác".
Trích sách Ðệ Nhị Luật.
Ông Môsê nói cùng dân chúng rằng: "Các ngươi hãy tìm hiểu những thời xa xưa trước kia, từ khi Thiên Chúa tác thành con người trên mặt đất, từ chân trời này đến chân trời nọ, có bao giờ xảy ra một việc vĩ đại như thế này chăng? Có bao giờ người ta đã nghe thấy những việc lạ lùng như vậy chăng? Có bao giờ một dân tộc đã nghe lời Thiên Chúa từ trong lửa phán ra như các ngươi đã nghe mà còn sống chăng? Có bao giờ Chúa đã dùng sự thử thách, dấu chỉ, điềm lạ, chiến tranh, cánh tay quyền năng mạnh mẽ và những thị kiến khủng khiếp, để chọn lấy cho mình một dân tộc giữa các dân tộc khác, như Chúa là Thiên Chúa các ngươi đã làm tất cả các điều đó trước mặt các ngươi trong đất Ai-cập chăng? Vậy hôm nay các ngươi hãy nhận biết và suy niệm trong lòng rằng: Trên trời dưới đất, chính Chúa là Thiên Chúa, chớ không có Chúa nào khác. Hãy tuân giữ các lề luật và giới răn mà hôm nay chính ta truyền dạy cho các ngươi, hầu cho các ngươi và con cháu mai sau được hạnh phúc và tồn tại trên phần đất mà Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho các ngươi".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 32, 4-5. 6 và 9. 18-19. 20 và 22
Ðáp: Phúc thay dân tộc mà Chúa chọn làm cơ nghiệp riêng mình (c. 12b).
Xướng: 1) Vì lời Chúa là lời chân chính, bao việc Ngài làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu chuộng điều công minh chính trực, địa cầu đầy ân sủng Chúa. - Ðáp.
2) Do lời Chúa mà trời xanh được tạo thành, và mọi cơ binh chúng đều do hơi thở miệng Ngài. Vì chính Ngài phán dạy mà chúng được tạo thành, chính Ngài ra lệnh mà chúng trở nên thực hữu. - Ðáp.
3) Kìa Chúa để mắt coi những kẻ kính sợ Ngài, nhìn xem những ai cậy trông ân sủng của Ngài, để cứu gỡ họ khỏi tay thần chết, và nuôi dưỡng họ trong cảnh cơ hàn. - Ðáp.
4) Linh hồn chúng con mong đợi Chúa, chính Ngài là Ðấng phù trợ và che chở chúng con. Lạy Chúa, xin đổ lòng từ bi xuống trên chúng con, theo như chúng con tin cậy ở nơi Ngài. - Ðáp.
Bài Ðọc II: Rm 8, 14-17
"Anh em đã nhận tinh thần nghĩa tử; trong tinh thần ấy, chúng ta kêu lên rằng: Abba, lạy Cha!".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, ai sống theo Thánh Thần Thiên Chúa, thì là con cái Thiên Chúa. Vì không phải anh em đã nhận tinh thần nô lệ trong sợ hãi nữa, nhưng đã nhận tinh thần nghĩa tử; trong tinh thần ấy, chúng ta kêu lên rằng: "Abba - lạy Cha!" Vì chính Thánh Thần đã làm chứng cho tâm trí chúng ta rằng: Chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy nếu là con cái, thì cũng là những người thừa tự, nghĩa là thừa tự của Thiên Chúa, và đồng thừa tự với Ðức Kitô: vì chúng ta đồng chịu đau khổ với Người, để rồi chúng ta sẽ cùng hưởng vinh quang với Người.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Kh 1, 8
Alleluia, alleluia! - Sáng danh Ðức Chúa Cha, và Ðức Chúa Con, và Ðức Chúa Thánh Thần; sáng danh Thiên Chúa, Ðấng đang có, đã có và sẽ đến. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 28, 16-20
"Làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần".
Bài kết thúc Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi. Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: "Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần; giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế".
Ðó là lời Chúa.
Lễ Chúa Ba Ngôi Năm C
Bài Ðọc I: Cn 8, 22-31
"Khi địa cầu chưa sinh nở, sự khôn ngoan đã được sinh thành".
Trích sách Châm Ngôn.
Ðây sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa phán: "Chúa đã tạo thành nên ta là đầu sự việc của Người, trước cả những sự việc Người đã làm rất xa xưa. Ta đã được thiết lập tự thuở đời đời, ngay tự đầu tiên, khi địa cầu chưa sinh nở. Ta đã được sinh thành khi chưa có vực sâu, khi chưa từng có những dòng suối nước. Trước khi Chúa củng cố những ngọn núi cao, trước khi có những quả đồi, ta đã sinh ra rồi. Khi Người chưa tạo tác địa cầu, đồng ruộng, cũng chưa tạo nên hạt bụi đầu tiên của cõi trần ai. Khi Người xếp đặt muôn cõi trời, có ta ở đó, khi Người vạch ra vòng đai trên mặt vực sâu, khi Người định chỗ cho mây trời trên cõi cao xa, và những suối nước tự vực sâu vọt lên mạnh mẽ, khi Người đặt cương giới cho biển cả để nước đừng có vượt quá cõi bờ, khi Người đặt nền tảng cho trái đất, bấy giờ ta làm việc ở sát bên Người. Và mọi ngày ta làm cho Người sung sướng, luôn luôn nhàn du ở trước nhan Người. Ta nhàn du trên quả địa cầu, và gặp thấy hạnh phúc ở giữa con cái loài người".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 8, 4-5. 6-7. 8-9
Ðáp: Lạy Chúa, lạy Chúa chúng con, lạ lùng thay danh Chúa khắp nơi hoàn cầu (c. 2a).
Xướng: 1) Khi con ngắm cõi trời, công cuộc tay Chúa tạo ra, vầng trăng và muôn tinh tú mà Chúa gầy dựng, thì nhân loại là chi mà Chúa nhớ tới? con người là chi mà Chúa để ý chăm nom? - Ðáp.
2) Chúa dựng nên con người kém thiên thần một chút, Chúa trang sức con người bằng danh dự với vinh quang; Chúa ban cho quyền hành trên công cuộc tay Ngài sáng tạo, Chúa đặt muôn vật dưới chân con người. - Ðáp.
3) Nào chiên, nào bò, thôi thì tất cả, cho tới những muông thú ở đồng hoang, chim trời với cá đại dương, những gì lội khắp nẻo đường biển khơi. - Ðáp.
Bài Ðọc II: Rm 5, 1-5
"Thánh Thần ban cho chúng ta lòng mến Chúa".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, khi được đức tin công chính hoá, chúng ta được bình an trong Chúa nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Ðấng cho chúng ta dùng đức tin mà tiến đến ân sủng, và đứng vững ở đó, và được hiển vinh trong niềm hy vọng vinh quang của con cái Chúa. Không những thế, chúng ta còn được vinh hiển trong gian nan, khi biết rằng gian nan rèn nhẫn nại, nhẫn nại rèn nhân đức, còn nhân đức rèn cậy trông. Nhưng cậy trông không đưa đến thất vọng, vì lòng mến Chúa được Thánh Thần, Ðấng ban cho chúng ta, đổ xuống lòng chúng ta.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Kh 1, 8
Alleluia, alleluia! - Sáng danh Ðức Chúa Cha, và Ðức Chúa Con, và Ðức Chúa Thánh Thần; sáng danh Thiên Chúa, Ðấng đang có, đã có và sẽ đến. - Alleluia.
Phúc Âm: Ga 16, 12-15
"Tất cả những gì Cha có, đều là của Thầy; Thánh Thần sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể lĩnh hội được. Khi Thần Chân lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật, vì Người không tự mình mà nói, nhưng Người nghe gì thì sẽ nói vậy, và Người sẽ bảo cho các con biết những việc tương lai. Người sẽ làm vinh danh Thầy, vì Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con. Tất cả những gì Cha có đều là của Thầy, vì thế Thầy đã nói: Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con".
Ðó là lời Chúa.
Thiên Chúa Ngôi Con bởi Thiên Chúa Ngôi Cha - "được sinh ra mà không phải được tạo thành, đồng bản thể với Đức Chúa Cha" (Kinh Tin Kính của Công Đồng Chung Nicea và Constantinople cho cả Giáo Hội Chính Thống Giáo và Giáo Hội Công Giáo), và Thiên Chúa Ngôi Ba là Thánh Thần "bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra" (Kinh Tin Kính của Giáo Hội Công Giáo).
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi chính yếu là một Thực Tại Hiệp Thông Thần Linh, bao gồm 2 yếu tố chính yếu bất khả thiếu và bất khả phân ly: thứ nhất là bởi nhau mà ra chứ không phải từ ngoài; thứ hai là đồng bản thể với nhau và như nhau, chứ không khác biệt, có khác biệt là ở Ngôi Vị, ám chỉ tính cách hay sứ vụ đối ngoại của Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất. Riêng về chi tiết "đồng bản thể", yếu tố nội tại nơi Vị Thiên Chúa duy nhất ở đây có thể hiểu như Tấm Bánh Thánh Thể được bẻ ra làm 3 miếng (biểu hiệu cho Ba Ngôi Thiên Chúa: miếng lớn (tiêu biểu Ngôi Cha), miếng vừa (tiêu biểu cho Ngôi Con) và miếng nhỏ (tiêu biểu cho Ngôi Ba), nhưng miếng nào cũng là Thánh Thể vì miếng nào cũng là bản thể Thánh Thể.
Mầu Nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa thật ra đã được mạc khải lờ mờ trong Thánh Kinh Cựu Ước rồi. Chẳng hạn như khi Thiên Chúa dựng nên loài người thì Ngài đã sử dụng chữ "chúng ta": "Chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh của chúng ta và tương tự như chúng ta" (Khởi Nguyên 1:26-27). Cũng trong Thánh Kinh Cựu Ước, Ba Ngôi Thiên Chúa cũng tỏ mình ra nơi cuộc thần hiển ở bụi gai bốc cháy mà không bị thiêu rụi (xem Xuất Hành 3:2): bụi gai hữu hình đây ám chỉ Chúa Kitô khổ nạn, lửa thiêu đây ám chỉ Thánh Linh, như khi Ngài lấy hình lưỡi lửa hiện xuống trên đầu các vị tông đồ trong Ngày Lễ Ngũ Tuần, Đấng làm cho Chúa Kitô tử giá phục sinh, và tiếng nói phát ra từ bụi gai đây ám chỉ Ngôi Cha.
Chúng ta cũng có thể chiêm ngắm mầu Nhiệm Ba
Ngôi nơi hai nguyên tổ của loài người chúng ta, cũng như nơi Mẹ Maria là Đệ Nhất Tạo Vật về Ân Sủng, và
cả ở nơi các thứ khoa học của loài người, như hữu thể học, ngôn ngữ học và vật lý học.
Mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa nơi hai nguyên tổ của loài người chúng ta, đó là Thiên Chúa dựng nên chỉ có 1 con người đầu tiên duy nhất, và từ con người đầu tiên duy nhất này mới có con người thứ hai, xuất phát từ con người đầu tiên duy nhất ấy và đồng bản chất với nhau, (chứ không phải từ bùn đất), và tình yêu hiệp thông nên một đã tự nhiên xuất phát từ con người đầu tiên duy nhất này với con người từ mình mà ra ấy, để cả hai hiệp nhất nên một với nhau ở chỗ nhận biết nhau.
Mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa nơi Mẹ Maria là Đệ Nhất Tạo Vật về Ân Sủng đó là chỉ có một con người Đức Maria duy nhất, nhưng con người đầy ơn phúc duy nhất này mang tính cách hay đóng cả 3 vai trò: làm con Ngôi Cha, làm mẹ Ngôi Con và làm bạn Ngôi Ba. Tính cách hay vai trò nơi Mẹ Maria vừa làm con, làm mẹ và làm bạn của Thiên Chúa đây tiêu biểu cho sứ vụ của từng Ngôi Vị trong Ba Ngôi Thiên Chúa.
Mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa cũng có thể được thể hiện một phần nào nơi các khoa học của loài người, vì các khoa học này có thể được hiểu là như những dụ ngôn ám chỉ một mầu nhiệm nội tại siêu việt, nhất là nơi khoa hữu thể học, tâm lý học, vật lý học và toán học.
Nơi hữu thể học: trước hết về hữu thể, theo tâm lý con người bao gồm "cái tôi" là chủ thể (tiêu biểu cho Ngôi Cha), "bản thân" tôi (là chính tôi - tiêu biểu cho Chúa Con "là hình ảnh Thiên Chúa vô hình" - Colose 1:15), và "tâm linh" tôi (nhận biết chính bản thân minh và gắn bó bất khả phân ly với bản thân mình - tiêu biểu cho Thánh Thần là Đấng "thấu suốt mọi sự nơi Thiên Chúa" - 1Corinto 2:10); sau nữa về hiện hữu, trong đời sống, con người có thể hiện hữu ở 3 thể thức khác nhau: thể tĩnh (tiêu biểu Chúa Cha trên trời), thể hiện (tiêu biểu Lời Nhập Thể) và thể động (tiêu biểu cho Thánh Linh: "Gió muốn thổi đâu thì thổi" - Gioan 3:8).
Nơi ngôn ngữ học: ngôn ngữ bao gồm 3 yếu tố nhưng chỉ là một đó là ý nói (biểu hiệu cho Chúa Cha liên quan đến ý định của Ngài, một ý định được tỏ ra) ở nơi lời nói ra, lời nói diễn tả ý tưởng chất chứa bên trong (biểu hiệu cho "Lời đã hóa thành nhục thể... để tỏ Cha ra" - Gioan 1:14,18), và tiếng nói để phát biểu lời nói theo ý tưởng muốn nói nghĩa là cố ý nói (biểu hiệu cho Thánh Thần là Thần Chân Lý tác động mọi sự nơi Chúa Kitô theo đúng như ý Cha, Đấng đã sai Người, và "tiếng nói", biểu hiệu Thánh Thần) mới làm cho người ta nghe được "lời nói", biểu hiệu cho Chúa Kitô, mà làm theo ý muốn nói, tiêu biểu cho Chúa Cha).
Nơi vật lý học: trước hết là nước ở cả 3 thể (biểu hiệu cho 3 Ngôi Vị) khác nhau, bao gồm thế lỏng, thể đặc (tiêu biểu cho Lời hóa thành nhục thể hữu hình) và thể khí (tiêu biểu cho Thánh Linh, cho Thần Khí), nhưng thể nào cũng chỉ là nước và từ nước .... Sau nữa, là ánh sáng (tiêu biểu cho Chúa Cha) nhưng lại vừa chiếu soi (biểu hiệu cho Chúa Giêsu Kitô là mạc khải thần linh của Chúa Cha: "tỏ Cha ra" - Gioan 1:18) lại vừa nung nóng (tiêu biểu cho Thánh Thần, như hai môn đệ về Emmau cảm thấy "lòng nóng lên" khi nghe Lời Chúa từ Vị Khách lạ đồng hành - Luca 24:32)
Nơi toán học: Thiên Chúa duy nhất nhưng có 3
Ngôi Vị khác nhau liên quan đến tính cách hay sứ vụ đối ngoại của từng Ngôi
Vị, nhưng vẫn chỉ là một Thiên Chúa Duy Nhất đồng bản thể với nhau và
như nhau, chứ không phải
là 3 Thiên Chúa, như
1 x 1 x 1 = 1, chứ không phải 1 + 1 + 1 = 3. Toán "Nhân" đây ám chỉ mối hiệp
thông nên một, như trường hợp Chúa Giêsu là Con của Chúa Cha, còn toán
"cộng" đây ám chỉ thông phần, như con người được thông phần vào bản tính của
Thiên Chúa khi lãnh nhận Phép Rửa.
Sau Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, tột đỉnh của Mùa Phục Sinh, đồng thời cũng mở màn cho Mùa Thường Niên sau Mùa Phục Sinh, bởi thế, chủ đề "sự sống" vẫn tiếp tục trong Mùa Thường Niên sau Mùa Phục Sinh này. Đó là lý do, liên tục sau Đại Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là các Lễ Trọng, được Giáo Hội cử hành hầu hết vào Chúa Nhật, liên quan đến "sự sống": Lễ Chúa Ba Ngôi - thực tại sự sống, Lễ Mình Thánh Máu Thánh Chúa Kitô - bí tích sự sống; Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu - nguồn mạch sự sống.
Cho dù Mầu Nhiệm Vượt Qua nói chung và Mầu Nhiệm Phục Sinh nói riêng có quan trọng nhất trong tất cả Mầu Nhiệm Kitô giáo, nhưng Mầu Nhiệm Ba Ngôi mới là mầu Nhiệm cao trọng nhất, một mầu nhiệm vừa là nguồn mạch vừa là tột đỉnh của Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô. Nghĩa là, Vị Thiên Chúa chân thật duy nhất đã tỏ mình ta trong Lịch sử Cứu độ của dân Do Thái ấy cũng chính là Vị Thiên Chúa có Ba Ngôi là Cha và Con và Thánh Thần, Đấng muốn cho tất cả loài người do Ngài dựng nên "được cứu độ và nhận biết chân lý" (1Timothêu 2:4), nghĩa là được hiệp thông thần linh với Ngài nơi Con của Ngài là Đấng "cứu độ" họ và bởi Thánh Thần là Đấng được Con từ Cha sai đến giúp họ "nhận biết chân lý" mà được sống!
Trước Mầu Nhiệm Ba Ngôi vô cùng cao trọng này, chúng ta không thể nào không long trọng dọn mừng với đầy ý thức đức tin và cảm nghiệm thần linh, như được gợi ý ở tài liệu sau dây: