SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO



Chia Sẻ Phụng Vụ Lời Chúa 
Mùa Thường Niên Tuần II Năm B và Năm Lẻ
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

Chúa Nhật

 


Phụng Vụ Lời Chúa


Bài Ðọc I: 1 Sm 3, 3b-10. 19

"Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe".

Trích sách Samuel quyển thứ nhất.

Ngày ấy, Samuel ngủ trong đền thờ Chúa, nơi đặt Hòm Bia Thiên Chúa. Chúa đã gọi Samuel; cậu trả lời: "Này con đây", rồi chạy đến Hêli và nói: "Này con đây, vì thầy gọi con". Hêli trả lời: "Ta đâu có gọi, hãy trở về ngủ đi". Samuel đi ngủ lại. Nhưng Chúa gọi Samuel lần nữa, và Samuel chỗi dậy, chạy đến Hêli và nói: "Này con đây, vì thầy gọi con". Hêli trả lời: "Này con, Ta đâu có gọi, hãy trở về ngủ đi". Samuel chưa nhận ra Chúa, và lời Chúa chưa được mạc khải cho cậu. Chúa lại gọi Samuel lần thứ ba. Cậu chỗi dậy, chạy đến Hêli và nói: "Này con đây, vì thầy gọi con". Hêli biết Chúa đã gọi Samuel, nên nói với Samuel: "Hãy đi ngủ, và nếu Người còn gọi con, thì con nói rằng: 'Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe'". Samuel trở về chỗ mình và ngủ lại. Chúa đến gần và gọi Samuel như những lần trước: "Samuel, Samuel!" Và Samuel thưa: "Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe".

Phần Samuel ngày càng lớn lên. Chúa hằng ở cùng cậu, và cậu không để rơi mất lời nào của Chúa.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 39, 2 và 4ab. 7-8a. 8b-9. 10

Ðáp: Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa (c. 8a và 9a).

Xướng: 1) Con đã cậy trông, con đã cậy trông ở Chúa, Ngài đã nghiêng mình về bên con, Ngài đã đặt trong miệng con một bài ca mới, bài ca mừng Thiên Chúa chúng ta. - Ðáp.

2) Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở rộng tai con. Chúa không đòi hỏi lễ toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: "Này con xin đến". - Ðáp.

3) Như trong quyển vàng đã chép về con: lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và pháp luật của Chúa ghi tận đáy lòng con. - Ðáp.

4) Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong Ðại Hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: 1 Cr 6, 13c-15a, 17-20

"Thân xác anh em là chi thể của Chúa Kitô".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.

Anh em thân mến, thân xác không phải vì dâm dật, mà vì Chúa, và Chúa vì thân xác. Thiên Chúa đã cho Chúa sống lại, cũng sẽ dùng quyền năng Người cho ta sống lại.

Anh em không biết thân xác anh em là chi thể của Chúa Kitô sao? Nhưng ai kết hợp với Chúa thì nên một thần trí. Vậy hãy xa lánh dâm dật. Mọi tội lỗi người ta phạm đều ngoài thân xác, nhưng kẻ tà dâm thì phạm tội trong thân xác mình. Anh em không biết thân xác anh em là đền thờ Chúa Thánh Thần, Ðấng ngự trong anh em mà anh em đã nhận lãnh nơi Thiên Chúa, vì anh em không còn thuộc về chính mình nữa sao? Vì anh em đã được mua chuộc bằng một giá rất lớn. Vậy anh em hãy tôn vinh Chúa trong thân xác anh em.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Mt 11, 23

Alleluia, alleluia! - Lạy Cha là Chúa trời đất, Chúa đáng chúc tụng, vì đã mạc khải cho các trẻ nhỏ biết những mầu nhiệm nước trời. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Ga 1, 35-42

"Họ xem chỗ Người ở, và ở lại với Người".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: "Ðây là Chiên Thiên Chúa". Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo Mình, thì nói với họ: "Các ngươi tìm gì?" Họ thưa với Người: "Rabbi, nghĩa là: thưa Thầy, Thầy ở đâu?" Người đáp: "Hãy đến mà xem". Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười.

Anrê, em ông Simon Phêrô, (là) một trong hai người đã nghe Gioan nói và đã đi theo Chúa Giêsu. Ông gặp Simon anh mình trước hết và nói với anh: "Chúng tôi đã gặp Ðấng Messia, nghĩa là Ðấng Kitô". Và ông dẫn anh mình tới Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhìn Simon và nói: "Ngươi là Simon, con ông Gioan, ngươi sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Ðá".

Ðó là lời Chúa.

 

Image result for john 1, 35-42

 

 

Suy nghiệm Lời Chúa

 

 

Bao giờ Chúa Nhật Thứ Hai Mùa Thường Niên, dù là Chu Kỳ Phụng Vụ Năm A, B hay C, cũng đều theo Phúc Âm của Thánh Ký Gioan, như một chuyển tiếp giữa biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa đến việc Người chính thức công khai tỏ mình ra. Và ý nghĩa chuyển tiếp này về Chúa Giêsu Kitô, qua 3 bài Phúc Âm theo Thánh ký Gioan được Giáo Hội cố ý chọn đọc, lại liên quan đến vai trò môi giới của hai nhân vật bất khả thiếu: trước hết là vai trò môi giới của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả - giữa Chúa Giêsu với chung dân chúng (Phúc Âm Năm A) cũng như với riêng môn đệ của ngài (Phúc Âm Năm B), và sau nữa là vai trò môi giới của Mẹ Maria ở tiệc cưới Cana, giữa Chúa Giêsu với các tập sinh môn đệ của Người (Phúc Âm Năm C).

 

Thật vậy, theo Thánh Ký Gioan, thì sau biến cố chịu phép rửa của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả ở Sông Dược Đăng (Jordan), Chúa Giêsu không vào hoang địa chay tịnh 40 ngày và chịu ma quỉ cám dỗ ngay, mà còn ở đâu đó gần chỗ Tiền Hô Gioan Tẩy Giả thi hành thừa tác vụ của ngài. Cũng theo Thánh ký Gioan, không phải Tiền Hô Gioan Tẩy Giả làm phép rửa cho Chúa Giêsu rồi, (như được 3 Thánh ký của Phúc Âm Nhất Lãm thuật lại), là hoàn tất sứ vụ của ngài. Trái lại, vị tiền hô này, theo Thánh ký Gioan, (người viết Phúc Âm không thuật lại biến cố phép rửa như 3 vị viết Phúc Âm Nhất Lãm), vẫn còn tiếp tục sứ vụ làm chứng cho Đấng đến sau ngài nhưng cao trọng hơn ngài mà lại được ngài làm phép rửa cho (xem Gioan 1:33).

 

Những chứng từ của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, cho dù chỉ là "những chứng từ của loài người" (Gioan 5:34), cũng vẫn bất khả thiếu trước mắt trần gian như là một thủ tục giới thiệu về "Đấng đến sau" cho những ai quen biết và là thành phần sẽ được chính "Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần" (Gioan 1:33) ấy tỏ mình ra cho, trong đó có chung dân Do Thái và riêng các môn đệ của vị tiền hô này. Nếu trong bài Phúc Âm Năm A cho Chúa Nhật 2 Năm A cho thấy vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu với chung dân chúng về "Đấng đến sau" cũng là "Đấng đang tiến về phía ngài" bấy giờ (Gioan 1:29) rằng Người là "Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian" (Gioan 1:29), thì trong bài Phúc Âm Năm B hôm nay, ngài giới thiệu với "hai trong số các môn đệ của ngài" về "Đấng đến sau" cũng là vị bấy giờ đang "đi ngang qua" (Gioan 1:36) chỗ của ngài, (chứ không "tiến đến về phía ngài" như hôm trước), rằng Người là "Chiên Thiên Chúa" (Gioan 1:36).

 

Sau biến cố chịu phép rửa của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, trong cả hai ngày liền, Chúa Giêsu chưa rời bỏ nơi thi hành thừa tác vụ của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, "ngày hôm sau... Chúa Giêsu tiến về phía ngài", và "ngày kế tiếp... Chúa Giêsu đi ngang qua", và cũng trong cả hai ngày liền này, theo Thánh ký Gioan thuật lại, Chúa Giêsu đều không nói năng gì với vị tiền hô của Người. Thậm chí cả trước khi lãnh nhận Phép Rửa, Người cũng không tự động mở miệng ta nói năng bất cứ một sự gì với ai, kể cả với vị tiền hô của Người, bởi chưa tới giờ của Người, chưa tới lúc Người chính thức tỏ mình ra, thi hành thừa tác vị Thiên Sai Cứu Thế của Người, cho tới khi Người không thể nào không lên tiếng, hoàn toàn bất đắc dĩ, để trấn an vị tiền hô của Người (x. Mt. 3:15), nhờ đó Người đã giúp cho vị này có thể an tâm chu toàn sứ vụ tiền hô của vị đến trước ấy đối với Người là Đấng đến sau ngài nhưng cao trọng hơn ngài như chính ngài đã chân nhận.

 

Tuy nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét hoàn toàn xa lạ với toàn dân Do Thái này không nói năng gì, nhưng Người đã được một nhân vật thế giá khác, phải nói là thế giá nhất, trong chung dân chúng cũng như với riêng thành phần lãnh đạo của dân Do Thái (xem Gioan 1:19-28) lên tiếng thay, đó là Vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, với vai trò trung gian giới thiệu "Đấng đến sau". Và bài Phúc Âm hôm nay đã cho thấy tác dụng của lời ngài giới thiệu, đó là: "Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giêsu". Hai vị môn đệ này "đi theo Chúa Giêsu" khi "nghe ông nói" về Người ngay bấy giờ "Ðây là Chiên Thiên Chúa", phải chăng các vị bị thúc đẩy bởi động lực muốn biết "tất cả sự thật" (Gioan 16:13) về "Đấng đến sau" sư phụ của các vị, nhưng lại cao trọng hơn sư phụ của các vị, ở chỗ Người là "Chiên Thiên Chúa", đúng như lời tiên báo xưa (xem Isaia 53:7-8).

 

Chính thái độ đầy hiếu kỳ lại có vẻ hết sức rụt rè của hai vị trước một nhân vật hoàn toàn xa lạ với các vị, dù được sư phụ của các vị chứng nhận và giới thiệu, cho thấy Chúa Giêsu Kitô thật sự cần phải được Tiền Hô Gioan Tẩy Giả làm trung gian giới thiệu, như Bài Phúc Âm Năm A và B cho Chúa Nhật II Thường Niên Hậu Giáng Sinh cho thấy, cũng như được Mẹ Maria trung gian giới thiệu ở tiệc cưới Cana trong thành phần thân bằng quyến thuộc của Mẹ, như Bài Phúc Âm Năm C Tuần II Thường Niên Hậu Giáng Sinh chứng thực (xem Gioan 2:1-12). Chính vì thế, để phấn khích những ai muốn tìm hiểu về mình, như 2 môn đệ này, Chúa Giêsu đã tự mở lời trước: "Các ngươi đang tìm kiếm gì đấy?". Như thế, trước khi Chúa Giêsu chính thức tỏ mình ra qua Phép Rửa, nhân vật đầu tiên được nghe lời Người nói là vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, và sau khi Người lãnh nhận Phép Rửa là hai môn đệ của vị tiền hô này.

 

Được phấn khích bởi lời của nhân vật cao trọng hơn thày mình như thế, hai môn đệ của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả ấy bấy giờ mới dàm bảy tỏ tâm tư của mình, ở chỗ: "Họ thưa với Người: 'Rabbi, nghĩa là: thưa Thầy, Thầy ở đâu?'". Ý nghĩa sâu xa của vấn nạn được hai vị đặt ra hỏi Người bấy giờ, theo chiều hướng Do Thái giáo, tức "Thưa Thày, Thày là ai vậy?" Bởi vì, một khi biết được "Thày ở đâu?" là biết được nguồn gốc từ đâu đến của Người, từ đó họ mới có thể nhận ra Người và làm chứng về Người, như một trong hai người môn đệ này là Anrê đã tuyên xưng và làm chứng với người anh Simon của mình sau đó, khi chàng tỏ ra hết sức hào hứng rủ anh mình đến với Người cho bằng được: "Chúng tôi đã gặp Ðấng Messia".

 

Câu Chúa Giêsu trả lời cho vấn nạn "Thày ở đâu?" được 2 người môn đệ của Vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả đặt ra liên quan đến nơi chốn về không gian của Người này, đã được Người đáp ứng theo tầm mức và chiều hướng thích hợp của câu vấn nạn, cũng có tính cách về không gian: "Hãy đến mà xem". Được mời gọi một cách hoàn toàn khách quan, chứ không bị áp đặt, theo đúng ước vọng của mình như thế: "Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười", tức khoảng 4-5 giờ chiều. Nếu hai vị "đã ở lại với Người ngày hôm ấy", thì tất nhiên hai vị đã không ở qua đêm, nghĩa là chỉ khoảng mấy tiếng đồng hồ. Trong thời gian "ở lại với Người ngày hôm ấy", chắc các vị đã cẩn thận quan sát từng hành vi cử chỉ của Người. Không biết các vị có hỏi thêm Người điều gì hay chăng. Có thể chính Người âm thầm sửa soạn một bữa ăn và đã đích thân tiếp họ bữa tối hôm đó trước khi họ về, như Người đã làm bữa tiếp 7 môn đệ của Người ở bở biển hồ Tibêria sau khi Người sống lại từ trong kẻ chết và hiện ra với các vị lần thứ ba (xem Gioan 21:12-13).

 

Chúng ta không biết người môn đệ thứ hai cùng chàng Anrê đến với Chúa Giêsu chiều hôm ấy là ai, nhưng, căn cứ vào một số chi tiết được Thánh ký Gioan trình thuật lại ngay sau đó thì có thể người môn đệ kia là chàng Philiphê, "ở Betsaiđa, cùng quê với Anrê và Phêrô" (Gioan 1:44), và hành động rủ rê bạn bè đến với Chúa Giêsu cũng chứng tỏ chàng đã gặp Chúa Giêsu, nên lời của chàng thanh niên này rủ rê bạn của mình là Nathanael đến với Chúa Giêsu cũng chất chứa một nội dung giống như chàng Anrê như chi tiết hơn: "Chúng tôi đã gặp Đấng được Mose nói đến trong lề luật, cả các vị tiên tri cũng nói nữa, đó là Giêsu, con ông Giuse, ở Nazarét".

 

Cả hai chàng thanh niên môn đệ của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả ấy, sau khi ở với Chúa Giêsu, đều tự mình cảm nhận được Người từ đâu tới, để rồi nhờ cảm nghiệm thần linh này thúc đẩy đã trở về làm chứng cho Người và kéo thêm bạn bè đến với Người như mình. Thái độ cởi mở lắng nghe của các vị đã phản ảnh thái độ của thiếu nhi Samuel trong Bài Đọc I hôm nay, một thiếu nhi có tâm hồn cởi mở lắng nghe "này con đây". Chúng ta hãy lưu ý một chi tiết rất quan trọng ở đây, đó là vị trí "Samuel ngủ trong đền thờ Chúa, nơi đặt Hòm Bia Thiên Chúa". Nghĩa là thiếu nhi Samuel ở gần Thiên Chúa, ở nơi Thiên Chúa hiện diện, nơi Ngài tỏ mình ra, thế nhưng nếu Samuel không biết cởi mở lắng nghe thì cũng chẳng thể nào nhận ra tiếng của Ngài mà đáp ứng một cách mau mắn và hết lòng: "Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe".

 

Hai môn đệ của vị Tiền Hô Gioan Tẩy Giả nếu không có tâm hồn cởi mở và lắng nghe, thì trước hết họ đã chẳng lưu ý gì đến lời của vị sư phụ giới thiệu về "Con Chiên Thiên Chúa" cho họ, mà vì thế họ cũng chẳng lẽo đẽo theo sau nhân vật được gọi là "Con Chiên Thiên Chúa" này, để "ở với Người" làm chi cho mất công, mất giờ, và nếu không nhận biết Người thì họ cũng chẳng thể nào làm chứng về Người sau khi đã cảm nhận được Người, thậm chí còn rủ thêm thân nhân bạn hữu đến với Người nữa, như bài Phúc Âm hôm nay trình thuật.

 

Trong số 3 tác động của 2 người môn đệ đó là: "Họ đã đến (1) và xem chỗ Người ở (2), và ở lại với Người (3) ngày hôm ấy", thì 2 tác động đầu là 2 tác động cần thiết bất khả thiếu, nhưng tác động thứ ba mới là tác động quan trọng nhất và đỉnh điểm nhất. Nếu thiếu tác động "ở lại với Người", mà chỉ "đến mà xem" thôi, thì chắc chắn hai người môn đệ này không thể nào nắm bắt được tất cả sự thật về "Con Chiên Thiên Chúa", và như thế họ cũng không thể nào nhận ra Người để làm chứng về Người, vì họ chưa đủ thời lượng hấp thụ Người, hay ngược lại, chưa được Người truyền đạt cho họ bản thân Người, Thánh Linh của Người, nên họ không có đủ hay chưa đủ hấp lực trong việc lôi kéo thêm người khác đến cùng Người.

 

Trong đời sống Kitô hữu cũng thế, chúng ta đều biết nơi Chúa ở là Lời Chúa, là Thánh Thể, là tha nhân, là Thánh Sủng nơi chính bản thân mình. Thế nhưng, nếu chúng ta không "ở với Người" bằng việc trân trọng suy nghiệm Lời Chúa, bằng việc viếng Thánh Thể, chầu Thánh Thể, rước Thánh Thể (thực sự và thiêng liêng), bằng việc cảm thông và càm thương tha nhân, bằng tâm hồn bình an tự tại siêu thoát, chúng ta thật sự sẽ chẳng bao giờ có thể biết Người là ai, biết một cách thật sự, biết một cách linh thánh, đúng như Người mạc khải trong Phúc Âm, và do đó chúng ta cũng chẳng thế nào làm chứng về Người, trái lại, có những lúc chúng ta còn tác hành phản chứng về Người theo chiều hướng phản kitô của chúng ta nữa....

 

Vấn đề sống đức tin không dừng lại ở chỗ hai môn đệ "ở với Người hôm ấy" 3 tiếng (cứ cho là 3 tiếng như thế đi, từ 4-5 giờ chiều tới 7-8 giờ tối) cũng không đủ, dù đã nhận biết Người, vì sau đó, khi đã chính thức trở thành môn đệ của Người rồi, thậm chí đã được chọn làm thành phần tông độ trong 12 vị, các môn đệ này vẫn chối bỏ Người, nhất là trong cuộc khổ nạn và tử giá của Người "ở với Người" ba năm chăng nữa. Sự kiện các tông đồ nói chung và hai vị môn đệ này nói riêng đã tỏ ra chối bỏ Người cho thấy các vị "ở với Người" 3 năm vẫn chưa đủ, mà phải "ở với Người" cho đến khi Người không ở với họ nữa, nghĩa là cho đến "khi chàng rể bị mang đi họ mới cần phải chay tịnh", như Chúa Giêsu báo trước cho các vị trong Bài Phúc Âm Thứ Hai Tuần II ngày mai, nghĩa là các vị phải "ở với Người" cho tới khi "Thày sẽ trở lại với chúng con... để Thày ở đâu các con cũng được ở đó với Thày" (Gioan 14:3).

 

Tuy nhiên, cái cảm nhận thần linh ban đầu trực giác theo chủ quan nhưng bất khả thiếu dù này của hai môn đệ trong Bài Phúc Âm hôm nay, trước hết và trên hết, xuất phát từ thể lý, từ thân xác của họ, tức là từ con mắt và lỗ tai của họ: con mắt họ đã chứng kiến thấy hành vi cử chỉ của "Con Chiên Thiên Chúa" và lỗ tai của họ đã lắng nghe tất cả mọi lời và mỗi lời của "Lời đã hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14). Đó là lý do Thánh ký Gioan ở ngay đầu Thư Thứ Nhất (trong 3 thư) của ngài đã khẳng định: "Ðiều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa, để chính anh em cũng được hiệp thông với chúng tôi, mà chúng tôi thì hiệp thông với Chúa Cha và với Ðức Giêsu Kitô, Con của Người" (1:3).

 

Chính vì thân xác của con người nói chung và của Kitô hữu nói riêng là phương tiện để cảm nhận thần linh rất quan trọng và khẩn thiết bất khả thiếu như thế mà trong Thư Thứ Nhất gửi giáo đoàn Corintô ở Bài Đọc II hôm nay, Thánh Phaolô đã khuyên Kitô hữu của giáo đoàn này nói riêng, và Kitô hữu mọi đời nói chung, hãy nhận thức rằng "thân xác anh em là chi thể của Chúa Kitô sao? Nhưng ai kết hợp với Chúa thì nên một thần trí.... Anh em không biết thân xác anh em là đền thờ Chúa Thánh Thần, Ðấng ngự trong anh em mà anh em đã nhận lãnh nơi Thiên Chúa, vì anh em không còn thuộc về chính mình nữa sao?"

 

Đúng thế, nếu chung nhân tính của Chúa Kitô và riêng thân xác của Người "đầy ân sủng và chân lý", thì nhân tính của Người và Thánh Thể của Người là dấu chỉ thần linh để chính bản thân Người hay Thần Tính của Người tỏ mình ("chân lý") và là Bí Tích để Người thông ban ("ân sủng") từ Người, nơi Người và của Người, cho những ai đến với Người bằng một tâm hồn khát khao và cởi mở, thành phần nhờ sống trong một thân xác như là chi thể của Chúa Kitô, là đền thờ Thánh Thần, như thiếu nhi "Samuel ngủ trong đền thờ Chúa, nơi đặt Hòm Bia Thiên Chúa", mà nghe thấy tiếng Chúa gọi hầu đáp ứng một cách tương xứng, hay như 2 môn đệ của Thánh Gioan Tiền Hô trong bài Phúc Âm hôm nay, cũng đến gần với Chúa Kitô là "Người Con đầy ân sủng và chân lý", nhờ đó họ đã nhận ra Người, và làm theo ý của Người theo tâm tình "Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa" của Bài Đáp Ca hôm nay: 

 

1) Con đã cậy trông, con đã cậy trông ở Chúa, Ngài đã nghiêng mình về bên con, Ngài đã đặt trong miệng con một bài ca mới, bài ca mừng Thiên Chúa chúng ta.

2) Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở rộng tai con. Chúa không đòi hỏi lễ toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: "Này con xin đến".

3) Như trong quyển vàng đã chép về con: lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và pháp luật của Chúa ghi tận đáy lòng con.

4) Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong Ðại Hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi.  

 


THÁNH ANTON VIỆN PHỤ 17/1

(251-356)

 

 

Tiểu Sử

Thánh Antôn chào đời năm 250 tại Corma, gần Hieraclens, miền thượng Ai cập. Cha mẹ Ngài nổi danh giàu có lẫn đạo đức, đã lo lắng dạy dỗ Ngài sống đạo ngay từ nhỏ. 

Khi được 18 tuổi thì cha mẹ Ngài qua đời. Sáu tháng sau ngày mất cha mất mẹ, tại một giáo đường, thánh nhân đã nghe đọc lời sách thánh : "Nếu con muốn nên trọn lành, hãy về bán hết của cải và đem phân phát cho kẻ nghèo khó rồi theo Ta" (Mt 19,21). Tưởng như Thiên Chúa nói riêng với mình đã về bán hết của cải và đem phân phát cho người nghèo khó. 

Sau khi lo lắng gửi gấm em gái của mình cho một nữ tu viện, Ngài lui vào sa mạc để làm việc và cầu nguyện, Ngài theo đuổi một cuộc sống rất khắc khổ, chỉ ăn bánh với muối và uống nước ngày một lần sau khi mặt trời lặn. Để giữ được sự cô tịch trọn vẹn, Ngài còn ẩn thân vào một ngôi mộ bỏ trống. Thỉnh thoảng một người bạn mang bánh đến cho Ngài bánh đến cho Ngài nhưng ma quỉ đã tìm cách quấy phá để trục Ngài ra khỏi "căn phòng" và cuộc sống khắc khổ, chúng thường hay la hét và hiện hình kỳ quái. Phản ứng lại, thánh nhân thường cầu nguyện nhiều hơn và tăng gấp những việc hãm mình. Giận dữ vì các mưu mô bị thất bại, ma quỉ còn công khai hành hạ Ngài nữa. 

Một ngày kia người bạn mang bánh đến, bỗng thấy thánh nhân nửa sống nửa chết, mình đầy thương tích. Nhưng khi vừa bừng tỉnh, thánh nhân liền chỗi dậy và la lớn: - Tôi còn sẵn sàng chiến đấu. Lạy Chúa, không, không gì có thể tách lìa con khỏi lòng yêu mến Chúa được.

Giữa những đau đớn vì các cuộc tấn công của ma quỉ, Ngài khinh bỉ trả lời : - Ồn ào vô ích. Dấu thánh giá và lòng tin tưởng vào Chúa là những thành trì kiên cố.

Thánh nhân luôn tin tưởng nơi Chúa. Ngày kia, được an ủi trong tâm hồn và cảm thấy là ma quỉ đã lùi bước, Ngài cầu nguyện : - Oi, lạy Chúa, Chúa ở đâu ? Sao Chúa không ở đây lau sạch nước mắt và thoa dịu những dày vò của con ?

Tiếng Chúa trả lờ i: - Cha ở gần con, cha giúp con chiến đấu. Bởi vì con đã chống trả lại ma quỉ, cha sẽ bảo vệ quãng đời còn lại của con. Cha sẽ làm cho tên con rạng rỡ trên trời.

Tràn đầy nghị lực, thánh nhân chỗi dậy tạ ơn Chúa. Muốn xa mọi người hơn nữa, Ngài vượt sông Nil đến trú ngụ trong một pháo đài hoang phế đầy những rắn rết. Nhưng sự thánh thiện của Ngài như một sức nam châm, vẫn thu hút nhiều người đến xin làm môn đệ. Thế là một phong trào ẩn tu nổi lên mạnh mẽ. Sa mạc mọc lên những mái tranh, từ đó không ngừng vang lên những lời kinh ca khen Chúa. Thánh nhân trở nên vị thủ lãnh của nếp sống ẩn tu.

Dầu vậy, thánh An tôn đã hai lần từ giã sa mạc. Vào năm 311 khi có cuộc bách hại của Alaximiô, Ngài nói: - Nào ta cùng đi chiến đấu với anh em ta.

Ngài lên đường đi Alexandria. Người ta thấy thánh nhân khích lệ các tù nhân nơi các trại giam, theo họ tới trước quan tòa và khuyên nhủ họ can đảm chết vì đạo, Ngài còn xuống hầm trú để an ủi các linh mục. Ngài thoát chết là một điều lạ lùng.

Cuộc bách hại chấm đứt được một năm, thánh nhân lại tìm về sa mạc. Số các môn sinh ngày càng tăng thêm đông. Sợ bị cám dỗ thành kiêu căng, và thấy gương các thánh tử đạo, thánh Antôn khao khát sống khắc khổ để đền tội. Ngài tiến sâu hơn nữa vào sa mạc. Sau ba ngày đi theo đoàn người buôn bán, Ngài dừng lại gần biển Đỏ, dưới chân núi Kolzim và dựng một căn lều vừa đủ để nằm để ở. Dân Bê-đu-anh (Bédouins) cho Ngài bánh ăn. Về sau các môn sinh tìm tới và mang cho Ngài một cái xuổng với một ít hạt giống, đây là nguồn gốc của tu viện thánh Antôn hay là Deir-el-Arat, một tu viện theo nghi lễ Cốp (Copte) ngày nay vẫn còn.

Lần thứ hai, thánh nhân trở lại Alexandria theo lời mời của đức giám mục Athanasiô, để chống lại lạc giáo. Dân chúng cả thành chen lấn nhau đi đón Ngài. Các lương dân cũng bảo nhau : - Chúng ta đi gặp người của Thiên Chúa.

Nhiều người cảm động vì những bài diễn thuyết và những phép lạ Ngài làm, đã xin lãnh bí tích rửa tội, người ta tưởng sẽ gặp một lão già tám mươi hoang dại, nhưng đã ngạc nhiên khi thấy Ngài rất lịch thiệp, xử dụng ngôn ngữ văn hóa và diễn tả tư tưởng rất uyên thâm. Các triết gia ngoại giáo ngạc nhiên hỏi Ngài:

- Ngài làm gì được trong sa mạc không có sách vở chi hết ? Thánh nhân trả lời:

- Thiên nhiên đối với tôi là một cuốn sách mở rộng.

Và người ta ngỡ ngàng về những điều thánh nhân đã khám phá được trong cuốn sách vĩ đại này của Đấng Tạo hóa.

Điều đáng kể dường như không phải những nhiệm nhặt Ngài theo đuổi, mà là tâm hồn trong trắng Ngài kết hiệp mật thiết với Chúa, Ngài nói: - Hư danh là kẻ thù nguy hiểm nhứt của chúng ta.

Danh tiếng của thánh Antôn lan rộng đến nỗi vua Constantinô và con cái ông đã viết thư tham khảo ý kiến Ngài, Môn sinh của Ngài hãnh diện lắm. Nhưng Ngài bảo họ : 

- Đừng ngạc nhiên lắm khi thấy nhà vua là một con người viết thư cho một con người. Đáng ngạc nhiên là chính Thiên Chúa đã muốn viết luật cho loài người, và đã nói với chúng ta qua đức Giêsu Kitô .

Và trả lời cho lớp người vương giả ấy, Ngài dùng những lời cao thượng để khuyên họ biết khinh chê danh vọng mà nhớ tới cuộc chung thẩm.

Khi Ngài đã quá 90 tuổi, Thiên Chúa qua một thị kiến đưa ngài đến thăm thánh Phaolô ẩn tu trong sa mạc. Ngài còn được cho biết là sẽ sống tới tuổi 105.

Biết sắp tới giờ từ giã trần gian, Ngài đi thăm anh em Ngài lần chót. Ngài nói với họ về sự chết với niềm vui của người hồi hương. Họ đã khóc ròng, nhưng Ngài khuyên nhủ họ: - Hãy sống như phải chết mỗi ngày. Hãy cố gắng noi gương các thánh.

Thánh nhân trở lại núi với hai môn sinh. Trong căn phòng nghèo nàn của mình, Ngài đã phó linh hồn trong tay Chúa lúc 105 tuổi. Chúng ta biết được ân sủng giai thoại quý báu của đời thánh An tôn là nhờ thánh Athanasiô kể lại.

 

GIÁO HỘI THƯỞNG CÔNG CHO THÁNH NHÂN

 

Với một lòng yêu mến Chúa dạt dào, thánh Antôn đã làm gương cho nhiều người về đời sống thánh thiện và các nhân đức siêu việt của Người. Thánh nhân qua đời ngày 17/01/356 . Vào năm 561, xác thánh nhân được cải táng trong nhà thờ kính thánh Gioan tiền hô tại Alexandria. Các Giáo Hội Trung Ðông đã sùng kính thánh Antôn đầu tiên, tràn qua Âu Châu và Giáo Hội đã chính thức tôn phong Ngài lên bậc hiển thánh.

 

Lạy Chúa, Chúa đã cho thánh Antôn, viện phụ, sống một đời phi thường trong sa mạc để phụng sự Chúa. Xin Chúa nhận lời người nguyện giúp cầu thay,cho chúng con biết quên mình để một niềm yêu mến Chúa trên hết mọi sự ( Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Antôn, viện phụ ).

 

Nguồn: Tổng hợp

 

https://ditimchanly.org/sach-kinh-thanh/truyen-cac-thanh/thanh-anton-vien-phu-1701.htm

Nhận Định

  1. Ghi nhận lịch sử – Phụng vụ

Lễ nhớ đến vị thầy của đời sống tâm linh và là tổ phụ của các ẩn sĩ được cử hành vào ngày 17.01, đã có từ khởi đầu thế kỷ thứ V trong các lịch của Syriaque, Copte và Byzantin. Ở phương Tây, việc tôn kính vị thánh này chỉ xuất hiện vào thế kỷ thứ IX. Chúng ta chỉ được biết về thánh nhân qua quyển “Cuộc đời thánh Antôn” do người bạn của ngài là thánh Athanase viết, sau khi thánh nhân qua đời; Hạnh thánh Antôn là quyển sách gối đầu của thánh Augustinô và thánh Martin cũng như nhiều vị thánh khác.

Thánh Antôn, được gọi là Cả hay Đan viện phụ, sinh tại Queman, miền thượng Ai Cập, vào năm 251 từ một gia đình Kitô giáo. Vào khoảng 20 tuổi, khi nghe một đoạn Phúc Âm trong Thánh lễ: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời; rồi hãy đến theo tôi” (Mt 19,21). Cuộc đời ngài đã thay đổi. Nắm từng chữ của Phúc Âm, ngài bán đi tài sản của mình, bố thí cho kẻ nghèo và bắt đầu đi học với một vị ẩn sĩ già đạo đức, dạy cho ngài biết chia đời sống ra thành những giờ cầu nguyện, đọc Lời Chúa và lao động tay chân. Sau đó ngài rút vào sa mạc Thébaide; trong vùng cô tịch này, ngài phải chiến đấu với các cơn cám dỗ nặng nề trong vòng 15 năm.

Antôn thu hút được nhiều đệ tử cùng chí hướng, muốn sống đời ẩn tu hay khổ tu, mỗi người sống trong một lều riêng cách biệt nhau. Tiếng tăm vị thánh vang rất xa, vươn khỏi xứ Ai Cập; vị Thượng phụ Giáo chủ ở Alexandria là thánh Athanase cũng là một trong các bạn hữu của ngài.

Vào năm 311, dưới thời bách hại của hoàng đế Maximin Daia, Antôn rời bỏ sa mạc, tuyên bố rằng: “Chúng ta hãy đi chiến đấu cùng với bạn bè chúng ta.” Ngài đến Alexandria để động viên các tín hữu bị bách hại, bị bỏ tù hay bị kết án lao động khổ sai. Ngài trở lại thành này một lần nữa để giúp đỡ thánh Athanase trong việc chiến đấu với bè rối Ariô.

Trở về sa mạc, ngài cắm lều gần biển Đỏ, dưới chân núi Quelzoum, có một dòng suối và một cụm dừa. Đó là nguồn gốc Đan viện Copte ngày nay của thánh Antôn. Vị thánh Đan sĩ này sống đến 150 tuổi và qua đời cách thánh thiện trong căn lều của mình, khi dạy các môn đệ: “Hãy sống như anh em phải chết hàng ngày. Hãy cố gắng bắt chước các vị thánh.”

Các ảnh tượng cho thấy thánh Antôn bị ma quỉ cám dỗ, đang khi ngài cầu nguyện giang tay theo hình Thánh Giá, và một con heo, nhắc nhớ lại một đặc ân của Nhà trú của thánh Antôn: Vào thời Trung cổ, các vị này có quyền để cho các con heo của mình đi lang thang trong thành phố, cổ đeo một chuông nhỏ.

Thánh Antôn được kể vào số 14 vị thánh bảo trợ và thường được kêu cầu để chống lại cơn dịch Lửa thánh Antôn. Ngài cũng được xem như thánh quan thầy cho các thú vật trong nhà.

  1. Thông điệp và tính thời sự

 Thánh Antôn, tổ phụ các ẩn sĩ Ai Cập, là một mẫu mực cho mọi tâm hồn đi tìm Chúa, không gắn bó những gì đã qua, nhưng luôn giữ Lời Chúa trong tâm hồn.

  1. Thánh vịnh 91 gợi lên đời sống cô tịch của thánh nhân trong sa mạc, hoàn toàn dùng để cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa và làm việc: Người công chính lớn lên như cây dừa, giương cao như cây hương bá xứ Liban.

Bài đọc một (Ep 6,10.18): Chúng ta chiến đấu với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm…, nhắc nhớ đến những cuộc chiến đấu kiên cường của thánh Antôn chống lại các thần lực xấu suốt 15 năm khi ngài ở trong sa mạc. Thánh Athanase đã nói điều này trong Hạnh thánh; truyền thuyết và mỹ thuật làm cho những hình ảnh này nổi tiếng. Antôn, bước ra khỏi sa mạc như một kẻ chiến thắng, dạy cho chúng ta biết phấn đấu đẩy lui các thần xấu: “Không có gì làm cho linh hồn yếu đuối trở nên mạnh mẽ bằng việc kính sợ Thiên Chúa, cầu nguyện và chiêm niệm không ngừng Lời Chúa… Dấu Thánh Giá và niềm tin vào Chúa chúng ta là những tường lũy bất khả xâm phạm.”

Ngày kia, sau một cuộc chiến đấu, thánh Antôn la lên: “Lạy Chúa và Thầy của con, Chúa ở đâu ?” Một tiếng nói thiêng linh đáp lại: “Ta ở gần ngươi. Ta thấy tất cả cuộc chiến của ngươi và, bởi vì ngươi đã chống cự lại ma quỉ, Ta sẽ bảo vệ phần còn lại cuộc đời của ngươi…”.

Thánh Antôn nói với các môn đệ: “Con người chỉ tốt lành, khi nào Thiên Chúa ở trong người đó.” Vì thế, nhờ được kiên vững bằng Mình Máu Thánh Chúa Kitô, chúng ta cầu xin Chúa ban cho chúng ta “có khả năng chống lại mọi chước cám dỗ” và “chiến thắng quyền lực thống trị bóng tối” (Lời nguyện Hiệp lễ).

Lm. Đaminh Phạm Xuân Uyển SDB 

http://loichua.donboscoviet.org/ngay-17-thang-1-thanh-anton-vien-phu/

 

 



Thứ Hai


Lời Chúa


Bài Ðọc I: (năm I) Dt 5, 1-10

"Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu".

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Tất cả các vị Thượng tế được chọn giữa loài người, nên được đặt lên thay cho loài người mà lo việc Chúa, để hiến dâng lễ vật và hy lễ đền tội. Người có thể thông cảm với những kẻ mê muội và lầm lạc, vì chính người cũng mắc phải yếu đuối tư bề. Vì thế cũng như người phải dâng lễ đền tội thay cho dân thế nào, thì người dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy. Không ai được chiếm vinh dự đó, nhưng phải là người được Thiên Chúa kêu gọi, như Aaron. Cũng thế, Ðức Kitô không tự dành lấy quyền làm thượng tế, nhưng là Ðấng đã nói với Người rằng: "Con là Con Cha, hôm nay Cha sinh ra Con". Cũng có nơi khác Ngài phán: "Con là Tư tế đến muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê". Khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng và rơi lệ dâng lời cầu xin khẩn nguyện lên Ðấng có thể cứu Mình khỏi chết, và vì lòng thành kính, Người đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người. Người được Thiên Chúa gọi là Thượng tế theo phẩm hàm Menkixêđê.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 109, 1. 2. 3. 4.

Ðáp: Con là Thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê (c. 4bc).

Xướng: 1) Thiên Chúa đã tuyên bố cùng Chúa tôi rằng: "Con hãy ngồi bên hữu Ta, cho tới khi Ta bắt quân thù làm bệ kê dưới chân Con". - Ðáp.

2) Ðức Thiên Chúa từ Sion sẽ phô bày vương trượng quyền bính của Ngài, rằng: "Con hãy thống trị giữa quân thù". - Ðáp.

3) Các thủ lãnh cùng hiện diện bên Con, ngày Con giáng sinh trong thánh thiện huy hoàng: trước rạng đông, tựa hồ sương sa, Ta đã sinh hạ ra Con". - Ðáp.

4) Ðức Thiên Chúa đã thề và không hối hận rằng: "Con là Thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê". - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 144, 13cd

Alleluia, alleluia! - Chúa trung thành trong mọi lời Chúa phán, và thánh thiện trong mọi việc Chúa làm. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 2, 18-22

"Tân lang còn ở với họ".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, họ đến nói với Chúa Giêsu rằng: "Tại sao môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, còn môn đồ Ngài lại không ăn chay?" Chúa Giêsu nói với họ: "Các khách dự tiệc cưới có thể ăn chay khi tân lang còn ở với họ không? Bao lâu tân lang còn ở với họ, thì họ không thể ăn chay được. Nhưng sẽ đến ngày tân lang bị đem đi, bấy giờ họ sẽ ăn chay. Không ai lấy vải mới mà vá áo cũ, chẳng vậy, miếng vải vá sẽ rút lại mà kéo áo cũ, và chỗ rách lại tệ hơn. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, chẳng vậy, rượu sẽ làm vỡ bầu da, và rượu đổ, bầu da hư. Nhưng rượu mới phải để trong bầu da mới".

Ðó là lời Chúa.

Image result for Mk 2, 18-22

 


Suy niệm

 

Đức Kitô Tân Lang   

Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Hai đầu Tuần 2 Thường Niên hậu Giáng Sinh, vẫn tiếp tục chủ đề "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân " của chung Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh. Ở chỗ nào?

Bài Phúc Âm Chúa Nhật II Thường Niên hậu Giáng Sinh Chu Kỳ Phụng Vụ Năm C hôm qua về tiệc cưới Cana, một biến cố cần phải có để mở màn cho việc Chúa Kitô tỏ mình ra cho các môn đệ tiên khởi của Người, nhờ đó đã làm cho các vị tin vào Người.

Bài Phúc Âm hôm nay, để trả lời cho vấn nạn được "môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay" đặt ra "Tại sao môn đồ của Gioan và các người biệt phái ăn chay, còn môn đồ Ngài lại không ăn chay?", Chúa Giêsu đã tự ví mình và tự nhận mình là "tân lang", và cho biết lý do các môn đệ của Người được Người ví như là thành phần "các khách dự tiệc cưới", không ăn chay như thành phần đặt vấn đề với Người đó là vì "tân lang còn ở với họ". 

Thật vậy, sở dĩ "các môn đồ Ngài lại không ăn chay?" bởi vì Người "còn ở với họ", tức là Người còn đang cần thời gian để tiếp tục và từ từ tỏ mình ra cho họ để họ có thể hân hoan vui sướng nhận biết Người mỗi ngày một hơn, và càng nhận biết Người họ càng kính phục Người và yêu mến Người, nhờ đó họ mới có thể trở thành chứng nhân tiên khởi của Ngưi và cho Người, đúng như ý nguyện và mục đích Người tuyển chọn họ làm nhóm 12 của Người.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà các môn đệ của Người không phải chay tịnh, một thứ chay tịnh nếu có và nếu cần lại hoàn toàn không phải như thành phần "môn đồ của Gioan và các người biệt phái" đã làm, mà là một thứ chay tịnh không còn được ở với Người nữa, không còn được thấy Người tận mắt, nghe Người tận tai và động chạm đến Người tận tay (xem 1Gioan 1:1), trái lại các vị chỉ giao tiếp với Người hoàn toàn bằng đức tin thuần túy trong tăm tối của giác quan và cảm thức, nghĩa là "ngày tân lang bị đem đi, bấy giờ họ sẽ ăn chay", ở chỗ "Các con sẽ than khóc trong khi thế gian vui mừng" (Gioan 16:20).

Thế nhưng, việc chay tịnh hay cách chay tịnh của các môn đệ Chúa Giêsu này không phải là những gì hủy hoại mà là những gì thăng hoa, thăng tiến, hoan hỉ: "Nếu các con yêu mến Thày thì các con phải vui mừng vì Thày về cùng Cha vì Cha là Đấng cao trọng hơn Thày" (Gioan 14:28). Bởi vì, nhờ Thày về cùng Cha là Đấng cao trọng hơn Thày với tư cách Ngài là Đấng đã sai Thày như thế mà các vị, cho dù không còn thấy và ở với Người nữa, mới càng nhờ thế có thể đạt đến chỗ thần hiệp nên một với Người: "Thày ở đâu các con cũng được ở đó" (Gioan 14:3).

Như thế, trong chính sự vắng bóng của mình, khuất dạng của mình, "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân " lại càng tỏ mình ra hơn bao giờ hết, lại càng hiển linh hơn hết... trước con mắt thuần túy đức tin siêu nhiên của các môn đệ Người. 

Đó là lý do phần còn lại của bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu mới nói thêm những lời quan trọng và thiết yếu cho việc sống đạo sau đây: "Không ai lấy vải mới mà vá áo cũ, chẳng vậy, miếng vải vá sẽ rút lại mà kéo áo cũ, và chỗ rách lại tệ hơn. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, chẳng vậy, rượu sẽ làm vỡ bầu da, và rượu đổ, bầu da hư. Nhưng rượu mới phải để trong bầu da mới".

Cái "mới"  "cũ" được Chúa Giêsu đề cập tới trong bài Phúc Âm hôm nay liên quan đến vấn đề chay tịnh đây là gì, nếu không phải cái "mới" đây là đức tin (của Tân Ước) và cái "" đây là nghi thức hay hình thức hoặc lễ vật bề ngoài (của Cựu Ước), và vì thế, "rượu mới" và "bầu da mớiđây chính là "tinh thần và chân lý" được Chúa Giêsu nói đến trong trường hợp Người trao đổi với người phụ nữ Samaritanô bên bờ giếng Giacóp về thực tại "Thiên Chúa là Thần Linh nên những ai tôn thờ Thiên Chúa đích thực thì cũng phải tôn thờ Ngài trong tinh thần và chân lý" (Gioan 4:24).  

Nếu "áo cũ" bị rách đây ám chỉ luật Moisen hay Luật Cũ, chẳng hạn "mắt đền mắt răng đền răng" (Mathêu 5:38) hay "yêu đồng hương và ghét kẻ thù" (Mathêu 5:43), là những gì Chúa Kitô đến không phải để phá hủy hay xé nát, mà là để làm cho nên trọn (xem Mathêu 5:17) thì "vải mới" đây là chính "giới răn mới" Người ban cho các tông đồ và chung Giáo Hội trong Bữa Vượt Qua. Và nếu "bầu da cũ" ám chỉ tinh thần duy luật và thái độ giả hình và tư duy tự mãn, như nơi thành phần luật sĩ và biệt phái, thì "rượu mới" đây ám chỉ Thánh Linh chỉ thích hợp với "bầu da mới" đây là tinh thần bé nhỏ, bác ái yêu thương nhân hậu.

Nếu bài Phúc Âm cho Chúa Nhật II Thường Niên theo Thánh Gioan, cho cả 3 chu kỳ Phụng vụ A-B-C, và Bài Phúc Âm Năm C là bài chính, bởi 2 bài Phúc Âm cho Năm A và B đều hướng về bài Phúc Âm Năm C là bài Phúc Âm Chúa Giêsu tỏ mình cho các môn đệ đầu tiên của Người ở tiệc cưới Cana, trong đó, vị quản tiệc đã trách "tân lang" không tiếp "rượu ngon hơn trước" mà để dành cho đến khi khách ngà ngà mới tiếp, một thứ "rượu ngon hơn trước" ám chỉ hoa trái cứu chuộc của Chúa Kitô là Thánh Linh chỉ xuất hiện vào "thời sau hết" (Do Thái 1:1), vào thời cánh chung, chứ không phải từ ban đầu, từ khi con người mới được tạo dựng nên theo hình ảnh và tương tự như Thiên Chúa (xem Khởi Nguyên 1:26-27).

Thế rồi, hình như không hẹn mà họ, bài Phúc Âm cho Thứ Bảy trước Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, Tiền Hô Gioan Tẩy Giả đã cho thấy niềm vui của ngài được nên trọn khi ngài chỉ là "người phù rể của tân lang (the groom's best man)" được nghe thấy tiếng của tân lang là Chúa Kitô. Và Bài Phúc Âm cho Thứ Hai Tuần 2 Thường Niên lại xuất hiện hình ảnh một "tân lang" trong câu Chúa Giêsu trả lời cho các môn đệ của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả. Nếu chung Cựu Ước và riêng vai trò của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả là phù rể của "tân lang" Giêsu thì Giáo Hội tân ước nói chung qua các tông đồ là hiền thê của Người, được xuất phát "như máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Người" (Gioan 19:34)!


Trong Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Hai của Tuần 2 Thường Niên, "Người Con duy nhất đến từ Cha, đầy ân sủng và chân lý" đây đã gián tiếp tiên báo về cách thức Người tuôn đổ ân sủng và chân lý của Người và nơi Người, cũng là tuôn đổ Thánh Thần của Người cho chung Giáo Hội và riêng cách tông đồ, đó là khi "tân lang bị đem đi", nghĩa là bị điệu đi từ Vườn Cây Dầu vào Tối Thứ Năm Tuần Thánh, mở màn cho Cuộc Khổ Giá và Phục Sinh cứu độ của Người.

Và đó là lý do trong Bài Đọc 1 hôm nay, chúng ta đã thấy hình ảnh về "Người Con duy nhất đến từ Cha, đầy ân sủng và chân lý" này được Tháng Phaolô cảm nhận trong Thư gửi Giáo đoàn Do Thái như sau: "Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Người. Người được Thiên Chúa gọi là Thượng tế theo phẩm hàm Menkixêđê", Vị Thượng Tế đã được Thánh Vịnh 109 chiêm ngắm ở Bài Đáp Ca hôm nay như sau:

1) Thiên Chúa đã tuyên bố cùng Chúa tôi rằng: "Con hãy ngồi bên hữu Ta, cho tới khi Ta bắt quân thù làm bệ kê dưới chân Con".

2) Ðức Thiên Chúa từ Sion sẽ phô bày vương trượng quyền bính của Ngài, rằng: "Con hãy thống trị giữa quân thù".

3) Các thủ lãnh cùng hiện diện bên Con, ngày Con giáng sinh trong thánh thiện huy hoàng: trước rạng đông, tựa hồ sương sa, Ta đã sinh hạ ra Con".

4) Ðức Thiên Chúa đã thề và không hối hận rằng: "Con là Thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê".

 



 

Thứ Ba


Lời Chúa


Bài Ðọc I: (năm I) Dt 6, 10-20

"Chúng ta có một niềm tin đặt trước mặt như chiếc neo chắc chắn và bền vững".

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, Thiên Chúa không bất công đến nỗi quên công trình của anh em và lòng bác ái anh em đã tỏ ra vì danh Người, anh em là những người đã phục vụ và hiện đang phục vụ các thánh. Chúng tôi mong ước mỗi người anh em thi thố cũng một lòng hăng hái đó để giữ vững niềm hy vọng đến cùng, ngõ hầu anh em không trễ nải, nhưng sẽ noi gương những kẻ nhờ tin tưởng và kiên nhẫn mà hưởng thụ các điều đã hứa.

Quả thật, khi Thiên Chúa hứa cùng Abraham, Người không dựa vào ai lớn hơn mà thề, nhưng dựa vào chính Mình mà thề rằng: "Ta sẽ chúc phúc cho ngươi và sẽ cho ngươi sinh sản ra nhiều". Do đó, Abraham kiên nhẫn chờ đợi, nên được hưởng lời hứa. Vì chưng, loài người dựa vào kẻ lớn hơn mình mà thề, và lời thề được coi như bảo chứng chấm dứt mọi tranh tụng. Cũng vậy, vì Thiên Chúa muốn minh chứng cho những kẻ hưởng thụ lời hứa ý định bất di bất dịch của Người, nên đã làm lời thề, để nhờ hai điều bất di bất dịch mà Thiên Chúa không thể sai lời, thì chúng ta là những người tìm ẩn náu nơi niềm hy vọng đã ban cho chúng ta, chúng ta có một nguồn yên ủi chắc chắn. Trong niềm hy vọng đó, linh hồn chúng ta có một chiếc neo chắc chắn và bền vững, cắm vào tận bên trong bức màn, nơi Ðức Giêsu đã vào như vị tiền phong của chúng ta, Người được phong làm Thượng tế đến muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 110, 1-2. 4-5. 9 và 10c

Ðáp: Cho tới muôn đời Chúa vẫn nhớ lời minh ước (c. 5b).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Tôi sẽ ca tụng Chúa hết lòng, trong nhóm hiền nhân và trong Công hội. Vĩ đại thay công cuộc của Chúa tôi, thực đáng cho những người mến yêu quan tâm học hỏi. - Ðáp.

2) Chúa đã làm những điều lạ lùng đáng nhớ, Người thật là Ðấng nhân hậu từ bi. Chúa đã ban lương thực cho những ai tôn sợ Người, cho tới muôn đời Người vẫn nhớ lời minh ước. - Ðáp.

3) Chúa đã gởi tặng ơn giải phóng cho dân Người, đã thiết lập lời minh ước tới muôn đời, danh Người thực là thánh thiện và khả uý. Lời khen ngợi Chúa còn tồn tại đến muôn đời. - Ðáp.

 

Alleluia: Ga 8, 12

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta sẽ được ánh sáng ban sự sống". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 2, 23-28

"Ngày Sabbat làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sabbat".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu đi qua đồng lúa, môn đệ Người vừa đi vừa bứt lúa. Tức thì những người biệt phái thưa Người rằng: "Kìa Thầy xem. Tại sao ngày Sabbat người ta làm điều không được phép như vậy?" Người trả lời rằng: "Các ông chưa bao giờ đọc thấy điều mà Ðavít đã làm khi ngài và các cận vệ phải túng cực và bị đói ư? Người đã vào nhà Chúa thời thượng tế Abiata thế nào, và đã ăn bánh dâng trên bàn thờ mà chỉ mình thượng tế được ăn, và đã cho cả các cận vệ cùng ăn thế nào?" Và Người bảo họ rằng: "Ngày Sabbat làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sabbat; cho nên Con Người cũng làm chủ cả ngày Sabbat".

Ðó là lời Chúa.



Suy niệm



  Đức Kitô
 Chủ Tể  


Ngày Thứ Ba hôm nay, trong Tuần 2 Thường Niên hậu Giáng Sinh, chủ đề "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân " của chung Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh được tỏ hiện ngay lời tuyên bố của Chúa Kitô về chính bản thân Người rằng: "Con Người cũng làm chủ cả ngày Sabbat".

Thật
 thế, câu tuyên bố này của Người xẩy ra trong trường hợp đưọc bài Phúc Âm hôm nay thuật lại là "vào một ngày Sabbat, Chúa Giêsu đi qua đồng lúa, môn đệ Người vừa đi vừa bứt lúa. Tức thì những người biệt phái thưa Người rằng: 'Kìa Thầy xem. Tại sao ngày Sabbat người ta làm điều không được phép như vậy?'". 

T
rong câu giải đáp của mình cho lời trách móc hơn là vấn nạn của những người biệt phái bấy giờ, Chúa Giêsu bề ngoài có vẻ như biện minh cho hành động các môn đệ của Người làm khiến cho các người biệt phái ấy ngứa cặp mắt duy luật của họ, thế nhưng thật ra Người có ý bênh vực tinh thần của lề luật để giúp cho chính những người biệt phái y thấy được tất cả sự thật về luật lệ mà họ thông thạo và hằng tuân thủ một cách chặt chẽ và nghiêm chỉnh, nhờ đó họ có thể sống đẹp lòng Thiên Chúa hơn.

T
rước hết, như trong bài Phúc Âm hôm nay cho thấy, Người đã dẫn chứng một trường hợp không được phép làm mà vẫn được làm trong trường hợp khẩn cấp ở trong Cựu Ước liên quan đến "điều mà Vua Đavít làm khi ngài và các cận vệ phải túng cực và bị đói ư? Người đã vào nhà Chúa thời thượng tế Abiata thế nào, và đã ăn bánh dâng trên bàn thờ mà chỉ mình thượng tế được ăn, và đã cho cả các cận vệ cùng ăn thế nào?"

S
au nữa, từ trường hợp không được phép làm mà vẫn được làm trong trường hợp khẩn cấp ở trong Cựu Ước liên quan đến Vua Đavít ấy, Chúa Giêsu đã đi đến kết luật liên quan đến tinh thần của lề luật là những gì trực tiếp liên hệ tới mục đích của lề luật như sau: "Ngày Sabbat làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sabbatcho nên Con Người cũng làm chủ cả ngày Sabbat". 

C
ó nghĩa là luật lệ được lập ra và ban bố là vì loài người, để phục vụ loài người như chủ nhân ông của nó, như là mục tiêu của nó, hầu mang lại lợi ích thiêng liêng cho họ, giúp họ thăng tiến, vươn lên, được cứu độ, chứ không phải để hủy diệt họ, khiến họ bị mất tự do, biến họ trở thành nô lệ lề luật, khi lề luật không còn thuần túy là một phương tiện cho họ mà là cùng đích của con người, nhất là đối với thành phần duy luật, thành phần cần phải được giải cứu cho khỏi cảnh làm nô lệ cho lề luật, nhờ bởi "Con Người cũng làm chủ cả ngày Sabbat", như Người làm cho họ trong bài Phúc Âm hôm nay. 

N
hững gì "" kỹ được Chúa đề cập đến trong bài Phúc Âm hôm qua có liên quan mật thiết đến những gì Người nói về lề luật trong bài Phúc Âm hôm nay: "áo cũđây phải chăng là chữ nghĩa của lệ luật, hoàn toàn không hợp với tấm "vải mới" được Người cung cấp là ý nghĩa đích thực liên quan đến mục đích chính yếu của lề luật theo những lời dẫn giải của Ngườivà "bầu da cũ" đây phải chăng là chủ trương và thái độ duy luật, hoàn toàn không hợp với và không thể nào chấp nhận thứ "rượu mớihay chứa đựng nổi thứ "rượu mới" là tinh thần yêu thương bác ái làm nên chính lệ luật và làm trọn lề luật (xem Roma 13:10).

Nếu để ý lịch trình của các bài Phúc Âm theo Thánh Marco, nhất là các bài Phúc Âm được Giáo Hội chọn đọc cho các ngày trong tuần, chúng ta đã thấy, đang thấy và sẽ thấy chiều hướng Chúa Giêsu Thiên Sai Cứu Thế tỏ mình ra cho dân Do Thái như một "Người Con duy nhất đến từ Cha, đầy ân sủng và chân lý" (Gioan 1:14). Nếu trong Tuần I Thường Niên, các bài Phúc Âm cho thấy một Chúa Giêsu Thiên Sai Cứu Thế "đầy ân sủng", thì các bài Phúc Âm tuần II Thường Niên này cho chúng ta thấy Người "đầy chân lý".

Thật vậy, các bài Phúc Âm tuần I Thường Niên, Chúa Giêsu Thiên Sai Cứu Thế đã tỏ mình ra "đầy ân sủng": 1- ở chỗ trừ quỉ ám chỉ cứu con người khỏi tội lỗi do ma quỉ gây ra cho con người ngay từ ban đầu (bài Phúc Âm Thứ Ba); 2- ở chỗ chữa lành người cùi ám chỉ cứu con người khỏi chết về phần xác là cái chết tách ly họ khỏi với xã hội loài người (bài Phúc Âm Thứ Năm); 3- ở chỗ chữa lành một nạn nhân bại liệt, cũng ám chỉ sự chết về phần xác khiến con người trở nên bất lực (bài Phúc Âm Thứ Sáu); 4- ở chỗ Người đồng bàn với thành phần thu thuế và tội lỗi trong nhà của chàng Lêvi thu thuế đáp ứng ngay theo lời Người kêu gọi theo Người (bài Phúc Âm Thứ Bảy). Cả bài Phúc Âm Thứ Sáu lẫn Thứ Bảy đều liên quan đến việc tha tội và LTXC của Người.

Nếu trong tuần I Thường Niên, Chúa Giêsu Thiên Sai Cứu Thế tỏ mình ra "đầy ân sủng" ở việc chữa lành cả hồn tội lỗi lẫn xác tật nguyền gây ra bởi tội lỗi của con người, thì trong tuần II Thường Niên, Người tỏ mình ra "đầy chân lý", khi Người lợi dụng tình trạng mù tối (dấu hiệu của sự chết nơi tâm linh) về đạo lý của thành phần trí thức thông luật, giữ luật và dạy luật là luật sĩ và biệt phái, hay thành phần công chính như các môn đệ của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả và biệt phái, để soi sáng cho họ thấy tất cả sự thật về cả việc đạo đức như về vấn đề chay tịnh (bài Phúc Âm Thứ Hai), lẫn việc giữ luật nói chung, nhất là những gì liên quan đến Hgày Hưu Lễ (bài Phúc Âm Thứ Ba và Thứ Tư). 

Chúng ta thường hay phân biệt việc xấu và người xấu, ở chỗ, chúng ta phải thương yêu người xấu nhưng phải chống lại việc xấu của họ. Ở bài Phúc Âm hôm nay, việc xấu ở đây đối với thành phần biệt phái là việc các môn đệ của Chúa Giêsu bứt bông lúa mà ăn vào Ngày Hưu Lễ, một việc bất hợp pháp trong Ngày Hưu Lễ, có tội theo luật. Phản ứng của Chúa Giêsu ra như thể Người bênh vực việc làm của các môn đệ, một việc làm xấu đối với thành phần biệt phái, nhưng lại được phép đối với Chúa Giêsu là Thày của các vị.

Thật ra, Người không bênh vực những ai thuộc về Người theo cảm tình tự nhiên của con người, hay bênh vực danh dự cùng uy tín của Người bởi có những người môn đệ sống vô kỷ luật như thế như thành phần biệt phái chủ quan hay soi mói nhận định, mà là bênh vực chính sự thật về lề luật. Bởi đó, cuối cùng Người đã khẳng định nguyên tắc ưu tiên con người trên lề luật và lề luật phải qui về lợi ích thăng tiến của con người, cùng với thẩm quyền tối hậu của lề luật như sau: "Ngày Sabbat làm ra vì loài người, chứ không phải loài người vì ngày Sabbat; cho nên Con Người cũng làm chủ cả ngày Sabbat".

Trong Bài Đọc 1 hôm nay, trích Thư Do Thái, Thánh Phaolô đã nói đến niềm hy vọng vào Chúa Kitô, Đấng đã Vượt Qua, Đấng "đã vào" "tận bên trong bức màn" là nơi cực thánh ở Đền Thờ, vì "Người được phong làm Thượng tế đến muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê" để chuyển cầu cho chúng ta, cho các chi thể của Người, nhất là cho những ai tin vào Người, như "chiếc neo chắc chắn và bền vững, cắm vào tận bên trong bức màn".

Chính vì Chúa Kitô Nhập Thể và Vượt Qua mà những gì Thiên Chúa đã nhưng không hứa với hai nguyên tổ ơn cứu độ của Ngài sau nguyên tội, một ơn cứu độ giành cho chung loài người, bao gồm cả dân Do Thái và qua dân Do Thái, như Ngài đã tự động hứa cho tổ phụ Abraham. Và đó là lý do những ai tin tưởng cậy trông vào Thiên Chúa nơi "Người Con duy nhất đến từ Cha, đầy ân sủng và chân lý" mới có thể ấp ủ tâm tình của Thánh Vịnh 110 ở Bài Đáp Ca hôm nay:

1) Tôi sẽ ca tụng Chúa hết lòng, trong nhóm hiền nhân và trong Công hội. Vĩ đại thay công cuộc của Chúa tôi, thực đáng cho những người mến yêu quan tâm học hỏi.

2) Chúa đã làm những điều lạ lùng đáng nhớ, Người thật là Ðấng nhân hậu từ bi. Chúa đã ban lương thực cho những ai tôn sợ Người, cho tới muôn đời Người vẫn nhớ lời minh ước. 

3) Chúa đã gởi tặng ơn giải phóng cho dân Người, đã thiết lập lời minh ước tới muôn đời, danh Người thực là thánh thiện và khả uý. Lời khen ngợi Chúa còn tồn tại đến muôn đời. 

 

 

 

 


Thứ Tư


Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (năm I) Dt 7, 1-3. 15-17

"Ngươi là tư tế theo phẩm hàm Menkixêđê tới muôn đời".

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, Menkixêđê này là vua Salem, tư tế của Thiên Chúa Tối Cao, ông đã đi đón Abraham đang trên đường về sau khi đánh bại các vua, ông chúc lành cho Abraham. Và Abraham dâng cho ông một phần mười các chiến lợi phẩm. Giải nghĩa tên ông, trước tiên thấy tên ông mang tên vua công chính, rồi ông lại còn là vua Salem, nghĩa là vua hoà bình. Ông không cha không mẹ, không gia phả, không ngày sinh, không ngày tử, nhưng ông được so sánh với Con Thiên Chúa, nên ông làm tư tế muôn đời.

Việc còn hiển nhiên hơn nữa, nếu một tư tế khác được thiết lập theo phẩm hàm Menkixêđê, không phải chiếu theo luật xác thịt quy định, nhưng chiếu theo quyền năng của sự sống bất diệt. Vì đã chứng thực về ngài rằng: "Ngươi là tư tế theo phẩm hàm Menkixêđê tới muôn đời".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 109, 1. 2. 3. 4

Ðáp: Con là Thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê (c. 4bc).

Xướng: 1) Thiên Chúa đã tuyên bố cùng Chúa tôi rằng: "Con hãy ngồi bên hữu Ta, cho tới khi Ta bắt quân thù làm bệ kê dưới chân Con". - Ðáp.

2) Ðức Thiên Chúa từ Sion sẽ phô bày vương trượng quyền bính của Ngài, rằng: "Con hãy thống trị giữa quân thù". - Ðáp.

3) Các thủ lãnh cùng hiện diện bên Con, ngày Con giáng sinh trong thánh thiện huy hoàng: "Trước rạng đông, tựa hồ sương sa, Ta đã sinh hạ ra Con". - Ðáp.

4) Ðức Thiên Chúa đã thề và không hối hận rằng: "Con là Thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê. - Ðáp.

 

Alleluia: Ga 6, 64b và 69b

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống. Chúa có những lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 3, 1-6

"Trong ngày Sabbat được cứu sống hay là giết chết?"

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu lại vào hội đường và ở đó có một người khô bại một tay. Người ta để ý quan sát xem Chúa có chữa bệnh trong ngày Sabbat không, để tố cáo Người. Chúa bảo người có tay khô bại rằng: "Ngươi hãy đứng ra giữa đây". Rồi Người bảo họ: "Trong ngày Sabbat được làm sự lành hay sự dữ? Ðược cứu sống hay là giết chết?" Nhưng họ thinh lặng. Bấy giờ Người thịnh nộ đưa mắt nhìn họ và buồn phiền vì lòng họ chai đá, Người bảo bệnh nhân rằng: "Hãy giơ tay ra". Người đó giơ tay ra và tay anh ta được lành. Lập tức, những người biệt phái đi ra bàn tính với những kẻ thuộc phái Hêrôđê chống đối Người và tìm cách hại Người.

Ðó là lời Chúa.



Suy niệm

 

  Đức Kitô vĩ đại

   


Ngày Thứ Tư trong Tuần 2 Thường Niên hậu Giáng Sinh hôm nay, bài Phúc Âm của Thánh ký Marcô vẫn liên tục với bài Phúc Âm hôm qua, chẳng những về bố cục trước sau của cuốn sách Phúc Âm thứ hai này mà còn liên tục cả về ý nghĩa của hai bài Phúc Âm này nữa. 

Bài Phúc Âm hôm nay được Giáo Hội chọn đọc thích hợp với chủ đề chung của Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh "Người Con đến từ Cha ... đầy ân sủng và chân lý", ở chỗ, người chẳng những chữa lành cho "một người khô bại một tay" mà còn mở mắt cho thành phần thông luật nhưng duy luật biệt phái về tinh thần của lề luật, bằng câu hỏi được Người đặt ra cho họ tự suy nghĩ: "Trong ngày Sabbat được làm sự lành hay sự dữ? Ðược cứu sống hay là giết chết?"  

Bài Phúc Âm hôm nay cũng như bài Phúc Âm hôm qua đều liên quan đến ngày hưu lễ là thời điểm được chung dân chúng và riêng nhóm biệt phái cùng luật sĩ tuân giữ rất kỹ lưỡng và đã thấy ngứa mắt trước những hành động của các môn đệ Chúa Giêsu bứt lúa mà ăn trong ngày hưu lễ (ở bài Phúc Âm hôm qua) hay của chính Chúa Giêsu chữa lành cho người bị bại tay trong ngày hưu lễ (ở bài Phúc Âm hôm nay). 

Cả hai lần Chúa Giêsu đều nhắc nhở thành phần theo dõi và bắt bẻ các môn đệ của Người cũng như bắt bẻ chính Người về tinh thần chính yếu của lề luật cũng như mục đích của lề luật đối với vị thế cùng giá trị của con người so vị thế và giá trị của lề luật. Vấn đề then chốt này cũng chính là vấn đề then chốt của Giáo Huấn Giáo Hội Công Giáo về xã hội ngày nay, một bộ giáo huấn bắt đầu từ thời Đức Lêô XIII sau khi chủ nghĩa cộng sản xuất hiện. 

Thật vậy, yếu tố chính yếu làm nên trọng tâm của Giáo Huấn của Giáo Hội về xã hội đó là con người, một thực thể phải được coi trọng theo đúng dự án tạo dựng của Thiên Chúa Hóa Công, ở chỗ con người phải làm chủ trái đất chứ không phải làm tôi cho những gì được dựng nên cho họ (xem Khởi Nguyên 1:28), bởi thế, tất cả mọi sự, bao gồm cả sự vật trần thế và sự việc trên đời, tất cả mọi hoạt động của con người, về phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học v.v. đều phải phục vụ con người, chứ không được coi thường họ và lạm dụng họ như chủ nghĩa cộng sản hay văn hóa sự chết. 

Trái lại, cho dù con người đóng vai chính yếu trên trần gian này, trên trái đất này, họ vẫn không thể nào trở thành tối cao, là cùng đích của mình, trở thành tuyệt đối như Thượng Đế, như Thiên Chúa, như Đấng dựng nên họ. Bởi thế, tất cả những chủ nghĩa tôn sùng con người, được gọi là chủ nghĩa duy nhân bản, như chủ trương tương đối hóa mọi nguyên tắc và lề luật luân lý bất di bất dịch, để tuyệt đối hóa tự do và ý riêng của con người, cũng tác hại chính con người, mang con người đến chỗ diệt vong chẳng khác gì chủ nghĩa cộng sản và văn hóa sự chết coi thường con người vậy.  

Nếu trong bài Phúc Âm hôm qua, Chúa Giêsu, "Người Con đến từ Cha" đã tỏ mình ra "đầy ân sủng và chân lý", khi tự xưng mình là "Chúa của cả ngày hưu lễ", thì trong bài Phúc Âm hôm nay "Người Con đến từ Cha" đã tỏ mình ra "đầy ân sủng và chân lý", ở chỗ chữa lành cho "một người khô bại một tay". 

Thật ra, tật "khô bại một tay", so với các trường hợp bệnh tật khác, như phong cùi, bại liệt, què quặt, mù lòa, câm điếc v.v., thì chỉ là chuyện nhỏ, không đáng kể là bao nhiêu. Tuy nhiên, chính ở cái nho nhỏ, không đáng kể là bao nhiêu ấy mà vẫn được Người lưu tâm đáp ứng cứu chữa, nhất nữa lại vào ngày hữu lễ nữa, lại càng cho thấy chân dung tuyệt vời của "Người Con đến từ Cha ... đầy ân sủng và chân lý" này. 

Đúng thế, cho dù chỉ bị "khô bại một tay", thân xác của con người vẫn không được vẹn toàn đúng như nó đã được Thiên Chứa dựng nên "rất tốt đẹp" (Khởi Nguyên 1:31) ngay từ ban đầu, và khả năng hoạt động của con người vẫn bị ngăn trở, không được tự do, tức vẫn cần phải được cứu chữa hay cần phải được giải thoát để có thể nguyên vẹn hơn về hình hài cùng tầm vóc và đắc lực hơn về hoạt động cùng phục vụ.

"Người Con đến từ Cha ... đầy ân sủng và chân lý" này, vì quan tâm lưu ý và "biết cảm thông" (xem Do Thái 4:15) với từng người và từng khổ đau của loài người, dù nhẹ như nạn nhân chỉ bị "khô bại một tay" ở bài Phúc Âm hôm nay, chứng tỏ Người quả "là tư tế theo phẩm hàm Menkixêđê tới muôn đời", một nhân vật mang tên Menkixêđê trong Bài Đọc 1 hôm nay "không cha không mẹ, không gia phả, không ngày sinh, không ngày tử, nhưng ông được so sánh với Con Thiên Chúa, nên ông làm tư tế muôn đời". Nói đúng hơn, vì là "Người Con duy nhất đến từ Cha...", mà Chúa Kitô không phải "là tư tế theo phẩm hàm Menkixêđê tới muôn đời", trái lại, nhân vật Menkixêđê có vẻ như huyền thoại và hoang đường này chính là hình ảnh của chính "Người Con duy nhất đến từ Cha, đầy ân sủng và chân lý".

Thánh Vịnh 109 trong Bài Đáp Ca hôm nay đã chiêm ngưỡng và cảm nhận "Người Con đến từ Cha ... đầy ân sủng và chân lý" "là Thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê" này như sau:

1) Thiên Chúa đã tuyên bố cùng Chúa tôi rằng: "Con hãy ngồi bên hữu Ta, cho tới khi Ta bắt quân thù làm bệ kê dưới chân Con".

2) Ðức Thiên Chúa từ Sion sẽ phô bày vương trượng quyền bính của Ngài, rằng: "Con hãy thống trị giữa quân thù".

3) Các thủ lãnh cùng hiện diện bên Con, ngày Con giáng sinh trong thánh thiện huy hoàng: "Trước rạng đông, tựa hồ sương sa, Ta đã sinh hạ ra Con".

4) Ðức Thiên Chúa đã thề và không hối hận rằng: "Con là Thượng tế tới muôn đời theo phẩm hàm Menkixêđê.

 

 

Thánh FABIANO, Giáo Hoàng Tử Đạo (+ 250); Thánh SÊBASTIANÔ , Tử Đạo (Thế kỷ III)

Ngày 20/01

 

 

THÁNH FABIANÔ

Giáo Hoàng, Tử Ðạo

 

Thánh Fabianô lên ngôi thánh Phêrô không phải do người ta bầu ra, cho bằng chính sự chọn lựa của Thiên Chúa. Vào lúc dân chúng và hàng giáo sĩ Roma họp nhau để chọn vị mục tử, thì một cánh chim câu từ trên trời xuống đậu trên đầu Fabiano. Ngài kế vị thánh Anthêrô làm giáo hoàng năm 236.

Do đó, dầu trước kia không ai ngó tới Ngài vì Ngài còn là một giáo dân ngoại quốc, bây giờ mọi người đều lớn tiếng gọi Ngài là người được Chúa chọn. Một cuộc tuyển lựa đặc biệt như vậy vào Giáo hội hàng đầu trong các Giáo hội, chắc chắn phải có những biến cố đáng kể tiếp theo. Nhưng lịch sử lại không lưu giữ kỷ niệm nào.

Ngài được cai quản Giáo hội trong 14 năm, với lòng nhiệt thành lẫn sự khôn ngoan. Ngài đã gửi nhiều nhà truyền giáo sang xứ Gôn (Gaute) và đã kết án nhiều lầm lạc bị gán ghép cách sai trái cho Origenê. Thánh Cyprianô đã tặng cho Ngài danh hiệu “một con người khôn sánh”.

Nét son của thánh Fabianô, giáo hoàng là luôn lưu tâm đến người nghèo và sống đời mục tử hiền lành, bác ái theo gương Thầy chí thánh Giêsu. Thánh nhân được ca tụng như một vị trung tín của Chúa và Hội Thánh.

 CON NGƯỜI CỦA GIỚI NGHÈO

Thánh nhân được sinh ra vào thế kỷ 2 và lên ngôi Giáo hoàng vào thời kỳ Hội Thánh đang lâm cơn nguy khốn, bị cấm cách bắt bớ, bị các Hoàng đế Maximinô và Ðêciô ra sức đè bẹp Giáo Hội Chúa Kitô. Thánh nhân vì có lòng xót thương người như Chúa Giêsu khi thấy đoàn lũ dân chúng đi theo Ngài để nghe Lời Người rao giảng, đã chạnh lòng xót thương nói với các môn đệ:” Hãy cho họ ăn”. Dù rằng các môn đệ sợ phiền hà, sợ không đủ lương thực cho một số rất đông dân chúng. Chúa Giêsu đã biết việc Ngài sắp làm, Ngài đã thương dân bơ vơ, vất vưởng, đói khát. Thánh Fabianô đã trao bảy khu vực lớn cho bảy vị phụ tá trong đế quốc Lamã lúc đó và truyền cho các vị phụ tá phải lưu tâm săn sóc giới nghèo trong khu vực mình phụ trách. Thánh Fabianô đã sống đời sống bác ái, chia sẻ, cảm thông và lưu tâm như Chúa Giêsu. Ngài còn lập hội các nhà sưu tầm sử học, viết lại biên niên sử, tiểu sử của các vị tử đạo trong Giáo hội lúc đó. Thánh nhân còn lưu ý đặc biệt canh tân phụng vụ nghi thức thứ năm tuần thánh. Thánh Fabianô đã họa lại hình ảnh nhân từ của Chúa Giêsu, Ðấng đến để phục vụ, chứ không phải để được hầu hạ.

 CHÚA YÊU THƯƠNG THÁNH NHÂN VÀ THƯỞNG CÔNG NGÀI

Thánh Fabianô đã lèo lái con thuyền Giáo Hội suốt những năm Hoàng đế Ðiocletianô cấm cách, bắt bớ và muốn vùi dập Giáo Hội cho thuyền đắm chìm, Ngài đã giữ vững tay lái và làm cho Hội Thánh luôn đứng vững. Ngài đã luôn chứng tỏ Chúa Kitô� luôn có mặt:” Ðừng sợ “. Chúa hiện diện giữa lúc thuyền các môn đệ sắp đắm chìm và Chúa can thiệp đúng lúc, nên con thuyền của các tông đồ không bị vùi lấp, không bị lung lay. Thánh Fabianô đã yêu thương người nghèo với tất cả con tim, với tất cả tấm lòng xót thương của mình. Ngài đã được Chúa yêu và cho lãnh nhận triều thiên tử đạo vào ngày 20/01/250.

Lạy Chúa là vinh quang của hàng tư tế, xin nhận lời thánh Fabianô, tử đạo chuyển cầu mà cho chúng con ngày càng thêm hiệp nhất trong đức tin, và nhiệt thành phụng sự Chúa( lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Fabianô, giáo hoàng, tử đạo ).

 

THÁNH SÊBASTIANÔ TỬ ĐẠO (+ 288)

 

Hai thành phố Narbona và Milanô đã tranh dành nhau vinh dự được nhìn thấy ngày thánh Sêbastinô chào đời. Người ta có thể nói được thánh Sêbastianô là công dân của cả hai thành phố trên vì cha ngài thuộc dòng quý tộc sinh quán tại Nácbôn và mẹ ngài là công dân của thành phố Milanô.

Với gia cảnh sung túc, Sêbastianô được hấp thụ một nền giáo dục chu đáo cả đức dục lẫn trí dục. Năm 283, Sêbastianô gia nhập quân đội và được cấp chỉ huy tín nhiệm vì nhận thấy ngài có đức tính trung thành, trí minh mẫn và lòng can trường đặc biệt. Dưới đời Hoàng đế Điôclêtianô, Sêbastianô được thăng cấp đại úy trong lữ đoàn ngự lâm quân. Hoàng đế cũng rất quí mến Sêbastianô nên đã cho ngài vào ngay trong triều đình, nhưng Hoàng đế không biết đại úy Sêbastianô là người công giáo, vả ngài cũng không muốn tiết lộ với ai, không phải vì hèn nhát nhưng cốt để có thể dễ dàng giúp đỡ những anh em hiện đang bị giam trong tù ngục vì đức tin.

Trong thời kỳ bách hại dữ dội nhất, hai anh em hiệp sĩ Rôma quý danh là Máccô và Macxenlianô con nhà triệu phú Tranquilinô từ khước không chịu tế thần. Hai chàng đã bị kết án tử hình. Cha mẹ hai chàng là người ngoại giáo xin quan gia hạn thêm ba mươi ngày để có thời giờ khuyên hai con đổi ý. Người ta giao hai người cháu cho viên lục sự toà án tên là Niôstratê quản thúc. Cả hai bị gia đình đến quyến rũ và tấn công liên miên. Giữa lúc hai cháu gần nao núng vì những giọt nước mắt đau xót của cha mẹ, vợ con, anh chị em, chính lúc đó, đại úy Sêbastianô đã đến kịp thời để củng cố đức tin hai chàng. Khi Sêbastianô đang khuyên nhủ hai ông, vợ viên lục sự Nicostratê là Đoê chạy tới phủ phục dưới chân thánh Sêbastianô, làm dấu tỏ ý muốn xin thánh nhân cứu chữa vì bà bị câm đã sáu năm nay.

Thánh Sêbastianô làm dấu thánh giá trên miệng bà, tức thì bà liền nói được và lớn tiếng tuyên xưng đức tin. Trước phép lạ đó, viên lục sự chồng bà cũng đến phủ phục dưới chân sĩ quan hoàng gia để tỏ lòng tri ân. Đồng thời ông xin lỗi hai Kitô hữu mà ông có nhiệm vụ quản thúc; rồi ông cởi xích cho hai chàng và tuyên bố mình muốn được diễm phúc chịu tử đạo như các ngài. Còn gia đình hai Kitô hữu Máccô và Macxêlianô, trước đây đã đua nhau quyến rũ hai ông bỏ đạo thì nay, vì thấy phép lạ trên, đều cương quyết không chịu tế thần như trước nữa. Đồng thời họ lớn tiếng cảm tạ Thiên Chúa và thật tình thống hối những lỗi lầm quá khứ.

Viên lục sự Nicostratê thề quyết không ăn uống gì một khi chưa được chịu phép rửa tội. Sau khi đã tháo xích cho các tù nhân công giáo, ông đưa họ về nhà mình. Còn thánh Sêbastianô vội vã đi đón cha Pôlicapô đến khuyên dậy và rửa tội cho một số tân tòng. Viên coi đề lao Clôtiô hết sức kinh ngạc trước sự kiện kỳ lạ mới xẩy ra. Bấy giờ ông có hai đứa con đang ốm nặng, ông liền đưa hai con đến nhà Nicostratê để xin các người tân tòng chữa bệnh cho con ông. Nhưng họ trả lời: "Chỉ có nhiệm tích rửa tội mới có thể làm được công việc kỳ lạ đó ". Được ơn Thiên Chúa thôi thúc, Clôtiô và cả gia đình đều xin gia nhập hàng ngũ các tân tòng.

Cha Pôlycapô cử hành bí tích rửa tội ngay tại nhà ông Nicostratệ Đại úy Sêbastianô nhận đỡ đầu cho tất cả các tân Kitô hữu. Hai con ông Clotiô vừa ra khỏi giếng rửa tội đều được lành mạnh cả hồn lẫn xác.

Ông già Tranquilinô thân phụ hai anh em Máccô và Macxêlianô bị bệnh thống phong đã 11 năm. Lúc cởi áo để rửa tội, ông cụ cảm thấy đau đớn khác thường. Cha Pôlicapô giúp ông lão cởi áo, đồng thời ngài cho ông hay nếu như ông tin tưởng hoàn toàn vào Chúa Kitô, ông sẽ được Chúa cho khỏi bệnh phần xác khi ngài cho ông khỏi bệnh linh hồn. Ông lão trả lời:

"Tôi thâm tín rằng Chúa Kitô có thể cho tôi được khỏi bệnh cả xác lẫn hồn, nhưng tôi chỉ xin Chúa cho tôi khỏi bệnh phần hồn thôi. Tôi rất sung sướng được dâng lên Chúa Kitô những đau khổ của tôi".

Cha Pôlicapô hỏi ông lão một lần cuối cùng:

"Cụ có tin Thiên Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần không?"

Ông lão thưa: "Con xin tin". Sau khi dìm mình trong giếng rửa tội ông được lành bệnh.

Các tân Kitô hữu còn ở lại nhà ông Nicostratê mười ngày nữa. Dưới sự hướng dẫn khôn ngoan của cha Pôlicapô và đại úy Sêbastianô, mọi người sốt sắng ca hát cảm tạ Thiên Chúa và cùng nhau sửa soạn giao chiến. Ai nấy đều ao ước được diễm phúc chịu chết vì Chúa Kitô.

Thời hạn khoan hồng 30 ngày vừa chấm dứt, quận trưởng Crômaciô cho triệu vời vị lão thành Tranqyuilinô đến. Tới trình diện tỉnh trưởng, nguyên lão nghị viên Traquilinô ung dung đáp: "Thưa quí ngài, thời gian ngài đã đồng ý gia hạn cho tôi như lời tôi xin, để đưa các con về với cha mẹ và để trả lại cha mẹ cho các con, nay đã chấm dứt".

Ông tỉnh trưởng không biết gì về những lời vị lão thành vừa nói. Ông cứ đinh ninh là vị lão thành Tranquilinô đã chiến thắng hai con ông nên ông truyền đưa hương ra để cho Máccô và Macxenlianô dâng cúng các thần minh.

Ngay lúc đó, vị lão thành Tranquilinô đứng phắt dậy tuyên bố ông là Kitô hữu và đồng thời ông kể lại những phép lạ vừa rồi ông được chứng kiến. Tỉnh trưởng Crômaciô cũng bị bệnh thống phong và ông cũng muốn được khỏi như vị lão thành Tranquilinô, ông tuyên bố hoãn phiên toà sang một ngày khác. Chiều tối, ông bí mật cho mời vị lão thành Traquilinô tới tư dinh của ông. Ông khẩn khoản xin ông Tranquilinô mách giùm phương thuốc đã chữa ông khỏi bệnh.

Để trả công, ông hứa sẽ ban tặng nhiều vàng bạc. Nguyên lão nghị viên trả lời: "Chính Đấng Toàn Năng đã chữa tôi và chỉ mình Chúa Kitô mới có quyền lực làm thoả mãn lời yêu cầu của quý ông". Ông tỉnh trưởng xin được gặp vị linh mục đã rửa tội cho Tranquilinô và hy vọng sẽ được khỏi bệnh như các người tân tòng kia. Ông già Tranquilinô vội vã đi mời cha Pôlicapô tới tư dinh tỉnh trưởng. Ông này tỏ bầy nguyện vọng của ông với cha Pôlicapô và hứa hẹn sẽ ban tặng cho vị linh mục nhiều tặng phẩm đặc biệt, một khi ông được khỏi bệnh. Linh mục Pôlicapô trả lời:

"Xin ngài tỉnh trưởng đừng nói đến truyện mặc cả có tính cách buôn bán như thế. Chúa Kitô sẽ soi sáng sự tối tăm của ngài và sẽ chữa ngài lành, đã nếu ngài tin tưởng hoàn toàn nơi Chúa Kitô.

Sau ba ngày ăn chay cầu nguyện, linh mục Pôlicapô và đại úy Sêbastianô tới thăm ông tỉnh trưởng Crômaciô để nói với ông về những đau khổ mà ông đang chịu và đồng thời hai vị cũng nói với ông về những khổ hình bên kia thế giới.

Nghe những điều đó tỉnh trưởng rất sợ hãi, khẩn khoản xin được ghi tên vào sổ các tân tòng. Trong nhà ông còn đầy những thần tượng. Đại úy Sêbastianô lưu ý ông tỉnh trưởng hay, ông không được vừa theo Chúa vừa tôn thờ ma quỉ.

Thánh nhân yêu cầu ông phải huỷ bỏ các thần tượng. Ông đồng ý và định sai đầy tớ làm. Nhưng đại úy Sêbastianô muốn tự tay mình phá không muốn để cho đầy tớ làm. Đại úy nói với ông tỉnh trưởng: "Các tôi tớ của ngài vì còn sống dưới quyền lực của quỷ thần có thể tác hại họ chăng. Tôi xin ngài giao công việc quỷ thần này cho chúng tôi là những Kitô hữu mới có thể phá huỷ các thần tượng này được. Đại úy Sêbastianô bắt đầu cầu nguyện, lòng đầy ơn Chúa, ngài tiến thẳng vào trong đền phá một lúc hai trăm thần tượng tan tành. Trở ra ngoài đại úy hỏi ông tỉnh trưởng xem còn thần tượng nào cần phải huỷ nữa không. Ông tỉnh trưởng Crômaciô thú thực ông còn một phòng khác đầy thần tượng do cha ông để lại mà ông một mực tôn kính. Đại úy Sêbastianô cực lực phản đối lòng tin dị đoan đó, và ngài quả quyết rằng:

"Nếu tỉnh trưởng muốn được khỏi bệnh, thì ông phải phá huỷ tất cả những thần tượng đó đi ".

Tỉnh trưởng ưng thuận. Ngay lúc đó con trai ông tên là Tiburciô từ trong nhà chạy ra hô lớn một giọng đầy căm hờn:  "Tôi sẽ đốt hai lò lửa để thiêu sinh Sêbastianô và Pôlicapô, nếu cha tôi không được khỏi bệnh".

Hai vị đồng ý nhận lời thách thức đó và tiếp tục phá huỷ những thần tượng còn sót lại. Lúc đó, một Thiên sứ mặc áo trắng như tuyết hiện đến với Crômaciô và nói: "Chúa Kitô sai tôi tới đây để chữa bệnh cho ngài ". Thiên sứ vừa nói dứt lời, ông tỉnh trưởng liền được khỏi bệnh. Ông vội vã chạy lại định ôm chằm lấy chân viên y sĩ kỳ lạ đó, nhưng Thiên sứ phản đối: "Thưa ngài, ngài không xứng đáng chạm tới sứ thần Thiên Chúa, vì lẽ ngài chưa được tái sinh bởi nước rửa tội ".

Nghe nói thế, tỉnh trưởng Crômaciô liền phủ phục dưới chân linh mục Pôlicapô và đại úy Sêbastianô khẩn khoản xin ai vị rửa tội cho ông. Đại úy Sêbastianô tuyên bố: "Nếu ngài muốn lĩnh nhận nhiệm tích cao quý đó, phải ăn chay và cầu nguyện". Sau nhiều ngày ăn chay và cầu nguyện, ông tỉnh trưởng được đón nhận vào hàng ngũ con cái Giáo Hội. Rồi cả nhà ông đều xin chịu phép rửa tội. Ngày đó đại úy Sêbastianô đã làm cha đỡ đầu cho hơn 1.400 tân tòng.

Các cuộc bách hại càng ngày càng dữ dội. Theo sắc lệnh của Hoàng đế, không ai được mua hay bán gì nếu không chịu tế thần. Ông tỉnh trưởng Crômaciôâ đệ đơn xin từ chức. Lâu đài rộng lớn của ông biến thành nơi hội họp của các Kitô hữu. Tiburciô, con trai ông sau cũng trở lại đạo và là một tín hữu rất nhiệt thành, thánh Sêbastianô rất hăng hái hoạt động tông đồ. Ngày ngày thánh nhân đi vào các trại giam khích lệ và khuyên nhủ các chiến sĩ của Chúa Kitô hăng hái chiến đấu tới giọt máu cuối cùng. Trong thời bách hại, các Kitô hữu thường hội họp ở những nơi kín đạo bí mật tránh những con mắt dòm ngó của công an. Nhưng từ ngày tên phản bội Tôquát tới báo cho công an, các cuộc hội họp thường bị phát giác. Nhờ tên phản phúc Tôquát (Torquat) chỉ điểm công an đã bắt được quả tang Castuliô Tiburciô Maccô và Macxêlianô đang hội họp. Họ liền trói cả bốn người dẫn về tống ngục.

Giữa cơn thử thách dữ dội đó, thánh Sêbastianô đem hết nghị lực và thời giờ rảnh để len lỏi vào các trại thăm viếng và khích lệ các anh em.

Những ngày đen tối nhất của Giáo Hội đã tới, cuộc thanh trừng các Kitô hữu đi đến chỗ gắt gao nhất. Hai anh em Maccô và Macxelianô bị trói vào cột đá một ngày một đêm giữa những lời nguyền rủa và chửi bới của đám quần chúng cuồng nhiệt. Cuối cùng lý hình kết liễu đời hai vị bằng một nhát gươm. Đoê, vợ ông Nicostratê bị họ buộc tóc treo lên một cành cây, rồi đốt lửa dưới chân cho tới khi tắt thở. Vị lão thành Tranquilinô cụ thân sinh của hai anh em Maccô và Macxêlianô, bị ném đá chết ngày 6-7-286; Tiburciô bị chém đầu vào mùa thu năm 286; Castuciô bị chôn sống; Nicostratê và Clôtiô bị buông sông; Crômaciôâ bị xử tử; còn lại một mình Sêbastianô. Trong những ngày sống sót thánh nhân chạy rảo khắp kinh thành Rôma để nâng đỡ và khuyến nhủ các chiến sĩ của Chúa Kitô trong những trận chiến ác liệt nhất. Nhưng đã đến giờ Thiên Chúa gọi thánh nhân về lĩnh nhận triều thiên thiên quốc. Bọn công an để mắt theo dõi từng hành động của thánh nhân. Cuối cùng Sêbastianô bị bọn công an tố cáo với Hoàng đế. Hoàng đế Đêôclêtianô từ lâu vẫn có thiện cảm với Sêbastianô, nên đầu tiên không nghe lời bọn công an tố giác, nhưng rồi nhà vua cũng cho đòi thánh nhân đến để điều tra thực hự Đây là cuộc tra vấn của Hoàng đế.

"Trẫm nghe người ta đồn khanh là người công giáo, có phải không?".

Thánh Sêbastianô trả lời: "Muôn tâu bệ hạ, kẻ hạ thần này là người Công giáo như lời thiên hạ đã đồn đại. Hạ thần tin chắc rằng kẻ nào cầu cứu và tin tưởng ở một khối đá bất động, kẻ đó là người điên dại ."

Nghe nói thế Hoàng đế nhẩy bổ ra khỏi ghế, thét lên vì giận dữ: "Trẫm đã biệt đãi và yêu thương nhà ngươi hết lòng, thế mà nhà ngươi lại dám cả gan bất tuân lệnh của trẫm và nguyền rủa các thần minh như thế sao ?"

Thánh Sêbastianô trả lời: "Muôn tâu bệ hạ, kẻ hạ thần này hằng cầu xin Chúa Kitô bảo vệ đế quốc Hoàng đế và ban cho hoàng đế được ơn cứu rỗi. Hạ thần hằng phụng thờ Thiên Chúa ở trên trời ."

Hoàng đế muốn xử tử ngay tức khắc người chiến sĩ can trường có một của Chúa Kitô, nhưng vì sợ quân lính vẫn còn thiện cảm với vị chủ tướng của họ sẽ nổi loạn để bênh vực vị chỉ huy của họ chăng. Bấy giờ ở kinh thành Rôma, sẵn có một tiểu đoàn binh sĩ ở thuộc địa chuyên nghề bắn cung, mới được tuyển mộ nhập quân đội hoàng gia. Hoàng đế giao cho họ việc xử tử thánh Sêbastianô.

Vâng lệnh hoàng đế, chúng trói thánh nhân lại, điệu ra ngoài thành, lột áo ngoài ra, trói vào cột làm như bia để bắn, thánh Sêbastianô đứng thản nhiên ngước mắt nhìn trời, cảm tạ Thiên Chúa và cầu nguyện cho bọn lý hình. Lệnh vừa ban hành, bọn cung thủ thi nhau bắn như mưa vào thánh nhân, những mũi tên ác liệt tưởng đã kết liễu đời người chiến sĩ. Đêm đến, bà Idiêu, vợ ông Castuliô lén đến tháo xác ngài ra đem an táng. Nhưng khi sờ đến xác, thấy xác thánh nhân còn nóng và thoi thóp thở. Bà cõng thánh nhân về nhà bà ở ngay trong khu hoàng cung. Nhờ sự săn sóc cẩn thận của bà, thánh Sêbastianô dần dà bình phục.

Mọi người đều tưởng thánh Sêbastianô đã chết. Nhưng thánh nhân không muốn để mất triều thiên tử đạo. Trong lúc lòng đầy nhiệt thành hăng hái, thánh nhân nẩy ra ý định sẽ đến trách móc Hoàng đế vì đã xử đãi quá tàn ác với người công giáo. Thánh Sêbastianô lẻn vào cung, nấp dưới chân thang chỗ nhà vua thường qua lại. Quá sợ hãi vì cuộc xuất hiện bất ngờ đó, Hoàng đế tưởng rằng Sêbastianô đã hiện về báo thù, nên định chạy trốn. Nhưng ngay sau đó Hoàng đế đã trấn tĩnh lại được và bắt đầu đối thoại với người mà Hoàng đế ngộ nhận là ma quỷ hiện hình.

"Có phải người là Sêbastianô, mà ta đã truyền bắn chết không?" Thánh nhân bình tĩnh trả lời:

"Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng tôi, đã cho hạ thần được bình phục. Và giờ đây, hạ thần đến đây nhân danh Chúa Kitô, cực lực phản đối những hành động dã man mà Hoàng đế đối xử với các tín hữu của Người". Quá tức giận, Hoàng đế Điôclêtianô truyền bắt và điệu Sêbastianô ra ngoài thành chém đầu tức khắc rồi quăng xác xuống hào. Để thưởng công vị tử đạo đã hai lần bị hành hạ vì Đức tin, Chúa Giêsu đã báo mộng cho một tín hữu sốt sắng là bà Lucina biết nơi lý hình đã vứt xác thánh nhân. Bà này đã đưa xác thánh nhân về an táng trong hang toại đạo gần chỗ dành riêng cho các vị Giáo Hoàng. Ngày nay người ta thường gọi với danh hiệu "Hang toại đạo Thánh Sêbastianô".

Danh tiếng Sêbastianô vang lừng khắp thế giới. Người ta thường cầu khẩn thánh nhân với tước hiệu là vị cứu tinh của bệnh dịch. Khoảng thế kỷ IV, trên mộ thánh nhân, người ta xây một thánh đường nguy nga để dâng kính ngài với danh hiệu: đại thánh đường thánh Sêbastianô.

Hằng năm Giáo Hội mừng lễ thánh nhân vào ngày 20 tháng giêng.

http://giaophanvinhlong.net/thanh-fabiano-thanh-sebastiano.html

 

 

Thứ Năm


Lời Chúa


Bài Ðọc I: (năm I) Dt 7, 25 - 8, 6

"Người chỉ dâng của lễ một lần khi hiến dâng chính Mình".

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, Chúa Giêsu có thể cứu độ cách vĩnh viễn những ai nhờ Người mà đến với Thiên Chúa, vì Người hằng sống để chuyển cầu cho chúng ta.

Phải, vì chúng ta cần một vị Thượng tế thánh thiện, vô tội, tinh tuyền, tách biệt khỏi kẻ tội lỗi và đã được nâng cao trên các tầng trời. Người không cần phải như các tư tế hằng ngày dâng của lễ, trước là đền tội lỗi mình, sau là đền tội lỗi dân chúng, vì Người làm việc ấy chỉ có một lần khi hiến dâng chính Mình. Vì Lề luật thì đặt những người yếu đuối làm tư tế, còn lời thề có sau Lề luật, thì đặt Người Con hoàn hảo làm thượng tế đến muôn đời.

Ðiểm chính yếu về các điều đang đề cập đến là: chúng ta có một Thượng tế như thế ngự bên hữu Ðấng Tối Cao trên trời, với tư cách là chủ tế trong đền thờ, và trong nhà tạm chân thật mà Chúa - chứ không phải người phàm - đã dựng nên. Quả thật, mọi thượng tế được đặt lên là để hiến dâng lễ vật và hy tế, vì thế, vị thượng tế này cần phải có gì để hiến dâng. Vậy nếu Người còn ở trần gian, thì Người cũng không phải là tư tế, vì đã có những người phụ trách hiến dâng của lễ theo lề luật. Việc phượng tự mà họ làm chỉ là hình bóng những thực tại trên trời, như lời đã phán cùng Môsê khi ông sắp dựng nhà tạm rằng: Chúa phán: "Ngươi hãy xem, ngươi sẽ làm mọi sự theo mẫu Ta đã chỉ cho ngươi trên núi". Hiện giờ vị Thượng tế của chúng ta đã lãnh một chức vụ cao trọng hơn, bởi vì Người là Ðấng trung gian của một giao ước tốt hơn, mà giao ước ấy được thiết lập trên những lời hứa rất tốt lành.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 39, 7-8a. 8b-9. 10. 17

Ðáp: Lạy Chúa, này con xin đến, để thực thi ý Chúa (c. 8a và 9a).

Xướng: 1) Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở rộng tai con. Chúa không đòi hỏi lễ toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: "Này con xin đến". - Ðáp.

2) Như trong quyển vàng đã chép về con: lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và pháp luật của Chúa ghi tận đáy lòng con. - Ðáp.

3) Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong Ðại hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi. - Ðáp.

4) Hãy mừng vui hoan hỉ trong Chúa, bao nhiêu kẻ tìm Chúa, và luôn luôn nói: Chúa thực là cao cả! bao nhiêu kẻ mong ơn phù trợ của Ngài. - Ðáp.

 

Alleluia: Mt 4, 4b

Alleluia, alleluia! - Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 3, 7-12

"Các thần ô uế vừa thấy Người, liền sụp lạy và kêu lên rằng: "Ngài là Con Thiên Chúa", nhưng Người nghiêm cấm chúng không được tiết lộ gì về Người".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ lui về bờ biển, đám đông từ Galilêa theo Người, và từ Giuđêa, Giêrusalem, Iđumê, bên kia sông Giođan, miền Tyrô và Siđon, nhiều kẻ đến cùng Người, khi nghe biết tất cả những việc Người đã làm. Vì đông dân chúng, nên Người bảo các môn đệ liệu cho Người một chiếc thuyền, kẻo họ chen lấn Người. Vì chưng, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, nên bất cứ ai mắc bệnh tật gì đều đến gần để động đến Người. Và những thần ô uế vừa thấy Người, liền sụp lạy và kêu lên rằng: "Ngài là Con Thiên Chúa", nhưng Người nghiêm cấm chúng không được tiết lộ gì về Người.

Ðó là lời Chúa.



 

 

 

Suy niệm



Đức Kitô ảnh hưởng   



Bài Phúc Âm cho Thứ Năm trong Tuần 2 Thường Niên hậu Giáng Sinh hôm nay càng phản ảnh chủ đề "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân " của chung Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh, liên quan đến tầm ảnh hưởng hầu như khắp đất nước Do Thái bấy giờ của Người, trong khi Người mới chỉ công khai xuất hiện chưa được bao lâu.

Thật vậy, tầm ảnh hưởng của "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân " này bao gồm một địa dư chẳng những ở miến bắc là Galilêa mà còn xuống tới tận miền nam là Giuđêa của đất nước Do Thái bấy giờ nữa, một vùng đất, theo thứ tự trình thuật của Thánh ký Marco, Người chưa hề đặt chân tới và chỉ sẽ tới sau khi hoàn thành cuộc hành trình Giêrusalem của Người vào những ngày cuối cùng của Người sống trên trần gian này thôi.

Bài Phúc Âm hôm nay đã ghi nhận sự kiện liên quan đến tầm ảnh hưởng của Người đầy ấn tượng xẩy ra như một hiện tượng này ở ngay câu mở đầu như sau: "Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ lui về bờ biển, đám đông từ Galilêa theo Người, và từ Giuđêa, Giêrusalem, Iđumê, bên kia sông Giođan, miền Tyrô và Siđon, nhiều kẻ đến cùng Người, khi nghe biết tất cả những việc Người đã làm". 

Đám đông dân chúng từ khắp nơi đua nhau ùn ùn kéo tới với "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân " này như thế, mà ai tới cũng muốn được gần Người bao nhiêu có thể, thậm chí muốn trực tiếp đụng chạm đến Người, nhất là thành phần bệnh nhân và khuyết tật nhân, chẳng khác gì như đám đông dân chúng nghênh đón Đức Giáo Hoàng vào những lần ngài tông du khắp nơi trên thế giới, ai cũng muốn đến gần và chạm đến vị thừa kế Thánh Phêrô đại diện Chúa Kitô trên trần gian này.

Tuy nhiên, ngày nay vấn đề an ninh ở khắp nơi mới có thể ngăn chặn việc chen lấn của đám đông dân chúng tuốn đến nghênh đón vị giáo hoàng, còn ngày xưa không thể nào xẩy ra như thế. Bởi đó, để tránh tình trạng chen lấn và xô lấn  ạt bất khả kiểm soát rất nguy hiểm cho chính đám đông, (như đã từng xẩy ra ở những cuộc hành hương hằng năm quá đông của tín đồ Hồi giáo), hơn là cho chính bản thân Chúa Kitô, nhờ đó việc giảng dạy và chữa lành của Người được dễ dàng thực hiện hơn, Chúa Giêsu mới khôn ngoan phản ứng, như bài Phúc Âm hôm nay thuật lại:

"Vì đông dân chúng, nên Người bảo các môn đệ liệu cho Người một chiếc thuyền, kẻo họ chen lấn Người. Vì chưng, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, nên bất cứ ai mắc bệnh tật gì đều đến gần để động đến Người"

Sự kiện Chúa Giêsu ngồi trên thuyền mà giảng dạy dân chúng đây chẳng những cho thấy cách thức giải quyết hết sức hữu hiệu và tốt đẹp về hiện tượng đám đông vây quanh Người, gây cản trở cho việc giảng dạy và chữa lành của Người, mà còn cho thấy hình ảnh của một chuyên viên thả lưới đánh cá gần bờ nhất mà lại bắt được nhiều cá nhất, và toàn là những con cá không phải ở dưới nước nhưng là ở trên bờ, trên cạn.

Chưa hết, tầm ảnh hưởng của "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân " này chẳng những liên quan đến đám đông dân chúng thuộc một vùng địa dư khắp đất nước Do Thái thời ấy, tức liên quan đến thế giới hữu hình này, mà còn đến cả thế giới vô hình nữa là thế giới của ma quỉ, thế giới của những thực thể vô hình đã nhận biết được chính căn tính thần linh của Người, dù Người chưa kịp khu trừ chúng. Bởi thế, mới xẩy ra chuyện được bài Phúc Âm hôm nay thuật lại ở đoạn cuối như sau:

"Và những thần ô uế vừa thấy Người, liền sụp lạy và kêu lên rằng: 'Ngài là Con Thiên Chúa', nhưng Người nghiêm cấm chúng không được tiết lộ gì về Người'".

Chính việc "Người nghiêm cấm chúng không được tiết lộ gì về Người" đã đủ chứng tỏ Người công nhận sự thật của lời ma quỉ vốn dối trá tuyên xưng, tức Người thật là "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân ", và sở dĩ một đàng Người đang muốn từ từ tỏ mình ra Người đúng là "Con Thiên Chúa" như thế, đàng khác Người lại "cấm chúng không được tiết lộ gì về Người" là vì chưa đến giờ của Người, chưa đến đúng thời điểm của Người, và chính Người phải tự tỏ mình ra mới xác thực hơn bất cứ chứng từ nào khác, kể cả chứng từ của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả cũng chỉ là những chứng từ tuy cần nhưng mang tính chất phụ thuộc (xem Gioan 5:34,8:14,10:25).

Nếu "Người Con duy nhất đến từ Cha đầy ân sủng và chân lý" ở trong bài Phúc Âm hôm nay, được tỏ ra chẳng những ở chỗ đã thu hút được dân chúng khắp nơi khắp chốn đến với Chúa, mà còn ở chỗ tỏ ra qua việc chữa lành và việc khu trừ thần ô uế của Người, thì vì Người Con này, như Bài Đọc 1 hôm nay cho biết, "là Ðấng trung gian của một giao ước tốt hơn, mà giao ước ấy được thiết lập trên những lời hứa rất tốt lành", là "một vị Thượng tế thánh thiện, vô tội, tinh tuyền, tách biệt khỏi kẻ tội lỗi và đã được nâng cao trên các tầng trời", nên Người "có thể cứu độ cách vĩnh viễn những ai nhờ Người mà đến với Thiên Chúa, vì Người hằng sống để chuyển cầu cho chúng ta".

 "Người Con duy nhất đến từ Cha đầy ân sủng và chân lý" đã thực hiện vao trò thượng tế trung gian của Người cho anh chị em cuủa mình đúng như Thánh Vịnh 39 đã cảm nhận ở Bài Đáp Ca hôm nay:

1) Hy sinh và lễ vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở rộng tai con. Chúa không đòi hỏi lễ toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: "Này con xin đến".

2) Như trong quyển vàng đã chép về con: lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và pháp luật của Chúa ghi tận đáy lòng con.

3) Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong Ðại hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi.

4) Hãy mừng vui hoan hỉ trong Chúa, bao nhiêu kẻ tìm Chúa, và luôn luôn nói: Chúa thực là cao cả! bao nhiêu kẻ mong ơn phù trợ của Ngài.

  

 

Ngày 21 tháng 1

Thánh A-nê, trinh nữ, tử đạo

lễ nhớ bắt buộc

 

A-nê là một thiếu nữ Rô-ma, mới từ mười hai đến mười lăm tuổi đã tình nguyện chết vì đức tin khi cuộc bách hại của hoàng đế Đi-ô-cơ-lê-xi-a-nô tới hồi khốc liệt nhất (năm 305). Đó là sự việc thánh Am-rô-xi-ô đã ghi lại, và là lý do khiến Hội Thánh Rô-ma tưởng nhớ thánh nữ với hết tình yêu mến.

hah1234

 

Chưa đủ sức chịu khổ mà đã thừa sức chiến thắng

(Phụng Vụ Giờ Kinh Sách ngày 21/1)

Trích khảo luận của thánh Am-rô-xi-ô, giám mục, về các trinh nữ.

Hôm nay là ngày sinh nhật trên trời của một trinh nữ, chúng ta hãy noi gương trong trắng của người. Hôm nay là ngày sinh nhật trên trời của một vị tử đạo, chúng ta hãy dâng hy lễ. Hôm nay là ngày sinh nhật trên trời của thánh A-nê. Tương truyền rằng thánh nữ đã được phúc tử đạo năm mười hai tuổi. Người ta đối xử tàn bạo không nương tay với một thiếu nữ còn ít tuổi, thì lại càng làm lộ ra sức mạnh lớn lao của đức tin nơi thiếu nữ ấy, vì cô đã dám làm chứng.

Tấm hình hài nhỏ bé ấy, liệu có chịu nổi một vết thương chăng ? Người thiếu nữ không có sức chịu nổi lưỡi đòng thâm thâu, thế mà lại có sức thắng được lưỡi đòng ấy, đang khi những cô bé cùng trạc tuổi không chịu được nét mặt nghiêm khắc của cha mẹ, và khi bị kim đâm thì khóc như bị thương nặng.

Người thiếu nữ ấy vẫn bình thản giữa những bàn tay đẫm máu của lý hình, không nhúc nhích khi nghe tiếng xiềng xích nặng nề kéo lê lẻng xẻng. Tuy chưa biết chết là gì, nhưng người thiếu nữ ấy đã sẵn sàng : giờ đây cô đưa thân ra đón lưỡi gươm của tên lính hung bạo. Ngay cả khi bị miễn cưỡng lôi đến bàn thờ tế thần thì ngang qua những ngọn lửa, cô vẫn giơ tay lên Chúa Ki-tô, và trong lò lửa tàn bạo đó, cô đã làm dấu thánh giá để tôn vinh Chúa toàn thắng. Giờ đây cô đưa cổ và hai tay cho người ta xiềng lại, nhưng không dây xiềng nào có thể xích được những chi thể quá mềm mại đó.

Đây không phải là một kiểu tử đạo mới sao ? Chưa đủ sức chịu khổ mà đã thừa sức chiến thắng ; chiến đấu thì vất vả, nhưng được ân thưởng lại dễ dàng. Tuổi đời còn non dại, mà đã là bậc thầy về chí can trường. Tân nương vội vã tới loan phòng cũng không lẹ bằng người trinh nữ này vui vẻ tiến ra nơi hành quyết. Cô đẹp không phải vì bím tóc nhưng vì thuộc về Đức Ki-tô. Đầu cô không đội vòng hoa nhưng được điểm trang bằng đức hạnh.

Mọi người đều khóc nhưng chính cô thì không. Nhiều người lấy làm lạ vì thấy sao cô dễ dàng xả thân như thế ; chưa được hưởng cuộc đời mà cô đã rộng rãi cho đi như là đã hoàn toàn mãn nguyện. Ai nấy đều kinh ngạc, vì ở tuổi đó, cô chưa làm chủ được chính mình mà đã làm chứng cho Thiên Chúa. Cuối cùng, cô đã làm cho người ta phải tin cô, khi cô làm chứng về Thiên Chúa, trong lúc người ta chưa tin cô được về những vấn đề thuộc con người, bởi lẽ điều vượt quá tính tự nhiên thì do Đấng tác tạo thiên nhiên mà có.

Lý hình đã tìm mọi cách làm cho cô khiếp đảm, đã dùng hết lời ngon ngọt thuyết phục cô, hứa hẹn bao điều để cô chịu kết hôn. Nhưng cô quả quyết : “Thật là sỉ nhục cho Hôn Phu, nếu tôi còn mong đợi ai làm tôi vui lòng. Ai chọn tôi trước thì người ấy được. Này đao phủ, còn đợi chi nữa ? Tôi không muốn người ta thích thú ngắm nhìn thân xác tôi, hãy để cho nó chết đi !” Cô đứng, cầu nguyện rồi giơ cổ cho người ta chém.

Có lẽ bạn thấy được tên lý hình đang run sợ như chính hắn bị tuyên án, thấy tay tên đao phủ run rẩy giơ lên, sợ xanh mặt, vì cô bé lâm nguy, trong khi cô chẳng sợ nguy hiểm gì cho mình. Vậy trong một lễ vật hy sinh, các bạn có hai lời chứng : lời chứng về tiết hạnh và lời chứng về đức tin. Cô đã giữ vững đức đồng trinh và được phúc tử đạo.

 

Ghi nhận lịch sử – Phụng vụ

Từ thế kỷ thứ IV, thánh Anê là một trong các vị thánh được tôn kính nhất trong Giáo hội Rôma. Ngày kỷ niệm được ghi nhận trong lịch Rôma cổ là ngày chuyển di hài thánh nữ (Depositio martyrum) vào ngày 21.01.354. Nhiều giáo phụ đã tôn kính nữ thánh: Thánh Ambrôsiô đã viết một Hạnh tử đạo về thánh nữ và đã viết một bài Thánh thi ca tụng, và còn có các thánh Prudence, Giêrôm, Augustinô… Tên thánh nữ đã được ghi vào Kinh nguyện Thánh Thể Rôma cùng với các nữ thánh Agatha, Lucie, Cécile… và trên ngôi mộ của bà, hoàng đế Constantin đã cho xây một đại Thánh đường: Sainte Anê hors les Murs.

Anê (tiếng Hy Lạp là Agnè = “thanh sạch”, tiếng Latinh là Agnus “con chiên”) là một thiếu nữ Rôma khoảng 12,13 tuổi dưới thời bách hại của hoàng đế Dioclètien. Nhiều truyền thuyết Latinh và Hy Lạp diễn tả cuộc khổ nạn của bà. Anê là Kitô hữu vào thời các môn đệ của Đức Kitô bị bách hại và bị giết. Lúc đó, một số người Kitô hữu chối đạo vì sợ, bà liền ra trước mặt nhà chức trách Rôma, tuyên xưng vững vàng đức tin của mình và khao khát được tử đạo. Bà đã trả lời với vị thẩm phán nghi ngờ về đức khiết tịnh của bà : “Tôi đã đính ước với Đấng các thiên thần phải cung phụng. Tôi giữ niềm tin vào Người và tôi hoàn toàn thuộc về Người”. Bị bắt đem vào một chỗ đồi bại, một ánh sáng từ trời đã bao phủ bà. Bị kết án thiêu sống, các ngọn lửa bao quanh bà, nhưng không đốt nóng. Bà nói với lý hình sắp chặt đầu mình: “Đừng sợ, hãy mau chặt đầu tôi, để tôi sớm về với Đấng tôi yêu.”

Đại Thánh đường thánh Anê luôn là một nơi hành hương. Ngày lễ kính thánh nữ, người ta sẽ đem hai con chiên đến gần bàn thờ, trước khi dâng cho Đức Giáo Hoàng. Lông của hai con chiên này dùng để dệt các Pallium: Một dấu hiệu mà Đức Giáo Hoàng mang và ngài cũng ban cho một số vị xứng đáng trong Hội Thánh.

Thánh nữ Anê được tôn kính là thánh quan thầy cho đức trinh khiết. Trong ảnh hình, bà xuất hiện với con chiên, và đôi khi, với một chim bồ câu, mỏ ngậm một chiếc nhẫn.

  1. Thông điệp và tính thời sự

Trong một bài giảng kính thánh nữ Anê vào năm 376, thánh Ambrôsiô đã nói: “Các anh chỉ có một nạn nhân, nhưng lại có một cuộc tử đạo hai mặt: Sự trinh khiết và đức tin. Bà đã giữ được đức trinh khiết và bà đã được phúc tử vì đạo.”

  1. Sự trinh khiết của thánh Anê, được nhấn mạnh kỹ lưỡng trong Hạnh tử đạo, cũng được làm nổi bật trong Phụng vụ. Thánh Ambrôsiô đã lấy Anê làm mẫu gương cho các trinh nữ trong chuyên khảo về đức Khiết tịnh, đã nói trong bài giảng: “Bà như một trinh nữ đã tiến lên với những bước vui mừng đến pháp trường… Đáp lại với những hăm doạ vuốt ve, lời hứa của kẻ bách hại. Bà nói: “Đấng đầu tiên đã chọn tôi, chính Người sẽ đón tôi.”
  2. Con chiên, biểu trưng sự thanh khiết, cũng là biểu trưng sự tử đạo cao cả nhất. Bài đọc một trong Thánh lễ, rút từ sách Khải huyền, nói về đám người đông đảo đứng trước ngai vàng và trước con chiên, mặc áo trắng, cành lá dừa cầm trong tay. “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7,9-17).

Thánh Anê xứng đáng đứng gần Con Chiên. Bà cầu nguyện: “Con sẽ đến với Ngài, Chúa Cha rất thánh, Đấng con yêu mến, con tìm kiếm và luôn khao khát”. Đối lại với những quyền lực thế gian, thánh Ambrôsiô nói: “Một bé gái đứng lên, cầu nguyện và giương cổ chờ đợi…” vì sức mạnh Thiên Chúa bao trùm lên sự yếu đuối con người. Chính vì thế mọi dân tộc đều ca ngợi.

Lm. Đaminh Phạm Xuân Uyển SDB

http://loichua.donboscoviet.org/ngay-21-thang-1-thanh-anne-trinh-nu-tu-dao/

 


Một trong những đức tính nổi bật của vị thánh trẻ Anê, tử đạo là lòng can đảm và kiên trì. Thánh nhân dù mới có 13 tuổi đời đã anh dũng hy sinh vì Chúa:" Không có tình yêu nào cao vời cho bằng tình yêu của người chết vì người mình yêu" (Ga 15, 13) và như thánh Phaolô viết: "Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi".

MỘT CON NGƯỜI, MỘT CUỘC ÐỜI

Thánh Anê đã cảm nghiệm sâu xa lời thánh vịnh: "Máu tế thần, con quyết chẳng dâng, tên của thần, môi con không tụng niệm" (Tv 15, 4). Nên, dù mới có 12 tuổi đời, thánh nữ Anê đã rao giảng Ðức Kitô là Thiên Chúa. Thánh nhân không sợ sệt, không nhát đảm, người ta đã muốn làm hoen ố đời con gái của thánh nữ, nhưng Chúa luôn gìn giữ Người và con người của thánh nữ luôn tỏa hương thơm tươi tốt. Thánh Anê đã giữ mình tinh tuyền đến nỗi không một chàng trai nào dám động tới thân xác của Người. Thánh nhân luôn có một tâm niệm" Tôi chỉ tin một Ðức Kitô, Ðấng tôi hằng yêu mến ". Ngài luôn ý thức:" Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con; số mạng con chính Ngài nắm giữ " (Tv 15, 5). Thánh nữ phó thác sinh mạng và cuộc đời Ngài trong tay Thiên Chúa. Vì thế cái chết đối với Ngài chỉ thay đổi chứ không mất đi. Một nhát chém hay sự thiêu đốt không làm Ngài siêu lòng, nhưng là để Ngài được gặp mặt Chúa và sống bên Chúa suốt đời.

CHÚA THƯỞNG TRIỀU THIÊN CHO THÁNH NỮ ANÊ

Thánh Anê đã được diễm phúc tử vì đạo. Xác thánh nhân được an táng tại biệt thự riêng của gia đình. Công chúa của Hoàng đế Constantin vào năm 321 được thánh nữ chữa khỏi một chứng bịnh, nên đã cho xây trên phần mộ của thánh Anê một ngôi nhà thờ nguy nga, đồ sộ. Chúa thưởng công cho Người:" Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống: trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề, ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi ! ( Tv 15, 11 ).

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã chọn những gì thế gian cho là yếu kém để hạ nhục những gì hùng mạnh. Hôm nay chúng con mừng kỷ niệm ngày thánh nữ Anê, tử đạo về trời. Xin cho chúng con hằng noi gương thánh nữ mà giữ vững đức tin (lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Anê, trinh nữ, tử đạo).
 
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

http://www.simonhoadalat.com/suyniem/saints/Thang%201/Ngay21-Agnes.htm


“Người thiếu nữ không có sức chịu nổi lưỡi đòng đâm thâu, thế mà lại có sức thắng được lưỡi đòng ấy, đang khi những cô bé cùng trạc tuổi không chịu được nét mặt nghiêm khắc của cha mẹ, và khi bị kim đâm thì khóc như bị thương nặng.” Đó là lời thánh giám mục Ambrôxiô dành cho thánh nữ Anê, vị thánh mà hôm nay chúng ta chiêm ngắm ngài.

Anê tên theo tiếng Hy Lạp (Agnès) nghĩa là “thanh sạch,” theo tiếng Latinh (Agnus) nghĩa là “con chiên.” Con chiên biểu trưng sự thanh khiết và cũng là biểu trưng cho sự tử đạo cao cả nhất. Tên gọi đầy ý nghĩa ấy quả thật rất đúng với cuộc đời của vị thánh trinh nữ tử đạo trẻ Anê.

Vào thời hoàng đế Diôclêtin bách hại đạo, thánh Anê, một thiếu nữ Rôma trẻ đã kiên cường làm chứng cho đức tin khi mới tròn 12 tuổi. Giữa lúc các môn đệ theo Đức Kitô đang bị bách hại và bị giết, một số Kitô hữu đã chối đạo vì sợ, thì người thiếu nữ trẻ tuổi đã ra trước mặt nhà chức trách Rôma, tuyên xưng đức tin của mình một cách vững vàng và khao khát được tử đạo. Thánh nữ đã trả lời với vị thẩm phán nghi ngờ về đức khiết tịnh của mình rằng: “Tôi đã đính ước với Đấng các Thiên thần phải cung phụng. Tôi giữ niềm tin vào Người và tôi hoàn toàn thuộc về Người.” Khi bị kết án thánh nữ đã nói với lý hình sắp chặt đầu mình: “Đừng sợ, hãy mau chặt đầu tôi, để tôi sớm về với Đấng tôi yêu.” “Ai nấy đều kinh ngạc, vì ở tuổi đó, cô chưa làm chủ được chính mình mà đã làm chứng cho Thiên Chúa. Cuối cùng, cô đã làm cho người ta phải tin cô, khi cô làm chứng về Thiên Chúa, trong lúc người ta chưa tin cô được về những vấn đề thuộc con người.”
  

Đọc lại đôi nét về tiểu sử cuộc đời của thánh nữ trẻ Anê, ta thấy sự khác biệt giữa thời bách đạo khi xưa và sự tự do tôn giáo của ngày hôm nay. Sự khác biệt về việc làm chứng cho đức tin bằng máu tử đạo trong thời kì đầu của Giáo hội và việc sống đạo bằng chứng tá đời sống đức tin của Giáo hội giữa lòng thế giới hôm nay. Việc người trẻ can đảm sống trong sạch, chiến đấu với môi trường xã hội đầy cám dỗ để gìn giữ đức khiết tịnh, có thể nói đó là bằng chứng hùng hồn về đức tin của người trẻ ấy.

Để đạt đến một đời sống vững tin trước những thử thách, cạm bẫy và đau khổ, quả thực không dễ dàng với mỗi người chúng ta nhất là đối với các bạn trẻ của thời đại hôm nay. Chúng ta thể hiện lòng mến mộ, cảm phục khi chiêm ngắm thánh trinh nữ tử đạo ở tuổi 12. Vì rằng, ngài chưa “đủ sức chịu khổ mà đã thừa sức chiến thắng... Tuổi đời còn non dại, nhưng đã là bậc thầy về chí can trường.”

Hơn thế nữa, cuộc đời của thánh nữ Anê còn là một động lực sống mạnh mẽ cho các bạn trẻ; bởi chưng, người trẻ hôm nay đang đối mặt với rất nhiều khó khăn và thử thách, nhưng cách thức để đón nhận, giải quyết và vượt qua nhiều khi lại là những cách thức tiêu cực hủy hoại đời sống mình. Đức Thánh Cha Phanxicô đã đồng cảm với người trẻ khi nói: “Người trẻ cũng kinh nghiệm những bế tắc, những thất vọng và những ký ức đau đớn sâu xa. Họ thường cảm thấy “nỗi đau của những thất bại trong quá khứ, những vỡ mộng, những kinh nghiệm về sự phân biệt đối xử và bất công, về cảm giác mình không được yêu thương và đón nhận.” Rồi, cũng “có những tổn thương luân lý, sự đè nặng của những lỗi lầm trong quá khứ, và một mặc cảm tội lỗi vì mình đã phạm các sai lầm.”

 Phần chúng ta hãy lắng nghe tâm tư của các bạn trẻ: “Có những lúc, nỗi đau nơi một số người trẻ thật xé lòng, một nỗi đau sâu thẳm không thể diễn tả thành lời. Họ chỉ có thể nói với Chúa rằng họ đang đau khổ nhiều lắm, rằng họ thật khó đứng vững, vì họ không còn tin vào ai nữa.”

Giờ đây, cùng với thánh trinh nữ tử đạo Anê, chúng ta hãy dâng lên Chúa những lời nguyện xin cho các bạn trẻ hôm nay được ơn sức mạnh cùng lòng vững vàng trong đức tin khi gìn giữ đức khiết tịnh; để khi gặp phải những gian nan, khốn khó trên đường đời, các bạn có thể can đảm đối mặt, chấp nhận và vượt qua với niềm tin vững chắc rằng: Thiên Chúa giàu lòng xót thương vẫn luôn ở bên họ trong những lúc gian nan khốn khó của cuộc đời. Amen
 

VÌ SAO GIÁO HOÀNG LÀM PHÉP CÁC CON CỪU NGÀY 21 THÁNG 1

 

Từ hơn 500 năm nay, theo truyền thống đã được ấn định, ngày 21 tháng 1 là ngày giáo hoàng chờ để đón hai người khách đặc biệt đến Dinh Tông Tòa.
Là trọng tâm của đạo công giáo, Vatican thường tiếp các nhân vật có ảnh hưởng chính trị, văn hóa hay tôn giáo quốc tế. Nhưng ngày 21 tháng 1, Quốc gia nhỏ bé này sẽ tiếp hai vị khách khiêm tốn. Theo truyền thống xưa cổ có từ thế kỷ thứ 3 của Giáo hội công giáo, hai con cừu vừa mới sinh được kết hoa hồng trắng đặt trong giỏ đem đến để giáo hoàng làm phép.
Con cừu, biểu tượng của Thánh Anê
Buổi lễ này được diện ra ở nhà nguyện Urbanô VIII, một nhà nguyện ở bên cạnh thư viện Dinh Tông Tòa, nơi giáo hoàng tiếp các vị khách lớn. Ngày này là ngày Thánh trinh nữ Anê tử đạo ở Rôma từ đầu thế kỷ thứ 4, và con cừu là biểu tượng. Chỉ mới 13 tuổi, Thánh Anê bị chém bằng gươm theo cách mà người ta giết cừu thời đó. Các con cừu vô tội này đặc biệt tượng trưng cho tín hữu kitô, và chính Chúa Giêsu cũng là con chiên bị hiến tế.
Len để làm dây pallium cho các giám mục
Các con cừu, biểu tượng của Thánh Anê, được các cha Dòng Trappe nuôi ở Trois Fontaines, Rôma, hai con cừu nhỏ bé này được lựa vì len tuyền, màu trắng và được nuôi theo các luật lệ xưa cổ và chính xác. Len được dùng để làm dây cho các giám mục tương lai được phong trong năm. Dây pallium là dây mang ngoài áo lễ tượng trưng cho sự hiệp nhất của người đứng đầu Giáo hội địa phương với Đức Giáo hoàng. Chỉ cần chú ý trong các buổi lễ do các giám chức hay giáo hoàng cử hành là thấy dây len trắng này được mang ở cổ, có sáu thập giá đen được thêu bằng lụa đen – giáo hoàng thì bằng lụa đỏ -, tượng trưng cho các vết thương của Chúa Kitô.
Mỗi năm đến ngày lễ hai Thánh Phêrô và Phaolô, hai thánh bổn mạng của thành phố Rôma, dây pallim được chính tay Đức Giáo hoàng trao cho các giám mục. Trước nghi thức trọng thể này, dây pallium được đặt gần mộ của giáo hoàng đầu tiên, ở Đền thờ Thánh Phêrô và đặt trong bình dưới hốc tường của bàn thờ Thánh Phêrô ngày 24 tháng 6, ngày lễ Thánh Gioan Tẩy Giả, một thánh bổn mạng khác của Rôma, dây pallium được để ở đây cho đến ngày 29, để “thấm đượm” quyền uy mà Chúa Kitô đã trao giao cho các tông đồ đầu tiên.

 

https://www.facebook.com/pagenguoiconggiao/posts/2014537955266842?comment_tracking=%7B%22tn%22%3A%22O%22%7D

 

Xướng đáp

XTa hãy hân hoan mừng lễ thánh A-nê, và tưởng niệm cuộc thương khó của người.

ĐGiữa tuổi thanh xuân, người đã hy sinh chịu chết và đã được hưởng sự sống muôn đời.

XVì chỉ yêu thương một mình Đấng ban sự sống.

ĐGiữa tuổi thanh xuân, người đã hy sinh chịu chết và đã được hưởng sự sống muôn đời.

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã chọn những gì thế gian cho là yếu kém để hạ nhục những gì hùng mạnh, hôm nay chúng con mừng kỷ niệm ngày thánh nữ A-nê tử đạo về trời, xin cho chúng con hằng noi gương thánh nữ mà giữ vững đức tin. Chúng con cầu xin

 

 

Thánh Anê LÊ THỊ THÀNH (bà thánh Đê) (1781-1841)

Thánh nữ tiên khởi Việt Nam - Lễ 12/7

(nhân dịp đọc truyện Thánh Anê là quan thày của vị thánh nữ đầu tiên và duy nhất này củqa Giáo Hội ở VN, cũng được phúc tử đạo như vị quan thày của mình, dù không giống vị quan thày ở chỗ trẻ trung và đồng trinh)

 

Nhìn lại lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam, số chị em phụ nữ góp phần xương máu làm chứng đức tin không phải là ít. Tuy nhiên tinh thần kiên cường bất khuất vì Đức tin kitô giáo của thánh nữ Anê Lê thị Thành là một mẫu gương hiếm có. Chính quan tổng đốc Trịnh Quang Khanh nổi tiếng "hùm xám tỉnh Nam" (Nam Định) cùng đành phải bất lực trong việc thuyết phục bà chối đạo. Quan áp dụng nhiều phương thế, từ khuyên dụ ngon ngọt đến tra tấn nhục hình, gông xiềng, đòn đánh đến tan nát thân mình, cũng không thể lung lạc đức tin trung kiên của thánh nữ. Những giọt máu tung toé vì đòn vọt đã trở nên những bông hoa hồng kết thành triều thiên tử đạo, phần thưởng tuyệt hảo Thiên Chúa trọng thưởng. Anê Lê thị Thành, Thánh Nữ tiên khởi của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.

 

Người mẹ gương mẫu

 

Anê Lê thị Thành sinh khoảng 1781 tại làng Bái Điền, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá. Ngay từ nhỏ, cô Thành đã theo Mẹ về quê ngoại ở Phúc Nhạc, một giáo xứ lớn nay thuộc giáo phận Phát Diệm, tỉnh Ninh Bình. Năm 17 tuổi cô kết hôn cùng anh nguyễn Văn Nhất, người cùng xã, và sống với nhau rất hạnh phúc, thuận hoà sinh hạ được hai con trai tên Đê và trân và bốn gái: Thu, Năm, Nhiên, Nụ. Tục lệ địa phương thường gọi tên cha mẹ bằng tên người con đầu lòng, vì thế mới có tên ông Đê, bà Đê. Hai ông bà sống hiền lành đạo đức, rất quan tâm đến việc giáo dục con cái. Cô Lucia Nụ, con gái út cung khai khi giáo quyền thẩm vấn trong việc điều tra phong thánh như sau: "Thân mẫu chúng tôi rất chăm lo việc giáo dục chúng tôi. Chính người dạy chúng tôi học chữ và giáo lý, sau dạy cách tham dự thánh lễ và xưng tội rước lễ. Người không để chúng tôi biếng nhác việc xưng tội. Khi chúng tôi lơ là, người thúc dục chúng tôi bằng được mới thôi. Người cho chúng tôi nhập hội con Đức Mẹ, vào ban thiếu nữ thưa kinh ở nhà thờ".

 

Một người con khác, cô Anna Năm cũng xác minh: "Song thân chúng tôi chỉ gả con gái cho những thanh niên đạo hạnh. Sau khi tôi kết hôn thân mẫu thường đến thăm chúng tôi và khuyên bảo những điều tốt lành. Có lần người dạy tôi: Tuân theo ý Chúa con lập gia đình là gánh rất nặng. Con phải ăn ở khôn ngoan, đừng cãi lời cha mẹ chồng. Hãy vui long đón nhận Thánh Giá chúa gởi cho.

 

Người cũng thong khuyên vợ chồng tôi: "Hai con hãy sống hòa hợp, an vui, đừng để ai nghe chúng con cãi nhau bao giờ".

 

Bà Anê Đê thật là tấm gương sáng về đạo hạnh cho các bà mẹ công giáo.

 

Từ bác ái đến tử đạo

 

Ông bà Đê có long bác ái hay thương giúp đỡ người, nhất là trọng kính và sốt sắng giúp đỡ các linh mục gặp khó khăn trong thời cấm đạo. Ông bà dành một khu nhà đặc biệt để các linh mục thừa sai trú ẩn. Chính đức ái đó đã đưa bà Đê đến phúc Tử Đạo.

 

Tháng 03.1841 đời vua Thiệu Trị, có bốn linh mục hiện diện tại làng Phúc Nhạc. Cha Berneux Nhân ở nhà ông tổng Phaolô Thức, cha Galy Lý ở nhà ông Trùm Cơ, cha Thành ở nhà bà Đê và cha Ngân ở một nhà khác.

 

Một người tên Đễ theo giúp cha Thành muốn lập công và tham tiền đã mật báo tin các linh mục trú ẩn cho quan Tổng Đốc Trịnh Quang Khanh. Chính quan Tổng Đốc đích thân chỉ huy 500 lính đột xuất bao vây làng Phúc Nhạc vào đúng sáng ngày lễ phục sinh (14.04.1841). Quan truyền tập trung giáo dân lại để quân lính lục soát từng nhà. Hai cha Thành và Ngân trốn thoát kịp. Cha Nhân vừa dâng lễ xong vội rời khỏi nhà trọ, sang trốn trên gác bếp nhà phước Mến Thánh Giá, nhưng vô tình để gấu áo ra ngoài kẽ ván nên bị bắt trứơc nhất. Cha Lý được ông Trùm Cơ đưa sang vườn nhà bà Đê ở sát bên. Bà Đê chỉ cho cha đường mương khô ở sau vườn cạnh một bụi tre: "Xin cha ẩn dưới rãnh này, Đức Chúa Trời gìn giữ thì cha thoát, bằng không cha và con đều bị bắt".

 

Nói xong bà cùng con gái Lucia Nụ lấy rơm và cành khô che phủ lên, nhưng quân lính đã trông thấy cha chạy qua vườn nhà bà, nên họ đến bắt cha Lý và Đê, chủ nhà. Ông Trùm Cơ, bốn hương chức trong làng và hai nữ tu Mến Thánh Giá Anna Kiêm và Anê Thanh cũng bị bắt. Tất cả bị trói mang gông điệu ra đình làng. Nhà bà Đê bị lục soát, thóc lúa, đồ dùng, tiền bạc đều bị lính lấy hết. Khi bị bắt, bà Đê rất sợ hãi, nhưng khi điệu bà ra đình làng thì gương mặt bà vui tươi và không có vẻ gì là sợ sệt nữa.

 

Mặc áo hoa hồng

 

Quân lính áp giải các nạn nhân về Gia Định. Họ phải đi suốt đêm rất cực nhọc. Bà Đê sức yếu, không chịu nổi gông quá nặng, phải có người nâng đỡ nhiều lần. Tới thành Nam bà bị giam chung với hai nữ tu. Sáu ngày sau ra trước công đường, quan tòa bắt bà chối đạo bà đáp: "Tôi chỉ tôn thờ Thiên Chúa, không bao giờ tôi bỏ đạo Chúa muôn đời."

 

Các quan truyền đánh đòn bà. Lúc đầu lính đánh bằng roi, sau dùng củi lớn quật vào chân bà. Bà không nản lòng, khi chồng bà đến thăm, bà giải thích vì sao bà kiên tâm như vậy: "Họ đánh đập tôi vô cùng hung dữ, đến đàn ông còn không chịu nổi, nhưng tôi đã được Đức mẹ giúp sức, nên tôi không cảm thấy đau đớn"

 

Đến lần thẩm vấn thứ hai, thứ ba thấy bà Đê vẫn một long trung kiên, quân lính được lệnh vừa đánh vừa lôi bà qua Thánh Gia. Nhưng bà sấp mình xuống đất, kêu lớn tiếng rằng: "Lạy Chúa, xin thương giúp con, con không bao giờ muốn chối bỏ lòng tin Chúa, nhưng vì con là đàn bà yếu đuối, nên họ dùng sức mạnh để để cưỡng bách con đạp lên Thập Giá"

 

Lần tiếp theo ra trước tòa, quan cho túm tay áo lại rồi thả rắn độc vào trong áo, nhưng bà Đê vẫn giữ được bình tĩnh cách lạ lùng. Bà đứng yên không hề nhúc nhích nên rắn không cắn, chỉ lượn vài vòng rồi bò ra. Các quan truyền đánh bà dữ hơn nữa rồi giam trong ngục. Nhưng bà đã kiệt sức, đi không nổi, phải có người dìu. Một nhân chứng tên Đang, về sau cho biết: "Bà Anê Đê đã bị đánh đập tàn bạo đến nỗi thân mình đầy máu mủ. Tuy vậy bà vẫn vui vẻ, và còn muốn chịu khó hơn nữa". Quả thật bà đã thể hiện trọn vẹn mối phúc thứ tám:

 

"Tin yêu Chúa Tể muôn trùng ,

Tan vàng nát ngọc chữ trung một lòng".

 

Cô Lucia Nụ, đến thăm Mẹ trong ngục, thấy y phục thân mẫu loang lỗ máu, cô thương mẹ khóc nức nở, bà an ủi con bằng những lời tràn trề lạc quan: "Con đừng khóc nữa, mẹ mặc áo hoa hồng đấy, mẹ vui lòng chịu khổ vì Chúa Giêsu, sao con lại khóc?"

 

Bà còn khuyên: "Con hãy về chuyển lời mẹ bảo với anh chị em con coi sóc việc nhà, giữ đạo sốt sắng sáng tối đọc kinh xem lễ, cầu nguyện cho mẹ vác Thánh Giá chúa đến cùng. Chẳng bao lâu mẹ con ta sẽ đoàn tụ trên nước Thiên Đàng"

 

Ngoài những cực hình tra tấn nặng nề và ăn uống kham khổ, bà còn chịu thêm đau đớn của bệnh kiết lỵ. Hai nữ tu tận tâm săn sóc bà, các linh mục gởi thuốc đến thăm, ban bí tích giải tội, xức dầu và giúp bà. Trong giờ hấp hối người ta thường nghe bà cầu nguyện: "Lạy Chúa, chúa đã chịu chết vì con, con hết long theo thánh ý Chúa. Xin Chúa tha mọi tội lỗi cho con".

 

Cuối cùng bà dâng lời sau hết: "Giêsu Maria Giuse! Con xin phó linh hồn và thân xác con trong tay Chúa, xin ban ơn cho con được tuân theo ý Chúa trong mọi sự".

 

Bà Anê Đê đã về nhà cha trên trời trong tinh thần thánh thiện ấy. Hôm đó là ngày 12.07.1841, sau ba tháng bị giam cầm hy sinh vì đức tin. Bà hưởng thọ 60 tuổi.

 

Theo tục lệ, người lính cho đốt ngón chân bà để cho biết nạn nhân không còn sống. Họ tẩm liệm thi hài vào quan tài do nhà chung đem tới, rồi an táng tại pháp trường Năm Mẫu. Sáu tháng sau, giáo hữu cải táng về Phúc Nhạc.

 

Ngày 02.05.1909, Đức Giáo Hoàng Piô X đã suy tôn chân phước cho bà Anê Thành. Bà thực xứng danh là gương mẫu và là các bổn mạng các bà mẹ Công Giáo Việt Nam. Ngày 19-06-1988, Đức Gioan Phaolô II suy tôn ngài lên bậc Hiển thánh.


Lm. Đào Trung Hiệu, OP 

http://conggiao.info/thanh-ane-le-thi-thanh-ba-thanh-de-1781-1841-d-9138

 

 

 



Thứ Sáu


Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: (năm I) Dt 8, 6-13

"Người là trung gian của một giao ước tốt hơn".

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, hiện giờ vị Thượng tế của chúng ta đã lãnh một chức vụ cao trọng hơn, bởi vì Người là Ðấng trung gian của một giao ước tốt hơn, mà giao ước ấy được thiết lập trên những lời hứa rất tốt lành. Vì nếu giao ước thứ nhất không khuyết điểm, thì thật sự không cần phải có giao ước thứ hai nữa. Vì Chúa khiển trách họ rằng: "Này đến ngày Ta thực hiện một giao ước mới cho nhà Israel và cho nhà Giuđa. Không phải như giao ước Ta ký kết với cha ông chúng trong ngày Ta cầm tay chúng dẫn ra khỏi đất Ai-cập. Bởi chúng không trung thành với giao ước Ta, nên Ta đã bỏ chúng. Vì chưng, giao ước Ta sẽ ký kết với nhà Israel sau những ngày ấy, Ta sẽ đặt các lề luật của Ta trong trí chúng, và khắc nó vào lòng chúng. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân Ta. Không còn ai phải dạy bạn hữu mình, hay mỗi người không còn phải bảo anh em mình rằng: "Hãy nhìn biết Chúa", vì mọi người, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta; bởi Ta dung thứ các điều gian ác của chúng, và không còn nhớ đến tội lỗi của chúng nữa". Người tuyên bố giao ước mới, thì Người làm cho giao ước thứ nhất ra cũ đi. Nhưng điều gì đã cũ đã già, thì gần tiêu mất đi.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 84, 8 và 10. 11-12. 13-14.

Ðáp: Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau (c. 11a).

Xướng: 1) Lạy Chúa, xin cho chúng con nhìn thấy tình thương của Chúa, và ban cho chúng con được ơn Ngài cứu độ. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự trị trong đất nước chúng con. - Ðáp.

2) Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Từ mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống. - Ðáp.

3) Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và đất nước chúng tôi sẽ sinh bông trái. Ðức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Người. - Ðáp.

 

Alleluia: Ga 10, 27

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Con chiên Ta thì nghe tiếng Ta; Ta biết chúng và chúng theo Ta". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 3, 13-19

"Người gọi những kẻ Người muốn gọi để họ ở cùng Người".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi và gọi những kẻ Người muốn gọi, và họ đến cùng Người. Người chọn mười hai vị để theo Người, và sai các ông đi giảng và ban cho các ông quyền trừ quỷ. Mười hai vị ấy là: Simon mà Người đặt tên là Phêrô, Giacôbê con ông Giêbêđê, và Gioan là em Giacôbê, (cả hai được Người đặt tên là Boanerges, nghĩa là con của sấm sét), rồi đến Anrê, Philipphê, Bartôlômêô, Matthêu, Tôma, Giacôbê con ông Alphê, Tađêô, Simon nhiệt tâm, và Giuđa Iscariô là kẻ nộp Người.

Ðó là lời Chúa.


Suy niệm


 

Đức Kitô tuyển chọn  


Hôm nay, Thứ Sáu Tuần 2 Thường Niên hậu Giáng Sinh, chủ đề "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân " của chung Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh được tỏ hiện nơi việc Người làm như bài Phúc Âm hôm nay thuật lại sau đây:

"Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi và gọi những kẻ Người muốn gọi, và họ đến cùng Người. Người chọn mười hai vị để theo Người, và sai các ông đi giảng và ban cho các ông quyền trừ quỷ". 

Phải, "Người Con duy nhất đến từ Cha", một Người Con "đầy ân sủng và chân " trong bài Phúc Âm hôm nay cho thấy: thứ nhất ở chỗ Người có quyền tuyển chọn "những kẻ Người muốn gọi"; thứ hai ở chỗ Người thu hút được những ai Người muốn tuyển chọn "và họ đến cùng Người... để theo Ngườinhư Người mong muốnthứ ba ở chỗ Người có quyền truyền khiến trong việc "sai các vị đi rao giảng"; thứ bốn ở chỗ Người có thể "ban cho các ông quyền trừ quỷ".

Trong danh sách liệt kê những chàng thanh niên thuộc nhóm 12 môn đệ kể như ưu tú vì được chọn làm tông đồ (liên quan đến hàng giáo phẩm sau này), người ta thấy danh sách này bao gồm đủ mọi thành phần khác biệt. Về nghề nghiệp, từ đánh cá, như hai cặp anh em Simon và Anrê, Giacôbê và Gioan, đến thu thuế như Mathêu. Về bản chất, từ khuynh hướng ngờ vực như Toma đến khuynh hướng phản bội như Giuđa Ích-Ca. Về tính cách, từ trầm lặng như Bartholomeo, Giacobe con Alphe và Tadeo đến năng động như Philiphe và Simon nhiệt tâm.

Vấn đề được đặt ra ở đây là tại sao "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân " mà lại có thể chọn một người môn đệ sẽ phản nộp Người sau này? Phải chăng vì Người lầm, hay là cố ý như vậy?? Nếu Người chắc chắn không thể nào lầm thì Người cố ý chọn người môn đệ sẽ phản nội Người sau này để làm gì??? 

Phải chăng chính sự kiện Người cố ý chọn cả người môn đệ sẽ phản nộp Người sau này là chứng cớ hùng hồn và chân thực nhất cho thấy "Người Con duy nhất đến từ Cha" này "đầy ân sủng và chân "!?! 

Ở chỗ, Người yêu thương hết mọi người không trừ ai, dù tốt hay xấu, dù giỏi hay dở, dù khôn hay dại v.v., và tình yêu của Người là tình yêu vô cùng bất tận, một tình yêu theo bản tính nhân loại của Người "đã yêu cho đến cùng" (Gioan 13:1): Người đã yêu cả người môn đệ được liệt kê cuối "cùng" này trong cả 3 danh sách tông đồ ở bộ 3 Phúc Âm Nhất Lãm, và Người yêu người môn đệ này "cho đến cùng" ở chỗ cũng cúi xuống rửa chân cho cả người môn đệ cuối "cùng" này nữa

Thành phần môn đệ được Chúa Giêsu tuyển chọn làm tông đồ của Người, và được Người đặc biệt tỏ mình ra cho, nhờ đó thấu hiểu Người mà trở nên thành phần chứng nhân tiên khởi của Người sau này, là thành phần được Người sử dụng như tấm gương phản chiếu Người "là ánh sáng thế gian" (Gioan 8:12): "Các con là ánh sáng thế gian. Một thành xây trên núi không thể bị che khuất được nữa" (Mathêu 5:14).

Chính vì bản chất của thành phần môn đệ làm tông đồ chứng nhân cần phải tỏa chiếu ánh sáng là Chúa Kitô như thế mới có chi tiết ở ngay đầu của bài Phúc Âm hôm nay: "Chúa Giêsu lên núi và gọi những kẻ Người muốn gọi, và họ đến cùng Người". Nếu Chúa Giêsu "lên núi" (ám chỉ Người ở một tầm mức trổi vượt, cao vời, tầm mức lý tưởng) để gọi một số các môn đệ của Người thì ai đáp ứng lời kêu gọi của Người cũng phải "lên núi" với Người, như các tông đồ đã thực hiện, ở chỗ " họ đến cùng Người".

Ngay trong Bài Đọc 1 hôm nay, Thư Do Thái cũng đã cho chúng ta thấy vị thế "cao trọng hơn" của "Người Con duy nhất đến từ Cha, đầy ân sủng và chân lý" như sau: "hiện giờ vị Thượng tế của chúng ta đã lãnh một chức vụ cao trọng hơn, bởi vì Người là Ðấng trung gian của một giao ước tốt hơn, mà giao ước ấy được thiết lập trên những lời hứa rất tốt lành". Và sở dĩ Người "lãnh một chức vụ cao trọng hơn" là vì chính giao ước được ký kết cao trọng hơn: "Ta thực hiện một giao ước mới cho nhà Israel và cho nhà Giuđa", đó là: "giao ước Ta sẽ ký kết với nhà Israel sau những ngày ấy, Ta sẽ đặt các lề luật của Ta trong trí chúng, và khắc nó vào lòng chúng. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, và chúng sẽ là dân Ta".

Nghĩa là càng ngày Thiên Chúa càng tỏ mình ra một cách trọn vẹn hơn, nhất là "vào thời điểm viên trọn" (Galata 4:4), nơi và qua chính "Người Con duy nhất đến từ Cha, đầy ân sủng và chân lý" của Ngài. Và đó là lý do Thánh Vịnh 84 trong Bài Đáp Ca hôm nay mới cảm nghiệm thấy "lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau" của Thiên Chúa nơi "Người Con duy nhất đến từ Cha, đầy ân sủng và chân lý" là Chúa Giêsu Kitô ở những tâm tình sau đây:

1) Lạy Chúa, xin cho chúng con nhìn thấy tình thương của Chúa, và ban cho chúng con được ơn Ngài cứu độ. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự trị trong đất nước chúng con.

2) Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Từ mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống.

3) Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và đất nước chúng tôi sẽ sinh bông trái. Ðức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Người.

 


Thứ Bảy


Lời Chúa


Bài Ðọc I: (năm I) Dt 9, 2-3, 11-14

"Nhờ chính máu Mình mà Người vào Cung Thánh chỉ một lần".

Trích thư gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, nhà tạm được cất lên trong gian thứ nhất, có đặt chân nến, bàn, và bánh tiến. Gian này gọi là Cung Thánh. Sau tấm màn thứ hai thì đến gian gọi là Cực Thánh.

Còn Chúa Kitô xuất hiện như vị Thượng tế của mọi tốt lành tương lai. Người đi qua nhà tạm rộng rãi và hoàn hảo hơn, không phải do tay người phàm xây dựng, nghĩa là không thuộc về trần gian này, cũng không nhờ máu dê bò, nhưng nhờ chính máu của Người mà vào Cung Thánh chỉ một lần và đem lại ơn cứu độ muôn đời. Vì nếu máu dê bò và tro bò cái mà người ta rảy trên kẻ ô uế, còn thánh hoá được thân xác nên trong sạch, huống chi máu của Ðức Kitô, Ðấng đã nhờ Thánh Thần mà hiến tế chính mình làm của lễ trong sạch dâng lên Thiên Chúa; máu đó sẽ càng tẩy sạch lương tâm chúng ta khỏi những việc sinh sự chết, khiến chúng ta có thể phụng sự Thiên Chúa hằng sống.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 46, 2-3. 6-7. 8-9

Ðáp: Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang (c. 6).

Xướng: 1) Hết thảy chư dân hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa tiếng reo vui! Vì Chúa là Ðấng Tối Cao, Khả uý, Người là Ðại Ðế trên khắp trần gian. - Ðáp.

2) Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang. Hãy ca mừng, ca mừng Thiên Chúa, hãy ca mừng, ca mừng Vua của chúng ta! - Ðáp.

3) Vì Thiên Chúa là vua khắp cõi trần gian, hãy xướng ca vịnh mừng Người, Thiên Chúa thống trị trên các nước, Thiên Chúa ngự trên ngai thánh của Người. - Ðáp.

 

 

Alleluia: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 3, 20-21

"Những thân nhân của Người nói: Người đã mất trí".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy Chúa Giêsu cùng các môn đệ trở về nhà, và dân chúng đông đảo lại đổ xô tới, đến nỗi Người không dùng bữa được. Những thân nhân của Người hay tin đó, liền đi bắt Người, vì họ nói: "Người đã mất trí". 

Ðó là lời Chúa.

 


Suy niệm


   

 Đức Kitô "mất trí"


Ngày Thứ Bảy hôm nay trong Tuần 2 Thường Niên hậu Giáng Sinh là ngày duy nhất trong riêng tuần này và chung phụng niên có bài Phúc Âm ngắn nhất, chỉ với 2 câu vắn vỏi (Marco 3:20-21).

Một số ngày khác trong tuần suốt phụng niên đặc biệt là của Mùa Thường Niên cũng có những bài Phúc Âm chỉ có 3 câu đã thấy ngắn lắm rồi, như trong Mùa Thường Niên Hậu Giáng Sinh có Thứ Hai Tuần 6 (Marco 8:11-13) hay Thứ Tư Tuần VIII (Marco 9:38-40), hoặc trong Mùa Thường Niên hậu Phục Sinh, có Thứ Tư Tuần X (Mathêu 5:17-19), Thứ Tư tuần XVII (Mathêu 13:44-46), Thứ Hai và Thứ Ba Tuần XXV (Luca 8:16-18 và 19-21), thế mà hôm nay bài Phúc Âm còn ngắn hơn nữa. 

Tuy nhiên, không phải vì cái ngắn thật là ngắn chưa từng có này của bài Phúc Âm hôm nay đã không tiếp tục phản ảnh chủ đề "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân " của chung Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh, cho dù nội dung và ý nghĩa của bài Phúc Âm có vẻ hoàn toàn ngược lại:

"Khi ấy Chúa Giêsu cùng các môn đệ trở về nhà, và dân chúng đông đảo lại đổ xô tới, đến nỗi Người không dùng bữa được. Những thân nhân của Người hay tin đó, liền đi bắt Người, vì họ nói: 'Người đã mất trí'". 

Thật thế, trong bài Phúc Âm hôm nay, ngay câu thứ nhất trong hai câu, Thánh ký Marco vẫn cho thấy hình ảnh nổi nang và tầm ảnh hưởng mãnh liệt của "Người Con duy nhất đến từ Cha... đầy ân sủng và chân ", ở chỗ: "Khi ấy Chúa Giêsu cùng các môn đệ trở về nhà, và dân chúng đông đảo lại đổ xô tới, đến nỗi Người không dùng bữa được". 

Thánh ký Marco không cho chúng ta biết việc "Chúa Giêsu cùng các môn đệ trở về nhà" đây là ở đâu, chỗ nào, nhà ai? Phải chăng là chính nhà của Ngườ Nazarét, vì chi tiết được vị Thánh ký cho biết ngay sau đó là: "Những thân nhân của Người hay tin đó, liền đi bắt Người, vì họ nói: 'Người đã mất trí'"?

Theo tiến trình di chuyển của Chúa Giêsu cùng với các môn đệ của Người, được Thánh ký Marco thứ tự thuật lại, từ tuần mở đầu Mùa Thường Niên hậu Giáng Sinh cho đến hôm nay, thì ngôi nhà này có thể là nhà của anh em Simon và Anrê, nơi Người đã đến lần đầu tiên trong bài Phúc Âm Thứ Tư tuần trước, nơi Người đã chữa cho bà nhạc của chàng Simon khỏi cảm cúm cùng với các bệnh nạn tật nguyền khác của dân chúng tuốn đến với Người vào chính hôm đó, và cũng có thể nói là nơi Người đã chữa lành cho một người bất toại được thả xuống từ trên nóc nhà để tránh đám đông đứng chật trong ngoài ngôi nhà này, ở bài Phúc Âm Thứ Sáu tuần trước. 

Có cái lạ là trong khi Chúa Giêsu đang nổi nang và đầy thu hút dân chúng như vậy thì "những thân nhân của Người hay tin đó, liền đi bắt Người, vì họ nói: 'Người đã mất trí'". Tại sao họ lại có thái độ và hành động hoàn toàn ngược chiều với quần chúng như vậy?

Phải chăng "Người đã mất trí" là vì "Người không dùng bữa được" bởi "dân chúng đông đảo lại đổ xô tới"? Nếu thế thì khi tới nơi họ lại càng cần phải trợ giúp Người để nhờ đó Người có thể dùng bữa được như họ mong muốn, bằng cách họ tạm trấn an dân chúng và cung cấp thực phẩm cho Người ăn uống ngay lúc bấy giờ, chứ tại sao họ lại muốn "bắt Người đi" là làm sao? "Bắt Người đi" đâu?? "Bắt Ngườđi" khỏi chỗ đó để làm gì??? Chẳng lẽ để mang Người tới một bệnh viện tâm thần (mental health hospital) để Người được chữa trị, hay để chính họ cùng nhau chữa trị cho Người, vì "Người đã mất trí"!?

Nếu không thì vấn đề tiếp tục được đặt ra ở đây sẽ như thế này: họ "hay tin đó" là tin gì về Người? Tin Người "trở về nhà", hay tin "dân chúng đông đảo lại đổ xô tới", hoặc tin "Người không dùng bữa được"? Hay cả 3 tin một lúc: "Chúa Giêsu cùng các môn đệ trở về nhà, và dân chúng đông đảo lại đổ xô tới, đến nỗi Người không dùng bữa được"? Hoặc chỉ có một tin nào trong 3 tin ấy đã khiến họ phải thốt lên một cách hết sức bất mãn về Người: "Người đã mất trí", tới độ họ không chịu được nữa và cần phải nhúng tay can thiệp ngay để "bắt Người đi"?

Để giải đáp vấn đề này, chúng ta cần biết thành phần "những thân nhân của Người hay tin đó, liền đi bắt Người" đây là ai? Dù không biết rõ từng người trong họ, chúng ta cũng có thể khẳng định mà không sợ sai lầm rằng không có Mẹ của Chúa Giêsu rồi đó. Không ai hiểu Chúa Giêsu hơn Mẹ Maria. Mẹ chẳng bao giờ cho Con Mẹ là "mất trí" cần phải "bắt đi" như những người "thân nhân" nào đó đã có thái độ và hành động đủ cho thấy là chính họ mới là một nạn nhân đang bị "mất tríđáng thương mà không biết!

Thật ra, nếu chúng ta đọc thêm bài Phúc Âm hôm nay một chút nữa, ngay sau câu 21 cuối bài sang đầu câu 22, một câu thuộc về bài Phúc Âm cho Thứ Hai Tuần III Thường Niên tuần tới, sẽ thấy một mệnh đề trước (câu 21) cách mệnh đề sau (câu 22) bằng dấu chấm phẩy (;), chúng ta sẽ thấy một chi tiết liên quan có thể làm sáng tỏ vấn đề như sau: "trong khi đó, những luật sĩ từ Giêrusalem xuống nói rằng: 'Ông ấy bị quỷ Belgiêbút ám', và nói thêm rằng: 'Chính nhờ tướng quỷ mà ông ấy trừ quỷ'". 

À... thì ra thế, "những thân nhân của Người hay tin đó, liền đi bắt Người, vì họ nói: 'Người đã mất trí'" lý do là vì họ nghe thấy những tin tức xuyên tạc về Người từ thành phần luật sĩ thông luật hơn dân chúng và dạy luật cho dân chúng vốn không tin tưởng Người, vốn không khâm phục Người, không biết có phải vì họ đang hậm hực ghen tức với Người, bởi ảnh hưởng quá mãnh liệt của Người trong quần chúng trổi vượt hơn họ, nên họ đang muốn tìm hết cách để hạ bệ Người xuống, bằng những thứ chụp mũ, xuyên tạc và bôi nhọ Người hay chăng? 

Kết quả là Người vẫn còn đó, chẳng những không bị thân nhân của Người "bắt đi", vì Người chẳng "mất trí" như các thân nhân của Người tưởng, trái lại, Người còn quá khôn ngoan đến độ làm cho thành phần luật sĩ này bị cứng họng, bằng cách Người đã sử dùng gậy ông đập lưng ông, như chúng ta sẽ thấy trong Bài Phúc Âm Thứ Hai tuần tới. Tuy nhiên, cho dù thành phần thân nhân của Người có những ý nghĩa và hành động bất xứng với Người như thế, nếu có thiện chí, vẫn được "ân sủng và chân lý" nơi Người biến đổi, nhất là bởi cuộc Vượt Qua của Người, như Bài Đọc 1 hôm nay nói về Người:

"Chúa Kitô xuất hiện như vị Thượng tế của mọi tốt lành tương lai. Người đi qua nhà tạm rộng rãi và hoàn hảo hơn, không phải do tay người phàm xây dựng, nghĩa là không thuộc về trần gian này, cũng không nhờ máu dê bò, nhưng nhờ chính máu của Người mà vào Cung Thánh chỉ một lần và đem lại ơn cứu độ muôn đời. Vì nếu máu dê bò và tro bò cái mà người ta rảy trên kẻ ô uế, còn thánh hoá được thân xác nên trong sạch, huống chi máu của Ðức Kitô, Ðấng đã nhờ Thánh Thần mà hiến tế chính mình làm của lễ trong sạch dâng lên Thiên Chúa; máu đó sẽ càng tẩy sạch lương tâm chúng ta khỏi những việc sinh sự chết, khiến chúng ta có thể phụng sự Thiên Chúa hằng sống".

Khi đó, khi Thiên Chúa đã tỏ hết mình ra nơi cuộc Vượt Qua cứu độ và thánh hóa của "Người Con duy nhất đến từ Cha, đầy ân sủng và chân lý" cũng là lúc "Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang", như câu họa của Bài Đáp Ca hôm nay xướng lên sau mỗi một nhận thức của Thánh Vịnh 46 trong cùng Bài Đáp Ca hôm nay sau đây:

1) Hết thảy chư dân hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa tiếng reo vui! Vì Chúa là Ðấng Tối Cao, Khả uý, Người là Ðại Ðế trên khắp trần gian.

2) Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang. Hãy ca mừng, ca mừng Thiên Chúa, hãy ca mừng, ca mừng Vua của chúng ta!

3) Vì Thiên Chúa là vua khắp cõi trần gian, hãy xướng ca vịnh mừng Người, Thiên Chúa thống trị trên các nước, Thiên Chúa ngự trên ngai thánh của Người.

 




THÁNH VINH-SƠN PHÓ TẾ, TỬ ĐẠO

22-1

Thánh Vinh Sơn chắc chắn là một trong những vị tử đạo nổi tiếng và được tôn kính nhất trong thế giới Công giáo, ngay từ những thời xa xưa, tại nhiều nước, không kể quê hương ngài là Tây Ban Nha. Thánh Auguttin đã viết: “Có thị trấn nào, tỉnh nào nơi trải rộng đế quốc Rôma và Danh Chúa Giêsu mà lại không cử hành lễ kính nhớ thánh Vinh Sơn”? Từ năm 410 đến 413 tháng giêng, thánh Auguttin luôn giảng một bài giảng thuyết về ngài tại Vương cung Thánh đường Cartaginê được tái lập. Lễ kính ngài trải rộng khắp Âu châu, Phi châu, và Mỹ châu. 91 nhà thờ Ý mang tên ngài. Kể từ những năm 300, thành phố Vicenza nước Ý nhận ngài làm đấng bảo trợ, vì theo một truyền thuyết thì chính nó mang tên ngài.  Sự thánh thiện của ngài vĩ đại đến nỗi ba thành phố bên Tây Ban Nha giành giựt danh hiệu là quê hương của ngài: Đó là Valencia, Saragozza và Huesca. Nhưng có lẽ chắc là ngài sinh ra tại Huesca, nước Tây Ban Nha.

Ngài thuộc một gia đình quí tộc, con của quan đại diện Eutichio và nữ tước Enola. Ngài nhận được một nền giáo dục tốt đẹp về văn chương và sớm được gửi gắm cho Đức Cha Valeriô để chăm sóc đời sống thiêng liêng cho ngài. Không những Ðức Cha Valêriô truyền đạt, hun đúc đời sống cho Vinh Sơn với tất cả nền đạo đức vững chắc mà ngài còn dạy văn chương, chữ nghĩa cho Vinh Sơn. Ðược đào tạo, hun đúc trong bầu khí thánh thiện và tràn Thánh Thần của Chúa, thánh Vinh Sơn càng lúc càng trở nên con người tốt, trở nên mẫu mực và kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô. Thấy Vinh Sơn có khả năng, lòng đạo đức, Ðức Cha Valêriô đã truyền chức phó tế cho Vinh Sơn để phụ giúp Ðức Cha trong việc loan báo Tin Mừng.

Vào năm 303, các hoàng đế Rôma ban chỉ dụ bách hại các Kitô hữu: Mọi nhà thờ, sách vở, nhà cửa của các Kitô hữu phải bị phá hủy; các Kitô hữu làm công chức phải bị cách chức, mọi bề tôi trước khi làm bất cứ một hành vi công cộng nào cũng đều phải dâng của lễ hy sinh cho các thần.

Cả Đức Giám mục Valêriô và phó tế Vinh Sơn đều không từ bỏ bổn phận của mình, trái lại các ngài mạnh mẽ làm chứng cho đức tin của họ.  Vì thế tổng trấn Đacianô ra lệnh bắt giữ họ. Bị tra tấn, Vinh Sơn đã nói nhân danh cả vị Giám mục của mình cho Đaciano hay rằng: “Đức tin của chúng tôi chỉ là một điều mà thôi: Đức Giêsu là Thiên Chúa thật: Chúng tôi là các tôi tớ và các chứng nhân của Ngài. Vì Danh Ngài, chúng tôi không khiếp sợ gì cả. Quan chỉ mệt thân tra trấn chúng tôi và làm chúng tôi đau khổ. Quan đừng tin rằng mình có thể bẻ gẫy chúng tôi bằng các lời hứa vinh dự hay lời đe dọa giết chết, vì lẽ cái chết quan giáng xuống trên chúng tôi sẽ dẫn chúng tôi tới sự sống”.

Đacianô đã đem Ðức Valerius đi lưu đày, rồi ông dồn mọi sự tức giận lên phó tế Vinh Sơn. Mọi hình thức tra tấn đều được sử dụng. Nhưng kết quả chỉ làm Dacian thêm rối trí. Chính ông ra lệnh đánh đập các lý hình vì sự thất bại của họ. 

Sau cùng ông đề nghị nếu phó tế Vinh Sơn giao nộp sách Thánh để đốt theo như chỉ dụ của hoàng đế thì ông sẽ tha cho. Nhưng thánh nhân cương quyết không nhượng bộ. Sự tra tấn tiếp tục, nhưng dù nằm trên vỉ sắt được nung nóng, người tù nhân vẫn can đảm chịu đựng, đến nỗi chính lý hình cũng phải nản chí. Sau cùng phó tế Vinh Sơn bị ném vào một xà lim dơ bẩn – Ở đây ngài đã hoán cải người cai tù. Dacian tức điên người, nhưng lạ lùng thay, ông lại ra lệnh cho tù nhân được tĩnh dưỡng đôi chút. Đaciano dùng những lời dụ dỗ dịu ngọt, những ân huệ để xúi Vinh Sơn bỏ đạo. Ông cho Vinh Sơn nằm trên chiếc giường êm ái để cho các bạn hữu đếm thăm nom, nhưng tất cả các mưu chước đều vô ích.

Vinh Sơn vẫn kiên vững trong đức tin, và qua đời ngày 22 tháng giêng năm 304 và truyền thuyết nói một đoàn các thiên thần rước ngài vào Thiên đàng.

Thông điệp và tính thời sự

Vinh Sơn de Saragossa, cùng với các thánh phó tế Stêphanô và Laurensô, được xem như mẫu gương cho thừa tác vụ phó tế: Kết hợp với Giám mục Valêriô, trong việc phục vụ Hội Thánh, ngài đã theo người trong việc tử đạo, trong việc làm chứng sự trung thành của mình với Chúa Kitô và Hội Thánh.

  1. Vinh Sơn (tiếng Latinh vincere, thắng trận) có nghĩa là kẻ chiến thắng. Như kẻ chiến thắng, ngài đã minh chứng trong suốt cuộc khổ nạn: Không có sự đau đớn nào có thể chiến thắng ngài. Truyền thuyết cho rằng, dù bị quăng vào tù ngục và bị hành hạ, nhưng Vinh Sơn luôn ca hát những bài Thánh thi tán tụng.
  2. Thánh Augustinô, trong bài giảng tôn vinh thánh Vinh Sơn, làm nổi bật ân sủng Đức Kitô đã ban cho thánh nhân, khi mời gọi ngài cùng chịu đau khổ với Người. Đó là một hồng ân. Vì thế “Không ai có thể tin vào sức mạnh của mình khi chịu thử thách. Thật vậy, khi chúng ta chịu đau khổ cách can đảm, chính từ Thiên Chúa mà chúng ta được sự kiên nhẫn. Chính Người nói: Hãy vững tin, vì Ta đã thắng thế gian. Tại sao chúng ta kinh ngạc khi thánh Vinh Sơn chiến thắng trong Đấng đã thắng thế gian?… Thân xác chịu đau khổ, Thần khí nói, và lời của Thần khí không những kết án sự vô tín, nhưng còn nâng đỡ sự bất lực” (Phụng vụ giờ Kinh).

 

Lm. Đaminh Phạm Xuân Uyển SDB

http://loichua.donboscoviet.org/ngay-22-thang-1-thanh-vinh-son-pho-te-tu-dao/

 

Thánh Vinhsơn sinh tại Huesca nước Tây Ban Nha. Hồi niên thiếu, Vinhsơn là một lễ sinh của Giám mục Valêriô. Những ngày thơ ấu. Vinhsơn sống bên cạnh Giám mục thật là êm đềm hạnh phúc. Ngày ngày Giám mục dạy Vinhsơn giáo lý và cả các môn văn chương khoa học phần đời.

Cùng với thời gian, Vinhsơn tiến triển cả về thân xác lẫn tinh thần. Thấy mình già cần phải có người giúp việc, Giám mục Valêriô liền truyền chức phó tế cho Vinhsơn để phụ lực với ngài trong việc giảng giáo.

Những ngày sống thanh bình không được bao lâu. Tiếp đến là những ngày giông tố mù trời của những cơn bắt bớ do Điôclêtianô và Maximianô.

Viên tri phủ Đacianô một con người hung tàn, khát máu được bổ nhiệm làm tỉnh trưởng Valensce. Ông muốn tàn sát người công giáo cho thỏa mối căm hờn. Ngày Đacianô về nhận chức tỉnh trưởng Valencia cũng là ngày mở đầu cho tấn thảm kịch đầu rơi, máu chảy. Trước hết ông truyền bắt ngay Giám mục Valêriô và thầy phó tế Vinhsơn, rồi ra lệnh tra tấn dã man hầu làm lung lạc tinh thần các giáo hữu. Nhưng hai đấng trái lại rất hân hoan sung sướng, vì coi mình là kẻ đầu tiên được mời gọi đến để nêu gương anh dũng hầu lĩnh nhận triều thiên vinh quang tử đạo. Thấy hai người cùng chung một niềm tin sắt đá, Đacianô càng giận đến thâm gan tím ruột. Ông truyền hai người phải mang xích nặng rồi cho điệu đến Saragoss, ở đó hai vị được nếm mùi tân khổ của chốn lao tù. Viên tỉnh trưởng hy vọng lối hành hình dã man cả xác và tinh thần đó sẽ làm cho hai người nao núng tâm thần và kiệt sức. Nhưng khi truyền điệu hai người đến trước mặt ông, ông thấy hai đấng vẫn được khoẻ mạnh, xinh tươi như thường. Ông lên giọng hách dịch quát viên cai ngục:

“Ngươi lại ăn đút lót của chúng nên xử đãi tử tế với những quân tử tù này phải không?”

Rồi ông quay về phía những lực sĩ của Chúa Kitô hoặc nạt nộ, hoăïc dùng lời đường mật để dụ dỗ các ngài cúng thần.

Trong cuộc tra vấn, thầy Vinhsơn nhận thấy vị Giám mục tuổi tác ứng đáp lại không mạnh mẽ và rõ ràng đủ để giãi bầy lòng can trường và chí hiên ngang, vì ngài đã già nua lại ít khẩu khiếu, nên khi vị Giám mục vừa ngừng lời Vinhsơn liền thưa với Giám mục:

“Lạy Cha, nếu có thể, con xin Cha cho phép con đỡ lời Cha”.

“Sao con lại nói vậy? – Đức Giám mục trả lời – khi ban quyền rao giảng Phúc âm cho con, đồng thời Cha cũng đã giao cho con trách nhiệm bênh vực và tuyên xưng đức tin mà Cha con ta hằng ôm ấp; con cứ việc trả lời thay Cha”. Bấy giờ thầy phó tế Vinhsơn dõng dạc đáp lại với viên tỉnh trưởng:

“Ông cứ việc gia hình, khảo lược, chúng tôi sẵn lòng chịu đựng hết vì một lòng yêu Chúa Chân Thật. Ông đừng hòng dọa nạt hay dùng lời dụ dỗ mà chinh phục được chúng tôi đâu.”

Câu trả lời đó như đổ thêm dầu vào lửa tức giận của tỉnh trưởng. Ông hầm hầm nổi giận và bắt đầu dùng kế li gián. Giám mục Valêriô được đem đi một nơi. Còn lại một mình Vinhsơn, ông khởi sự cuộc điều tra dã man. Ông truyền căng xác Vinhsơn trên giường, rồi cho các lý hình thi nhau đánh, đánh cho đến khi thân xác Vinhsơn tơi bời rách nát, từng miếng thịt văng lên, máu me đầm đìa lai láng. Trong khi chịu đòn, Vinhsơn vẫn tươi cười vui vẻ; có khi còn dùng lời hài hước để nói khích tỉnh trưởng nữa, làm ông bực tức. Ông truyền lý hình lấy những móc sắt nung đỏ để xé thịt thánh Vinhsơn. Những tên lý hình, tuy hung tợn, cũng phải chùn tay rùng mình, không thể hăng hái làm công việc dã man đó. Cử chỉ đó càng làm ông phát cáu. Tỉnh trưởng Đacianô còn sáng nghĩ ra lối tra tấn dã man khác, nhưng cực hình không đánh đổ lòng trung kiên sắt đá của Vinhsơn.

Thấy lối tra tấn đó không đem lại kết quả ông đành xoay chiến lược hành hạ trường kỳ, nghĩa là để cho tù nhân chịu đau đớn và mỏi mòn chết dần. Ông hạ lệnh giam Vinhsơn vào một ngục lát toàn bằng mảnh sành và thuỷ tinh. Nhưng trái với ý mong muốn của con người hung ác đó, ngục thất đây đã biến thành nơi cực lạc cho Vinhsơn. Chính ở nơi đây đã xẩy ra một phép lạ mà nhiều người được chứng kiến đã động lòng trở lại. Ngục thất tối om đó bỗng tràn ngập ánh sáng: thiên thần Chúa hiện đến an ủi và chữa lành các thương tích của đấng tử đạo. Nằm trên những mảnh sành nhọn sắc, Vinhsơn có cảm tưởng như trải mình trên những cánh hồng êm dịu. Tâm hồn lâng lâng vui sướng, Vinhsơn hát ca vịnh chúc tụng Chúa. Những lính canh ngục thấy sự lạ đó, hoảng sợ chạy trốn. Nhưng viên cai ngục bình tĩnh đứng lại quan sát. Nhờ đó ông đã được ơn soi sáng và trở lại theo đạo công giáo.

Nghe tin ấy viên tỉnh trưởng không khỏi ngạc nhiên rụng rời. Một lần nữa ông lại xoay chiến lược, đổi dữ làm lành và chiều đãi Vinhsơn hy vọng đánh đổ ngài chăng. Ông tự nghĩ càng hành hung hay gia hình càng bất lợi, vì như thế là xây đắùp thêm vinh quang cho đối phương. Nghĩ vậy, ông liền truyền dọn giường chiếu có chăn đệm đường hoàng cho Vinhsơn nằm. Nhưng khi vừa đặt ngài lên, thánh nhân bắt đầu nhắm mắt để ngủ một giấc ngàn thu: linh hồn Đấng Tử đạo đã vút bay về cõi cực lạc.

Cái chết đem lại hạnh phúc cho đấng thánh càng gây bực tức thêm cho viên tỉnh trưởng, vì như thế là ông không thắng được chí can trường, bất khuất của Vinhsơn. Ông nắm tay thề thốt: “Ta không trị được tên này khi sống, thì ta sẽ còn hành hạ nó khi chết cho hả giận”. Nói rồi ông truyền vứt xác Vinhsơn trong nơi hoang địa cho chim trời và thú rừng xâu xé. Nhưng nào ông có được sự thoả mãn như lòng mong muốn. Một con quạ khổng lồ ở đâu bỗng bay đến làm nhiệm vụ canh gác. Hễ con vật nào định đến ăn xác ngài, quạ liền kêu oang oác hoặc tung cánh xông vào mổ túi bụi.

Tin đó tức tốc cũng đến tai Đacianô, ông nổi xung. Nhưng rồi mắt ông sáng lên vì một thủ đoạn ông vừa sáng nghĩ: “Ừ phen này xem nó có thoát được ta không?” Ông truyền bỏ xác Vinhsơn vào một cái túi có đèo thêm một hòn đá lớn, rồi cho quăng xuống biển. Tưởng rằng mười mươi xác chết đó, nếu không lặng chìm dưới đáy nước, thì cũng hoá thành miếng mồi ngon cho cá biển. Nhưng lạ thay! Sóng biển lại đánh dạt túi đó vào bờ, một giáo hữu đã tìm được xác ngài trên một bãi biển, nơi đó sau này đã mọc lên một ngôi giáo đường nguy nga để kính nhớ đấng thánh.

Lòng tôn kính của giáo dân đối với thánh Vinhsơn không bao lâu đã được phổ biến nhanh chóng, nhờ phân phối hài cốt ngài cho nhiều nơi. Rất nhiều giáo đường nguy nga đã được xây lên để dâng kính hay mang tên Vinhsơn. Tại Pháp, thánh Vinhsơn đã được coi là một thánh tử đạo thời danh nhất. Nói đến tên ngài không ai mà không biết đến.

Nhưng hơn nữa, Vinhsơn sẽ còn được ghi nhớ và tôn kính muôn đời trong Giáo hội, vì máu ngài đã tô thắm vinh quang của Giáo hội.

http://giaoxutanviet.com/ngay-22-thang-1-thanh-vinh-son-pho-te-tu-dao-2/