SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO
Chia sẻ Phụng Vụ Lời Chúa Mùa Chay Tuần 3
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Phụng Vụ Lời Chúa
Bài Ðọc I: Xh 20, 1-17
"Luật do Môsê đã ban ra".
Trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, Chúa phán bảo những lời sau đây: Ta là Thiên Chúa ngươi, Ðấng đã dẫn dắt ngươi ra khỏi vùng Ai-cập, khỏi nhà nô lệ. Ngươi không được thờ thần nào khác trước mặt Ta, đừng chạm trổ tượng gỗ, hay vẽ hình các vật trên trời, dưới đất, trong nước, dưới lòng đất. Ðừng thờ lạy và phụng sự các hình tượng ấy, vì Ta là Chúa, Thiên Chúa ngươi, Chúa hùng mạnh, Chúa ganh tị, trừng phạt con vì tội lỗi cha, cho đến ba bốn đời, những kẻ ghét Ta; Ta tỏ lòng nhân lành đến ngàn đời đối với những ai kính mến Ta và tuân giữ các giới răn Ta.
Ngươi đừng lấy danh Chúa, Thiên Chúa ngươi, mà lường gạt, vì Chúa không thể không trừng phạt kẻ nào lấy danh Người mà lường gạt.
Ngươi hãy nhớ thánh hoá ngày Sabbat. Ngươi làm lụng và làm tất cả mọi việc trong sáu ngày, còn ngày thứ bảy là ngày Sabbat, thì thuộc về Chúa, Thiên Chúa ngươi; trong ngày đó, ngươi, con trai, con gái, tôi tớ nam nữ, súc vật, ngoại kiều trọ trong nhà ngươi, tất cả không được làm việc gì. Vì trong sáu ngày, Chúa đã tạo dựng trời, đất, biển, và tất cả mọi vật trong đó, rồi Người nghỉ trong ngày thứ bảy: cho nên Chúa chúc phúc và thánh hoá ngày Sabbat.
Ngươi hãy tôn kính cha mẹ, để ngươi được sống lâu dài trong xứ mà Thiên Chúa sẽ ban cho ngươi. Ngươi chớ giết người, chớ phạm tội ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng dối hại anh em mình, chớ tham lam nhà của kẻ khác, chớ ham muốn vợ bạn hữu, tôi tớ nam nữ, bò lừa và bất cứ vật gì của bạn hữu.
Ðó là lời Chúa.
Hoặc đọc bài vắn này: Xh 20, 1-3. 7-8. 12-17
"Luật do Môsê đã ban ra".
Trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, Chúa phán bảo những lời sau đây: Ta là Thiên Chúa ngươi, Ðấng đã dẫn dắt ngươi ra khỏi vùng Ai-cập, khỏi nhà nô lệ. Ngươi không được thờ thần nào khác trước mặt Ta. Ngươi đừng lấy danh Chúa, Thiên Chúa ngươi, mà lường gạt, vì Chúa không thể không trừng phạt kẻ nào lấy danh Người mà lường gạt. Ngươi hãy nhớ thánh hoá ngày Sabbat.
Ngươi hãy tôn kính cha mẹ, để ngươi được sống lâu dài trong xứ mà Thiên Chúa sẽ ban cho ngươi. Ngươi chớ giết người; chớ phạm tội ngoại tình; chớ trộm cắp; chớ làm chứng dối hại anh em mình; chớ tham lam nhà của kẻ khác; chớ ham muốn vợ bạn hữu, tôi tớ nam nữ, bò lừa và bất cứ vật gì của bạn hữu.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 18, 8. 9. 10. 11
Ðáp: Lạy Chúa, Chúa có lời ban sự sống đời đời (Ga 6, 69).
Xướng: 1) Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt. - Ðáp.
2) Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng soi con mắt. - Ðáp.
3) Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thực, công minh hết thảy. - Ðáp.
4) Những điều đó đáng chuộng hơn vàng, hơn cả vàng ròng, ngọt hơn mật và hơn cả mật tàng ong. - Ðáp.
Bài Ðọc II: 1 Cr 1, 22-25
"Chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho nhiều người, nhưng là sự khôn ngoan của Thiên Chúa đối với những người được gọi".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, các người Do-thái đòi hỏi những dấu lạ, những người Hy-lạp tìm kiếm sự khôn ngoan, còn chúng tôi, chúng tôi rao giảng Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do-thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo, nhưng đối với những người được gọi, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, thì Ngài là Ðức Kitô, quyền năng của Thiên Chúa và sự khôn ngoan của Chúa Cha, vì sự điên rồ của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự khôn ngoan của loài người, và điều yếu đuối của Thiên Chúa thì vượt hẳn sự mạnh mẽ của loài người.
Ðó là lời Chúa.
Câu Xướng Trước Phúc Âm: Mt 4, 4b
Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.
Phúc Âm: Ga 2, 13-25
"Các ngươi cứ phá huỷ đền thờ này, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Lễ Vượt Qua của dân Do-thái gần đến, Chúa Giêsu lên Giêru-salem. Người thấy ở trong Ðền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc, người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ. Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ và bảo những người bán chim câu rằng: "Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán". Môn đệ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: "Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi".
Bầy giờ người Do-thái bảo Người rằng: "Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy". Chúa Giêsu trả lời: "Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại". Người Do-thái đáp lại: "Phải bốn mươi sáu năm mới xây được đền thờ này, mà Ông, Ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư?" Nhưng Người, Người có ý nói đền thờ là thân thể Người. Vì thế, khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, các môn đệ mới nhớ lời đó, nên đã tin Kinh Thánh và tin lời Người đã nói.
Trong thời gian Người ở lại Giêrusalem mừng lễ Vượt qua, nhiều kẻ tin danh Người, vì mục kích những phép lạ Người làm. Nhưng chính Chúa Giêsu không tin tưởng họ, vì Người biết tất cả mọi người, và không cần ai làm chứng về người nào; Người biết rõ mọi điều trong lòng người ta.
Ðó là lời Chúa.
Suy Nhiệm Lời Chúa
Sau Bài Phúc Âm cho Chúa I Mùa Chay về biến cố Chúa Giêsu vào hoang địa chay
tịnh cùng chịu cám dỗ, ám chỉ mầu nhiệm khổ giá của Người, và Bài Phúc Âm
cho Chúa Nhật II Mùa Chay về biến cố Chúa Kitô biến hình trên núi cao, ám chỉ đến mầu nhiệm Phục Sinh của Người, các bài Phúc Âm cho Chúa Nhật III
tới hết Mùa Chay là Chúa Nhật V hoàn toàn không theo Phúc Âm của Thánh Ký
Marco mà là của Thánh ký Gioan, những bài Phúc Âm của Thánh ký Gioan được
Giáo Hội cố ý chọn vì trong đó chất chứa mầu nhiệm vượt qua của Người mà
Phúc Âm Thánh ký Marco không có.
Ở chu kỳ Năm A theo Thánh ký Mathêu cũng thế, Giáo Hội cũng chọn 3 bài Phúc Âm của Thánh ký Gioan cho Chúa Nhật III, IV và V Mùa Chay, còn chu kỳ Năm C theo Phúc Âm Thánh ký Luca, Giáo Hội chỉ chọn 1 bài Phúc Âm của Thánh ký Gioan cho Chúa Nhật V Mùa Chay mà thôi. Tuy nhiên, trong ngày thường, nghĩa là không phải Chúa Nhật, mà là ngày trong tuần, Phúc Âm theo Thánh ký Gioan được Giáo Hội chọn đọc liên tục suốt tuần Thứ IV và tuần Thứ V Mùa Chay, những bài Phúc Âm cho thấy Chúa Kitô tự chứng về Người, nhưng các tự chứng của Người ấy lại khiến cho chung dân chúng và thành phần trí thức cùng lãnh đạo của dân không thể nào chấp nhận được, đến độ họ đã tìm cách giết Người là tên phạm thượng lộng ngôn, và chính tới lúc này Giáo Hội bắt đầu tiến vào Tuần Thánh cũng là Tuần Thương Khó với Tam Nhật Vượt Qua cuối tuần.
Thật vậy, Bài Phúc Âm theo Thánh ký Gioan được Giáo Hội chọn đọc cho Chúa Nhật III Mùa Chay chu kỳ Năm B hôm nay về sự kiện Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ, ở chỗ: "Người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ. Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ và bảo những người bán chim câu rằng: 'Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán'".
Thế nhưng, việc thẳng tay thanh tẩy đền thờ của Chúa Giêsu chưa từng có như thế đã bị người Do Thái chất vấn về thẩm quyền của Người: "Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy", và để trả lời, Chúa Giêsu cho họ biết về một dấu lạ cả thể liên quan đến thẩm quyền của Người như sau: "Các ông cứ phá hủy đền thờ này đi, nội trong 3 ngày Ta sẽ dựng lại".
Ở đây chúng ta nên lưu ý là người Do Thái xin Chúa Giêsu một "dấu" (sign), dấu lạ hay dấu chỉ, chứ không phải là "phép lạ" (micracle), và Phúc Âm Thánh ký Gioan thường dùng từ ngữ dấu lạ thay vì phép lạ cho dù Chúa Giêsu thực sự làm phép lạ, như phép lạ Người hóa nước lã thành rượu ở tiệc cưới Cana (xem Gioan 2:11), hay khi Người chữa lành cho đứa con trai của viên sĩ quan cũng ở Cana (xem Gioan 4:54). Dấu chỉ hay dấu lạ đây chính là ý nghĩa ám chỉ việc Chúa Kitô làm nói chung và phép lạ Người làm nói riêng.
Đó là lý do, sau khi Chúa Giêsu trả lời cho yêu cầu của dân Do Thái xin Người một dấu chỉ nào cho thấy Người có quyền thanh tẩy đền thờ như vậy, thì Thánh ký Gioan đã chú giải ý nghĩa về câu tuyên bố này của Chúa Giêsu như sau: "Người cố ý nói đến đền thờ là thân thể Người". Tức là Chúa Giêsu tiên báo cho dân Do Thái biết rằng cái dấu chỉ mà họ xin Người làm để chứng tỏ thẩm quyền thanh tẩy đền thờ của Người đó là Người sẽ bị họ sát hại trong cuộc khổ nạn và tử giá của Người nhưng sau ba ngày Người sẽ sống lại từ trong kẻ chết, một "dấu" cho thấy Người là Con Thiên Chúa, là Đấng Thiên Sai, bất tử, hằng sống, cứu độ, chiến thắng tội lỗi và sự chết của con người, nơi con người và cho con người, bao gồm cả dân Do Thái của Người.
Vấn đề đặt ra ở đây là mối liên hệ giữa bài Phúc Âm và hai bài đọc còn lại. Ở chỗ, nếu Phúc Âm trình thuật về biến cố Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ và lời tiên báo về cuộc vượt qua của Người, thì nội dung của bài phúc âm có liên hệ gì tới bài đọc 1 về 10 giới răn (Xuất Hành 20:1-17), và bài đọc 2 về giá trị tác dụng của thập giá Chúa Kitô (1Corinto 1:22-25) hay chăng? Nếu có thì ở chỗ nào??
Đúng thế, nếu phần nhất của bài Phúc Âm trình thuật về sự kiện Chúa Kitô thanh tẩy đền thờ, mà bài đọc 1 về 10 giới luật của Chúa, tức là về những gì liên quan đến tâm hồn của con người là nơi Chúa ngự như là đền thờ của Ngài, một nơi nếu không tuân giữ lề luật của Chúa, tức theo đường lối của Chúa, chẳng khác gì đã bị biến thành hang trộm cướp hay nơi buôn bán, cần được thanh tẩy, thì cả hai bài đọc đã ăn khớp với nhau ở chỗ này. Bài Đáp Ca rất thích hợp với Bài Đọc I hôm nay như sau:
1) Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt.
2) Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng soi con mắt.
3) Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thực, công minh hết thảy.
4) Những điều đó đáng chuộng hơn vàng, hơn cả vàng ròng, ngọt hơn mật và hơn cả mật tàng ong.
Và nếu phần thứ hai của bài Phúc Âm nhắc lại lời Chúa Kitô tiên báo về cuộc vượt
qua của Người, một cuộc vượt qua từ khổ nạn và tử giá ("phá đền thờ này đi") đến
phục sinh ("nội trong 3 ngày Ta sẽ dựng lại") thì ở bài đọc 2 Thánh Phaolô nói
về "một Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do
Thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo, nhưng đối với những
người được gọi thì Người là Đức Kitô, quyền năng của Thiên Chúa và sự khôn ngoan
của Chúa Cha" ở nơi cuộc vượt qua của Người. "Vì sự điên rồ của Thiên Chúa thì
vượt hẳn sự khôn ngoan của loài người, và điều yếu đuối của Thiên Chúa thì vượt
hẳn sự mạnh mẽ của loài người", mà đó mới là dấu lạ cho người Do Thái, đó mới
thực sự “là
việc Chúa làm và là việc lạ lùng trước mắt chúng ta” (Bài Phúc Âm Thứ
Sáu tuần này).
Như thế, theo tiến trình Mùa Chay, sau Chúa Nhật I với bài Phúc Âm Chúa Giêsu
chay tịnh 40 ngày trong hoang địa, ám chỉ Người sẽ tiêu diệt vương quốc của ma
quỉ, và bài Phúc Âm Chúa Nhật II với một Chúa Kitô biến hình trên núi ám chỉ
cuộc phục sinh của Người, chiến
thắng tội lỗi và sự chết (1Corinto 15:56-57) bằng “sự sống lại và sự sống”
(Gioan 11:25),
đến bài Phúc Âm Chúa Nhật III Mùa Chay này bắt đầu hướng về cuộc vượt qua của
Người.
Nếu tột đỉnh của phụng niên là Tam Nhật Thánh hay Tam Nhật Vượt Qua, liên quan
đến chẳng những Mầu Nhiệm Khổ Nạn và Tử Giá của Chúa Kitô mà còn đến Mầu Nhiệm
Phục Sinh của Người nữa, vì Mầu Nhiệm Vượt Qua là tất cả mạc khải thần linh của
Thiên Chúa và về Thiên Chúa, thì tất cả những gì Chúa Kitô nói và làm đều hướng
về Mầu Nhiệm Vượt Qua này.
Chẳng hạn, biến cố Chúa Giêsu chay tịnh 40 đêm ngày trong sa mạc và chịu ma quỉ
cám dỗ ở Phúc Âm Chúa Nhật I Mùa Chay là sự kiện báo trước việc Chúa Kitô chiến
thắng Satan và bọn ngụy thần bằng cuộc khổ nạn của Người. Hay biến cố Chúa Giêsu
biến hình trên núi ở bài Phúc Âm Chúa Nhật 2 Mùa Chay là sự kiện báo trước việc
Chúa Kitô sống lại từ trong kẻ chết.
Các phép lạ Chúa Giêsu làm, như chữa lành bệnh nạn tật nguyền và khu trừ ma quỉ,
đều là những biểu hiệu ám chỉ việc Người đến thế gian để cứu con người khỏi tội
lỗi (quỉ ám) và sự chết (bệnh tật), cứu con người cả về than xác (bệnh tật) lẫn
linh hồn (quỉ ám), bằng cuộc vượt qua của Người.
Trong bài Phúc Âm hôm nay, lần đầu tiên Người
nói đến Mầu Nhiệm Vượt Qua này,
khi Ngưới thách thức c23on người cứ phá đền thờ là thân thể của Người (khổ nạn và
tử giá) nhưng Người sẽ dựng lại nó trong vòng 3 ngày (sống lại). Nghĩa là con
người
dù có gây ra sự dữ, có cố tình
phạm đến Ngài chăng nữa thì Thiên Chúa vẫn có thể
hoàn thành dự án thần linh vô cùng sâu nhiệm và toàn năng
của Ngài trong việc yêu thương cứu độ họ và cho họ được hiệp thông thần linh với
Ngài mà hoan hưởng sự sống toàn hảo viên mãn của Ngài và với Ngài, đúng như mục
đích và chủ đích Ngài đã tạo dựng nên họ ngay từ ban đầu.
1- Tại sao Bài Phúc Âm cho Chúa Nhật III Mùa Chay Năm B lại đọc Phúc Âm Thánh Gioan mà không đọc Phúc Âm Thánh Marcô?
2- Bài Phúc Âm Thánh Gioan được Giáo Hội chọn đọc cho Chúa Nhật III Mùa Chay Năm B này có ý nghĩa gì với Mùa Chay??
3- "Nhiều kẻ tin danh Người... Nhưng chính Chúa Giêsu không tin tưởng họ", như cuối bài Phúc Âm cho thấy - tại sao???
Xin được chia sẻ như sau:
1- Tại sao Bài Phúc Âm cho Chúa Nhật III Mùa Chay Năm B lại đọc Phúc Âm Thánh Gioan mà không đọc Phúc Âm Thánh Marcô?
2- Bài Phúc Âm Thánh Gioan được Giáo Hội chọn đọc cho Chúa Nhật III Mùa Chay Năm B này có ý nghĩa gì với Mùa Chay??
Mùa Chay là thời khoảng 40 ngày, hơn 6 tuần lễ, từ Thứ Tư Lễ Tro đến Chúa Nhật Lễ Lá, ngày cuối cùng và là tột đỉnh của Mùa Chay, và đồng thời cũng là ngày đầu tiên mở màn cho Tuần Thánh. Mùa Chay hướng về Lễ Phục Sinh, bao gồm việc chay tịnh chính yếu, được bắt đầu từ thời các thánh Tông Đồ, thế nhưng mãi cho tới Công Đồng Chung đầu tiên ở Nicea năm 325 mới được chính thức hóa. Mùa Chay, theo truyền thống ban đầu, được giành riêng cho 2 thành phần: thành phần dự tòng Kitô giáo dọn mình để được tái sinh bởi Phép Rửa vào Lễ Phục Sinh, và thành phần hối nhân Kitô giáo đã bị tuyệt thông muốn trở về, bằng lòng thống hối qua những hành động đền tội cụ thể, như mặc áo nhặm và xức tro trên đầu. Hình thức thống hối công khai này đã không còn nữa vào thế kỷ thứ 9, nhưng việc xức tro vẫn tồn tại cho tới ngày nay để nhắc nhở thân phận con người thụ tạo tội nhân đáng chết và thực sự đã chết cả về phần hồn lẫn phần xác theo nguyên tội, cần được cứu độ bằng lòng thống hối bề trong và chay tịnh khổ chế bề ngoài.
Căn cứ theo truyền thống Mùa Chay ấy, theo tinh thần của thời khoảng trước Tuần Thánh cùng hướng về Tuần Thánh và nhắm đến Lễ Phục Sinh này của mình, thì Mùa Chay là thời khoảng vượt qua từ sự chết mà vào sự sống, bằng lòng tin tưởng của những tâm hồn dự tòng Kitô giáo và chính Kitô hữu, vào Chúa Kitô Thiên Sai Cứu Thế, đúng như lời Người đã khẳng định: "Thật, tôi bảo thật các ông: ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống" (Gioan 5:24). Và đó là lý do chúng ta thấy Mùa Chay bao gồm 2 yếu tố bất khả thiếu, đúng như nội dung của sứ điệp thiên sai của Chúa Kitô: "Hãy ăn năn hoán cải và tin vào Phúc Âm" (Marco 1:15).
Thực tế cho thấy cấu trúc của Mùa Chay được dựa theo khuôn mẫu của chu kỳ phụng vụ Năm A, bao gồm 2 phần: phần đầu, từ Thứ Tư Lễ Tro đến hết Thứ Bảy Tuần II Mùa Chay, liên quan đến lòng "ăn năn hoán cải" của con người, bao gồm các bài Phúc Âm ngày thường trong tuần giống nhau mang ý nghĩa "ăn năn hoán cải" ấy; và phần sau, từ Chúa Nhật III Mùa Chay đến Chúa Nhật Lễ Lá, liên quan đến ơn tái sinh của Thiên Chúa, bao gồm các bài Phúc Âm Chúa Nhật III, IV và V theo Phúc Âm Thánh Gioan, không còn theo Thánh Mathêu Năm A hay Thánh Marcô Năm B. Ba bài Phúc Âm cho Chúa Nhật III, IV và V theo Thánh Gioan, được Giáo Hội có ý chọn đọc cho thành phần dự tòng, có thể áp dụng cho cả chu kỳ phụng vụ Năm B và C, nếu nơi nào có dự tòng dọn mình lãnh nhận Phép Rửa trong Đêm Lễ Vọng Phục Sinh.
Nội dung của 3 bài Phúc Âm Thánh Gioan cho Chúa Nhật III, IV và V Mùa Chay Năm A, có thể áp dụng cho cả Năm B và C: Chúa Nhật III Mùa Chay Phúc Âm về Nước Vọt Lên Sự Sống Đời Đời cho những ai tin vào Chúa Kitô, như người phụ nữ Samaria ở Giếng Giacóp bất ngờ gặp Chúa Kitô và sau cùng thì nhận ra Người (xem Gioan 4:14,29); Chúa Nhật IV Mùa Chay Phúc Âm về Ánh Sáng Chân Thật làm cho người mù từ lúc mới sinh đã có thể chẳng những thấy được ánh sáng tự nhiên mà còn nhận ra chính Chúa Kitô là Ánh Sáng Sự Sống (xem Gioan 9:7,38), và Chúa Nhật V Mùa Chay Phúc Âm về Sự Sống Tái Sinh qua phép lạ Chúa Kitô hồi sinh Lazarô đã chết 4 ngày đến xông mùi (xem Gioan 11:43-44).
Tuy bài Phúc Âm của Thánh Gioan cho Chúa Nhật III Mùa Chay Năm B không phải là một trong 3 bài Phúc Âm tiêu biểu như Năm A, nhưng cũng bao gồm 2 yếu tố cứu độ bất khả thiếu, đó là mạc khải thần linh từ Thiên Chúa và đức tin tuân phục nơi con người. Ở bài Phúc Âm thánh Gioan cho Chúa Nhật III Mùa Chay Năm B này bao gồm chẳng những yếu tố mạc khải thần linh ở lời Chúa Giêsu nói về cuộc vượt qua của Người, mà còn cả yếu tố đức tin tuân phục nữa nơi những ai muốn được cứu độ, không như dân Do Thái tin Người trong bài Phúc Âm hôm nay, một đức tin không được Người chấp nhận, như những chi tiết chia sẻ cho vấn nạn thứ 3 dưới đây:
3- "Nhiều kẻ tin danh Người... Nhưng chính Chúa Giêsu không tin tưởng họ", như cuối bài Phúc Âm cho thấy - tại sao???
Trong hai yếu tố bất khả thiếu và bất khả phân ly trong Mùa Chay và làm nên Mùa Chay này, thì việc ăn năn thống hối nơi con người và của con người chỉ là đường lối, là phương tiện, như tính cách thống hối nơi phép rửa của Tiền Hô Gioan Tẩy Giả, để dọn đường đón Chúa Kitô thôi, Đấng ban ơn cứu độ đến cho họ, thành phần nhận biết Người và chấp nhận Người, nghĩa là tin vào Người. Bởi thế, "nhiều kẻ tin danh Người.... Nhưng chính Chúa Giêsu không tin tưởng họ", như cuối bài Phúc Âm cho thấy, là "vì họ đã mục kích thấy những phép lạ Người làm" thôi, tức họ chỉ tin vào phép lạ Người làm, khi Người tỏ ra uy quyền, hơn là tin vào chính bản thân của Người, khi Người tỏ ra bất lực, chỉ biết làm theo ý Cha là Đấng đã sai Người, đến độ cuối cùng Người đã trở nên trò hề cho thiên hạ nhạo cười:
"Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu vừa nói: 'Mi là kẻ phá được Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, hãy cứu lấy mình đi! Nếu mi là Con Thiên Chúa, thì xuống khỏi thập giá xem nào!' Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục cũng chế giễu Người mà nói: 'Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi mình. Hắn là Vua Ít-ra-en! Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền! Hắn cậy vào Thiên Chúa, thì bây giờ Người cứu hắn đi, nếu quả thật Người thương hắn! Vì hắn đã nói: 'Ta là Con Thiên Chúa!' Cả những tên cướp cùng bị đóng đinh với Người cũng sỉ vả Người như thế". (Mathêu 27:39-44).
Lạy Đấng "đầy ơn phúc" (Luca 1:28), Mẹ chẳng những "đầy ơn phúc" vì "Chúa ở cùng Mẹ" ngay từ giây phút Mẹ được hoài thai trong lòng thai mẫu, mà còn nhờ Mẹ ở cùng Chúa, bằng đức tin diễm phúc của Mẹ (xem Luca 1:45). Xin Mẹ cho Kitô hữu chúng con biết sống đức tin tuân phục như Mẹ và với Mẹ, để chúng con chẳng những xứng đáng là môn đệ của Đấng Vượt Qua, mà còn có thể trở thành chứng nhân trung thực và sống động của Người trong một thế giới con người càng văn minh và nhân bản thì lại càng trở nên vô thần và duy vật. Amen.
I. ĐÔI HÀNG LỊCH SỬ
Lịch sử về cuộc đời hai thánh tử đạo tiên khởi khá mù mờ nhưng trong những truyền thuyết mù mờ về đời sống các vị tử đạo tiên khởi đó, chúng ta vẫn may mắn có được ít tài liệu về sự can đảm của Thánh Perpetua và Felicita từ chính nhật ký của Thánh Perpetua và của giáo lý viên Saturus, cũng như một số những chứng nhân. Văn bản này, thường được gọi là “Sự Tử Ðạo của Perpetua và Felicita,” được nổi tiếng trong các thế kỷ đầu tiên đến nỗi văn bản ấy đã được đọc trong phụng vụ.
Vào năm 203, Vibia Perpetua quyết định trở nên một Kitô hữu, mặc dù ngài biết điều đó có thể dẫn đến cái chết trong thời kỳ bách hại của Septimus. Một người em trai của ngài cũng noi gương và trở nên người dự tòng. Cha của ngài cuống cuồng lo âu, và ông cố gắng thay đổi ý định của ngài. Sự lo âu của ông cũng dễ hiểu, vì một phụ nữ 22 tuổi, hăng say và có học thức như Perpetua thì không có lý do gì lại muốn chết - chưa kể ngài còn có một đứa con mới sinh.
Nhưng thái độ của Perpetua thì rất rõ ràng. Ngài chỉ tay vào một bình đựng nước, và hỏi cha ngài,
- Cha có thấy cái bình đó không ? Cha có thể gọi nó một cái tên nào khác với bản chất của nó không ?.
Người cha trả lời,
- Dĩ nhiên là không.
Và Perpetua thản nhiên tiếp lời,
- Con cũng không thể gọi con bằng một cái tên nào khác hơn là bản chất của con - một Kitô hữu.
Câu trả lời đã làm người cha bực mình và ông đã tấn công chính con mình. Nhật ký Perpetua kể cho chúng ta biết, sau biến cố ấy ngài phải sống tách biệt với cha ngài trong vài ngày, và sự tách biệt ấy đã đưa đến sự bắt bớ và tù đày của chính ngài.
Perpetua bị bắt với bốn người dự tòng khác, kể cả hai người nô lệ là Felicita và Revocatus. Người dạy giáo lý cho các ngài là Saturus đã bị bắt trước đó.
Nhà tù đầy những con người đến nỗi họ ngộp thở vì nóng nực và không có một chút ánh sáng. Quân lính thì xô đẩy họ không một chút xót thương. Perpetua thật khiếp sợ, nhưng trong tất cả những sự ghê rợn ấy, điều đau khổ lớn lao nhất của ngài là phải xa cách đứa con thơ.
Người nô lệ trẻ tuổi là Felicita lại càng đáng thương hơn nữa, vì ngài đang mang thai đã được tám tháng tuổi và phải sống trong cái nóng nực, chen chúc, và thô bạo ấy.
Hai phó tế phục vụ tù nhân đã đút lót cho lính canh để các ngài được có một chỗ ở tốt nhất trong nhà tù. Ở đó, mẹ và em của Perpetua đã đến thăm và đưa con đến cho ngài. Khi được phép giữ con trong tù, ngài cảm thấy “nhà tù trở nên như cung điện”. Cha ngài lại nài nỉ ngài thay đổi ý định, ông hôn tay ngài và ngay cả quỳ dưới chân ngài. Perpetua nói với ông, “Chúng ta không thể dựa vào quyền thế của chúng ta, nhưng vào quyền thế của Thiên Chúa”.
Trong khi ngài bị đưa ra xét xử, cha ngài cũng đi theo, nài nỉ quan tòa. Vì thương hại, quan tòa cũng cố thay đổi ý định của Perpetua, nhưng ngài vẫn cương quyết, và cùng với các người khác, ngài bị kết án tử hình bằng cách bị ném cho thú dữ ăn thịt trong đấu trường.
Trong khi đó Felicita cũng rất đau khổ. Theo luật lệ, giết người phụ nữ mang thai là điều trái phép. Giết hài nhi trong bụng mẹ là đổ máu người vô tội và linh thiêng. Trong khi đó, Felicita lại lo rằng ngài không kịp sinh con trước ngày tử đạo, và các bạn ngài sẽ bước vào vinh quang ấy mà không có ngài.
Hai ngày trước khi bị hành quyết, Felicita đau đớn chuyển bụng. Bọn lính canh chế giễu, nhục mạ ngài và nói,
- Nếu đau đớn bây giờ mà còn chịu không nổi, thì làm sao đương đầu với thú dữ ?
Felicita điềm tĩnh trả lời:
- Bây giờ tôi là người phải chịu đau khổ, nhưng trong đấu trường, một Ðấng khác sẽ ở trong tôi, chịu đau khổ giùm tôi vì tôi đã chịu đau khổ vì Ngài.
Felicita sinh hạ một bé gái kháu khỉnh và được một Kitô hữu ở Carthage nhận làm con nuôi.
Vào ngày bị hành quyết, bốn bổn đạo mới và giáo lý viên bước vào đấu trường với niềm vui và sự bình thản. Khi dân chúng đòi hỏi Perpetua và các bạn ngài phải mặc y phục dành cho việc thờ cúng tà thần, Perpetua đã đối chất với các lý hình:
- Chúng tôi tự ý chịu chết để được tự do thờ phượng Thiên Chúa của chúng tôi. Chúng tôi đã trao mạng sống cho các ông thì không có lý do gì chúng tôi phải thờ lạy thần thánh của các ông.
Và các ngài đã được phép mặc quần áo của mình.
Những người đàn ông thì bị tấn công bởi gấu, beo và heo rừng. Các phụ nữ thì bị bò dại tấn công. Perpetua, dù bị tan nát và rối bời, ngài vẫn nghĩ đến các bạn và chạy đến giúp Felicita đứng dậy. Cả hai đã đứng cạnh nhau khi bọn lính cắt cổ tất cả năm vị tử đạo.
II. BÀI HỌC
Nói về sự tử đạo Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo số 2473 đã viết rất hay: “Sự tử đạo là việc làm chứng cao cả nhất cho chân lý đức tin; đó là sự làm chứng cho đến nỗi phải chết. Vị tử đạo làm chứng cho Đức Kitô, Đấng đã chết và đã sống lại, mà họ được liên kết với Người bằng đức mến. Vị tử đạo làm chứng cho chân lý đức tin và đạo lý Kitô giáo. Vị tử đạo chịu chết bằng hành vi của đức can đảm. “Hãy để tôi trở nên mồi ngon cho ác thú, nhờ việc này mà tôi được đến với Thiên Chúa”
Chính Chúa Giêsu đã muốn như thế. Chúa muốn mọi người làm chứng cho Chúa và làm chúng bằng cái chết của mình là một bằng chứng cao cả nhất.Và Chúa đã không phải thất vọng.
Có một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng, Chúa Giêsu sau khi chịu nạn trên thập tự giá, đã phục sinh trở về trong vinh hiển, Ngài vẫn còn mang dấu vết của sự đau thương. Một trong những vị thiên sứ nói với Ngài rằng:
- Chúa chắc đã chịu thống khổ vô cùng vì loài người dưới đó ?
Chúa Giêsu đáp:
- Đúng vậy!
Thiên sứ hỏi tiếp:
- Có phải tất cả mọi người đều biết những gì Ngài làm cho họ không ?
Chúa Giêsu trả lời:
- Chưa, chỉ mới có một số ít người biết mà thôi.
Thiên sứ hỏi tiếp:
- Thế thì Ngài đã làm gì để giúp mọi người biết ?
Chúa Giêsu đáp:
- Ta đã dặn Phêrô, Giacôbê và Gioan lãnh trách nhiệm đi nói với những người khác, rồi những người khác nói cho những người khác, rồi cho những người khác nữa, cho đến lúc những người ở nơi xa xôi nhất trên địa cầu đều được nghe.
Thiên sứ nhìn với vẻ nghi ngờ, vì vị này hiểu rõ con người như thế nào, nên nói tiếp:
- Vâng, nhưng nếu Phêrô, Giacôbê và Gioan quên đi thì sao ? Nếu họ mệt mỏi trong sự rao giảng thì sao ? Hoặc nếu những người ở thế kỷ 20 không thực hiện trọng trách thuật lại về câu chuyện tình yêu của Ngài cho họ thì sao ? Như thế thì sao ? Ngài không lập những chương trình khác sao ?
Chúa Giêsu trả lời:
- Ta không sắp đặt một chương trình nào khác. Ta đặt tin tưởng nơi họ.
Chúa Giêsu đã chết để ban cho chúng ta Phúc âm và hiện nay Ngài đang tin cậy nơi chúng ta để chuyển đạt Phúc âm đó đến cho tất cả mọi người.
Chúng ta hãy làm cho mọi người trên thế giới này được biết và được sống Tin Mừng yêu thương của Chúa. Amen.
Trong nhật ký, Perpêtua mô tả: “Một ngày thật khủng khiếp! Nóng khủng khiếp vì chật người! Bị lính cư xử tồi tệ! Lại khổ nữa, tôi bị dày vò vì lo lắng cho đứa con... Những mối lo lắng như vậy tôi phải chịu đựng nhiều ngày, nhưng tôi được phép cho con ở trong tù với mình, và được bớt lo lắng về con, tôi hồi phục sức khỏe, nhà tù là cung điện tôi ở và tôi nên ở đó hơn bất cứ nơi nào khác”. Vài ngày sau, Phêlicita sinh một bé gái trước khi bị thú dữ giết chết. Nhật ký của Perpêtua về cảnh tù đày hoàn tất ngày hôm trước bị giết chết. “Về những gì thuộc về trò chơi dã man, hãy để họ viết đó là ai”. Nhật ký của Perpêtua được một nhân chứng hoàn tất thêm. (đoạn cuối cùng này được thêm vào bởi người chia sẻ PVLC ở đây).
https://tgpsaigon.net/bai-viet/ngay-07-03-thanh-nu-perpetua-va-thanh-nu-felicita-53748
Thứ Hai
Lời Chúa
Bài Ðọc I: 2 V 5, 1-15a
"Có nhiều người phong cùi trong Israel, nhưng không có một người nào trong
bọn họ được chữa lành, mà chỉ có Naaman, người Syria".
Trích sách Các Vua quyển thứ hai.
Trong những ngày ấy, Naaman, tướng đạo binh của vua xứ Syria, là người có uy
thế đối với vua và được tôn trọng, vì Chúa đã dùng ông mà cứu dân Syria; ông
còn là người hùng mạnh và giàu có, nhưng lại mắc bịnh phong cùi. Lúc bấy giờ
một vài toán dân Syria bắt một thiếu nữ ở đất Israel dẫn về để hầu hạ bà
Naaman. Cô ta nói với bà chủ: "Chớ chi ông chủ tôi đến gặp vị tiên tri ở
Samaria, chắc chắn vị tiên tri ấy sẽ chữa ông khỏi phong cùi". Naaman đến
tâu vua rằng: "Cô nhỏ xứ Israel đã nói thế này thế này". Vua xứ Syria liền
nói: "Khanh hãy đi, trẫm sẽ gởi cho vua Israel một bức thơ". Naaman ra đi,
mang theo mười lạng bạc, sáu ngàn nén vàng và mười bộ áo. Ông trao cho vua
Israel bức thơ nội dung như sau: "Khi bức thơ này đến tay nhà vua, nhà vua
biết tôi sai Naaman, tôi tớ tôi, đến với nhà vua, để xin nhà vua chữa ông
khỏi phong cùi".
Sau khi đọc bức thơ, vua Israel liền xé áo và nói: "Ta có phải là Chúa, có
thể giết chết và cho sống hay sao mà vua ấy gởi người đến xin ta chữa lành
phong cùi? Các ngươi thấy không, vua ấy tìm cớ hại Ta đó". Khi Êlisêô, người
của Thiên Chúa, nghe tin vua Israel đã xé áo mình, nên sai người đến tâu vua
rằng: "Tại sao nhà vua lại xé áo? Ông ấy cứ đến với tôi thì sẽ biết trong
Israel có một vị tiên tri".
Naaman lên xe ngựa đi, và dừng lại trước cửa nhà Êlisêô. Tiên tri nói với
Naaman rằng: "Ông hãy đi tắm bảy lần ở sông Giođan, thì da thịt ông sẽ được
lành sạch". Naaman nổi giận bỏ đi nói rằng: "Tôi tưởng ông ấy ra đón tôi và
đứng trước tôi kêu cầu danh Chúa là Thiên Chúa của ông, rồi đặt tay lên chỗ
phong cùi của tôi và chữa tôi lành mạnh. Các con sông Abana và Pharphar ở
Ðamas không sạch hơn các con sông ở Israel để tôi tắm và được lành sạch hay
sao?" Ông trở về lòng đầy tức giận.
Các đầy tớ của ông đến nói với ông rằng: "Thưa cha, vị tiên tri có yêu cầu
cha làm một việc lớn lao thì cha cũng phải làm. Phương chi bây giờ người bảo
cha: "Hãy đi tắm, thì được sạch". Naaman xuống tắm bảy lần ở sông Gio-đan
như lời tiên tri, người của Thiên Chúa dạy, da thịt ông lại trở nên tốt như
da thịt của đứa trẻ, và ông được sạch.
Sau đó ông và đoàn tuỳ tùng trở lại gặp người của Thiên Chúa. Ðến nơi, ông
đứng trước mặt người của Thiên Chúa và nói: "Thật tôi biết không có Thiên
Chúa nào khác trên hoàn vũ, ngoài một Thiên Chúa ở Israel".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 41, 2. 3, và Tv 42, 3. 4
Ðáp: Hồn
con khát Chúa Trời, Chúa Trời hằng sống, ngày nào con được tìm về ra mắt
Chúa Trời? (x. Tv 41, 3)
Xướng: 1) Như nai rừng khát mong nguồn nước, hồn con khát Chúa, Chúa Trời
ôi! - Ðáp.
2) Hồn con khát Chúa Trời, Chúa Trời hằng sống, ngày nào con được tìm về ra
mắt Chúa Trời? - Ðáp.
3) Xin chiếu giãi quang minh và chân thực của Chúa, để những điều đó hướng
dẫn con, đưa con lên núi thánh và cung lâu của Ngài. - Ðáp.
4) Con sẽ tiến tới bàn thờ Thiên Chúa, đến cùng Thiên Chúa làm cho con được
hoan hỉ, mừng vui. Với cây cầm thụ con sẽ ca ngợi Chúa, ôi Chúa là Thiên
Chúa của con. - Ðáp.
Câu Xướng Trước Phúc Âm: Tv 129, 5 và 7
Con trông cậy Chúa, con mong đợi lời hứa của Chúa, vì nơi Chúa sẵn có lòng
từ bi và chan chứa ơn cứu độ.
Phúc Âm: Lc 4, 24-30
"Như Elia và Elisêô, Chúa Giêsu không phải chỉ được sai đến người Do-thái mà
thôi đâu".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.
(Khi Chúa Giêsu đến thành Nadarét, Ngài nói với dân chúng tụ họp trong hội
đường rằng): "Quả thật, Ta bảo các ngươi, chẳng có một tiên tri nào được
tiếp đón tử tế ở quê hương mình. Ta bảo các ngươi, chắc hẳn trong thời Elia
có nhiều bà goá ở Israel, khi trời hạn hán và một nạn đói lớn hoành hành
khắp nước suốt ba năm sáu tháng, nhưng Elia không được sai đến với một người
nào trong bọn họ, mà chỉ được sai đến với một bà goá ở Sarépta xứ Siđôn
thôi. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Elisêô, nhưng
không một người nào trong bọn họ được chữa lành, mà chỉ có Naaman, người
Syria".
Vừa nghe đến đó, mọi người trong hội đường đều đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, đẩy
Người ra khỏi thành và dẫn Người đến một triền đồi, nơi họ xây thành, để xô
Người xuống vực. Nhưng Người tiến qua giữa họ mà đi.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm
Sự
Sống thiên
sai
Hành
trình Mùa
Chay 40 ngày tiếp
tục và đã
tiến vào
tuần lễ Thứ Ba, và hôm nay là Thứ Hai trong Tuần Ba Mùa Chay này, chủ đề
"Tôi tự bỏ mạng sống của mình đi để rồi lấy lại" (Gioan 10:17) cho
chung Mùa Chay, bao gồm cả Tuần Thánh, vẫn
phản ảnh qua ý nghĩa của chung phụng vụ lời Chúa hôm nay, nhất là Bài
Phúc Âm.
Thật vậy, trong bài Phúc Âm hôm nay, hình như chúng ta chỉ thấy được nửa phần đầu của chủ đề Mùa Chay là "Ta tự ý bỏ sự sống của mình đi", chẳng thấy đâu là "để rồi lấy nó lại". Bởi vì, Thánh ký Luca trình thuật lại trong Bài Phúc Âm được Giáo Hội cố ý chọn đọc cho ngày hôm nay là sự kiện "mọi người trong hội đường đều đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, đẩy Người ra khỏi thành và dẫn Người đến một triền đồi, nơi họ xây thành, để xô Người xuống vực".
Tại sao "mọi người trong hội đường đều đầy phẫn nộ" đến độ muốn sát hại Người, bằng cách "xô Người xuống vực" như thế? Phải chăng vì họ đã bị Chúa Giêsu ngấm ngầm chê là thiếu đức tin, ở chỗ không chịu tin vào Người, một con người rất tầm thường đã từng sống trong khu làng của họ và với họ trước kia, giờ đây đã dám cho mình như hai vị đại tiên tri Thời Cựu Ước là Elia và Elise nữa, như lời Người đã nói với họ và về họ khi họ đặt vấn đề về sự khôn ngoan và quyền năng khác thường của Người:
"Quả thật, Ta bảo các ngươi, chẳng có một tiên tri nào được tiếp đón tử
tế ở quê hương mình. Ta bảo các ngươi, chắc hẳn trong thời Elia có nhiều
bà goá ở Israel, khi trời hạn hán và một nạn đói lớn hoành hành khắp
nước suốt ba năm sáu tháng, nhưng Elia không được sai đến với một người
nào trong bọn họ, mà chỉ được sai đến với một bà goá ở Sarépta xứ Siđôn
thôi. Cũng có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Elisêô,
nhưng không một người nào trong bọn họ được chữa lành, mà chỉ có Naaman,
người Syria".
Hai trường hợp được Chúa Giêsu dẫn chứng trên đây cho thấy cả hai nạn nhân được chữa lành đều là thành phần dân ngoại nhưng lại tin vào các vị tiên tri của dân Do Thái và nhờ đó họ đã có được một cảm nghiệm thần linh về Vị Thiên Chúa của dân Do Thái, Đấng hằng ở cùng dân tộc được tuyển chọn này và tỏ mình ra cho dân Do Thái dọc suốt giòng lịch sử cứu độ của họ.
Bài Đọc 1 hôm nay chỉ liên quan đến trường hợp thứ hai: "có nhiều người phong cùi trong Israel thời tiên tri Elisêô, nhưng không một người nào trong bọn họ được chữa lành, mà chỉ có Naaman, người Syria". Sách Các Vua Quyền Thứ 2 đã cho biết là viên quan bị phong cùi này, vì muốn khỏi bệnh nên tin người tớ gái Do Thái, và đã tìm sang đất Do Thái.
"Trong những ngày ấy, Naaman, tướng đạo binh của vua xứ Syria, là người
có uy thế đối với vua và được tôn trọng, vì Chúa đã dùng ông mà cứu dân
Syria; ông còn là người hùng mạnh và giàu có, nhưng lại mắc bịnh phong
cùi. Lúc bấy giờ một vài toán dân Syria bắt một thiếu nữ ở đất Israel
dẫn về để hầu hạ bà Naaman. Cô ta nói với bà chủ: 'Chớ chi ông chủ tôi
đến gặp vị tiên tri ở Samaria, chắc chắn vị tiên tri ấy sẽ chữa ông khỏi
phong cùi'. Naaman đến tâu vua rằng: 'Cô nhỏ xứ Israel đã nói thế này
thế này'. Vua xứ Syria liền nói: 'Khanh hãy đi, trẫm sẽ gởi cho vua
Israel một bức thơ'. Naaman ra đi, mang theo mười lạng bạc, sáu ngàn nén
vàng và mười bộ áo".
Nhưng sau khi đến gặp Tiên Tri Êlise, ông đã hoàn toàn thất vọng đến độ tức giận bất mãn bỏ đi, vì ông thấy ông là một vị quan có thế giá với nhà vua Syria mà bấy giờ lại bị một vị tiên tri Do Thái coi thường, chẳng những không thèm ra mặt tiếp ông, lại còn truyền ông phải làm một việc quá ư là tầm thường, ai làm cũng được và làm ở đâu cũng được, chứ không xuất hiện để trực tiếp chữa lành cho ông một cách uy nghi trang trọng giống như ở trong các nghi thức có tính cách cung đình:
"Naaman lên xe ngựa đi, và dừng lại trước cửa nhà Êlisêô. Tiên tri nói với Naaman rằng: 'Ông hãy đi tắm bảy lần ở sông Giođan, thì da thịt ông sẽ được lành sạch'. Naaman nổi giận bỏ đi nói rằng: 'Tôi tưởng ông ấy ra đón tôi và đứng trước tôi kêu cầu danh Chúa là Thiên Chúa của ông, rồi đặt tay lên chỗ phong cùi của tôi và chữa tôi lành mạnh. Các con sông Abana và Pharphar ở Ðamas không sạch hơn các con sông ở Israel để tôi tắm và được lành sạch hay sao?' Ông trở về lòng đầy tức giận".
Đến đây chúng ta mới thấy đâu là biên giới giữa tự nhiên và siêu nhiên, giữa người sống theo tự nhiên và người sống theo đức tin và sống bằng đức tin. Đức tin nơi viên quan Naaman người Syria bị phong cùi này là ở chỗ thắng vượt bản tính tự nhiên và khuynh hướng tự nhiên của ông, để làm theo những gì vượt lên trên sự khôn ngoan và hiểu biết hạn hẹp của ông, nhất lạ biết hạ mình xuống lắng nghe sự thật, dù sự thật đó xuất phát từ thành phần tôi tớ tầm thường của ông:
"Các đầy tớ của ông đến nói với ông rằng: 'Thưa cha, vị tiên tri có yêu cầu cha làm một việc lớn lao thì cha cũng phải làm. Phương chi bây giờ người bảo cha: 'Hãy đi tắm, thì được sạch'. Naaman xuống tắm bảy lần ở sông Gio-đan như lời tiên tri, người của Thiên Chúa dạy, da thịt ông lại trở nên tốt như da thịt của đứa trẻ, và ông được sạch".
Chỉ có đức tin mới làm được những gì bản tính tự nhiên và khả năng trần thế của con người không thể nào làm được, dù họ có chức vị, khôn ngoan và quyền lực đến đâu chăng nữa, như bản thân của viên quan Naaman người Syria trong Bài đọc 1 hôm nay. Và cũng chỉ có đức tin mới làm cho con người cảm thấy được thực tại thần linh siêu việt ở bên trên họ nhưng lại ở ngay cõi lòng họ và trong cuộc sống của họ, như đã xẩy ra cho viên quan người Syria bị phong cùi được chữa lành:
"Sau đó ông và đoàn tùy tùng trở lại gặp người của Thiên Chúa. Ðến nơi, ông đứng trước mặt người của Thiên Chúa và nói: 'Thật tôi biết không có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vũ, ngoài một Thiên Chúa ở Israel'".
Cho dù Chúa Giêsu trong trình thuật của Bài Phúc Âm hôm nay có vẻ không được thành công như Tiên Tri Elisa trong Bài Đọc 1, nhưng Người, Đấng bị dân làng Nazarét của Người muốn sát hại Người, vẫn có thể tỏ mình ra cho thành phần không tin Người biết rằng:
1- Chính vì họ không tin mà họ không thấy phép lạ Người làm ở nơi họ và giữa họ như họ đã từng nghe thấy Người làm ở các nơi khác, nhất là ở Carphanaum; nhưng sở dĩ họ tức với Người đến độ xúm lại định sát hại Người là vì Người đã hạ cấp họ xuống tận cùng, ở dưới cả thành phần dân ngoài là những kẻ vẫn bị họ khinh bỉ như đồ bỏ, đồ nhơ nhớp, nay họ còn bị Người coi còn thua cả thứ đồ bỏ ấy nữa, đồ nhơ nhớp xấu xa dân ngoại nữa;
2- Cho dù họ có muốn sát hại Người mà cũng không được như ý muốn, bởi "Người tiến qua giữa họ mà đi", cho họ thấy rằng Ngưòi quả là Đấng quyền năng, là Đấng được Tiên Tri Isaia nói đến như chính Người đã minh định với họ.
Trong trường hợp này, Chúa Giêsu đã "lấy lại sự sống" của mình khi Người bị dân chúng sát hại, không phải chỉ ở chỗ "Người tiến qua giữa họ mà đi", ở chỗ họ không làm gì được Người, mà chính là ở chỗ Người tỏ mình ta cho họ thấy được những gì Tiên Tri Isaia nói về Người đã thực sự được ứng nghiệm, ứng nghiệm nơi chính đám dân chúng muốn sát hại Người, vì đám dân làng Nazarét bấy giờ quả thực tiêu biểu cho các thành phần được Thiên Chúa gửi Vị Thiên Sai được xức dầu Thần Linh và đầy Thần Linh là Chúa Kitô đến cho họ, vì họ "nghèo khổ" về đức tin, "bị giam cầm" bởi cứng lòng, "mù lòa" bởi thành kiến, và "ngục tù" trong tội lỗi (xem Luca 4:18).
Nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét bị dân làng Nazarét trong Bài Phúc Âm hôm nay mưu toan sát hại Người, nhưng không làm gì được Người, trái lại, chính họ lại trở thành chứng cớ hiển nhiên về vai trò Thiên Sai của Chúa Kitô, Đấng được Thiên Chúa tiên báo qua Tiên Tri Isaia, một Vị Thiên Sai nơi các thành phần cần được Người "loan báo cho Năm Hồng Ân của Chúa" (Luca 4:19), và chính vì thế mà ai nhận ra Người bằng đức tin sẽ có được một cảm nghiệm thần linh như thánh vịnh gia trong Bài Đáp Ca hôm nay:
1) Như nai rừng khát mong nguồn nước, hồn con khát Chúa, Chúa Trời ôi!
2) Hồn con khát Chúa Trời, Chúa Trời hằng sống, ngày nào con được tìm về ra mắt Chúa Trời?
3) Xin chiếu giãi quang minh và chân thực của Chúa, để những điều đó hướng dẫn con, đưa con lên núi thánh và cung lâu của Ngài.
4) Con sẽ tiến tới bàn thờ Thiên Chúa, đến cùng Thiên Chúa làm cho con được hoan hỉ, mừng vui. Với cây cầm thụ con sẽ ca ngợi Chúa, ôi Chúa là Thiên Chúa của con.
Ngày 08: Thánh
Gioan Thiên Chúa, tu sĩ lập dòng
Bối cảnh xã hội Châu Âu tiền bán thế kỷ XVI[4]
"Mỗi người là một đứa con của thời đại" (Hegel) và "Mỗi vị sáng lập Dòng tu cũng là những đứa con của thời đại, chịu ảnh hưởng sâu đậm của thời đại và đã cố gắng trả lời cho những thách đố riêng của thời đại. Chính vì vậy, linh đạo của họ vừa ghi đậm dấu ấn cá nhân, vừa dấu ấn văn hóa, điạ lý và thời đại đã khai sinh ra nó"[5], những nhận định này quả thật chí lý. Vì thế, chúng ta không thể hiểu rõ hơn được linh đạo Dòng Trợ Thế Thánh Gioan Thiên Chúa nếu chúng ta không tìm hiểu bối cảnh xã hội thời thế kỷ XVI tại Châu Âu nói chung và Tây Ban Nha nói riêng.
Như chúng ta biết, thánh Gioan Thiên Chúa sống vào giai đoạn cuối thế kỷ XV và nửa đầu thế kỷ XVI, một giai đoạn lịch sử mà ở Châu Âu có nhiều vấn đề phức tạp về chính trị và tôn giáo.
Trước khi có thể nói riêng đôi nét về chính trị và tôn giáo, chúng ta nên biết là vào thời này tôn giáo và chính trị dường như không có sự tách biệt như ngày nay. Các vua quan cũng can thiệp vào những vấn đề của tôn giáo, và các giáo sĩ cũng lo những việc chính trị như các vua quan trần thế.
Về chính trị, nước Tây Ban Nha nằm trong khối Hoàng đế La Đức, họ phải cùng với khối Công giáo Châu Âu chống trả sự xâm chiếm của quân Man di, Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi đánh chiếm lại được vị trí cuối cùng của Hồi giáo tại ngay thủ đô Grenade của họ vào năm 1492, người Tây Ban Nha lại phải chiến tranh nhiều lần với quân Pháp trong thế kỷ XVI. Cuộc chiến giữa Tây Ban Nha với Pháp vẫn chưa kết thúc, thì Quân Thổ Nhĩ Kỳ lại xâm chiếm Hungary, Bude và đang vây hãm thành Vienna. Tây Ban Nha lại phải chi viện binh lính đến đây để chống trả Hồi giáo. Khối công giáo trong đế quốc La Đức mặc dù chiến thắng quân Thổ ở Vienne, nhưng vẫn phải luôn chuẩn bị để đối phó và tiếp tục đánh đuổi Man di ra khỏi những nước Công giáo mà họ đang chiếm đóng. Trong khi đang sống trong cảnh chiến tranh đó, thì lại xẩy ra vấn đề ly giáo của Martin Luther ở Đức, Zwingli ở Thụy Sĩ và Canvin ở Pháp. Sự kiện ly giáo này kéo theo một số ông hoàng, nên Hoàng đế Carlos Quinto lại phải can thiệp để ổn định trật tự trong đế quốc. Giải quyết những khó khăn này chưa xong thì lại có sự ly giáo ở Anh quốc, khởi đầu do Henry VIII và chính thức dưới thời nữ hoàng Elisabeth năm 1559.
Tưởng chừng chính sự là chuyện của các vua quan trần thế, nhưng như chúng ta đã nói trên đây, thời bấy giờ không có sự phân biệt rõ rệt giữa tôn giáo và chính trị. Chính vì thế, nhiều Giáo hoàng trong giai đoạn này cũng lo cầm quân đi đánh trận, cụ thể như Đức Giulio II (1503-1513), được người ta xem là một nhà binh mã hơn là một Giáo hoàng. Đức Leô X (1513-1521) là người say mê văn chương và nghệ thuật, để rồi giáo triều không còn là chỗ bàn chuyện đạo lý, mà "trở thành nơi viết sách, ngâm thơ, trình bày nghệ thuật một cách đáng phàn nàn" (Nhưng cũng chính nhờ thời kỳ này mà nghệ thuật Châu Âu đạt đến đỉnh cao của mình) ; và khi ngài mặc phẩm phục Giáo Hoàng thì không phải là để giảng đạo lý yêu thương, phục vụ người đau khổ mà "tham dự các buổi trình diễn văn nghệ, săn bắn, hội hè"[6]. Lùi về trước hai vị Giáo hoàng này, chúng ta còn gặp một vị Giáo Hoàng có thể nói là tai tiếng nhất trong lịch sử Giáo hội, Đức Alexandrô IV (1492 - 1503), một người chỉ biết lo chuyện hưởng lạc thú cá nhân và lo cho gia đình, con cái hơn là lo cho đoàn chiên của Chúa Giêsu Kitô.
Trong giai đoạn này, ngoài việc các Giáo hoàng phải đánh quân Thổ Nhĩ Kỳ và quân Pháp, các ngài còn phải đối đầu với nhóm 5 Hồng y bất mãn với Tòa Thánh đứng về vua nước Pháp lúc bấy giờ đang đánh chiếm nước Tòa Thánh và phải họp công đồng Latran V để giải quyết vụ này; và nhất là phải đối đầu với nỗi đau trong nội bộ là những vấn đế tín lý và sự li khai của Martin Luther, Zwingli và Calvin, để rồi lại phải đổ sức ra lo triệu tập công đồng Trentô (1545-1563).
Tóm lại, giai đoạn mà thánh Gioan Thiên Chúa sinh sống, Châu Âu nói chung và Tây Ban Nha nói riêng phải luôn sống trong bầu không khí của chiến tranh, phân li tôn giáo ; một số Giáo hoàng thì mải mê với việc trần thế, một số Giáo hoàng khác lại phải lo tổ chức công đồng, hội họp để ổn định phẩm trật và đạo lý, nên chẳng còn mấy ai quan tâm đến những người bệnh tật, nghèo đói. Nhưng Chúa là Thiên Chúa tình yêu, Người luôn lo liệu để tình yêu của Người không vắng bóng trên trần thế này. Người được thôi thúc để diễn tả tình yêu của Chúa một cách đặc biệt cho những người đau khổ trong bối cảnh chiến tranh loạn lạc, nghèo đói, phân biệt tôn giáo, đảng phái… chính là Gioan Thiên Chúa. Nhưng con đường thiêng liêng của Gioan Thiên Chúa như thế nào ? Chúng ta cùng đi tìm câu trả lời trong phần tiếp theo.
Sơ lược tiểu sử thánh Gioan Thiên Chúa[1]
Thánh Gioan Thiên Chúa, lúc đầu có tên là Gioan Cidade, sinh vào khoảng năm 1495, tại làng Montermor O-novo. Cha là ông An-rê và mẹ là bà Tê-rê-xa. Năm lên tám tuổi, cậu theo một người khách lạ lưu lạc qua Tây Ban Nha. Khi đi đến vùng Oropesa, cậu bị bỏ rơi, và được gia đình ông François de Majoral nhận về nuôi dạy.
Gioan đã kinh qua nhiều ngành nghề trong đời như đi chăn súc vật, đi làm mã phu, hai lần đi lính (một lần đánh chiếm lại Fontarabia và một lần đánh quân Thổ Nhĩ Kỳ ở Vienne), đi đắp thành ở Châu Phi, đi bán tranh ảnh, sách báo và bán củi ở Grenade.
Ngày 20.1.1539, anh được ơn biến đổi tâm hồn. Bài giảng của linh mục Gioan d’Avilla trong thánh lễ kính thánh Sébastiano tử đạo nói về sự nguy hiểm của tội lỗi và lòng xót thương của Thiên Chúa, đã làm Gioan cidade bị xúc động mạnh đến độ thần kinh bị kích động giống như những người bị điên lên cơn, và vì thế người ta đã đưa anh vào bệnh viện tâm thần Hoàng Gia Tây Ban Nha. Vì chỉ là bị giao động thần kinh, nên sau vài ngày thì anh ổn định trở lại. Nhưng anh đã xin được ở lại bệnh viện độ ba tháng để giúp đỡ các công việc vặt và trò chuyện, chăm sóc cho các bệnh nhân. Sau đó anh xin xuất viện, và vì được sự chỉ dạy của cha linh hướng - linh mục Gioan d'Avilla, vào tháng 10 năm đó, anh đi hành hương Đức Mẹ Guadaloupe. Trong thời gian hơn một tháng ở Guadaloupe anh đã tranh thủ đi học cách tổ chức bệnh viện cũng như chăm sóc bệnh nhân với các tu sĩ dòng Hiêrônimô. Trở về từ trung tâm hành hương kính Đức Mẹ nổi tiếng đó, tháng 12. 1539, Gioan bắt đầu thành lập một phòng khám đầu tiên tại phố Lucena, đúng ra thì đó chỉ là một ngôi nhà cho những người nghèo khổ, bệnh tật không có chỗ nương thân đến trú ngụ, và khi những bệnh nhân do chính Gioan đưa về hay tự họ tìm đến ngôi nhà này, thì việc đầu tiên Gioan làm là tắm rửa cho họ, băng bó những vết thương bị lở loét... Thấy công việc của anh tốt đẹp, đức cha Ramirez, giám mục thành Tuy đặt tên là Gioan Thiên Chúa, và vì anh có cái áo nào lành đều cởi cho người đói rách, nên đức cha cho anh mặc một loại áo giống như áo nhà tu và làm phép áo đó để anh không còn cho người khác.
Nhờ sự giúp đỡ của đức cha Ramirez, đức tổng giám mục Grenade và nhiều ân nhân, nên Gioan Thiên Chúa có điều kiện mở thêm những nhà khác và đi tìm kiếm và đón tiếp nhiều người đau khổ, bất hạnh. Thánh Gioan Thiên Chúa qua đời ngày 8.3.1550, do bị cảm lạnh nặng bởi trước đó mấy tuần ngài đã cố gắng lao mình xuống dòng nước buốt giá trong khi sức khỏe đã suy yếu, để cứu một thanh niên đi với củi với ngài bị lỡ chân rớt xuống sông Génil.
Đức giáo hoàng Alexandro tôn phong Gioan Thiên Chúa lên bậc hiển thánh vào ngày 16.10.1690, và đức Lêô XIII đặt ngài làm bổn mạng các bệnh nhân và các bệnh viện công giáo vào ngày 22.6.1886 ; và cùng với thánh Camilo de Lellis, được đức giáo hoàng Piô XI đặt làm đấng phù hộ các nghiệp đoàn Y tá công giáo và tất cả các nam nữ y tá trong mọi thời đại và mọi nơi vào ngày 28.8.1930.
Được xem là đấng sáng lập Dòng[2]
Có lẽ nhiều người khi đọc thấy tên "Dòng Trợ Thế Thánh Gioan Thiên Chúa", thì cứ tưởng ngài đã sáng lập dòng này. Đúng là thánh Gioan Thiên Chúa đã lập bệnh viện, đã phục vụ người đau khổ và đã quy tụ được những người cùng chí nguyện để tiếp nối công việc của mình. Nhưng đọc trong tiểu sử cũng như trong các lá thư còn sót lại của Gioan Thiên Chúa, người ta không tìm thấy một chỗ nào nói là ngài có ý muốn lập một dòng tu. Dòng Trợ Thế thánh Gioan Thiên Chúa thực ra được thành lập theo Giáo luật vài thập niên sau khi Gioan Thiên Chúa qua đời.
Vốn là sau khi Gioan Thiên Chúa trở về nhà Cha trên trời, các môn đệ vẫn duy trì được tinh thần phục vụ và công việc mỗi lúc một phát triển - bệnh nhân, người nghèo đói mỗi lúc một gia tăng, và vì vậy, các môn đệ của người càng phải đi lạc quyên đây đó nhiều hơn để trang trải. Trong khi các anh em này đi xin sự giúp đỡ của các ân nhân, thì nhiều kẻ đã bắt chước may loại áo giống áo các anh em trong bệnh viện Gioan Thiên Chúa mặc và đi lạc quyên. Thấy sự giả dạng này ảnh hưởng đến uy tín của anh em, nên anh Rodrigo de Seguenza đang làm trưởng nhóm mới bàn họp với anh em để có cách đối phó với tình trạng đó ; và có lẽ hơn nữa, được sự thúc dục của vua Philip II và Đức tổng giám mục thành Grenada, các anh em mới gửi hai anh em là Pietro Soriano và Sebastiano Arias sang Tòa Thánh, mang theo thư của Đức giám mục và nhà vua, để xin thành lập tu hội. Ngày 01.01.1571, Đức giáo hoàng Pio V đã chấp thuận đơn thỉnh nguyện, và ngoài việc chấp thuận trong mỗi bệnh viện có một anh em làm linh mục và được đi lạc quyên giúp cho bệnh nhân và người nghèo đói, ngài còn đồng ý cho anh em mặc một áo phép (scapulaire) bên ngoài như áo của các tu sĩ và để khác với áo mà những kẻ giả mạo bắt chước. Cùng với những điều anh em thỉnh nguyện, Đức giáo hoàng cũng truyền:
- Tuân giữ luật thánh Augustinô
- Tuân theo quyền tài phán của đức giám mục địa phương
- Hàng năm trình sổ sách tài chánh chi thu lên giám mục điạ phương
Được sự châu phê này anh em mới bắt đầu khấn ba Lời Khuyên Phúc Âm và lời khấn Trợ Thế, và anh em nhìn nhận thánh Gioan Thiên Chúa là Đấng sáng lập Dòng này[3].
Phục vụ không phân biệt
Việc phục vụ những người đau khổ của Gioan Thiên Chúa không chỉ nổi bật trong việc dốc toàn tâm toàn sức[9], mà còn nổi bật trong việc phục vụ không phân biệt. Sự không phân biệt ở đây không chỉ không lựa chọn phái nam hay phái nữ, già hay trẻ, giàu hay nghèo, người trong nước hay người ngoại quốc, mà còn ở chỗ không phân biệt tôn giáo.
Đây quả là một điều đặc biệt, một hành động cách mạng so với xã hội Châu Âu thời bấy giờ. Như chúng ta biết thời này Tòa tra của Giáo hội vẫn còn, sẵn sàng kết án và thiêu sống những ai chống đạo, chối đạo Công giáo[10]. Thế mà Gioan Thiên Chúa đã đưa những người bỏ đạo Công giáo theo Hồi giáo hay chính những người Hồi giáo bị phong cùi, bệnh tật, nghèo đói về chăm sóc. Khi ngài mang vác những người này về, thì ngay cả cha linh hướng trong bệnh viện cũng có lúc không bằng lòng và các người Công giáo đau khổ ở trong nhà của ngài chưởi rủa, xua đuổi họ, vì họ không ưa và sợ bị liên lụy bởi chính quyền, thì Gioan Thiên Chúa liền đưa họ vào phòng riêng của mình và chăm sóc cho đến khi họ qua đời[11]. Có lẽ chính nhờ điểm đặc biệt này mà truyền thống Giáo hội hay ví Gioan Thiên Chúa là "người Samari nhân hậu", và Hội dòng Trợ Thế Thánh Gioan Thiên Chúa xem Luca 10, 29-37 là đoạn văn cách ngôn của mình là thế.
Khi đưa những người này về chăm sóc, với những người Công giáo theo đạo Hồi, Gioan Thiên Chúa cố gắng giúp họ trở về với Chúa. Còn đối với những người Hồi giáo, ngài cố gắng biểu lộ tình yêu sâu xa và chân thành nhất đối với họ, nhưng không áp đặt vấn đề tôn giáo lên họ. Hẳn hành động trên đây của thánh nhân là nền tảng cho số 43 Tổng Quy của Dòng, có đoạn viết: "Chúng ta tôn trọng tự do lương tâm của những người chúng ta chăm sóc và những người làm việc với chúng ta, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi họ tôn trọng căn tính của các trung tâm trợ thế của chúng ta." Và có thể nói đây chính là quan niệm của Vatican II về tự do lương tâm.
Phục vụ con người toàn diện
Gioan Thiên Chúa không phục vụ người đau khổ chỉ vì những đau khổ thể lý hay tâm lý của họ, mà ngài còn muốn phục vụ con người toàn diện, nghĩa là thể lý, tâm lý và tâm linh.
Quả thật, nếu Gioan Thiên Chúa chỉ phục vụ người khổ đau chỉ vì những khổ đau về thân xác và tâm lý, thì lối sống, lối phục vụ của ngài không thể trở thành một linh đạo, không thể diễn tả một khía cạnh nào đó của Chúa Giêsu Kitô được; việc làm đó sẽ chẳng khác gì công việc của dịch vụ y tế. Nỗi khát khao của Gioan Thiên Chúa là yêu mến Chúa Giêsu trên hết mọi sự[12] và mong muốn thể hiện tình yêu đó cho những người khổ đau giống như Chúa Giêsu xưa, để qua việc chữa lành thể chất dẫn đưa người ta đến với việc chữa trị tâm linh. Điều này được chứng tỏ qua những lời mà Gioan Thiên Chúa thường nói: "Qua xác yếu hèn tới hồn bất diệt."
Trong tiểu sử của Gioan Thiên Chúa, chúng ta thấy điều này rất rõ. Ngài thường nhờ các linh mục đến làm công tác mục vụ trong bệnh viện. Mỗi buổi sáng ngài cùng các bệnh nhân đọc kinh cầu nguyện, và tối đến, trước khi đi ngủ ngài đi thăm từng bệnh nhân và xin Chúa chúc lành cho họ. Tu sĩ Castro cho ta thấy rõ hơn việc phục vụ con người toàn diện của Gioan Thiên Chúa:
"Không bao giờ người cấp dưỡng của cải thể xác cho một người nào mà đồng thời không giúp cho họ một phương thuốc chữa lành linh hồn họ, để đạt mục đích đó, người tận dụng những lời khuyên nóng bỏng và thánh thiện. Đàng khác, người lôi kéo mọi ngưòi vào đường cứu rỗi bằng việc dùng việc lành sống động hơn là bằng lời nói mà giảng dạy bổn phận vác khổ giá mình mà theo chân Chúa Giêsu Kitô."[13]
Có lẽ Gioan là một trong những người đã có cái nhìn tiên tri về sự ảnh hưởng qua lại giữa thể chất và tinh thần. Quả thật, sẽ khó có một đời sống tâm linh mạnh mẽ trong một thân xác đau yếu bệnh tật, và sẽ không thể có một sự lành mạnh thực sự khi thân xác khỏe mạnh, hết bệnh tật mà tâm hồn đầy những mụn nhọt hôi thối; và cần phải trân trọng, chăm lo cho thân xác, bởi vì Đức Kitô không chỉ cứu linh hồn người ta, mà cả thân xác của họ nữa.
Bước theo tinh thần này, ngày nay, trong phần nói về linh đạo, Hiến pháp của Dòng đã triển khai thêm rằng, khi anh em phục vụ người đau khổ là anh em phải làm thế nào đó để hành động của anh em trở thành lời loan báo tình thương của Chúa Cha và mầu nhiệm cứu độ toàn vẹn[14].
http://donggioanthienchua.net/dac-sung-dong-thanh-gioan-thien-chua.html
Thứ Ba
Lời Chúa
Bài Ðọc I: Ðn 3, 25. 34-43
"Với tâm thần sám hối và tinh thần khiêm tốn, chúng tôi được chấp nhận".
Trích sách Tiên tri Ðaniel.
Trong những ngày ấy, Adaria đứng giữa lửa mở miệng cầu nguyện rằng: "Vì danh
Chúa, xin đừng bỏ con mãi mãi cho quân thù, và xin đừng huỷ bỏ lời giao ước
của Chúa. Xin chớ cất lòng từ bi Chúa khỏi chúng con. Vì Abraham kẻ Chúa
yêu, Isaac tôi tớ Chúa, và Israel người lành thánh của Chúa, những kẻ Chúa
đã hứa cho sinh con cháu ra nhiều như sao trên trời và như cát bãi biển. Vì
lạy Chúa, chúng con đã trở nên yếu hèn hơn mọi dân tộc và hôm nay, vì tội
lỗi chúng con, chúng con bị nhục nhã ở mọi nơi. Hiện giờ không còn vua chúa,
thủ lãnh, tiên tri, không còn của lễ toàn thiêu, lễ hiến tế, lễ vật, nhũ
hương và nơi để dâng lên Chúa của đầu mùa để được Chúa thương. Nhưng với tâm
hồn sám hối và với tinh thần khiêm tốn, chúng con xin Chúa chấp nhận; chúng
con như những con dê, bò rừng và những chiên béo được dâng lên Chúa làm của
lễ toàn thiêu, xin cho của hiến tế chúng con dâng trước tôn nhan Chúa hôm
nay, được đẹp lòng Chúa, vì những ai tin tưởng nơi Chúa không phải hổ thẹn.
Và bây giờ chúng con hết lòng theo Chúa, kính sợ Chúa và tìm kiếm tôn nhan
Chúa. Xin đừng để chúng con phải hổ thẹn, nhưng xin hãy đối xử với chúng con
theo lòng nhân hậu và lòng từ bi sung mãn của Chúa. Lạy Chúa, xin làm những
việc lạ lùng mà cứu thoát chúng con, và xin cho thánh danh Chúa được vinh
quang".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 24, 4bc-5ab. 6-7bc. 8-9
Ðáp: Lạy
Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Ngài (c. 6a).
Xướng: 1) Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa, xin dạy bảo con về
lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa
là Thiên Chúa cứu độ con. - Ðáp.
2) Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn
đời vẫn có. Xin hãy nhớ con theo lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu
của Ngài, thân lạy Chúa. - Ðáp.
3) Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho tội nhân hay đường
lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm
cung đường lối của Ngài. - Ðáp.
Câu Xướng Trước Phúc Âm: Mt 4, 4b
Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa
phán ra.
Phúc Âm: Mt 18, 21-35
"Nếu mỗi người trong chúng con không tha thứ cho anh em, thì Chúa Cha cũng
không tha thứ cho chúng con".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu.
Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm
đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần không?" Chúa
Giêsu đáp: "Ta không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần
bảy. Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ
với các đầy tớ. Trước hết, người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn
nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả
tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van
lơn rằng: "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn và tôi sẽ trả cho ngài tất
cả". Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y. Khi ra về, tên
đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc. Y tóm lấy, bóp cổ mà nói
rằng: "Hãy trả nợ cho ta". Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn
rằng: "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh". Y
không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong. Các
bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả
câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến và bảo rằng: "Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã
tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không
chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?" Chủ nổi giận, trao y cho lý
hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ. Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các
con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh
em mình".
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm
Sự Sống bao dung
Mùa Chay hôm nay ở vào ngày Thứ Ba của Tuần Thứ Ba, ngày được bao trùm bởi bầu khí của lòng thương xót Chúa như được cảm nghiệm thấy ở phụng vụ lời Chúa trong ngày, một lòng thương xót Chúa được tỏ hiện rõ ràng nhất và tối hậu nhất nơi việc khoan dung độ lượng tha thứ của Thiên Chúa đối với loài người tội lỗi.
Đúng thế, Bài Phúc Âm hôm nay, chúng ta thường cho rằng "tên đầy tớ độc ác" trong dụ ngôn Chúa dạy về sự tha thứ đóng vai chính, một dụ ngôn Chúa muốn dùng để trả lời cho vấn nạn được tông đồ Phêrô đặt ra hỏi Người: "Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần không?"
Nhưng thật ra, căn cứ vào chung phụng vụ lời Chúa hôm nay, và riêng Bài Phúc Âm, chúng ta mới khám phá thấy rằng lòng thương xót Chúa là điểm then chốt được Giáo Hội muốn nhấn mạnh đến hôm nay khi Giáo Hội chọn đọc Bài Phúc Âm này cùng với Bài Đọc 1 cho cùng ngày.
Trước hết, chúng ta thấy dụ ngôn Chúa Giêsu sử dụng để trả lời cho câu hỏi phải tha thứ cho anh chị em mình bao nhiêu lần trong Bài Phúc Âm hôm nay, về bố cục, có hai phần rõ ràng: phần đầu về "người đầy tớ độc ác" bày tôi được vị vương chủ của hắn rộng lượng tha thứ, và phần sau về "người đầy tớ độc ác" này không chịu tha thứ cho con nợ của mình như chính bản thân đã được vị vương chủ tha nợ cho.
Thế nhưng, về nội dung, ý nghĩa chính yếu của dụ ngôn về tha thứ trong bài Phúc Âm này là ở chỗ "các con hãy thương xót như Cha là Đấng thương xót" (Luca 6:36), đúng như lời Chúa Giêsu khuyên các môn đệ của Người để kết luận bài Phúc Âm hôm nay: "Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình".
Nghĩa là, chúng ta được Thiên Chúa là Cha tha thứ thế nào chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau như vậy, tha một cách bao dung, quảng đại, liên lỉ, không bao giờ cùng, đúng như Chúa Giêsu đã khẳng định và muốn các tông đồ môn đệ của người thi hành: "Ta không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy".
Việc tha thứ cho nhau một cách quảng đại bao dung và liên tục bất tận như Cha trên trời như thế đã được Chúa Giêsu diễn tả trong dụ ngôn về sự tha thứ của vị vương chủ "động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y", một con nợ bầy tôi đã "mắc nợ" vua "mười ngàn nén bạc", nhưng "không có gì trả", có nghĩa là không thể nào trả nổi, bởi thế cho "nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ", nghĩa là tất cả những gì quí báu nhất con nợ có được, liên quan đến chính bản thân hắn cùng gia đình hắn và gia tài của hắn, để bù đắp phần nào món nợ hắn không thể trả thôi.
Chúng ta nên chú ý một chi tiết về lòng bao dung quảng đại đến vô lý của lòng thương xót Chúa trong dụ ngôn này, đó là trong khi người bầy tôi "sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: 'Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn và tôi sẽ trả cho ngài tất cả'", thì cho dù người con nợ bầy tôi này không xin tha nợ, mà chỉ xin khất nợ và hứa sẽ trả sau, không biết cho tới bao giờ mới trả hết, ấy vậy mà vị vương chủ lại "động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y" mới là chuyện kỳ cục chứ, mới hay chứ.
Ấy thế mà, khi đã được hoàn toàn "trả tự do", không còn nợ nần gì với vị vương chủ của mình nữa, không còn sợ bị đòi nợ nữa, không còn phải lo lắng làm sao để trả nợ đầy đủ và đúng hẹn nữa, thì "người đầy tớ độc ác" này lại đối xử với một con nợ của hắn hoàn toàn ngược lại với những gì hắn đã được đối xử. Ở chỗ, hắn là bầy tôi được vương chủ cao cả tha hết nợ, trong khi người bạn của hắn, ngang hàng với hắn, hắn lại muốn làm vua của người bạn hắn.
Thật vậy, theo dụ ngôn của Chúa, "một người bạn" của hắn chỉ nợ hắn một chút xíu thôi, "một trăm bạc", vì vai vế bạn bè ngang hàng với nhau, chỉ là tạo vật như nhau, không nhiều như món nợ khổng lồ hắn không thể trả, vì hắn đóng vai bầy tôi với chủ nợ là vương đế cao cả, nhưng đã được chủ nợ cao cả này hoàn toàn tha bổng, "mười ngàn nén bạc", thế mà, dù con nợ của hắn đã van xin hắn khất nợ như hắn đã làm: "Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: 'Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh'", nhưng hắn đã đối xử với con nợ của hắn hoàn toàn trái ngược lại với vị vương chủ của hắn đã đối xử với hắn: "Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong".
Dụ ngôn trong Bài Phúc Âm hôm nay về lòng "thương xót như Cha là Đấng thương xót" ở chỗ chúng ta đã được Thiên Chúa tha thứ thế nào, chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau như vậy. Nghĩa là Lòng Thương Xót Chúa không phải chỉ là một đặc ân cho riêng một ai xứng đáng, mà là cho tất cả mọi người, cần phải truyền đạt và loan truyền qua những ai đã nhận lãnh đặc ân này, qua những ai đã được thương xót.
Những ai không biết tha thứ cho anh chị em mình: "xin Cha tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con", sống hẹp hòi, luôn có những thái độ chấp nhất với những người anh chị em ngang hàng với họ xúc phạm đến họ, là những người chưa cảm nghiệm được lòng thương xót Chúa là Đấng vô cùng cao cả bị họ xúc phạm đến, chưa hiểu được lòng thương xót Chúa là gì, hay thậm chí lợi dụng lòng thương xót Chúa, bóp méo lòng thương xót Chúa, giam nhốt lòng thương xót Chúa và hủy hoại lòng thương xót Chúa nơi bản thân mình, và vì thế, họ đã bị tẩu hỏa nhập ma, vì chính lòng thương xót Chúa từ một hồng ân đã biến thành tai họa cho họ, biến thành một "tên lý hình" như phần kết luận của dụ ngôn cho thấy:
"Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến và bảo rằng: 'Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?' Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ".
Phải, mang thân phận là tội nhân, không một con người tạo vật nào không cần đến lòng thương xót Chúa, nhất là thành phần được hưởng lòng thương xót Chúa mà không sống lòng thương xót Chúa, đến độ bị chính lòng thương xót Chúa hành hạ cho đến khi họ biết sống lòng thương xót Chúa: "cho đến khi trả hết nợ".
Lòng thương xót Chúa quả thực là một hồng ân đối với loài người tội nhân, ở chỗ, Thiên Chúa tha thứ tội lỗi cho tội nhân không phải vì họ mà là vì chính Ngài - nếu vì họ thì họ chỉ đáng phạt, xứng với tội lỗi của họ. Nhưng cho dù họ tội lỗi bất xứng với Ngài và đáng bị phạt như thế chăng nữa, Ngài vẫn thương xót họ và tha thứ cho họ bởi Ngài chính là tình yêu vô cùng nhân hậu.
Đó là lý do, trong Bài Đọc 1 hôm nay, khi cầu xin cho dân tộc của mình đang trải qua hoạn nạn khốn khổ: "chúng con đã trở nên yếu hèn hơn mọi dân tộc và hôm nay, vì tội lỗi chúng con, chúng con bị nhục nhã ở mọi nơi...", Adaria đã nại đến chính Thiên Chúa cho thân phận dân tộc của mình: "Vì danh Chúa, xin đừng bỏ con mãi mãi cho quân thù, và xin đừng hủy bỏ lời giao ước của Chúa. Xin chớ cất lòng từ bi Chúa khỏi chúng con".
Chẳng những thế, Adaria còn xin lòng thương xót Chúa tỏ mình ra nơi thân phận đáng phạt của họ để cho lòng thương xót Chúa được sáng tỏ hơn nữa, đúng như dự án và đường lối tỏ mình ta tối đa hết cỡ của lòng thương xót Chúa: "Bây giờ chúng con hết lòng theo Chúa, kính sợ Chúa và tìm kiếm tôn nhan Chúa. Xin đừng để chúng con phải hổ thẹn, nhưng xin hãy đối xử với chúng con theo lòng nhân hậu và lòng từ bi sung mãn của Chúa. Lạy Chúa, xin làm những việc lạ lùng mà cứu thoát chúng con, và xin cho thánh danh Chúa được vinh quang".
Bài Đáp Ca hôm nay hoàn toàn phản ảnh ý nghĩa và chiều hướng của chung phụng vụ Lời Chúa trong ngày, cách riêng với Bài Đọc 1 cùng ngày về lòng thương xót Chúa, vị "Thiên Chúa cứu độ", vị Thiên Chúa thương xót nhân loại tội lỗi khốn khổ bởi chính mình Ngài là Đấng "nhân hậu và công minh", chỉ biết đối xử với loài người tạo vật thấp hèn đầy những yếu đuối của họ bằng "lòng thương xót tự muôn đời vẫn có":
1) Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa, xin dạy bảo con về lối bước
của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên
Chúa cứu độ con.
2) Lạy Chúa, xin hãy nhớ lòng thương xót của Ngài, lòng thương xót tự muôn
đời vẫn có. Xin hãy nhớ con theo lòng thương xót của Ngài, vì lòng nhân hậu
của Ngài, thân lạy Chúa.
3) Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho tội nhân hay đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài.
Ngày 09: Thánh
Phanxica Rômana, quả phụ nữ tu
1. Ghi nhận lịch sử - Phụng Vụ
Thánh nữ Francoise (Francesca di Bussi di Leoni) được gọi là người Rôma hay là người “rất Rôma trong số các vị thánh”, chỉ vì Bà được sinh ra trong một gia đình quí tộc Rôma và sống suốt đời tại đây, vào lúc Giáo Hội Đông Phương ly khai khỏi Giáo Hội Tây Phương (1378-1417) và bệnh dịch tàn phá thành phố vào năm 1413-1414.
Được rửa tội và thêm sức tại đại thánh đường Saint-Agnès, kết hôn vào lúc 13 tuổi với quận công Lorenzo Ponziani, có được 3 người con. Francoise sống với chồng 37 năm, cho đến lúc ông qua đời. Bà thật là một mẫu gương làm vợ và làm mẹ.
Dù rất tất bật trong gia đình, Francoise cùng với chị dâu và cũng là bạn Vanozza, thích cầu nguyện, thực hành sám hối, viếng nhà thờ và các nhà thương, để chăm sóc người nghèo và bệnh nhân. Theo Hạnh thánh, Bà luôn làm sự lành để đối lại sự ác, luôn tạo việc thiện cho những người nói xấu, phê bình và chăm chít đời sống của Bà.
Khi chồng qua đời, Francoise bỏ lâu đài Transtévère để chia sẻ đời sống với các Người “Tận hiến cho Đức Maria – Oblates de Marie” mà Bà tập họp lại, theo luật Dòng thánh Bênêđicto, trong nhà Tor de’ Specchi tại Rôma. Các Bà đạo đức này sống cuộc đời khổ hạnh và phục vụ các công việc bác ái.
Được Thiên Chúa ban cho nhiều hồng ân đặc biệt, ngất trí và thị kiến, Francoise sống rất mật thiết với Thiên thần giữ mình của Bà. Bà qua đời ngày 09.03.1440 khi đến nhà người con Battista đang đau. Những lời cuối cùng Bà nói với những người con tinh thần của Bà: “Hãy trung thành cho đến lúc chết. Satan sẽ tấn công các chị cũng như đã tấn công tôi, nhưng không có thử thách nào dữ tợn cả, nếu chúng ta trung thành với Chúa Kitô”.
Được phong thánh vào năm 1608, Bà được chọn làm thánh quan thầy của các Bà đã lập gia đình, các Bà goá và các người lái xe. Mỹ thuật trình bày Bà cùng với Thiên thần giữ mình và mang một thúng thực phẩm.
2. Thông điệp và tính thời sự
Người Rôma rất kính trọng thánh nữ Francoise vì đã có “một đời sống gương mẫu trong hôn nhân, sau đó là đời sống của một nữ tu”; vì thế chúng ta cầu xin Chúa giúp chúng ta theo gương thánh nữ Francoise, trung thành phục vụ “trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống”.
a. Trong đời sống hôn nhân và gia đình, Francoise đã biết những thử thách: cái chết của 2 người con còn nhỏ, lâu đài bị cướp phá và mất của cải, chồng bị thương nặng và bị lưu đày, con trai bị bắt làm con tin...Dù vậy, Bà không bị lay chuyển, luôn trung thành với chồng, Bà đã đáp ơn gọi làm vợ và làm mẹ một cách trung thành như trong các công tác bác ái giữa một thành phố bị chiến tranh và ghẻ chóc thử thách. Ngay trong lâu đài bị cướp phá, Bà lập một nhà thương, và khi tài sản không còn nữa, Bà đi ăn xin để giúp người nghèo và bệnh nhân.
b. Sự phong phú nội tâm thúc đẩy Bà đến với kẻ khác, và đồng thời rất nhiều người được lôi kéo đến với Bà.
Hạnh sử thánh Francoise Romaine được Phụng Vụ Giờ Kinh trích dẫn có ghi:
- “Thiên Chúa không chọn Bà để Bà trở thành một vị thánh cho chính mình, nhưng để Bà phục vụ cho những ân sủng mà Thiên Chúa ban cho Bà, để cứu giúp tinh thần và thể xác người đồng loại”.
- “Thiên Chúa đã gia ân cho thánh nữ Francoise với một sự dễ thương mà mọi người khi tiếp xúc với Bà, có thể cảm nghiệm tình yêu của Bà và sẵn sàng theo lời chỉ dẫn của Bà”.
- Tinh thần bác ái là động lực cho thánh nữ, thúc đẩy Bà đi tìm các bệnh nhân đem về nhà mình hay đến các nhà thương: “Bà làm giảm cơn khát, dọn giường, băng bó các vết thương cho họ..”.
- Thánh nữ lo lắng việc chăm sóc tinh thần của bệnh nhân. Người ta thấy Bà đi tìm các linh mục và dẫn các ngài đến với bệnh nhân đã được chuẩn bị để lãnh nhận các bí tích sám hối và Thánh Thể.
c. Sứ điệp của thánh nữ Francoise đưa đến cho mọi người hôm nay, có thể tóm lại trong câu đáp của Phụng Vụ Giờ Kinh:
- Chỉ có tình yêu mới có những hoa trái công chính.
- Hãy để cho tình yêu theo đuổi trong anh em những công trình của nó.
- Hãy mở mắt ra cho ánh sáng tình thương.
https://tgpsaigon.net/bai-viet/ngay-09-03-thanh-phanxica-romanaqua-phu-nu-tu-1384%E2%80%931440-43426
Phanxica thuộc vào một gia đình quí tộc ở Bussi de Leoni. Nhưng Ngài đã sinh ra và sống ở Roma. Từ lúc 6 tuổi Ngài đã thực hành sám hối, muốn vào tu lúc 11 tuổi. Cha Ngài thấy đây chỉ là tưởng tượng của con nít và năm sau đã gả Ngài cho lãnh Chúa trẻ trung Lorenzo di Ponziani. Người vợ trẻ sẽ dẫn đắt chồng mình theo đường trọn lành.
Phanxica một thánh nữ tươi đẹp. Sống giữa xã hội hào nhoáng Ngài tỏ ra rất hòa nhã dịu dàng. Ngài giữ kín những khổ hạnh của mình. Có ai biết rằng: áo nhặm dưới y phục lộng lẫy của Ngài đã làm Ngài mang thương tích. Ngài dậy sớm để giờ cầu nguyện khỏi bị ngăn trở, Varozza, người em dâu, cùng chia sẻ lý tưởng bác ái với Ngài. Hai người cùng hồi tâm trong một cái hang ở cuối vườn. Họ phục vụ các bệnh nhân tại nhà thương và giúp đỡ những người cùng khốn. Bà mẹ chồng nặng tinh thần thế tục thấy thế nên giận dữ. Nhưng con bà, người chồng trẻ đã trả lời:
- Sao lại trách họ vì những thói quen đạo đức ấy? Vả lại thói quen ấy có
ngăn trở gì tới việc bổn phận của họ đâu?
Thực vậy, Phanxica luôn sẵn sàng bỏ mọi sự để các bổn phận của một quản gia khỏi bị suy suyển gì. Một mẫu chuyện cho thấy Thiên Chúa chúc lành cho Ngài như thế nào. Phanxica đang cầu nguyện. Người ta tới kêu. Ngài mau mắn bỏ sách đó và trở lại sau khi phục vụ xong. Lần thứ nhất, lần thứ hai... bốn lần liên tiếp như vậy, Ngài đều bình thản bỏ dở việc cầu nguyện. Lần thứ năm Ngài trở lại và thấy sách kinh có dòng chữ vàng. Người ta không hề giã từ Chúa khi phục vụ tha nhân và hiến mình phục vụ cũng là cầu nguyện.
Cha giải tội và nhà chép sử thánh Phanxica cho biết tình trạng được ơn thần bí của thánh nữ. Thiên thần của Ngài chiếu tỏa một ánh sáng để chỉ cho Ngài biết Thiên Chúa thỏa lòng đối với Ngài. Cũng thế, dù khi lỗi nhẹ, thiên thần liền đánh vào Ngài và thánh nữ tạ ơn Thiên Chúa đã giữ cho mình khỏi rơi vào mưu chước quỉ ma. Với thiên thần, Ngài nên mạnh mẽ. Một lần có sức mạnh quỉ ma đẩy Ngài xuống sông Tibre, thiên thần cứu Ngài lên bờ.
Sau khi mẹ chồng qua đời, người thiếu phụ nắm quyền quản trị nhà họ Ponziani. Ngài coi gia nhân như anh chị em được gọi để chia sẻ nước Thiên Chúa với Ngài, nếu họ ngã bệnh Ngài tận tâm săn sóc họ. Vào thời đói kém, khi đã cho hết những gì thuộc quyền mình, Ngài ăn xin để giúp đỡ người thiếu thốn, ngày kia, Ngài gọi Varozza lên kho lẫm thu lúa mì còn sót lại trong rơm. Lorenzo theo họ lên coi, đã thấy đống lúa vàng thay vì rơm rạ, một phép lạ xảy ra tương tự tại một thùng rượu không. Đầy thán phục, Lorenzo đã để cho người vợ thánh thiện được tự do xếp đặt cuộc sống mình. Thế là Phanxica bán mọi thứ sang trọng, và chỉ mặc y phục khiêm tốn, lại còn hãm mình nghiêm ngặt hơn.
Khi chiến đấu cho Đức Thánh Cha, Lorenzo bị trọng thương và được mang về nhà khi đang hấp hối. Thánh nữ đã thành công trong việc làm cho ông sống lại. Faluzzô, em Ngài, bị bắt tù, người ta cho Ngài biết phải nộp con trưởng Gioan Tẩy giả của Ngài làm con tin, nếu không Paluzzô sẽ bị giết chết. Phanxica hoảng hốt đem con đi giấu. Nhưng Don Antoniô là cha giải tội chặn đường lại nói:
- Con làm gì thế? Hãy đưa đứa con cho người đòi nó.
Phanxica vâng lời để cứu em chồng, rồi vào nhà thờ quì khóc trước tượng Đức Trinh Nữ. Còn đang cầu nguyện thì viên sĩ quan địch mang đứa bé trả lại, vì ngựa ông không chịu đi.
Tiếp đến là những biến cố thảm khốc. Roma bị xâm chiếm và bị cướp phá. Lorenzzô phải trốn đi để lại trách nhiệm cho vợ mình, Phanxica ở lại, với hai con Evangêlista và Anê. Cơn dịch xẩy ra, Evangêlista ngã bệnh, lúc chết cậu nói với mẹ:
- Mẹ đừng khóc, con sẽ được hạnh phúc vì này Thiên thần đến tìm con.
Một đêm kia Ngài cầu nguyện và thấy người con hiện ra báo tin mình đang ở giữa các Thiên thần và cho biết mình sẽ đến tìm đứa em gái, cho nó chia sẻ hạnh phúc. Một niềm vui siêu nhiên hòa lẫn với các đớn đau loài người. Ngài ngã bệnh và các thị kíến về hỏa ngục làm Ngài thêm khổ cực. An bình trở lại Roma. Lorenzô trở về chứng kiến những tang tóc và cướp phá. Phanxica đau đớn trong lòng, nhưng vẫn tìm lời trấn an đầy tha thứ. Ngài hòa giải thù địch với người chồng chỉ còn biết sống để chia sẻ bước tiến thiêng liêng của vợ mình.
Phanxica cũng lôi kéo các phụ nữ Roma vào việc giúp đỡ cho những tình cảnh khốn khổ do chiến tranh để lại. Ngài tụ họp vào một nhà những bà cùng một lý tưởng bác ái và khổ hạnh. Đây là thời đầu của dòng những người tận hiến cho Đức Maria. Gọi như thế vì khi tự hiến họ dùng từ ngữ: “Con hiến mình” thay vì tuyên đọc lời khấn. Trong số những cuộc trở lại Phanxica tạo được, có cuộc trở lại của vợ của Gioan Tẩy giả, con Ngài.
Sau bốn năm hoà hiệp, Phanxica mất chồng. Ngài tới quì trước cửa tu viện mình đã thiết lập. Đi chân không. đeo giây vào cổ, Ngài xin nhập dòng.
Gioan Tẩy giả ngã bệnh, Phanxica bỏ dòng về thăm, Ngài đã bị lên cơn sốt và
đã qua đời chính tại nhà mình. Các nữ tu vây quanh Ngài để nghe những lời
khuyên cao cả:
- Hãy trung tín đến chết, Satan sẽ tấn công các chị như đã tấn công tôi.
Nhưng không thử thách nào quá độc dữ nếu các chị trung thành với Chúa Giêsu.
Nói lời cuối cùng xong, cửa trời mở ra, thiên thần của Ngài ra dấu kêu gọi Ngài theo.
Ðức Giáo Hoàng Phaolô V đã tôn ngài lên bậc Hiển Thánh năm 1608.
Thánh Phanxica được chọn làm thánh bảo trợ của các phụ nữ đã lập gia đình và ở nên góa bụa.
http://tonggiaophansaigon.com/baiviet-tintuc/20100308/4186
http://giaophanvinhlong.net/thanh-phancica-romana-nu-tu-13841440.html
Thứ Tư
Lời Chúa
Bài Ðọc I: Ðnl 4, 1. 5-9
"Các ngươi hãy tuân giữ các giới răn và đem thực hành bằng việc làm".
Trích sách Ðệ Nhị Luật.
Môi-sen nói với dân chúng rằng: "Hỡi Israel, giờ đây hãy nghe các lề luật và
huấn lệnh mà tôi dạy bảo các ngươi phải thực hành, để được sống và được vào
chiếm hữu phần đất mà Chúa là Thiên Chúa cha ông các ngươi sẽ ban cho các
ngươi. Các ngươi nên biết, tôi thừa lệnh Chúa là Thiên Chúa tôi mà truyền
dạy cho các ngươi biết lề luật và huấn lệnh của Chúa, để các ngươi thi hành
các điều ấy trong phần đất mà các ngươi chiếm hữu; các ngươi phải tuân giữ
và thực hành, vì đó là sự khôn ngoan và sáng suốt của các ngươi trước mặt
muôn dân, để khi nghe nói đến tất cả các lề luật ấy, họ nói: "Thật, dân tộc
vĩ đại này là một dân khôn ngoan và sáng suốt". Không một dân tộc vĩ đại nào
được các thần ở bên cạnh mình, như Chúa là Thiên Chúa chúng ta ở bên cạnh
chúng ta khi chúng ta kêu cầu Người. Có dân tộc thời danh nào khác có lễ
nghi, huấn lệnh công chính, và bộ luật như tôi trình bày trước mặt các ngươi
hôm nay không?
"Vậy các ngươi hãy ý tứ và giữ mình. Trong suốt đời các ngươi, đừng quên và
đừng để lòng xao lãng những điều các ngươi đã thấy. Hãy dạy cho con cháu các
ngươi biết các điều ấy".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 147, 12-13. 15-16. 19-20
Ðáp: Giêrusalem
hỡi, hãy ngợi khen Chúa (c. 12a).
Xướng: 1) Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa. Hãy ngợi khen Thiên Chúa của
ngươi, hỡi Sion! vì Người giữ chặt các chốt cửa thành ngươi; Người đã chúc
phúc cho con cái ngươi trong thành nội. - Ðáp.
2) Người đã sai lời Người xuống cõi trần ai, và lời Người lanh chai chạy
rảo. Người khiến tuyết rơi như thể lông cừu, Người gieo rắc sương đông như
tro bụi trắng. - Ðáp.
3) Người đã loan truyền lời Người cho Giacóp, những thánh chỉ và huấn lệnh
Người cho Israel. Người đã không làm cho dân tộc nào như thế, Người đã không
công bố cho họ các huấn lệnh của Người. - Ðáp.
Câu Xướng Trước Phúc Âm: Xh 33, 11
Chúa phán: "Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối
và được sống".
Phúc Âm: Mt 5, 17-19
"Ai giữ và dạy người ta giữ, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đừng tưởng Ta đến để
huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri: Ta không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn.
Vì Ta bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy
trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành. Bởi vậy, ai
huỷ bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, và dạy người khác làm như
vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; trái lại, ai giữ và dạy người
ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời".
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm
Sự
Sống ứng
nghiệm
Hôm nay là Thứ Tư của Tuần Thứ Ba Mùa Chay, phụng vụ lời Chúa được Giáo Hội cố ý chọn đọc cho ngày này nhấn mạnh đến việc tuân giữ lề luật Chúa, đúng như hai câu tiêu biểu ở trên đầu của Bài Đọc 1 cũng như của Bài Phúc Âm cho thấy: "Các ngươi hãy tuân giữ các giới răn và đem thực hành bằng việc làm" (Bài Đọc 1) và "Ai giữ và dạy người ta giữ, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời" (Bài Phúc Âm).
Ở Bài Phúc Âm, chính Chúa Giêsu đã chẳng những đề cao tính chất bất khả thay đổi của lề luật mà còn đến việc trung thành với lề luật, bao gồm cả việc tuân giữ lề luật cũng như giảng dạy lề luật, kèm theo tác dụng tích cực hay tiêu cực trong việc tuân giữ lề luật và giảng dạy lề luật như thế nào nữa:
"Ta bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy
trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành. Bởi vậy, ai
hủy bỏ
một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể
là người nhỏ nhất trong Nước Trời; trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ
những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời".
Thế nhưng, vấn đề được đặt ra ở đây là nếu lề luật quan trọng như vậy và bất khả di dịch như thế thì tại sao Chúa Giêsu lại phán một câu, cũng ngay trong Bài Phúc Âm hôm nay, như thể lề luật vẫn là những gì chưa trọn hảo, cần phải được hoàn hảo hóa bởi Người nữa: "Các con đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ lề luật hay các tiên tri: Ta không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn".
Trong câu khẳng định này của Chúa Giêsu chúng ta thấy chất chứa một mối liên hệ giữa lề luật và bản thân Chúa Giêsu, Đấng mà "khi thời điểm viên trọn, đã được sinh hạ bởi một người nữ, được hạ sinh theo lề luật để cứu những ai lệ thuộc lề luật khỏi lề luật hầu chúng ta lãnh nhận thân phận làm dưỡng tử" (Galata 4:4).
Quả thực, đúng như Chúa Giêsu đã minh định "Các con đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ lề luật hay các tiên tri". Người không hủy bỏ những gì Cha Người đã sử dụng để hướng dẫn dân Do Thái trong lịch sử cứu độ của họ, nhờ đó, dân tộc như là sản nghiệp của Thiên Chúa trên trần gian này mới thực sự tỏ ra là một dân tộc nổi bật nhất trong các dân tộc trên thế gian này, vì họ là dân của Chúa, chẳng khác gì ngọn hải đăng đối với các dân tộc khác được gọi chung là dân ngoại, không phải dân Do Thái.
Vị trung gian môi giới Moisen của họ đã bày tỏ cho họ thấy cảm nhận cái diễm phúc được Thiên Chúa hướng dẫn bằng các lề luật siêu việt của Ngài ấy trong Bài Đọc 1 như sau:
"Các ngươi phải tuân giữ và thực hành, vì đó là sự khôn ngoan và sáng suốt
của các ngươi trước mặt muôn dân, để khi nghe nói đến tất cả các lề luật ấy,
họ nói: 'Thật, dân tộc vĩ đại này là một dân khôn ngoan và sáng suốt'. Không
một dân tộc vĩ đại nào được các thần ở bên cạnh mình, như Chúa là Thiên Chúa
chúng ta ở bên cạnh chúng ta khi chúng ta kêu cầu Người. Có dân tộc thời
danh nào khác có lễ nghi, huấn lệnh công chính, và bộ luật như tôi trình bày
trước mặt các ngươi hôm nay không?"
Và cũng chính vì lề luật được Thiên Chúa thương yêu truyền dạy cho họ như thế để họ xứng đáng với ơn gọi chuyên biệt của họ giữa tất cả mọi dân tộc cũng như với thân phận ưu tuyển của mình như là sản nghiệp của Thiên Chúa trên thế gian này, hơn tất cả mọi dân tộc khác, mà họ phải trung thành tuân giữ lề luật của Ngài cũng như truyền dạy lề luật của Ngài cho nhau nữa:
"Hỡi Israel, giờ đây hãy nghe các lề luật và huấn lệnh mà tôi dạy bảo các ngươi phải thực hành, để được sống và được vào chiếm hữu phần đất mà Chúa là Thiên Chúa cha ông các ngươi sẽ ban cho các ngươi. Các ngươi nên biết, tôi thừa lệnh Chúa là Thiên Chúa tôi mà truyền dạy cho các ngươi biết lề luật và huấn lệnh của Chúa, để các ngươi thi hành các điều ấy trong phần đất mà các ngươi chiếm hữu... Vậy các ngươi hãy ý tứ và giữ mình. Trong suốt đời các ngươi, đừng quên và đừng để lòng xao lãng những điều các ngươi đã thấy. Hãy dạy cho con cháu các ngươi biết các điều ấy".
Chính dân Do Thái, qua thánh vịnh gia trong Bài Đáp Ca hôm nay, cũng đã cảm thấy đúng như vậy, khi vang lên những ý thức thần linh về lời thần linh của Thiên Chúa là chính cốt lõi của lề luật cho họ và làm nên lề luật của họ như sau:
1) Giêrusalem hỡi, hãy ngợi khen Chúa. Hãy ngợi khen Thiên Chúa của ngươi, hỡi Sion! vì Người giữ chặt các chốt cửa thành ngươi; Người đã chúc phúc cho con cái ngươi trong thành nội.
2) Người đã sai lời Người xuống cõi trần ai, và lời Người lanh chai chạy rảo. Người khiến tuyết rơi như thể lông cừu, Người gieo rắc sương đông như tro bụi trắng.
3) Người đã loan truyền lời Người cho Giacóp, những thánh chỉ và huấn lệnh Người cho Israel. Người đã không làm cho dân tộc nào như thế, Người đã không công bố cho họ các huấn lệnh của Người.
Thật ra, lời Chúa Giêsu tuyên bố trong Bài Phúc Âm hôm nay: "Các con đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ lề luật hay các tiên tri: Ta không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn", liên quan đến chính bản thân của Người, đến mầu nhiệm Vượt Qua, mầu nhiệm cứu độ tất cả loài người, chứ không riêng gì dân Do Thái, đúng như ý định cứu độ của Thiên Chúa ngay từ ban đầu sau nguyên tội xẩy ra cho chung loài người (xem Khởi Nguyên 3:15).
Đúng thế, chính Chúa Giêsu sau khi sống lại từ trong kẻ chết Người để chiến thắng tội lỗi và sự chết nơi bản tính đã bị băng hoại từ nguyên tội và bởi nguyên tội, đã chứng tỏ rằng Người đã "kiện toàn", chứ không "hủy bỏ", "lề luật và các tiên tri", hay nói cách khác, tất cả những gì đã được viết ra hay đề cập đến trong lề luật và bởi các vị tiên tri đều đã được trọn vẹn ứng nghiệm nơi Người, như chính Người đã sử dụng đến chính "lề luật và các tiên tri" để chứng thực rằng Người đã sống lại, và vì thế Người là "Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống" (Mathêu 16:16).
Lần thứ nhất Người đã chứng thực với hai môn đệ đi Emmau (Luca 24: 25-27):
"Bấy
giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: 'Các anh chẳng hiểu gì cả ! Lòng trí
các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải
chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? Rồi bắt
đầu từ ông Mô-sê và tất cả các
ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong
tất cả Sách Thánh".
Lần thứ hai Người đã chứng thực với 11 tông đồ ngay trong cùng tối của ngày thứ nhất trong tuần đó (Luca 24: 44-46):
"Rồi Người
bảo: 'Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách
Luật Mô-sê, các Sách Ngôn Sứ và
các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm'. Bấy giờ Người mở
trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và Người nói: 'Có lời Kinh Thánh chép rằng:
Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại...'".
Trong Biến Cố Biến Hình, được Giáo Hội chọn đọc từ các bài Phúc Âm của bộ Phúc Âm Nhất Lãm, bao giờ cũng cho Chúa Nhật II Mùa Chay, như chu kỳ phụng niên Năm C, Thánh ký Luca cho biết: "Bỗng có hai vị đàm đạo với Người, đó là Môsê và Êlia, hiện đến uy nghi, và nói về sự chết của Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem", đã cho thấy rõ lời tính chất xác thực của lời Chúa Giêsu tuyên bố trong Bài Phúc Âm hôm nay: "Các con đừng tưởng Ta đến để hủy bỏ lề luật hay các tiên tri: Ta không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn" bằng cuộc Vượt Qua của Người.
Như thế, Chúa Giêsu quả thực đã tự mình ứng nghiệm những gì được cho là chủ đề của chung Mùa Chay bao gồm cả Tuần Thánh liên quan đến Cuộc Vượt Qua của Người: "Tôi tự ý bỏ mạng sống mình đi để lấy nó lại" (Gioan 10:17).
Thứ Năm
Lời Chúa
Bài Ðọc I: Gr 7, 23-28
"Này là dân không chịu nghe lời Chúa là Thiên Chúa của họ".
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Ðây Chúa phán: Ta truyền cho họ lời này: Các ngươi hãy nghe lời Ta, thì Ta
sẽ là Thiên Chúa các ngươi, và các ngươi sẽ là dân Ta. Các ngươi hãy đi
trong mọi đường lối mà Ta truyền dạy cho các ngươi, để các ngươi được hạnh
phúc.
Nhưng họ không nghe, họ không chịu lắng tai, họ vẫn chạy theo ý định và lòng
xấu xa của họ, họ đã ngoảnh mặt đi chứ không nhìn Ta. Từ ngày cha ông họ ra
khỏi đất Ai-cập cho đến ngày nay, ngay từ sáng sớm, Ta lần lượt sai các tiên
tri tôi tớ của Ta đến với họ, nhưng họ không nghe Ta, không chịu lắng tai
nghe. Họ tỏ ra cứng đầu cứng cổ, và còn sống tệ hơn cha ông họ! Ngươi có nói
cho họ biết tất cả các điều ấy, thì họ sẽ không nghe ngươi đâu; Vậy ngươi
hãy nói cho họ biết: Này là dân không chịu nghe lời Chúa là Thiên Chúa của
họ, không chấp nhận kỷ luật, lòng trung tín đã mất và miệng họ không còn
nhắc đến nữa.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 94, 1-2. 6-7. 8-9
Ðáp: Ước
chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: Các bạn đừng cứng lòng (c. 8).
Xướng: 1) Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Ðá Tảng cứu độ
của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi; chúng ta hãy xướng ca để
hoan hô Người. - Ðáp.
2) Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy; hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Ðấng
tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn
dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người. - Ðáp.
3) Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: "Ðừng cứng lòng như ở Mêriba,
như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách
Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta". - Ðáp.
Câu Xướng Trước Phúc Âm: 2 Cr 6, 2
Ðây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ.
Phúc Âm: Lc 11, 14-23
"Ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu trừ một quỷ câm. Khi quỷ ra khỏi, người câm liền nói được
và dân chúng đều bỡ ngỡ. Nhưng có mấy người trong bọn họ nói rằng: "Ông ta
nhờ tướng quỷ Bêelgiêbút mà trừ quỷ". Mấy kẻ khác muốn thử Người, nên xin
Người một dấu lạ từ trời xuống. Nhưng Người biết ý của họ, liền phán:
"Nước nào tự chia rẽ, sẽ diệt vong, và nhà cửa sẽ sụp đổ chồng chất lên
nhau. Vậy nếu Satan cũng tự chia rẽ, thì nước nó làm sao đứng vững được? Bởi
các ngươi bảo Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, vậy nếu Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ
quỷ, thì con cái các ngươi nhờ ai mà trừ? Bởi đó, chính con cái các ngươi sẽ
xét xử các ngươi. Nhưng nếu Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, ắt là
nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi.
"Khi có người khoẻ mạnh và võ trang đầy đủ canh giữ nhà mình, thì của cải
người đó được an toàn; nhưng nếu có người mạnh hơn xông đến đánh bại hắn,
thì sẽ tước hết khí giới hắn tin tưởng, và làm tiêu tan hết những gì đã tước
đoạt. Ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta, và ai không thu góp với Ta là
phân tán".
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm
Sự Sống liên kết
Ngày Thứ Năm trong Tuần Thứ Ba Mùa Chay hôm nay, phụng vụ lời Chúa được Giáo Hội cố ý chọn đọc cho ngày này, nội dung của cả Bài Đọc 1 lẫn Bài Phúc Âm đều trở nên như một lời khẳng định rằng chỉ khi nào con người vào qua cửa hẹp và đi theo con đường hẹp mới có thể đạt đến sự sống chân thật và phúc thật, bằng ngược lại sẽ toàn là bất hạnh và diệt vong (xem Mathêu 7:13-14).
Đúng thế, trong bài Phúc Âm hôm nay, Thánh ký Luca thuật lại những lời Chúa Giêsu, sau khi "trừ một quỷ câm", và "khi quỷ ra khỏi, người câm liền nói được", khiến "dân chúng đều bỡ ngỡ", đã vạch trần những tâm tưởng thiển cận có tính cách xuyên tạc và chụp mũ cho việc Người làm: "Ông ta nhờ tướng quỷ Bêelgiêbút mà trừ quỷ", một việc không ai trên trần gian này có thể làm được ngoại trừ Thiên Chúa hay những ai được Thiên Chúa ở cùng.
Thậm chí việc Người trừ quỉ như thế, một việc không ai là loài người thuần túy có thể làm được vẫn chưa hay lắm, vẫn chưa thể làm cho một số người trong họ tin, đến độ, như Bài Phúc Âm cho thấy, họ còn muốn "xin Người một dấu lạ từ trời xuống", nghĩa là những gì đúng như ý của họ, có tính cách chủ quan như họ nghĩ, thì họ mới tin, còn những gì khác, cho dù là việc của Thiên Chúa đi nữa, cho dù lạ lùng mấy chăng nữa, cho dù họ không thể nào làm được v.v., họ cũng không tin.
Chẳng hạn, việc trừ quỉ, dù họ không làm được nhưng họ vẫn hiểu được nên cũng chẳng đáng tin. Theo kiến thức của họ về việc Chúa Giêsu trừ quỉ đó là vì quỉ nhỏ phải sợ quỉ lớn, mà Chúa Giêsu lấy quyền quỉ lớn mà trừ quỉ con thì tất nhiên phải có công hiệu 100%, đâu có gì là lạ, đâu có gì đáng phục, bởi thế, đối với họ, Người còn cần phải thực hiện thêm "một dấu lạ từ trời xuống" nữa.
Bởi thế, Chúa Giêsu, cho dù bản thân của Người và phẩm vị là Con Thiên Chúa của Người bị xúc phạm một cách trắng trợn và vô cùng trầm trọng như vậy, ở chỗ, Người bị coi như cũng bị quỉ ám, bị chính tướng quỉ ám thì Người mới có thể trừ được quỉ con nơi con người nạn nhân ở đầu bài Phúc Âm hôm nay.
Tuy nhiên, là hiện thân của Cha trên trời là Đấng Thương Xót (xem Luca 6:36), Người vẫn tỏ ra "hiền lành và khiêm nhượng trong lòng" (Mathêu 11:29), vẫn tỏ ra nhân từ đối với những con người lầm lạc đáng thương, nhưng Người vẫn không thể nào chấp nhận cái sai lầm của họ, nên đã vạch ra cho họ thấy cái mẫu thuẫn nơi lập luận lý lẽ có tính cách ác cảm của họ với Người như sau:
"Nước nào tự chia rẽ, sẽ diệt vong, và nhà cửa sẽ sụp đổ chồng chất lên nhau. Vậy nếu Satan cũng tự chia rẽ, thì nước nó làm sao đứng vững được? Bởi các ngươi bảo Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, vậy nếu Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, thì con cái các ngươi nhờ ai mà trừ? Bởi đó, chính con cái các ngươi sẽ xét xử các ngươi. Nhưng nếu Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, ắt là nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi".
Qua câu minh giải này của mình, Chúa Giêsu cho những ai có ý nghĩ Người "nhờ tướng quỷ Bêelgiêbút mà trừ quỷ" chẳng những thấy được cái mâu thuẫn sai lầm của họ: "Nếu Satan cũng tự chia rẽ, thì nước nó làm sao đứng vững được?", mà còn cho họ thấy trách nhiệm gây ra bởi những gì họ nói: "Chính con cái các ngươi sẽ xét xử các ngươi", nhất là cho họ biết được thật sự Người đã lấy quyền nào mà trừ quỉ, và chính quyền lực ấy là "một dấu lạ từ trời xuống" đúng như họ mong muốn: "Nếu Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, ắt là nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi".
Thật vậy, "một dấu lạ từ trời xuống" chứng thực "nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi" đó là việc Thiên Chúa bắt đầu trực tiếp nhúng tay vào công cuộc cứu chuộc loài người cho khỏi quyền lực tối tăm và sự chết do ma quỉ gây ra từ nguyên tội. Bởi vì, "ngón tay Thiên Chúa" đây ám chỉ Thần Linh của Thiên Chúa, như Thánh ký Mathêu ghi lại lời Chúa Giêsu minh định cũng trong cùng một trường hợp này: "Nếu bởi Thần Linh của Thiên Chúa mà Tôi trừ quỉ thì triều đại Thiên Chúa đã đến trên quí vị rồi đó" (12:28).
Câu nói của Chúa Giêsu ở cuối Bài Phúc Âm hôm nay cũng ám chỉ đến chính quyền lực của Thần Linh Thiên Chúa mạnh hơn quyền lực của tướng quỉ Belzebul, chẳng những có thể trừ được cả đám quỉ con mà còn trừ được cả quỉ vương, diệt trừ được cả vương quốc của hỏa ngục, của ngụy thần nữa, thành phần là quyền lực sự dữ và chết chóc đã thống trị loài người từ nguyên tội và đang bị tiêu diệt qua việc trừ quỉ của nhân vật lịch sử Giêsu Nazarét Thiên Sai Cứu Thế:
"Khi có người khoẻ mạnh và võ trang đầy đủ canh giữ nhà mình, thì của cải người đó được an toàn; nhưng nếu có người mạnh hơn xông đến đánh bại hắn, thì sẽ tước hết khí giới hắn tin tưởng, và làm tiêu tan hết những gì đã tước đoạt. Ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta, và ai không thu góp với Ta là phân tán".
"Nếu có người mạnh hơn xông đến đánh bại hắn" ở đây không phải là ám chỉ đến "Thần Linh của Thiên Chúa" hay sao, vì chỉ có "ngón tay Thiên Chúa" mới có thể "tước hết khí giới hắn tin tưởng (ám chỉ khí giới của ma quỉ là giả dối gian ác, kiêu căng tự ái, hận thù ghen ghét, bất tuân phản loạn v.v.), và làm tiêu tan hết những gì đã tước đoạt (những gì đã bị ma quỉ tước đoạt đây ám chỉ chính loài người đã loài trở thành nô lệ của ma quỉ, thuộc về ma quỉ)".
Sự kiện Chúa Giêsu trừ quỉ tiên báo vương quốc của ma quỉ đã đến lúc bị hủy diệt, và con người được giải thoát khỏi quyền lực thống trị và cầm buộc của chúng mà tự họ không thể nào thoát được. Thế nhưng, chỉ có ai muốn được giải cứu, chấp nhận việc giải cứu của Người mới thoát được quyền lực của hỏa ngục mà thôi. Phải chăng đó là ý nghĩa lời Chúa Giêsu kết thúc Bài Phúc Âm hôm nay: "Ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta, và ai không thu góp với Ta là phân tán": "Thuận với Ta" ở chỗ tin vào Người - "ai không tin sẽ bị luận phạt" (Marco 16:16) - thành phần cho Người nhờ tướng quỉ mà trừ quỉ trong Bài Phúc Âm hôm nay là thành phần "không thuận với Ta", tức không tin Người. "Ai không thu góp với Ta là phân tán", chẳng hạn người đầy tớ được giao cho 1 nén trong dụ ngôn các nén bạc, cho dù giữ nguyên nén bạc được trao cho vẫn là thành phần phân tán, bởi "không thu góp với (Người)" trong việc sinh lợi cho nén bạc theo ý chủ của nó, như ân sủng Chúa ban cần phải thông chia mà không thông chia thì mất hết ý nghĩa và nghịch lại với mụch đích của ân sủng Chúa ban!
"Ai không thuận với Ta là nghịch cùng Ta, và ai không thu góp với Ta là phân tán" là một nguyên tắc còn được phản ảnh nơi nội dung của Bài Đọc 1 hôm nay. Qua miệng lưỡi của Tiên tri Giêrêmia, Thiên Chúa đã kêu gọi dân của Ngài hãy sống "thuận" theo Ngài như Ngài mong muốn để xứng đáng với Ngài là Đấng yêu thương tuyển chọn họ, và nhờ đó họ cũng được và mới được hạnh phúc: "Các ngươi hãy nghe lời Ta, thì Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi, và các ngươi sẽ là dân Ta. Các ngươi hãy đi trong mọi đường lối mà Ta truyền dạy cho các ngươi, để các ngươi được hạnh phúc". Thế nhưng, tiếc thay, dân của Ngài vẫn tiếp tục sống "nghịch" với Ngài, như chính Ngài đã nhận định về họ như sau:
"Nhưng họ không nghe, họ không chịu lắng tai, họ vẫn chạy theo ý định và lòng xấu xa của họ, họ đã ngoảnh mặt đi chứ không nhìn Ta. Từ ngày cha ông họ ra khỏi đất Ai-cập cho đến ngày nay, ngay từ sáng sớm, Ta lần lượt sai các tiên tri tôi tớ của Ta đến với họ, nhưng họ không nghe Ta, không chịu lắng tai nghe. Họ tỏ ra cứng đầu cứng cổ, và còn sống tệ hơn cha ông họ! Ngươi có nói cho họ biết tất cả các điều ấy, thì họ sẽ không nghe ngươi đâu; Vậy ngươi hãy nói cho họ biết: Này là dân không chịu nghe lời Chúa là Thiên Chúa của họ, không chấp nhận kỷ luật, lòng trung tín đã mất và miệng họ không còn nhắc đến nữa".
Đó là lý do trong Bài Đáp Ca hôm nay, thánh vịnh gia đã kêu gọi dân của mình hãy nhận biết Thiên Chúa và nghe lời Ngài chứ đừng cứng lòng trước những mạc khải thần linh cứu độ của Ngài nữa:
1) Hãy tới, chúng ta hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hô Ðá Tảng cứu độ của ta! Hãy ra trước thiên nhan với lời ca ngợi; chúng ta hãy xướng ca để hoan hô Người.
2) Hãy tiến lên, cúc cung bái và sụp lạy; hãy quỳ gối trước nhan Chúa, Ðấng tạo thành ta. Vì chính Người là Thiên Chúa của ta, và ta là dân Người chăn dẫn, là đoàn chiên thuộc ở tay Người.
3) Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: "Ðừng cứng lòng như ở Mêriba, như hôm ở Massa trong khu rừng vắng, nơi mà cha ông các ngươi đã thử thách Ta, họ đã thử Ta mặc dầu đã thấy công cuộc của Ta".
Thứ Sáu
Lời
Chúa
Bài Ðọc I: Hs 14, 2-10
"Chúng tôi sẽ không còn nói rằng: Thần minh chúng tôi là sản phẩm do tay
chúng tôi làm ra".
Trích sách Tiên tri Hôsê.
Ðây Chúa phán: Hỡi Israel, hãy trở về với Chúa là Thiên Chúa ngươi, vì ngươi
đã gục ngã trong đường tội ác. Các ngươi hãy mang lấy lời Chúa và trở về với
Chúa; các ngươi hãy thưa rằng: "Xin hãy xoá bỏ mọi tội ác, và nhận điều
lành. Chúng tôi dâng lên Chúa của lễ ca tụng. Asurô sẽ không giải thoát
chúng tôi, chúng tôi sẽ không cỡi ngựa và sẽ không còn nói rằng: Thần minh
chúng tôi là sản phẩm do tay chúng tôi làm ra, vì nơi Chúa, kẻ mồ côi tìm
được sự thương xót".
Ta sẽ chữa sự bất trung của họ và hết lòng yêu thương họ, vì Ta đã nguôi
giận họ. Ta sẽ như sương sa, Israel sẽ mọc lên như bông huệ và đâm rễ như
chân núi Liban. Các nhánh của nó sẽ sum sê, vẻ xinh tươi của nó như cây
ô-liu và hương thơm của nó như hương thơm núi Liban. Thiên hạ sẽ đến ngồi
núp dưới bóng mát của nó, họ sống bằng lúa mì và lớn lên như cây nho. Nó sẽ
được lừng danh như rượu Liban.
Hỡi Ephraim, tượng thần giúp ích gì cho ngươi không? Chính Ta sẽ nhậm lời và
săn sóc ngươi, cho ngươi mọc lên như cây hương nam xinh tươi. Nhờ Ta, ngươi
sẽ sinh hoa kết quả.
Ai là người khôn ngoan hiểu được các việc này, ai là người sáng suốt biết
được các việc đó? Vì chưng đường lối của Chúa là đường ngay thẳng và những
người công chính sẽ đi trên đó, còn các người gian ác sẽ gục ngã trên đó".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 80, 6c-8a. 8bc-9. 10-11ab. 14 và 17
Ðáp: Ta
là Chúa, là Thiên Chúa của ngươi, hãy nghe Ta răn bảo (x. c. 11 và 9a).
Xướng: 1) Tôi đã nghe lời nói mới lạ rằng: Ta đã cứu vai ngươi khỏi mang
gánh nặng, tay ngươi không còn phải mang thúng mủng. Trong cảnh gian truân
ngươi cầu cứu, và Ta giải thoát ngươi. - Ðáp.
2) Ta đáp lời ngươi từ trong áng mây vang ran sấm sét, Ta thử thách ngươi
gần suối nước Mêriba. Hỡi dân tộc Ta, hãy nghe Ta răn bảo, Israel, ước chi
ngươi biết nghe lời Ta! - Ðáp.
3) Ở nơi ngươi đừng có một chúa tể nào khác cả, ngươi cũng đừng thờ tự một
chúa tể ngoại lai: vì Ta là Chúa, là Thiên Chúa của ngươi, Ta đã đưa ngươi
ra khỏi Ai-cập. - Ðáp.
4) Phải chi dân của Ta biết nghe lời Ta, Israel biết theo đường lối Ta mà ăn
ở: Ta sẽ lấy tinh hoa lúa mì nuôi dưỡng chúng, và cho chúng ăn no mật từ hốc
đá chảy ra. - Ðáp.
Câu Xướng Trước Phúc Âm:
Phúc cho những ai thành tâm thiện chí giữ lấy lời Chúa, và nhẫn nại sinh hoa
kết quả.
Phúc Âm: Mc 12, 28b-34
"Thiên Chúa của ngươi là Thiên Chúa duy nhất, và ngươi hãy kính mến Người".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô.
Khi ấy, có người trong nhóm Luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng:
"Trong các giới răn, điều nào trọng nhất?"
Chúa Giêsu đáp: "Giới răn trọng nhất chính là: "Hỡi Israel, hãy nghe đây:
Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa
ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi". Còn đây là
giới răn thứ hai: "Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi". Không
có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó". Luật sĩ thưa Ngài: "Thưa Thầy,
đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài
Người, chẳng có Chúa nào khác nữa. Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức
mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ
vật hy sinh". Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo: "Ông không
còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu". Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì
nữa.
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm
Sự Sống nhận biết
Hôm nay, Thứ Sáu trong Tuần Thứ Ba Mùa Chay, phụng vụ lời Chúa trong ngày cùng nhắm đến một thực tại thần linh duy nhất cũng là một ơn gọi duy nhất vô cùng quan trọng cho phần rỗi của con người, đó là "Thiên Chúa của ngươi là Thiên Chúa duy nhất, và ngươi hãy kính mến Người" (Bài Phúc Âm), và chính vì thế mà "chúng tôi sẽ không còn nói rằng: Thần minh chúng tôi là sản phẩm do tay chúng tôi làm ra" (Bài Đọc 1).
Thứ Bảy
Lời
Chúa
Bài Ðọc I: Hs 6, 1b-6
"Ta muốn tình yêu, chớ không muốn hy lễ".
Trích sách Tiên tri Hôsê.
Ðây Chúa phán: Trong cảnh khốn khổ, từ ban mai, họ chỗi dậy chạy tìm kiếm
Ta. "Hãy đến, và chúng ta quay trở về với Chúa, vì Chúa bắt chúng ta, rồi sẽ
tha chúng ta; Chúa đánh chúng ta, rồi sẽ lại chữa chúng ta. Sau hai ngày
Người cho chúng ta sống lại, đến ngày thứ ba, Người đỡ chúng ta đứng lên, và
chúng ta sẽ sống trước mặt Người. Chúng ta hãy nhận biết Chúa và hãy ra sức
nhận biết Chúa. Người sẵn sàng xuất hiện như vừng đông, và sẽ đến cùng chúng
ta như mưa thuận và như mưa xuân trên mặt đất".
Hỡi Ephraim, Ta sẽ làm gì cho ngươi? Hỡi Giuđa, Ta sẽ làm gì cho ngươi? Tình
thương các ngươi như đám mây ban sáng, như sương sớm tan đi. Vì thế, Ta dùng
các tiên tri nghiêm trị chúng, và Ta dùng lời từ miệng Ta phán ra mà giết
chúng. Án phạt các ngươi bừng lên như ánh sáng. Vì chưng, Ta muốn tình yêu,
chớ không muốn hy lễ. Ta muốn sự hiểu biết Thiên Chúa hơn là của lễ toàn
thiêu.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 50, 3-4. 18-19. 20-21ab
Ðáp: Ta
muốn tình yêu, chớ không muốn hy lễ (Hs 6, 6).
Xướng: 1) Lạy Chúa, nguyện thương con theo lòng nhân hậu Chúa, xoá tội con
theo lượng cả đức từ bi. Xin rửa con tuyệt gốc lỗi lầm, và tẩy con sạch lâng
tội ác. - Ðáp.
2) Bởi vì Chúa chẳng ưa gì sinh lễ, nếu con dâng lễ toàn thiêu Chúa sẽ không
ưng. Của lễ con dâng, lạy Chúa, là tâm hồn tan nát, lạy Chúa, xin đừng chê
tấm lòng tan nát, khiêm cung. - Ðáp.
3) Lạy Chúa, xin thịnh tình với Sion theo lòng nhân hậu, hầu xây lại thành
trì của Giêrusalem. Bấy giờ Chúa con sẽ nhận những lễ vật chính đáng, những
hy sinh với lễ toàn thiêu. - Ðáp.
Câu Xướng Trước Phúc Âm: Ga 8, 12b
Chúa phán: "Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự
sống".
Phúc Âm: Lc 18, 9-14
"Người thu thuế ra về được khỏi tội".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những người hay tự hào mình là
người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác: "Có hai người lên đền thờ cầu
nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng,
cầu nguyện rằng: "Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác:
tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi
tuần hai lần, và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi". Người thu
thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực mà nguyện rằng: "Lạy
Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội". Ta bảo các ngươi: người này ra về
được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên,
sẽ bị hạ xuống; và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên".
Ðó là lời Chúa.
Suy niệm
Sự Sống biết phận
Ngày Thứ Bảy, ngày cuối cùng trong Tuần Thứ Ba Mùa Chay hôm nay, Giáo Hội chọn đọc các bài phụng vụ lời Chúa cho ngày này có nội dung đề cao giá trị của đức bác ái yêu thương cao cả và bất khả thiếu trong đời sống đạo của Kitô hữu môn đệ Chúa Kitô, hơn là hy tế hay lễ vật của con người dâng lên Thiên Chúa, dù tự bản chất, các thứ hy tế hay lễ vật ấy vốn cao quí, tốt lành và cần thiết, liên quan đến phận vụ tôn thờ của con người đối với Thiên Chúa.
Đó là lý do, Chúa Giêsu đã nói với Chị Thánh Faustina rằng: "Giữa Cha và con có một vực thẳm vô đáy, một vực thẳm phân chia Tạo Hoá với tạo vật. Thế nhưng, vực thẳm này đã được tình thương của Cha lấp đầy" (Nhật ký 1576). Không phải hay sao, vực thẳm giữa họ là tạo vật với Ngài là Thiên Chúa, như từ đất tới trời, được lấp đầy khi "Lời hóa thành nhục thể" (Gioan 1:14), và giữa họ là tội nhân với Ngài là Tình Yêu, như từ hỏa ngục lên tới thiên đàng, đã được lấp đầy bằng chiều cao của cây Thánh Giá Người tử nạn.
Thế nên, hình như càng tội lỗi càng gần Nước Trời, càng gần với Lòng
Thương Xót Chúa, càng nên thánh nhanh, một cách đốt giai đoạn như người
thu thuế trong dụ ngôn của bài Phúc Âm hôm nay, đúng như lời Chúa Giêsu
đã khẳng định với Chị Thánh Faustina: "Các đệ nhất đại tội nhân
cũng đạt được tầm mức thánh thiện cao cả, chỉ cần họ tin
tưởng vào tình thương của Cha" (Nhật ký
1784). Tôi
vẫn hằng xin Chúa cho con luôn là một tội nhân mà luôn cảm thấy mình
đáng thương, hơn là một thánh nhân mà lại cứ tưởng người khác đáng
thương hơn mình.
Vì nếu bản chất của Thiên Chúa là tình yêu cô cùng nhân hậu, lúc nào cũng muốn tỏ ra hết cỡ bản chất thần linh này của mình để chứng thực mình là ai và như thế nào, thì ở đâu hay con người nào càng trở thành trống rỗng, bằng tất cả tấm lòng tan nát khiêm cung và tin tưởng của họ, thì họ càng được Ngài thông bản tính vô cùng trọn lành của Ngài là lòng thương xót cho họ, để lấp đầy tất cả mọi yếu hèn, khiếm khuyết, sai lầm và tội lỗi của họ, nhờ đó, bản thân họ hóa thánh, tức trở thành như là một cuộc thần hiển của Ngài, như một bụi gai (bản tính tội lỗi) bốc lửa (được thương xót) mà không bị thiêu rụi (không kiêu hãnh vì được thương) - (xem Xuất Hành 3:2).