Phải chăng giòng dõi của Ismael này là khối Ả Rập Hồi giáo hiện nay, một
khối dân hầu hết theo Hồi giáo cũng tin kính tổ phụ Abraham, và giòng dõi
của đứa con của lời hứa Isaac là dân Do Thái, tuy nhỏ bé cả về địa dư lẫn
dân số (khoảng hơn kém 15 triệu dân khắp thế giới) giữa một khối Ả Rập khổng
lồ bao gồm cả 22 quốc gia hùng hậu cả về dân số (khoảng 422 triệu dân)
lẫn địa dư, hầu hết tập trung ở vùng Trung Đông và Tiểu Á, nhưng vẫn ngang
nhiên tồn tại một cách hết sức gai mắt đối với Khối Ả Rập mà khối khổng lồ
này vẫn không thể nào ăn tươi nuốt sống họ nổi?
Phải chăng Thiên Chúa để như vậy cho có lợi cho cả đôi bên: bên Khối Ả Rập
Hồi giáo nhận biết rằng Thiên Chúa ở cùng dân tộc được Ngài tuyển chọn, và
bên Dân Do Thái luôn ý thức về thân phận của mình được Thiên Chúa ưu tuyển
giữa chư dân và cho chư dân nói chung, nhất là Khối Ả Rập Hồi giáo là anh em
cùng tổ phụ Abraham với họ?
Phải chăng trận chiến thiêng liêng giữa xác thịt hùng mạnh và thánh sủng
thiêng liêng trong linh hồn cũng thế, cũng liên lỉ kéo dài như tới thiên thu
bất tận, và thường xác thịt thắng thế nhưng chẳng những vẫn không làm gì nổi
thánh sủng mà còn nhờ thánh sủng trong linh hồn mà được thanh tẩy và thánh
hóa nữa?
Các Thánh Tử Đạo Roma Tiên Khởi 30/6
“Người công chính gặp nhiều nỗi gian truân, nhưng Chúa giúp họ luôn thoát
khỏi. Xương cốt họ đều được Chúa giữ gìn, dầu một khúc cũng không giập gẫy”
(Tv 33, 20-21).
Các Thánh tử đạo tiên khởi của giáo đoàn Roma đã anh dũng bảo vệ đức tin để
làm chứng cho Chúa Giêsu. Các Ngài đã làm vinh danh Chúa và đã làm cho đức
tin rực sáng. Các Ngài xứng đáng lãnh nhận triều thiên Nước Trời và góp phần
xây dựng giáo đoàn Roma trần thế.
Các Thánh tử đạo tiên khởi của giáo đoàn Roma là các vị anh hùng gồm một số
rất đông đã đổ máu đào để tuyên xưng danh Chúa, làm chứng cho Chúa dưới thời
bạo Chúa Néron: Các Ngài đã bị người ta vu khống là đã đốt thành Roma, phá
hủy thành, nên các Ngài đã bị Néron ra lệnh hành quyết, xử tử bằng mọi cực
hình, bằng mọi phương cách tàn bạo, dã man. Có những vị đã bị nhốt tù, đánh
đập tàn ác, bỏ đói cho đến chết. Có những vị bị thú vật cắn xé, dầy vò, đùa
giỡn, những vị khác bị đốt, bị nung trên giường sắt, có những vị bị treo
ngược trên thập giá, có những vị khác bị đốt cháy sáng như những ngọn đuốc
trong đêm đen. Tuy nhiên, cảm nghiệm Lời Chúa nói: "Anh em vẫn một lòng gắn
bó với Thầy, giữa những lúc Thầy gặp gian nan thử thách. Vì thế, Thầy sẽ ban
quyền cai trị cho anh em để anh em được đồng bàn ăn uống với Thầy, trên
vương quốc của Thầy” (Lc 22, 28 - 30) hoặc “Các thánh đã theo chân Đức Kitô,
được vui mừng trên thiên quốc. Các Ngài đã đổ máu mình ra, vì lòng yêu mến
Đức Kitô, nên luôn được hoan hỷ với Người" (Ca nhập lễ, lễ nhiều Thánh tử
đạo). Các thánh tử đạo đã hân hoan chịu chết.
“Hạt giống gieo xuống đất không thúi đi...”, các Thánh tử đạo tiên khởi của
giáo đoàn Roma là những môn đệ của các tông đồ, các Ngài đã được Chúa
thương, tuyển lựa để nên như của lễ đầu mùa hiến dâng cho Thiên Chúa và trở
nên hạt giống đức tin gieo vào lòng đất cho hoa trái được nẩy nở tốt tươi.
Các Ngài đã đổ máu ra để làm phát sinh Hội Thánh Roma. Các Ngài xứng đáng
được Chúa thưởng công và Giáo Hội tôn vinh vì các Ngài vẫn một lòng gắn bó
với Chúa (Lc 22, 28).
Lạy Chúa, Chúa đã dùng máu các thánh tử đạo thánh
hiến giáo đoàn Roma trong những bước đầu. Vì các thánh đã chiến đấu anh dũng
để bảo vệ đức tin, xin cho cuộc chiến thắng vẻ vang của các Ngài làm cho
chúng con được bền lòng vững chí (Lời
nguyện nhập lễ, lễ các Thánh tử đạo tiên khởi của giáo đoàn Roma).
(Sưu tầm)
https://tgpsaigon.net/bai-viet/cac-thanh-tu-dao-tien-khoi-cua-giao-doan-roma-42710
Sau khi Chúa Giê-su về trời, và đặc biệt là sau cuộc bách hại nhắm vào các
Ki-tô hữu tại Giê-ru-sa-lem, các môn đệ của Ngài đã mau chóng có mặt tại rất
nhiều nơi. Và trong một thời gian ngắn sau đó, các Ki-tô hữu đã hiện diện
tại kinh thành muôn thuở. Vì là một nhóm nhỏ, lại có lối sống khác biệt một
cách căn bản đối với dân ngoại, nên các Ki-tô hữu tiên khởi của Giáo đoàn
Rô-ma đã bị nhìn xem với con mắt nghi kỵ. Trong các năm đầu tiên của Giáo
hội, các Ki-tô hữu luôn phải sống trong sự chế nhạo và dè bửu. Dù vậy, cộng
đoàn Ki-tô hữu càng ngày càng lớn mạnh, càng thêm đông số và càng được nhiều
người biết tới.
Khi các cộng đoàn Ki-tô giáo càng lớn mạnh, và khi toàn bộ tư tưởng Ki-tô
giáo càng ngày càng được biết tới, trong khi tư tưởng này lại biện phân một
cách căn bản với giới ngoại giáo, thì cũng là lúc sự chống đối nhắm vào tôn
giáo non trẻ có vẻ như rất nguy hiểm cho nhà nước này, cũng càng ngày càng
tăng lên. Hoàng đế Nê-rô (54-68) đã phát động một cuộc bách hại nhắm vào các
Ki-tô hữu, và cuộc bách hại này đã kéo dài tới hơn 250 năm. Vào tháng 07 năm
64, một cuộc hỏa hoạn đã xảy ra tại thành phố Rô-ma. Theo tương truyền,
chính hoàng đế Nê-rô đã ra lệnh thực hiện cuộc hỏa hoạn đó để lấy hứng làm
thơ. Tuy nhiên, cuộc hỏa hoạn đã diễn ra ngoài tầm kiểm soát và đã gây ra
rất nhiều thiệt hại, nên đã khiến dân chúng nổi loạn. Để tìm cách chối tội
và trấn an dân chúng, hoàng đế Nê-rô đã đổ lỗi cho các Ki-tô hữu rằng, họ là
những người đã thiêu đốt thành phố. Và vì thế, rất đông tín hữu đã bị bắt
giam. Tất nhiên, các tín hữu đã không bao giờ thừa nhận việc gây hỏa hoạn,
nhưng họ lại công khai tuyên xưng Đức Tin Ki-tô giáo của mình. Và việc công
khai tuyên xưng Đức Tin như thế là đủ để bị khép vào án tử hình. Và để thực
hiện án tử hình trên các Ki-tô hữu, hoàng đế Nê-rô đã không cho phép thi
hành việc hành hình họ một cách đơn giản, nhưng ông ta đã nghĩ ra những cuộc
tra tấn và những cách hành hình hết sức man rợ, chẳng hạn như cho sư tử đói
vào xé xác các Ki-tô hữu, hay cho đóng đi các Ki-tô hữu vào Thập Giá rồi tẩm
dầu vào thân thể họ, sau đó châm lửa đốt như một ngọn đuốc sống v.v…
Sử gia Tacitus, người Rô-ma và cũng là một người ngoại giáo, đã mô tả lại
trong cuốn thứ 15 bộ biên niên sử của ông về cuộc bách hại này. Theo những
lời ông viết, một số người rất đông đã bị hành hình:
Để tránh tiếng đồn rằng, chính ông là người đã đốt thành phố Rô-ma, „hoàng
đế Nê-rô đã tìm cách đổ lỗi cho người khác, và ra lệnh trừng phạt những
người bị căm thù vì tội ác của họ, đó là những người mà dân chúng gọi là
Ki-tô hữu. Danh xưng này bắt nguồn từ ông Ki-tô; ông này đã bị hành hình bởi
tổng trấn Phong-xi-ô Phi-la-tô, dưới thời trị vì của hoàng đế Tiberius… Vì
thế, trước tiên người ta bắt giam tất cả những ai tuyên xưng rằng, mình là
Ki-tô hữu; sau đó, những người này khai ra rằng, họ thuộc về một đám người
rất đông. Họ không chỉ bị kết tội là những kẻ gây ra vụ đốt phá, nhưng còn
bị quy cho tội rằng, họ là những kẻ thù ghét tất cả mọi người. Người ta biến
những kẻ bị kết án tử hình thành những vở kịch. Người ta nhốt họ vào trong
những chiếc chuồng dành cho thú vật, và để cho họ bị cắn xé bởi những con
chó, người ta đóng đinh họ vào Thập Giá rồi châm lửa để đốt họ, và sau khi
màn đêm ập xuống, người ta đốt họ như là đốt những ngọn đuốc. Hoàng đế Nê-rô
đã giao vườn thượng uyển của hoàng cung cho người ta thực hiện những vở kịch
này, cũng như đã ra lệnh tổ chức một hý trường để biểu diễn những màn kịch
này: Trong cảnh một người lái xe, ông hòa mình vào giữa đám đông, hay đứng
trên xe của mình…“
Người ta cho rằng, số các Ki-tô hữu bị hành hình trong cuộc bách hại của
hoàng đế Nê-rô là rất nhiều và không thể đếm nổi. Còn theo Thánh Hieronymus,
có tổng cộng 979 Ki-tô hữu đã bị hành hình trong vụ này. Hầu hết những Ki-tô
hữu đó đều là những người vô danh, giờ đây không ai biết đến danh tánh hay
tên tuổi của họ. Vì thế, trong suốt một thời gian dài, các vị Tử Đạo này đã
không được Giáo hội cử hành Lễ kính nhớ.
Mãi tới năm 1923, một Đại Lễ kính chung tất cả các Thánh Tử Đạo mới được cử
hành lần đầu tiên tại Rô-ma. Sau đó, từ năm 1969, với cuộc cải tổ Lịch Phụng
Vụ, ngày Lễ này đã chính thức được ghi vào trong lịch Kính Các Thánh chung
của toàn Giáo hội Công Giáo, và được đổi tên thành Lễ Kính Các Thánh Tử Đạo
Tiên Khởi của Giáo đoàn Rô-ma. Kể từ đó, Giáo hội cử hành Lễ này vào ngày 30
tháng 06, sau Đại Lễ Kính Hai Thánh Phê-rô và Phao-lô Tông Đồ, ở bậc Lễ Nhớ
không buộc.
Lm. Đa-minh Thiệu
https://daminhtamhiep.net/2016/06/cac-thanh-tu-dao-tien-khoi-cua-giao-doan-ro-ma/
Những người mà chúng ta mừng kính hôm nay đều có một điểm chung: đó là
các ngài đã hy sinh từ bỏ mạng sống mình vì Chúa Kitô. Các ngài được
phúc tử vì đạo bởi các ngài là những người đã noi theo lối Đức Chúa
Giêsu.
Những người mà chúng ta mừng kính hôm nay đều có một điểm chung: đó là
các ngài đã hy sinh từ bỏ mạng sống mình vì Chúa Kitô. Các ngài được
phúc tử vì đạo bởi các ngài là những người đã noi theo lối Đức Chúa
Giêsu. Vào năm 64, khi đám cháy bất ngờ phát tỏa trong thành Rôma ngày
16 tháng Bảy. Người ta đều cho rằng chính hoàng đế là người phải lãnh
trách nhiệm. Khi hai phần ba thành phố Rôma bị thiêu rụi, sự căm tức
phẫn nộ bắt đầu dâng cao. Nêrô hoảng hồn lo sợ. Ông cần một người đứng
mũi chịu sào; và thế là, ông đã đổ tội vụ gây ra hỏa hoạn cho các Kitô
hữu.
|
Tất cả những vị đó đều là môn đệ của các thánh tông đồ, các
ngài đã được hiến dâng cho Chúa như của lễ đầu mùa |
Taxitô, một sử gia danh tiếng thời ấy, đã ghi nhận rằng các Kitô hữu đã
phải chịu những cái chết thật dã man hiểm độc. Một số bị ném cho các thú
hoang ăn thịt. Số khác bị trói vào các cột trụ và trở nên những “ngọn
đuốc người” thắp sáng các đường phố Rôma. Chúng ta không biết được chính
xác tổng số các vị anh hùng là bao nhiêu, nhưng chứng từ đời sống và lễ
vật của các ngài đã gây một ấn tượng đặc biệt cho mọi người. Cuộc bách
hại khủng bố đầu tiên của Nêrô dù là hoàng đế Rôma cũng chẳng kéo dài
mãi được. Giáo hội càng bị bách hại thì Giáo hội càng phát triển. Các
thánh tử vì đạo đã trả một giá rất đắt để những ai bước theo các ngài sẽ
có được cơ hội giữ vững đức tin.
Chúng
ta hãy cầu xin các thánh tử đạo tiên khởi Rôma ban cho lòng can đảm để
trung thành với những điều Giáo hội truyền dạy. Các thánh tử đạo này
cũng nhắc nhớ chúng ta hãy nên nghiêm túc học hỏi về đức tin và đọc các
sách vở Công giáo lành mạnh.
(theo tinmung.net)
http://www.cgvdt.vn/lich/hanh-cac-thanh/cac-thanh-tu-dao-tien-khoi-cua-giao-doan-roma_a3007
Sau Jerusalem và Antioch, Roma là trung tâm quan trọng
nhất của Giáo Hội thời sơ khai. Nhiều tín hữu đã đến sinh sống tại Roma: một
số là Do Thái, nhưng phần đông là dân ngoại tòng giáo.
Hôm nay, chúng ta mừng kính các tín hữu đã chịu bách hại
dưới thời bạo vương Nero, sau cuộc hỏa hoạn năm 64 tại Roma.
Sống gương mẫu giữa thế gian.
Đức tin Kitô Giáo đã sớm lan truyền đến Roma, trung tâm
của thế giới văn minh vào thời kỳ ấy. Có lẽ các tín hữu đầu tiên tại thủ đô
của đế quốc Roma là những người Do Thái tòng giáo. Họ đã tiếp nhận đức tin
tại Jerusalem hoặc một thành phố nào đó thuộc miền Tiểu Á, nơi đã được thánh
Phaolô giảng đạo. Đức tin được truyền bá từ người này sang người nọ, giữa
những nhóm bạn hữu và thân nhân… Thánh Phêrô đã đến Roma vào khoảng năm 43
và củng cố cho cộng đồng Kitô Giáo bé nhỏ tại đây. Từ Roma, đạo thánh đã lan
truyền sang nhiều miền khác của đế quốc. Hoàn cảnh an bình của đế quốc Roma
thời ấy tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu các luồng tư tưởng
và thông tin về những điều mới lạ, tất cả đều góp phần cho việc truyền bá
Kitô Giáo. Các con đường khởi từ Roma dẫn đến các vùng xa xăm nhất của đế
quốc, các đoàn tàu thương mại thường xuyên vượt Địa Trung Hải, tất cả đều
thuận lợi cho việc truyền bá Kitô Giáo khắp đế quốc.1
Thật khó mà trình bày tiến trình cải hóa và trình tự của
kinh nghiệm tác động đến từng cá nhân trở lại với Kitô Giáo tại Roma trong
thế kỷ I, cũng như hiện nay, vì mỗi cuộc trở lại luôn là một phép lạ của ơn
thánh và sự đáp ứng của từng cá nhân với ơn Chúa. Chắc chắn cuộc sống gương
mẫu của các tín hữu, hương thơm của Chúa Kitô – bonus odor Christi2 – cũng
là một tác nhân có tính quyết định, ảnh hưởng đến môi trường làm việc qua
các yếu tố như niềm vui, đức bác ái, sự cảm thông dành cho mọi người, đời
sống khổ hạnh, và tư cách nhân bản cao thượng… Các tín hữu nam nữ là những
người phấn đấu sống đức tin trọn vẹn giữa những hoạt động thường ngày.
Daniel là một thanh niên, Joseph là một nô lệ. Có người như Aquila làm nghề
bán vải nhuộm trong một cửa hàng; người thì làm lính canh ngục; có người như
Cornelius làm bách quân trưởng; Timothêu là người yếu bệnh; Onesimus là nô
lệ bỏ trốn. Tất cả những loại người khác nhau này đều được đức tin qui hồi.
Những nghề nghiệp và điều kiện của họ không tạo nên ngãng trở. Mọi người đều
có thể nên thánh, nam và nữ, trẻ và già, nô lệ và tự do, binh lính và dân
thường.3
Sách Tông Đồ Công Vụ ghi lại cho chúng ta một câu chuyện
thật hay về tinh thần hiếu khách của các tín hữu Roma đối với thánh Phaolô
khi ngài bị giải về đó như một người tù. Thánh Luca viết, Các anh em ở Roma
nghe tin chúng tôi tới thì đến tận chợ Appius và Ba Quán để đón chúng tôi.
Thấy họ, Phaolô tạ ơn Thiên Chúa và thêm can đảm.4 Thánh Phaolô đã được thêm
can trường nhờ những biểu hiệu của tình bác ái huynh đệ.
Các tín hữu thời ấy không bỏ những hoạt động xã hội và
nghề nghiệp. Bằng cuộc sống và lời nói, các tín hữu coi mình là thành viên
trong thế giới, và tin Chúa muốn họ phải là muối, là ánh sáng. Một tác giả
cổ thời đã tóm tắt điều ấy như sau: Linh hồn đối với thể xác là gì, thì các
tín hữu đối với thế giới cũng như vậy.5
Hôm nay, chúng ta hãy xét xem chúng ta có như các tín hữu
tiên khởi, nêu gương sáng trong những công việc chúng ta làm để lôi kéo tha
nhân về với Chúa Kitô hay không? Chúng ta có xây đắp tha nhân bằng cuộc sống
điều độ, cách tiêu dùng, thái độ vui tươi, cách làm việc tử tế, sống trung
tín và công bình khi làm việc với thuộc quyền và đồng nghiệp, tham gia các
việc từ thiện, và không bao giờ nói xấu bất kỳ ai hay không?
Thái độ trong nghịch cảnh.
Các tín hữu tiên khởi thường gặp những trở ngại và hiểu
lầm nghiêm trọng, và không ít trường hợp, các ngài đã hy sinh mạng sống để
bảo toàn niềm tin vào Thầy Chí Thánh. Hôm nay, chúng ta mừng kính chứng từ
của các vị tử đạo Roma, những người đã chịu chết sau cuộc hỏa hoạn năm 64.6
Tai ương này đã nên cớ cho nhà cầm quyền tiến hành cuộc bách hại thảm khốc
đầu tiên. Chúng ta đọc trong một bản văn cổ thời của Kitô Giáo như sau: Mô
phạm rạng sáng nhất cho chúng ta là thánh Phêrô và thánh Phaolô, hai đấng đã
được kể thêm vào số đông các người được ưu tuyển, những người đã chịu nhiều
đau khổ và nhục hình chỉ vì sự ganh ghét.7
Những tân toan và hiểu lầm mà các giáo hữu tân tòng phải
chịu không hẳn lúc nào cũng đưa họ đến phúc tử đạo. Họ thường phải chịu
những điều mà Chúa Thánh Thần đã cảnh báo trong Thánh Kinh: Thực vậy, những
ai ước muốn sống đời sống trong Chúa Giêsu Kitô sẽ phải chịu bắt bớ.8 Nhiều
khi sự thù nghịch của dân ngoại đối với các môn đệ Chúa Kitô bộc phát chỉ vì
họ không thể chịu nổi kết quả mỹ mãn và lòng sùng kính rộ nở trong sinh hoạt
của Kitô Giáo. Đôi khi, cuộc bách hại bùng lên chỉ vì các tín hữu kiêng lánh
các nghi thức lễ giáo truyền thống vốn được coi là bằng chứng cho sự trung
thành với đế quốc và hoàng đế. Hậu quả là hễ ai theo Kitô Giáo sẽ liều bị
hiểu lầm và công kích vì không chịu đồng hóa, không sống như mọi người.
Rất có thể Thiên Chúa không đòi chúng ta phải đổ máu để
minh chứng đức tin, nhưng nếu Người cho phép một cuộc thử thách như thế xảy
ra, chúng ta hãy nài xin Chúa ban ơn để có thể hiến thân minh chứng tình yêu
đối với Người. Tuy nhiên, bằng cách này hay cách khác, chúng ta sẽ gặp đủ
các hình thức ganh ghét, bởi vì theo Chúa Giêsu nghĩa là chắc chắn sẽ gặp
thập giá. Khi chúng ta phó mình trong tay Chúa, Người thường để chúng ta nếm
mùi ưu phiền, cô đơn, chống đối, vu khống, lăng mạ, chế giễu. Những biến cố
này có thể phát xuất từ bên trong lẫn bên ngoài Giáo Hội. Chúa muốn đào tạo
nhào nặn chúng ta nên giống Người. Thiên Chúa thậm chí còn để chúng ta bị
gọi là đồ điên dại và ngu xuẩn… Đây là cách Chúa Giêsu đào luyện những linh
hồn Người ưu ái, nhưng đồng thời, Người không quên ban cho họ một niềm bình
an và điềm tĩnh.9
Chúng ta phải lợi dụng những nghịch cảnh để sống bác ái
một cách anh hùng, nhất là với những người có thể vì hiểu lầm mà không coi
chúng ta ra gì. Thái độ của chúng ta có thể bao hàm một sự tự vệ chính đáng
khi cần, nhất là để tránh gương mù hoặc gây tổn thương cho người thứ ba.
Những nghịch cảnh rất hữu ích vì giúp thanh luyện chúng ta khỏi tội lỗi và
khuyết điểm, cho chúng ta cơ hội để đền tạ giúp người khác, và sau cùng, là
để thăng tiến trên đường nhân đức và tình yêu đối với Thiên Chúa. Thiên Chúa
nhiều khi muốn thanh luyện chúng ta như vàng trong lửa. Lửa tẩy luyện vàng
khỏi cặn ghét và làm gia tăng giá trị của vàng thế nào, thì Thiên Chúa cũng
đối xử các tôi trung, những người trông cậy và kiên trung giữa thử thách như
thế.10
Nếu chỉ vì chúng ta theo Chúa Kitô mà phải chịu những
nghịch cảnh và gian truân, khi ấy chúng ta hãy vui mừng tạ ơn Thiên Chúa,
Đấng đã cho chúng ta được chịu đau khổ vì Người như các Tông Đồ xưa. Lòng họ
hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Chúa Giêsu.11
Các Tông Đồ khi ấy chắc chắn đã nhớ lại lời Thầy Chí
Thánh, như hôm nay chúng ta tưởng nhớ đến các ngài trong ngày lễ kính các
thánh tử đạo tiên khởi của giáo đoàn Roma: Phúc cho các con khi vì Thầy mà
bị người ta sỉ vả, bách hại, và vu khống đủ điều xấu xa. Các con hãy vui
mừng hân hoan, vì phần thưởng dành cho các con ở trên trời thật trọng hậu.12
Làm việc tông đồ trong mọi hoàn cảnh.
Mặc dù chịu vu khống, sỉ vả, lăng mạ đủ điều trong các
cuộc bách hại, nhưng tiền nhân trong đức tin của chúng ta vẫn thực hiện việc
tông đồ một cách hiệu quả. Các ngài vẫn nói cho mọi người về Chúa Kitô, kho
tàng mà các ngài đã may mắn tìm được. Hơn nữa, thái độ chịu đựng thanh thản
và vui tươi của các ngài giữa nghịch cảnh, ngay cả phải chết, đã trở thành
lý do khiến nhiều người tìm đến với Thầy Chí Thánh.
Cái chết của các vị tử đạo là hạt giống sinh các tín
hữu.13 Giáo đoàn Roma sau cuộc bách hại đã mất rất nhiều tín hữu, nhưng vẫn
được củng cố và vươn tiến mạnh mẽ. Những năm sau đó, Tertullian đã viết:
Chúng tôi mới chỉ hôm qua, vậy mà đã lan tràn khắp thế giới và mọi sự của
các người: các thành phố, hải đảo, thị trấn, làng mạc, quân đội, dinh thự,
nghị viện, diễn đàn. Chúng tôi chỉ để lại cho các người những đền chùa mà
thôi…14
Trong môi trường và hoàn cảnh hiện tại, nếu vì trung
thành với đức tin mà chúng ta phải gặp một khó khăn nào đó, chúng ta hãy
biết rằng sự phiền hà này sẽ trở nên ích lợi cho mọi người. Chính những lúc
ấy, chúng ta có lý do và nhu cầu phải nói một cách hiền từ về những điều kỳ
diệu của đức tin, về tặng ân lớn lao các bí tích, về vẻ đẹp của đời sống
trinh khiết thánh thiện. Chúng ta hãy tin rằng chúng ta được kén chọn để
chiến thắng trong cuộc chiến đời này, và cuộc sống quang vinh đời sau đang
chờ đợi chúng ta không bao lâu nữa. Không gì có thể sánh được với hạnh phúc
được sống với Chúa Kitô. Mặc dù chúng ta nghèo nàn, chịu nhiều bệnh tật đau
đớn, bị vu khống sỉ vả, nhưng nếu có Chúa Giêsu là chúng ta có tất cả. Hiệu
quả của sự ý thức này sẽ biểu hiện ra lối sống bên ngoài. Chúng ta biết,
trong mọi lúc, ngay cả trong những cảnh ngộ ấy, chúng ta vẫn phải là muối
đất, là ánh sáng thế gian, như Thầy Chí Thánh đã dạy chúng ta.
Đề cập đến các triết gia thời xưa, thánh Justin đã có lý
khi nói rằng, Tất cả những điều tốt lành họ nói đều thuộc về chúng ta là các
Kitô hữu, bởi vì chúng ta tôn thờ và yêu mến Thiên Chúa. Ngôi Lời nhiệm xuất
từ Thiên Chúa tự hữu, vì yêu thương chúng ta, đã nhập thể để chia sẻ những
đau thương và chữa lành cho chúng ta.15
Với phụng vụ hôm nay, chúng ta hãy cầu nguyện: Lạy Chúa,
Chúa đã thánh hóa Giáo Hội Roma bằng máu các vị tử đạo tiên khởi. Xin cho
chúng con tìm được sức mạnh từ sự can trường và hân hoan trong chiến thắng
của các ngài.16
https://www.dongcong.net/DoiSongKH/LeQuanhNam/Thang6/21.htm
Khám phá Đấu trường Colosseum và La Mã cổ đại - Italyen
Hí trường Colosseum ở Rôma và Hang toại đạo Callixtus ...
Hang Toại Đạo – Catacombs – Giáo Xứ An Bằng
Hang toại đạo | Nguyễn Mai Kha - Academia.edu