SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO

 

 

Phụng Vụ Lời Chúa Tuần X Thường Niên Năm Lẻ

 

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

 

 

Chúa Nhật

 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Ðọc I: St 3,9-15

"Ta sẽ gây mối thù giữa dòng giống mi và dòng giống người đàn bà".

Trích sách Sáng thế.

Sau khi con người ăn trái cây biết lành biết dữ, Ðức Chúa là Thiên Chúa gọi con người và hỏi: "Ngươi ở đâu?" Con người thưa: "Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẫn trốn". Ðức Chúa là Thiên Chúa hỏi: "Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không?" Con người thưa: "Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn". Ðức Chúa là Thiên Chúa hỏi người đàn bà: "Ngươi đã làm gì thế?" Người đàn bà thưa: "Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn". Ðức Chúa là Thiên Chúa phán với con rắn:

"Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất

trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú.

Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà,

giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy;

dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó".

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 129, 1-2.3-4.5-6a.6b-8

Ðáp: Chúa luôn luôn từ ái một niềm, ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa. (c. 7bc)

Xướng: 1) Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy Chúa, muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con. Dám xin Ngài lắng tai để ý nghe lời con tha thiết nguyện cầu. - Ðáp.

2) Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng? Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ để chúng con biết kính sợ Ngài. - Ðáp.

3) Mong đợi Chúa, tôi hết lòng mong đợi, cậy trông ở lời Người. Hồn tôi trông chờ Chúa, hơn lính canh mong đợi hừng đông. - Ðáp.

4) Hơn lính canh mong đợi hừng đông, trông cậy Chúa đi, Ítraen hỡi, bởi Chúa luôn từ ái một niềm, ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa. Chính Người sẽ cứu chuộc Ítraen cho thoát khỏi tội khiên muôn vàn. - Ðáp.

 

Bài Ðọc II: 2Cr 4,13 - 5,1

"Chúng tôi tin, nên chúng tôi mới nói".

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Thưa anh em, có được cùng một lòng tin, như đã chép: Tôi đã tin, nên tôi mới nói, thì chúng tôi cũng tin, nên chúng tôi mới nói. Quả thật, chúng tôi biết rằng: Ðấng đã làm cho Chúa Giêsu trỗi dậy, cũng sẽ làm cho chúng tôi được trỗi dậy với Chúa Giêsu, và đặt chúng tôi bên hữu Người cùng với anh em. Thật vậy, tất cả những điều ấy xảy ra là vì anh em. Như thế, ân sủng càng dồi dào, thì càng có đông người hơn dâng lên Thiên Chúa muôn ngàn lời cảm tạ, để tôn vinh Người.

Cho nên chúng tôi không chán nản. Trái lại, dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới. Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận tuyệt vời. Vì thế, chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn.

Quả thật, chúng ta biết rằng: nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất, là chiếc lều này, bị phá hủy đi, thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra.

Ðó là lời Chúa.

 

Alleluia: Ga 12,31b-32

Alleluia, alleluia! - Chúa nói: Giờ đây thủ lãnh thế gian này sắp bị tống ra ngoài! Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mc 3,20-35

"Xatan đã tận số".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Ðức Giêsu và các môn đệ trở về nhà, và đám đông lại kéo đến, nên Người và các môn đệ không sao ăn uống được. Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.

Còn các kinh sư từ Giêrusalem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám, và người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ. Ðức Giêsu liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ: "Xatan làm sao trừ Xatan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. Vậy Xatan mà chống Xatan, Xatan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. Không ai có thể vào nhà kẻ mạnh mà cướp của được, nếu không trói kẻ mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.

"Tôi bảo thật các ông: mọi tội lỗi và lời phạm thượng, dù nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng sẽ được tha cho con cái loài người. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời". Ðó là vì họ đã nói: "Ông ấy bị thần ô uế ám".

Mẹ và anh em Ðức Giêsu đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra. Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!" Nhưng Người đáp lại: "Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?" Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: "Ðây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi".

Ðó là lời Chúa.

 

10. nedjelja kroz godinu | Sveto Pismo

 

Cảm Nghiệm Lời Chúa

 

Phụng niên của Giáo Hội bao gồm 2 giai đoạn của Mùa Thường Niên hay cũng gọi là Mùa Quanh Năm, giai đoạn đầu sau Mùa Giáng Sinh và giai đoạn cuối sau Mùa Phục Sinh. Giai đoạn Mùa Thường Niên sau Mùa Giáng Sinh chỉ kéo dài nhất là 9 tuần lễ, và ngắn nhất là 5 tuần lễ. Tuần 10 Thưòng Niên, đối với năm nào có giai đoàn Mùa Thường Niên Hậu Giáng Sinh dài 8 hay 9 tuần, là tuần kể như bắt đầu giai đoạn Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh. Mà giai đoạn Mùa Thường Niên nào cũng thế, cũng liên hệ với Mùa Phụng Vụ ngay trước đó, với Mùa Giáng Sinh hay với Mùa Phục Sinh. Nếu giai đoạn Mùa Thường Niên Hậu Giáng Sinh liên quan đến Mùa Giáng Sinh, ở chủ đề "Người Con duy nhất đến từ Cha đầy ân sủng và chân lý" (Gioan 1:14), thì giai đoạn Mùa Thường Niên Hậu Phục Sinh cũng liên quan đến Mùa Phục Sinh, ở chủ đề: "Tôi đến cho chiên được sự sống và là một sự sống viên mãn" (Gioan 10:10). 

Như thế, sự sống ngay từ ban đầu của loài người được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh thần linh và tương tự thần linh (xem Khởi Nguyên 1:26-27) dù là sự sống thần linh đấy, vì bấy giờ con người đang ở trong tình trạng công chính nguyên thủy, đang được hiệp thông thần linh với Thiên Chúa, nhưng vẫn chưa phải là "sự sống viên mãn", một "sự sống viên mãn" tràn đầy Thánh Linh chỉ được thông ban cho loài người tạo vật qua Con Một của Ngài mà thôi. Bởi vậy, ngay sau khi hai nguyên tổ vừa sa ngã phạm tội mất lòng Thiên Chúa Hóa Công của mình, Thiên Chúa dường như đã chộp ngay lấy cơ hội ấy để hứa ban cho họ "sự sống viên mãn" này, nơi Đấng được Ngài hứa ngay trong bản án nguyên tội được Bài Đọc I hôm nay ghi lại: "Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó". 

Trong bản án nguyên tội này bao gồm lời hứa cứu chuộc, lời hứa ban cho loài người được "sự sống và là sự sống viên mãn" hơn như thế, Thiên Chúa như thể đáp ứng ước vọng sâu xa của con người muốn nên giống như Thiên Chúa (xem Khởi Nguyên 3:5), tức muốn được "sự sống và là sự sống viên mãn" như Ngài và với Ngài, nhưng con người đã sử dụng phương cách để đạt được mục đích ấy không đúng, bằng cách tự động muốn hái trái cấm mà ăn, thay vì hái trái cây sự sống. Đúng thế, "sự sống viên mãn" chỉ có ở nơi Thiên Chúa và do Thiên Chúa ban mới được. Bởi thế, sau khi thấy được ước vọng của con người muốn nên giống như Ngài, Ngài đã hứa ban chính bản thân Ngài là Con Một của Ngài, là "sự sống viên mãn" của Ngài cho họ. 

Tuy nhiên, "sự sống viên mãn" chỉ được ban cho con người nói chung và Giáo Hội nói riêng chỉ sau khi Chúa Kitô từ trong kẻ chết sống lại mà thôi, khi "Người thở hơi trên các môn đệ mà phán 'các con hãy nhận lấy Thánh Linh'" (Gioan 20:22), nhất là sau khi Người thăng thiên về cùng Cha và từ Cha sai Thánh Thần xuống trên các tông đồ (xem Gioan 15:26) vào Ngày Lễ Ngũ Tuần ở Giêrusalem (xem Tông Vụ 2:1-4;1:8), nhờ đó, các tông đồ đã thông ban "sự sống viên mãn" của mình ra qua việc các ngài, điển hình nhất là trường hợp tông đồ Phêrô được sai đến nhà của viên đại đội trưởng Corneliô ở Cesarea để rao giảng và làm phép rửa (xem Tông Vụ 10:44-48).  

Bởi thế, chẳng lạ gì, vì chưa được "sự sống viên mãn" nên hai nguyên tổ sa ngã phạm tội thế nào, thì một khi Chúa Kitô chưa Phục Sinh, chính các môn đệ nói chung và cả thành phần tông đồ thân tín nhất của Người "tất cả đã bỏ Người mà tẩu thoát" (Marco 14:50), khi Người bị bắt điệu đi từ Vườn Cây Dầu vào Đêm Thứ Năm Tuần Thánh, thậm chí người môn đệ lãnh đạo tông đồ đoàn cũng trắng trợn chối bỏ Người 3 lần đúng như Người đã tiên báo (xem Marco 14:27-31). Nếu các tông đồ của Chúa Kitô còn như thế thì cũng chẳng lạ gì thái độ lạ đời nơi "thân nhân của Người", và thái độ quái gở như lộng ngôn phạm đến Thánh Linh của thành phần "kinh sư từ Giêrusalem xuống", vì họ "nói rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám, và người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ".  

Là "chân dung thương xót - misericordiae vultus" của Thiên Chúa là tình yêu vô cùng nhân hậu, Chúa Giêsu chẳng những không tỏ ra giận dữ trước những lời lộng ngôn phạm thượng quá sức của họ như thế, những lời như thể cho Người bị quỉ ám, trái lại, Người vẫn bình tĩnh, nhẫn nại và nhịn nhục, tìm cách làm cho họ thấy được chính cái sai lầm của họ, ngay ở nơi lập luận mâu thuẫn của họ, nhờ đó mà họ có thể nhận biết Người hơn: "Ðức Giêsu liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ: 'Xatan làm sao trừ Xatan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. Vậy Xatan mà chống Xatan, Xatan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số'". 

Trong cùng Bài Phúc Âm hôm nay, về phần tích cực, Chúa Giêsu cũng chỉ cách để được "sự sống viên mãn" của Người và với Người, như Người Mẹ đầy ơn phúc của Người, đó là: "Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi". Ngoài Mẹ của Người ra, còn một con người nữa có thể nói là tiêu biểu cho thành phần có được "sự sống viên mãn" này, đó là vị Tông Đồ Dân Ngoại, vị mà trong Bài Đọc 2 hôm nay đã tràn đầy Thánh Thần đến độ hết sức phấn khởi trong việc bày tỏ tất cả lòng tin tưởng của mình ra để có thể loan báo và khuyến dụ tín hữu Cộng Đoàn Corinto trong Thư Thứ 2 gửi họ rằng:  

"Quả thật, chúng tôi biết rằng: Ðấng đã làm cho Chúa Giêsu trỗi dậy, cũng sẽ làm cho chúng tôi được trỗi dậy với Chúa Giêsu, và đặt chúng tôi bên hữu Người cùng với anh em.... Cho nên chúng tôi không chán nản. Trái lại, dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới. Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận tuyệt vời. Vì thế, chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn". 

Tuy nhiên, vì "sự sống viên mãn" là của Chúa và do Chúa ban cho, nên dù con người Kitô hữu chưa có được "sự sống viên mãn" như Thánh Phaolô, vị dám nói rằng "tôi sống nhưng không phải tôi sống mà là Chúa Kitô sống trong tôi" (Galata 2:20), một khi họ thực lòng thống hối ăn năn, nhận biết mình và nhận biết Chúa, và hết sức khao khát nhân đức trọn lành thì chắc chắn họ sẽ được no đủ vậy (xem Mathêu 5:7), bằng cách họ hoàn toàn tin tưởng trông cậy vào Chúa, thì Chúa sẽ trở thành tất cả của họ, thành "sự sống viên mãn" của họ, ở tầm mức xứng với họ, đúng như tâm tình của Bài Đáp Ca hôm nay:   

1) Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy Chúa, muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con. Dám xin Ngài lắng tai để ý nghe lời con tha thiết nguyện cầu.

2) Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng? Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ để chúng con biết kính sợ Ngài.

3) Mong đợi Chúa, tôi hết lòng mong đợi, cậy trông ở lời Người. Hồn tôi trông chờ Chúa, hơn lính canh mong đợi hừng đông.

4) Hơn lính canh mong đợi hừng đông, trông cậy Chúa đi, Ítraen hỡi, bởi Chúa luôn từ ái một niềm, ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa. Chính Người sẽ cứu chuộc Ítraen cho thoát khỏi tội khiên muôn vàn.  

 

Thánh NÔBERTÔ Giám Mục (1080-1134)

 

norbert.jpg

 

Thánh Noberto sinh khoảng năm 1080 tại Xanten, Ngài là con út trong một gia đình vương giả và có họ với nhà vua. Theo truyền thống cao thượng, Ngài đã được dự tính cho làm linh mục. Nhưng thời còn niên thiếu, Noberto đã sống quá xa lý tưởng. Giàu có của cải cũng như dồi dào sinh hư, lại có bản chất dễ dãi, Noberto cho mình vào những buổi lễ linh đình và những cuộc vui chơi thế gian. Không bao giờ một ý tưởng đứng đắn lại có thể xóa tan được những ảo tưởng Ngài nuôi dưỡng trong lòng.

 

Điều may mắn là khi ham vui như vậy, Ngài vẫn không sao nhãng việc học hành. Nhờ vậy, Noberto thông hiểu mọi khoa học, vua Henry mến chuộng Noberto và thâu dụng vào triều đình. Tuy nhiên Noberto vẫn tiếp tục nếp sống xưa. Biết rằng: chỉ có nhân đức mới mang lại hạnh phúc cho tâm hồn, nhưng Noberto lại yêu chuộng "xiềng xích" và không can đảm bẻ gãy được.

 

Một ngày kia Noberto cỡi ngựa đến một làng ở miền Wesphale. Ngài dẫn theo một giai nhân đi tìm thú vui. Khi đến giữa một đồng cỏ thì một cơn giông tố nổi lên sấm chớp dữ dằn. Khó tìm được một nơi trú ngụ, nên Ngài phi ngựa nước rút mong sớm tới đích. Nhưng một cú sét đánh ngay vào chân ngựa. Con vật hoảng hốt hất tung Kỵ sĩ xuống đất. Noberto nằm bất tỉnh tại chỗ như chết trong một giờ. Tỉnh dậy Noberto kêu lên như thánh Phaolô ngày trước : - Lạy Chuá, Chúa muốn con làm gì ?

 

Một tiếng nói bên trong đáp lại : - Hãy tránh sự dữ và làm điều lành.

 

Noberto chỗi dậy và quyết đền bù đời sống đã qua. Khi trở lại triều đình , Ngài trở về Xanten, sống những thinh lặng nội tâm, mặc áo nhặm và dành trọn thời gian cho viêc suy gẫm cầu nguyện. Từ đó, Ngài đã không còn đặt một giới hạn nào cho bậc trọn lành nữa, Ngài đã dành hai năm sám hối để dọn mình chịu chức linh mục và chỉ dâng thánh lễ đầu tiên sau 40 ngày chuẩn bị trực tiếp, Ngài bán hết mọi của cải, phân phát cho người nghèo rồi đi chân không đến xin Đức giáo hoàng ban quyền cho đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi. Những bài giảng nhất là chính đời sống gương mẫu của Ngài đã tạo nên được nhiều cuộc hối cải là lùng. Chính trong khi thực hiện nỗ lực tông đồ này mà thánh Noberto đã thiết lập tu viện ở Premontré, thường được gọi là dòng áo trắng.

 

Năm 1126, Noberto được đặt làm Tổng giám mục tại Magdburg. Đức tân giám mục vẫn không giảm bớt khắc khổ đi chân không, Ngài nỗ lực đổi mới giáo phận với nhiệt tâm của một thánh nhân bậc nhất. Trong nỗ lực ấy, Ngài phải chịu dựng biết bao là khó khăn, người ta tìm cách cản trở đến độ muốn mưu sát Ngài, nhưng lòng quả cảm và sự nhẫn nại đã đưa Ngài tới thành công. Trong một ít năm, Ngài đã sửa lại được những lạm dụng và làm cho mọi chỗ nên đạo đức hơn. Ngài thường nói: - Tôi đã ở trong triều đình đã rút vào đơn độc, đã được đặt nhiều chức vụ, nhưng tôi đã không tìm thấy được điều gì đẹp hơn là được phụng sự Chúa và thuộc trọn về Ngài.

 

Ở vào địa vị tổng giám mục, thánh Noberto từ đây cũng ảnh hưởng tới Giáo hội ngày càng nhiều hơn. Ngài là bạn của thánh Bernađô và đã giúp đỡ thánh nhân chống lại giáo hoàng giả Anacletus, Ngài cũng đã thành công trong việc chống lại lạc thuyết của Chúa trong bí tích Thánh Thể. Sau bao nhiêu nỗ lực để đổi mới lòng đạo đức trong giáo phận thánh Noberto qua đời vì kiệt sức vào năm 1134.

http://conggiao.info/thanh-noberto-giam-muc-1080-1134-d-16155

https://giaophanlangson.org/news/cac-thanh-theo-lich-phung-vu/ngay-06-6-thanh-noberto-giam-muc-1080-1134-6634.html

http://giaoxutrungdong.com/phung-vu/hanh-cac-thanh/ngay-66-thanh-noberto-giam-muc-1080-1134.html

https://conggiao24h.com/thanh-noberto-giam-muc-1080-1134.html

 

“ Chúa đã chọn vị thánh này làm thượng tế, và mở kho tàng của Chúa cho người, để cho người được sung mãn muôn ơn”( ca nhập lễ thánh Giáo Hoàng hay Giám Mục ). Thánh Nôbertô đã được Chúa tuyển chọn lên hàng Giám Mục, Ngài đã hy sinh quên mình đến cạn kiệt sức lực vì Chúa Kitô và vì Giáo Hội, Giáo phận.

 

MỘT CON NGƯỜI. MỘT CUỘC ĐỜI:

 

Thánh Nôbertô sinh ra trong một gia đình quyền uy, thế giá, giầu sang, phú quí vào năm 1085 tại miền Phénanie. Ngay từ nhỏ thánh nhân đã được dậy dỗ cẩn thận để có thể nối nghiệp cha mình lúc đó đang có thế giá, chức vị trong triều đình. Nhờ óc thông minh, lòng ham học, sự phán đoán chính xác và sự phấn đấu cầu tiến không biết mệt mỏi, thánh nhân đã thành công trên đường học vấn, thi đậu và được tuyển thẳng vào làm việc trong triều đình của Hoàng Đế Henri V.Thánh nhân tuysống trênnhung lụa quyền hành, thế giá trong tay nhưng Ngài vẫn cảm nghiệm:” Phù vân là phù vân”...Mọi sự trên đời như bóng mây, như gió thổi, như mây bay, Ngài cảm nghiệm sâu sắc lời Chúa nói với người thanh niên giầu có:” Hãy về bán hết của cải, phân chia cho kẻ nghèo khó, rồi hãy đến theo Ta”. Thánh nhân đã ước ao đi tìm một cái gì tuyệt đối, cao thượng hơn, đẹp đẽ hơn. Nên, nghe được tiếng Chúa mời gọi, thánh nhân đã bỏ mọi sự để theo Chúa Giêsu. Thánh nhân đã cố gắng tu tập, sau khi lãnh nhận sứ vụ linh mục, Ngài đã nhiệt thành rao giảng Tin Mừng và đem được không biết bao linh hồn quay về với Chúa. Thánh  nhân có đức tính nổi bật nhất là yêu thương người nghèo, sống tinh thần nghèo khó như lời Chúa nói trong tám mối phúc:” Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó vì nước trời là của họ”( Mt 5, 1tt...). Thánh nhân đã hoán cải được biết bao tâm hồn tội lỗi nhờ sự hy sinh và lòng nhiệt thành, đạo đức, thánh thiện của Ngài.

 

Thánh Nôbertô vâng lệnh Ðức Giáo Hoàng và được đặt làm gám mục Mardebourg.  Với một tấm lòng say mê Chúa, với một tâm hồn đạo đức, thánh thiện, thánh Nôbertô luôn vâng lời vì thế năm 1120, Ngài đã tuân hành ý của Đức Thánh Cha Calixtô II, thiết lập một tu viện tại miền Prémontré với ý hướng, tôn chỉ :”sống nghiêm nhặt và chuyên về cầu nguyện”. Danh tiếng tốt lành của Ngài lan tỏa và trí thông minh sáng suốt của Ngài đã là nét son cho Ngài vì thế Ngài đã được bổ nhiệm làm Giám Mục giáo phận Mardebourg. Trên ngôi vị Giám Mục, thánh Nôbertô đã phải đương đầu với nhiều khó khăn, thử thách: phục hưng lại nền luân lý lúc đó đang bị suy đồi, bảo vệ quyền lợi của Giáo Hội đang bị giới quyền thế đàn áp. Thánh nhân đặc biệt lưu tâm tới sự độc thân của giới linh mục vì nước trời. Thánh nhân đã làm việc không ngơi nghỉ, với cương vị Giám Mục, Ngài đã làm được biết bao việc tốt đẹp cho Địa Phận, cho Giáo Hội.

 

THÁNH NÔBERTÔ CÓ CÔNG NHIỀU VỚI GIÁO HỘI:

 

Thánh Nôbertô đã rất có công đối với Hội Thánh: đặc biệt Ngài đã giúp Đức Giáo Hoàng Innocentê II cách đắc lực khi công đồng Reims được triệu  tập. Thánh nhân cũng phải đương đầu mạnh mẽ, quyết liệt với nhóm ly giáo Pierre de Léon. Thánh nhân đã làm việc không ngừng nghỉ. Nên, sau cùng vì quá mệt mỏi, kiệt quệ với công việc, thánh nhân lâm bệnh nặng và ra đi trở về với Chúa vào ngày 06 tháng 6 năm 1134 tại địa phận Mardebourg, nước Pháp.  “Lạy Chúa, Chúa đã thương ban cho Hội Thánh một vị giám mục rất nổi danh về đời sống cầu nguyện và  lòng nhiệt thành của người mục tử là thánh Nôbertô. Vì lời thánh nhân chuyển cầu, xin Chúa sai những người mục tử vừa ý  Chúa đến hướng dẫn chúng con tới nguồn ơn cứu độ”( Lời nguyện nhập lễ, lễ thánh Nôbertô, giám mục ).

 

http://giaophanvinhlong.net/thanh-noberto.html

http://www.simonhoadalat.com/suyniem/saints/Thang6/Ngay6.htm

 

 

Thánh Norbertô sinh ở Xanten, Rhineland, nước Đức, khoảng năm 1080. Khi là thanh niên, Norbertô rất yêu chuộng thế gian và các vui thú của nó. Ðó là thói quen từ một gia đình quyền quý và được nối tiếp trong sinh hoạt của triều đình nước Ðức. Không một cuộc vui nào mà anh không có mặt. Ðể đảm bảo cho việc thăng quan tiến chức trong triều đình, anh không do dự chấp nhận chức kinh sĩ, là một chức thánh, và các lợi lộc tài chánh của chức vụ đó.

 

 Tuy nhiên, anh đã do dự khi trở thành một linh mục với tất cả các trách nhiệm của ơn gọi ấy. Các biến cố xảy ra trong đời là để Thiên Chúa thức tỉnh con người. Một ngày kia, trong cơn bão Norbertô đã ngã ngựa và bất tỉnh gần một giờ đồng hồ dưới cơn mưa tầm tã. Khi tỉnh dậy, câu đầu tiên anh tự hỏi là, “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?” Và tận đáy tâm hồn, anh nghe như có câu trả lời, “Hãy tránh xa sự dữ và làm việc lành. Hãy tìm kiếm bình an và theo đuổi sự bình an ấy.” Anh bắt đầu một cuộc đời cầu nguyện và sám hối.

 

Sau khi chịu chức linh mục năm 1115, Cha Norbertô thay đổi hoàn toàn đến độ các bạn bè cũ trong triều đình đều cho là ngài giả hình. Ngài phản ứng bằng cách phân phát hết của cải cho người nghèo và đến xin đức giáo hoàng cho phép ngài đi rao giảng. Với hai linh mục bạn, Cha Norbertô đi khắp Âu Châu để truyền giáo. Và để ăn năn đền tội, ngài đi chân đất giữa mùa đông buốt giá.

 

Không may, hai linh mục bạn đã lâm bệnh và từ trần. Tuy nhiên, ngài bắt đầu được cảm tình của các giáo sĩ trước đây từng khinh miệt ngài. Ðức giám mục của Laon muốn ngài canh tân các kinh sĩ trong giáo phận, nhưng các kinh sĩ lại không muốn thay đổi theo kiểu của Cha Norbertô, họ cho là quá khắt khe. Vị giám mục không muốn mất con người thánh thiện này, nên đã tặng cho Cha Norbertô một phần đất đai để ngài có thể khởi sự một cộng đoàn. Trong thung lũng cô tịch có tên là Premontre, ngài đã khởi sự một tu hội với mười ba kinh sĩ. Dù với quy luật khắt khe, hay có lẽ chính vì sự khắt khe, nhiệm nhặt đó mà càng ngày tu hội càng thu hút được nhiều người, kể cả các kinh sĩ trước đây từng chống đối ngài.

 

Dù được sự giúp đỡ của các nhân vật thế lực trong triều, Cha Norbertô biết không sức mạnh nào có thế lực cho bằng uy quyền của Thiên Chúa, do đó, tu hội Premonstratensian đặc biệt sùng kính Thánh Thể, và các tu sĩ đã thành công trong việc hoán cải các người lạc giáo, hoà giải các kẻ chống đối Giáo Hội và kiên cường đức tin cho các tín hữu. Trong tu hội của thánh Norbertô, chúng ta còn nhận ra được dấu vết của sự tham dự của giáo dân vào trong cuộc sống của dòng tu. Đó là trường hợp bá tước Theobald muốn đến với thánh Robertô. Ngài nhận ra được rằng bá tướcTheolbald không được gọi để nhận lãnh các chức thánh, mà là được gọi thi hành các nhiệm vụ của sống đời hôn nhân và trần thế. Nhưng ngài không hoàn toàn loại bỏ Theobald, mà con ban cho ông ta một qui luất và những cách thi thố lòng sùng kính, thậm chí cả bộ áo dòng để mặc hầu minh định ông ta thuộc về nhà dòng.

 

Chính trong cuộc đi tham dự lễ cưới của bá tước Theobald này,  Cha Norbertô được Hoàng Ðế Lothair để ý và chọn ngài làm giám mục của Magdebourg. Với nhiệt huyết canh tân giáo hội, ngài đã cải tổ giáo phận và gặp nhiều sự chống đối cũng như có lần bị ám sát hụt. Chán nản vì giáo dân không muốn cải tổ, ngài bỏ đi nhưng được hoàng đế và đức giáo hoàng gọi lại. Khi hai vị giáo hoàng đối địch nhau được bầu lên sau sau cái chết của Ðức Giáo hoàng Honorius II, Ðức Norbertô đã giúp hàn gắn Giáo Hội bằng cách thúc giục hoàng đế hậu thuẫn cho vị giáo hoàng được chọn đầu tiên, là Ðức Innôxentê II. Vào cuối đời, Ðức Norbertô được chọn làm tổng giám mục, nhưng ngài đã từ trần sau đó không lâu, khi 53 tuổi.

 

Lời Bàn

Một thế giới khác biệt không thể hoàn thành bởi những người thờ ơ, lãnh đạm. Ðiều đó cũng đúng với Giáo Hội. Giáo Hội không thể nào thay đổi phù hợp với tinh thần của Công Ðồng Vatican II nếu hàng giáo sĩ và giáo dân không tha thiết với việc xây dựng đức tin. Noi gương Thánh Norbertô, chúng ta phải trung thành với Giáo Hội, nhiệt tâm sùng kính Thánh Thể để có sức mạnh giúp chúng ta sống theo đường lối của Ðức Kitô.

 

Lời Trích

Trong dịp tấn phong linh mục của tu hội, Thánh Norbertô giảng, “Ôi linh mục! Bạn không còn cho chính bạn vì bạn là tôi tớ và thừa tác viên của Ðức Kitô. Bạn không còn thuộc chính mình vì bạn là hôn phu của Giáo Hội. Bạn không còn là chính bạn vì bạn là người

 

https://dongten.net/2019/06/05/hanh-cac-thanh-06-06-thanh-norberto/

 

 

 

Thứ Hai

 

Thứ Hai sau Chúa Nhật 10 Quanh Năm

 

Bài Ðọc I: (Năm I) 2 Cr 1, 1-7

"Thiên Chúa an ủi chúng tôi để chính chúng tôi có thể an ủi những ai lâm cảnh gian truân".

Khởi đầu thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Phaolô, Tông đồ của Ðức Giêsu Kitô do ý Thiên Chúa, và anh Timôthêu kính gởi Hội thánh Thiên Chúa tại Côrintô và hết thảy các thánh ở khắp miền Acaia: Nguyện xin ân sủng và bình an của Thiên Chúa, Cha chúng ta, và của Chúa Giêsu Kitô, ở cùng anh em.

Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Cha nhân từ cùng là Thiên Chúa mọi niềm an ủi, là Ðấng an ủi chúng tôi trong mọi nỗi gian truân, để chính chúng tôi có thể an ủi những ai lâm cảnh gian truân, với niềm an ủi mà Thiên Chúa đã an ủi chúng tôi. Bởi vì cũng như các nỗi đau khổ của Ðức Giêsu Kitô chan chứa trong chúng tôi thể nào, thì nhờ Ðức Kitô, chúng tôi cũng được an ủi chứa chan thể ấy. Nếu chúng tôi chịu gian truân là để anh em được an ủi và được cứu rỗi; nếu chúng tôi được an ủi là để anh em được an ủi; nếu chúng tôi được uỷ lạo là cho anh em được uỷ lạo và được cứu rỗi; niềm an ủi đó sẽ làm cho anh em kiên nhẫn chịu các nỗi đau khổ mà chính chúng tôi cũng đang chịu, hầu cho niềm hy vọng của chúng tôi về anh em được vững mạnh, (vì) biết rằng nếu anh em thông phần vào các nỗi đau khổ, thì anh em cũng sẽ thông phần vào niềm an ủi.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 33, 2-3. 4-5. 6-7. 8-9

Ðáp: Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi cho biết Chúa thiện hảo nhường bao (c. 9a).

Xướng: 1) Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui. - Ðáp.

2) Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta hãy tán tạ danh Người. Tôi cầu khẩn Chúa, Chúa đã nhậm lời, và Người đã cứu tôi khỏi mọi điều lo sợ. - Ðáp.

3) Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn. - Ðáp.

4) Thiên thần Chúa hạ trại đồn binh chung quanh những người sợ Chúa và bênh chữa họ. Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao. Phúc đức ai tìm nương tựa ở nơi Người. - Ðáp.

 

Alleluia: 1 Sm 3, 9

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 5, 1-12

"Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng: "Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. - Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Nước làm cơ nghiệp. - Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. - Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả. - Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. - Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa. - Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. - Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ".

"Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời. Người ta cũng đã từng bắt bớ các tiên tri trước các con như vậy".

Ðó là lời Chúa.

FreeBibleimages :: The Beatitudes :: Jesus talks about eight blessings  during His sermon on the mount (Matthew 5:1-12)

 

Phúc Đức Trọn Lành Kitô Giáo


Hôm nay, Tuần X Thường Niên Năm Lẻ, theo phụng vụ cho ngày thường trong tuần, dù chu kỳ phụng niên thuộc năm lẻ hay năm chẵn (giành cho chỉ bài đọc 1 trích các sách thuộc bộ Thánh Kinh Cựu Ước), bắt đầu sang Phúc Âm của Thánh ký Mathêu, sau 9 tuần lễ đầu theo Phúc Âm của Thánh ký Marco.  

Và đoạn Phúc Âm đầu tiên của Phúc Âm Thánh kỳ Mathêu được Giáo Hội chọn đọc để tiếp nối các bài Phúc Âm của Thánh ký Marco cho 9 tuần lễ đầu của Mùa Thường Niên đó là đoạn về Bài Giảng Phúc Đức Trọn Lành trên núi của Chúa Giêsu huấn dụ các môn đệ của Người.  

Mối liên hệ giữa việc chuyển tiếp từ Phúc Âm Thánh ký Marco ở cuối đoạn 12 cho Thứ Bảy Tuần IX Thường Niên sang Phúc Âm của Thánh ký Mathêu ở đoạn 5 cho Thứ Hai Tuần X Thường Niên thật là khít khao và tuyệt vời. Ở chỗ, trong bài Phúc Âm cuối cùng của Thánh ký Marco cho Thứ Bảy Tuần IX Thường Niên trước, Chúa Giêsu vừa mới chỉ cho các tông đồ thấy gương sống trọn lành của bà góa 1 xu, thì trong bài Phúc Âm Thứ Hai bắt đầu của Thánh ký Mathêu (5:1-12) Tuần X Thường Niên này Người nói ngay với các tông đồ v Các Phúc Đức Trọn Lành. 

"Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. - Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Nước làm cơ nghiệp. - Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. - Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả. - Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. - Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa. - Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. - Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời. Người ta cũng đã từng bắt bớ các tiên tri trước các con như vậy".

Trong bài Phúc Âm về Phúc Đức Trọn Lành này, Thánh ký Mathêu đã mô tả một cảnh tượng rất thích hợp với nội dung của bài giảng Phúc Đức Trọn Lành ấy: "Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng...". 

Trước hết, về thời điểm, bài giảng này của Chúa Giêsu chỉ được Người thực hiện và chỉ xẩy ra vào lúc "khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi...", tức là vì dân chúng mà có bài giảng này, nhưng, ngay câu sau đó lại cho thấy lại bài giảng này giành riêng cho các tông đồ, nghĩa là giáo huấn của Người được truyền đạt từ cao (tấm mức tông đồ, Giáo Hội) xuống thấp (tầm mức dân chúng, giáo dân, cộng đồng) 

Sau nữa, về địa điểm, bài giảng này được Chúa Giêsu giảng không phải là dưới thung lũng, hay ở đồng bằng, hoặc trong thành phố, hay ở trên thuyền ngoài bờ biển như các lần khác sau này, mà là ở trên "núi", một biểu hiệu cho ý nghĩa trọn lành, sống trổi vượt hơn thế gian, hơn phàm nhân;  

Sau hết, về tính cách, bài giảng này được Chúa Giêsu giảng một cách thân tình, ở tư thế "ngồi xuống" với thành phần "các môn đệ đến gần Người" để Người có thể dạy bảo các vị những gì giúp các vị "là ánh sáng thế gian" (5:14). Cử chỉ "ngồi" đây còn ám chỉ quyền giảng dạy của Chúa Giêsu nữa, một quyền giảng dạy được Người trao ban cho chung Tông Đồ Đoàn (xem Mathêu 18:18) và cho riêng Tông Đồ Phêrô (xem Mathêu 16:19), một quyền bính được Giáo Hội hằng năm tưởng kính nơi phụng vụ Lễ "Ngai Tòa Thánh Phêrô - Chair of Peter" vào ngày 22/2 hằng năm.  

Một chi tiết được Thánh ký Mathêu ghi nhận cũng cần lưu ý ở đây nữa là: "lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người", tức là thế giá và uy tín của Chúa Giêsu đã lôi kéo các môn đệ đến cùng Người, và chỉ có từ Chúa Kitô và bởi lằng nghe Chúa Kitô, thấm nhuần giáo huấn của Người, các tông đồ mới có thể trở thành chứng nhân tiên khởi của Người và cho Người sau này.  

Nếu căn cứ vào các chữ "phúc" ở đầu mỗi phúc thì có tất cả là 9 Phúc hơn là chỉ có 8 phúc. Phúc thứ 9 này liên quan đến riêng thành phần môn đệ Chúa Kitô, thành phần chứng nhân ngôn sứ của Chúa Kitô. Bởi thế, sau chữ "phúc" như 8 phúc trước, Chúa Giêsu không nói đến đại danh từ chung chung "ai" hay "người nào", mà là đến đại danh xưng "các con", thành phần môn đệ nếu thật sự là chứng nhân trung thực và sống động của Người thì sẽ có cùng một thân phận như Người, nghĩa là cũng bị thế gian chống đối, bách hại và sát hại, thế nhưng nhờ đó mà "phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời", nghĩa là những gì trực tiếp liên quan đến đời sau, chứ không phải là những cái "phúc" tất yếu có được ở ngay đời này, như "Nước Trời" chẳng hạn, một "Nước Trời" ám chỉ sự sống siêu nhiên, những gì là chân thực và thiện hảo vượt trên tầm mức tự nhiên tầm thường và giả tạo, một "Nước Trời" giành sẵn cho cả "những ai có tinh thần nghèo khó" (phúc thứ 1) lẫn "những ai bị bách hại vì lẽ công chính" (phúc thứ 8).

Thật vậy, phúc nào trong 9 phúc được Chúa Kitô thứ tự liệt kê một cách liên kết với nhau cũng ngược đời hết. Ở chỗ, trong khi thế gian cho những 9 điều được Chúa Giêsu gọi là và cho là phúc thì họ cho là khốn, đặc biệt là 3 phúc đầu và 2 phúc cuối. Theo tu đức Kitô giáo vốn có 3 bậc hay 3 giai đoạn nên trọn lành thì 9 phúc được Chúa Giêsu liệt kê theo thứ tự trong bài Phúc Âm hôm nay, về ý nghĩa liên hệ của của chúng với nhau, có thể được ghép lại thành 3 phúc cho một giai đoạn hay một bậc nên trọn lành. Chẳng hạn, 3 phúc đầu (1-2-3) thuộc về bậc hay giai đoạn tu đức khởi sinh (từ bỏ), 3 phúc tiếp theo (4-5-6) thuộc về bậc hay giai đoạn tu đức tiến sinh (tập đức), và 3 phúc cuối cùng (7-8-9) thuộc về bậc hay giai đoạn tu đức hiệp sinh (nên một).

Đúng thế, tất cả những gì Chúa Giêsu giảng dạy riêng cho thành phần môn đệ của Người nói chung và về Phúc Đức Trọn Lành nói riêng ở Bài Giảng Trên Núi hôm nay, không phải chỉ cho riêng các vị mà qua các vị cho chung dân chúng, cho nhân loại, cho thế gian nữa, nhất là cho đàn chiên được các vị thay Người chăn dắt sau này. Đó là lý do, trong bài đọc 1 hôm nay, bắt đầu trích từ Thư 2 Corintô (2:1,1-7), Thánh Phaolô đã bày tỏ ý hướng về sứ vụ nhận lãnh để chia sẻ, như kinh nghiệm của chính bản thân ngài là vị tông đồ dân ngoại như sau:

"Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Cha nhân từ cùng là Thiên Chúa mọi niềm an ủi, là Đấng an ủi chúng tôi trong mọi nỗi gian truân, để chính chúng tôi có thể an ủi những ai lâm cảnh gian truân, với niềm an ủi mà Thiên Chúa đã an ủi chúng tôi....  Nếu chúng tôi chịu gian truân là để anh em được an ủi và được cứu rỗi; nếu chúng tôi được an ủi là để anh em được an ủi; nếu chúng tôi được ủy lạo là cho anh em được ủy lạo và được cứu rỗi...".

Như thế, Thiên Chúa là Đấng thương yêu tất cả mọi người, chứ không phải riêng một mình ai và cho một mình ai. Ở chỗ, Ngài có ban ơn đặc biệt riêng cho ai hay cho một nhóm người nào, như cho riêng dân Do Thái được Ngài tuyển chọn trong Cựu Ước hay cho Giáo Họi được Con Ngài thiết lập, cũng là để cho phần rỗi chung của loài người, của tất cả mọi người: "Thiên Chúa muốn tất cả mọi người được cứu rỗi và nhận biết chân lý" (1Timôthêu 2:4). 

Đó là lý do câu Đáp Ca chính trong Thánh Vịnh 33 (2-3,4-5,6-7,8-9) ở phần phụng vụ Lời Chúa hôm nay đã kêu gọi rất chí lý rằng: "Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi cho biết Chúa thiện hảo nhường bao". 


 

Thứ Ba

 

Thứ Ba sau Chúa Nhật 10 Quanh Năm

 

Bài Ðọc I: (Năm I) 2 Cr 1, 18-22

"Ðức Giêsu không phải vừa "Có" lại vừa "Không", nhưng nơi Người chỉ "Có" mà thôi".

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, xin Thiên Chúa là Ðấng trung tín, chứng giám cho rằng lời nói của chúng tôi đối với anh em không phải là vừa "Có" lại vừa "Không". Quả thế, Con Thiên Chúa là Ðức Giêsu Kitô, Ðấng mà tôi, Silvanô và Timôthêu đã rao giảng nơi anh em, Người không phải vừa "Có" lại vừa "Không"; trái lại, nơi Người chỉ là "Có" mà thôi. Bởi chưng bao nhiêu lời hứa của Thiên Chúa đã thành "Có" ở nơi Người. Vì thế, nhờ Người mà chúng tôi hô lên lời "Amen" tôn vinh Thiên Chúa. Vậy Ðấng đã làm cho chúng tôi và anh em được đứng vững trong Ðức Kitô, và đã xức dầu cho chúng ta, chính là Thiên Chúa, Ngài đã ghi dấu trên mình chúng ta, và đã ban vào lòng chúng ta bảo chứng của Thánh Thần.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 118, 129. 130. 131. 132. 133. 135

Ðáp: Lạy Chúa, xin tỏ cho tôi tớ Chúa thấy long nhan hiền hậu của Chúa (c. 135a).

Xướng: 1) Kỳ diệu thay những lời Ngài nghiêm huấn, bởi thế linh hồn con vẫn tuân theo. - Ðáp.

2) Sự mạc khải lời Ngài soi sáng, và dạy bảo những người chưa kinh nghiệm. - Ðáp.

3) Con há miệng để hút nguồn sinh khí, vì con ham muốn những chỉ thị của Ngài. - Ðáp.

4) Xin Chúa nhìn lại thân con và thương xót, như Chúa quen xử với những người yêu mến danh Chúa. - Ðáp.

5) Xin hướng dẫn con bước theo lời răn của Chúa, và chớ để điều gian ác thống trị trong mình con. - Ðáp.

6) Xin tỏ cho tôi tớ Ngài thấy long nhan hiền hậu, và dạy bảo con những thánh chỉ của Ngài. - Ðáp.

 

Alleluia: Ga 8, 12

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 5, 13-16

"Các con là sự sáng thế gian".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con là muối đất. Nếu muối đã lạt, người ta biết lấy gì mà ướp cho mặn lại? Muối đó không còn xử dụng vào việc chi nữa, chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó. Các con là sự sáng thế gian. Một thành phố xây dựng trên núi, không thể che giấu được. Và người ta cũng không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt nó trên giá đèn, hầu soi sáng cho mọi người trong nhà. Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời".

Ðó là lời Chúa.

Sermons | Cross Roads Pentecostal Assembly

 

Muối Mặn Sáng Soi

 

Bài Phúc Âm cho Thứ Ba Tuần X Thường Niên hôm nay tiếp tục ngay sau bài Phúc Âm hôm qua, một bài Phúc Âm về Các Phúc Đức Trọn Lành được Chúa Giêsu chỉ dạy riêng cho các môn đệ thân tín của Người, để các vị có thể "giảng dạy cho họ tất cả những gì Thày đã truyền dạy các con" (Mathêu 28:20), trước hết bằng đời sống chứng nhân của các vị, như "ánh sáng" chiếu tỏa trên "thế gian" này.  

Đúng thế, nội dung của những lời Chúa Giêsu tiếp tục dạy cho các môn đệ của Người trong bài Phúc Âm hôm nay (5:13-16) đã cho thấy rõ ý hướng của Người, như câu mở đầu của bài Phúc Âm hôm qua, tỏ lộ, ở chỗ Người dạy riêng cho các môn đệ nhưng nhắm đến lợi ích chung dân chúng và riêng đoàn chiên của các vị sau này: "Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng...". 

Đó là lý do Người đã khẳng định với các môn đệ của Người rằng: "Các con là muối đất. Nếu muối đã lạt, người ta biết lấy gì mà ướp cho mặn lại? Muối đó không còn xử dụng vào việc chi nữa, chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó. Các con là sự sáng thế gian. Một thành phố xây dựng trên núi, không thể che giấu được. Và người ta cũng không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt nó trên giá đèn, hầu soi sáng cho mọi người trong nhà. Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời". 

Chúa Giêsu đã ví các môn đệ của Người như "muối đất" và như "ánh sáng thế gian". Tại sao Người không đề cập đến "ánh sáng thế gian" trước mà là "muối đất" trước. Phải chăng Người có ý nói đến 2 phương diện tối yếu bất khả thiếu và bất khả phân ly của thành phần môn đệ được Người tuyển chọn, đó là phương diện nội tâm (cần phải có trước) và phương diện làm chứng (thành quả tất yếu đến sau)?  

Đúng vậy, nếu một người tông đồ mà không có đời sống nội tâm sâu xa mặn mà như "muối đất", trái lại, nội tâm của họ hết sức nông cạn, hời hợt, sống theo tình cảm, đầy ắp kiến thức suông, mang tâm tình tự phụ tự mãn v.v., chẳng kết hợp với Chúa Kitô và theo tác động thần linh của Chúa Thánh Thần, thì làm sao họ có thể có cùng một tâm tưởng của Chúa Kitô, có những lời nói sưởi ấm lòng người như Chúa Kitô, có những tác hành và phản ứng nhân ái yêu thương với Chúa Kitô, và vì thế họ không thể nào làm chứng cho Người theo đúng như ơn gọi và sứ vụ chuyên biệt trổi vượt cao cả của họ như "một thành phố xây dựng trên núi, không thể che giấu được nữa".

Nếu áp dụng hai yếu tố "muối đất" và "ánh sáng soi" này theo chiều kích hướng ngoại, hơn là vào chủ thể là thành phần môn đệ của Chúa Kitô trên đây, thì "muối đất" có tác dụng tiêu cực, giữ cho "đất" ám chỉ thế gian, ám chỉ con người nhiễm nguyên tội, mang sẵn trong bản thân mỗi người mầm mống tội lỗi là đam mê nhục dục cùng với tính mê nết xấu, khỏi hư đi, và "ánh sáng thế gian" có tác dụng tích cực, giúp cho "thế gian yêu tối tăm hơn ánh sáng" (Gioan 3:19), có thể nhận biết chân lý, nhận biết Chúa Kitô mà được cứu rỗi.

Một cặp thánh nhân trẻ nhất trong Giáo Hội là Thánh Phnxicô và Giaxinta, 2 trong 3 Thiếu Nhi thụ khải ở Fatima năm 1917, đã quả thực là muối đất... và ánh sáng thế gian": Thánh Phanxicô đã là "muối đất" ở chỗ Đền Tạ Chúa Giêsu Thánh Thể, và Thánh Giaxinta là "ánh sáng thế gian" ở chỗ cứu các linh hồn. Hai vị thánh trẻ là anh em ruột, đều là thụ khải nhân, đều nên thánh với nhau và như nhau đây cho chúng ta thấy rằng "muối đất và ánh sáng thế gian" là những gì bất khả phân ly, ở chỗ: phải biết xót xa đau đớn như Chúa Kitô và với Chúa Kitô, môn đệ của Người mới có thể trân quí các linh hồn và làm hết cách để cứu lấy họ cho Chúa Kitô.

Chính vì ý thức được thâm sâu những gì Chúa Giêsu truyền dạy như thế mà Giáo Hội, qua Công Đồng Chung Vaticanô II (11/10/1962 - 8/12/1965), đã khẳng định về căn tính và sứ vụ chính yếu bất khả thiếu của mình là "Ánh Sáng Chư Dân - Lumen Gentium", nhan đề của Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, một căn tính và sứ vụ chiếu soi muôn dân, sứ vụ làm chứng cho Chúa Kitô: "Tự bản chất, Giáo Hội lữ hành là truyền giáo" (Công Đồng Chung Vaticanô II - Sắc Lệnh 'Ad Gentes - Cho Chư Dân' về Việc Truyền Giáo của Giáo Hội - đoạn 2). 

Trong Bài Đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô, qua bức Thư 2 Corintô (1:18-22), đã làm chứng cho một Đấng chân thật "là Đức Giêsu Kitô, Đấng mà tôi, Silvanô và Timôthêu đã rao giảng nơi anh em, Người không phải vừa 'Có' lại vừa 'Không'; trái lại, nơi Người chỉ là 'Có' mà thôi". Bằng chính tư cách tông đồ đích thực của ngài, hoàn toàn phản ảnh Chúa Kitô. Ở chỗ nếu Chúa Kitô chỉ 'có' thì ngài cũng 'có': "Xin Thiên Chúa là Đấng trung tín, chứng giám cho rằng lời nói của chúng tôi đối với anh em không phải là vừa 'Có' lại vừa 'Không'". 

Nếu Chúa Kitô cũng là "ánh sáng thế gian" (Gioan 8:12), mà các môn đệ của Chúa Kitô cũng "là ánh sáng thế gian" (Mathêu 5:14), thì có nghĩa là tự mình các môn đệ của Người không phải "là ánh sáng thế gian", nên các vị được trở thành "ánh sáng thế gian" và chiếu tỏa ra "ánh sáng thế gian" là vì Chúa Kitô "ánh sáng thế gian" chiếu tỏa ra qua họ, nhờ đó, họ chỉ là phản chiếu "ánh sáng thế gian" là Chúa Kitô thôi, nhờ đời sống nội tâm như "muối đất" của họ. "Muối đất" ở đây còn ám chỉ cả thành phần nữ đan sĩ tu kín hay nam đan sĩ khổ tu ở trong nhà dòng sống đời nội tâm cầu nguyện. "Muối đất" ở đây cũng có thể hiểu về các tâm hồn đang âm thầm đau khổ nhưng hy sinh chấp nhận mọi sự theo Thánh ý Chúa cho phần rỗi nhân loại.  

Vì "các con là muối đất", "là ánh sáng thế gian", phản chiếu Chúa Kitô "là ánh sáng thế gian" như thế mà Bài Đáp Ca từ Thánh Vịnh 118 (129,130,131,132,133,135) đã đề cập tới hai chiều kích liên quan đến chính Thiên Chúa, nhất là ở câu Đáp Ca thứ 6: "Xin tỏ cho tôi tớ Ngài thấy long nhan hiền hậu (liên quan đến 'ánh sáng' tự bản chất là 'tỏ' ra), và dạy bảo con những thánh chỉ của Ngài (liên quan đến 'muối đất' sống công chính nội tâm nhờ 'các thánh chỉ Chúa')".

                                                                                                                                                                                    Thứ Tư

 

 

Thứ Tư sau Chúa Nhật 10 Quanh Năm

 

Bài Ðọc I: (Năm I) 2 Cr 3, 4-11

"Người đã làm cho chúng tôi trở nên thừa tác viên của Tân Ước, không phải của văn tự, mà là của Thần Trí".

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, chúng tôi tin tưởng như thế trước mặt Thiên Chúa nhờ Ðức Kitô. Không phải chúng tôi có thể nghĩ tưởng điều gì như là bởi chính chúng tôi, nhưng điều đó là do Thiên Chúa: chính Người là Ðấng đã làm cho chúng tôi trở nên thừa tác viên của Tân Ước, không phải của văn tự, mà là của Thần trí, vì văn tự chỉ giết chết, còn Thần trí mới tác sinh.

Nếu việc phục vụ sự chết, được khắc thành chữ trên bia đá, rạng ngời vinh quang, khiến con cái Israel không thể nhìn thẳng vào mặt Môsê vì vinh quang trên mặt ông, dầu đó chỉ là vinh quang nhất thời, thì việc phục vụ Thần trí lại chẳng được vinh quang hơn sao? Thật vậy, nếu việc phục vụ án phạt đem lại vinh quang, thì việc phục vụ công chính lại càng đem vinh quang rực rỡ hơn; và về phương diện này, điều xưa kia là vinh quang, không còn vinh quang nữa so với sự vinh quang cao cả này. Bởi lẽ điều nhất thời mà còn được vinh quang, thì điều vĩnh cửu lại càng được vinh quang nhiều biết mấy.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 98, 5. 6. 7. 8. 9

Ðáp: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Ðấng Thánh (c. 9c).

Xướng: 1) Hãy cao rao Chúa là Thiên Chúa chúng ta, hãy sấp mình dưới bệ kê chân Ngài, đây là bệ ngọc chí thánh. - Ðáp.

2) Trong hàng tư tế của Ngài có Môsê và Aaron, và có Samuel trong số người cầu đảo danh Ngài: các ông kêu cầu Chúa và chính Ngài nhậm lời các ông. - Ðáp.

3) Trong cột mây, bấy giờ Ngài phán bảo, các ông đã nghe những huấn lệnh của Ngài, và chỉ thị Ngài đã truyền cho các ông giữ. - Ðáp.

4) Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, Ngài đã nhậm lời các ông; lạy Chúa, với các ông Ngài xử khoan hồng, tuy nhiên, Ngài đã oán phạt điều các ông lầm lỗi. - Ðáp.

5) Hãy cao rao Chúa là Thiên Chúa chúng ta; hãy sấp mình trên núi thánh của Ngài: vì Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Ðấng Thánh.. - Ðáp.

 

Alleluia: Tv 24, 4c và 5a

Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Chúa và xin hướng dẫn con trong chân lý của Ngài. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 5, 17-19

"Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đừng tưởng Thầy đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri: Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn. Vì Thầy bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành. Bởi vậy, ai huỷ bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời".

Ðó là lời Chúa.

NGƯỜI LỮ HÀNH HY VỌNG: JUNE 14, 2017 : WEDNESDAY OF THE TENTH WEEK IN  ORDINARY TIME

 

                                                 "Văn tự chỉ giết chết, còn Thần trí mới tác sinh"


Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Tư trong Tuần X Thường Niên, vẫn tiếp tục và theo sát bài Phúc Âm hôm qua và hôm kia cả về đoạn 5 lẫn 3 câu tiếp ngay sau 2 bài Phúc Âm Thứ Hai và Thứ Ba đầu tuần.

 

Trong bài Phúc Âm này, Chúa Giêsu khẳng định 3 điều rất quan trọng, thứ tự như sau: 

 

1- Lề luật cần được Người kiện toàn hơn là hủy hoại: "Các con đừng tưởng Thầy đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri: Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn". Trong Đoạn 5 và 6 về Bài Giảng Phúc Đức Trọn Lành Trên Núi này đã làm sáng tỏ lời khẳng định này của Chúa Giêsu, khi Người thường dùng công thức: lề luật thì dạy cho chung Dân Do Thái một cách căn bản như thế này... còn Thày thì dạy cho các con sống trọn lành theo tinh thần của lề luật

 

2- Lề luật là những gì bất biến và vĩnh viễn: "Thầy bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành". Bởi vì, lề luật từ Thiên Chúa mà có, nên không bao giờ sai lầm, được Ngài ban bố cho dân Do Thái qua Moisen, để giúp cho dân của ngài sống xứng đáng với Ngài, sống vượt lên trên các dân tộc ngoại bang không nhận biết Chúa nên họ thờ tà thần và sống lăng loàn theo tự nhiên.

 

3- Lề luật là những gì cần phải tuân giữ và giảng dạy một cách chính xác: "Bởi vậy, ai hủy bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời". Chúa Giêsu đến là để làm lề luật của Cha Người ban bố cho dân Do Thái được nên trọn hảo hơn, để nhờ đó phản ảnh "Cha trên trời là Đấng trọn lành" (5:48), và cũng nhờ đó ai càng tỉ mỉ tuân theo lời Người khuyên dạy càng nên giống Cha, tức càng "cao cả trong Nước Trời".

 

Thánh Phaolô, trong Thư 2 Corintô hôm nay (3:4-11), cũng đã bày tỏ nhận định và niềm xác tín liên quan đến "văn tự" của lề luật cựu ước cũng như đến tinh thần của lề luật hay đến thần trí của tân ước, hoàn toàn phản ảnh câu Chúa Giêsu nói "Thầy không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn": "Không phải chúng tôi có thể nghĩ tưởng điều gì như là bởi chính chúng tôi, nhưng điều đó là do Thiên Chúa: chính Người là Đấng đã làm cho chúng tôi trở nên thừa tác viên của Tân Ước, không phải của văn tự, mà là của Thần trí, vì văn tự chỉ giết chết, còn Thần trí mới tác sinh".

 

Thánh Phaolô đã từng là một người Pharisiêu nhiệt thành với lề luật của Do Thái giáo của ngài, đến độ đã xin cho mình quyền hành bách hại Kitô hữu vào thuở Giáo Hội sơ khai, nhưng từ khi "bị' Chúa quật ngã trên đường ngài phóng ngựa đi Damasco, đôi mắt của ngài bấy giờ vẫn mở mà lại chẳng thấy gì hết, một hiện tượng như ám chỉ ngài thông luật một cách mù quáng theo "văn tự" hơn là theo tinh thần của lề luật, bởi thế, sau đó, vì ngài đã được tuyển chọn "làm dụng cụ để mang danh Ta cho Dân Ngoại, cho vua chúa của họ cũng như cho dân Do Thái" (Tông Vụ 9:15) mà ngài đã được chữa lành, nhờ đó ngài đã thấy được "tất cả sự thật" (Gioan 16:13) và rao giảng sự thật về Chúa Kitô, Đấng đã "không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn" bằng Thần Linh của Người. 

 

Câu Đáp Ca "Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Đấng Thánh" trong Thánh Vịnh 98 (5,6,7,8,9) là niềm xác tín và tuyên xưng của Cựu Ước về vị Thiên Chúa chân thật duy nhất của mình, một Vị Thiên Chúa đã ban cho dân tuyển chọn của Ngài lề luật thánh và truyền dạy họ phải "nên thánh vì ta là Đấng Thánh" (Levi 19:2, 20:26). Và Chúa Kitô "là phản ảnh vinh quang Cha" (Do Thái 1:3) đã đến để "tỏ Cha ra" (Gioan 1:18), nên đã dạy cho chung con người và riêng thành phần môn đệ của Người, đặc biệt là qua Bài Giảng Trên Núi về Phúc Đức Trọn Lành, những gì cần phải thuục hành để có thể "nên trọn lành như Cha của các con trên trời là Đấng trọn lành" (Mathêu 5:48). 


Thánh Ephrem, Phó Tế, Tiến Sĩ Hội Thánh
(306 - 373)

Ephrem.jpg

Vào ngày mồng 09 tháng 06, Giáo hội Công giáo cử hành Lễ Kính Thánh Ephrem Phó Tế, Tiến Sĩ Hội Thánh (Ephrem có nghĩa là sự phong nhiêu kép). Thánh Nhân là một con người hết sức vĩ đại nhưng lại sống một cuộc đời vô cùng khiêm nhu. Sau đây là một số chi tiết liên quan đến cuộc đời Thánh Nhân.

1.Tiểu sử

Thánh Ephrem sinh năm 306 tại Nisibe, một thành phố nằm ở khu vực biên giới giữa đế quốc Persia và đế quốc Byzantin hồi đó (tức Iran và Thổ-nhĩ-kỳ ngày nay). Các sử gia vẫn chưa thống nhất với nhau được về niềm tin tôn giáo của cha mẹ Ngài. Nhiều sử gia cho rằng, thân mẫu của Ephrem là một nữ Ki-tô hữu, sinh ra tại Amid (tức Diar Bekir, Thổ-nhĩ-kỳ ngày nay). Còn thân phụ Ngài thì sinh ra tại Nisibe, và là một tư tế ngoại giáo. Khi đã cao niên, thân phụ của Thánh Nhân mới đón nhận Đức Tin Ki-tô giáo. Và cùng với người bạn đời của mình, ông đã được đón nhận hồng phúc Tử Đạo dưới thời hoàng đế Schabur II của Persia.

Một số nhà chuyên chép sử về các Thánh nói rằng, Thánh Ephrem đã lãnh nhận Bí Tích Thanh Tẩy vào lúc khoảng 18 tuổi. Ngài đã bị thân phụ tống cổ khỏi nhà vì coi thường những thực hành tôn giáo phù phép của người ngoại giáo. Người thanh niên trẻ đã tìm được nơi ẩn trú bên Thánh Gia-cô-bê, Giám Mục thành Nisibe. Vị Giám Mục này đã cảm thấy rất ấn tượng về lòng đạo đức cũng như về trí thông minh vượt trội của Ephrem, và đã nhận người thanh niên này vào trường của mình. Ở đó, Ephrem đã tỏa sáng nhờ đức hạnh cao vời của mình cũng như nhờ những thành công rực rỡ trong học tập. Sau đó, Thánh Gia-cô-bê đã đặt Ephrem vào chính chức vụ do Ngài đang đảm nhận: Ngài bổ nhiệm Ephrem làm giáo sư, và làm hiệu trưởng của trường rất nổi tiếng do chính vị Giám Mục này sáng lập. Và rồi, Thánh Nhân đã phong chức Phó Tế cho Ephrem. Theo một số sử gia, Thánh Gia-cô-bê còn đặt Thầy Ephrem làm thư ký riêng của mình để Thầy cùng được tham dự Công Đồng Nicea năm 325. Và theo một số truyền thuyết, Ephrem đã gặp Thánh Basilio Cả, Giám mục thành Cesarea (329-379), và Thầy đã tiếp tục con đường của mình tới tận Ai-cập, rồi ở đó, Thầy có được kinh nghiệm về đời sống Ẩn Sĩ.

Sau khi Thánh Gia-cô-bê qua đời, Ephrem vẫn tiếp tục làm hiệu trưởng của trường học do Giáo Phận quản lý, dưới thời ba vị Giám mục khác: Babo (338-349), Walgache (349-361) và Áp-ra-ham (361).

Khi hoàng đế Jovian giao Nisibe lại cho vua Persia vào năm 359, Ephrem đã rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn của mình để đi tới Edessa (tức thành phố Urfa của Thổ-nhĩ-kỳ ngày nay). Tất cả các giáo viên của trường Nisibe và phần lớn những người nổi tiếng khác cũng đều đi theo Ngài. Tại Edessa, Ngài đã lập nên một ngôi trường rất nổi tiếng và đã dậy học ở đó cho tới những năm cuối cùng đời Ngài. Thánh Ephrem đã qua đời vào ngày mồng 09 tháng 06 năm 373. Sau này, một Đan Viện đã được kiến thiết ngay trên phần mộ của Ngài. Khi người Kurd xâm lược Edessa vào năm 1145, các hiệp sĩ của Thập Tự Quân đã mang hài cốt và những Thánh Tích khác của Ngài về Rô-ma.

2.Thánh Nhân

Thánh Ephrem là một vị Đại Thánh. Đức Giám Mục của Ngài đã rất lấy làm cảm phục trước sự đạo đức và sự thông minh của Ngài, và đã muốn phong chức Linh mục cho Ngài. Nhưng Thánh Nhân đã coi mình là bất xứng, và vì Ngài đã không biết cách phải chạy trốn trước niềm mong muốn của Đức Giám Mục Giáo phận thế nào, nên Ngài đã giả bộ hóa điên, và nhờ thế, Ngài đã suốt đời làm Phó Tế.

Ngài sống trong một hang động tại Edessa. Ban ngày Ngài đi dậy học và đặt mình trong sự phục vụ tha nhân, còn đêm về thì Ngài dành thời gian để cầu nguyện và nghiên cứu Kinh Thánh. Một người sống cùng thời với Ngài là Thánh Grê-gô-ri-ô thành Nyssê (355-394), đã để lại cho chúng ta một bức chân dung sau đây về Thánh Ephrem: „Thánh Ephrem là một người sống theo gương mẫu của các Tông Đồ đầu tiên; Ngài trở thành mẫu gương của tất cả mọi Đan Sĩ và Ẩn Sĩ. Ngài sống nhưng không hề có tiền túi, cũng chẳng hề có của dư. Ngài không có vàng cũng chẳng có bạc. Lương thực của Ngài là bánh lúa mạch và rau xanh; đồ uống của Ngài chỉ là nước lã hoặc nước đun sôi. Thân xác Ngài giống như một bộ xương làm bằng đất sét.“ Dẫu rằng Ngài đã gỡ mình ra khỏi thế gian, nhưng Ngài lại sống trong sự phục vụ những người đau khổ trên thế gian này. Theo gương mẫu của Thầy mình trong đời sống Ẩn Sĩ, Ngài đã liên kết đời sống hoạt động với đời sống chiêm niệm. Một trận dịch bệnh đáng sợ đã bất ngờ tấn công thành phố Edessa. Ngay lập tức Thánh Ephrem đã rời bỏ nơi cô tịch và sách vở của Ngài để đi chăm sóc các bệnh nhân, an ủi những người phiền muộn và kêu gọi mọi người giúp đỡ cũng như bố thí cho họ.

Ngay trước lúc qua đời, Thánh Ephrem đã xin các học trò và những người bạn của Ngài cầu nguyện cho mình, cũng như xin họ hãy chôn cất mình ngay tức khắc và đừng tổ chức nghi lễ rình rang dưới bất cứ hình thức nào. Ngài cũng xin họ chỉ bận cho thi hài Ngài một chiếc áo duy nhất của người Đan Sĩ, đừng đặt thi hài Ngài dưới một bàn thờ, vì Ngài thấy mình là một tội nhân, nhưng hãy chôn cất Ngài ở nghĩa địa dành cho những người ngoại kiều, vì Ngài cũng là một ngoại kiều như họ.

3.Tiến Sĩ Hội Thánh

Trong một Thánh Thi của mình, Thánh Ephrem đã kể lại rằng, khi Ngài còn rất nhỏ, Ngài đã nhìn thấy một hình dạng trong đêm, mà theo Ngài, nó giống như một cây nho đang phát triển; các nhánh của nó có rất nhiều chùm, và trông nó có vẻ như thế khi nó phủ lên toàn bộ khu đất. Nhiều đàn chim kéo đến và thưởng thức những trái nho, mà những trái nho ấy càng ngày lại càng mọc thêm ra nhiều, cho tới khi đàn chim mổ hết sạch. Đó là một giấc mơ hay là một thị kiến? Có lẽ các tác phẩm của Thánh Ephrem được ví giống như những gì liên quan đến con số của chúng: đó là một đại dương mà người ta hầu như không thể nhận ra bờ của nó. Urtez Urban, một Linh mục uyên bác Dòng Tên, người am tường cách đặc biệt về văn chương Syria, đã không ngần ngại viết như sau: "Chúng ta đừng coi chứng từ của sử gia Sosimus là cường điệu. Ông này viết rằng, Thánh Ephrem đã sáng tác khoảng ba triệu câu thơ". Còn Photius, Thượng Phụ Giáo Chủ Constantinopoli (858-886) thì nói: Bên cạnh những Thánh Thi và những bài Thánh Ca, Thánh Ephrem còn để lại hơn một ngàn bài diễn văn và bài giảng.

Vào ngày mồng 05 tháng 10 năm 1920, trong Tông Sắc tôn phong Thánh Ephrem lên bậc Tiến Sĩ Hội Thánh, Đức Bê-nê-đíc-tô XV (+1922) đã viết rằng: "Thánh Ephrem chính là vị Ngôn Sứ vĩ đại của dân tộc Syria, là triều thiên của đất nước vùng Aram này, là mặt trời của các ngôi trường, là Thầy của các vị thầy, là đầu của các nhà giáo, là hoàng tử của các thi sĩ, là giếng phun trào của khoa học, là chiếc búa đối với những kẻ lạc giáo, là mẫu gương của các Ẩn Sĩ, là mỏ ngọc, là cột trụ của Giáo hội, là triết gia của Thiên Chúa, là cây hạc cầm của Chúa Thánh Thần…"

Không những thế, Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XV còn bổ sung thêm vào với những tước hiệu lấp lánh kể trên một tước hiệu khác mà nó là triều thiên của tất cả những tước hiệu đó. Ngài viết: "Sẽ thật là vô cùng hạnh phúc đối với chúng ta khi bổ sung cho triều thiên của Thánh Ephrem Ẩn Sĩ một bông huệ mới… Theo lời mời gọi của Chúa Thánh Thần, Cha cảm thấy tràn ngập niềm vui khi tặng cho thánh Ephrem tước hiệu "Tiến Sĩ Hội Thánh".

Ở đây cũng cần phải nhấn mạnh rằng, trong số rất nhiều các Thánh Tiến Sĩ Hội Thánh, chỉ có một mình Thánh Ephrem là Phó Tế mà thôi. Vì sự khiêm nhượng, nên Ngài đã giữ chức vụ Phó Tế cho đến suốt đời.

4.Thần Học Gia

Thánh Ephrem đã sáng tác 56 Thánh Thi để chống lại những người theo tà thuyết, 87 Thánh Thi về Đức Tin, 4 Thánh Thi chống lại hoàng đế Julian và những người chối đạo, 15 Thánh Thi về Thiên Đàng, một thiên khảo luận về Chúa Giê-su Ki-tô, một thiên khảo luận về Lời Tựa của Tin Mừng theo Thánh Gio-an, 52 Thánh Thi về mầu nhiệm Chúa Ki-tô và về Đức Trinh Nữ Maria, 52 Thánh Thi về Giáo hội, 2 Thánh Thi về tính tự cao tự đại của thế gian, một Thánh Thi về thư gửi các Ẩn Sĩ tại Edessa, cũng như nhiều thiên khảo luận về bài giảng của Ngôn Sứ Giô-na tại Ninive và về lòng thống hối.

5.Sử gia và chuyên viên Phụng Vụ

Thánh Ephrem đã sáng tác 16 Thánh Thi về cuộc Giáng Sinh của Chúa Ki-tô và về cuộc Hiển Linh của Ngài, 8 Thánh Thi về Mùa Chay và về sự Phục Sinh, 21 Thánh Thi về bánh Không Men, 12 Thánh Thi về các vị Thánh Tử Đạo và về những người công khai tuyên xưng Đức Tin, 15 Thánh Thi theo bảng chữ cái ABC về vị Thầy của Ngài trong đời sống Ẩn Sỹ, đó là thánh Abraham Al Kaydouni, 24 Thánh Thi về Thánh Julian, một Thánh Thi về anh em nhà Macabê, một thiên khảo luận về cơn mưa, 77 Thánh Thi «De Nisibena» về những cuộc khởi nghĩa của người Nisibe (Thổ-nhĩ-kỳ) chống lại đế quốc Persia (Iran) và người kế vị Thánh Gia-cô-bê Giám mục thành Nisibe.

6.Nhà bút chiến và hộ giáo

Trước Thánh Ephrem, một nhà thơ tên là Bardeisan (154-222) đã lôi kéo nhiều người nhờ vào những khúc ca hời hợt và có tính tà giáo của mình. Để chống lại thi sĩ đó, Thánh Ephrem đã biến những ca khúc của chính ông ta thành những vũ khí, bằng cách là: Thánh Nhân giữ lại những vần điệu của Bardeisan, nhưng thay đổi từ ngữ. Ngài thành lập một Ca Đoàn với những chàng trai và cô gái trẻ để phổ biến cách tốt hơn những Học Thuyết lành mạnh. Sáng kiến đầy can đảm này đã lan rộng khắp cả Đông Phương lẫn Tây Phương. Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XV đã nói về sáng kiến đó như sau: "Chúng ta có thể khẳng định được rằng, các Ca Đoàn và các ca điệu trong Phụng Vụ đều có nguồn gốc từ Thánh Ephrem. Thánh Gio-an Kim Khẩu (+407) "đã vay mượn" những ca điệu đó cũng như đã du nhập chúng vào Constantinopoli; Thánh Ambrôsiô (+337) đã đưa chúng về Mi-lan; và từ Mi-lan, các ca điệu của Thánh Ephrem đã lan rộng trên toàn nước Ý. Dưới Triều Đức Giáo Hoàng Grê-gô-ri-ô Cả (+604), những điệu nhạc đó đã đạt tới cao điểm của chúng. Theo các chuyên gia, công lao chính của Thánh Ephrem là tạo ra nghệ thuật Thánh Nhạc, mà sau đó, nghệ thuật này đã được các Giáo Phụ, cả Hy-lạp lẫn La-tinh "nhận làm con"…"

7.Thi sĩ và ca sĩ của Đức Trinh Nữ Maria

Đức Thánh Cha Bê-nê-đíc-tô XV nói về Thánh Ephrem rằng: "Không ai, kể cả những người hùng biện nhất của nhân loại, có thể miêu tả về Tình Yêu bừng cháy của Mẹ Thiên Chúa như cách mà Thánh Ephrem đã mô tả.“ Rất sớm, trước tất cả các Giáo Phụ, các Tiến Sĩ Hội Thánh và các Công Đồng, trong một cuộc đối thoại với Chúa Giê-su, Thánh Nhân nói rằng: "Ôi Chúa Giê-su và Thân Mẫu Chúa, cả Chúa và Mẹ đều có sự mỹ miều cao nhất; nơi Chúa không hề có bất cứ tì vết nào, và nơi Thân Mẫu Chúa cũng không một chút bợn nhơ". Thánh Nhân còn viết về đức Khiết Trinh trọn đời của Mẹ Thiên Chúa như sau: "Đức Maria đã sinh ra Đấng Emmanuel, Chúa Giê-su, và sau cuộc sinh nở đó, Mẹ đã không sinh bất cứ người con nào khác". Thánh Nhân đã ca ngợi tư cách làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria với một giọng hùng vang sánh ngang tiếng sét: "Từ nơi huyệt mộ, xương cốt con gầm thét lên rằng, Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa".

8.Các ngày cử hành Lễ Kính Thánh Ephrem của các Giáo hội

Hiện tại, Giáo hội Công giáo đang cử hành Lễ Kính Thánh Ephrem vào chính ngày Ngài qua đời, tức ngày mồng 09 tháng 06. Nhưng trước đây Giáo hội cử hành Lễ Kính Ngài vào ngày mồng 01 tháng 02.

Giáo hội Tin lành cử hành ngày tưởng nhớ Thánh Ephrem cũng vào ngày mồng 09 tháng 06.

Giáo hội Anh giáo cử hành ngày kính Thánh Ephrem cũng vào ngày mồng 09 tháng 06.

Các Giáo hội Chính Thống cử hành Lễ Kính Thánh Ephrem vào ngày 28 tháng Giêng, tức ngày di dời Thánh Tích của Ngài từ Thổ Nhĩ Kỳ về Rô-ma.

Giáo hội Armenia cử hành Lễ Kính Thánh Ephrem cũng vào ngày 28 tháng Giêng.

Giáo hội Coptit cử hành Lễ Kính Thánh Ephrem vào ngày mồng 02 tháng Giêng và vào ngày mồng 9 tháng 07.

Còn Giáo hội Chính thống Syria thì cử hành Lễ Kính Thánh Ephrem vào các ngày sau: mồng 01 tháng Giêng; mồng 01 tháng 02; 19 tháng 02; 20 tháng 02; thứ Bảy đầu tiên của Mùa Chay; mồng 09 tháng 06; 15 tháng 06; 18 tháng 06 và ngày mồng 09 tháng 07.


Lm Đa-minh Trần Tiến Thiệu, O.Cist

http://hoidongxitothanhgia.com/thu-vien/thanh-ephrem-pho-te-3413.html

 

Thánh Ephrem sinh năm 306 tại Nisibis, miền Mesopotamia, thuộc đế quốc La mã. Gia đình ngài là người ngoại giáo, và cha ngài là thầy cả đền thờ Abnil, nhưng thánh nhân lại có thiện cảm với người Kitô hữu. Khi trở lại Kitô giáo, thánh nhân đã trở nên mẫu mực cho nhiều người khác về sự khiêm tốn, bác ái, say mê học hỏi khoa học thánh, yêu thích sự tĩnh lặng, chuyên chăm cầu nguyện và nhiệt thành nói về Chúa cho người khác.

Chúng ta có thể dừng lại ở hai nét nổi bật sau:

·         Yêu Thích Cuộc Sống Thanh Vắng

Thánh Ephrem luôn muốn sống ẩn dật, để tách mình khỏi những vướng bận thế gian và  dành trọn cuộc đời cho Chúa. Ngài thường lui vào nơi thanh vắng, chuyên chăm cầu nguyện, hy sinh hãm mình, nhưng cũng sẵn sàng giúp đỡ những ai tìm đến ngài. Với thánh Ephrem, “sa mạc” không phải là nơi của chết chóc, cô độc mà là không gian thuận lợi cho con người cởi bỏ cái tôi ích kỷ, thanh luyện bản thân và luôn sống trong mối tình thân thiết với Chúa. Cũng từ nơi hoang vằng, ngài đã viết nhiều bài văn có ý tưởng phong phú, diễn tả một đời sống nội tâm sâu sắc và khát vọng luôn làm đẹp ý Chúa: “Lạy Chúa, Đấng cứu chuộc chúng con, kế hoạch thần diệu của Chúa là hình ảnh của thế giới thần thiêng, xin cho chúng con biết đi trong kế hoạch đó như là con người thần thiêng”.

Được thụ phong phó tế, nhưng vì sự khiêm tốn, thánh nhân đã từ chối chức linh mục.

·         Một Văn Sĩ Tài Ba

      Khi chiến trang bùng nổ, Nisibis nằm dưới ách thống trỉ của người Ba tư, và thánh Ephrem đã lui về Edessa. Ở đây, ngài đã tận tình chăm sóc bệnh nhân, người nghèo khổ, an ủi và đồng hành với những người bị bỏ rơi. Ngoài ra, thánh nhân còn chú tâm hoạt động về lãnh vực tri thức như: Giảng Lời Chúa cho mọi người, viết  sách tu đức, giải thích thơ phú  và chú giải Kinh Thánh. Với tâm hồn nghệ sĩ, ngài đã viết các bài giảng bằng thơ, các thánh thi ca ngợi Đức Kitô và Đức Trinh Nữ Maria. Các thánh thi của ngài hiện nay vẫn còn được sử dụng trong Phụng Vụ Syria và gây ảnh hưởng sâu rộng trong việc sáng tác các thánh thi ở Châu Âu.  

Thánh nhân được mệnh danh là “Cây đàn của Thánh Linh”, và là người tiên phong trong việc tôn kính Đức Maria Trinh Nữ, đấng mà ngài hằng tuyên xưng là “hoàn toàn trong sạch mọi tội lỗi”.

Thánh Ephrem qua đời tại Edessa vào ngày 09 tháng 06 năm 373. Ngày 05tháng 10 năm 1920, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XV đã nâng ngài lên bậc tiến sĩ Hội Thánh.

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho thánh Ephrem phó tế ơn sức mạnh của Chúa Thánh Thần, để thánh nhân luôn biết ca tụng tình yêu Chúa bằng chính cuộc sống yêu thích sự thanh vắng, thực thi bác ái và  đào luyện tri thức. Xin cho chúng con biết đón nhận tất cả với niềm tri ân cảm tạ để danh Chúa luôn được hiển vinh. Amen. 

                                                                       Montfort Nguyễn Xuân Pháp O.Cist

http://www.simonhoadalat.com/suyniem/saints/Thang6/Ngay9_Ephrem.htm 

 

Thánh nhân sinh tại Nisibis, miền Mesopotamia vào khoảng đầu thế kỷ thứ IV. Có truyện kể rằng: hồi nhỏ, một lần Ngài lấy đá chọi con bò mẹ gần chết. Khi chủ nhân hỏi thăm có thấy con bò ở đâu Ngài đã trả lời xấc xược để chữa lỗi. Ephrem đã khóc suốt đời về sự độc ác và hèn nhát này. Sau này có lần vào đêm khuya bị lạc vào giữa đồng, một đứa chăn chiên cho Ngài trú ngụ trong lều của nó. Nhưng đứa chăn chiên này đã xấu bụng lại đang say rượu. Đêm ấy chó sói vào tàn sát đàn chiên. Để chữa mình, thằng chăn chiên đổ lỗi cho Ephrem. Trong tù Ngài nghe nhiều người than thở vì bị hàm oan. Một buồi chiều, trong giấc mơ, Ngài thấy thiên thần cho biết lần này Ngài vô tội nhưng phải khổ để đền bù vào những lỗi lầm khác. Thức dậy, Ephrem nhớ lại con bò và thú nhận với mọi người. Thân phụ Ephrem là một thày cả thờ thần Abnil. Hình như Ngài bị đuổi khỏi nhà vì có thiện cảm với các Kitô hữu. Thánh Giacôbê, Giám mục Nisibis tiếp nhận dạy dỗ và rửa tội cho Ngài hồi 10 tuổi. Để sống, Ngài làm việc ở những hồ tắm công cộng. Nhưng sau đó Ngài lại vào sa mạc sống với sự hướng dẫn của thánh Abbê ẩn tu; dệt vải để sống như thói quen của các ẩn sĩ Ai cập và Mêsôpôtamia thời đó.

Ephrem thường khóc tội mình và tội người khác. Các tập “tự thú” Ngài viết cho thấy Ngài rất mực khiêm tốn, Ngài rất ghét tính kiêu căng:

- Tính kiêu căng phá đổ ơn Chúa và thiêu hủy mọi nhân đức.

Thánh Ephrem luôn ao ước sống đời ẩn dật. Nhưng một cuộc chiến đã bùng ra giữa người Rôma và người Batư. Người Batư bách hại các Kitô hữu cách tàn bạo. Nghe tin này, Ephrem về Nisibis để giúp đỡ và khích lệ họ. Danh thơm nhân đức của Ngài lan rộng đến nỗi người ta cho việc giải phóng khỏi ách thống trị của Sapor II là bởi lỗi cầu nguyện của thánh nhân.

Được thụ phong phó tế, nhưng rồi thánh nhân đã từ chối chức linh mục vì khiêm tốn. Được Đức Giám mục Nisibis trao cho trách nhiệm rao giảng lời Chúa, Ngài dùng hết tài lợi khẩu để khêu gợi nhiệt tình nơi các linh hồn:

- “Thần dữ nói: Ta đi tìm những người khô khan là bạn hữu của ta, và ta không cần phải tìm đến mưu kế, ta chỉ cần giữ chúng trong xiềng xích mà chúng ưa thích là đủ.”

Thánh Ephrem đã gặp thánh Basiliô thành Cappadocia. Truyền thuyết cho rằng: hai vị hiểu nhau dầu ngôn ngữ bất đồng.

Chiến tranh tái phát, Nisibis rơi vào tay người Batư, thánh Ephrem trốn đến Sdessa. Nơi đây, Ngài tận tâm phục vụ bệnh nhân và người nghèo, hoạt động trí thức bằng việc viết sách và giải thích thơ phú. Thánh Ephrem đã viết các bài giảng bằng thơ, các thánh thi ca ngợi vinh quang Chúa Kitô và Đức Trinh Nữ Maria. Người luôn được gọi là “cây đàn của Thánh Linh” là một trong những người rao truyền việc VÔ NHIỄM THAI.

- Lạy Chúa, chỉ có Chúa và Mẹ Chúa là tuyệt mỹ. Nơi Mẹ Chúa không vương một tì tích nào.

Một năm trước khi thánh nhân qua đời, Edessa bị một cơn đói. Ngài kêu gọi lòng quảng đại của mọi người và người ta đã rộng tay đóng góp vào công cuộc phát chẩn của thánh. Cơn đói chấm dứt, thánh nhân trở lại chòi của mình. Lên cơn sốt, Ngài nghĩ tới lúc chết:

- Đừng liệm xác tôi bằng đồ quí giá, cũng đừng dựng đài tưởng niệm. Hãy đối xử với tôi như một người lữ khách vì thực sự tôi là một lữ khách xa lạ trên mặt đất này thôi.

Ngài qua đời có lẽ vào tháng 6 năm 373. Thánh Gregoriô miền Nyssa viết về thánh Ephrem:

- Vinh quang đời sống và giáo thuyết của thánh nhân chiếu giãi khắp hoàn cầu.

Năm 1820, Đức Bênêđictô XI tôn phong Ngài làm tiến sĩ Hội Thánh.

https://www.tgpsaigon.net/bai-viet/thanh-ephrempho-tetien-si-hoi-thanh-42855

http://giaophanvinhlong.net/thanh-ephrem-pho-te-tien-si-hoi-thanh-306373.html

 

ĐTC Biển Đức XVI: Thứ Tư 28/11/2007 – Bài Giáo Lý 60 - Thánh giáo phụ  Ephrem người Syria

 

 

 

Thứ Năm

 

Thứ Năm sau Chúa Nhật 10 Quanh Năm

 

Bài Ðọc I: (Năm I) 2 Cr 3, 15 - 4, 1. 3-6

"Thiên Chúa chiếu sáng trong lòng chúng ta, hầu làm sáng tỏ sự hiểu biết về vinh quang của Người".

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, cho đến nay, mỗi lần đọc sách Môsê, vẫn còn có cái màn che lòng con cái Israel. Nhưng khi người ta đã trở lại cùng Chúa, màn ấy mới được cất đi. Chúa là Thần linh, và ở đâu có Thần linh Chúa, thì ở đấy có tự do. Phần chúng ta hết thảy, không màn che mặt, chúng ta phản ảnh vinh quang của Chúa, được biến hoá giống hình ảnh Chúa, từ vinh quang này đến vinh quang khác, xứng với tác động của Thần Linh Chúa.

Bởi thế, đảm nhiệm việc phục vụ do lòng thương xót chúng tôi đã được hưởng, chúng tôi không ngã lòng. Nếu Phúc Âm chúng tôi còn ẩn khuất, thì cũng chỉ ẩn khuất cho những ai hư mất, cho những ai không tin, vì thần thế gian này đã làm cho tâm trí họ trở thành mù quáng, khiến họ không còn thấy sáng chói Phúc Âm của vinh quang Ðức Kitô, Người là hình ảnh của Thiên Chúa. Thật vậy, chúng tôi không rao giảng bản thân chúng tôi, nhưng rao giảng Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng tôi: chúng tôi chỉ là tôi tớ anh em vì Ðức Giêsu, bởi Thiên Chúa, Ðấng đã phán: "Sự sáng hãy từ bóng tối toả ra", chính Người chiếu sáng trong lòng chúng ta, hầu làm sáng tỏ sự hiểu biết về vinh quang của Người trên tôn nhan của Ðức Giêsu Kitô.

Ðó là lời Chúa.

 

Ðáp Ca: Tv 84, 9ab-10. 11-12. 13-14

Ðáp: Vinh quang Chúa ngự trị trong đất nước chúng tôi (c. 10b).

Xướng: 1) Tôi sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán bảo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo về sự bình an. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa, để vinh quang Chúa ngự trị trong đất nước chúng tôi. - Ðáp.

2) Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Từ mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống. - Ðáp.

3) Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và đất nước chúng tôi sẽ sinh bông trái. Ðức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước của Người. - Ðáp.

 

Alleluia: Ga 14, 29

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Nếu ai yêu Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy". - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 5, 20-26

"Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu.

"Các con đã nghe dạy người xưa rằng: "Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi toà án". Còn Thầy, Thầy sẽ bảo các con: Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là "ngốc", thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là "khùng", thì sẽ bị vạ lửa địa ngục. Nếu con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con, thì con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ. Hãy liệu làm hoà với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa con ra trước mặt quan toà, quan toà lại trao con cho tên lính canh và con sẽ bị tống ngục. Ta bảo thật cho con biết: Con sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng xu cuối cùng!"

Ðó là lời Chúa.

Morning Prayer: 27 Feb – Ez 18:21-28; Mt 5:20-26 ~ think, turn, live – The  Peanut Gallery

 

"vạ lửa địa ngục" nơi những tấm lòng hận thù


Trong bài Phúc Âm cho Thứ Năm Tuần X Thường Niên hôm nay (Mathêu 5:20-26), Chúa Giêsu bắt đầu cho thấy những gì là căn bản theo lề luật vẫn được thành phần "luật sĩ và biệt phái" tỉ mỉ tuân hành một cách "văn tự", thứ tuân hành của họ "chẳng được vào Nước Trời", và những gì lề luật cần được Người hoàn trọn bằng một tinh thần trọn lành hơn nơi từng khoản lề luật được Người tự ý nêu lên cho các môn đệ của Người thấy.

 

Bài Phúc Âm hôm nay thuật lại điều luật đầu tiên được Chúa Giêsu nhắc đến liên quan đến điều răn Thứ 5 trong Thập Giới, để dạy các môn đệ của mình sống trọn lành hơn như sau:

 

"Các con đã nghe dạy người xưa rằng: 'Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi toà án'. Còn Thầy, Thầy sẽ bảo các con: Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là 'ngốc', thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là 'khùng', thì sẽ bị vạ lửa địa ngục".

 

Ở đây, theo luật cũ thì phạm nhân giết người "sẽ bị luận phạt nơi toà án", còn đối với Chúa Giêsu thì không cần phải phạm tội ác giết người, mà chỉ cần "phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt" rồi. Chưa hết, tội còn nặng hơn nữa nếu "ai bảo anh em là 'ngốc', thì bị phạt trước công nghị". Sau hết, tội càng trầm trọng hơn bao giờ hết với hình phạt tương xứng có thể nói là nặng nhất kèm theo đó là "Ai rủa anh em là 'khùng', thì sẽ bị vạ lửa địa ngục". 

 

Đến đây đọc lại đoạn Chúa dạy này, chúng ta thấy hình như tội giết người có vẻ nhẹ nhất, không bằng tội nguyền rủa anh em mình là khùng! Hình như Chúa Giêsu muốn ngầm cho các môn đệ của Người biết rằng, nếu con người ta mang tâm tư phẫn nộ giận dữ anh chị em mình, có tâm trạng khinh thường anh chị em mình đến độ dám nguyền rủa anh chị em mình thì kể như họ đã giết anh chị em họ ngay trong tâm hồn của họ, và nếu có súng trong tay họ có thể giết anh em của họ bất cứ khi nào họ muốn, nhất là khi họ không cầm được cơn giận. 

 

Bởi thế, ngay sau đó, Chúa Giêsu đã khuyên các môn đệ, nếu các vị là nạn nhân, chẳng hạn như các vị bị ai hận tức, khinh bỉ chúng ta hay nguyền rủa chúng ta, thi hành một việc rất khó làm, hoàn toàn phản khắc với lý lẽ tự nhiên trần tục, thậm chí bị trần gian coi là nhu nhược và điên khùng, đó là "Nếu các con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em của các con có điều gị bất bình với các con, thì các con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, rồi đi làm hoà với người anh em của các con trước đã, rồi hãy trở lại mà dâng của lễ". 

 

Ở đây, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ thực hành một điều thật là trái khuấy, ở chỗ nạn nhân phải tự động làm hòa với phạm nhân trước, chứ không phải phạm nhân theo phép công bằng phải đi xin lỗi nạn nhân. Hành động trọn lành được Chúa Giêsu dạy đây đã được chính bản thân Người thực hiện, đó là Vị Thiên Chúa bị loài người xúc phạm qua nguyên tổ của họ ngay từ ban đầu đã tự động giải hòa với con người phạm nhân tội lỗi bằng bửu huyết tử giá Con của Ngài (xem Colose 1:20).

 

Hành động bác ái trọn lành khác thường đến phi thường này có thể nói còn có giá trị hơn cả việc con người dâng lễ vật lên cho Thiên Chúa nữa. Hay nói đúng hơn, để xứng đáng dâng lễ vật cho Ngài con người ta còn cần phải yêu thương trọn lành như Ngài, biết tha thứ cho những ai làm khốn mình. Đó là lý do, ở phần đầu Thánh Lễ có nghi thức xám hối, một nghi thức để ngay bấy giờ chúng ta âm thầm tha thứ cho những ai phạm đến chúng ta, như thể chúng ta bỏ của lễ lại mà về làm hòa vậy.

 

Trong Thư 2 Corintô (3:15, 4:1,3-6) ở bài đọc 1 hôm nay Thánh Phaolô tiếp tục đề cập đến cái khác biệt giữa lề luật ("sách Moisen") và Thần Linh, mà Kitô hữu được kêu gọi sống theo Thần Linh, sống một cách tự do và vinh hiển, không bị lệ thuộc vào xác thịt hay bị trần tục chi phối: 

 

"Anh em thân mến, cho đến nay, mỗi lần đọc sách Môsê, vẫn còn có cái màn che lòng con cái Israel. Nhưng khi người ta đã trở lại cùng Chúa, màn ấy mới được cất đi. Chúa là Thần linh, và ở đâu có Thần linh Chúa, thì ở đấy có tự do. Phần chúng ta hết thảy, không màn che mặt, chúng ta phản ảnh vinh quang của Chúa, được biến hoá giống hình ảnh Chúa, từ vinh quang này đến vinh quang khác, xứng với tác động của Thần Linh Chúa". 

 

Thánh Phaolô còn nhấn mạnh đến thành phần không thể hay chưa thể thi hành được những gì cao quí và cao cả của Phúc Âm, của Lời Chúa dạy, chẳng hạn những kẻ giận tức anh em mình, khinh thường anh em mình hay nguyền rủa anh em mình, như sau: "Nếu Phúc Âm chúng tôi còn ẩn khuất, thì cũng chỉ ẩn khuất cho những ai hư mất, cho những ai không tin, vì thần thế gian này đã làm cho tâm trí họ trở thành mù quáng, khiến họ không còn thấy được sự sáng chói Phúc Âm của vinh quang Đức Kitô, Người là hình ảnh của Thiên Chúa".

 

Những sự trọn lành Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ của Người liên quan đến đức ái trọn hải để họ tuân giữ nhờ đó họ trở thành "ánh sáng thế gian" chính là những gì phản ánh "vinh quang Chúa ngự trị trong đất nước chúng tôi", như câu Đáp Ca chính của bài Thánh Vịnh 84 (9ab-10,11-12,13-14). 



Thứ Sáu

 

Phụng Vụ Lời Chúa

Bài Đọc I: (Năm I) 2 Cr 4, 7-15

"Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại, cũng sẽ làm cho chúng tôi được sống lại với Đức Giêsu và sẽ đặt chúng tôi bên Người làm một với anh em".

Bài trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, chúng ta chứa đựng kho tàng ấy trong những bình sành, để biết rằng quyền lực vô song đó là của Thiên Chúa, chứ không phải phát xuất tự chúng ta. Chúng ta chịu khổ cực tư bề, nhưng không bị đè bẹp; chúng ta phải long đong, nhưng không tuyệt vọng; chúng ta bị bắt bớ, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. Bởi vì chúng ta luôn mang trên thân xác mình sự chết của Đức Giêsu, để sự sống của Đức Giêsu được tỏ hiện nơi thân xác chúng ta. Vì chưng, mặc dầu đang sống, nhưng vì Đức Giêsu, chúng tôi luôn luôn nộp mình chịu chết, để sự sống của Đức Giêsu được tỏ hiện trong thân xác hay chết của chúng tôi. Vậy sự chết hoành hành nơi chúng tôi, còn sự sống hoạt động nơi anh em. Nhưng anh em hãy có một tinh thần đức tin, như đã chép rằng: "Tôi đã tin, nên tôi đã nói", và chúng tôi tin, nên chúng tôi cũng nói, bởi chúng tôi biết rằng Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại, cũng sẽ làm cho chúng tôi được sống lại với Đức Giêsu, và sẽ đặt chúng tôi bên Người làm một với anh em. Mọi sự đều vì anh em, để ân sủng càng tràn đầy, bởi nhiều kẻ tạ ơn, thì càng gia tăng vinh quang Thiên Chúa.

Đó là lời Chúa.

  

   Đáp Ca: Tv 115, 10-11. 15-16. 17-18

Đáp: Lạy Chúa, con sẽ hiến dâng lời ca ngợi làm sinh lễ (c. 17a).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Tôi đã tin cậy ngay cả trong lúc tôi nói: "Tấm thân tôi trăm phần khổ cực!" Trong lúc kinh hoàng tôi đã thốt ra: "Hết mọi người đều giả dối". - Đáp.

2) Trước mặt Chúa thật là quý hoá cái chết của những bậc thánh nhân Ngài. Ôi lạy Chúa, con là tôi tớ Chúa, tôi tớ Ngài, con trai của nữ tì Ngài, Ngài đã bẻ gãy xiềng xích cho con. - Đáp.

3) Con sẽ hiến dâng lời ca ngợi làm sinh lễ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa. Tôi sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài. - Đáp.

 

 

Alleluia: Ga 1, 14 và 22b

Alleluia, alleluia! - Ngôi lời đã làm người và ở giữa chúng ta. Những ai tiếp rước Người, thì Người ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 5, 27-32

"Ai nhìn người nữ mà ước ao phạm tội, thì đã ngoại tình với người ấy trong lòng rồi".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con đã nghe dạy người xưa rằng: "Chớ ngoại tình". Phần Thầy, Thầy bảo các con: Ai nhìn người nữ mà ước ao phạm tội, thì đã ngoại tình với người ấy trong lòng rồi. Nếu mắt bên phải con làm con vấp phạm, thì hãy móc quăng khỏi con đi: thà mất một chi thể còn lợi cho con hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. Và nếu tay phải con làm con vấp phạm, thì hãy chặt mà quăng đi, vì thà mất một chi thể còn lợi cho con hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục.

"Có lời dạy rằng: "Ai bỏ vợ mình, hãy trao cho vợ một giấy ly dị". Phần Thầy, Thầy bảo các con: bất cứ ai bỏ vợ mình-ngoại trừ vì lý do gian dâm-là làm cớ cho vợ ngoại tình; và ai cưới người vợ bị bỏ, cũng phạm tội ngoại tình nữa".

Ðó là lời Chúa.

 

Suy Niệm

 

"Sự chết hoành hành"

 

Nếu Bài Phúc Âm hôm qua, Bài Giảng về Phúc Đức Trọn Lành của Chúa Giêsu cho các môn đệ của Người liên quan đến điều răn thứ 5 là "chớ giết người", thì bài Phúc Âm hôm nay, lời của Người dạy liên quan đến điều răn thứ 9 là "chớ muốn vợ chồng người": "Chớ ngoại tình".

 

Tuy nhiên, hành động "ngoại tình" hay tội "ngoại tình" ở đây, như Chúa Kitô dạy, không phải chỉ ở chỗ trực tiếp liên hệ xác thịt với người khác phái, mà còn ở chỗ, cách riêng với nam nhân, ước muốn hoan hưởng thân xác của người phụ nữ nữa. Chính cái thèm khát dâm dục với bất cứ người phụ nữ nào nơi nam nhân thì họ đã ngoại tình với người nữ ấy rồi, cho dù người nữ ấy không có chồng: "Thầy bảo các con: Ai nhìn người nữ (ở đây Chúa nói trống và nói chung về "người nữ", chứ không phải là người nữ có chồng) mà ước ao phạm tội, thì đã ngoại tình với người ấy trong lòng rồi".

 

Chúa Giêsu nói đến chuyện ngoại tình ở đây không phải chỉ liên quan đến nam nhân, mà theo tinh thần của điều răn Thứ 9 "chớ muốn vợ chồng ngưòi" và theo ý của Người về vấn đề cái xấu xuất phát từ trong lòng và phạm tội ngay từ trong lòng, ngoại tình ngay từ trong lòng, thì lời Người nói bao gồm cả nữ giới nữa, nếu bất cứ một người nữ nào nói chung và người vợ nào nói riêng, có tư tình với một người đàn ông đã có vợ (nơi trường hợp cả người nữ chưa chồng hay đã có chồng) hay một người đàn ông chưa có vợ (nơi trường hợp người vợ đã có chồng), thì đã phạm tội ngoại tình với ngưoòi đàn ông ấy rồi, cho dù chưa ăn nằm với chàng ta. Chẳng hạn lúc nào cũng mơ tưởng về chàng đến độ lén lút tìm cách liên lạc với chàng hoặc gặp chàng v.v.

 

Còn trường hợp họ có chồng mà bị chồng bỏ, không phải vì lý do gian dâm là hành vi hoàn toàn phản nghịch lại với bản chất của hôn nhân vợ chồng nên một xác thịt với nhau (chứ không phải với bất cứ một ai khác ngoài chồng của mình hay vợ của mình), thì người chồng bỏ vợ ấy đã tạo cơ hội chẳng những cho vợ mình ngoại tình mà còn cho cả người nào ăn nằm với nàng nữa: "bất cứ ai bỏ vợ mình-ngoại trừ vì lý do gian dâm-là làm cớ cho vợ ngoại tình; và ai cưới người vợ bị bỏ, cũng phạm tội ngoại tình nữa".

 

Ở đây Chúa Kitô chỉ nói đến trách nhiệm của người chồng bỏ vợ nếu nàng ăn ở với người khác, hay nếu người nam khác ăn nằm với nàng, nhưng không phải vì thế mà Người không bao gồm tội ngoại tình của người chồng, ở chỗ, một khi không có vợ, người chồng bỏ vợ ấy có thể sẽ đi đến chỗ thèm thuồng dâm dục với bất cứ người đàn bà nào không phải là vợ của mình, thậm chí vì đã thèm thuồng người nữ khác ngon hơn vợ của mình nên họ đã bỏ vợ mình, hay họ trực tiếp liên hệ dâm dục với những người đàn bà mà chàng cảm thấy bị thu hút bất khả chống cưỡng, khi không còn vợ nữa, đến độ họ có thể cưỡng hiếp người ta khi bị chống cự cho thỏa mãn thú tính lăng loàn của họ.

 

Một trong những lý do chính yếu khiến con người sa ngã phạm tội đó là vì họ quên mất sự hiện diện thần linh của Thiên Chúa trong tâm hồn của họ và trong cuộc đời của họ. Ngài là Thiên Chúa thấu suốt mọi sự, cho dù những gì sâu thẳm nhất trong thâm tâm của họ, như ước muốn hoan hưởng xác thịt của người nữ nào mà họ đang thèm khát. Và cũng chính vì Thiên Chúa biết cả những gì kín mật nhất và xấu xa của họ như thế mà tác động ước muốn ấy mới xấu xa và có tội phạm đến Ngài.

 

Bởi thế, muốn giữ mình sạch tội nói chung và khỏi tội dâm dục ngay từ ước muốn nói riêng, con người Kitô hữu tự bản chất vốn yếu hèn như tất cả mọi phàm nhân trên trần gian này, cho dù có Thánh Sủng trong tâm hồn từ khi lãnh nhận Phép Rửa, nhưng Thánh Sủng như kho tàng thần linh cô cùng quí báu ấy nơi chúng ta chẳng khác gì, như Thánh Phaolô diễn tả trong Bài Đọc I hôm nay: "chúng ta chứa đựng kho tàng ấy trong những bình sành", dễ vỡ và dễ bị mất đi, cần phải có ơn Chúa gìn giữ đặc biệt, bởi "quyền lực vô song đó là của Thiên Chúa, chứ không phải phát xuất tự chúng ta", như Vị Tông Đồ Dân Ngoại này đã thâm tín và khẳng định trong cùng Bài Đọc I hôm nay.

 

Nhờ ơn Chúa, nhờ "quyền lực vô song của Thiên Chúa" nơi mình, Kitô hữu mới có thể sống trọn lành, đến độ có thể nói như Thánh Phaolô trong Bài Đọc 1 hôm nay: "Mặc dầu đang sống, nhưng vì Đức Giêsu, chúng tôi luôn luôn nộp mình chịu chết, để sự sống của Đức Giêsu được tỏ hiện trong thân xác hay chết của chúng tôi", đến độ Kitô hữu có thể thông đạt sự sống thần linh trọn hảo đó cho anh chị em của mình đúng như cảm nghiệm của Thánh Phaolô Tông Đồ được ngài bày tỏ ngay sau đó: "Vậy sự chết hoành hành nơi chúng tôi, còn sự sống hoạt động nơi anh em".

 

Vì kho tàng Thánh Sủng vô cùng quí báu nơi Kitô hữu được chứa đựng nơi bình sành thân xác vô cùng yếu hèn của họ mà không có quyền lực vô song của Thiên Chúa họ không thể nào giữ mình sạch tội và trong sạch về xác thịt trên thế gian đầy những cám dỗ khiến con người vốn hướng hạ không thể nào không sa ngã, mà họ cần phải tin tưởng vào Thiên Chúa và gắn bó van xin cùng Thiên Chúa theo chiều hướng của Bài Đáp Ca hôm nay:

  

1) Tôi đã tin cậy ngay cả trong lúc tôi nói: "Tấm thân tôi trăm phần khổ cực!" Trong lúc kinh hoàng tôi đã thốt ra: "Hết mọi người đều giả dối".

2) Trước mặt Chúa thật là quý hoá cái chết của những bậc thánh nhân Ngài. Ôi lạy Chúa, con là tôi tớ Chúa, tôi tớ Ngài, con trai của nữ tì Ngài, Ngài đã bẻ gãy xiềng xích cho con.

3) Con sẽ hiến dâng lời ca ngợi làm sinh lễ, và con sẽ kêu cầu danh Chúa. Tôi sẽ giữ trọn lời khấn xin cùng Chúa, trước mặt toàn thể dân Ngài.

 

 

 

Thánh BARNABA TÔNG ĐỒ





 

Hôm nay, trong số đạo binh đông đảo nam nữ cộng tác viên của Thánh Phaolô, chúng ta chú trọng tới 3 vị trong số những nhân vật ấy, những vị có một vai trò quan trọng trong việc truyền bá phúc âm hóa từ ban đầu là Barnabê, Silas và Apollos.

 

‘Barnabas’ nghĩa là ‘người con của niềm khích lệ’ (Acts 4:36) hay ‘người con của niềm ủi an’, là biệt hiệu của một người Do Thái thuộc giòng họ Levi sinh quán ở Cyprus. Di chuyển về Giêrusalem, ngài là một trong những người đầu tiên theo Kitô Giáo sau khi Chúa Kitô phục sinh.

 

Với tấm lòng rất quảng đại, ngài đã bán một thửa ruộng của mình, dâng cúng tiền bạc cho các vị Tông Đồ để giải quyết nhu cầu trong Giáo Hội (x Acts 4:37). Ngài trở thành bảo đảm viên đối với việc hoán cải của Thánh Phaolô đối với cộng đồng Kitô hữu ở Giêrusalem, một cộng đồng vẫn tỏ ra ngờ vực về nhân vật đã từng bắt bớ mình (x Acts 9:27).

 

Được gửi tới Antiôkia xứ Syria, ngài đã tìm kiếm Phaolô ở Tarsê là nơi Phaolô đã đến, và ngài đã sống ở đó cả năm với Phaolô, dấn thân thực hiện việc truyền bá phúc  âm hóa cho thành phố quan trọng đó, và ngài đã có tiếng là ngôn sứ và y sĩ tại Giáo Hội ở đấy (x Acts 13:1).

 

Vậy Thánh Barnabê, ở vào thời điểm xẩy ra những cuộc hoán cải đầu tiên  của dân ngoại, đã hiểu rằng giờ khắc của Saulê đã điểm; Saolê đã đến Tarsê là thành phố của mình. Ngài đã đến đó để tìm Saolê. Vào giây phút quan trọng ấy, ngài đã thực sự mang Phaolô về cho Giáo Hội; ngài đã cống hiến một lần nữa Vị Tông Đồ Dân Ngoại cho Giáo Hội ở một nghĩa nào đó.

 

Từ Giáo Hội ở Antiôkia, Thánh Barnabas được sai đi truyền giáo cùng với Thánh Phaolô, thực hiện cuộc hành trình được gọi là cuộc truyền giáo đầu tiên của vị Tông Đồ này. Thực ra, đó là cuộc truyền giáo của Thánh Barnabê, vì ngài là người được giao phó trách nhiệm. Thánh Phaolô liên hợp với ngài như là một hợp tác viên, băng qua những miền đất của Cyprus và miền trung nam phần của Anatolia là Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay, qua các thành phố Atalia, Perga,  Antioch ở Psidia, Lycaonia, Lystra and Derbe (x Acts 13:14).

 

Thế rồi, cùng với Thánh Phaolô, ngài đã về tham dự biến cố được gọi là Công Đồng Giêrusalem, một công đồng mà sau khi sâu xa khảo sát vấn nạn được đặt ra, các Tông Đồ cùng với các vị trưởng lão đã quyết định loại bỏ vấn đề thi hành việc cắt bì (x Acts 15:1-35).

 

Cuối cùng, chỉ có thế các vị mới chính thức cho phép thành lập Giáo Hội nơi dân ngoại, một Giáo Hội phi cắt bì: Chúng ta là con cái của Abraham chỉ bằng đức tin vào Chúa Kitô mà thôi.

 

Hai vị, Thánh Phaolô và Barnabê, sau này đã trở nên đối chọi với nhau vào đầu cuộc hành trình truyền giáo thứ hai, vì Thánh Barnabê muốn đem John Marcô them, trong khi Thánh Phaolô lại không, cho rằng con người trẻ này đã tách khỏi các vị trong cuộc hành trình trước đó (x Acts 13:13, 15:36-40).

 

Thế nên, giữa các vị thánh cũng có những đối chọi, bất hòa và tranh cãi. Và đối với tôi thì đó là điều rất an ủi, vì chúng ta thấy rằng các thánh nhân đã không phải là những người ‘từ trời rơi xuống’. 

 

Họ cũng là người như chúng ta, với những thứ trục trặc rắc rối. Thánh thiện không phải là ở chỗ chẳng vấp phải lỗi lầm chi hay chẳng bao giờ sa ngã phạm tội. Thánh thiện gia tăng theo khả năng hoán cải, thống hối, sẵn sàng bắt đầu lại, nhất là theo khả năng hòa giải và thứ tha.

 

Có thế, Thánh Phaolô, vị tỏ ra khó khăn và cay nghiệt với Thánh Marcô, cuối cùng đã gặp lại Thánh Marcô. Trong những bức thư cuối cùng của Thánh Phaolô, một gửi cho Philêmon và một (bức thứ hai) gửi cho Timôthêu, Thánh Marcô đã xuất hiện thực sự như là ‘hợp tác viên của tôi’.

 

Chúng ta không trở thành thánh nhân vì chúng ta không bao giờ vấp phải một lỗi lầm nào, mà vì khả năng chúng ta có thể thứ tha và hòa giải. Và tất cả chúng ta đều có thể học biết đường lối nên thánh này. Dầu sao thì Thánh Barnabê cùng với Thánh Marcô đã trở về Cyprus (x Acts 15:39) khoảng năm 49.

 

Từ đó trở đi thì tất cả mọi dấu vết về ngài đều bị thất lạc. Giáo phụ Tertullian đã qui cho ngài Bức Thư gửi cho giáo đoàn Do Thái, rất có thể vì thuộc về chi họ Levi Thánh Barnabê đã chú trọng tới đề tài về thiên chức linh mục. Và Bức Thư gửi cho giáo đoàn Do Thái giải thích một cách đặc biệt vai trò tư tế của Chúa Giêsu đối với chúng ta.

 

ĐTC Biển Đức XVI: Thứ Tư 31/1/2007 - Bài 29: Thánh Barnabê, và Sila với Apollos



http://www.thoidiemmaria.net/GIAOHOI/Giao%20Ly%20ve%20Giao%20Hoi/Bai22.htm

Thánh Barnaba vốn là một Thầy Lê-vi, và là con của một chủ trang trại người Sýp, gốc Do-thái. Tên khai sinh của Ngài là Giu-se, nhưng các Tông Đồ đã đổi tên cho Ngài là Barnaba, nghĩa là người có tài yên ủi (Cv 4,36). Trong cuộc bầu chọn để trở thành thành viên của nhóm Mười Hai, Barnaba cũng là một trong hai ứng cử viên được đề cử để thế chỗ cho Giu-đa Ít-ca-ri-ốt. Tuy nhiên khi các Tông Đồ tổ chức rút thăm thì Ngài đã không trúng, nhưng thánh Mát-thi-a đã trúng (Cv 1,23-26). Sau khi gia nhập cộng đoàn Giáo hội sơ khai, Thánh Nhân đã bán hết tài sản, nhà cửa và ruộng vườn của mình đi, lấy tiền đem đặt dưới chân các Tông Đồ (Cv 4, 36-37). Thánh Nhân còn là người có tài khuyên bảo, đầy Thánh Thần và Đức Tin (Cv 11,23-24). Không những thế, Thánh Bác-na-ba còn là người bảo lãnh để Cộng đoàn Giáo hội tiên khởi tại Giê-ru-sa-lem đón nhận Thánh Phao-lô, khi vị Tông Đồ này trở lại (Cv 9,26-27).

Sau khi Thánh Phao-lô bị gửi về quê, còn mình thì được các Tông Đồ cử đến Antiochia (tức Antakya ngày nay), Thánh Barnaba đã trẩy đi Tác-xô để tìm Thánh Phao-lô. Sau đó cả hai cùng trở lại Antiochia và cùng hoạt động truyền giáo tại đó trong suốt một năm (Cv 11,22-26). Thánh Barnaba cũng đồng hành với Thánh Phao-lô trong cuộc hành trình truyền giáo đầu tiên tới đảo Sýp, cũng như tới vùng Tiểu Á. Cả hai đã cùng tham dự Công Đồng Giê-ru-sa-lem. Tại Công Đồng này, các Tông Đồ đã thống nhất đưa ra quyết định sẽ thi hành sứ mạng truyền giáo cho cả người Do-thái lẫn người gốc dân ngoại (Cv 15,2-35).

Một cuộc tranh cãi đã nổ ra giữa Thánh Phao-lô và Thánh Barnaba vì vấn đề liên quan đến bổn phận phải tuân giữ những quy định của Do-thái giáo đối với các Ki-tô hữu gốc dân ngoại (Gl 2,11-14; Cv 15,22-35), cũng như vì vấn đề của Gio-an Mác-cô, em họ của Barnaba. Do cuộc tranh cãi này nên hai vị Tông Đồ đã chia tay nhau. Sau đó, Thánh Barnaba cùng với Thánh Mác-cô đến thăm các Cộng Đoàn tại đảo Sýp, quê hương của Ngài (Cv 15,39). Theo nhiều truyền thuyết có tính huyền thoại, thì Thánh Barnaba đã chữa lành nhiều bệnh tật bằng cách dùng cuốn Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu mà Ngài luôn mang theo mình, để đặt lên đầu các bệnh nhân. Cũng theo truyền thuyết, Thánh Barnaba còn đến truyền giáo tại Rô-ma, và đã ban Bí Tích Thanh Tẩy cho một tân tòng, mà sau này người tân tòng ấy đã trở thành Giám mục của Rô-ma, tức Đức Giáo Hoàng Clê-men-tê I. Rời Rô-ma, Ngài đến Mi-lan, và được coi là Giám mục tiên khởi của Giáo đoàn này. Nhưng theo một truyền thuyết khác thì Thánh Bác-na-ba đã trở lại đảo Sýp, và tại đó, Ngài được phúc Tử Đạo với việc bị ném đá đến chết.

Một số chuyên gia đã coi Thánh Barnaba ngang hàng với Thánh Phao-lô về tầm quan trọng của Ngài trong công cuộc truyền giáo cho dân ngoại. Có một bức thư mang tên Ngài, nhưng nó được coi là mạo danh, và cũng được xếp vào hàng các sách Ngụy Thư. Bức thư này muốn chứng minh những giáo thuyết của Ki-tô giáo nguyên thủy về Chúa Giê-su Ki-tô và về cuộc khổ hình của Ngài như là sự tương ứng và hài hòa với Cựu Ước; trong thời Giáo hội cổ đại, bức thư này đôi khi được coi là thành phần của quy điển Tân Ước. Thực tế thì bức thư đó đã xuất hiện khá muộn, chỉ khoảng vào năm 130, và với cách giải thích Cựu Ước có tính bài Do-thái của mình, nên nó không được công nhận là của Thánh Barnaba. Cũng có một cuốn Tin Mừng mạo danh Thánh Nhân, nhưng tiếc rằng nó đã bị thất truyền. Một tác phẩm khác cũng mạo danh Thánh Nhân, nhưng mãi tới thế kỷ XVI nó mới được biên soạn. Theo một truyền thống trước đây, mà truyền thống này phát xuất từ Tertullianô, Thánh Barnaba được coi là tác giả của Thư gửi Tín Hữu Do-thái. Các Giáo hội Chính Thống đã liệt Thánh Nhân vào nhóm 70 môn đệ do đích thân Chúa Giê-su tuyển chọn.

Tương truyền về việc Thánh Barnaba được hưởng phúc Tử Đạo tại đảo Sýp xem ra đáng tin cậy hơn. Nếu đúng thế thì Ngài đã được phúc Tử Đạo vào khoảng năm 63 dưới thời hoàng đế Nero, và được an táng tại đó trong một hang mộ của một nghĩa trang lớn thuộc vùng Salamis cổ, tức khu hoang tàn của Famagusta ngày nay (phía Đông đảo Sýp). Một ngôi Thánh Đường của Giáo hội Sýp đã được kiến thiết ngay trên ngôi mộ của Ngài. Sau một cuộc tranh cãi lâu dài giữa các nhà lãnh đạo của Giáo hội Sýp với Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Antiochia về tính độc lập của Giáo hội Sýp, tại Công Đồng Ê-phê-sô, các Nghị Phụ đã đưa ra quyết định nghiêng về Giáo hội Sýp, nhưng Antiochia đã thu hồi quyết định đó. Theo tương truyền, vào năm 477, trong một buổi tối, Thánh Barnaba đã hiện ra với Đức Tổng Giám Mục Anthemios của đảo Sýp, và đã chỉ cho Đức Tổng Giám Mục này biết vị trí ngôi mộ của Ngài. Sau đó, thi hài của Thánh Nhân đã được tìm thấy. Khi khai quật ngôi mộ của Ngài, người ta phát hiện ra rằng, lúc Thánh Bác-na-ba qua đời, người bạn đường của Ngài là Thánh Mác-cô, đã an táng Ngài với một cách thức hết sức trang trọng. Trên ngực của Thánh Barnaba có đặt một bản sao cuốn Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu do chính Thánh Barnaba chép lại. Đức Tổng Giám mục Anthemios đã cấp tốc báo cho triều đình hoàng đế Zenon tại Constantinopoli biết tin về vụ khai quật. Với viêc đó, vị Tổng Giám mục của Giáo hội Sýp đã thành công trong việc thuyết phục nhà cầm quyền rằng, Giáo hội Sýp được thành lập bởi Thánh Barnaba, nên không ít tính Tông Truyền hơn Giáo hội Antiochia, và vì thế được coi là ngang hàng với Giáo hội đó. Một nguồn suối đã bắt nguồn ngay bên cạnh ngôi mộ trống ngày nay. Nguồn suối ấy được cho là có khả năng chữa lành cũng như có nhiều khả năng kỳ diệu khác, đặc biệt là đối với những phụ nữ vô sinh và những bệnh ngoài da. Vào năm 1953, một nhà nguyện mới đã được kiến thiết ngay trên phần mộ được cho là của Thánh Barnaba.

Các Thánh Tích của Thánh Barnaba đã được bảo quản và tôn kính tại nhiều nhà thờ khác nhau trên nước Ý, cũng như tại một số nơi khác như Prag (Tiệp Khắc), Köln, Andechs (Đức), Toulouse (Pháp) và Namur (Bỉ).

Từ năm 1530, Hội Dòng do Thánh Anton Maria Zaccaria thành lập đã đến đóng đô tại Tu Viện Thánh Barnaba ở Mi-lan. Người ta cũng gọi Hội Dòng này là Dòng Thánh Barnaba.

Vào năm 1521, người Pháp muốn đánh chiếm thành phố Logroño của Tây-ban-nha. Nhưng sau hơn 6 tuần vây hãm, người Pháp vẫn không sao chiếm được thành phố ấy, nên đành phải rút quân. Ngày lui binh của quân đội Pháp rơi đúng vào ngày 11 tháng 06 cùng năm. Vì thế, ngay sau khi quân Pháp thoái triệt, Thánh Barnaba đã được thành phố Logroño nhận làm Bổn Mạng. Trong ngày mừng Bổn Mạng của mình, người dân thành phố Logroño luôn sử dụng cá để làm món ăn chính, vì trong suốt hơn 6 tuần bị người Pháp vây đánh, dân chúng trong thành phố này đã sống sót nhờ vào việc ăn cá được bắt từ hồ Ebro.

Ngay từ thế kỷ thứ IX, Thánh Barnaba đã được Giáo hội Rô-ma mừng kính vào ngày 11 tháng 06 hàng năm, nhưng các Giáo hội Phương Đông thì lại cử hành Lễ kính Thánh Nhân vào ngày 11 tháng 04.

Giáo hội Tin Lành và Giáo hội Anh giáo cũng cử hành Lễ Kính Thánh Barnaba vào ngày 11 tháng 06.

Còn các Giáo hội Chính thống thì cử hành hai ngày để kính Thánh Barnaba, đó là ngày mồng 04 tháng Giêng và ngày 11 tháng 06.

Riêng tại Giáo hội Armenia thì Thánh Barnaba được mừng kính tới 4 ngày, gồm: mồng 09 tháng 04, 11 tháng 06, 29 tháng 10, và thứ Năm sau Chúa Nhật Suy Tôn Thánh Giá.

Giáo hội Cóp-tít cử hành hai ngày Kính Thánh Barnaba: 11 tháng 06 và 17 tháng 12.

Giáo hội Chính Thống Syria cử hành ba ngày kính Thánh Barnaba, gồm: 11 tháng 05, 11 tháng 06 và 17 tháng 12.

Lm Đa-minh Trần Tiến Thiệu, O.Cist

Thánh Barnaba là một trong bảy mươi môn đệ đầu tiên đã nghe Chúa Giêsu giảng dạy và đã trở thành môn đệ của Ngài.

Thánh nhân cùng với thánh Phaolô đi truyền giáo ở Antiôkia, nhờ Chúa Thánh Thần thúc đẩy và tài giảng thuyết, ngài đã đưa được biết bao nhiêu người trở về với Chúa. Barnaba và Phaolô được Chúa trao cho sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại. Dân bản xứ và các người ngoại giáo, đón tiếp các ngài một cách nhiệt tình, và tin theo các ngài. Tuy nhiên cũng có những người Do Thái có óc thủ cựu, hẹp hòi đã tìm cách gièm pha, chế giễu, xúi giục những thành phần bất hảo ngược đãi và trục xuất các ngài (Cv 13,50). Chúa cho các ngài làm nhiều phép lạ: xua trừ ma quỷ, chữa bệnh, làm cho kẻ chết sống lại để củng cố niềm tin của các tân tòng.

Xin Chúa cho chúng ta cũng biết nhiệt thành công tác trong công việc nhà Chúa.

I. ĐÔI HÀNG TIỂU SỬ

Banaba “là một người tốt lành, đầy Thánh Thần và lòng tin’’ (Cv 11,23). Ngài được sách Công Vụ nhận là Tông Đồ (14,4) cho dù ngài không thuộc nhóm Mười Hai

Ngài là một người Do Thái thuộc giáo tỉnh Cypern, gốc Lêvi và tên gọi là Giuse. Chúng ta không biết ngài đã gia nhập Kitô giáo lúc nào. Như Sách Tông Đồ Công Vụ ghi, ngài có lòng đại độ: “Giuse, người đã được các Tông Đồ đặt tên là Banaba nghĩa là con của sự an ủi một người Lêvi, người gốc Kyprô, có một thửa ruộng, ông đã bán đi và đem bạc đặt dưới chân các Tông Đồ” (Cv 4,36-37)

Ngài là người hướng dẫn Saolô sau khi Saulô trở lại đến gặp các vị Tông Đồ ở Giêrusalem (Cv 9,26-27). Sau này vào khoảng năm 42, Barnaba đã tìm đến với Saolô ở Tarsô rồi cùng với Phaolô sang truyền giáo tại Antiôkia. Trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ nhất này, cả hai đi Kyprô và mạn nam Tiểu Á. Chính các ngài đã đi Giêrusalem dự Công Nghị Tông Đồ để đấu tranh cho việc những người dân ngoại, khi gia nhập Kitô giáo, không phải lệ thuộc Lề Luật cũ. Sau đó xẩy ra một cuộc tranh cãi giữa hai người. Lý do là vì Phaolô không muốn đem theo Marcô, bà con của Banaba đi theo mình trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ hai cho nên Banaba đã đem Marcô đi với mình đến Kyprô (Cv 15,39).

Theo truyền thuyết, sau này Banaba bị ném đá chết tại Salamít. (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)

II. CON ĐƯỜNG NÊN THÁNH

Phaolô và Banaba đều là những tông đồ nhưng cá tính và cách đối xử khác hẳn nhau. Phaolô thì nguyên tắc và cứng rắn, còn Banaba thì tình cảm và mềm dẻo. Bởi thế đôi khi hai ông đụng độ nhau:

Lần thứ nhất là về vấn đề ăn chung (Ga 2,13). Số là Giáo Hội đã có quyết định rằng lương dân tòng giáo không bị buộc giữ tục lệ Do thái giáo, trong đó có tục lệ phân biệt những món ăn nào sạch những món ăn nào dơ. Bởi đó các tông đồ đều hòa đồng với lương dân, ăn chung bàn với họ. Nhưng một lần kia vì sự có mặt của những người Do thái nên và vì muốn tránh không muốn gây khó chịu cho họ, nên thánh Banaba và cả thánh Phêrô đã tránh ngồi chung bàn ăn với những người lương tòng giáo. Lần đó Phaolô đã nổi giận đứng lên công khai trách hai người nặng lời. Sách thánh không viết gì về phản ứng ngược lại của hai vị, tức là hai vị đã nhịn. Chúng ta nên để ý: Lúc đó Phêrô vị lãnh đạo Giáo Hội, và Banaba người đỡ đầu cho Phaolô. Phaolô chỉ là một người đến sau, một người cấp dưới. Là một người đến sau và người cấp dưới vậy mà hôm nay Phaolô dám công khai chỉ trích hai bậc trưởng thượng của mình trước mặt cả người Do thái lẫn người lương mới tòng giáo. Vậy mà hai Phêrô và Barnaba vẫn nhịn. Đây phải nói là một tấm gương hết sức sống động về lòng khiêm tốn và coi trọng hòa khí.

Lần đụng độ thứ hai là về việc có liên quan đến Marcô (Cv 15,39): Trong chuyến truyền giáo thứ nhất, Banaba đã cho Marcô nhập đoàn. Nhưng sau một số gian khổ, Marcô đã bỏ cuộc về nhà với mẹ. Phaolô rất giận. Đến khi chuẩn bị chuyến truyền giáo thứ hai, Banaba lại rủ Marcô đi theo, có ý là để cho Marcô đoái công chuộc tội. Nhưng Phaolô cương quyết không nhận. Phần vì Banaba thiết tha muốn cứu vớt Marcô nên nhất định giữ anh này lại. Kết quả là Banaba và Phaolô đành phải chia tay nhau, mỗi người dẫn một đoàn truyền giáo riêng đi giảng mỗi người một hướng. Thật không dè rằng chuyện bất đồng này lại đưa đến kết quả tốt. Đó là việc truyền giáo càng ngày càng được đẩy mạnh hơn. Và thêm một kết quả nữa cũng hết sức tốt đẹp. Nó đã chứng minh cho quan điểm của Banaba là hợp lý. Đó là Barnaba đã thực sự cứu chữa được Marcô, không những đã giúp Marcô trở thành một tông đồ nhiệt thành mà sau này còn là tác giả quyển Tin Mừng thứ hai.

Tóm lại chúng ta thấy mỗi người chúng ta khi sinh ra đã mang sẵn một loại tính tình. Hãy sống Tin Mừng và loan Tin Mừng theo cá tính riêng của mình.

https://dongnuvuonghoabinh.org/hanh-cac-thanh/ngay-1106-thanh-barnaba-tong-do-39015.html



…Thánh Barnaba là một trong những nhà truyền giáo tiên khởi của Giáo Hội. Ngài đóng vai trò chủ yếu trong việc loan truyền và chuyển dịch Phúc Âm cho dân ngoại. Đồng thời, chính ngài là người đã đứng ra đảm bảo về sự trở lại thực sự của thánh Phaolô trước mặt cộng đoàn Kitô hữu khi Phaolô mới trở lại đạo…

Mặc dù thánh Barnaba không phải là một người trong nhóm mười hai tông đồ đầu tiên của Chúa Giêsu, nhưng thánh Luca coi ngài như vị tông đồ, vì ngài được lãnh nhận nhiệm vụ đặc biệt từ Chúa Thánh Thần. Thánh nhân là người gốc Do Thái, sinh tại đảo Síp. Tên của ngài là Giuse, nhưng các tông đồ đổi thành Barnaba sau khi ngài bán của cải và giao cho các tông đồ cai quản. Danh xưng này có nghĩa là “người con có biệt tài khuyên nhủ hay an ủi”.

Thánh Barnaba là một trong những nhà truyền giáo tiên khởi của Giáo Hội. Ngài đóng vai trò chủ yếu trong việc loan truyền và chuyển dịch Phúc Âm cho dân ngoại. Đồng thời, chính ngài là người đã đứng ra đảm bảo về sự trở lại thực sự của thánh Phaolô trước mặt cộng đoàn Kitô hữu khi Phaolô mới trở lại đạo. Sau đó, Barnaba được sai đi rao giảng ở Antiôkia để rao giảng Tin Mừng. Khi công việc ngày càng có kết quả, Barnaba đã xin Phaolô đến giúp sức cho mình. Cả hai đã xây dựng một Giáo Hội thật phát triển tại nơi đây. Theo sách Công Vụ Tông Đồ, chính ở Antiôkia mà “lần đầu tiên các môn đệ được gọi là Kitô hữu”.

Sau một thời gian, Chúa Thánh Thần đã chọn thánh Barnaba và thánh Phaolô để thực hiện một sứ vụ quan trọng, đó là đem Tin Mừng đến cho dân ngoại. Do đó, hai ông đã khởi hành chuyến đi truyền giáo đầu tiên ở nước ngoài, trước hết là đến Síp và sau đó là đến lục địa Tiểu Á. Lúc đầu các ngài rao giảng cho người Do Thái, nhưng bị chống đối dữ dội nên họ quay sang rao giảng cho dân ngoại và đã thành công lớn. Tuy nhiên, công cuộc truyền giáo cho dân ngoại nẩy sinh một vấn đề là người tòng giáo có phải cắt bì theo luật Do Thái hay không. Thánh Phaolô và Barnaba đã chống đối tập tục này và lập trường của các ngài đã được Công đồng Giêrusalem chấp thuận, tức là những người ngoài Do Thái khi rửa tội không buộc phải chịu cắt bì.

Barnaba và Phaolô dự định tiếp tục công cuộc truyền giáo của mình, nhưng ngay tối trước khi khởi hành, một bất đồng xảy ra là có nên đem theo một môn đệ nữa hay không, là ông Máccô, vị thánh sử tương lai. Vì vấn đề này mà hai tông đồ tách làm đôi. Phaolô đem Silas đi Syria, còn Barnaba đem Máccô đến đảo Síp. Sau này cả ba người là Phaolô, Barnaba và Máccô đã làm hòa với nhau.

Tuy không có những dữ kiện rõ ràng, nhưng theo truyền thuyết thì thánh Barnaba đã được phúc tử đạo tại Síp vào năm 61. Đồng thời, truyền thống Hội Thánh nhìn nhận ngài là vị sáng lập Hội Thánh tại đảo Síp. Bên cạnh đó, người ta nói rằng mộ Ngài được tìm thấy năm 448 và trên ngực ngài còn có một cuốn Phúc âm theo thánh Matthêu mà chính thánh Barnaba đã chép tay.

Thánh Barnaba là mẫu gương về lòng nhiệt thành trong việc rao giảng Tin Mừng nước Thiên Chúa, và là mẫu gương về một đời sống khiêm nhường, bác ái và chia sẻ cho tha nhân. Chúng ta hãy cầu xin thánh nhân phù trợ cho mỗi người chúng ta, để trong đời sống thường ngày chúng ta biết quan tâm và chia sẻ Tin Mừng tình yêu của Chúa đến cho mọi người.

https://danchuahiepthong.wordpress.com/2019/06/11/thanh-barnaba-tong-do/


Thánh Barnaba nắm giữ một chức vụ nổi bật trong những chương đầu của sách công vụ tông đồ, không phải cho mình mà nhằm giới thiệu thánh Phaolô, anh hùng trong cuốn sách. Ngài là một người Do thái được sinh tại Chypre. Và là một phần tử trong Giáo hội sơ khai ở Giêrusalem.
 
Chính ở địa vị này mà khoảng năm 39, tân tòng Saolê được đón nhận vào cộng đoàn các tông đồ (Cv 9-27). Bốn năm sau, ngài kêu gọi Saolê tham gia công tác hướng dẫn cộng đoàn Kitô giáo mới được thiết lập ở Antiôkia (Cv 11,19-26). Thành phố này rất quan trọng, chỉ kém Rôma và đã trở nên trung tâm Kitô giáo của lương dân. Một lần nữa, cùng với Saolê, ngài được trao phó cho nhiệm vụ mang tiền cứu trợ gởi về cho Giáo hội Giêrusalem (Cv 27-30). Nơi đây hai người lại được Gioan Maccô là bà con của Barnaba (Gl 4,10) nhập bọn. Ba người họp thành đoàn truyền giáo, lên đường khoảng năm 45 (Cv 13 và 14). Từ đây Barnaba dần dần ẩn mặt đi. Dầu Chypre là sinh quán của ngài, nhưng chính Saolê dưới tên mới là Phaolô dẫn dầu cuộc truyền bá Phúc âm. Phaolô và đoàn tùy tùng lên đường tới lục địa Tiểu Á. Khi cùng Phaolô rao giảng (Cv 14,8-18), Barnaba được coi là thần Jupiter và Phaolô là Hermes.
 
Đây là chứng cớ hùng hồn về vai trò hỗ tương của hai ông. Ba năm sau Phaolô trở về và được Công đồng Giêrusalem phê chuẩn về đường lối ngài theo trong chuyến hành trình (Cv 15,1-35). Năm sau, dự định hành trình truyền giáo thứ hai có sự tranh chấp về việc kết nạp Gioan Marcô (Cv 15,35-41). Phaolô chọn các bạn đồng hành khác và Barnaba trở về Chypre. Việc giới thiệu Phaolô đã được hoàn thành và tên ngài không còn được nhắc đến trong sách Công vụ nữa. Trong việc trao đổi thư từ của Phaolô với Giáo hội Côrintô cho thấy khoảng năm 56 thánh Barnaba vẫn còn sống (1Cr 9,5). Sáu năm sau Phaolô xin Marcô đến gặp mình ở Rôma (2Tm 4). Sự kiện này cho phép chúng ta nghĩ rằng thánh Barnaba đã qua đời.
 
Một truyền thống sau này nói tới chuyến hành trình của thánh Barnaba tới Alexandria, Rôma, và Milan. Tại Milan, ngài là Giám mục tiên khởi. Một truyền thống đáng tin hơn cho biết ngài chết vì ném đá ở Salamine, sinh quán của ngài.
 
Nay còn nhiều mảnh vụn của cuốn ngụy thư Phúc âm thánh Barnaba và của một tác phẩm thuộc thế kỷ thứ V là công vụ thánh Barnaba. Nhưng những tài liệu này không cho biết nhiều hơn những điều đã biết được từ sách Công vụ các tông đồ. (Cuốn gọi là thơ thánh Barnaba mà nhiều Giáo phụ chép vào thư mục Thánh kinh, nay người ta biết được là tác phẩm của một người Do thái theo Kitô giáo ở Alexandria).
 
Người ta nói rằng mộ ngài được tìm thấy năm 448. Trên ngực ngài còn có một cuốn Phúc âm theo thánh Matthêu mà chính thánh Barnaba đã chép tay. 

Theo Vết Chân Người - Lm. Phaolô Phạm Quốc Tuý

https://giaophanphucuong.org/phung-vu-chu-thanh/thanh-barnaba-tong-do-1732.html

https://www.tgpsaigon.net/bai-viet/thanh-barnaba-tong-do-42850


“Vị thánh này có phúc, vì đáng được kể thêm vào số các Tông Đồ: Người thật là tốt, đầy ơn Thánh Thần và lòng tin”( Cv 11, 24 ). Thánh Barnabê là một trong 72 môn đệ đầu tiên đã nghe Chúa Giêsu giảng dậy và đã trở thành môn đệ của Ngài

 THÁNH BARNABÊ, MÔN ĐỆ CỦA CHÚA GIÊSU:

Đã có lần, có dịp nghe Chúa Giêsu giảng dậy và đã chứng kiến Chúa Giêsu làm phép lạ, thánh Barnabê đã trở thành một trong 72 môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu. Vì Chúa Giêsu đã nói:” Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái...”( Ga 15, 16 ).Chính Chúa Giêsu đã chọn Barnabê để thánh nhân làm chứng cho tình yêu của Chúa và giới thiệu Chúa Giêsu cho nhiều người. Sau biến cố Chúa Giêsu lên trời, các tông đồ sai Barnabê đi truyền giáo ở Antiokia, một miền trù phú và thịnh vượng, phồn vinh nhất lúc bấy giờ. Và như lời Chúa nói:”...hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danhThầy thì Thầy ban cho anh em”( Ga 15, 16 ). Thánh Barnabê luôn có Chúa Thánh Thần tràn đầy và nhờ tài giảng thuyết, Ngài đã đưa được biết bao nhiêu người trở về với Chúa. Thánh nhân đã mời thánh Phaolô về ở với mình và cùng giảng dậy, loan báo Tin Mừng ở Antiokia. Sau đó, thánh nhân mang món tiền mà Ngài đã quyên góp được về Giêrusa lem gặp các vị kỳ mục và các tông đồ khác. Đường lối và ý nhiệm mầu của Chúa lại khác, Barnabê và Phaolô lại được trao sứ mạng rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại, nên các Ngài lại trẩy đi Séleucie và Chypre. Dân bản xứ và các người ngoại giáo, đón tiếp các Ngài một cách nhiệt tình, họ tin theo các Ngài. Tuy nhiên cũng có những người Do Thái có óc thủ cựu, hẹp hòi đã tìm cách gièm pha, chế diễu và nói nhiều lời ngạo mạn đối với các Ngài, họ xúi giục những thành phần bất hảo ngược đãi và trục xuất các Ngài ( Cv 13, 50 ). Chúa cho các Ngài làm nhiều phép lạ: xua trừ ma quỉ, chữa bệnh, làm cho kẻ chết sống lại để củng cố niềm tin của các tân tòng.

 CHÚA THƯỞNG CÔNG CHO THÁNH BARNABÊ:

Thánh Barnabê và thánh Marcô tiếp tục rao giảng ở đảo Chypre. Chúa đã yêu thương cho thánh Barnabê được lãnh triều thiên qua cái chết tử đạo của Ngài:” Hạt lúa mì rơi xuống đất không thúi đi, thì nó sẽ không sinh nhiều bông hạt...”. Người Do Thái ở Syria đã xúi giục dân chúng ném đá và xử tử thánh Barnabê. Đời Hoàng Đế Zénon, vào năm 488, người ta đã tìm thấy xác của thánh Barnabê tại Salamine thuộc đảo Chypre, Hy Lạp.

 Lạy Chúa, Chúa đã truyền phải dành riêng thánh Barnabê là một người đầy lòng tin và Thánh Thần, để thánh nhân đưa dân ngoại về với Chúa. Xin cho mọi tín hữu biết dùng lời nói và việc làm để trung thành loan báo Tin Mừng Đức Kitô như thánh nhân đã can đảm rao truyền( ca nhập lễ, lễ thánh Barnabê, tông đồ ).      

  Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

http://mtgcaimon.net/mtgnews/index.php/suy-niem/hanh-cac-thanh/2023-thanh-barnaba-tong-do.html

 

Tên của Dù không phải là một trong số mười hai Tông đồ được Đức Chúa Giêsu tuyển chọn, nhưng Thánh Barnaba (Barnabê) được Thánh ký Luca gọi là tông đồ trong sách Tông đồ Công vụ của ngài.ngài là Giuse nhưng các tông đồ đổi thành Barnaba. Danh xưng này có nghĩa là “con của sự an ủi”.

Dù không phải là một trong số mười hai Tông đồ được Đức Chúa Giêsu tuyển chọn, nhưng Thánh Barnaba (Barnabê) được Thánh ký Luca gọi là tông đồ trong sách Tông đồ Công vụ của ngài. Vì như Tông đồ Phaolô, Barnaba cũng nhận được từ Thiên Chúa một sứ vụ đặc biệt. Thánh nhân là người gốc Do Thái, sinh tại đảo Cyprô. Tên của ngài là Giuse nhưng các tông đồ đổi thành Barnaba. Danh xưng này có nghĩa là “con của sự an ủi”.

Khi cùng Phaolô rao giảng (Cv 14,8-18), Barnaba được coi là thần Jupiter và Phaolô là Hermes. Đây là chứng cớ hùng hồn về vai trò hỗ tương của hai ông.

Ngay khi trở thành Kitô hữu, Thánh Barnaba đã bán tất cả những gì ngài có và đem tiền dâng cho các Tông đồ. Thánh nhân là người tốt bụng. Ngài rất nhiệt thành hăng say tin yêu Đức Chúa Giêsu. Barnaba được sai đến thành Antiôkia để rao giảng Tin mừng. Antiôkia là thành phố lớn thứ ba trong đế quốc Rôma thời ấy. Tại đây, những người tin theo Đức Chúa Giêsu lần đầu tiên được gọi là Kitô hữu. Barnaba nhận thấy mình cần sự giúp đỡ nên liền nghĩ tới Phaolô thành Tarsô. Ngài tin rằng Phaolô đã thực sự được ơn trở lại. Chính Barnaba đã đứng ra thuyết phục Thánh Phêrô và cộng đoàn Kitô hữu; và đã xin cho Phaolô đến làm việc với mình. Barnaba là người khiêm tốn. Ngài không ngại chia sẻ năng lực và trách nhiệm. Ngài cũng biết Phaolô có một ân sủng rất đặc biệt và ngài muốn Thánh nhân có cơ hội để trao ban.

Một thời gian sau, Chúa Thánh Linh đã chọn Phaolô và Barnaba để thực hiện một sứ vụ quan trọng. Sau đó không lâu, hai vị Tông đồ đã lên đường thực hiện sứ mệnh anh dũng này. Các ngài đã phải chịu nhiều đau khổ và thường hay gặp nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng giữa những thử thách cam go, việc rao giảng của các ngài đã thuyết phục được nhiều người trở về với Đức Chúa Giêsu và Giáo hội của Người.

Sau đó, Thánh Barnaba tiếp tục thực hiện một cuộc truyền giáo khác. Lần này với Thánh Marcô, người bà con với ngài. Họ đi về Cyprô, quê hương của Barnaba. Qua việc rao giảng của Thánh Barnaba, rất nhiều người đã trở nên Kitô hữu đến nỗi Barnaba được gọi là Tông đồ của đảo Cyprô. Theo ý kiến chung, người ta cho rằng vị đại thánh này đã bị ném đá chết vào năm 61.

 Thánh Barnaba đã nhận một danh xưng biểu hiệu đúng con người của ngài: một người tốt luôn luôn khuyến khích người khác yêu mến Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu nguyện với vị thánh này và xin ngài làm cho chúng ta cũng được trở nên những “người con của sự an ủi” như thánh nhân.

(Theo tinmung.net)

http://www.cgvdt.vn/lich/hanh-cac-thanh/thanh-barnaba_a2943

 

 

 

 


Thứ Bảy

 

Phụng Vụ Lời Chúa

 

Bài Đọc I: (Năm I) 2Cor 5, 14-21

"Đấng không hề biết tội lỗi, Thiên Chúa đã làm thành tội vì chúng ta".

Bài Bài trích thơ thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, lòng mến Đức Kitô thôi thúc chúng tôi nghĩ rằng: nếu một người đã chết cho mọi người, tức là mọi người đã chết; và Đức Kitô đã chết cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho mình.

Bởi thế, từ nay chúng tôi không còn biết ai theo huyết nhục nữa, cho dầu có một thời chúng tôi đã biết Đức Kitô theo phương diện huyết nhục, thì bây giờ chúng tôi không biết Người như vậy nữa.

Ai ở trong Đức Kitô là một thọ sinh mới: những gì cũ đã biến đi: này mọi sự đã được đổi mới.

Và mọi sự đều do Thiên Chúa là Đấng giải hòa chúng ta với Người nhờ Đức Kitô, và đã trao chức vụ giải hòa cho chúng tôi.

Chính Thiên Chúa ở trong Đức Kitô đã giải hòa thế gian với Người, không còn qui trách tội lỗi cho họ nữa và đã đặt lời giải hòa trên môi miệng chúng tôi.

Vậy chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Kitô, như là Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên bảo vậy.

Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi van nài anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa.

Đấng không hề biết tội lỗi, Thiên Chúa đã làm thành tội vì chúng ta, để trong Đức Kitô, chúng ta được trở thành sự công chính của Thiên Chúa.

Đó là Lời Chúa.

 

   Đáp Ca: Tv 102, 1-2, 3-4, 9-10, 11-12

Đáp: Chúa là Đấng thương xót và nhân ái. (8a)

Xướng 1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Chúa, toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá bao giờ quên mọi ân huệ của Người. - Đáp.

2) Người đã tha thứ mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội lên đầu ngươi mão từ bi, và ân sủng. - Đáp.

3) Người không chấp tranh triệt để, cũng không đời đời giữ thế căm hờn. Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi. - Đáp.

4) Nhưng cũng như trời xanh cao vượt trên trái đất, Lòng nhân hậu Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. - Đáp.

 

Alleluia: Lc 19, 38

Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến; bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. - Alleluia.

 

Phúc Âm: Mt 5, 33-37

"Thầy bảo các con: đừng thề chi cả".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con lại còn nghe dạy người xưa rằng: "Ðừng bội thề, nhưng hãy giữ lời ngươi đã thề với Chúa". Phần Thầy, Thầy bảo các con: Ðừng thề chi cả, đừng lấy trời mà thề, vì là ngai của Thiên Chúa; đừng lấy đất mà thề, vì là bệ đặt chân của Người; đừng lấy Giêrusalem mà thề, vì là thành của Vua cao cả; cũng đừng chỉ đầu mà thề, vì con không thể làm cho một sợi tóc ra trắng hoặc ra đen được. Nhưng lời các con phải: có thì nói có, không thì nói không; nói thêm thắt là do sự dữ mà ra".

Ðó là lời Chúa. 

 

Suy Niệm

 

Con người - "Không" ; Thiên Chúa - "Có"

 

Nếu Bài Phúc Âm Thứ Năm tuần này liên quan đến điều răn Thứ 5 "chớ giết người" và bài Phúc Âm Thứ 6 "chớ ngoại tình" thì bài Phúc Âm Thứ 7 hôm nay, có thể nói, liên quan đến điều răn thứ 8 "chớ làm chứng dối":

 

"Ðừng thề chi cả, đừng lấy trời mà thề, vì là ngai của Thiên Chúa; đừng lấy đất mà thề, vì là bệ đặt chân của Người; đừng lấy Giêrusalem mà thề, vì là thành của Vua cao cả; cũng đừng chỉ đầu mà thề, vì con không thể làm cho một sợi tóc ra trắng hoặc ra đen được. Nhưng lời các con phải: có thì nói có, không thì nói không; nói thêm thắt là do sự dữ mà ra".

 

Thật ra, nội dung của lời Chúa Giêsu dạy các môn đệ trong bài Phúc Âm hôm nay, bề ngoài có vẻ liên quan đến giới răn thứ 8 "chớ làm chứng dối", nhưng về tinh thần liên quan đến tính chất chân thật nơi con người, được thể hiện qua lòng trung thành của con người với sự thật bất biến với bất cứ giá nào, không thay đổi hay bóp méo hoặc giảm khinh hay thỏa hiệp sự thật ấy bằng bất cứ cách nào, ở bất cứ khía cạnh nào, vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu: "lời các con phải: có thì nói có, không thì nói không; nói thêm thắt là do sự dữ mà ra".

 

"Ðừng thề chi cả" đó là lời khuyên dậy vô cùng khôn ngoan của Đấng "là sự thật" (Gioan 14:6), "là ánh sáng thế gian" (Gioan 8:12), Đấng không bao giờ thề chi hết, cho dù gặp những trường hợp mà theo quan điểm nhân loại cần phải thề để thêm uy tín và lấy lòng tin của đối tượng là dân Người nói chung và các môn đệ của Người nói riêng, nhất là trường hợp các môn đệ bỏ đi sau khi nghe Bài Giảng về Bánh Sự Sống của Người (xem Gioan 6:60,66).

 

Bởi lời của Người chính "là thần linh và là sự sống" (Gioan 6:63) sẽ làm cho những ai tin vào Người nhận biết Người, nhờ đó chính họ sẽ được lời Người là chân lý giải phóng cho họ: "Nếu quí vị sống theo giáo huấn của Tôi thì quí vị thực là môn đệ của Tôi, rồi quí vị sẽ nhận biết sự thật và sự thật sẽ giải phóng quí vị" (Gioan 8:31-32).

 

Như thế, muốn cho những gì mình nói và làm có một uy tín đáng tin, không cần phải thề thốt gì hết, không cần phải nhân danh một cái gì đó cao hơn mình để chứng giám, để tăng thêm uy tín cùng thế lực thu hút cùng chinh phục lòng người, con người cần phải sống thực với mình, phải sống với tất cả sự thật và sống trong sự thật, đến độ sự thật được hiện tỏ nơi con người họ, nơi tư tưởng, lời nói, việc làm và thái độ của họ, khiến người khác cảm mến và tin theo, nhờ đó những ai tin vào họ cũng được sự thật giải phóng.

 

Ngay từ ban đầu, cho dù chưa xẩy ra nguyên tội, hai nguyên tổ đã chứng tỏ khuynh hướng "yêu chuộng tối tăm hơn ánh sáng" (Gioan 3:19), bằng không các vị đã cứ tiếp tục nói "có" với Thiên Chúa là Đấng đã không cho hai vị đụng đến những gì Ngài cấm đoán, bằng cách nói "không" với rắn quỉ, trái lại, các vị lại nói "không" với Thiên Chúa chân thật và lại nói "có" với "cha của các thứ dối trá" (Gioan 8:44).

 

Tuy nhiên, vì là tình yêu vô cùng nhân hậu nên Thiên Chúa vẫn nói "có" với loài người bất trung phạm thượng, ở chỗ, Ngài vẫn tiếp tục yêu thương con người và vì thế đã tự động hứa ban Đấng Cứu Thế cho họ để cứu chuộc họ, để chứng tỏ Ngài quả là "Đấng Có" (Xuất Hành 3:14), bằng cách "Đấng không hề biết tội lỗi, Thiên Chúa đã làm thành tội vì chúng ta, để trong Đức Kitô, chúng ta được trở thành sự công chính của Thiên Chúa", như Thánh Phaolô cảm nghiệm trong Bài Đọc 1 hôm nay.

 

Bởi thế và nhờ thế, chúng ta là loài tạo vật vô cùng khốn nạn thấp hèn trước nhan Thiên Chúa mới có thể từ bỏ cái "không" với Ngài mà nói "có" với Ngài, như lời khuyên giục của Vị Tông Đồ Dân Ngoại Phaolô: "Chính Thiên Chúa ở trong Đức Kitô đã giải hòa thế gian với Người, không còn qui trách tội lỗi cho họ nữa và đã đặt lời giải hòa trên môi miệng chúng tôi. Vậy chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Kitô, như là Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên bảo vậy. Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi van nài anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa".

 

Đó là lý do, trước tình yêu vô cùng nhân hậu của Thiên Chúa liên lỉ "có" với loài tạo vật liên lỉ "không" của chúng ta, Kitô hữu chúng ta cần phải có một cảm nghiệm và tâm tình tri ân cảm tạ "Chúa là Đấng thương xót và nhân ái" như Thánh Vịnh gia trong Bài Đáp Ca hôm nay:

 

1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Chúa, toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá bao giờ quên mọi ân huệ của Người.

2) Người đã tha thứ mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội lên đầu ngươi mão từ bi, và ân sủng.

3) Người không chấp tranh triệt để, cũng không đời đời giữ thế căm hờn. Người không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi.

4) Nhưng cũng như trời xanh cao vượt trên trái đất, Lòng nhân hậu Người còn siêu việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi.