Sinh Hoạt Sống Đạo 2021

 

HỌC HỎI THÔNG ĐIỆP CHÚC TỤNG CHÚA LAUDATO SI'

 

Trước hết là Tổng Quan về từng Chương, theo lời của ĐTC Phanxicô được trích lại từ phần Dẫn Nhập

Sau đó, trích nguyên văn một số câu tiêu biểu của ĐTC viết quan trọng trong từng Chương được học hỏi,

từ bản dịch của Caritas Việt Nam  https://caritasvietnam.org/datafiles/files/Laudato%20Si%20_final-version.pdf

Cuối cùng là Cảm Nhận Đúc Kết riêng của bản thân người học hỏi này về từng chương của bức thông điệp

TĐCTT Đaminh Maria cao tấn tĩnh, BVL,

 

NỘI DUNG  

Học Hỏi Thông Điệp Chúc Tụng Chúa Laudato Si'- Tổng Quan của Hội Ðồng Tòa Thánh "Công lý và Hòa bình"

Học Hỏi Thông Điệp Chúc Tụng Chúa Laudato Si'- Dẫn Nhập bởi Đức Thánh Cha Phanxicô

Học Hỏi Thông Điệp Chúc Tụng Chúa Laudato Si'- Chương 1: Ðiều đang xảy ra cho căn nhà của chúng ta

Học Hỏi Thông Điệp Chúc Tụng Chúa Laudato Si'- Chương 2: Tin Mừng về sự sáng tạo

Học Hỏi Thông Điệp Chúc Tụng Chúa Laudato Si'- Chương 3: Căn cội sự khủng hoảng môi sinh do con người gây ra

Học Hỏi Thông Điệp Chúc Tụng Chúa Laudato Si'- Chương 4: Một nền môi sinh học toàn diện

Học Hỏi Thông Điệp Chúc Tụng Chúa Laudato Si'- Chương 5: Vài đường nét định hướng và hành động

Học Hỏi Thông Điệp Chúc Tụng Chúa Laudato Si'- Chương 6: Giáo dục và linh đạo môi sinh học

Kinh nguyện cho trái đất của chúng ta và Kinh nguyện Kitô giáo với thụ tạo

 

 

Chương IV

Sinh Thái học toàn diện

[137-162]

I. Môi sinh học môi trường, kinh tế, xã hội [138-142]

II. Môi sinh học văn hóa [143-146]

III. Môi sinh học về đời sống thường nhật [147-155]

IV. Nguyên tắc công ích [156-158]

V. Công lý giữa các thế hệ [159-162]

 

Tổng Quan

Đức Thánh Cha Phanxicô, trong phần dẫn nhập mở đầu (ở đoạn 15) đã cho chúng ta thấy mục đích của Chương IV về "Môi sinh học toàn diện này như sau:

"Điều này, (điều về các cội rễ của tình trạng hiện tại như đã nói ở Chương III),

sẽ giúp mang lại một cách tiếp cận đối với sinh thái học,

trong đó tôn trọng vị trí duy nhất của chúng ta

trong tư cách là con người trong thế giới và mối tương quan của chúng ta với môi trường xung quanh"

  

Trích Dẫn

137. Vì mọi sự đều có liên hệ mật thiết với nhau, và các vấn đề ngày nay mời gọi một tầm nhìn chạm tới mọi khía cạnh của cuộc khủng hoảng toàn cầu, nên tôi đề nghị giờ đây chúng ta sẽ xem xét một số yếu tố của sinh thái học toàn diện, với sự tôn trọng các chiều kích nhân bản và xã hội của nó.

I. Môi sinh học môi trường, kinh tế, xã hội [138-142]

138. Sinh thái học / Ecology nghiên cứu mối tương quan giữa các sinh vật với môi trường phát triển của chúng. Như thế, nhất thiết phải có suy tư và thảo luận về các điều kiện cần thiết cho sự sống và sự sinh tồn của xã hội; cần chân thành đặt vấn đề về một số mô hình phát triển, sản xuất và tiêu thụ nhất định...  Tri thức rời rạc và những thông tin tách biệt có thể trở thành một hình thức thiếu hiểu biết, nếu chúng ta không biết kết hợp chúng lại với nhau thành một tầm nhìn rộng lớn hơn về thực tại.

139. Khi nói về “môi trường” / “environment”, chúng ta thực sự muốn nói đến mối tương quan tồn tại giữa thiên nhiên và xã hội đang sống trong đó. Không thể xem thiên nhiên như một thứ tách rời khỏi bản thân chúng ta hoặc như một bối cảnh thuần tuý để chúng ta sống trong đó. Chúng ta là một phần của thiên nhiên, được hội nhập trong thiên nhiên và liên tục tương tác với thiên nhiên. Để nhận biết lý do một khu vực bị ô nhiễm, cần phải có một loạt nghiên cứu về xã hội, kinh tế, các lối hành xử và cách thức nắm bắt thực tại của nó...  Chúng ta không đối diện với hai cuộc khủng hoảng riêng biệt của môi trường và xã hội, nhưng đối diện với một cuộc khủng hoảng phức tạp duy nhất cả về xã hội lẫn môi trường. Các chiến lược cho một giải pháp đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện để chống lại đói nghèo, khôi phục phẩm giá cho người bị loại trừ và đồng thời bảo vệ thiên nhiên.

140- ... Cuộc nghiên cứu hiện nay cung cấp cho chúng ta những hiểu biết về cách các thụ tạo liên kết với nhau để tạo nên những đơn vị rộng lớn hơn mà ngày nay chúng ta gọi bằng thuật ngữ “hệ sinh thái” “ecosystems”. Chúng ta xem xét những hệ thống này không chỉ để tìm cách sử dụng chúng hợp lý nhất, nhưng còn vì chúng có giá trị nội tại độc lập với việc sử dụng chúng... Chúng ta chỉ cần nhắc đến tương tác giữa các hệ sinh thái để phân tán khí CO2, lọc nước, kiểm soát bệnh tật và bệnh dịch, hình thành đất đai, phân hủy chất thải, và nhiều cách khác mà chúng ta bỏ qua hay không biết đến.

141- Ngày nay, việc phân tích các vấn đề môi trường không thể tách rời khỏi việc phân tích con người, gia đình, việc làm và các bối cảnh đô thị; cũng vậy, cách thức cá nhân tương quan với bản thân sẽ thể hiện trong cách họ tương quan với tha nhân và với môi trường. Có một mối liên hệ qua lại giữa các hệ sinh thái và giữa các lãnh vực khác nhau của tương tác xã hội, một lần nữa cho thấy rằng “tổng thể thì lớn hơn từng phần”.

142. Nếu mọi thứ có liên hệ với nhau thì sự lành mạnh của các tổ chức xã hội cũng có tác động đối với môi trường và phẩm chất cuộc sống con người. “Mọi vi phạm đến tình liên đới và tình bằng hữu dân sự đều làm tổn hại đến môi trường”.116 Theo nghĩa này, sinh thái học xã hội nhất định phải có thể chế và dần dần mở rộng ra đến toàn thể xã hội, từ nhóm xã hội đầu tiên là gia đình, đến địa phương rộng hơn là các cộng đồng quốc gia và quốc tế... Bất cứ điều gì làm suy yếu những thể chế này đều có những tác động tiêu cực, như bất công, bạo lực và mất tự do.

II. Môi sinh học văn hóa [143-146]

143. Cùng với di sản thiên nhiên, cũng có di sản lịch sử, nghệ thuật và văn hoá đang bị đe doạ... Văn hoá không chỉ là những gì chúng ta thừa hưởng từ quá khứ, nhưng trên hết là một thực tại sống động, năng động và thông phần trong hiện tại. Chúng ta không được loại trừ điều này khi nghĩ đến mối tương quan giữa con người và môi trường.

144. Quan điểm tiêu thụ của con người, được các cơ chế của nền kinh tế toàn cầu hiện nay cổ võ, có tác động san bằng các nền văn hoá, hạ thấp sự đa dạng phong phú vốn là di sản của toàn thể nhân loại... Các giải pháp thuần tuý kỹ thuật gặp rủi ro ngay khi chạm tới những hiện tượng bên ngoài, chứ chưa nói đến những vấn đề bên trong nghiêm trọng hơn. Cần tôn trọng quyền của các dân tộc và các nền văn hoá...

145. Nhiều hình thức khai thác và hạ giá môi trường không chỉ làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên đang cung cấp kế sinh nhai cho các cộng đồng địa phương, mà còn xoá bỏ những cấu trúc xã hội đã hình thành nên bản sắc văn hoá, cảm thức về ý nghĩa cuộc sống và cộng đồng trong một thời gian dài. Sự biến mất của một nền văn hoá có thể nghiêm trọng như hoặc hơn sự biến mất của một số chủng loại thực vật hay động vật. Áp đặt một lối sống thống trị gắn liền với một hình thức sản xuất nhất định cũng nguy hại như làm thay đổi các hệ sinh thái.

146. Theo nghĩa này, rất cần phải thể hiện sự quan tâm đặc biệt dành cho các cộng đồng bản địa và truyền thống văn hoá của họ. Họ không phải là một thiểu số trong số các cộng đồng khác, nhưng là những đối tác quan trọng, nhất là khi đưa ra những dự án lớn ảnh hưởng đến đất đai của họ. Đối với họ, đất đai không phải là một món hàng nhưng là một món quà từ Thiên Chúa và từ ông bà tổ tiên là những người đang yên nghỉ ở đó; đất là một không gian thánh thiêng mà họ cần phải tương tác nếu muốn tiếp tục duy trì bản sắc và giá trị của họ. Khi ở trên đất của họ, chính họ sẽ chăm sóc nó tốt nhất. Tuy nhiên, ở nhiều nơi trên thế giới, người ta gây áp lực buộc họ phải rời bỏ quê hương để nhường chỗ cho các dự án nông nghiệp hay khai thác quặng mỏ, những dự án này không đoái hoài gì đến sự suy thoái thiên nhiên và văn hoá.

III. Môi sinh học về đời sống thường nhật [147-155]

147. Sự phát triển đích thực sẽ thăng tiến toàn diện phẩm chất cuộc sống con người và xem xét bối cảnh sinh sống của họ. Những bối cảnh này ảnh hưởng đến cách nghĩ, cảm nhận và hành động của chúng ta. Trong phòng, trong nhà, nơi làm việc và khu xóm của chúng ta, chúng ta sử dụng môi trường như một cách thể hiện căn tính của chúng ta...

148- ... Đời sống xã hội lành mạnh có thể thắp sáng một môi trường mà ban đầu không ai cảm thấy có thể ở được...  Cảm giác ngột ngạt ở những nơi dân cư đông đúc có thể biến tan khi các mối tương quan gần gũi và ấm áp được phát triển, khi các cộng đồng được lập nên, khi những giới hạn của môi trường được đền bù bằng đời sống nội tâm của mỗi người cảm thấy gắn bó trong một mạng lưới liên đới và thuộc về. Bằng cách này, bất cứ nơi nào cũng có thể biến từ địa ngục trần gian thành khung cảnh cho một đời sống tử tế.

149. Tình trạng cực nghèo xảy ra ở những vùng thiếu sự hòa hợp, thiếu không gian mở rộng hoặc tiềm năng để hội nhập, có thể dẫn đến những sự cố vô nhân đạo hay bóc lột của các tổ chức tội phạm. Tại những vùng ngoại ô bất ổn của các thành phố lớn, kinh nghiệm hằng ngày về tình trạng quá tải và vô danh xã hội tạo ra cảm giác bị mất gốc có thể dẫn đến hành vi chống đối xã hội và bạo lực. Tuy nhiên, tôi muốn khẳng định rẳng tình yêu luôn luôn chiến thắng...

150. Vì không gian sống và hành vi của con người có tương quan với nhau, nên những người thiết kế các toà nhà, khu phố, không gian công cộng và thành phố cần sự đóng góp của các ngành khác để giúp chúng ta hiểu được những tiến trình tư duy, ngôn ngữ biểu tượng và cách hành động của người dân. Chỉ tìm kiếm vẻ đẹp của thiết kế thôi thì không đủ. Đáng quý hơn vẫn là việc phục vụ cho một vẻ đẹp khác, đó là phẩm chất cuộc sống của người dân, sự thân thuộc của họ với môi trường, việc gặp gỡ và sự trợ giúp lẫn nhau. Cũng vì thế, chúng ta thấy điều quan trọng khi quy hoạch đô thị là phải xét đến quan điểm của những người sống trong khu vực đó.

151. Cũng cần bảo vệ những khu vực công cộng, địa danh và cảnh quan đô thị, là những nơi làm gia tăng cảm thức thuộc về, cội nguồn, “cảm thấy như ở nhà” trong thành phố của chúng ta và quy tụ chúng ta lại với nhau...  Phải tính toán các yếu tố khác nhau kết hợp lại để tạo thành một tổng thể trong những can thiệp ảnh hưởng đến phong cảnh đô thị hay nông thôn, và tổng thể ấy phải được cư dân tiếp nhận như một khuôn khổ phù hợp và ý nghĩa cho cuộc sống của họ...

152. ... Sở hữu được ngôi nhà có tầm quan trọng lớn đối với phẩm giá cá nhân và sự phát triển của gia đình. Đây là một vấn đề chính đối với sinh thái học con người. Ở một số nơi có những khu phố ổ chuột tạm thời mọc lên, điều nên làm là phát triển những khu vực ấy thay vì đập phá hay trục xuất cư dân ở đó. Khi người nghèo sống trong những khu ổ chuột mất vệ sinh hay trong những khu chung cư nguy hiểm, “trong những trường hợp phải tái định cư, để không chồng chất đau khổ cho người dân, cần phải cung cấp đầy đủ thông tin với những chọn lựa về nhà cửa tử tế và những người trực tiếp liên quan phải được quyền tham dự vào tiến trình đó”...

153. Phẩm chất cuộc sống ở các thành phố có nhiều liên hệ với hệ thống giao thông, là một nguồn gây phiền toái cho người sử dụng. Nhiều xe hơi lưu thông trong các thành phố tạo ra tình trạng kẹt xe, gia tăng mức độ ô nhiễm và tiêu thụ khối lượng lớn năng lượng không tái tạo được. Nó còn đòi hỏi phải xây dựng nhiều đường sá và các khu vực đậu xe khiến cảnh quan đô thị bị phá hoại...

154. Việc tôn trọng phẩm giá làm người của chúng ta thường bị phiền nhiễu bởi những thực tại hỗn loạn mà con người phải chịu đựng trong đời sống đô thị. Tuy nhiên, điều này không được làm cho chúng ta thiếu quan tâm đến những kinh nghiệm bị bỏ rơi và loại trừ của nhiều cư dân vùng nông thôn luôn thiếu những dịch vụ thiết yếu, hay của những công nhân ở trong điều kiện lao động khổ sai, không có quyền lợi và thậm chí không có hy vọng về một cuộc sống tử tế hơn.

155. Sinh thái học con người cũng hàm chứa một thực tại sâu xa khác: mối tương quan giữa đời sống con người và luật luân lý, đã được khắc ghi vào trong bản tính của chúng ta và cần thiết cho việc tạo nên một môi trường có phẩm giá hơn... Cần nhìn nhận rằng chính thân xác chúng ta đặt chúng ta trong mối tương quan với môi trường và với những sinh vật khác. Đón nhận thân xác như món quà của Thiên Chúa là cần thiết để đón tiếp và chấp nhận toàn thế giới như quà tặng từ Chúa Cha và ngôi nhà chung của chúng ta. Lý luận rằng chúng ta có quyền tuyệt đối trên thân xác sẽ biến thành ý nghĩ chúng ta có quyền tuyệt đối trên công trình tạo dựng một cách tinh vi. Biết đón nhận thân xác của chúng ta, chăm sóc và tôn trọng ý nghĩa trọn vẹn của nó, là một yếu tố thiết yếu của bất cứ một sinh thái học đích thực nào về con người... Chỉ tìm cách “xóa bỏ khác biệt giới tính vì không biết đối diện với nó thế nào” là một thái độ không lành mạnh.

IV. Nguyên tắc công ích [156-158]

156. Sinh thái học con người không thể tách rời khái niệm về thiện ích chung, là nguyên tắc đạo đức xã hội trọng tâm và thống nhất. Thiện ích chung là “tổng thể những điều kiện của đời sống xã hội cho phép các nhóm xã hội và các thành viên cá thể đạt đến sự thành toàn của họ một cách tương đối hoàn hảo và dễ dàng”.

157. Thiện ích chung bao hàm sự tôn trọng con người đã được phú ban những quyền cơ bản và bất khả xâm phạm hướng tới sự phát triển toàn diện. Nó cũng đòi hỏi như thế đối với chế độ phúc lợi xã hội và sự phát triển của nhiều nhóm trung gian theo nguyên tắc bổ trợ. Nổi bật lên trong các nhóm này là gia đình - tế bào nền tảng của xã hội. Sau cùng, thiện ích chung kêu gọi hoà bình xã hội, sự ổn định và an ninh của một trật tự nhất định là điều không thể đạt được nếu không quan tâm cụ thể đến sự phân phối công bằng; bất cứ khi nào điều này bị vi phạm, bạo lực sẽ luôn tiếp diễn. Xã hội nói chung và đặc biệt là nhà nước buộc phải bảo vệ và cổ võ thiện ích chung.

V. Công lý giữa các thế hệ [159-162]

159. Khái niệm về thiện ích chung cũng mở rộng tới các thế hệ tương lai. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra những tác động nguy hại rõ ràng và đau đớn cho định mệnh chung của chúng ta, trong đó có cả những người đến sau chúng ta...  Sự liên đới giữa các thế hệ không mang tính tùy chọn, nhưng nó là một vấn đề căn bản của công bằng, vì thế giới mà chúng ta đã lãnh nhận cũng thuộc về những người sẽ đến sau chúng ta.

160. Chúng ta muốn trao lại một thế giới như thế nào cho những người đến sau, cho con em của chúng ta hiện đang lớn lên?...  Đâu là mục đích của cuộc sống chúng ta trên thế giới này? Tại sao chúng ta ở đây? Đâu là mục tiêu của công việc và tất cả những nỗ lực của chúng ta? Trái đất cần gì ở chúng ta? Do đó, chỉ nói chúng ta phải quan tâm đến các thế hệ tương lai mà thôi thì không đủ. Phải nhìn nhận rằng phẩm giá của chúng ta đang bị đe dọa. Việc để lại một hành tinh không thể sống nổi cho các thế hệ tương lai, trước hết và trên hết, tuỳ thuộc vào chúng ta. Vấn đề này là bi kịch cho chúng ta, vì nó liên hệ đến ý nghĩa tối hậu của cuộc lữ hành trần thế của chúng ta.

161. Không còn có thể khinh miệt và mỉa mai những lời tiên báo về tận thế doomsday nữa. Chúng ta chắc chắn sẽ để lại cho thế hệ kế tiếp những mảnh vỡ, hoang mạc và bụi bẩn. Tốc độ tiêu thụ, chất thải và sự biến đổi môi trường đã vượt quá khả năng của hành tinh đến nỗi lối sống hiện tại của chúng ta, vốn đã không ổn định, chỉ có thể tạo ra những thảm hoạ, như chúng ta đã thấy xảy ra định kỳ ở nhiều khu vực trên thế giới. Những tác động của tình trạng mất cân bằng hiện nay chỉ có thể được giảm thiểu bằng hành động dứt khoát của chúng ta, ở đây và bây giờ. Chúng ta phải suy nghĩ về trách nhiệm của chúng ta trước những người sẽ phải gánh chịu hậu quả khốc liệt.

162. Khó khăn của chúng ta khi nghiêm túc đảm nhận thách đố này có liên hệ đến sự suy thoái đạo đức và văn hoá là thứ đi cùng với suy thoái môi trường. Những người nam và người nữ của thế giới hậu hiện đại sẽ gặp mối nguy về chủ nghĩa cá nhân rộng khắp, và nhiều vấn đề xã hội có liên hệ với nền văn hoá quy ngã, tìm sự thoả mãn tức thời của thời đại chúng ta. Chúng ta thấy điều này ở trong cuộc khủng hoảng gia đình, các mối liên kết xã hội và những khó khăn của việc nhìn nhận người khác....

 

Cảm Nhận Đúc Kết

"Sinh Thái Học toàn diện" là nhan đề cũng là đề tài chính cho Chương 4 của bức Thông Điệp Chúc Tụng Chúa - Laudato Si, được Đức Thánh Cha ban hành năm 2015, để cảnh tỉnh chung nhân loại cũng như riêng con cái Giáo Hội, về tình hình ngôi nhà chung của chúng ta là trái đất này đang có nguy cơ bị phá sản bởi bàn tay tham lam hưởng thụ của thành phần con người tự cho mình là chủ tể, hơn là quản lý viên của Thiên Chúa Hóa Công, Đấng đã dựng nên trời đất, chẳng những mọi thụ tạo vô hình như các thần trời hay linh hồn của con người, mà còn cả mọi vật hữu hình nữa, như khoáng vật là loài vô hồn, thực vật là loài có sinh hồn, thú vật là loài có giác hồn, nhất là nhân vật là đệ nhất tạo vật hữu hình "linh ư vạn vật".

Nguyên tắc chung nền tảng và quan trọng của "Sinh Thái Học toàn diện" đó là "mọi sự đều có liên hệ mật thiết với nhau" (137). Chính vì thế mà vị tác giả giáo hoàng đã nhận định về 3 từ ngữ hay 3 quan niệm cần thiết liên quan đến vấn đề này, đó là sinh thái học / ecology, môi trường / environment và hệ sinh thái / ecosystem. Trước hêt, về sinh thái học, ngài viết: "Sinh thái học nghiên cứu mối tương quan giữa các sinh vật với môi trường phát triển của chúng" (138), sau nữa, về môi trường, ngài cho rằng: "Khi nói về 'môi trường', chúng ta thực sự muốn nói đến mối tương quan tồn tại giữa thiên nhiên và xã hội đang sống trong đó" (139), và sau hết về hệ sinh thái, ngài chủ trương rằng: "Cuộc nghiên cứu hiện nay cung cấp cho chúng ta những hiểu biết về cách các thụ tạo liên kết với nhau để tạo nên những đơn vị rộng lớn hơn mà ngày nay chúng ta gọi bằng thuật ngữ 'hệ sinh thái'" (140).

"Sinh Thái học toàn vẹn" trong thực tại, căn cứ vào nguyên tắc chung là "mọi sự đều có liên hệ mật thiết với nhau" và theo những nhận định trên đây về chính sinh thái học, cũng như về môi trường cũng như về hệ sinh thái, vị tác giả giáo hoàng đã nối kết cả 3 với những gì là thực tế trong các lãnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, đời sống và lịch sử.

Về lãnh vực kinh tế

"Chúng ta xem xét những hệ sinh thái này không chỉ để tìm cách sử dụng chúng hợp lý nhất, nhưng còn vì chúng có giá trị nội tại độc lập với việc sử dụng chúng... Chúng ta chỉ cần nhắc đến tương tác giữa các hệ sinh thái để phân tán khí CO2, lọc nước, kiểm soát bệnh tật và bệnh dịch, hình thành đất đai, phân hủy chất thải, và nhiều cách khác mà chúng ta bỏ qua hay không biết đến". (140)

Về lãnh vực xã hội

"Nếu mọi thứ có liên hệ với nhau thì sự lành mạnh của các tổ chức xã hội cũng có tác động đối với môi trường và phẩm chất cuộc sống con người. ... Theo nghĩa này, sinh thái học xã hội nhất định phải có thể chế và dần dần mở rộng ra đến toàn thể xã hội, từ nhóm xã hội đầu tiên là gia đình, đến địa phương rộng hơn là các cộng đồng quốc gia và quốc tế... Bất cứ điều gì làm suy yếu những thể chế này đều có những tác động tiêu cực, như bất công, bạo lực và mất tự do". (142)

Về lãnh vực văn hóa

"Nhiều hình thức khai thác và hạ giá môi trường không chỉ làm cạn kiệt các nguồn tài nguyên đang cung cấp kế sinh nhai cho các cộng đồng địa phương, mà còn xoá bỏ những cấu trúc xã hội đã hình thành nên bản sắc văn hoá, cảm thức về ý nghĩa cuộc sống và cộng đồng trong một thời gian dài. Sự biến mất của một nền văn hoá có thể nghiêm trọng như hoặc hơn sự biến mất của một số chủng loại thực vật hay động vật. Áp đặt một lối sống thống trị gắn liền với một hình thức sản xuất nhất định cũng nguy hại như làm thay đổi các hệ sinh thái" (145).

Về lãnh vực đời sống

"Chính thân xác chúng ta đặt chúng ta trong mối tương quan với môi trường và với những sinh vật khác. Đón nhận thân xác như món quà của Thiên Chúa là cần thiết để đón tiếp và chấp nhận toàn thế giới như quà tặng từ Chúa Cha và ngôi nhà chung của chúng ta. Lý luận rằng chúng ta có quyền tuyệt đối trên thân xác sẽ biến thành ý nghĩ chúng ta có quyền tuyệt đối trên công trình tạo dựng một cách tinh vi. Biết đón nhận thân xác của chúng ta, chăm sóc và tôn trọng ý nghĩa trọn vẹn của nó, là một yếu tố thiết yếu của bất cứ một sinh thái học đích thực nào về con người" (155).

Về lãnh vực lịch sử

"Chúng ta muốn trao lại một thế giới như thế nào cho những người đến sau, cho con em của chúng ta hiện đang lớn lên?...  Đâu là mục đích của cuộc sống chúng ta trên thế giới này? Tại sao chúng ta ở đây? Đâu là mục tiêu của công việc và tất cả những nỗ lực của chúng ta? Trái đất cần gì ở chúng ta? Do đó, chỉ nói chúng ta phải quan tâm đến các thế hệ tương lai mà thôi thì không đủ. Phải nhìn nhận rằng phẩm giá của chúng ta đang bị đe dọa. Việc để lại một hành tinh không thể sống nổi cho các thế hệ tương lai, trước hết và trên hết, tuỳ thuộc vào chúng ta. Vấn đề này là bi kịch cho chúng ta, vì nó liên hệ đến ý nghĩa tối hậu của cuộc lữ hành trần thế của chúng ta" (160)