Sinh Hoạt Sống Đạo 2021

 

HỌC HỎI THÔNG ĐIỆP CHÚC TỤNG CHÚA LAUDATO SI'

 

 

Trước hết là Tổng Quan về từng Chương, theo lời của ĐTC Phanxicô được trích lại từ phần Dẫn Nhập

Sau đó, trích nguyên văn một số câu tiêu biểu của ĐTC viết quan trọng trong từng Chương được học hỏi,

từ bản dịch của Caritas Việt Nam  https://caritasvietnam.org/datafiles/files/Laudato%20Si%20_final-version.pdf

Cuối cùng là Cảm Nhận Đúc Kết riêng của bản thân người học hỏi này về từng chương của bức thông điệp

TĐCTT Đaminh Maria cao tấn tĩnh, BVL,

 

NỘI DUNG  

Thông Điệp Chúc Tụng Chúa Laudato Si'- Tổng Quan của Hội Ðồng Tòa Thánh "Công lý và Hòa bình"

Thông Điệp Chúc Tụng Chúa Laudato Si'- Dẫn Nhập bởi Đức Thánh Cha Phanxicô

Thông Điệp Chúc Tụng Chúa Laudato Si'- Chương 1: Ðiều đang xảy ra cho căn nhà của chúng ta

Thông Điệp Chúc Tụng Chúa Laudato Si'- Chương 2: Tin Mừng về sự sáng tạo

Thông Điệp Chúc Tụng Chúa Laudato Si'- Chương 3: Căn cội sự khủng hoảng môi sinh do con người gây ra

Thông Điệp Chúc Tụng Chúa Laudato Si'- Chương 4: Một nền môi sinh học toàn diện

Thông Điệp Chúc Tụng Chúa Laudato Si'- Chương 5: Vài đường nét định hướng và hành động

Thông Điệp Chúc Tụng Chúa Laudato Si'- Chương 6: Giáo dục và linh đạo môi sinh học

Kinh nguyện cho trái đất của chúng ta và Kinh nguyện Kitô giáo với thụ tạo

  

 

Chương V

 Một vài đường hướng và hoạt động

[163-201]

I. Ðối thoại về môi trường trong chính trị quốc tế [164-175]

II. Ðối thoại hướng về những chính sách quốc gia và địa phương [176-181]

III. Ðối thoại và minh bạch trong các tiến trình quyết định [182-188]

IV. Đối thoại nơi chính trị và kinh tế để đạt tới sự viên mãn của con người [189-198]

V. Đối thoại với khoa học nơi các tôn giáo [199-201]

 Tổng Quan

Trong đoạn Dẫn Nhập - đoạn 15, ĐTC Phanxicô đã cho chúng ta thấy ý định của ngài về chương áp cuối của bức thông điệp Chúc Tụng Chúa Laudato Si' này như sau:

"Dưới ánh sáng của suy tư này, tôi sẽ đưa ra một số đề xuất rộng hơn nữa cho công cuộc đối thoại và hành động,

là những điều có liên hệ đến mỗi người chúng ta trong tư cách cá nhân, và cũng ảnh hưởng đến chính sách quốc tế"

   

Cảm Nhận Đúc Kết kèm theo trích dẫn và một số phụ dẫn cùng phụ diễn thích hợp và cần thiết (những chỗ được in nghiêng)

 

Có thể nói, Chương 5 này là chương quan trọng nhất và khẩn thiết nhất. Ở chỗ, cho dù chúng ta có biệt được hiện trạng thảm thương của trái đất chúng ta (chương 1), biết được ý nghĩa và giá trị của trái đất này theo mạc khải thần linh (chương 2), biết được căn nguyện cội rễ gây ra tình trạng khủng hoảng đến nguy hiểm cho chung số phận của loài người (chương 3), biết được thế nào là hệ sinh thái toàn vẹn cần phải có (chương 4), mà không biết làm sao để có thể giải quyết, cứu vãn và đáp ứng một cách liên đới và hiệu lực thì kể như vô ích và chẳng còn ý nghĩa cùng giá trị gì nữa. Đó là lý do, ngày khoản 163 đầu tiên, vị tác giả "giáo hoàng đến từ tận cùng trái đất" (lời mở đầu 13/3/2013) đã mãnh liệt cảnh giác như sau:

163. Cho đến bây giờ, tôi đã nỗ lực để đề cập đến hàng loạt vấn đề hiện tại, nói đến những rạn nứt trong hành tinh của chúng ta cũng như những căn nguyên nhân bản sâu sắc của suy thoái môi trường. Mặc dù chỉ nguyên việc suy ngẫm thực tại này đã cho thấy cần thiết phải thay đổi đường hướng và cách hành động, nhưng giờ đây chúng ta sẽ nỗ lực để vạch ra những con đường chính của việc đối thoại, có thể giúp chúng ta thoát khỏi vòng xoáy của sự tự huỷ diệt hiện đang nhấn chìm chúng ta.

Và từ câu mở đầu này, ngài đã dẫn giải chi tiết và rõ ràng những khía cạnh đối thoại khác nhau: 1- Ðối thoại về môi trường trong chính trị quốc tế; 2- Ðối thoại hướng về những chính sách quốc gia và địa phương; 3- Ðối thoại và minh bạch trong các tiến trình quyết định; 4- Đối thoại nơi chính trị và kinh tế để đạt tới sự viên mãn của con người; 5- Đối thoại với khoa học nơi các tôn giáo. Chúng ta hãy từ từ đọc lời ngài và chia sẻ với nhau:

I. Ðối thoại về môi trường trong chính trị quốc tế

Trước hết là khía cạnh đối thoại toàn cầu, một cuộc đối thoại để bàn quyết đến 4 vần đế thiết yếu để làm sao có thể giảm bới những nguy hại cho ngôi nhà chung trái đất của nhân loại:

164- ... Cần có sự đồng thuận toàn cầu mới có thể giải quyết những vấn đề sâu xa hơn, chứ không thể giải quyết bằng những hành động đơn  phương của các quốc gia riêng lẻ, như (1) việc lên kế hoạch cho một nền nông nghiệp bền vững và đa dạng, (2) phát triển những hình thức năng lượng tái tạo và ít gây ô nhiễm, (3) khích lệ cách sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, (4) cổ võ cách quản lý các nguồn tài nguyên biển và rừng tốt hơn, đảm bảo mọi người được sử dụng nước uống.

166. Trên khắp thế giới, phong trào sinh thái đã thực hiện được những bước tiến đáng kể, cũng nhờ vào nỗ lực của nhiều tổ chức xã hội dân sự... Tuy nhiên, các Hội Nghị Thượng Đỉnh Thế Giới gần đây về môi trường lại không thoả mãn được những mong đợi, vì thiếu ý muốn chính trị, họ không thể đạt tới những thoả thuận toàn cầu đầy đủ ý nghĩa và hiệu quả về môi trường.

Chẳng hạn như Hội Nghị ở Paris năm 2015 - có quyết định đấy, một cách khó khăn, để rồi không thi hành, không giữ lời hứa quyết, và gần nhất là Hội Nghị ở Madrid Tây Ban Nha năm 2019 - thậm chí hai cường quốc gây ô nhiễm nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc không đến tham dự v.v. có thể vì sợ trách nhiệm... trước thế giới và cần phải "cải thiện đời sống" thì mất ghế chính trị của thành phần lãnh đạo bấy giờ ở 2 cường quốc đệ nhất về kinh tế nhờ kỷ nghệ này. Trong khi đó "phong trào sinh thái đã thực hiện được những bước tiến đáng kể", phong trào dân sự, nhất là giới trẻ, như đã xẩy ra ngay trước hay ngay trong thời điểm Hội Nghị Madrid Tây Ban Nha 2019. Xin đọc tiếp những chứng dẫn thực tế của vị giáo hoàng tác giả sau đây:

167. Chúng ta nên đề cập đến Hội Nghị Thượng Đỉnh về Trái đất năm 1992 tại Rio de Janeiro. Hội Nghị này tuyên bố rằng “con người là trung tâm của các mối quan tâm dành cho sự phát triển bền vững”. Nhắc lại Tuyên Ngôn Stockholm năm 1972, nó nhắc nhớ sự hợp tác quốc tế để chăm sóc cho hệ sinh thái của toàn thể trái đất, nghĩa vụ phải trả giá của những người gây ô nhiễm và bổn phận đánh giá tác động đến môi trường của các dự án và công trình. Bản tuyên ngôn này đưa ra mục tiêu ổn định nồng độ khí nhà kính trong khí quyển, nhằm đảo ngược xu hướng nóng lên toàn cầu. Bản tuyên ngôn này cũng hoạch định lịch trình với kế hoạch hành động và công ước về sự đa dạng sinh học, và đưa ra các nguyên tắc có liên quan đến lâm nghiệp. Mặc dù hội nghị thượng đỉnh là một bước tiến thực sự và mang tính ngôn sứ, nhưng những thỏa thuận ấy lại được thực hiện cách nghèo nàn, thiếu những cơ chế thích hợp để giám sát, xác minh định kỳ và xử phạt trong những trường hợp không tuân thủ. Các nguyên tắc của bản tuyên ngôn này vẫn đợi chờ các phương thế áp dụng thực tế cách hiệu quả và linh hoạt hơn.

II. Ðối thoại hướng về những chính sách quốc gia và địa phương

Tuy nhiên, vẫn biết trái đất là ngôi nhà chung của nhân loại thì dân nước nào cũng phải có trách nhiệm chung với nhau, nhưng đồng thời cũng cần phải duy trì cả trách nhiệm riêng của mình nơi và với dân nước địa phương của mình, đặc biệt là xẩy ra trường hợp "cha chung không ai khóc" như đã từng xẩy ra trên đây.

179- .. Trong khi trật tự thế giới hiện tại không đảm nhận trách nhiệm của mình, các cá nhân và nhóm địa phương lại có thể tạo ra sự khác biệt. Họ có thể khơi dậy ý thức trách nhiệm hơn, cảm thức mạnh mẽ về cộng đồng, sự sẵn sàng bảo vệ người khác, tinh thần sáng tạo và tình yêu sâu thẳm dành cho đất đai. Họ cũng quan tâm đến những gì họ sẽ để lại cho con cái cháu chắt... Đôi khi việc thi hành luật pháp thôi thì không đủ vì nạn tham nhũng, áp lực công chúng đòi phải có một hành động chính trị mang tính quyết định. Xã hội, thông qua những tổ chức phi chính phủ và các nhóm trung gian, phải gây áp lực lên các chính quyền để phát triển những quy định, thủ tục và kiểm soát nghiêm ngặt hơn....

"Đôi khi việc thi hành luật pháp thôi thì không đủ vì nạn tham nhũng" thật quá đúng nơi những nước, những địa phương, và cả ở tầm mức toàn cầu nữa, khi thành phần có trách nhiệm bảo vệ luật pháp tham lam, như cảnh sát canh gác cho thành phần bị covid-19 lọt vào biên giới nước mình, hay như khi quan tòa phân xử theo tiền bạc hoặc áp lực chính trị v.v.

180. Không có những công thức kiểu đồng phục, vì mỗi quốc gia hay khu vực có những vấn đề và giới hạn riêng của mình. ... Đồng thời, ở cấp độ quốc gia và địa phương, vẫn còn nhiều việc cần thực hiện, như (1) xúc tiến những cách bảo tồn nguồn năng lượng, (2) trong đó thúc đẩy hình thức sản xuất công nghiệp tối ưu hóa nguồn năng lượng và giảm nguồn nguyên liệu thô, (3) loại bỏ khỏi thị trường các sản phẩm kém hiệu quả về năng lượng hoặc gây ô nhiễm, (4) cải tiến hệ thống giao thông, (5) khích lệ xây dựng và tu sửa lại những toà nhà nhằm giảm năng lượng tiêu thụ và mức độ ô nhiễm. Hoạt động chính trị ở cấp độ địa phương cũng (6) định hướng điều chỉnh việc tiêu dùng, (7) phát triển nền kinh tế về rác thải phân hủy và tái chế, (8) bảo vệ các chủng loại nhất định và lập kế hoạch cho một nền nông nghiệp đa dạng và luân canh mùa màng... Quả thật, còn nhiều điều cần phải thực hiện.

Đoạn 180 này được vị tác giả giáo hoàng nhấn mạnh đến 2 điều: "Không có những công thức kiểu đồng phục", vì hoàn cảnh địa phương hay tùy thời điểm hoặc khả năng của từng nơi, trong việc thực hiện ít là 8 công việc khẩn thiết tiêu biểu, trong số "nhiều điều cần phải thực hiện" như được phân số trên đây.

181. Sự tiếp nối là thiết yếu, vì không thể thay đổi các chính sách biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường mỗi khi có sự thay đổi chính quyền. Các kết quả cần nhiều thời gian và đòi hỏi những khoản chi phí trực tiếp, nhưng không thể thấy được hiệu quả hữu hình trong một nhiệm kỳ của bất cứ chính quyền nào. Đó là lý do vì sao các nhà cầm quyền chính trị luôn ngần ngại can thiệp nếu không có áp lực công chúng và các tổ chức dân sự, hoặc chỉ khi nào có nhu cầu khẩn thiết phải giải quyết. Đảm nhận trách nhiệm và cái giá phải trả, các nhà chính trị không thể tránh khỏi xung đột với não trạng lợi ích và kết quả ngắn hạn đang thống lĩnh các nền kinh tế và chính trị ngày nay. Nhưng nếu họ can đảm, họ sẽ làm chứng cho phẩm giá Thiên Chúa ban tặng và để lại cho hậu thế một chứng tá về trách nhiệm xả kỷ... Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng ngay cả những cơ chế tốt nhất cũng có thể bị sụp đổ khi không có những mục tiêu và những giá trị xứng đáng, hoặc không có một chủ nghĩa nhân bản đích thực và sâu sắc làm nền tảng của một xã hội cao quý và quảng đại.

Một chi tiết quan trọng được vị giáo hoàng tác giả nhắc đến ở đây là "sự tiếp nối là thiết yếu, vì không thể thay đổi các chính sách biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường mỗi khi có sự thay đổi chính quyền". Như đã từng xẩy ra ở Hoa Kỳ khi thay đổi chính quyền, chính quyến trước bất chấp cảnh báo của khoa học, thậm chí còn không tin vào khoa học, cứ tối đa lợi dụng kỹ nghệ để phát triển kinh tế bất chấp ô nhiễm, thay đổi những gì chính quyền tiền nhiệm trước đã tích cực tham gia cộng tác, để rồi chính sách "bất chấp" ấy lại bị chính quyền hậu nhiệm hủy bỏ, trở về với chích sách trước đó...

"Chủ nghĩa nhân bản đích thực" ở đây là chủ nghĩa coi con người là trọng tâm và mục tiêu của tất cả mọi hoạt động của xã hội, chứ không phải chỉ là phương tiện, là máy móc sản xuất trong guống máy kinh tế chính trị, có lợi thì còn được trọng dụng, bất lợi hay hết lợi thì "vắt chanh bỏ vỏ", theo khuynh hướng kỳ thị cộng hòa hay chế độ cộng sản; trái lại, "Chủ nghĩa nhân bản đích thực" ở đây hoàn toàn phản nghịch lại với chủ nghĩa duy nhân bản, theo chiều hướng dân chủ ý dân là ý trời, dân quyết định gì thì đó chính là ý trời, trời cũng phải chịu, đến độ dân làm chủ lịch sử của mình chứ không phải trời, thần tượng hóa con người, một thần tượng hầu như tuyệt đối muốn làm gì thì làm, được quyền làm cả những gì trái với luân thường đạo lý, như phá thai, đồng tính hôn nhân v.v.

III. Ðối thoại và minh bạch trong các tiến trình quyết định

Tuy nhiên, dù thuộc lãnh vực quốc tế hay quốc gia, những quyết định xây dựng bao giờ cũng phải thực hiện một cách khôn ngoan theo kinh nghiệm cân nhắc lợi hại (khoản 184), minh bạch từng vấn nạn được đặt ra (khoản 185), nhất là những trường hợp cần phải giải quyết cấp thời (khoản 186), và các quyết định không được giải quyết chỉ căn cứ vào thuần lợi nhuận (khoản 187).

Có thể nói, nếu bao gồm cả các khoản khác không được trưng dẫn như 4 đoạn tiêu biểu ở đây trong tiết đoạn III này, thì cần phải để ý đến 2 nguyên tắc nữa: nguyên tắc thứ nhất  đó là không được quyết định gì chỉ căn cứ vào mục đích tốt (như duy lợi) mà còn cả phương tiện và đường lối tốt (thích đáng theo công ích), tức khôbg theo chủ trương cộng sản "mục đích biện minh cho phương tiện"; nguyên tắc thứ hai đó là không nên tàn phá những gì tồi tàn, mà là biến tồi tàn thành lâu đài văn minh yêu thương, văn hóa sự sống, theo tinh thần Phúc Âm, như thập giá là tiêu biểu cho tội lỗi và sự chết, sản phẩm nhân tạo, đã được biến thành sản phẩm thần linh là Thánh GIá yêu thương và sự sống cứu độ!

184. Trong khi đối diện với những rủi ro đối với môi trường là điều có thể ảnh hưởng đến thiện ích chung bây giờ và trong tương lai, các quyết định cần được thực hiện “dựa trên so sánh những rủi ro và lợi ích dự báo được trong những giải pháp thay thế khác”. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp dự án sử dụng nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên, khí thải hay chất thải ở mức độ cao, tăng rác thải sản xuất, hay những thay đổi quan trọng về phong cảnh, nơi cư trú của các chủng loại đang được bảo vệ hay những không gian chung....

185. Trong bất kì cuộc thảo luận nào về đề xuất kinh doanh, cần phải đặt ra hàng loạt câu hỏi để biện phân xem liệu dự án có góp phần tạo nên sự phát triển toàn diện hay không. Nó sẽ đạt được gì? Tại sao? Ở đâu? Khi nào? Bằng cách nào? Cho ai? Đâu là những rủi ro? Đâu là các khoản chi phí? Ai sẽ trả những khoản chi phí đó và bằng cách nào? Trong sự biện phân này, một số câu hỏi phải ưu tiên hơn...

186. Tuyên Ngôn Rio năm 1992 khẳng định: “nơi nào có nguy cơ thiệt hại nghiêm trọng hoặc không thể cứu vãn, người ta không được lấy cớ thiếu bằng chứng khoa học chắc chắn để trì hoãn những biện pháp hiệu quả” nhằm ngăn chặn suy thoái môi trường. Nguyên tắc phòng ngừa này cho phép bảo vệ những kẻ yếu, không đủ khả năng bảo vệ lợi ích của họ và cung cấp chứng cứ vững vàng. Nếu thông tin khách quan dự đoán có sự nguy hại không thể cứu vãn được thì cần phải dừng hoặc điều chỉnh dự án, ngay cả khi thiếu bằng chứng xác đáng...

187. Điều này không có ý chống lại sự đổi mới công nghệ cho phép cải thiện phẩm chất đời sống, nhưng xác định lợi nhuận không thể là tiêu chí duy nhất cần xem xét, và khi có thông tin mới quan trọng xuất hiện, phải đánh giá lại dự án với sự tham gia của tất cả các bên liên quan. Kết quả thảo luận có thể là quyết định ngừng xúc tiến dự án, điều chỉnh hay xem xét giải pháp thay thế.

IV. Đối thoại nơi chính trị và kinh tế để đạt tới sự viên mãn của con người

Ở tiết đoạn thứ 4 trong chương 5 này bao gồm các nguyên tắc căn bản và thiết yếu, như những câu ở ngay đầu của từng khoản, 5 khoản tiêu biểu được trưng dẫn ở đây, trong việc đối thoại giữa hai lãnh vực chính trị và kinh tế, hai lãnh vực có thể so sánh chính trị đóng vai chồng và kinh tế đóng vai vợ, mà kinh nghiệm cho thấy cô vợ kinh tế không đóng vai là cạnh sườn sát cánh với ông chồng chính trị của mình, mà là đóng vai cổ, khiến ông chồng phải xoay theo chiều hướng kinh tế, lợi nhuận, vật chất, hơn là công ích và phục vụ con người. Ngược lại, ông chồng chính trị cũng có thể lợi dụng cô vợ kinh tế để điều khiển toàn thân theo chủ nghĩa dân túy v.v.

189. Các chính sách không được lệ thuộc vào kinh tế, cũng như kinh tế không lệ thuộc vào mệnh lệnh của thứ mô hình kĩ trị chạy theo hiệu quả. Ngày nay, với quan điểm về thiện ích chung, cần gấp rút phải có các chính sách và nền kinh tế thích hợp để bước vào cuộc đối thoại thẳng thắn về việc phục vụ sự sống, đặc biệt là sự sống con người. Cứu các ngân hàng bằng mọi giá, làm cho công chúng phải trả giá, buông bỏ cam kết rà soát lại và cải tổ toàn bộ hệ thống, tất cả những điều đó chỉ tái khẳng định sức mạnh tuyệt đối của hệ thống tài chính, một sức mạnh không có tương lai hoặc sẽ chỉ làm gia tăng các cuộc khủng hoảng mới sau một tiến trình khôi phục chậm chạp và tốn kém. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007-2008 mang lại một cơ hội để phát triển một nền kinh tế mới quan tâm hơn đến các nguyên tắc đạo đức, những quy định mới về đầu cơ tài chính và sự thịnh vượng ảo, nhưng lại không suy nghĩ về những tiêu chí lạc hậu đang tiếp tục chi phối thế giới. Sản xuất không phải lúc nào cũng hợp lý và thường gắn liền với những biến thiên kinh tế quy định cho sản phẩm một giá trị không tương ứng với giá trị thật sự. Điều này dẫn đến sản xuất một số mặt hàng quá nhiều, với những tác động không cần thiết lên môi trường và với những kết quả tiêu cực cho nền kinh tế khu vực. Bong bóng tài chính cũng có xu hướng trở thành bong bóng sản xuất. Không thể giải quyết triệt để vấn đề của nền kinh tế thực, tuy nhiên nền kinh tế thực sẽ tạo sự đa dạng và tiến bộ trong khả năng sản xuất, giúp các công ty vận hành tốt, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể phát triển và tạo ra công ăn việc làm.

Phụ thêm của người học hỏi này: kĩ trị (technocracy: the government or control of society or industry by an elite of technical experts)

190- ... Việc bảo vệ môi trường không thể được đảm bảo trên nền tảng của những tính toán tài chính về các khoản chi phí và lợi nhuận. Môi trường là một trong những tài sản mà các thế lực thị trường không thể bảo vệ hoặc xúc tiến cách đầy đủ”. Một lần nữa, chúng ta loại bỏ khái niệm có tính ma thuật về thị trường có xu hướng nghĩ rằng các vấn đề được giải quyết bằng cách gia tăng lợi nhuận của các công ty hay cá nhân. Có thực tế không khi hy vọng rằng những người đang bị ám ảnh tối đa hoá lợi nhuận sẽ dừng lại để suy nghĩ về mối nguy hại đến môi trường mà họ để lại cho thế hệ tương lai? Nơi nào chỉ tính đến lợi nhuận, nơi đó sẽ không lưu tâm đến nhịp điệu của thiên nhiên, những giai đoạn hư hoại và tái tạo, hoặc tính phức tạp của các hệ sinh thái bị thay đổi đáng kể do sự can thiệp của con người. Hơn nữa, khi nói đến đa dạng sinh học, đa số mọi người đều xem đó như một nguồn kinh tế có sẵn cần bảo tồn, chứ không suy nghĩ nghiêm túc về giá trị đích thực của mọi sự, tầm quan trọng của nó đối với con người và các nền văn hoá, mối quan tâm và nhu cầu của người nghèo.

194- ... Cân bằng, trong trung hạn, giữa việc bảo vệ thiên nhiên với thu lợi tài chính, hoặc giữa việc bảo tồn môi trường với sự tiến bộ thì không đủ. Những biện pháp nửa vời chỉ làm trì hoãn thảm hoạ hiển nhiên. Vấn đề là định nghĩa lại khái niệm về sự tiến bộ. Một sự phát triển công nghệ và kinh tế không để lại cho tương lai một thế giới tốt đẹp và chất lượng sống toàn diện hơn thì không được coi là sự tiến bộ. Phẩm chất cuộc sống thực tế của người dân nhiều lần bị suy giảm – suy thoái môi trường, chất lượng thực phẩm kém hoặc cạn kiệt nguồn tài nguyên – ngay trong sự tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh đó, đề tài phát triển bền vững thường không được chú ý, hoặc đưa ra những lời biện minh, ngôn ngữ và giá trị của sinh thái học bị nhấn chìm trong logic của tài chính và kĩ trị, trách nhiệm môi trường và xã hội của các doanh nghiệp thường được giảm xuống thành một loạt các biện pháp tiếp thị và gia tăng hình ảnh.

196. Các quan điểm chính trị thì sao? Chúng ta hãy nhớ nguyên tắc bổ trợ là nguyên tắc đảm bảo sự tự do để phát triển các khả năng trong mọi cấp độ của xã hội, trong khi cũng đòi hỏi ý thức trách nhiệm lớn lao về thiện ích chung của những người đang nắm giữ quyền lực. Ngày nay, xảy ra trường hợp là một số thành phần kinh tế có quyền lực hơn nhà nước. Không thể biện minh cho một nền kinh tế mà không có chính trị, vì như thế sẽ không thể giải quyết các khía cạnh khác nhau của cuộc khủng hoảng hiện tại. ...

198. Chính trị và kinh tế có xu hướng đổ lỗi cho nhau khi đối diện với tình trạng nghèo nàn và suy thoái môi trường. Hy vọng rằng mỗi bên có thể nhận ra được những sai lầm của mình và tìm kiếm hình thức tương tác hướng đến thiện ích chung. Trong khi một số người chỉ bận tâm tới lợi ích tài chính, còn một số khác lại lo duy trì hay gia tăng quyền lực, chắc chắn điều để lại sẽ là những mâu thuẫn và thoả thuận giả dối, trong đó cả hai bên đều không quan tâm đến việc chăm sóc môi trường và bảo vệ những người yếu đuối. Ở đây cũng thế, chúng ta thấy nguyên tắc “hiệp nhất lướt thắng xung đột” rất đúng.

V. Đối thoại với khoa học nơi các tôn giáo

Nếu chính trị và kinh tế có thể so sánh là một cặp vợ chồng, thì mối liên hệ giữa khoa học và tôn giáo cũng có thể so sánh như xác với hồn của con người, như tài năng với lương tâm nơi con người, một con người toàn vẹn và phát triển toàn vẹn bao giờ cũng phải là một "con người không sống nguyên bởi bánh, mà còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra nữa" (Mathêu 4:4), vì "cái gì sinh bởi xác thịt là xác thịt, những gì sinh bởi Thần Linh là Thần Linh" (Gioan 3:6).

199. Người ta không thể cho rằng khoa học thực nghiệm giải thích đầy đủ về sự sống, sự tương tác của mọi loài thụ tạo và toàn bộ thực tại. Điều này vượt quá giới hạn của chính phương pháp khoa học... Lý trí có thể nhận thức các nguyên tắc đạo đức dù chúng tái xuất hiện trong nhiều dáng vẻ khác nhau và được diễn tả bằng nhiều ngôn ngữ đa dạng, ngay cả ngôn ngữ tôn giáo.

200. Bất kì một giải pháp kĩ thuật nào mà khoa học tuyên bố mang lại sẽ trở nên bất lực trong việc giải quyết các vấn đề nghiêm trọng của thế giới nếu nhân loại mất định hướng, nếu chúng ta mất động lực để sống hài hoà, hy sinh và đối xử tốt với người khác... Nếu đôi lúc vì thiếu hiểu biết, chúng ta biện minh cho việc đối xử tệ bạc với thiên nhiên, tàn nhẫn với công trình tạo dựng, tham gia vào chiến tranh, bất công và bạo lực, thì với tư cách là các tín hữu, chúng ta phải nhìn nhận mình không còn trung tín với các kho tàng của sự khôn ngoan mà chúng ta được mời gọi để trân trọng và bảo tồn...

201. Đa số những người đang sống trên hành tinh của chúng ta đều tuyên nhận là những người có niềm tin. Điều này thúc đẩy các tôn giáo đối thoại với nhau hướng tới việc chăm sóc thiên nhiên, bảo vệ người nghèo và xây dựng mạng lưới của sự tôn trọng và tình huynh đệ.... Cần có một cuộc đối thoại cởi mở và tôn trọng giữa các phong trào sinh thái khác nhau, trong đó có gặp gỡ giữa những mâu thuẫn ý thức hệ. Mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng sinh thái đòi buộc tất cả chúng ta phải tìm kiếm thiện ích chung, dấn bước trên con đường đối thoại đòi hỏi sự nhẫn nại, kỷ luật và lòng quảng đại, luôn luôn ghi nhớ rằng “thực tại lớn hơn ý tưởng”.

 

Đaminh Maria cao tấn tĩnh xin đóng góp