Sinh Hoạt Sống Đạo 2021
HỌC HỎI THÔNG ĐIỆP CHÚC TỤNG CHÚA LAUDATO SI'
Nguyên trọn phần mở đầu dẫn nhập của ĐTC Phanxicô trong Thông Điệp Laudato Si
(theo bản dịch của Caritas Việt Nam)
Lạy Chúa của con, chúc tụng Chúa [1-2]
Chúng ta không dửng dưng đối với điều gì của thế giới này [3-6]
Ðược liên kết do cùng một mối quan tâm [7-9)
Thánh Phanxicô Assisi [10-12]
Lời kêu gọi của tôi [13-16]
6. Vị tiền nhiệm của tôi là Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đề nghị “loại bỏ những nguyên nhân mang tính cơ cấu của những rối loạn kinh tế thế giới và chỉnh đốn lại những mô hình phát triển không có khả năng đảm bảo sự tôn trọng dành cho môi trường”. (Diễn văn trong buổi gặp gỡ Ngoại giao đoàn tại Tòa Thánh (8.01.2007): AAS 99 (2007), 73). Ngài nhận thấy không thể phân tích thế giới bằng việc tách biệt chỉ một trong những khía cạnh của nó, bởi lẽ “cuốn sách thiên nhiên là một và bất khả phân ly”, nó bao gồm cả môi trường, sự sống, tính dục, gia đình, các mối tương quan xã hội và các khía cạnh khác. Như thế, “suy thoái thiên nhiên gắn liền với nền văn hoá hình thành nên sự chung sống của con người”. (Thông điệp Caritas in Veritate (29.01.2009), 51: AAS 101 (2009), 687). Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã mời gọi chúng ta nhận biết môi trường thiên nhiên đang chịu hư hoại nặng nề do hành vi thiếu trách nhiệm của chúng ta. Cả hai đều do bởi cùng một sự dữ: không nhìn nhận chân lý tuyệt đối nào hướng dẫn cuộc sống của chúng ta, và cho rằng sự tự do của con người là vô hạn. Chúng ta quên mất “con người không là sự tự do mà chính con người tạo ra. Con người không tự tạo nên chính mình. Con người là tinh thần và ý chí, nhưng cũng là tự nhiên”. (Phát biểu tại Bundestag, Berlin (22.9.2011): AAS 103 (2011), 664). Với mối quan tâm phụ tử, ngài thôi thúc chúng ta nhận thức rằng công trình sáng tạo đang bị nguy hại “ngay ở nơi mà bản thân chúng ta có tiếng nói chung cuộc, nơi mà mọi thứ đơn giản chỉ là tài sản của chúng ta và chúng ta sử dụng nó cho chính bản thân chúng ta mà thôi. Việc sử dụng sai lầm công trình sáng tạo bắt đầu khi chúng ta không còn nhận biết bất kỳ một điều gì cao hơn chính bản thân chúng ta, khi chúng ta chẳng thấy gì khác ngoại trừ chính bản thân chúng ta”. (Nói chuyện với Giáo sĩ thuộc Giáo phận Bolzano-Bressanone (6.8.2008): AAS 100 (2008), 634).
Hiệp nhất bởi cùng một mối bận tâm
7. Những lời tuyên bố của các vị Giáo Hoàng vang vọng những suy tư của biết bao nhà khoa học, triết gia, thần học gia, các nhóm dân sự và tất cả các nhóm làm phong phú cho suy tư của Hội Thánh về những vấn đề này. Ngoài Hội Thánh Công Giáo, các Giáo Hội và các cộng đồng Kitô giáo khác – cũng như các tôn giáo khác – đã thể hiện mối bận tâm sâu xa và đưa ra những suy tư giá trị về những vấn đề mà tất cả chúng ta đều trăn trở. Xin nêu ví dụ điển hình về những tuyên bố của Đức Thượng Phụ Đại Kết Batôlômêô đáng kính. Chúng ta đang chia sẻ với ngài niềm hy vọng hiệp thông trọn vẹn với Hội Thánh.
8. Đức Thượng Phụ Batôlômêô đặc biệt nói về sự cần thiết phải sám hối vì những cách thế chúng ta đã làm tổn hại đến hành tinh, vì “cùng một cách thế chúng ta tạo ra sự nguy hại về mặt sinh thái”, chúng ta được mời gọi để nhận biết “sự góp mặt của chúng ta, dù lớn hay nhỏ, làm mất đi vẻ đẹp và huỷ diệt công trình sáng tạo”. (Sứ điệp ngày Cầu nguyện cho việc chăm sóc thiên nhiên (01.9.2012)). Ngài nhắc đi nhắc lại điều này một cách dứt khoát và đầy thuyết phục, thách đố chúng ta biết nhận ra tội lỗi của chúng ta chống lại công trình sáng tạo: “Vì con người... huỷ diệt sự đa dạng sinh thái của công trình do Thiên Chúa sáng tạo; vì con người làm suy giảm tính thống nhất của trái đất bằng việc tạo ra những biến đổi khí hậu, bằng việc tước khỏi trái đất những khu rừng thiên nhiên hoặc huỷ diệt những vùng đất ngập nước; vì con người làm ô nhiễm nguồn nước, đất đai, không khí và sự sống của trái đất – những điều này đều là tội lỗi”. (Phát biểu tại Santa Barbara, California (8.11.1997); cf. JOHN CHRYSSAVGIS, Dưới Đất cũng như trên Trời: Tầm nhìn sinh thái và những sáng kiến của Đức Thượng phụ Đại kết Bartholomew, Bronx, New York, 2012). Bởi lẽ “thực hiện một tội ác chống lại thế giới tự nhiên là một tội chống lại chính bản thân chúng ta và chống lại chính Thiên Chúa”. (ibid.)
9. Đồng thời, Đức Batôlômêô đã thu hút sự chú ý đến những căn nguyên mang tính đạo đức và thiêng liêng của các vấn đề môi trường, là những điều đòi hỏi chúng ta tìm kiếm giải pháp không chỉ về mặt công nghệ mà còn về một sự thay đổi của nhân loại; bằng không chúng ta đang giải quyết thuần tuý về mặt biểu hiện. Ngài mời gọi chúng ta thay thế tiêu thụ bằng hy sinh, lòng tham bằng lòng quảng đại, lãng phí bằng tinh thần chia sẻ, nhiệm nhặt “đi kèm với việc học biết cho đi, chứ không phải là buông xuôi. Đó là một cách yêu thương, chuyển từ điều tôi muốn đến điều thế giới của Thiên Chúa cần. Đó là một sự giải thoát khỏi sợ hãi, lòng tham và cưỡng bách”. (Diễn văn tại Tu viện Utstein, Norway (23.6.2003)). Là Kitô hữu, chúng ta cũng được mời gọi “đón nhận thế giới như một bí tích của sự hiệp thông, một cách chia sẻ cùng Thiên Chúa và anh chị em đồng loại trên quy mô toàn cầu. Chúng ta khiêm tốn xác tín rằng sự thánh thiêng và nhân bản gặp nhau trong chi tiết mỏng manh nhất của tạo thành do Thiên Chúa thêu dệt, trong vết bụi nhỏ bé nhất của hành tinh của chúng ta”. (“Trách nhiệm toàn cầu và sự bền vững sinh thái”, Kết luận, Halki Summit I, Istanbul (20 June 2012)).
Thánh Phanxicô Assisi
10. Tôi không muốn viết Thông điệp này mà không hướng đến nhân vật có sức hút và mời gọi này. Tôi đã chọn danh hiệu của ngài làm sự hướng dẫn và động lực khi tôi được chọn làm Giám mục của Rôma. Tôi tin rằng Thánh Phanxicô là mẫu gương hoàn hảo cho việc chăm sóc những gì bị tổn thương và một nền sinh thái toàn diện vui tươi, đích thực. Ngài là thánh bảo trợ cho tất cả những ai đang nghiên cứu và hoạt động trong lãnh vực sinh thái, Ngài cũng được rất nhiều người không phải là Kitô hữu yêu mến. Ngài đặc biệt quan tâm đến công trình sáng tạo của Thiên Chúa, đến người nghèo và những người bị bỏ rơi. Ngài yêu mến, và đã được yêu mến cách sâu sắc vì niềm vui của Ngài, sự trao ban chính bản thân Ngài cách quảng đại, mở rộng tâm hồn của Ngài. Ngài là một nhà thần bí và là người lữ hành giản dị, hoà hợp trọn vẹn với Thiên Chúa, với người khác, với thiên nhiên và với chính bản thân Ngài. Ngài cho chúng ta thấy mối dây liên kết không thể tách rời giữa việc quan tâm đến thiên nhiên, công lý cho người nghèo, dấn thân xã hội và sự bình an nội tâm.
11. Thánh Phanxicô giúp chúng ta hiểu rằng một nền sinh thái toàn diện mời gọi mở lòng ra cho các chủng loại vượt ra khỏi ngôn ngữ của toán học và sinh học, và kết nối chúng ta với bản chất con người. Như khi chúng ta yêu ai thì luôn hướng về người đó, bất cứ lúc nào Ngài nhìn ngắm mặt trời, mặt trăng hoặc các loài động vật nhỏ bé nhất, Ngài cũng có thể cất lên thành lời ca, lôi kéo tất cả mọi loài thụ tạo khác vào trong bài ca tụng của Ngài. Ngài hiệp thông với toàn thể công trình sáng tạo, thậm chí là giảng cho những bông hoa, mời chúng “ca tụng Thiên Chúa, như thể chúng có lý trí vậy”. (THOMAS OF CELANO, Đời sống thánh Phanxicô, I, 29, 81: Francis of Assisi: Early Documents, vol. 1, New York-London-Manila, 1999, 251). Ngài đáp trả với thế giới xung quanh vượt xa hiểu biết tri thức hay những tính toán kinh tế, vì đối với Ngài, mỗi và mọi loài thụ tạo đều là một người chị hiệp nhất với Ngài bằng những mối dây liên kết tình cảm. Đó là lý do vì sao Ngài cảm thấy được mời gọi để chăm sóc cho tất cả mọi loài đang tồn tại. Môn đệ của Ngài là thánh Bônaventura nói với chúng ta rằng: “từ suy tư về nguồn cội của mọi sự, với lòng thành kính tràn đầy, Ngài có thể gọi các loài thụ tạo, bất kể nhỏ bé cỡ nào, bằng cái tên là ‘anh’ hay ‘chị’”. (Điển tích lớn trong cuộc đời thánh Phanxicô, VIII, 6, in Francis of Assisi: Early Documents, vol. 2, New York-London-Manila, 2000, 590). Một niềm xác tín như thế không thể được viết ra như thể là một kiểu lãng mạn ngớ ngẩn, vì nó ảnh hưởng đến những chọn lựa quyết định việc hành xử của chúng ta. Nếu chúng ta tiếp cận thiên nhiên và môi trường mà không mở lòng cho sự thán phục và ngưỡng mộ, nếu chúng ta không còn nói ngôn ngữ của tình huynh đệ và vẻ đẹp trong các mối tương quan với thế giới nữa, thái độ của chúng ta sẽ là những người chủ, những người tiêu thụ, những người khai thác không biết mỏi mệt, không có giới hạn cho những nhu cầu tức thời của chúng ta. Trái lại, nếu chúng ta cảm thấy hiệp nhất cách gần gũi với tất cả mọi sự đang hiện hữu, sự điều độ và sự chăm sóc sẽ phát triển đồng thời. Cái nghèo và khắc khổ của thánh Phanxicô không là nước sơn bóng bẩy của chủ thuyết khổ hạnh, nhưng là một điều gì đó triệt để hơn: từ chối hành vi biến thực tại thành một đối tượng để lợi dụng và kiểm soát.
12. Trung thành với Kinh Thánh, thánh Phanxicô mời gọi chúng ta nhìn thiên nhiên như một cuốn sách tuyệt vời trong đó Thiên Chúa nói với chúng ta và ban cho chúng ta hưởng kiến một chút vẻ đẹp và sự thiện hảo vô biên của Ngài. “Vì các thụ tạo càng lớn lao đẹp đẽ thì càng giúp nhận ra Ðấng tạo thành” (Kn 13,5); thực ra, “quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ” (Rm 1,20). Vì lý do này, thánh Phanxicô không cho phép đụng đến một phần khu vườn trong nhà dòng của ngài, để những loài hoa và cây cỏ lớn lên ở đó, và những ai thấy chúng có thể hướng lòng trí của họ lên Thiên Chúa, Đấng tạo nên một vẻ đẹp như thế. (Cf. THOMAS OF CELANO, Ký ức của khát vọng tâm hồn, II, 124, 165, in Francis of Assisi: Early Documents, vol. 2, New York-London-Manila, 2000, 354). Hơn cả một vấn đề cần được giải quyết, thế giới là một mầu nhiệm đầy vui tươi cần được chiêm ngưỡng bằng niềm hoan hỷ và lời ca tụng.
Lời mời gọi của tôi
13. Thách đố khẩn thiết để bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta là huy động toàn thể gia đình nhân loại cùng nhau tìm kiếm một sự phát triển bền vững và hỗ tương, vì chúng ta biết rằng mọi thứ có thể thay đổi. Đấng Tạo Hoá không bỏ mặc chúng ta; Ngài không bao giờ bỏ mặc kế hoạch yêu thương của Ngài hoặc hối tiếc vì đã tạo dựng nên chúng ta. Nhân loại vẫn có khả năng để cùng nhau xây dựng ngôi nhà chung. Ở đây, tôi muốn nhìn nhận, khích lệ và cảm ơn tất cả những ai đang nỗ lực bằng muôn vàn cách thế để bảo vệ ngôi nhà chung mà chúng ta đang cùng chia sẻ. Tôi đặc biệt cảm kích những người không mỏi mệt tìm kiếm cách thức giải quyết những hậu quả bi đát của sự suy thoái môi trường lên đời sống của người nghèo trên thế giới. Người trẻ đòi một sự thay đổi. Họ đang tự hỏi tại sao người ta có thể tuyên bố là đang xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn mà không nghĩ đến sự khủng hoảng môi trường và nỗi đau khổ của những người bị loại trừ.
14. Do đó, tôi khẩn thiết kêu gọi một cuộc đối thoại mới về cách thế hình thành nên tương lai của hành tinh chúng ta. Chúng ta cần một cuộc trao đổi có hết mọi người, vì thách đố môi trường mà chúng ta đang trải qua, và những cội rễ nhân bản của nó liên quan và ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Phong trào sinh thái thế giới đã tiến bộ đáng kể và thiết lập nên rất nhiều tổ chức dấn thân cho việc nâng cao nhận thức về những thách đố này. Đáng tiếc thay, nhiều nỗ lực nhằm tìm kiếm những giải pháp cụ thể trước cuộc khủng hoảng môi trường tỏ ra không hiệu quả, không phải chỉ vì thế lực chống đối nhưng còn vì thiếu sự quan tâm mang tính phổ quát hơn. Những thái độ bế tắc, ngay cả của những người có niềm tin, có thể chuyển từ chối bỏ vấn đề sang thờ ơ, lãnh đạm hay tin tưởng mù quáng vào các giải pháp kĩ thuật. Chúng ta cần một sự liên đới mới và mang tính hoàn vũ. Như các Giám mục Nam Phi đã nói: “Tài năng và sự tham gia của mọi người là cần thiết để loại bỏ mối nguy hại do con người gây ra khi lạm dụng công trình sáng tạo của Thiên Chúa”. (HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC NAM PHI, Đường hướng mục vụ trong cuộc khủng hoảng môi trường (5.9.1999)). Tất cả chúng ta có thể hợp tác với nhau như những khí cụ của Thiên Chúa, để chăm sóc công trình sáng tạo, mỗi người theo nền văn hoá, kinh nghiệm, sự tham gia và tài năng của mình.
15. Niềm hy vọng của tôi là với Thông điệp này, được tháp nhập vào trong thân thể của Giáo huấn xã hội của Hội Thánh, có thể giúp chúng ta nhận biết được lời mời gọi, mức độ rộng lớn và sự khẩn thiết của thách đố chúng ta đang đối diện. Tôi sẽ bắt đầu bằng việc vắn tắt nhắc lại một số khía cạnh của cuộc khủng hoảng sinh thái hiện tại, với mục đích đưa ra những kết quả của nghiên cứu khoa học tốt nhất đang có hiện nay, để chúng chạm tới chúng ta cách sâu xa và mang lại một nền tảng vững vàng cho hành trình đạo đức và thiêng liêng cần dõi theo. Tôi sẽ suy xét một số nguyên tắc được lấy từ truyền thống Kitô giáo – Do Thái là truyền thống có thể làm cho sự dấn thân của chúng ta đối với môi trường được thống nhất hơn. Tôi sẽ nỗ lực đi đến các cội rễ của tình trạng hiện tại, để không chỉ xem xét những triệu chứng mà cả những căn nguyên sâu xa nhất của nó. Điều này sẽ giúp mang lại một cách tiếp cận đối với sinh thái học, trong đó tôn trọng vị trí duy nhất của chúng ta trong tư cách là con người trong thế giới và mối tương quan của chúng ta với môi trường xung quanh. Dưới ánh sáng của suy tư này, tôi sẽ đưa ra một số đề xuất rộng hơn nữa cho công cuộc đối thoại và hành động, là những điều có liên hệ đến mỗi người chúng ta trong tư cách cá nhân, và cũng ảnh hưởng đến chính sách quốc tế. Sau cùng, tôi tin rằng sự thay đổi là không khả thi nếu không có động lực và một tiến trình giáo dục, tôi sẽ đưa ra một số hướng dẫn có tính gợi mở cho sự phát triển nhân loại được tìm thấy trong kho tàng kinh nghiệm thiêng liêng Kitô giáo.
16. Mặc dù mỗi chương sẽ có chủ đề và cách tiếp cận riêng, nhưng nó cũng lấy lại và tái xem xét những vấn đề quan trọng đã được bàn trước đó. Đây là một trường hợp đặc biệt đối với nhiều chủ đề sẽ tái xuất hiện khi Thông điệp được công bố. Ví dụ, tôi sẽ nói đến mối tương quan gần gũi giữa người nghèo và sự mỏng manh của hành tinh, niềm xác tín rằng mọi thứ trong thế giới có liên hệ với nhau, phê bình các khuôn mẫu và dạng thức quyền lực mới xuất phát từ công nghệ, lời mời gọi tìm kiếm 16 những cách hiểu khác về nền kinh tế và sự phát triển, giá trị đúng đắn cho mỗi thụ tạo, ý nghĩa nhân bản về sinh thái học, sự cần thiết phải có cuộc tranh luận thẳng thắn và trung thực, trách nhiệm nghiêm trọng của chính sách quốc tế và địa phương, nền văn hoá loại bỏ và đề xuất một lối sống mới. Những vấn đề này sẽ không được giải quyết một lần và cho tất cả, nhưng được tái định hình và làm phong phú liên tục.