Sinh Hoạt Sống Đạo 2021

 

Mùa Xuân Muôn Thuở Maria

 

Mùa Xuân Trước Nguyên Tội
Mùa Xuân Sau Nguyên Tội
Mùa Xuân Maria
Mùa Xuân Viên Mãn

 

Đaminh Maria cao tấn tĩnh, BVL

(Toàn bộ bài viết 4 phần này đã được phổ biến trên các Nguyệt San Công Giáo hải ngoại:

Trái Tim Đức Mẹ 1/1995, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp 2/2000, Hiệp Nhất 2/2000, và Nguyệt San Dân Chúa Mỹ Châu số kép 1-2/2012)

Tác giả xin phổ biến lại bài viết 27 năm về trước này vào dịp mừng tân xuân âm lịch 2021 này,

vì cảm thấy rất thích hợp với thời điểm vẫn còn trong Năm Chúc Tụng Chúa Laudato Si', 24/5/2020-2021,

kỷ niệm 5 năm ĐTC Phanxicô ban hành Thông Điệp Chúc Tụng Chúa Laudasto Si' về hệ sinh thái của Trái Đất là Ngôi Nhà Chung của nhân loại chúng ta.

 

 

2.- MÙA XUÂN SAU NGUYÊN TỘI

 

Nếu "trước Nguyên Tội" đã có mùa xuân, thì phải chăng ngay "ban đầu" ấy trời đất cũng đã có 4 mùa xuân-hạ-thu-đông theo thời tiết như hiện nay?


"4 mùa xuân-hạ-thu-đông theo thời tiết như hiện nay", theo cảm nghiệm tự nhiên, có thể ví như tâm trạng của trời đất được bộc lộ qua những dáng vẻ thay đổi định kỳ trong thiên nhiên.

"Xuân" là thời gian đầu năm "mới mẻ", hiển hiện qua không gian nẩy nở đầy "tươi trẻ", làm cho nhân gian sống trong không gian và thời gian cảm thấy hân hoan "vui vẻ".

"Hạ" là thời gian năng động, hiển hiện qua không gian thật căng thẳng và nóng nảy, làm cho nhân gian dễ cảm thấy hung hăng, không thể ngồi yên.

"Thu" là thời gian tàn tạ, hiển hiện qua không gian vàng úa và trống vắng, làm cho nhân gian dễ cảm thấy bâng khuâng, buồn buồn.

"Đông" là thời gian cô đọng (ngày ngắn đêm dài), qua không gian lạnh lẽo và tăm tối, làm cho nhân gian cảm thấy co ro, đơn độc, nhung nhớ, mang một mầu sắc chết chóc.

"4 mùa xuân-hạ-thu-đông theo thời tiết như hiện nay", nếu quả thật "trước Nguyên Tội" đã có thì không biết tình trạng "trần truồng mà không biết xấu hổ" (STK 2:25) của hai nguyên tổ ra sao? Có thể lúc bấy giờ, khi còn ở trong tình trạng Công Chính Nguyên Thủy, tình trạng "vô tội" và không biết đến tội lỗi là gì, da thịt của ông bà được miễn nhiễm khỏi mọi bất hạnh trong đời sống, gây ra từ môi sinh hay chăng?

Thế nhưng, chính trong lúc "trước Nguyên Tội" này mà mối thân tình giữa "trời đất" và con người "làm chủ nó" không thể có gì ngăn cách. Bởi đó, nếu "trước Nguyên Tội" đã có 4 mùa, vì không có quần áo để ăn mặc theo "thời trang", thì da thịt "trần truồng" của hai ông bà chắc hẳn sẽ phải biến dạng theo "thời tiết": đỏ, vào "mùa xuân Mỹ Châu", đen vào "mùa hè Phi/Úc Châu", vàng vào "mùa thu Á Châu", và trắng vào "mùa đông Âu Châu". Nếu "trước Nguyên Tội" đã có 4 mùa, thì không biết hai nguyên tổ che đậy bản thân "trần truồng" của mình và trốn lánh Thiên Chúa làm sao được khi Nguyên Tội xẩy ra vào cuối "mùa thu lá bay", lúc mà Vườn Địa Đường đã trở thành một khu rừng thưa trần trụi?!?

"4 mùa xuân-hạ-thu-đông theo thời tiết như hiện nay", với bản chất luân chuyển theo tác động thời gian, được tỏ lộ qua hình dáng nơi không gian như thế, làm sao nó có thể xuất hiện ngay "từ đầu", khi mà "Thiên Chúa nhìn mọi sự Ngài đã làm và Ngài thấy nó rất tốt đẹp" (STK 1:31).

"4 mùa xuân-hạ-thu-đông theo thời tiết như hiện nay", do đó, chỉ bắt đầu có kể từ "sau Nguyên Tội". "Trước Nguyên Tội", nếu có "mùa" thì chỉ duy có Xuân: Mùa Thái Hòa của Trời Đất, trong trật tự tạo dựng của Đấng Hóa Công, và nếu có "thời" thì chỉ là Thời Phúc Lộc Thọ của Con Người, trong yêu thương của "Thiên Chúa là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất" (kinh Tin Kính).

"Sau Nguyên Tội" ở đây tức là lúc "con cựu xà, gọi là ma qủi hay Satan, tên cám dỗ cả thế gian" (KH 12:9), đã dùng chính miệng lưỡi thâm độc "không có sự thật trong mình" (Gioan 8:44) để sát hại con người "từ ban đầu" (Gioan 8:44).

"Sau Nguyên Tội" ở đây cũng là lúc hai nguyên tổ nghe theo "tên gian trá và là cha của những sự dối trá" (Gioan 8:44) "ăn cây (Thiên Chúa) cấm không được ăn" (STK 3:11), và "cả hai đã mở mắt ra, nhận thấy mình trần truồng" (STK 3:7), phải đan lá vả làm áo che thân mình và không dám đối diện với Thiên Chúa (x.STK 3:7,8).

"Sau Nguyên Tội" ở đây còn là lúc Bản Án Nguyên Tội được tuyên phán, minh định tình trạng băng hoại nơi cả hữu thể của "con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa" (STK 9:6), cũng như nơi bản chất của tạo vật được dựng nên "rất tốt đẹp" ngay "ban đầu" cho con người.

Theo Bản Án Nguyên Tội, hữu thể của con người bị băng hoại ở chỗ: "Ngươi sẽ đổ mồ hôi mới có của ăn... cho đến khi ngươi trở về bụi đất" (STK 3:19), và bản chất của tạo vật nói chung cũng vì con người mà bị băng hoại ở chỗ: "Vì ngươi (con người) mà khốn cho đất... Đất sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi" (STK 3:17). Phải, chính tình trạng bị biến dạng (deformation) có nghĩa tiêu cực này, chứ không phải tình trạng được biến hình (transformation) có nghĩa tích cực, nơi con người "làm chủ trái đất" và nơi "đất" ngay "từ ban đầu" như thế, mới sinh ra và mới có
"4 mùa xuân-hạ-thu-đông theo thời tiết như hiện nay": Xuân thường từ cuối tháng 12 tới cuối tháng 3, Hạ thường từ cuối tháng 3 tới cuối tháng 6, Thu thường từ cuối tháng 6 tới cuối tháng 9, Đông thường từ cuối tháng 9 tới cuối tháng 12, và từ cuối mùa Đông sang đầu mùa Xuân thường có mưa để những gì chết chóc trong giá lạnh mùa Đông được hồi sinh tươi tốt trong ấm áp mùa Xuân.

"Mùa Xuân Sau Nguyên Tội" từ đó bắt đầu đi vào ngõ hẻm của lịch sử nhân gian, được mở màn bằng mùa hè "đổ mồ hôi" (STK 3:19), khi "Chúa là Thiên Chúa tống cổ con người ra khỏi Vườn Địa Đường, để cầy sới đất đai mà từ đó con người được hình thành" (STK 3:23). Cũng từ đó, mưa bắt đầu đổ xuống trái đất, chứ trước đó, ngay "ban đầu", "Chúa là Thiên Chúa chưa làm mưa xuống trái đất và chưa có con người cầy sới đất đai" (STK 2:5). Từ đó, không còn "Mùa Xuân Nguyên Thủy", Mùa Thái Hòa Trời Đất nữa. Cũng từ đó, trên trái đất, có nơi một năm có đủ bốn mùa, như ở miền Bắc Việt Nam, song cũng có nơi một năm chỉ có hai mùa, mùa nóng và mùa mưa, như ở miền Nam Việt Nam.

"Mùa Xuân Sau Nguyên Tội", như thế, không phải là và không còn là Mùa Thái Hòa Trời Đất, Mùa mọi sự còn liên kết và hòa hợp với nhau như ý và theo ý Đấng Hóa Công. Nó cũng không còn là và không phải là Thời Con Người Phúc Lộc Thọ nữa, Thời con người còn sống trong Phúc được làm con cái Thiên Chúa "theo hình ảnh thần linh", hưởng Lộc tự do với quyền "làm chủ trái đất", và hưởng Thọ không "phải trở về bụi đất". Theo lịch sử nhân gian, "Mùa Xuân Sau Nguyên Tội" chỉ là một trong "4 mùa xuân-hạ-thu-đông theo thời tiết như hiện nay", với thiên chức là mùa đầu trong một năm, và với sứ mạng là làm mới lại những gì đã phát triển trong "mùa hè đỏ lửa" song đã tàn tạ trong "mùa thu lá bay" và đã lịm chết trong "mùa đông nghĩa địa".

"Mùa Xuân Sau Nguyên Tội" đã trở thành Mùa Hy Vọng cho con người và của con người, vì hai lý do. Thứ nhất, vì còn giữ được nét xuân, qua hai trong ba yếu tố chính là "mới mẻ" và "tươi trẻ", tuy không nguyên tuyền như "ban đầu", "Mùa Xuân Sau Nguyên Tội" vẫn có thể làm cho con người "vui vẻ", vui xuân, hưởng xuân. Thứ hai, nhất là vì cái còn làm cho con người đã bị hư đi "vui vẻ" mừng xuân, đón xuân, không phải ở tại "Mùa Xuân Sau Nguyên Tội" còn "nét xuân", cho bằng niềm hy vọng ở ngay chính trong lòng người.

"Niềm Hy Vọng" này bắt đầu ló dạng trước khi con người bị "Thiên Chúa tống cổ ra khỏi Vườn Địa Đường". Ngay trong Bản Án Nguyên Tội, Thiên Chúa là Đấng "yêu (con người) trước" (1Gioan 4:19) đã chẳng tự động loan báo cho họ một Tin Vui hay sao, khi nhưng không đoan hứa với con người: "Ta sẽ gây thù hận giữa ngươi (ma qủi) và người nữ, giữa giòng dõi ngươi và giòng dõi người nữ. Ngài sẽ đạp nát đầu ngươi, trong khi ngươi rình cắn gót chân ngài" (STK 3:15).

"Mùa Xuân Sau Nguyên Tội" trở thành Mùa Hy Vọng chẳng những cho con người mà còn cho chung cả tạo vật nữa. Kể từ khi con người bị "Thiên Chúa tống cổ ra khỏi Vườn Địa Đường", Vườn Địa Đường vốn là thiên thai trần thế đã chẳng trở thành khu cấm địa hay sao (x.STK 3:24)? Bởi đó, thời tiết có 4 mùa định kỳ sau Nguyên Tội không phải là phản ảnh tâm trạng của trời đất hay sao, một tâm trạng "quằn quại và rên xiết" (Rm 8:22) của "toàn thể tạo vật đang ngong ngóng đợi trông cuộc hiển linh của con cái Thiên Chúa" (Rm 8:19).

"Mùa Xuân Sau Nguyên Tội" sẽ mất hết ý nghĩa nếu con người sống trong lầm than và vô vọng. "Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ" (Nguyễn Du: Kiều): như mùa xuân hận thù đầy tang thương chết chóc với những ngày đầu năm khói lửa vào dịp Tết Mậu Thân 1968, hay như mùa xuân vô vọng tự trong lòng người, nơi các trại tị nạn Đông Nam Á, đối với thành phần Thuyền Nhân Việt Nam bị rớt thanh lọc, lo âu chờ đến phiên bị trả về với quê hương yêu dấu, nơi mà họ không còn tìm thấy an bình "vui vẻ".

"Mùa Xuân Sau Nguyên Tội" là bóng ma chập chờn, nếu con người chỉ quay cuồng với cuộc sống hiện sinh. Đối với thành phần "chơi xuân kẻo hết xuân đi, cái già xồng xộc nó thì đến kia" (Trần Tế Xương?), xuân không có gì là "mới mẻ", vì càng làm cho họ già thêm, không có gì là "tươi trẻ", vì càng làm cho họ tàn phai nhan sắc, không có gì là "vui vẻ", vì càng làm cho họ thất vọng về cuộc sống hiện sinh chẳng thể nào làm cho họ hoàn toàn thỏa mãn.

 

(Chân thành đa tạ - Xin đón xem tiếp phần 3: Mùa Xuân Maria)