Sinh Hoạt Sống Đạo 2021
Thánh Giuse: 7 Danh Xưng mới trong Kinh Cầu Thánh Giuse
Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI cám ơn ĐTC Phanxicô về Tông thư Patris Corde
Trong một cuộc phỏng vấn với tuần báo Công giáo Đức Die Tagespost được phổ biến hôm 01/4, Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI cám ơn Đức Thánh Cha Phanxicô về Tông thư “Patris Corde -Trái tim của Người cha” và mời gọi các tín hữu đọc Tông thư.
Ngài nói rằng: “Tôi rất vui mừng vì Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhận thức được tầm quan trọng của Thánh Giuse, và vì vậy tôi đã đọc Tông thư Patris Corde với lòng biết ơn đặc biệt và đón nhận chân thành”.
Theo Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức, Tông thư của Đức Thánh Cha Phanxicô là “một văn bản rất đơn giản và chân thành, nhưng chứa đựng một chiều sâu đặc biệt. Tôi nghĩ rằng văn kiện này phải được các tín hữu đọc đi đọc lại nhiều lần, như vậy sẽ góp phần làm cho lòng tôn kính của chúng ta đối với các thánh nói chung và Thánh Giuse nói riêng trở nên sâu sắc hơn”.
Trong cuộc phỏng vấn dài và chi tiết, Đức Biển Đức XVI đề cập đến hình ảnh Thánh Giuse, Đấng ngài luôn gắn bó và cũng là tên Thánh Rửa tội của ngài. Ngài nói: “Tân ước không ghi lại một lời nào của Thánh Giuse. Nhưng có một sự tương đồng giữa sứ vụ của thiên thần xuất hiện trong giấc mơ và hành động của Thánh Giuse”.
Đức Biển Đức nhấn mạnh: “Trong câu chuyện về lệnh truyền cho Thánh Giuse trong giấc mơ nhận Đức Maria là hôn thê, câu trả lời của Thánh nhân đơn giản chỉ là: đứng dậy và làm theo lời của sứ thần. Sự tương ứng giữa sứ vụ và hành động dường như thậm chí còn mạnh mẽ hơn trong câu chuyện về việc trốn sang Ai Cập”.
Cuối cùng, theo Đức nguyên Giáo hoàng “sự thinh lặng của Thánh Giuse cũng là lời của Ngài, biểu lộ lời xin vâng trong sự liên kết với Mẹ Maria và với Chúa Giêsu”.
(Bản tin của Vatican News Tiếng Việt ngày 2/4/2021)
ĐTC Phanxicô phê chuẩn 7 lời cầu mới cho kinh cầu thánh Giuse
Ngày 1/5, lễ thánh Giuse Thợ, được Đức Thánh Cha Phanxicô phê chuẩn, Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích đã thêm 7 lời cầu mới vào kinh cầu thánh Giuse.
Trong thư gửi các Chủ tịch các Hội đồng Giám mục trên thế giới, Đức tổng giám mục Arthur Roche, Tổng Thư ký của Bộ Phụng tự, và cha Corrado Maggioni, Phó Tổng Thư ký, đã giải thích lý do việc thêm các lời cầu mới vào kinh cầu thánh Giuse.
“Vào dịp kỷ niệm 150 năm việc tuyên bố Thánh Giuse là Đấng Bảo trợ của Giáo hội Hoàn vũ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã công bố Tông thư Patris corde, với mục đích ‘tăng cường lòng yêu mến của chúng ta đối với vị thánh vĩ đại này, để khuyến khích chúng ta khẩn cầu sự cầu bầu của ngài và noi gương các nhân đức và lòng nhiệt thành của ngài. Với ý nghĩa này, đây có vẻ là cơ hội thích hợp để cập nhật Kinh cầu thánh Giuse, đã được Tòa thánh phê chuẩn vào năm 1909, bằng cách thêm bảy lời khẩn cầu mới rút ra từ các diễn văn của các Đức Giáo hoàng, những người đã suy tư về các khía cạnh của Đấng Bảo trợ của Giáo hội Hoàn vũ.”
7 lời cầu mới
Các lời cầu được thêm vào, nguyên ngữ bằng tiếng Latinh, là: Đấng Gìn giữ Đấng Cứu Thế, Đấng phục vụ Chúa Ki-tô, Thừa tác viên của Ơn Cứu độ, Đấng Hỗ trợ trong những lúc gian nan, Đấng Bảo trợ người lưu đầy, Đấng Bảo trợ người đau khổ và Đấng Bảo trợ người nghèo.
Với 7 lời cầu mới này, kinh cầu thánh Giuse sẽ có 31 lời cầu.
Trách nhiệm dịch và phổ biến của các Hội đồng giám mục
Bộ Phụng tự nói rằng các Hội đồng giám mục có trách nhiệm xem xét và ban hành bản dịch Kinh cầu bằng ngôn ngữ thuộc thẩm quyền của họ. Những bản dịch này không cần sự xác nhận của Tòa Thánh. Bộ Phụng tự nói thêm rằng các Hội đồng giám mục cũng có thể thêm vào những lời khẩn cầu khác mà thánh Giuse được tôn vinh tại các quốc gia của họ, và lưu ý rằng những bổ sung này cần được đưa vào vị trí thích hợp trong kinh cầu và giữ nguyên thể loại văn chương của Kinh cầu. (CSR_3164_2021)
(Bản tin của Vatican News Tiếng Việt ngày 3/5/2021)
Suy diễn về 7 danh xưng mới của Thánh Giuse được thêm vào Kinh Cầu của ngài.
Đấng Gìn giữ Chúa Cứu Thế
Với vai trò làm dưỡng phụ của Chúa Kitô, Con Thiên Chúa Làm Người, nhất là trong thời Người còn là một ấu nhi, rồi thiếu nhi, đến thiếu niên, trước khi trở thành thanh niên tự lập, Thánh Giuse đã hết lòng gìn giữ Người trong khả năng loài người hạn hẹp của ngài. Dù biết được Vị Dưỡng Tử của mình là Con Thiên Chúa, sinh bởi quyền phép Thánh Linh, vô cùng thượng trí và toàn năng, làm chủ và điều khiển tất cả mọi sự trên trời dưới đất, ngài vẫn không bao giờ ỷ nại vào Người, hay ngỏ ý xin Người ra tay làm phép lạ khi bất lực, mà chỉ biết chu toàn phận sự bao che gìn giữ của mình là một dưỡng phụ của Người mà thôi.
Đấng Phục vụ Chúa Kitô
Với ơn gọi, nghĩa vụ và vai trò làm dưỡng phụ của Chúa Kitô, Con Thiên Chúa Làm Người, ngài chẳng những gìn giữ Người cho khỏi mọi sự dữ có thể xẩy ra cho Người ở trên đời này, như trường hợp ngài cùng Mẹ Maria đã dong duổi tìm kiếm Người lúc Người 12 tuổi ở Đền thờ, còn tận tình phục vụ Người, không phải Người là dưỡng tử của mình mà là Thiên Chúa ở cùng mình. Ngài đã phục vụ Chúa Kitô bằng nghề thợ mộc, để nuôi sống Đấng là sự sống và ban sự sống. Ngài cũng đã phục vụ Chúa Kitô bằng việc kính trọng Người và noi gương bắt chước Người. Ngài phục vụ Chúa Kitô nhất là ở chỗ để cho Chúa Kitô lớn lên còn ngài chỉ là một đầy tớ vô ích.
Đấng Thừa tác của Ơn Cứu độ
Ngài không đóng vai trò đồng công cứu chuộc vơi Chúa Kitô như Vị Hôn Thê Đầy Ơn Phúc của mình. Ngài không đóng vai trò thừa tác viên như các tông đồ, hay giáo sĩ có chức thánh, thay Chúa để cử hành mầu nhiệm thánh trên bàn thờ, và ban phát mầu nhiệm thánh nơi các bí tích thánh, nhờ đó, bất cứ ai, bao gồm cả ngoại giáo lẫn Kitô hữu, tội nhân lẫn thánh nhân, tin tưởng lãnh nhận, nhờ đó, được tái sinh nơi Phép Rửa, hồi sinh nơi Bí Tích Hòa Giải, dưỡng sinh nơi Thánh Thể... nhưng ngài cũng là Vị thừa tác Ơn Cứu Độ, bằng việc chuyển cầu của ngài trước nhan Chúa, để nhờ đó, những ai thành kính đến xin ngài phù giúp đỡ nâng, được ơn cứu độ tối hậu.
Đấng Hỗ trợ trong những lúc gian nan
Vì chính bản thân ngài đã trải qua gian nan khốn khó, nhất là trong trường hợp tối tăm tâm trí trước sự kiện người nữ mà ngài hằng cảm phục, đã đính hôn với ngài, bất ngờ ngài thấy có thai. Và khi ngài không thể tìm đâu ra một nơi xứng đáng nhất cho Vị Thiên Chúa làm người hạ sinh, sau đó, ngài lại vội vã và gấp rút tẩu thoát lệnh tàn sát con trẻ ở Bêlem của Vua Hêrôđê, ngay đêm khuya, đem Con Thiên Chúa cùng Mẹ Người sang Ai Cập. Nên không ai cảm thông và cảm thương những con người gặp tai ương hoạn nạn, khó khăn thử thách bằng ngài và như ngài, nhờ đó ngài mới xứng đáng trở thành Đấng Hỗ trợ trong những lúc gian nan
Đấng Bảo trợ người lưu đầy
Đúng thế, không ai đầy ải Thánh Gia, như dân Do Thái đã bị đế quốc Assyria và Babylon đầy ải, vương quốc miền Bắc trước và vương quốc miền Nam sau. Nhưng, chính lệnh do Vua Hêrôđê truyền khiến phải tìm sát hại Vị Vua Dân Do Thái mới sinh, Đấng đã được Ba Vị Vương Chiêm Gia tìm kiếm, đã đẩy Thánh Gia vào một cuộc đầy ải bất đắc dĩ, nhưng hoàn toàn theo ý Chúa, Đấng vì phần rỗi của nhân loại đã chẳng những không dung tha cho Con Một của Mình, mà còn cả những ai được diễm phúc trực tiếp sống với Người Con Nhập Thể này, trong đó có cả Mẹ Maria và Thánh Giuse, Vị Gia Trưởng đã dầy dạn kinh nghiệm lưu đầy để có thể làm Đấng Bảo trợ người lưu đầy một cách thần lực, để họ có thể sống cuộc lưu đầy trần gian của họ cho đến cùng.
Đấng Bảo trợ người đau khổ
Không phải là không được diễm phúc trực tiếp thông phần vào cuộc khổ nạn và tử giá của Chúa Kitô như vị hôn thể Maria của mình, mà ngài không phải vác thập giá của đời ngài, trong vai trò làm gia trưởng Thánh Gia, làm bạn của Mẹ Thiên Chúa và làm dưỡng phụ của Con Thiên Chúa. Ngài chẳng những đã trải qua đau khổ của bản thân mình, mà còn chia sẻ đau thương với chung Thánh Gia, vì Thánh Gia và cho Thánh Gia. Nghĩa là, vì đóng vai gia trưởng Thánh Gia mà ngài đã phải chịu những đau khổ cần có, xứng với ơn gọi và sứ vụ gia trưởng của ngài, và ngài thật sự đã kín đáo cùng âm thầm chịu đựng tất cả mọi sự, để trở nên tất cả cho Thánh Gia, nên ngài đáng được Giáo Hội và Kitô hữu tuyên xưng là Đấng bảo trợ người đau khổ.
Đấng Bảo trợ người nghèo
Cho dù là gia trưởng của một Thánh Gia có Con Thiên Chúa Làm Người ở giữa và cũng là Người Con làm nên Thánh Giá đi nữa, Đấng vô cùng giầu sang viên mãn, nhưng đã tự nguyện trở nên bần cùng nghèo khổ vì phần rỗi của nhân loại, để làm gương, trước hết và trên hết cho cha mẹ trần gian của mình là Mẹ Maria và Bõ Giuse, những con người hằng chiêm ngưỡng Người, để sống nghèo khổ như Người và với Người, đến độ, vì thân phận nghèo khổ của cha mẹ như thế, Người đã bị dân làng Nazarét coi thường và không dám tin vào Người, cho dù họ có thấy những sự lạ ở nơi Người, nơi giáo huấn siêu việt của Người cũng như các việc quyền năng của Người. Người thợ mộc Nazarét nghèo khổ thường hèn Giuse ấy thật là một mẫu gương sống nghèo và Đấng Bảo trợ người nghèo.
Đaminh Maria cao tấn tĩnh, BVL