Sinh Hoạt Sống Đạo 2021

 

Năm Thánh Giuse 


THỜI CÁC GIÁO PHỤ VÀ GIAI ĐOẠN ĐẦU[1]

 

Lm. Gs. Trần Đình Thụy

Năm Thánh Giuse - Để Hiểu và Yêu Mến Thánh Giuse hơn

CÁI NHÌN CHUNG

Thật khó mà biết được chính xác lòng đạo đức trong các thế kỷ đầu của Kitô giáo dành cho thánh Cả Giuse. Tất cả các tư tưởng của các Kitô hữu đầu tiên thường hướng về chính Chúa Giêsu: đời sống, cái chết và sự sống lại; Chúa Thánh Thần hiện xuống trong chương trình cứu độ khi tin vào Chúa Giêsu Kitô. Đức trinh nữ Maria cũng vậy, trong thời gian dài đã không có một nghi lễ dành cho cá nhân hay tập thể. Có lẽ sự rao giảng Tin Mừng cổ nhất được nhận ra trong Tin mừng thánh Marcô qua biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan cho đến khi Chúa Giêsu lên trời. Những trình thuật trong phần đầu được khai mở liên quan đến thời thơ ấu của Chúa Giêsu đó là những chương đầu của Tin mừng thánh Matthêu và thánh Luca.

Chỉ đến thế hệ thứ hai, con cái của những tín hữu đầu tiên, mới thấy xuất hiện những điều liên quan đến việc sùng kính của các Kitô hữu nhưng vẫn chưa có một nghi thức chính thức nào.

Những lễ kính của Kitô giáo một thời gian rất lâu dành cho việc Chúa sống lại, Phục sinh và Chúa Thánh Thần hiện xuống đến lễ Ngũ Tuần. Những bài viết của các giáo phụ được gọi là “Tông truyền” bởi vì họ sống rất gần với các Tông đồ cũng chủ yếu minh giải đức tin về Chúa Ba Ngôi, Chúa Con, Chúa Thánh Thần, qua những bài giảng và cắt nghĩa Phúc Âm. Nhưng tìm hiểu kỹ, chúng ta có thể trưng dẫn ra một số tư tưởng của các Giáo phụ nói về thánh Giuse.

GIÁO PHỤ HY LẠP

 

      I.          THÁNH INHAXIÔ ANTIÔKIA (+107)

1.    Chương trình kỳ diệu của Chúa trong hôn nhân Giuse và Maria

Một trong những giáo phụ cổ thời là thánh Inhaxiô Antiokia tử đạo năm 107 ở Rôma. Chúng ta có 7 lá thư rất giá trị của ngài. Một trong  số đó được gửi cho tín hữu Êphêsô: “Từ nguyên thuỷ, thái tử của thế gian này (Satan) đã chẳng biết sự đồng trinh của Đức Maria và việc sinh con của người cũng như cái chết của Chúa chúng ta. Ba mầu nhiệm đặc biệt này được thực hiện trong sự thinh  lặng của Thiên Chúa”. Trong bối cảnh đó, thánh Giuse không được nêu tên nhưng đặc tính mang chiều kích quan phòng về vai trò của ngài cũng được lưu ý. Vì cuộc hôn phối của thánh Giuse và Đức Maria mà việc Chúa Giêsu Kitô sinh ra một cách đồng trinh ma quỷ không biết được. Thánh Giêrônimô thuộc thế kỷ IV giải nghĩa: Tại sao Chúa Giêsu không chỉ sinh ra bởi một trinh nữ mà bởi một người đã đính hôn? – Một cách đặc biệt, nhờ lịch sử của thánh Giuse mà lịch sử của Maria cũng được xác định; và cũng để Mẹ không bị ném đá như một người ngoại tình bởi người Do Thái.

2.    Trinh nữ “đã đính hôn” sinh con

Trong cuộc di cư chạy sang Ai Cập, Mẹ cũng đã có sự nâng đỡ bởi chính thánh Giuse. Thánh tử đạo Inhaxiô còn nêu thêm một lý do: Việc sinh sản Hài nhi được giấu kín đối với ma quỷ bởi vì Hài nhi không chỉ được mang thai bởi một trinh nữ mà bởi người trinh nữ đã đính hôn.

 

   II.          THÁNH GIÚTINÔ (100 – 165)

1.    Thời thơ ấu của Chúa Giêsu

Chúng ta biết rằng thánh Giútinô, người gốc Palestin, đã nói nhiều đến thánh Giuse trong khảo luận “Đối thoại với Tryphon” mà người ta cho rằng nó xuất hiện khoảng năm 155. Chính bởi thánh Giútinô mà chúng ta biết rằng Hài nhi Giêsu ở trong một cái hang (grotte), và cũng nhờ ngài mà người ta biết rằng thánh Giuse đã làm nghề thợ mộc.

2.    Chúa Giêsu là hoa trái của Thánh Thần

Thánh Giútinô nhấn mạnh về điểm căn bản này: Chúa Giêsu là con thánh Giuse nhưng đó là điều sai lầm, Giêsu đích thực là con Thiên Chúa và “hoa trái bởi lòng Đức Maria chính là hoa trái của Chúa Thánh Thần”.

Điều rất quan trọng đối với những người “Ngộ đạo thuyết”, là những người tự xem mình là “thông hiểu”, đã làm lung lạc tín hữu khi họ cho rằng Giuse là cha đích thực của Đức Giêsu chứ không phải là cha nuôi hoặc cha theo pháp lý. Một cuộc chiến kịch liệt chống lại những người lạc giáo này đã xảy ra, đặc biệt hai tác giả nổi danh là thánh Irênê là vị giám mục thứ hai của Lyon – Pháp và Tertulianô bên Phi Châu.

 III.          THÁNH IRÊNÊ (130 - 203)

1.    Sự đồng trinh của Đức Maria – Thánh Giuse là cha nuôi

Tác phẩm chính của thánh Irênê (130 – 203?) với tên  Adversus Haereses hay “Contre les Hésésis” (Chống Dị giáo) xuất hiện khoảng năm 185. Trong khảo luận Các Văn Bản Giáo Phụ được P. Bertrand soạn thảo kỹ lưỡng trong cuốn “Cahiers de Joséphisme”, ông đã trình bày 14 trích bản trong sách của thánh Irênê về vấn đề thánh Giuse.

Irênê chống lại những người lạc giáo chối bỏ sự đồng trinh của Đức Maria và xem Đức Giêsu là người con theo tự nhiên của thánh Giuse. Trong nhóm Ngộ Đạo Thuyết về vấn đế này, ngài nhắm đến Cérinthe và Carporate.

Để chống lại nhóm lạc giáo này, thánh Irênê đã dựa vào Tin mừng Matthêu và Luca. Niềm tin Kitô giáo dạy rằng: Maria trọn đời đồng trinh, Giuse không góp phần nào trong việc sinh hạ Chúa Giêsu, việc sản sinh đồng trinh này đã được tiên tri Isaia tiên báo về Chúa Giêsu và ngài tự nhận: ‘Đây còn có Đấng cao cả hơn Salomon… hơn Giona…’ (x.Mt 12,41-42); và Chúa Giêsu đã khen tặng Phêrô khi ngài tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa (x.Mt 16,16-17). Irênê cũng dựa vào thánh Phaolô khi gọi Chúa Giêsu là “Ađam mới” nghĩa là: Ngôi Lời nhập thể để phục hồi nhân tính đã bị sa đoạ nơi “Ađam đầu tiên”. Qua đó, ta thấy chân lý nền tảng: Ađam đầu tiên là một “khởi đầu” (commencement), còn Ađam mới là “tái khởi đầu” (recommencement). Từ này mang nghĩa bao hàm: lấy lại, phục hồi lại, đặt vào trong trật tự.

2.    Vai trò “được định trước” của Giuse

Irênê lại còn so sánh Eva cũ và Maria là Eva mới. Nhân loại đã phải chết bởi một người nữ; nhân loại được cứu độ cũng bởi một người nữ.

Irênê đã ca tụng thánh Giuse vì đã tin vào lời thiên sứ: “Đừng ngại nhận Maria về nhà mình, vì người con…” (Mt 1,20). Irênê đã hiểu sâu sắc vai trò mang tính quan phòng cần thiết của thánh Giuse. Thánh nhân là phát ngôn viên quan trọng trong truyền thống Kitô giáo về vấn đề này.

 

           IV. TERTULIANÔ (155 - 223)

Xác định thiên tính của Chúa Giêsu

và vai trò “được định trước” của Giuse

Chính trong tác phẩm De Carne Christi viết khoảng năm 212, Tertulianô nói về thánh Giuse. Cũng như thánh Irênê chống lại phe lạc giáo, điển hình là Cérinthe và Carporate, Tertulianô còn chống Apelle và Marcion.

Về Tertulianô, chúng ta chỉ cần ghi những dòng sau: “Thật chẳng thuyết phục khi nói con Thiên Chúa sinh bởi yếu tố con người; bởi vì nếu hoàn toàn là con người, Hài nhi đó không còn là Con Thiên Chúa; và nếu như vậy thì đâu có gì hơn Salomon và Giona”.

    V.          THÁNH EPHREM[2] (306-372)

1.    Con của Giuse đã sinh ra mà không bởi Giuse

Là miêu duệ dòng Đavít, Giuse đã kết hôn với một thiếu nữ cùng dòng tộc. Thiếu nữ ấy sinh ra cho ông một người con, mà không có sự tri giao vợ chồng. Đã hẳn, Đức Kitô mà sinh bởi một người phụ nữ ngoài hôn nhân lại là điều bất xứng.

Maria đã sinh hạ một con trai không được đăng ký với tên Bà, mà phải với tên của Giuse, mặc dầu Hài Nhi ấy không phải tự ông mà có. Con của Giuse đã sinh ra mà không bởi Giuse.

2.    Con Đấng Tối Cao cũng là con của Giuse

Giuse âu yếm ẵm bồng con Thiên Chúa, biểu hiện dưới hình dạng Hài Nhi với xiết bao cung kính, vì biết rõ Ngài là Thiên Chúa. Về hồng ân ấy, ông cảm tạ Thiên Chúa khôn cùng… Lúc nào ông cũng nửa mừng nửa sợ. Có lúc ông đã kêu lên: “Ai ngờ tôi được vinh dự lớn này là Con Đấng Tối Cao đã hóa thành con tôi!”.

3.    Giuse được phúc chung sống với Con Thiên Chúa

-          Ôi Giuse công chính! Ông có phúc vì Ngôi Lời làm người thơ ấu vừa tầm mức ông, đã lớn lên bên cạnh ông, dưới mái nhà ông, mà vẫn không rời xa cung lòng Thánh phụ.

Đấng vốn là Con của Chúa Cha đã được gọi là Con của Đavít, Con của Giuse. Ngài đã ưu ái nhận lấy những danh xưng phúc lộc ấy.

4.    Chỉ có Chúa Giêsu mới khen ngợi thánh Giuse cho xứng

-          Lạy Chúa Giêsu! Chớ gì mọi miệng lưỡi hãy ca tụng Mẹ Chúa Khôn cùng! Nguyện cho lòng Đấng đã cưu mang Chúa được tràn đầy phúc lộc!

Còn thánh Giuse, chẳng ai có thể ngợi khen ngài cho xứng, trừ Chúa là Con thật Chúa Cha vĩnh tồn, là Đấng đã khứng nhận ngài làm dưỡng phụ.

Suy tư cá nhân: Như vậy, Chúa Giêsu đã hết lòng thảo hiếu thánh Giuse. Chính trên lòng thảo hiếu của Chúa mà mọi sự sùng kính của ta đối với thánh Giuse cơ bản được chấp nhận.

 VI.          THÁNH GIOAN KIM KHẨU BÀN VỀ VỤ TRỐN SANG AI CẬP

Thánh Gioan Kim Khẩu (340-407) quê ở thành Antiôkia, giám mục thành Constantinôpôli, được mệnh danh là Kim Khẩu, vì sự khôn ngoan và tài năng hùng biện của ngài.

Đức Piô X đã tôn ngài làm Tiến sĩ Giáo hội và bổn mạng các nhà giảng thuyết.

1.    Giuse vâng lệnh Chúa truyền

Thiên thần bảo ông Giuse rằng: “Hãy trỗi dậy đem Hài Nhi và Mẹ Maria trốn qua Ai Cập” (x.Mt 2,13). Thiên thần cho biết lý do là: “Bởi Hêrôđê toan lùng Hài Nhi mà giết” (x.Mt 2,13).

Thiên Chúa pha trộn cay đắng với ngọt bùi. Đó là cách Chúa đối xử với các thánh.

Trước hết, thấy bà có thai, ông đâm nghi nan bối rối, nhưng rồi có Thiên thần hiện đến giải tỏa mối lo sợ nghi ngờ. Lúc Ấu Chúa sinh ra ông vui mừng lắm nhưng lại sợ hãi xiết bao khi thành đô náo động, và ác vương thịnh nộ lùng tiêu diệt Hài Nhi!

Tiếp theo biến động này là niềm vui ngôi sao xuất hiện đưa Đạo sĩ tới thăm. Nhưng xiết bao lo sợ, khi Thiên thần cho biết Hêrôđê toan hại tánh mạng Hài Nhi và truyền cho Giuse bôn ba sương gió, nhưng dường như Chúa chẳng có mặt ở đó vậy.

2.    Lời tiên tri ứng nghiệm

“Ta gọi Con Ta từ Ai Cập” (x.Mt 2,15).

Sự kiện “Xuất Ai Cập” cũng là một vinh dự lớn cho Trinh nữ Maria. Dân tộc Do Thái lấy đó là một đặc ân cho mình, thì Trinh nữ cũng có quyền như vậy. Người Do Thái tự hào nhớ lại mình đã ra khỏi Ai Cập, coi đó là một kỷ niệm vinh quang. Một tiên tri đã ám chỉ điều ấy khi ông kêu lên: “Há ta chẳng đem Israel ra khỏi Ai Cập ư?” (Am 9,7).

Cuộc xuất lưu và hồi hương ca dân Do thái là hình bóng hai cuộc hành trình của Trinh nữ Maria. Dân Do thái sang Ai Cập là để thoát nạn chết đói. Đức Kitô sang Ai Cập là để tránh âm mưu đe dọa tính mạng Ngài.

Sang Ai Cập và từ Ai Cập trở về Nagiarét, thánh Giuse đóng vai trò quan trọng là người bào vệ Mẹ Maria và Hài Nhi. Đây cũng là chương trình của Chúa.

 


GIÁO PHỤ LATINH

 

      I.          THÁNH GIÊRÔNIMÔ (340 - 420)

Thánh Giêrônimô là người đào sâu tư tưởng của các giáo phụ đi trước, nhưng ngài lại đặc biệt nghiêng về những kiến thức từ Thánh Kinh. Như chúng ta đã biết, ngài đã dịch toàn bộ Thánh Kinh qua tiếng Latinh với tên gọi là bản Vulgata (Bản Phổ thông), bản dịch được Giáo hội phê chuẩn và dùng trong Phụng vụ.

Thánh Giêrônimô cũng biết rất rõ về những Ngụy thư nói về thánh Giuse, nhưng ngài không mấy tin vào các tài liệu đó. Thánh nhân đặc biệt nói về sự trinh khiết của Đức Mẹ trong cuốn sách Aversus Helvidium xuất hiện khoảng năm 383 với tựa đề đầy đủ khác bằng tiếng Pháp là De la Perpétuelle Virginité De Marie Contre Helvidius (Về sự trinh khiết trọn đời của Đức Maria – phản bác lại Helvidius). Trong đó, ngài quả quyết và chỉ ra rằng: tà phái này không hiểu các bản văn Thánh Kinh. Ngài chống lại các Nguỵ thư và còn nói đến giá trị của sự trinh khiết trọn đời của thánh Giuse: “Tôi xác định rằng không chỉ Đức Maria mà còn cả thánh Giuse cũng giữ mình đồng trinh, để trong cuộc hôn phối trinh khiết đó, Đức Maria đồng trinh đã sinh con. Và nếu Đức Maria được coi như hôn thê của ngài, thì thánh Giuse đã trở thành người bảo vệ còn hơn cả hôn phu. Phải kết luận rằng ngài luôn trinh khiết cùng với Đức Maria, để ngài xứng đáng được gọi là ‘cha của con Chúa’, vì ngài là hôn phu của Đức Maria.” Với nghĩa đặc biệt này, thánh Giêrônimô hướng mở tới sự trinh khiết trọn đời của thánh Giuse. Thánh Giêrônimô cũng cắt nghĩa tư tưởng của thánh Inhaxiô Antiokia, mà qua đó, Đức Maria đã có một hôn phu hoàn toàn sống khiết tịnh.

Có thể nói, thánh Giêrônimô là một giáo phụ nổi tiếng bàn về đức đồng trinh của thánh Giuse một cách căn bản, giống như thánh Gioan Kim Khẩu ở Đông phương.

   II.          THÁNH AUGUSTINÔ (354-430)

1.    Đề cao đức tính của thánh Giuse

Giuse biết rõ mình không có dính dáng gì trong vụ bí mật của Maria, nên lẽ đương nhiên ông nghĩ: chả lẽ bà là thất tiết. Nhưng ông là người công bằng, chính trực, không muốn làm tổn thương danh dự của bà, nên đã quyết định âm thầm rút lui.

Ông đã bối rối, vì ông là hôn phu. Nhưng ông không ngược đãi, vì ông là người công chính. Cao cả thay sự công chính của Giuse! Ông tha thứ không phải để còn được chung sống với bà. Có nhiều ông chồng đã tha lỗi thất tiết cho vợ, là để giữ vợ lại mà thỏa mãn tình riêng. Còn Giuse tha thứ mà không có ý giữ bà lại. Như thế, mối tình của ông không vấn vương dục vọng. Ông không muốn nộp bà để bà bị luận tội, đó là do lòng nhân ái khoan dung.

Đáng phục thay đức tính của Giuse! Chính vì thế ông đã được chọn để làm chứng về đức đồng trinh của bà.

3.    Hôn nhân đích thực và kỳ diệu giữa Giuse và Maria

Giả sử có đôi vợ chồng nào đồng thỏa thuận kiêng giữ suốt đời, thì dây hôn nhân của họ cũng không bị tiêu hủy; trái lại, càng thêm bền vững khi hai bên đều nắm giữ những điều đã cùng nhau đoan hứa, không phải trong sự quan hệ thể xác, nhưng trong niềm tin tưởng tâm hồn.

Không phải vô cớ mà thiên thần bảo Giuse “đừng sợ rước Maria về làm hôn thê” (Mt 1,20). Trinh nữ được gọi là hôn thê bởi do có hôn ước, chứ thực ra hôn phu của bà không hề gần gũi bà khi nào.

Giuse là hôn phu của Trinh nữ cùng do bởi hôn ước mà thôi, chứ không hề có việc đi lại thường tình. Nhưng bởi là hôn phu, ông được làm cha Đức Giêsu, theo một nghĩa cao trọng hơn danh nghĩa dưỡng phụ.

 III.          THÁNH BÊNAĐÔ[3]

1.  Bàn Về Quyền Chức Thánh Giuse

Thánh Bênađô (1091 -1153) là giáo phụ cuối cùng, được mệnh danh là ca sĩ của Mẹ Maria. Thiết tưởng ta cũng có thể gọi ngài là ca sĩ của thánh Giuse nữa.

Bênađô đáng kể là tông đồ tiên phong về sự sùng kính thánh Giuse. Thế kỷ XII nhiều nhân vật có thế giá, nhất là Bênađô, với những bài giảng hùng hồn, đã đề cao vai trò của thánh Giuse trong thời thơ ấu Chúa Giêsu. Tán dương những vinh quang và nhân đức của ngài. Sự sùng kính thánh Giuse trong Giáo hội bắt đầu thăng tiến từ đó.

Thánh Bênađô chưa đạt tới mức độ giáo thuyết về thánh Giuse như ta ngày nay. Chức vị làm chồng, làm cha của thánh Giuse, đối với ông, xem ra có tính cách tạm thời và hữu danh hơn là hữu thực. nhưng điều đó không lạ gì, vì là buổi sơ khai.

2.  Giuse: Chồng Đức Maria, Cha Chúa Cứu Thế

“Maria đã đính hôn với một người tên là Giuse” (Lc 1,26). Luca nêu tên người đó, nhưng không gọi là chồng, dường như chỉ muốn nói đến một người nhân đức.

Còn Mathêu thì nói rõ người đó là chồng Đức Maria. Điều này hợp lý, vì phải xưng ông bằng tước hiệu thuộc về ông, phải gọi ông là chồng của Maria, bởi lẽ cần cho người ta tin như vậy.

Cũng một lẽ đó, Giuse đáng gọi là cha Chúa Cứu Thế, mặc dầu thực sự không phải vậy, hầu cho người ta tin ông là cha Ngài, như Phúc Âm đã chép: “Chúa Giêsu khởi đầu công vụ vào trạc ba mươi tuổi, và người ta tưởng Ngài là con của Giuse” (Lc 3,23).

Thực ra, ông không phải là chồng của Mẹ, cũng không phải là bố của Con. Nhưng là sự an bài cần thiết, ông được gọi là chồng, là cha trong một thời gian, và được người ta nhìn nhận như vậy.

Hẳn Giuse, hôn phu của Đức Maria, là một người lương hảo, trung thành, hay nói đúng hơn  “một tôi tớ trung thành khôn ngoan” Chúa đã đặt bên cạnh Đức Maria để làm Đấng an ủi Mẹ, là cha nuôi nấng Con, và trung thành cộng tác vào công cuộc lớn lao của Chúa.

(Trích dịch bài giảng: “Maria và Giuse” phần 3.)  

 


TÓM KẾT CÁC GIÁO PHỤ

Thánh Bênađô tóm kết các giáo phụ đầu tiên đã cung cấp cho chúng ta những truyền thống quý báu, những chỉ dẫn căn bản và nền tảng dẫn đến một suy tư về thánh Giuse mà chúng ta có thể triển khai:

-          Những lý do tiền định về cuộc hôn nhân giữa thánh Giuse và Đức Maria và tính Dưỡng phụ của ngài với Chúa Giêsu.

-          Đồng trinh trọn vẹn của Đức Maria và hoàn toàn không có yếu tố đàn ông trong việc thụ thai Đức Giêsu.

-          Giuse hoàn toàn tin vào truyền thống tiên tri và lời loan báo của Thiên sứ tỏ lộ cho ngài về ý muốn của Thiên Chúa.

-          Sự dấn thân của thánh Giuse trong kế hoạch mầu nhiệm của việc nhập thể và của ơn cứu độ.

Và sau này, thánh Tôma Aquinô nói thêm:

-          “Khi Thiên Chúa kêu gọi một tạo vật đóng vai trò đặc biệt, Ngài sắp xếp cho người ấy được những ân điển và ân sủng cần thiết để hoàn thành sứ vụ đó” (Somme théol. IIIa, Q27, art.4).



[1] Lược dịch từ: Msg. Leon Christiani, Saint Joseph, Apostolat de la Presse, 1962.

[2] Lược trích: Châu Thủy, Thánh Giuse trong Phúc Âm, NSTTĐM HOA KỲ,1989

[3] Lược trích: Châu Thủy, Thánh Giuse trong Phúc Âm, NSTTĐM HOA KỲ,1989.