Sinh Hoạt Sống Đạo 2021
Đại Dịch Covid-19 Toàn Cầu
Những Ngôi Sao Sáng Soi Chiếu Bầu Trời U Ám
Đaminh Maria cao tấn tĩnh, BVL, sưu tầm và tổng hợp từ Vatican News Tiếng Việt
thâu âm và phổ biến dịp Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 23/5/2021, ngày áp cuối Tuần Lễ Laudato Si' 2021
Khi tuyên khấn trong dòng Phanxicô vào năm 2016, thanh
niên Rodolfo đã lấy tên dòng là Simplício, theo tiếng Bồ Đào Nha có nghĩa là đơn
giản, một cái tên nói lên tất cả ước nguyện sống bình dị của một cuộc đời thánh
hiến. Sau khi tuyên khấn, thầy Simplício được sai đến phục vụ tại cộng đoàn Toca
de Assis, Brazil, một cộng đoàn huynh đệ với đặc sủng chầu Thánh Thể và chăm sóc
những nghèo, đặc biệt những người nghèo trên đường phố. Với sự dấn thân quên
mình cho người nghèo, đặc biệt trong thời điểm đại dịch, thầy Simplício đã về
Nhà Cha 29/5/2020, nguyên nhân do bị nhiễm Covid-19.
Ngọc Yến - Vatican News
Ước mơ được thực hiện
Các anh em trong dòng kể lại, trong ngày tuyên khấn, thầy
Simplício nói về hai ước mơ từ khi còn nhỏ: trở thành ca viên và được rước lễ
lần đầu. Vào năm 8 tuổi, cả hai ước mơ đã được thực hiện, và Rodolfo ngày càng
dấn thân phục vụ Giáo hội và người vô gia cư nhiều hơn. Thầy kể lại trải nghiệm:
“Chúa đã gọi tôi trong môi trường giáo xứ để chỉ cho những người trẻ khác thấy
cử hành phụng vụ của chúng ta đẹp như thế nào. Giáo hội luôn có một sức cuốn hút
đối với tôi. Tôi đã nghĩ đến việc trở thành một linh mục, nhưng khi biết đến đời
sống thánh hiến, lập tức tôi say mê và muốn theo ơn gọi này. Tôi tìm hiểu và
biết cộng đoàn huynh đệ Toca de Assis. Thế là khi tròn 18 tuổi, tôi đã xin gia
nhập cộng đoàn”.
“Chúa yêu cầu tôi dâng hiến một điều gì đó nhiều hơn và
một điều gì đó mà tôi có thể dâng trọn cuộc đời mình. Tôi cần sống với Chúa
Giêsu một cách đặc biệt, không chỉ đơn giản đến nhà thờ. Cộng đoàn huynh đệ Toca
và đời sống thánh hiến là một hồng ân lớn đã giúp tôi thực hiện ước mơ đời mình.
Sống với Chúa, thờ lạy Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể và chăm sóc người
nghèo trên đường phố là ước muốn ban đầu của tôi và đây là mong muốn theo tôi
suốt cuộc đời. Sứ vụ của cộng đoàn Toca de Assis là thờ lạy Chúa Giêsu và chạm
đến con tim của người nghèo, cả hai như nhau”.
Cầu nguyện và bác ái
Với câu lời Chúa như kim chỉ nam cho cuộc đời dâng hiến
vì Chúa và người nghèo: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người đã
hiến mình vì bạn hữu” (Ga 15,13), sau những giờ cầu nguyện, thầy Simplício thi
hành sứ vụ ở Fortaleza, một khu vực ở bờ biển phía đông Brazil. Công việc hàng
ngày của thầy là đến với người nghèo đang sống trên đường phố. Thầy không chỉ
mang đến cho người nghèo những trợ giúp về mặt vật chất, mà trên hết là những
lời an ủi động viên.
Chết vì người nghèo là một đặc ân
Khi cuộc khủng hoảng sức khỏe đến khu vực thầy phục vụ,
thầy vẫn trung thành mỗi ngày đến với người nghèo, và có lẽ thầy nghĩ rằng mình
còn trẻ, virus corona sẽ không làm hại đến mình. Vả lại, theo thầy, trong thời
điểm đại dịch số người nghèo sống trên đường phố gia tăng. Vì thế, thầy không
thể bỏ mặc họ, phải tìm mọi cách để trợ giúp họ. Và rồi với sự dấn thân quảng
đại liên tục vì người nghèo, thầy Simplício đã bị nhiễm virus corona. Cũng như
mọi người khác khi bị virus tấn công, mặc dù còn trẻ nhưng thầy Simplício cũng
đã phải chiến đấu hết sức trước khi trở về Nhà Cha.
Trước khi đi vào hôn mê, thầy Simplício đã gửi tin nhắn
audio cho một số người bạn bằng việc trích những lời của Thánh Vinh Sơn: “Được
chết vì người nghèo là một đặc ân, bởi vì chính người nghèo sẽ mở cửa Thiên đàng
cho chúng ta”.
Khi nghe tin thầy Simplício qua đời, Đức cha Orani
Tempesta, Tổng Giám mục Rio de Janeiro đã gửi thư chia buồn đến cộng đoàn của vị
tu sĩ trẻ, trong thư Đức cha viết: “Khi biết rõ về cuộc đời của thầy Simplício,
tôi tạ ơn Chúa vì những mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta ngày hôm nay. Tôi ước
muốn ngày càng có nhiều dấu chỉ như thế xuất hiện trong xã hội và Giáo hội.
Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì những người nam và những người nữ dâng hiến cuộc đời
cho Thiên Chúa và cho những người nghèo khổ”.
“Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh rằng nếu virus có
thể chạm đến tất cả mọi người bất kể người đó thuộc về tôn giáo nào, quốc gia
hay xã hội nào. Nhưng trên tất cả người nghèo phải gánh chịu hậu quả nặng nề
nhất. Thầy Simplício đã bị nhiễm Covid-19 sau khi đến các ngã đường phố giúp đỡ
người nghèo. Thầy đã dâng hiến cả cuộc đời cho Đức Kitô. Nụ cười của thầy
Simplício đã nói rất nhiều về ánh sáng hiện diện trong tâm hồn thầy. Thầy đã
muốn phục vụ người nghèo cho đến mức trao ban sự sống vì họ. Xin chia buồn và
chúc mừng cộng đoàn vì đã có một người anh em gương mẫu thánh thiện như thế”.
Hồng Thủy - Vatican News (26/7/2020)
Sơ Ruth sinh năm 1945. Ngày 17/02/1969, sơ Ruth cùng với hai sơ Gertrude Lemmens và Margaret D’Costa đã đến phục vụ tại nhà Darul Sakun ở thành phố Karachi, bang Sindh, Pakistan, nơi có khoảng 150 người khuyết tật thể lý và tâm trí, phần lớn là các trẻ em và thiếu niên, do các nữ tu dòng thánh Phanxicô truyền giáo Chúa Ki-tô điều hành.
Sơ Gertrude Lemmens là một nữ tu người Hà Lan. Sơ đến thăm cơ sở và động lòng trắc ẩn trước tình cảnh của những người bệnh tật thể lý và tâm trí, sơ đã dành cả cuộc đời phục vụ họ. Chính sơ Gertrude là nguồn cảm hứng và lý do để sơ Ruth dành 51 năm cuộc đời cho những đứa trẻ khuyết tật này. Các sơ đã nuôi nấng hàng trăm trẻ em được các nhân viên xã hội, cảnh sát và người thân mang đến, hay được tìm thấy trên các đường phố. Sau khi sơ Gertrude nghỉ hưu vào tháng 10/2000, sơ Ruth bắt đầu phụ trách sứ vụ nhân đạo tại nhà Darul Sakun.
Sơ Ruth là người mẹ của các trẻ em khuyết tật
Từ khi đến nhà khuyết tật cách đây 51 năm, sơ Ruth đã chăm sóc cho các em, làm việc không biết mệt để xây dựng tính cách của các em. Những trẻ em này bị gia đình bỏ rơi, bị họ gọi là quái vật vì dị tật và khuyết tật mãn tính.Tuy người khác có thể khiếp sợ khi nhìn thấy dáng vẻ của các em, nhưng sơ Ruth đã trở thành mẹ của các em. Các em không phải chỉ là đối tượng của sự thương hại và lòng bác ái của sơ, nhưng chính là những đứa con của sơ, mỗi em là một đứa con duy nhất, đặc biệt của sơ. Sơ đã không mệt mỏi làm việc để giúp các em. Trong thế giới mà người ta thường thuê người chăm sóc con cái, thì chính sơ Ruth đã tự tay chăm sóc cho những đứa trẻ khuyết tật này, làm những công việc vệ sinh cho các em.
Trong một đoạn video được ghi lại trước đó, sơ Ruth đã mô tả rằng “việc nuôi dạy các trẻ em có nhu cầu đặc biệt đòi hỏi sự kiên nhẫn và sức mạnh rất lớn”. Khi vừa đến nhà khuyết tật, những đứa trẻ cho thấy chúng có các vấn đề về hành vi nghiêm trọng. Cần rất nhiều thời gian để dạy và trau dồi cho các em. Chia sẻ câu chuyện về một trong những đứa trẻ, sơ Ruth cho biết, “cậu bé rất hung dữ khi còn nhỏ nhưng khi lớn lên đã trở thành một người đàn ông thành công, giành huy chương vàng và hiện đang làm việc. Cậu ấy thậm chí đã đến Hoa Kỳ hai lần để tham gia Thế vận hội đặc biệt”. Đó là một khoảnh khắc đáng tự hào, sơ nói với một nụ cười, “khi họ được hỏi về mẹ của họ, những đứa trẻ này trả lời: sơ Ruth.”
Hoạt động bác ái của sơ đã được xã hội công nhận
Tiếng thơm về việc làm của sơ Ruth đã vượt qua biên giới của giáo hội Công giáo ở Pakistan, do đó sơ đã tìm được các khoản trợ cấp công cộng cho trung tâm, các dịch vụ của trung tâm được tài trợ bằng tiền quyên góp. Với sự cống hiến hoàn toàn dành cho “những đứa con”, sơ cũng đã được trao giải thưởng "Niềm tự hào của thành phố" vào ngày 18/01/2014 và vào năm 2018, sơ đã được thống đốc bang Sindh trao giải thưởng "Hakim Mohammad Saeed" vì sự phục vụ xã hội dành cho người nghèo và đau khổ, không phân biệt đối xử.
Gục ngã vì Covid-19
Mặc dù có ít nhất 21 trẻ em tại cơ sở khuyết tật đã bị nhiễm Covid-19 nhưng sơ Ruth vẫn tiếp tục phục vụ chăm sóc các em. Ngày 08/07 vừa qua, kết quả cho biết sơ đã dương tính với Covid-19; sơ được đưa đến bệnh viện bệnh viện Aga Khan và được đặt máy thở. Sơ đã qua đời vào ngày 20/07 do biến chứng của virus corona, hưởng thọ 77 tuổi.
Pakistan thương tiêc sơ Ruth
Tin sơ Ruth qua đời đã lan truyền khắp Pakistan và rất nhiều người thương tiếc sơ, ngay cả những người Hồi giáo. Nhiều nhân vật chính phủ và các nhà hoạt động đã chia buồn về sự qua đời của sơ.
Sơ Ruth là biểu tượng của tình yêu, sự quan tâm và lòng trắc ẩn thực sự
Cơ sở khuyết tật Darul Sukun, nơi sơ lãnh đạo, đã chia sẻ trên Facebook: “Tất cả trẻ em, nữ tu và nhân viên của chúng tôi đều rất đau lòng, vì chúng tôi đã mất một phần rất lớn trong chúng tôi. Xin hãy cầu nguyện cho những đứa trẻ mà sơ đã làm mẹ, cho các nữ tu mà sơ là người chị và là nguồn cảm hứng thực sự và cho tất cả các nhân viên yêu mến cô ấy và mỗi ngày sẽ cố gắng theo bước của sơ. Sơ đã phục vụ nhân loại, những trẻ em bị khuyết tật và người già bị bỏ rơi, những thiếu niên nam nữ phải di tản. Sự phục vụ của sơ rất đáng ghi nhớ. Sơ đã làm việc và yêu thương những đứa trẻ ở nhà Darul Sukun từ ngày nó được thành lập cách nay 51 năm. Sơ là biểu tượng của tình yêu, sự quan tâm và lòng trắc ẩn thực sự.”
Sơ Ruth là thiên thần của người Pakistan
Nhiều người Pakistan chia sẻ những ảnh hưởng mà sơ Ruth để lại cho cuộc đời họ, họ mô tả sơ là thiên thần của người Pakistan và là người có tâm hồn yêu thương và tận tụy. Thống đốc bang Sindh, ông Imran Ismail, mô tả sơ Ruth là một nguồn cảm hứng thực sự và nói rằng thành phố Karachi sẽ luôn nhớ đến sự phục vụ quên mình của sơ vì các trẻ em và người cao niên.
Những đóng góp của sơ cho xã hội luôn được ghi nhớ và trân trọng
Murtaza Wahab, phát ngôn viên của chính quyền bang Sindh nói: “Những đóng góp quên mình của sơ cho xã hội chúng ta sẽ luôn được ghi nhớ và trân trọng.” Trong khi đó, bà Aseefa Bhutto-Zardari, con gái của cựu Thủ tướng Benazir Bhutto của Pakistan nhận định rằng sự qua đời của sơ Ruth là một mất mát đau đớn đối với nhà khuyết tật Darul Sakun và người dân thành phố Karachi. Bà nói rằng người nữ tu đã hết lòng cống hiến cả cuộc đời cho những người đau khổ và sự cống hiến của sơ cho những đứa trẻ của nhà Darul Sukun sẽ luôn được ghi nhớ.”
Chứng từ của cha Piero
Cesco trong những ngày điều trị Covid-19 tại bệnh viện
Cha Piero Cesco, được gọi thân mật là cha Covid, là linh mục thuộc giáo phận Concordia-Pordenone của Ý. Cha bị nhiễm virus corona và phải nhập viện điều trị. Cha đã thuật lại kinh nghiệm của mình trong thời gian đau bệnh, nhưng cũng là cơ hội để trợ giúp những người nằm cùng khoa bệnh với cha.
Hồng Thủy - Vatican News
Cha Piero Cesco chia sẻ: "Tôi vào bệnh viện Pordenone, khoa Covid 19, vào ngày 10/11. Khoa bệnh đã quá đông. Chúng tôi đang ở trong đỉnh điểm của dịch bệnh, ngay cả trong khu vực của chúng tôi. Tôi ngồi xuống một chiếc giường vào lúc nửa đêm; một sự im lặng tràn ngập và chiếm lĩnh trong khoa bệnh, chỉ có vài tiếng rên rỉ hay những lời kêu cứu yếu ớt đi kèm trong đêm. Tôi nằm xuống giường của mình, ít nhất là cố gắng nghỉ ngơi, bởi vì không thể ngủ được.
Bên cạnh giường của tôi có một người bệnh đã chịu đau đớn kéo dài nhiều ngày, trong khi ở một giường khác, các y tá kéo tấm khăn phủ, có nghĩa là có một người khác vừa qua đời, điều thường xuyên xảy ra trong khu này.
Đây chắc chắn không phải là một sự tiếp đón tốt. Tôi tự nghĩ, như là một người có đức tin chứ không phải là một kẻ bất hạnh: Tôi đang được đồng hành tốt.
Thật là buồn! Những người chết vì Covid không có ai đồng hành với họ trong quãng thời gian ngắn ngủi cuối cùng trên hành trình đến cái chết; không có một bàn tay nắm lấy và sưởi ấm bàn tay họ, càng không phải một ánh mắt với những giọt nước mắt tủi hờn trào ra.
Nhưng tôi tự hỏi: Có thể nào một người Cha, Đấng Tạo Hóa, người đã đồng hành với bạn đến tận đây, lại không ở bên cạnh bạn và không trao cho bạn sự âu yếm ấm áp và dịu dàng cuối cùng, cái âu yếm của người Cha? Và tôi không còn cảm thấy xa lạ với những người anh em này của tôi nữa; tôi đã trở thành cha, mẹ, anh, chị và em của họ.
Vâng, bởi vì Người là Thiên Chúa độc nhất đã uốn nắn và tạo dựng nên chúng ta từ trong lòng mẹ và Chúa Ki-tô đã cảm nghiệm mọi sự trước họ và trước cả tôi. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên nhất là cách cư xử trân trọng và đau khổ của các y tá: chính họ - với cảm xúc rất rõ ràng dễ nhận ra được - đã mời tôi đọc một lời cầu nguyện ngắn đồng hành với người hấp hối, dù họ rất vội vã. Họ nói: “Thưa cha Covid - như họ đã gọi tôi một cách quen thuộc, xin cầu nguyện ngắn gọn thôi, chúng tôi phải làm việc.” Những giọt nước mắt rơi xuống không phải là nước mắt của những người thân trong gia đình nhưng là những giọt nước mắt quý giá hơn của những người anh em không quen biết, nhưng lại là những người con của cùng một Cha.
Ngày tháng trôi qua, các nhân viên phục vụ thay phiên nhau và tin tức về cha Covid đã lan rộng. Tôi là linh mục duy nhất trong khoa bệnh mà họ có thể xin trợ giúp. Tôi đã không trang bị cho mình như lời Chúa truyền: dầu để xức cho bệnh nhân, Mình Thánh Chúa, dây stola hoặc lễ phục khác. Tuân theo triệt để các quy tắc (khẩu trang, khử trùng tay), tôi đi cùng với một số y tá đến các phòng khác nhau và theo phong cách của tôi, thông báo rằng tôi sẽ ban bí tích Xức dầu "chay" cho những bệnh nhân mong muốn (vì không có dầu thánh), ban phép giải tội chung kèm theo phép lành của Đức Giáo hoàng.
Nói một cách khôi hài thì tôi đã đề nghị Chúa giảm giá đặc biệt cho tất cả mọi người, chính là vì Chúa không muốn bất kỳ ai không có được tình yêu và lòng thương xót dồi dào của Người. Tôi đã không bao giờ nghĩ đến việc thêm danh hiệu “cha Covid” vào kinh nghiệm làm linh mục vốn đã phong phú của tôi. (Sir 12/01/2021)
Một linh mục Công giáo ở miền đông Ấn Độ đã chiếm được
tình cảm của người dân không phải bởi các thành công to lớn nhưng bằng sự đơn
giản của cha. “Ông cha xe đạp” là tên người ta gọi cha Vinod Kanatt, dòng Cát
Minh Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội, cha xứ giáo xứ thánh Anna ở Rajokt, bang
Gujarat, Ấn Độ.
Hồng Thủy - Vatican News
Trong thời gian đại dịch, cha Vinod đạp xe đi thăm các
giáo dân của cha, những người già và các bệnh nhân, những người mà cha sẵn sàng
làm mọi điều có thể làm và ngay cả hơn thế nữa. Cha tin rằng thời gian cách ly
là lúc cần ở với đàn chiên của cha khi không có ai ở xung quanh họ.
Cha Vinod chia sẻ: “Nếu tôi khóa kín cửa ở trong phòng vì
sợ virus thì việc tôi lãnh nhận chức linh mục như một linh mục truyền giáo thật
là vô ích.”
Cha Vinod sinh năm 1966 và chịu chức linh mục năm 1998.
Từ năm 2008 cha phụ trách giáo xứ thánh Anna, trừ hai năm cha chuyển sang phụ
trách một giáo xứ khác. Tại bang Gujarat, nơi mà đa số dân không phải là Ki-tô
hữu, cha được tất cả mọi người biết đến, kể cả những người thuộc các tôn giáo
khác.
Đi xe đạp để gặp gỡ mọi người
Cha Vinod kể về sứ vụ của cha trong thời gian đại dịch:
“Tại giáo xứ thánh Anna chúng tôi có 65 gia đình thuộc tầng lớp trung lưu trở
xuống. Chúa Giê-su đã đi bộ và rao giảng Tin mừng, tôi đi xe đạp để gặp gỡ mọi
người. Đi bằng xe đạp, tôi có thể nói chuyện với mọi người trên đường đi. Họ là
những người rất bình thường. Chúa Giê-su rao giảng cho những người bị áp bức và
bị gạt ra bên lề xã hội. Chúng ta là những người theo Chúa Giêsu đó”.
“Trong thời gian Covid này, trong hai lần phong tỏa đầu
tiên, người ta không thể đến gặp cha xứ do lệnh giới nghiêm. Từ Chúa nhật Phục
Sinh, tôi bắt đầu đến thăm các gia đình trong giáo xứ của mình, và ban phép lành
Phục Sinh cho các gia đình. Tôi đi thăm tất cả các gia đình. Mỗi ngày tôi mang
Mình Thánh Chúa đi thăm từ sáu đến bảy gia đình, và trong mỗi gia đình, tôi giải
tội và sau đó cho họ rước lễ.”
“Tôi đến thăm mỗi gia đình ít nhất ba lần một tháng. Cho
đến tháng 6, chúng tôi chưa có nhiều trường hợp nhiễm virus corona ở Junagath.
Khi các trường hợp nhiễm virus bắt đầu tăng lên, tôi không còn đến các gia đình.
Nhưng khi họ gọi tôi, tôi đi thăm họ. Tôi muốn đi mỗi tuần để cho những người
bệnh và người già trong giáo xứ rước lễ và trò chuyện thăm hỏi họ trong khoảng
một giờ. Tôi sẽ mang theo một lọ nước sát khuẩn tay và đeo khẩu trang và thực
hiện tất cả các biện pháp phòng ngừa.”
“Nhà thờ mở cửa hàng ngày. Bất cứ ai đến nhà thờ, tôi sẽ
cho họ rước Mình Thánh Chúa. Mọi người thường đến nhà thờ vào Chúa Nhật, vì vậy
tôi luôn sẵn sàng vào Chúa Nhật, bất cứ lúc nào trong ngày.”
Chạm vào các vết thương của Chúa Giê-su
“Như là một linh mục, tôi chạm vào các vết thương của
Chúa Giê-su, cả vết thương tinh thần và thể lý, ví dụ: trong giáo xứ của tôi có
một gia đình mà người chồng làm việc với mức lương chỉ có 2.500 rupee, nghĩa là
khoảng 30 euro. Họ có hai con gái bị thiểu năng trí tuệ, một người 29 tuổi và
người kia 31 tuổi. Một người hoàn toàn nằm liệt giường và người kia chỉ có thể
bò. Cách đây 3 năm, người vợ bị chấn thương cột sống và bây giờ không thể làm
được gì. Tôi đến nhà họ hai hoặc ba lần một tuần. Tôi đưa họ đến bệnh viện mỗi
khi có người nào bị đau ốm. Bất cứ thứ gì cần thiết, tôi đều cố gắng cung cấp
cho họ, kể cả thức ăn trong dịp lễ. Tôi cũng giúp tiền cho họ khi cần.”
“Thời gian cách ly đã giúp tôi gắn bó hơn với gia đình
của họ. Nó đã giúp tôi đến gần hơn với cộng đồng giáo xứ. Mọi người gần gũi với
tôi đến nỗi ngay khi có ai đó trong gia đình bị bệnh, tôi cũng được họ thông
báo. Tôi giúp đỡ bằng mọi cách khi tôi có thể. Mọi người cảm thấy được an ủi rất
nhiều và an toàn khi là một phần của cộng đồng giáo xứ.”
Lời chứng của giáo dân
John D’Souza, cha của hai người con khuyết tật, nói với
lòng biết ơn: “Chúng tôi còn sống bây giờ là nhờ sự chăm sóc và trợ giúp của cha
Vinod.” Biết hoàn cảnh của gia đình ông, vợ con đau ốm, những người hàng xóm khá
giả trong giáo xứ giúp đỡ thức ăn và những nhu cầu khác, theo sáng kiến của cha
Vinod. Khi đại dịch bùng nổ, những người hàng xóm không trợ giúp được nữa và gia
đình ông lâm vào cảnh khó khăn. Chính cha Vinod đã tìm được những nguồn tài
chính để trợ giúp họ.
Ông Patrick David, một thành viên của hội đồng giáo xứ,
nói rằng cha Vinod đã hạ mình xuống tận đất để có thể gần với đàn chiên của
mình. Cha thường hỏi thăm về những người đau khổ và sẵn sàng trợ giúp họ bằng
tiền hay thực phẩm hay bất cứ sự giúp đỡ nào họ cần trong cuộc khủng hoảng vì
Covid-19.
Trong thời gian phong tỏa, mỗi ngày cha dâng lễ với tên của các gia đình để cầu
nguyện cho họ
Trong thời gian phong tỏa vì đại dịch, cha Vinod không cử
hành Thánh lễ có giáo dân tham dự, nhưng cha đã gắn tên mỗi gia đình trong giáo
xứ lên các hàng ghế và dâng lễ cầu nguyện cho họ mỗi ngày. Cha nói: “Tôi
cử hành Thánh lễ mỗi ngày như những ngày bình thường dù không có giáo dân tham
dự. Nhà thờ giáo xứ là để dâng Thánh lễ cho giáo dân và tôi dâng lễ mỗi ngày cho
họ. Sự hiện diện của họ được nhận thấy qua tên của họ trên các băng ghế.”
Cha Vinod cũng được các anh em linh mục đánh giá cao. Đối
với họ, "cha Vinod đã truyền một sức sống mới trong giáo xứ thánh Anna; cha đã
thay đổi phong cách làm việc của giáo xứ. Nó được đan kết vào toàn bộ đời sống
xã hội của họ”. “Dấn thân cá nhân vẫn là chìa khóa thành công của cha. Cha là
một mục tử biết rõ đàn chiên của mình. Các cuộc viếng thăm gia đình, các buổi
họp mặt ban tối hàng tháng và mục vụ sinh viên là một số cách thức sáng tạo mà
qua đó cha Vinod đã xây dựng cộng đồng giáo xứ và ý thức về tình thân hữu. Cha
cũng giữ liên lạc với những giáo dân đã di cư đi nơi khác ”.
Đơn giản là nhiệm vụ của một nhà truyền giáo
Tuy nhiên cha Vinod cho rằng cha chỉ đơn giản thực hiện
nghĩa vụ của một linh mục truyền giáo. Cha nói: “Bây giờ chúng ta đang phải đối
mặt với một tình huống khác, nơi mọi người thực tế bị nhốt trong nhà của họ do
virus corona. Nếu tôi biết rằng một gia đình trong giáo xứ của tôi đang đói, tôi
cung cấp thức ăn cho họ. Nếu ai đó cần thuốc, tôi cung cấp. Nếu ai đó cần được
đưa đến bệnh viện, tôi sẽ làm điều đó mà không cần đợi ai cả. Vì tôi làm việc
cho mọi người, họ sẽ hỗ trợ tôi những khoản tiền cần thiết và tôi chưa bao giờ
gặp khó khăn về tiền bạc trong thời gian này. Một khi ý định của bạn rõ ràng và
mạnh mẽ, Thiên Chúa sẽ gửi các thiên thần của mình đến hỗ trợ bạn”.
Hồi đầu tháng 4 năm nay, cha Andrés Esteban López, cha sở
giáo xứ Thánh Gia ở trung tâm của một trong những khu phố nổi tiếng của thành
phố Mexico, đã cùng với các linh mục khác của giáo xứ và một số giáo dân khởi
xướng phong trào “Chuỗi Mân Côi hy vọng.”
Hồng Thủy - Vatican News
Hồi đầu tháng 4 năm nay, cha Andrés Esteban López, cha sở
giáo xứ Thánh Gia ở trung tâm của một trong những khu phố nổi tiếng của thành
phố Mexico, đã cùng với các linh mục khác của giáo xứ và một số giáo dân khởi
xướng phong trào “Chuỗi Mân Côi hy vọng.”
Do không thể vào các bệnh viện để trợ giúp thiêng liêng
cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19, cha López đã quyết định “nhận” các bệnh nhân,
các bác sĩ y tá, nhân viên vệ sinh và an ninh, và đọc kinh Mân Côi từ xa để cầu
nguyện cho mỗi người trong họ.
Để Đức Mẹ đi vào "nơi chúng ta không thể vào"
Mục tiêu của chiến dịch cầu nguyện này là để Đức Mẹ đi
vào "nơi chúng ta không thể vào" và an ủi "những người đang đau khổ". Cha giải
thích: “Chúng tôi không muốn để các bệnh nhân đơn độc và vì chúng tôi không thể
vào bệnh viện thì đây là cách để đồng hành với họ. Chúng tôi được truyền cảm
hứng từ những lần Đức Mẹ hiện ra với 3 trẻ mục đồng ở Fatima; 2 em qua đời vì
bệnh dịch Tây Ban Nha, trong bối cảnh sức khỏe y tế cũng giống như đại dịch
Covid-19. Do đó chúng tôi cầu xin Đức Mẹ đi vào nơi mà chúng tôi không thể vào."
Tuy nhiên cha López vẫn kiên trì, và muốn rằng ngài cũng
được vào bệnh viện. Với sự kiên trì, cha đã có thể thay đổi ý kiến tiêu cực
của các cơ quan y tế và của những người quản lý bệnh viện Đa khoa ở Mexico City,
bệnh viện lớn nhất ở Mỹ châu Latinh. Sau gần một tháng liên lạc, yêu cầu, cuối
cùng cha cũng được phép vào bệnh viện để cầu nguyện riêng với những người bệnh
đang gặp nguy kịch.
Sáng kiến xướng “Chuỗi Mân Côi hy vọng”
Sáng kiến “Chuỗi Mân Côi hy vọng”đã ra đời khi cha López
giải tội cho một phụ nữ bị nhiễm virus corona. Phụ nữ này đã được bình phục
nhưng cha nghĩ rằng còn nhiều người trong tình trạng nguy kịch và đơn độc, không
có ai đồng hành với họ trong những bước cuối đời. Hơn nữa, cha cũng muốn đến gần
với các bác sĩ, các nhân viên y tế. Cha nói: “Nhiều bác sĩ đang thật sự đau khổ,
họ lo sợ, nhưng không có chọn lựa nào khác hơn là ở đó, và trong phần lớn các
trường hợp, họ thật can đảm, bởi vì ngay cả khi có nguy cơ lây nhiễm họ đã quyết
định ở lại trên “chiến trường”.
Đồng hành với các bệnh nhân tại khoa chăm sóc đặc biệt
Được vào trong khoa chăm sóc đặc biệt, vị linh mục 35
tuổi này đã thực hiện được ước muốn sâu thẳm của mình, đó là đồng hành với những
người đau khổ bằng lời chúc lành, bằng việc xức dầu thánh, bằng lời cầu nguyện
và lòng thương xót của Thiên Chúa thông qua việc tha thứ tội lỗi của họ, và cũng
đồng hành với các nhân viên y tế hỗ trợ các bệnh nhân.
Báo El
País thuật lại: “Cha thinh lặng cầu nguyện một lúc và sau đó bước sang phòng
bên cạnh. Các bác sĩ và y tá dừng lại một lúc và nhìn cha như thể đang hỏi
'người này đang làm gì ở đây? Mọi người đều muốn ra khỏi đây còn ông ta lại muốn
vào trong này!’ Sau đó, cha bắt đầu cầu nguyện: ‘Chúng con xin Chúa cho
đại dịch này chấm dứt, xin Chúa nghe lời chúng con". Cha López cầu nguyện xin ơn
cứu độ cho những người hấp hối, xin ơn an nghỉ đời đời cho các tín hữu đã qua
đời, xin ơn đức tin và sức mạnh cho các nhân viên y tế. Và cảm giác khó chịu và
sợ hãi trong phòng chăm sóc đặc biệt dường như đã tan biến đi.”
Dành ba phút cho mỗi bệnh nhân để xức dầu và ban ơn tha
tội, cha López bắt đầu trở thành một nhân vật thân thuộc với các bác sĩ và một
số bệnh nhân vẫn đang được chăm sóc đặc biệt, cũng như những người thân trong
gia đình của họ đang chờ đợi tin tức bên ngoài.
Dấu chỉ hy vọng
Cha chia sẻ với báo El
País: "Có lẽ chúng ta không thể làm mất đi tất cả sự cay đắng do đại dịch
gây ra, nhưng chúng ta có thể đưa ra một dấu hiệu hy vọng". Cha López cùng với
hai linh mục khác của giáo xứ Thánh Gia đã mang đến cho các bệnh nhân thư của
gia đình họ, được đựng trong các chai nước hoặc các cuộn giấy vệ sinh.
Kinh nguyện cầu nguyện cho một bệnh nhân Covid-19
Cha López đã viết một kinh nguyện cho những ai muốn
“nhận” cầu nguyện cho một trong những người đã đăng ký “Chuỗi Mân côi Hy vọng”:
"Lạy Chúa Giê-su, vì tình yêu của Chúa, vì sự hoán cải
của các tội nhân, vì ơn cứu độ của các linh hồn, con xin dâng lên Chúa chuỗi Mân
côi thánh thiện này, và hôm nay con đặc biệt dâng nó cho người đang hấp hối đó,
để với sự đồng hành của Đức Trinh Nữ Maria, Chúa sẽ đón nhận linh hồn người này
khi họ qua đời. Con dâng lên Chúa chuỗi Mân côi thánh thiện này cầu nguyện cho
các bác sĩ, y tá, linh mục, nam nữ tu sĩ và tất cả các nhân viên làm việc trong
các bệnh viện để chăm sóc người bệnh. Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đón nhận chuỗi Mân
côi hy vọng này và cứu độ chúng con.”
Lạy Chúa Thánh Thần là mạch nước vọt lên sự sống đời đời,/
nơi Giáo Hội của Chúa Kitô,/
cũng như nơi từng Kitô hữu chúng con/ là chi thể của Nhiệm Thể Giáo Hội,/
khi chúng con lãnh nhận các Bí Tích Thánh,/
cách riêng Bí Tích Thánh Tẩy tái sinh,/ và Bí Tích Thêm Sức nhân chứng.
Chúa là Đấng Phù Trợ khác,/
được Chúa Kitô Thăng Thiên về cùng Cha/ và từ Cha sai đến với chúng con,
để dẫn chúng con vào tất cả sự thật là chính Chúa Kitô,/
là ý nghĩa Lời Người dạy,/ và là tinh thần Người đã sống,/
nhờ đó chúng con mới có thể/
đạt đến tầm vóc toàn hảo của Chúa Kitô/ là Đầu trong Nhiệm Thể Giáo Hội,/
và chính vì Chúa Kitô sống trong chúng con như thế,/
chúng con mới có thể trở thành một Chúa Kitô Khác/ - Alter Christus./
Xin Chúa hãy đến để canh tân bộ mặt trái đất/ là chính văn hóa của con người,/
một thứ văn hóa chết chóc,/ như Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô đã nhận định,/
và thậm chí còn là một thứ văn hóa tận số,/ như Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh giác,/
nhất là trong Mùa Đại Dịch Covid-19 toàn cầu hiện nay,/
một cái vạ kinh hoàng gây ra bởi tội lỗi của nhân loại./
Chớ gì bộ mặt trái đất được Chúa canh tân,/
nhờ hoạt động truyền bá phúc âm hóa của Giáo Hội Chúa Kitô,/
một hoạt động chứng nhân tông đồ tràn đầy Niềm Vui và Hy Vọng bất khả thiếu,/
cho một thế giới đang âm u mịt mù tăm tối đầy bất an hiện nay:/
Một Niềm Vui và Hy Vọng/
được kết tinh bởi các Hoa Trái Thần Linh của Chúa,/
cũng như bởi các Phúc Đức Trọn Lành của Chúa Kitô;/
Một Niềm Vui và Hy Vọng/
được trổ bông bởi tác động thần linh quyền năng của Chúa,/
nơi Kitô hữu chúng con/ là nhân chứng trung thực và sống động của Chúa Kitô./