Sinh Hoạt Sống Đạo 2021
Năm Thánh Giuse
Tông Thư Tấm Lòng Người Cha Patris Corde
"Ở đây, một lần nữa, chúng ta gặp lại chủ nghĩa hiện thực Kitô giáo vốn không phủ nhận những gì hiện hữu. Thực tại, trong tính phức tạp bí ẩn và không thể giải thích của nó, có một ý nghĩa hiện sinh, với tất cả ánh sáng và bóng tối của nó. Thế nên Tông đồ Phaolô mới nói: 'Chúng ta biết rằng Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người' (Rm 8,28). Thánh Augustinô nói thêm, 'ngay cả cái được gọi là sự dữ (etiam illud quod malum dicitur)'. Theo góc nhìn rộng hơn này, đức tin mang lại ý nghĩa cho mọi biến cố, dù vui hay buồn".
Thật thế, kinh nghiệm tu đức đã rõ ràng cho thấy rằng: "nếu mọi thứ dường như đã tồi tệ hoặc có điều gì không sửa chữa được nữa.... Ngay cả khi lòng chúng ta kết án chúng ta", "Chúa có thể làm cho hoa mọc lên từ đá", ở chỗ, "Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người", "ngay cả cái được gọi là sự dữ". Chẳng hạn như ngài để cho chúng ta sa ngã phạm tội, để nhờ đó chúng ta biết mình chúng ta hơn, tin tưởng vào Chúa hơn, và thương cảm tội nhân hơn, nghĩa là Ngài sẵn sàng để cho chúng ta đâm thâu vào cạnh sườn của Ngài, để sau đó và nhờ đó chúng ta nhìn lên Đấng chúng ta đâm thâu mà ăn năn thống hối (xem Gioan 19:37), vẫn còn tốt hơn là để chúng ta cứ sống đạo mộng du, sống đạo xay xỉn chẳng biết mình, cứ tưởng mình sống công chính mà lại giả hình (xem Mathêu đoạn 23), mà lại hâm hâm dở dở chỉ đáng bị Chúa mửa ra thôi (Khải Huyền 3:16).
Chưa hết, chính việc Sống Đức Tin cũng cần phải cẩn thận, bằng không có thể bị lầm lạc. Do đó, ĐTC Phanxicô còn cảnh giác chúng ta là: "Chúng ta cũng đừng bao giờ nghĩ rằng tin có nghĩa là tìm ra các giải pháp dễ dàng và an ủi". Và đó là lý do ĐTC đã nêu gương Sống Đức Tin của Thánh Giuse như đã được trích dẫn ngay từ đầu: "Đức tin mà Chúa Kitô đã dạy chúng ta là những gì chúng ta thấy nơi Thánh Giuse. Ngài không tìm kiếm những lối tắt, mà mở rộng đôi mắt để đối mặt với thực tế và nhận trách nhiệm cá nhân về điều ấy".
Sống Đức Tin như Thánh Giuse còn liên quan đến đức ái nữa, như nguyên tắc "đức tin thể hiện qua đức ái" (Galata 5:6) được Thánh Phaolô xác định, và cũng là đường lồi được ĐTC Phanxicô cho chúng ta thấy ở nơi gương Sống Đức Tin của Thánh Giuse ở cuối tiểu đoạn 4 về "Một Người Cha chấp nhận" này như sau: "Thái độ của Thánh Giuse khuyến khích chúng ta chấp nhận và đón nhận người khác như họ vốn có, không có ngoại lệ, và quan tâm đặc biệt đến những người yếu đuối, vì Thiên Chúa chọn những gì yếu đuối (x. 1 Cr 1,27). Thiên Chúa là 'Cha kẻ mồ côi và là Đấng che chở những người góa bụa' (Tv 68,6), Ngài truyền cho chúng ta phải yêu thương người xa lạ ở giữa chúng ta. Tôi thích nghĩ rằng chính từ Thánh Giuse, Chúa Giêsu đã có cảm hứng để kể câu chuyện dụ ngôn người con hoang đàng và người cha nhân hậu (x. Lc 15,11-32)".
Sau nữa, Thánh
Giuse Sống Đức Tin như là "một
người cha có lòng can đảm đầy sáng tạo"
Thánh Giuse Sống Đức Tin ở tiểu đề thứ 5 về "một người cha có lòng can đảm đầy sáng tạo" trong Tông Thư Tấm Lòng Người Cha của ĐTC Phanxicô này càng được vị giáo hoàng tác giả cho thấy rõ hơn như thế này: "Thiên Chúa luôn tìm ra cách để cứu chúng ta, miễn là chúng ta thể hiện lòng can đảm đầy sáng tạo như người thợ mộc thành Nadarét, người có thể biến vấn đề thành khả năng bằng cách luôn tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa".
Đúng thế, chính vì Sống Đức Tin theo sự quan phòng của Thiên Chúa mà "người thợ mộc thành Nadarét có thể biến vấn đề thành khả năng", đến độ, như ĐTC nhận định về vai trò và khả năng sinh động của Vị Thánh Cả âm thầm và thinh lặng này như thế này:
"Thánh Giuse là người được Chúa chọn để hướng dẫn giai đoạn khởi đầu của lịch sử cứu chuộc. Ngài là 'dấu lạ' thực sự mà Chúa dùng để cứu hài nhi Giêsu và mẹ của Người. Thiên Chúa đã hành động qua thái độ tin tưởng và lòng can đảm đầy sáng tạo của Thánh Giuse. Khi đến Bêlem và không tìm được chỗ cho Đức Maria sinh con, Thánh Giuse đã chuẩn bị một cái chuồng bò và làm hết sức có thể để biến nó thành ngôi nhà chào đón Con Thiên Chúa đến thế gian (x. Lc 2, 6-7). Trước nguy cơ sắp xảy ra là Hêrôđê muốn giết Hài nhi Giêsu, một lần nữa trong giấc mơ, thánh Giuse đã được báo mộng để bảo vệ Hài nhi, và nửa đêm thức dậy chuẩn bị trốn sang Ai Cập (x. Mt 2,13-14)".
Thật vậy, như ĐTC nhận định về các sự kiện xẩy ra cho chung Thánh Gia và riêng gia trưởng Giuse: "Khi đọc các bài tường thuật thời thơ ấu của Chúa Giêsu, có lẽ chúng ta thường thắc mắc tại sao Thiên Chúa không hành động một cách trực tiếp và rõ ràng hơn. Nhưng Thiên Chúa lại hành động qua các biến cố và qua con người". Bởi thế, theo tự nhiên, chúng ta có thể cảm nhận như ĐTC diễn tả như sau:
"Khi đọc lướt qua những câu chuyện này có thể chúng ta thường có cảm tưởng rằng thế giới được phó mặc cho những kẻ mạnh và kẻ có quyền, nhưng 'tin mừng' của Phúc âm là ở chỗ cho thấy rằng, bất chấp thói kiêu ngạo và bạo lực của các quyền lực thế gian, Chúa luôn tìm ra cách thực hiện kế hoạch cứu độ của Ngài. Cuộc sống của chúng ta cũng vậy, đôi khi xem ra như thể bị phó mặc trong tay kẻ có quyền, nhưng Tin Mừng cho chúng ta thấy điều gì mới là đáng giá".
Đó là lý do vị giáo hoàng tác giả đã khuyên chúng ta như đã được nêu lên ngay từ đầu ở đoạn này, đó là: "Thiên Chúa luôn tìm ra cách để cứu chúng ta, miễn là chúng ta thể hiện lòng can đảm đầy sáng tạo như người thợ mộc thành Nadarét, người có thể biến vấn đề thành khả năng bằng cách luôn tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa".
Sống Đức Tin như Thánh Giuse, chúng ta sẽ tiến đến chỗ xác tín và càng trở thành chủ động hơn bao giờ hết và hơn ai hết, nhất là trong những lúc gian nan khốn khó thử thách trong đời, như ĐTC đã hướng dẫn chúng ta trong cùng tiểu đề "một người cha có lòng can đảm đầy sáng tạo" đang được chúng ta theo dõi đây. Ngài nói: "Nếu có lúc dường như Chúa không giúp chúng ta, thì chắc chắn không có nghĩa là chúng ta bị bỏ rơi, mà là chúng ta đang được Chúa tin tưởng để tự mình chúng ta lên kế hoạch, sáng tạo và tìm ra giải pháp".
ĐTC Phanxicô đã cống hiến cho chúng ta một nhận định hay cảm nhận này thật là tuyệt vời. Ở chỗ, không phải chúng ta tin tưởng vào Thiên Chúa nữa mà là chính Ngài tin tưởng chúng ta, khi cống hiến cho chúng ta một cơ hội Sống Đức Tin, hay nói đúng hơn, khi đẩy chúng ta vào dead end đường cùng ngõ bí, là Chúa muốn chúng ta tin vào Ngài là Đấng duy nhất có thể giải cứu chúng ta, bằng cách thức khôn ngoan nhất chúng ta có thế nghĩ ra được, như trường hợp của những người khiêng cáng cho người thân nhân hay thân hữu bất toại của họ, được ĐTC minh chứng về tính cách "can đảm đầy sáng tạo" trong việc Sống Đức Tin theo gương Thánh Giuse.
"Lòng can đảm đầy sáng tạo đó đã được những người bạn của
người bại liệt thể hiện, họ đã dỡ mái nhà hạ anh xuống để đưa anh đến với
Chúa Giêsu (x. Lc 5,
17-26). Khó khăn đã không ngăn cản được sự mạnh dạn và kiên trì của những
người bạn đó. Họ tin chắc rằng Chúa Giêsu có thể chữa lành cho anh, và bởi
'không tìm được cách nào để đưa anh ta vào vì đám đông dân chúng, họ đã trèo
lên mái nhà và thả anh xuống cùng với chiếc giường vào giữa đám đông đang ở
trước mặt Chúa Giêsu. Nhìn thấy đức tin của họ, Chúa Giêsu nói: Này bạn, tội
lỗi của bạn đã được tha’ (câu 19-20). Chúa Giêsu nhìn nhận đức tin sáng tạo
mà nhờ đó họ đã tìm cách đưa người bạn đau yếu đến với Ngài".
Sau hết, Thánh
Giuse Sống Đức Tin như là "một
người cha trong bóng tối"
Thánh Giuse Sống Đức Tin chẳng những như là "một người cha chấp nhận" và như là "một người cha có lòng can đảm đầy sáng tạo" mà còn như là "một người cha trong bóng tối" nữa, như ĐTC Phanxicô đã nhận định về ngài: "Thánh Giuse tìm được hạnh phúc không chỉ ở sự hy sinh bản thân mà ở sự tự hiến. Nơi ngài, chúng ta không bao giờ thấy nỗi thất vọng mà chỉ thấy niềm tin tưởng. Sự thinh lặng kiên nhẫn của ngài dẫn tới những thể hiện cụ thể của lòng tin tưởng".
ĐTC đã cho chúng ta biết ý nghĩa về việc Sống Đức Tin của Thánh Giuse như là "một người cha trong bóng tối", không phải chỉ ở chính vai trò làm cha nuôi của Chúa Giêsu, một vai trò được vị giáo hoàng sánh ví như "là hình bóng trần gian của Cha trên trời trong mối tương quan với Chúa Giêsu: Ngài trông nom và bảo vệ Chúa Giêsu, không bao giờ để Chúa Giêsu đi một mình", mà còn ở sứ vụ làm cha và tinh thần làm cha nữa, được tỏ ra thái độ khách quan và tin tưởng của mình, như ĐTC nhận định chung về nghệ thuật giáo dục là "không giữ chúng lại, không bảo bọc chúng quá đáng hay sở hữu chúng, mà là giúp cho chúng có khả năng tự quyết định, tận hưởng tự do và khám phá những khả năng mới".
Theo đường lối giáo dục có tính cách khách quan và tôn trọng con cái như vậy, theo Đức Thánh Cha Phanxicô: "Có lẽ vì thế mà ngoài danh hiệu cha, truyền thống còn gọi Thánh Giuse là Đấng 'cực thanh cực tịnh'". Ở chỗ, áp dụng vào trường hợp Thánh Giuse, ĐTC Phanxicô đã cảm nhận rằng: "Thánh Giuse biết cách yêu thương với thái độ tự do phi thường. Ngài không bao giờ biến mình thành trung tâm của mọi sự. Ngài không nghĩ về mình, mà luôn nghĩ về cuộc đời của Mẹ Maria và Chúa Giêsu".
Thật vậy, ý nghĩa "cực thanh cực tịnh" được ghép cho Thánh Giuse được vị tác giả giáo hoàng này dẫn giải một cách sâu xa theo chiều hướng yêu thương của Thiên Chúa như thế này: "Tước hiệu đó không đơn thuần là một dấu chỉ của lòng yêu mến, mà còn là tóm lược một thái độ đối lập với tính chiếm hữu. Thanh khiết là sự tự do thoát khỏi thái độ chiếm hữu trong mọi lĩnh vực đời sống của mình. Chỉ khi nào tình yêu thanh khiết, đó mới là tình yêu thực sự. Một tình yêu chiếm hữu cuối cùng sẽ trở nên nguy hiểm: nó giam hãm, bóp nghẹt và gây đau khổ. Chính Thiên Chúa đã yêu nhân loại bằng một tình yêu thanh khiết; Ngài để chúng ta được tự do, thậm chí phạm tội và chống lại Ngài. Luận lý của tình yêu luôn là luận lý của tự do".
Và đó là lý do ĐTC mới khẳng định về hạnh phúc của Thánh Giuse khi ngài Sống Đức Tin, như đã được trích dẫn ngay ở đầu phần tiểu đoạn về "một người cha trong bóng tối": "Thánh Giuse tìm được hạnh phúc không chỉ ở sự hy sinh bản thân mà ở sự tự hiến. Nơi ngài, chúng ta không bao giờ thấy nỗi thất vọng mà chỉ thấy niềm tin tưởng. Sự thinh lặng kiên nhẫn của ngài dẫn tới những thể hiện cụ thể của lòng tin tưởng".
Tuy nhiên, chi tiết về "sự thinh lặng kiên nhẫn của ngài dẫn tới những thể hiện cụ thể của lòng tin tưởng", như ĐTC nói về Thánh Giuse đây, còn được chính ĐTC dẫn giải một cách sâu rộng hơn, theo chiều kích của một thứ nghệ thuật giáo dục tự nhiên, nhưng chân chính nên có tính cách chuyên nghiệp và siêu đẳng, nên đã hoàn toàn phản ảnh những gì đã được chất chứa ở Lời Chúa trong Phúc Âm sau đây:
"Khi người cha từ bỏ cám
dỗ sống cuộc sống của con cái mình, những khung cảnh mới mẻ và bất ngờ sẽ mở
ra. Mỗi đứa con đều mang trong mình một mầu nhiệm độc đáo chỉ có thể được tỏ
lộ nhờ sự giúp đỡ của người cha biết tôn trọng quyền tự do của đứa con ấy.
Một người cha sẽ nhận ra mình là một người cha và một nhà giáo dục nhất vào
lúc mình trở thành 'vô dụng', khi thấy con mình trở nên độc lập và có thể
bước đi trên con đường của cuộc đời mà không cần ai đi kèm. Khi người cha ấy
trở nên giống như Thánh Giuse, luôn biết rằng con mình không phải là của
riêng mình mà chỉ được giao phó cho mình chăm sóc mà thôi. Cuối cùng, đây là
điều mà Chúa Giêsu muốn chúng ta hiểu khi Người nói: 'Các con đừng gọi ai ở
dưới đất là cha, vì các con chỉ có một người Cha ở trên trời' (Mt 23,
9)".
Từ đó, ĐTC Phanxicô đã gián tiếp khuyên nhủ và áp dụng vào vai trò làm cha của thành phần Kitô hữu, một vai trò làm cha phải thực thi một sứ vụ làm cha và có một tinh thần làm cha như gương Sống Đức Tin của Thánh Giuse như là "một người cha trong bóng tối" như thế này:
"Mỗi khi thi hành thiên chức làm cha, chúng ta phải luôn nhớ rằng thiên chức làm cha ấy không liên quan gì đến sự chiếm hữu, mà là một 'dấu chỉ' hướng đến một tình phụ tử lớn hơn. Một cách nào đó, tất cả chúng ta đều giống như Thánh Giuse: là cái bóng của Cha trên trời, Đấng 'làm cho mặt trời mọc lên trên kẻ dữ cũng như người lành, và làm mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất lương' (Mt 5,45). Và là cái bóng bước theo Con của ngài".
Mùa Chay Tuần III Thứ Sáu ngày 12 trong Tháng Thánh Giuse 2021
Đaminh Maria cao tấn tĩnh,