Sinh Hoạt Sống Đạo 2021

 

 

Bộ Mặt Trái Đất - Thảm Thương

Từ Laudato Si' Chúc Tụng Chúa đến Fratelli Tutti Tất Cả Là Anh Em

 

 

Không phải là bỗng nhiên vô cớ mà Giáo Hội Kitô giáo nói chung và Công giáo nói riêng, qua vị giáo hoàng "đến tự tận cùng trái đất" vào ngày 13/3/2013, đã tung ra một bức Thông Điệp lịch sử chưa từng có trong giòng lịch sử của Giáo Hội hơn 2 ngàn năm, đó là bức Thông Điệp về hệ sinh thái liên quan đến trái đất là ngôi nhà chung của chung sinh vật và riêng loài người, và vì thế bức Thông Điệp đầu tiên về hệ sinh thái chưa từng có trong lịch sử Giáo Hội này mới là một dấu chỉ thời đại mang một sứ điệp cảnh báo nghiêm trọng hơn bao giờ hết.

Thật vậy, nhìn vào bộ mặt trái đất hiện nay, cảm giác nguy đến nơi đã chấn động nhiều tâm hồn còn lo đến tương lai của chung loài người, nhất là thành phần hèn kém nghèo khổ thường là nạn nhân cả thiên tai lẫn nhân tai, đặc biệt là khi đọc thấy những lời vị giáo hoàng nói trong bức thông điệp ấy: "Có những khu vực giờ đây đang ở trong tình trạng nguy cơ cao, ngoài tất cả những dự báo về ngày tận thế" (khoản 61 Chương 1); "Không còn có thể coi thường và mỉa mai những lời tiên báo về tận thế nữa". (khoản 161 Chương 4)"Giờ đây chúng ta sẽ nỗ lực để vạch ra những con đường chính của việc đối thoại, có thể giúp chúng ta thoát khỏi vòng xoáy của sự tự huỷ diệt hiện đang nhấn chìm chúng ta" (khoản 163 Chương 5).

Những gì xẩy ra từ lúc bức thông điệp về hệ sinh thái liên quan đến ngôi nhà chung là trái đất này, được ban hành từ ngày 24/5/2015, cách đây đúng 6 năm, đã càng làm cho những lời của ngài trở nên ứng nghiệm và khẩn trương hơn bao giờ hết. Bởi thế, nhân ngày 24/5/2021 này, ngày kết thúc Năm Chúc Tụng Chúa Laudato Si' (24/5/2020 - 2021), chúng ta hãy nhìn lại Bộ Mặt Trái Đất thảm thương của chúng ta, do bàn tay lông lá quá tàn ác của chính con người chúng ta đã gây ra cho nó, nhờ đó, mới thấy được lý do tại sao sau 5 năm của bức Thông Điệp Laudato Si' Chúc Tụng Chúa này, vị giáo hoàng thứ 266 của Giáo Hội Công giáo đã ban thêm một bức Thông Điệp nữa, bất khả phân ly với bức Thông Điệp Laudato Sí, đó là Thông Điệp Fratelli Tutti - Tất cả đều là anh em, như một sứ điệp nhắc nhở và nhắn nhủ nhân loại hãy biết đoàn kết lại với nhau để cứu vãn trái đất, "để canh tân bộ mặt trái đất".

Hai Thông Điệp về hệ sinh thái và về nhân bản này đã kịp thời xuất hiện trên bầu trời u ám tối tăm của cả ngoài thiên nhiên cũng như trong tâm linh của con người, một bầu trời lịch sử hướng về tương lai chẳng những không tươi sáng mà còn càng âm u mù mịt và rùng rợn hơn, như những gì đã xẩy ra trong ba năm liền, từ năm 2019 tới nay, 2021. Thật vậy, vào cuối năm 2019, khắp năm châu đều có thiên tai:

Động đất ở Nam Mỹ, Lụt ở Âu Châu, châu chấu ở Phi châu, hỏa hoạn ở Úc châu và dịch khuẩn corona ở Á Châu. Theo dõi tin tức như thế, người viết tự đặt vấn đề và chia sẻ với gia đình cùng bằng hữu thân thiết rằng: Nếu cuối năm 2019 này đâu đâu cũng bị thiên tai như thế thì sang năm 2020 tình hình sẽ ra sao đây? Quả đúng như thế, thiên tai đủ loại đồng loạt xẩy ra vào cuối năm 2019 là dấu chỉ thời đại báo hiệu đại dịch covid-19 toàn cầu chưa từng có trong lịch sử của loài người vào ngay thời điểm con người càng văn minh, càng vô thần duy vật, càng quay cuồng hiện sinh hưởng thụ và càng bạo loạn hận thù ghen ghét sát hại nhau.

Thế rồi, sang năm 2021, trong khi đại dịch covid-19 vẫn còn đang khủng bố hết đợt này đến đợt khác, từ nơi này đến nơi kia, hết biến chủng này đến biến chủng khác, chỗ này khá hơn, như Hoa Kỳ và Âu Châu, nhờ vaccin, chỗ kia lại tệ hơn, như Ba Tây Nam Mỹ và Ấn Độ Nam Á, vì chỉ lo kinh tế hơn là mạng sống v.v., chưa kể đến chiến tranh hết chỗ này đến chỗ kia, như ở Miến Điện từ đầu tháng 2/2021 tới nay, và Thánh Địa trong Tháng 5/2021 này, thì một loạt thiên tai đủ thứ khác bất ngờ xẩy ra ở khắp nơi, chẳng hạn như một số hiện tượng tiêu biểu sau đây:

1- Hai hòn đảo biến mất ở Nhật Bản,

2- Tuyết rơi kỷ lục ở nhiều nơi trên thế giới ở Âu Châu và Hoa Kỳ,

3- Núi lửa mạnh nhất thế giới phun trào gây hàng trăm trận động đất nhỏ ở Nam Dương,

4- Lũ lụt tồi tệ nhất 50 năm bủa vây Australia,

5- 28.000 tấn băng tan chảy trong ba thập kỷ do biến đổi khí hậu,

6- Trái đất nóng lên băng ở Nam Cực đang tan chảy nhanh hơn,

7- Các sông băng trên thế giới tan chảy với tốc độ nhanh kỷ lục v.v.

8- Hải lưu Đại Tây Dương chảy chậm nhất 1.600 năm - viễn cảnh tận thế xuất hiện

 

Hai hòn đảo biến mất kỳ lạ, Nhật Bản đang điều tra - Tuổi Trẻ Online 19/2/2021

Hai hòn đảo nhỏ Seppu-Minami-Kojima và Shiokubi-Misaki-Minami-Kojima ở ngoài khơi tỉnh Hokkaido, phía bắc Nhật Bản, đã biến mất một cách kỳ lạ. Với diện tích mỗi đảo khoảng 100m2, hai hòn đảo trên vẫn được coi là những dấu mốc để xác định lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Tuy nhiên gần đây, các cơ quan chức năng nước này không xác định được các đảo đó trong các hình ảnh vệ tinh và một số tài liệu khác. Vì vậy, JCG và các cơ quan chức năng liên quan khác của nước này đang phải nghiên cứu về vấn đề trên.

Nhật báo Yomiuri của Nhật Bản cho biết đảo Seppu-Minami-Kojima, gần thị trấn Niikappu của tỉnh Hokkaido, có thể đã biến mất do những thay đổi về địa hình do trận động đất mạnh năm 2018. Trong khi đó, đảo Shiokubi-Misaki-Minami-Kojima, gần thành phố Hakodate (tỉnh Hokkaido), được cho là đã biến mất sau khi chính quyền địa phương xây dựng một con đê đối diện hòn đảo này.  

 

Tuyết rơi kỷ lục nhiều nơi trên thế giới - VN Express 19/2/2021

Khắp bán cầu bắc từ Hy Lạp tới Mỹ đều chứng kiến tuyết rơi kỷ lục và giảm nhiệt đột ngột ở những nơi vốn ấm áp vào mùa đông.

Quần thể Acropolis tại Athens, Hy Lạp, bao phủ trong lớp tuyết dày đặc hôm 16/2. Những trận tuyết rơi kéo dài đã khiến các phương tiện giao thông công cộng ở Athens bị đình trệ và khiến quá trình tiêm chủng Covid-19 gặp khó khăn.

Mái vòm của Thánh đường Hagia Sophia, thủ đô Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, bao phủ dưới lớp tuyết trắng hôm 17/2. Trận bão tuyết trước đó đã quét qua một số khu vực phía bắc và nội thành ở Istanbul, khiến cây cối đổ khắp thành phố trong đêm, trong khi một số khu vực còn bị cắt điện.

Người dân đi bộ trên đường phố giữa lúc tuyết rơi ở Jerusalem, Israel, hôm 17/2. Đây là lần đầu tiên trong vòng 6 năm, người dân Jerusalem chứng kiến lớp tuyết bao phủ thành phố vào tháng hai. Tình hình thời tiết đã khiến một số tuyến đường trong thành phố tạm dừng hoạt động, trong khi việc mở cửa một số trường học cũng bị tạm hoãn.

Tuyết phủ khắp thung lũng Bekaa, miền đông Lebanon, hôm 17/2. Những cơn gió lớn đi kèm đã khiến nhiều khu vực rộng lớn ở Lebanon mất điện, trong khi lực lượng cứu hộ phải giải cứu nhiều người bị mắc kẹt trong xe ô tô phủ đầy tuyết.

Một phụ nữ ở Edinboro, bang Pennsylvania, Mỹ, ăn mặc kín mít dắt chó cưng đi dạo giữa trời giá rét hôm 17/2. Cơ quan khí tượng bang dự kiến đợt tuyết rơi lớn sẽ khiến phần lớn trung tâm Pennsylvania bị bao phủ bởi lượng tuyết dày từ 12-20 cm vào ngày 18/2.

Thời tiết lạnh bất thường đã làm đóng băng các máy phát điện gió, khiến hàng triệu người dân Texas phải chịu cảnh mất điện. Tính tới ngày 17/2, ít nhất 17 người đã chết và gần 3 triệu ngôi nhà cùng các cơ sở kinh doanh ở Texas vẫn chưa có điện sau khi trải qua trận bão tuyết khắc nghiệt.

 

Núi lửa mạnh nhất thế giới phun trào gây hàng trăm trận động đất nhỏ - Tuổi Trẻ 19/2/2021

Núi lửa Merapi, một trong những núi lửa đang hoạt động mạnh nhất thế giới, tiếp tục phun trào dung nham nóng đỏ và gây ra hàng trăm trận động đất nhỏ trên đảo Java, Indonesia ngày 19-2.

Cơ quan địa chất Indonesia cho biết núi lửa Merapi, gần thủ phủ văn hóa Yogyakarta trên đảo Java, đã phun trào dung nham gần 20 lần trong vòng 2 ngày qua và gây ra hàng trăm trận động đất nhỏ. Tháng 1 vừa rồi, núi lửa Merapi đã phun ra những đám khói và tro bụi khổng lồ tràn xuống sườn núi. "Sáng nay (19-2) đã quan sát thấy núi lửa phun dung nham 7 lần", Cơ quan địa chất Indonesia cho biết. Dòng dung nham này đã di chuyển khoảng 700m về phía tây nam, theo Hãng tin AFP.

Lần phun trào lớn mới nhất của núi lửa Merapi xảy ra năm 2010, khiến hơn 300 người thiệt mạng và buộc khoảng 280.000 cư dân sống khu vực quanh đó phải sơ tán. Năm 1930, vụ phun trào mạnh nhất từ trước đến nay của Merapi đã khiến khoảng 1.300 người chết. Một vụ khác xảy ra năm 1994 cướp đi sinh mạng của khoảng 60 người.

Indonesia có gần 130 núi lửa đang hoạt động và núi lửa Merapi cao 2.968m là ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất ở quốc gia Đông Nam Á này.

 

Lũ lụt tồi tệ nhất 50 năm bủa vây Australia - VNExpress 21/3/2021

Mưa lớn dọc bờ biển phía đông Australia suốt cuối tuần này đã gây ra đợt lũ lụt tồi tệ nhất trong nửa thế kỷ ở một số khu vực.

Thủ hiến Gladys Berejiklian cho biết các trận mưa như trút trên khắp NSW, bang đông dân nhất Australia với khoảng 8 triệu người, đã tồi tệ hơn dự báo ban đầu, đặc biệt là những khu vực trũng thấp ở phía tây bắc Sydney.

"Hôm qua chúng tôi hy vọng nó chỉ là đợt mưa lũ tồi tệ nhất trong 20 năm, nhưng giờ có vẻ phải là trong 50 năm", Berejiklian nói hôm nay.

Nước lũ nhấn chìm một khu vực rộng lớn ở thị trấn Port Macquarie, cách phía bắc Sydney khoảng 400 km, hôm 20/3.Cục Khí tượng Australia cho biết nước lũ dọc khu vực sông Hastings, ngoại ô thị trấn Port Macquarie, cách phía bắc Sydney khoảng 400 km, đã vượt mức kỷ lục năm 2013.

Lũ lụt đã nhấn chìm nhiều tuyến phố và ngôi nhà ở khu vực bờ biển phía bắc Sydney. Thủ tướng Scott Morrison cho biết ông thấy "đau lòng" vì hình ảnh nhà cửa, thị trấn và doanh nghiệp ngập trong nước lũ, đồng thời yêu cầu quân đội khẩn trương hỗ trợ.

Các cơ quan ứng phó khẩn cấp nhận được hơn 7.000 cuộc gọi cầu cứu và đã thực hiện khoảng 650 vụ giải cứu lũ lụt kể từ 10/3. Những bang khác cũng điều động lực lượng cứu hộ tới tiếp viện.

Đập Warragamba, nơi cung cấp nước sinh hoạt cho phần lớn Sydney, đã bắt đầu tràn bờ vào chiều 20/3. Chuyên gia dự đoán đây là đợt tràn đập lớn đầu tiên kể từ năm 1990.

 

28.000 tấn băng tan chảy trong ba thập kỷ do biến đổi khí hậu - Tuổi Trẻ Online 25/5/2021

Trong công trình nghiên cứu công bố ngày 25/1 trên tạp chí The Cryosphere, các nhà khoa học cho biết tốc độ tan băng mỗi năm hiện nay nhanh hơn khoảng 57% so với thời điểm đó.
Lượng nước do băng tan tại Nam Cực, Greenland và các sông băng trên núi trong 3 thập kỷ qua đã khiến mực nước biển trung bình trên toàn cầu dâng thêm 3,5cm. Lượng băng tan từ các sông băng trên núi chiếm 22% tổng khối lượng băng thất thoát hằng năm. Đồng tác giả nghiên cứu, chuyên gia nghiên cứu sông băng tại Đại học Leeds (Anh) Thomas Slater, cho rằng đây là điều đáng lưu tâm, bởi trên thực tế lượng băng này chỉ chiếm khoảng 1% lượng băng trên đất liền.

Trên khắp Bắc Cực, diện tích băng biển trong mùa Hè cũng bị thu hẹp xuống mức thấp nhất từ trước đến nay. Năm 2020 chứng kiến lượng băng phục hồi trên biển của khu vực này đạt mức thấp thứ hai trong 40 năm qua kể từ khi các số liệu bắt đầu được theo dõi bằng vệ tinh.

Nhiệt độ khí quyển trên Trái Đất đã tăng 1,1 độ C kể từ thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp. Tuy nhiên, tại Bắc Cực, tốc độ ấm lên đã tăng gấp hơn hai lần so với tốc độ trung bình trên toàn cầu trong 30 năm qua.

Dựa vào dữ liệu vệ tinh từ năm 1994-2017, các biện pháp đo đạc tại chỗ và mô phỏng trên máy tính, nhóm các nhà khoa học Anh đã tính toán được rằng thế giới mất đi trung bình 800 tỷ tấn băng/năm trong thập niên 1990, nhưng con số này đã tăng lên 1.200 tỉ tấn băng trong vài năm gần đây.

Trong báo cáo Khảo sát Địa chất và Địa vật lý tại khu vực Alaska, chuyên gia địa chất Gabriel Wolken nhận định việc tính toán cả tổng lượng băng mất đi từ các sông băng, dải băng và băng tại hai cực cũng là một cách tiếp cận đáng chú ý và cần thiết. Chuyên gia Wolken cho rằng, tại Alaska, mọi người đều nhận thức rõ tình trạng sông băng biến mất, thậm chí có thể quan sát hiện tượng này bằng mắt thường.

 

Trái đất nóng lên, băng ở Nam Cực đang tan chảy nhanh hơn - Tuổi Trẻ Online 25/5/2021

Đây là kết quả nghiên cứu được một nhóm nhà khoa học châu Âu công bố ngày 12-12.

Từ trước đến nay, các nhà khoa học mới tập trung nghiên cứu mảng băng ở phía tây của Nam Cực, những nghiên cứu gần đây cho thấy biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây tan chảy nhiều diện tích lớn của mảng băng tại đây. 

Trong khi đó, mảng băng khổng lồ ở phía đông Nam Cực vẫn được xem là ổn định hơn vì đây là khu vực có nhiệt độ thấp hơn và độ cao lớn hơn. Mảng băng ở đông Nam Cực thậm chí còn được cho là tiếp tục mở rộng nhờ có thềm băng vững chắc nối giữa đại dương và thềm đá ngăn không cho mảng băng trên bề mặt tan trượt ra biển.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu mới nhất cũng cho thấy mảng băng ở phía đông của Nam Cực bị ảnh hưởng bởi hiện tượng trái đất nóng lên.

Bằng cách kết hợp dữ liệu vệ tinh và đo đạc trên thực địa, các nhà khoa học Hà Lan, Bỉ và Đức đã phát hiện ra rằng miệng hố trên thềm băng Vua Baudoin ở đông Nam Cực không phải là dấu vết va chạm với thiên thạch như các nghiên cứu trước kia chỉ ra. Các nhà khoa học chỉ ra rằng nguyên nhân là do hiện tượng băng trên bề mặt bị xói mòn bởi gió mạnh mang hơi nóng, khiến cho ánh nắng mặt trời bị hấp thụ thẳng vào sâu trong thềm băng thay vì bị phản xạ ngược vào không trung.

Trong khi đó, qua các thập thập kỷ gần đây đại dương đã hấp thụ phần lớn nhiệt lượng tỏa ra bởi hiện tượng trái đất nóng lên. Việc nhiệt độ tăng lên ở cả trên và dưới bề mặt băng tạo thành các vết nứt trong kết cấu vững chắc của các thềm băng và khiến các mảng băng phía trên càng dễ bị tổn thương, ngay cả đối với khu vực phía đông của Nam Cực.

Lượng băng của Nam Cực nếu tan chảy hết có thể làm mực nước biển dâng lên hàng chục mét và làm cho bản đồ các lục địa trên trái đất sẽ phải được vẽ lại.

Báo cáo vừa công bố của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng những quốc gia nhỏ nhất sẽ lại phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng nước biển dâng cao. 

IMF đã khảo sát 34 nước đang phát triển có dân số dưới 1,5 triệu người tại châu Phi, châu Á-Thái Bình Dương, khu vực Caribe và nhận thấy khoảng 10% trong số này phải gánh chịu các hiện tượng thiên tai cực đoan có sức tàn phá trên 30% tổng sản lượng kinh tế.

 

Các sông băng trên thế giới tan chảy với tốc độ nhanh kỷ lục - Tuổi Trẻ Online 24/5/2021

Kết quả nghiên cứu của Khoa Giám sát Sông băng Thế giới thuộc trường Đại học Zurich (Thụy Sĩ) công bố trên Tạp chí Sông băng ngày 3-8 cho biết, các sông băng trên toàn thế giới đang tan chảy với tốc độ nhanh kỷ lục.

Sau khi thu thập dữ liệu từ hơn 30 quốc gia, các nhà nghiên cứu đã phát hiện rằng trong thập niên đầu của thế kỷ 21, các sông băng đã tan chảy nhanh gấp 2 - 3 lần so với mức trung bình ghi nhận trong thế kỷ trước.

Chuyên gia Zemp nhấn mạnh rằng nếu tiếp tục với tốc độ tan như dự kiến thì trong tương lai các sông băng sẽ tiếp tục bị tan chảy ngay cả khi nhiệt độ được giữ ổn định, trong khi đó trái đất đang ngày càng nóng lên.

Nghiên cứu trên được tiến hành dựa trên các dữ liệu được thu thập hơn 120 năm về sự thay đổi của các sông băng. Theo đó, Khoa Giám sát Sông băng Thế giới của trường Đại học Zurich đã phối hợp công việc với các nhà nghiên cứu từ các quốc gia trên thế giới để tổng hợp dữ liệu quan sát dòng sông băng. 

 

Hải lưu Đại Tây Dương chảy chậm nhất 1.600 năm, viễn cảnh tận thế xuất hiện - Tuổi Trẻ Online 25/5/2021

Hệ thống hải lưu Đại Tây Dương suy yếu nhất trong hàng ngàn năm qua đang làm dấy lên những lo lắng về tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp và ngày càng trở nên trầm trọng. Viễn cảnh "đại dương tê liệt" đang ở ngay trước mắt.

Theo kết luận từ một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Geoscience, các hải lưu ở Đại Tây Dương đóng vai trò quan trọng trong việc phân bố lại lượng nhiệt trong hệ thống khí hậu của Trái đất.

Trong bộ phim The Day After Tomorrow (tựa tiếng Việt là Ngày kinh hoàng) năm 2004, khi các dòng hải lưu đột ngột ngừng chuyển động, siêu bão đã nổi lên toàn cầu, phá hủy các công trình và đẩy loài người đến ngày tận thế. Bộ phim viễn tưởng này dựa trên các kiến thức khoa học có thật nhưng phóng đại hậu quả để ăn khách.

Theo Đài CBS News, nếu hệ thống hải lưu đột ngột ngừng chuyển động, bão có thể xuất hiện nhưng không đến mức tàn khốc như trong phim. Tuy nhiên, về lâu dài sẽ có các tác động tiêu cực lên Trái đất vì hiện tượng này là không thể tránh khỏi.

Điều đáng lo ngại là hệ thống hải lưu Đại Tây Dương đang bắt đầu chậm lại và hiện đang chảy chậm nhất trong vòng 1.600 năm qua.

Các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân một phần của tình trạng này có liên quan trực tiếp đến hiện tượng ấm lên toàn cầu, vì băng tan dẫn đến sự mất cân bằng ở vùng biển phía bắc.

“Điều này làm dấy lên những lo ngại rằng nếu con người không thể kiểm soát hiện tượng nóng lên toàn cầu, một lúc nào đó hệ thống các dòng chảy có thể đạt đến điểm giới hạn, các mô hình khí hậu toàn cầu có nguy cơ trở nên hỗn loạn”, Đài CBS trích dẫn nghiên cứu ngày 25-2.

Dòng hải lưu Gulf Stream (hay dòng Vịnh) ở khu vực đông duyên hải Mỹ là một phần không thể thiếu của hệ thống các dòng chảy này, được biết đến với tên Dòng đối lưu kinh tuyến Đại Tây Dương, hay AMOC.

Nghiên cứu gần đây đã cho thấy dòng hải lưu Gulf Stream đã di chuyển chậm hơn 15% kể từ năm 1950, một sự suy yếu chưa từng có trong vòng một thiên niên kỷ qua. Nếu con người tiếp tục phớt lờ hiện tượng nóng lên toàn cầu, tốc độ di chuyển của Gulf Stream sẽ chậm lại từ 34% đến 45%.

Một trong những hậu quả dễ thấy khi hải lưu chảy chậm là mực nước biển dâng cao, ví dụ như miền đông duyên hải Mỹ.

Theo bà Levke Caesar - nhà vật lý khí hậu tại Đại học Maynooth ở Ireland, khi dòng chảy chậm lại, nước có thể tích tụ nhiều hơn dẫn đến mực nước biển dâng cao đe dọa các thành phố New York và Boston.