Sinh Hoạt Sống Đạo 2021

 

Vấn Đề Mẹ Đồng Công


Đaminh Maria cao tấn tĩnh, BVL

Mẹ Đồng Công: Chữ Nghĩa  

Dòng Đồng Công, một hội dòng thuần túy Việt Nam đầu tiên của Giáo Hội ở Việt Nam, được một vị linh mục Việt Nam là Cha Đaminh Maria Trần Đình Thủ (1906-2017) sáng lập vào đầu thập niên 1940, cho người Việt Nam, và là một hội dòng đã được Giáo Hội công nhận vào đầu thập niên 1950, với danh xưng Đồng Công, một tên gọi vắn tắt từ một danh xưng dài hơn là Dòng Đức Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc, và được biểu hiệu bằng 3 mẫu tự CMC, tức là  Congregatio Matris Co-Redemptrix (theo tiếng Latinh) hay Congregation of the Mother Co-Redemptrix (theo tiếng Anh).

Tuy nhiên, từ ngày Dòng Đồng Công được đổi tên vào cuối năm 2017, thành Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc CRM - Congregation of the Mother of the Redeemer / Congregatio Redemptoris Matris, đã xẩy ra một số phản ứng được tóm gọn như sau: một là thắc mắc khách quan về vấn đề tại sao lại đổi tên; hai là tỏ ra không chấp nhận danh xưng Đồng Công nữa, cho chữ Đồng Công là sai, hay Dòng Đồng Công sai nên phải lấy tên gọi khác; ba là thậm chí không có vấn đề Đồng Công gì hết, theo chiều hướng của những người anh chị em chủ trương duy tín (solar fide) - chỉ cần đức tin là đủ để được cứu rỗi rồi, do đó, họ hoàn toàn phủ nhận vấn đề góp phần của Kitô hữu, một góp phần được họ coi là công nghiệp (merit) của con người, một thứ "công nghiệp" của Kitô hữu, nếu có giá trị và cần thiết bất khả thiếu, thì sẽ gây ra một hậu quả khôn lường bất khả chấp nhận, đó là làm hủy hoại đi Công Ơn Cứu Chuộc của Người.

Đó là lý do người viết xin chia sẻ một chút cảm nhận và suy tư thiển cận của mình, theo tầm mức hoàn toàn bình dân, chưa hề được học thần học, về danh xưng Mẹ Đồng Công, liên quan đến 3 khía cạnh khác nhau, đó là: chữ nghĩa, tín điều và hội dòng. 

Trước hết, chữ "Đồng Công" nói riêng, dù là ngôn ngữ nào đi nữa, cũng chỉ có nghĩa là "cộng tác" ("cộng" nghĩa là "đồng" và "tác" nghĩa là "công", "cộng tác" đồng nghĩa với "đồng công" hay ngược lại cũng thế). Tiếng Anh là "corporation". Nên phân biệt ý nghĩa của danh từ kép "đồng công", liên quan đến hoạt động, đến việc làm (work/task), với danh từ kép "đồng vị", liên quan đến vị thế, đến thân phận của nhân vật (posiition/status of person), chẳng hạn đồng chủ tịch / co-president, hay đồng chủ tọa / co-chairman.

Nếu danh xưng "Mẹ Đồng Công" hiểu theo nghĩa "đồng công", ở chỗ "cộng tác" liên quan đến việc làm, chứ không phải theo nghĩa "đồng vị", ở chỗ ngang hàng về vị thế và thân phận của nhân vật, thì chẳng có vấn đề gì hết. Đó là lý do, theo tự điển bách khoa tiếng Anh wilipedia.org/wiki/Co-Redemptrix: "Theo những ai sử dụng chữ này, thì Co-Redemptrix ám chỉ việc dự phần phụ thuộc nhưng thiết yếu của Đức Trinh Nữ Maria vào việc cứu chuộc, ở chỗ, ngài đã tự nguyện hiến đời mình cho Đấng Cứu Chuộc, nghĩa là ngài thông phần chia sẻ với đời sống của Người, với những khổ đau và cái chết của Người là những gì cứu chuộc thế gian này". Quan niệm "Đồng Công" đây đã được bắt nguồn từ Thời Trung Cổ, bởi anh em tu sĩ Dòng Phanxicô, nhưng anh em tu sĩ Dòng Đaminh đã tỏ ra bất đồng, như hai dòng này đã bất đồng về đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria, cuối cùng vẫn có tín điều Vô Nhiễm theo chủ trương Dòng Phanxicô.

Mẹ Đồng Công: Tín Điều

Ở buổi triều kiến chung hằng tuần Thứ Tư ngày 24/3/2021, khi hướng dẫn về vấn đề "Cầu Nguyện trong mối hiệp thông với Mẹ Maria" Đức Thánh Cha Phanxicô đã những điều liên quan đến Mẹ Đồng Công như sau:

"Chúa Kitô là Đấng Trung Gian, Chúa Kitô là chiếc cầu chúng ta băng qua để đến với Chúa Cha (xem Sách Giáo Lý Công Giáo khoản 2674). Người là Đấng Cứu Chuộc duy nhất: không có những vị đồng cứu chuộc nào khác với Chúa Kitô. Người là Đấng Cứu Chuộc duy nhất... Đức Mẹ là Đấng 'bao bọc', như một Người Mẹ, Đấng được Chúa Giêsu trao phó chúng ta, tất cả chúng ta; nhưng như là một Người Mẹ, chứ không phải như một nữ chúa, không phải như đấng đồng cứu chuộc: như Người Mẹ".

Ở đây, nếu phân tích kỹ, chúng ta thấy ĐTC Phanxcô chỉ phủ nhận bất cứ một nhân vật "đồng cứu chuộc - co-redeemer" nào, một chân lý ai cũng phải công nhận, và vì thế chẳng có ai dám nói Đức Maria là Nữ Đồng Cứu Chuộc với Nam Cứu Chuộc Giêsu hết, mà chỉ nói Đức Maria là Đấng đồng công cứu chuộc thôi, nghĩa là được hiệp thông vào công cuộc cứu chuộc của Chúa Kitô, một việc hiệp thông chính yếu bất khả thiếu của nhân loại trong công cuộc chính họ, chung cũng như riêng, theo dự án cứu chuộc nơi Thiên Chúa.

Đó là lý do Thiên Chúa đã muốn sử dụng chính máu huyết của con người để làm của lễ đến tội cho con người, nhưng tự máu huyết đó tự nó vô nghĩa và vô giá trị nếu không được kết hiệp với thần tính của Thiên Chúa. Bởi thế, Ngài đã không tự động xuống thế làm người, chẳng cần được thụ thai và hạ sinh bởi bất cứ người nữ nào, trái lại, Ngài đã muốn sử dụng chính một con người tạo vật của Ngài là Trinh Nữ Maria Nazarét, vị duy nhất trong cả loài người đã được đặc ân vô nhiễm nguyên tội ngay từ lúc hoài thai, để người nữ diễm phúc này xứng đáng đại diện cho cả loài người, chẳng những cung cấp huyết nhục cho Ngài, mà còn cộng tác vào công cuộc cứu chuộc của Thiên Chúa nơi Chúa Kitô, Người Con Nhập Thể của Ngài!


Trong thời của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, vị Giáo Hoàng duy nhất đã lấy khẩu hiệu giáo phẩm kiêm giáo hoàng của mình là "totus tuus" - "tất cả của con là của Mẹ", một khẩu hiệu vắn gọn, được ngài lấy từ trong tác phẩm "Thành Thực Sùng Kính Mẹ Maria" của Thánh Long Mộng Phố (Louis Montfort), khoản 233, và vì thế, có thể gọi ngài là vị Giáo Hoàng Thánh Mẫu, đã từng có một đợt thỉnh nguyện, vào cuối thập niên 1990, bao gồm cả Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta, trong số 4 triệu 700 ngàn chữ ký, từ 157 quốc gia, ở đủ mọi châu lục, xin ngài tuyên bố tín điều "Mẹ Đồng Công, Trung Gian Ân Sủng và Bảo Hộ Dân Chúa", được phát động bởi phong trào “Vox Populi Maria Mediatrici”.

Cho dù Vị Giáo Hoàng Thánh Mẫu Gioan Phaolô II này không tuyên bố tín điều Mẹ Đồng Công, nhưng ngài cũng đã ban hành Thông Điệp thứ 6 trong 14 Thông Điệp suốt giáo triều của ngài, một thông điệp ngài ban hành ngày 25/3/1987, nhan đề Mater Redemptoris - Mẹ Đấng Cứu Chuộc, tương tự như danh xưng mới Mẹ Chúa Cứu Chuộc của Dòng Đồng Công. Và Vấn Đề Mẹ Đồng Công, 10 năm sau, vào ngày 9/4/1997, trong loạt 70 bài Giáo Lý về Thánh Mẫu, trong thời khoảng từ mùng 6 tháng 9 năm 1995 đến ngày 12 tháng 11 năm 1997, hơn 2 năm trời, ngài đã nói một bài, bài 48, về riêng vai trò đồng công hợp tác của Mẹ Maria (Mary’s co-operation is totally unique). Có lẽ vì thấy giáo huấn của ĐTC Gioan Phaolô có chiều hướng thiên về Mẹ Đồng Công như thế mới nẩy sinh ra một phong trào xin ngài tuyên bố giáo huấn của ngài thành Tín Điều Thánh Mẫu Thứ 5. Sau đây là đoạn thứ 4, đoạn cuối cùng trong bài giáo lý của ĐTC Gioan Phaolô II vừa được đề cập đến trên đây:

 

"Công Đồng Vaticanô II đã ý thức được tín lý này và xác nhận nó, khi nhấn mạnh rằng việc góp phần của Đức Trinh Nữ chẳng những vào việc hạ sinh của Đấng Cứu Chuộc, mà còn vào đời sống của Nhiệm Thể Người qua các thế kỷ cho tới ‘cánh chung’: Nơi Giáo Hội, Mẹ Maria ‘đã cộng tác’ (cf. Lumen gentium, n. 63) và ‘đang cộng tác’ (cùng nguồn, 53) vào công cuộc cứu độ. Khi diễn tả mầu nhiệm Truyền Tin, Công Đồng đã nói rằng Vị Trinh Nữ Nazarét, ‘bằng việc tận tuyệt dấn thân và không bị trở ngại bởi tội lỗi đối với ý muốn của Thiên Chúa, đã hoàn toàn hiến mình, như một tỳ nữ của Chúa, cho bản thân Con Mẹ và công cuộc của Con Mẹ, phụ thuộc vào Người và cùng với Người, phục vụ mầu nhiệm Cứu Chuộc theo ân sủng của Thiên Chúa Toàn Năng’ (cùng nguồn, 56). 

 

"Ngoài ra, Công Đồng Chung Vaticanô II còn cho thấy Mẹ Maria chẳng những như là ‘Người Mẹ của Đấng Cứu Chuộc thần linh’, mà còn là ‘một hợp tác viên quảng đại cách chuyên biệt’, vị ‘đã cộng tác bằng việc tuân phục của mình, bằng đức tin, đức cậy và đức mến nồng cháy vào cộng việc của Chúa Cứu Thế’. Công Đồng này cũng nhắc lại rằng hoa trái cao quí của việc hợp tác này là vai trò mẹ hoàn vũ của Mẹ: ‘Đó là lý do Mẹ là mẹ đối với chúng ta trong lãnh vực ân sủng’ (cùng nguồn, 61). Bởi thế, chúng ta có thể hướng về Đức Trinh Nữ, tin tưởng kêu cầu Mẹ trợ giúp với ý thức về vai trò đặc thù của Mẹ được Thiên Chúa ủy thác cho, vai trò cộng tác vào việc Cứu Chuộc, một vai trò Mẹ đã thi hành suốt cuộc đời của Mẹ và đặc biệt là ở dưới chân Thập Giá".

 

Có một chỗ trong bài giáo lý này được ngài đề cập đến có thể giúp chúng ta dễ dàng suy diễn thêm một cách vững vàng hơn về vai trò đồng công thực sự của Mẹ Maria với Con Mẹ:

"Khi Thánh Phaolô nói: ‘Vì chúng ta là những người đồng tác hành của Thiên Chúa’ (1Cor 3:9), thánh nhân chủ trương con người thực sự có trách nhiệm hợp tác với Thiên Chúa. Việc hợp tác của các tín hữu, một thứ hợp tác hiển nhiên không hề bao gồm tính cách ngang hàng với Ngài, được thể hiện nơi việc loan báo Phúc Âm cũng như nơi việc họ góp phần của mình để làm cho Phúc Âm đi sâu vào lòng người. 

 

"Tuy nhiên, áp dụng vào trường hợp của Mẹ Maria, chữ ‘vị đồng hợp tác’ có một ý nghĩa đặc biệt. Việc Kitô hữu hợp tác vào việc cứu độ xẩy ra sau biến cố Canvê, một biến cố có những hoa trái họ cần phải nỗ lực để lan truyền bằng việc nguyện cầu và hy sinh. Trái lại, Mẹ Maria, đã hợp tác trong chính biến cố này và bằng vai trò làm mẹ; bởi thế, vai trò hợp tác của Mẹ bao gồm toàn thể công cuộc cứu độ của Chúa Kitô. Một mình Mẹ được liên kết như thế với một hy tế cứu chuộc chiếm đạt ơn cứu độ cho tất cả nhân loại. Hiệp nhất với Chúa Kitô và phụ thuộc vào Người, Mẹ đã cộng tác để chiếm đạt ơn cứu độ cho toàn thể loài người".


Theo quan điểm của người viết này thì chắc Giáo Hội sẽ không bao giờ công bố Tín Điều Thánh Mẫu Thứ Năm, sau 4 tín điều trước: 1- Tín Điều Mẹ Thiên Chúa năm 431, 2- Tín Điều Mẹ Trọn Đời Trinh Nguyên năm 649; 3- Tín Điều Mẹ Vô Nhiễm năm 1854, và 4- Tín Điều Mẹ Mông Triệu năm 1950. Tín Điều Thánh Mẫu thứ 5 này là Tín Điều Mẹ Đồng Công, vì tính cách tế nhị liên quan đến phong trào đại kết, nhất là đối với riêng anh chị em thệ phản Tin Lành, cho dù Giáo Hội Công Giáo không chủ trương và chấp nhận chủ trương "duy tín - solar fide" của họ, tức vẫn chủ trương việc "cộng tác" của con người là những gì bất khả thiếu trong việc "chấp nhận" ơn cứu độ và "trung thành" với ơn cứu độ cho bản thân mình, một ơn cứu độ đã được hoàn tất nơi Chúa Kitô và bởi Chúa Kitô.

Nếu hiểu ý nghĩa của chữ "công nghiệp" hay chữ "lập công", vẫn được Kitô hữu Công giáo sử dụng và thực hiện, theo nghĩa "cộng tác" hay "chấp nhận" thì việc Kitô hữu "lập công" chỉ là việc họ "đáp ứng / response" với ơn cứu chuộc của Chúa Kitô mà thôi, chứ không thêm vào, hay bớt đi, một chút nào ơn cứu độ vô giá của Người, một ơn cứu độ mà chỉ duy một mình Người là Con Thiên Chúa Làm Người mới xứng đáng và có khả năng thực hiện thôi. Đó là ý nghĩa của những câu Thánh Kinh Tân Ước liên quan đến vế của con người cần phải "cộng tác" theo nghĩa "đáp ứng" ơn cứu độ và "trung thành" với ơn cứu độ thì mới được rỗi, điển hình nhất là 3 câu sau đây: 1- "Đức tin không có việc làm là đức tin chết" (Giacôbê 2:17); 2- "Tin trong lòng mới được nên công chính; tuyên xưng ngoài miệng mới được cứu độ" (Roma 10:10); 3- "Tôi bù đắp nơi xác thịt của tôi những gì còn thiếu nơi cuộc khổ nạn của Chúa Kitô đã chịu vì thân thể của Người là Giáo Hội" (Colose 1:24).

Cho dù không chấp nhận chủ trương "solar fide duy tín" của chung Giáo Phái Tin Lành, nhưng vì tinh thần đại kết, Giáo Hội vẫn cố gắng tránh né, hay ít là tạm thời không gây ra những gì tế nhị có thể gây ngãng trợ cho tiến trình hiệp nhất trọn vẹn hữu hình của Giáo Hội Chúa Kitô. Tuy nhiên, theo người viết thì thật ra Giáo Hội đã công bố Tín Điều Mẹ Đồng Công rồi, dù không minh bạch và chính thức, như 4 Tín Điều Thánh Mẫu được đề cập đến trên đây. Ở chỗ nào và vào lúc nào? Xin thưa, ở chỗ Giáo Hội, qua Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI, đã tuyên nhận và tuyên bố một cách công khai và long trọng, ngay giữa Công Đồng Chung Vaticanô II ngày 21/11/1964, trong dịp ngài ban bố Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội là "Ánh Sáng Muôn Dân Luman Gentium ", rằng Mẹ Maria là "Mẹ Giáo Hội'. Như vậy, nếu Mẹ Maria thực sự là Mẹ Giáo Hội thì tất nhiên Mẹ cũng là Mẹ Đồng Công, một tỳ nữ xin vâng (xem Luca 1:38) hoàn toàn hiến thân cho Thiên Chúa và đáp ứng tất cả những gì Ngài muốn, trong việc Mẹ chẳng những thụ thai và hạ sinh Con Thiên Chúa Làm Người, mà Mẹ còn hạ sinh cả Nhiệm Thể có Chúa Kitô là Đầu nữa cho trọn vẹn.

Mẹ Đồng Công: Hội Dòng  

Trong tiến trình của tất cả mọi dòng tu, muốn được từ cấp giáo phận lên cấp giáo hoàng, nghĩa là chỉ trực thuộc Tòa Thánh hơn là chỉ ở thẩm quyền địa phương, nhất là khi hội dòng đã phát triển đến một tầm vóc quốc tế, như trướng hợp Hội Dòng Đồng Công đã có được một Tỉnh Dòng ở Hoa Kỳ chính thức từ năm 1980, đồng thời cũng đã hội đủ các điều kiện về việc tự lập tài chính cũng như về việc đào tạo linh mục, thường tiến đến chỗ muốn được thăng cấp cho xứng hợp với tầm vóc phục vụ của mình, một tiến trình thăng cấp được gọi vắn tắt và nôm na là "ra giáo hoàng". Tuy nhiên, trong tiến trình "ra giáo hoàng" này, Dòng Đồng Công cần phải lắng nghe lời khuyên của thẩm quyền Tòa Thánh lúc bấy giờ, liên quan đến tiến trình đại kết chung của Giáo Hội, chứ không hẳn và không phải là danh xưng "Đồng Công" là những gì sai trái, là những gì không chấp nhận được.

Bởi thế nên, danh xưng mới được Hội Dòng Đồng Công thay đổi theo ý thẩm quyền của Tòa Thánh, một danh xưng do chính vị hồng y chủ tịch Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin bấy giờ đề nghị là "Mẹ Chúa Cứu Chuộc", mà Hội Dòng Đồng Công xưa đã chứng tỏ mình luôn hiệp nhất với Giáo Hội, theo tinh thần của Đấng sáng lập là "tôn sùng Đức Thánh Cha", ở chỗ, ngày nào cũng đọc kinh cầu cho Đức Thánh Cha, trong đó, trong kinh nguyện được chính vị sáng lập soạn dọn cho chung hội dòng đọc hằng ngày ngay từ đầu, đã có danh xưng "Mẹ Giáo Hội" ngay cả trước khi danh xưng này được Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI tuyên bố ngày 21/11/1964. 

Ngoài ra, danh xưng mới "Mẹ Chúa Cứu Chuộc" của hội dòng Đồng Công trước đây, là một danh xưng mới được chính Thiên Chúa và Mẹ Maria, qua thẩm quyền của Giáo Hội, đã đặt cho hội dòng, một tên có tính cách "thăng cấp" rõ ràng. Ở chỗ, trong khi danh xưng "Mẹ Đồng Công", được Đấng sáng lập chọn, vì lúc ngài được soi động lập dòng xẩy ra vào chính lễ Đức Mẹ Đau Thương ngày Thứ Sáu mùng 4/4/1941 theo lịch phụng vụ của Giáo Hội thời bấy giờ, chỉ liên quan đến việc làm của Mẹ, nơi những đau khổ cần phải có nơi Mẹ trong công cuộc cứu chuộc của Chúa Kitô và với Chúa Kitô Con Mẹ, thì danh xưng "Mẹ Chúa Cứu Chuộc" lại liên quan đến một vị thế / position, vị thế Mẹ Chúa Cứu Chuộc, một vị thế cho thấy Mẹ Đồng Công Cứu Chuộc với Chúa Kitô Con Mẹ, bằng cách, Mẹ chẳng những đã cung cấp cho Người một nhân tính nói chung và huyết nhục nói riêng, một huyết nhục làm nên thân xác của Người, như một phương tiện để Người chịu khổ nạn và tử giá, mà còn chịu đau khổ với Người khi Mẹ đứng kề bên thập giá của Người (xem Gioan 19:25), thậm chí Mẹ còn chịu đạu khổ của Người và thay Người nữa, khi Người bất ngờ bị một lưỡi đòng đâm vào cạnh sườn sau khi Người đã chết (xem Gioan 19:33-34). Đúng thế, vào chính lúc ấy, lúc tột đỉnh đớn đau của người đàn bà lâm bồn sinh con, Mẹ Maria đã sinh ra Giáo Hội, khi "máu và nước chảy ra" (Gioan 19:34). 

Lời tiên tri của Ông Simeon trong biến cố Mẹ dâng Hài Nhi Giêsu Con Mẹ trong Đền Thánh đã hoàn toàn được ứng nghiệm: "Phần bà, sẽ có một ưỡi gươm đâm thâu qua lòng" (Luca 2:35). Nếu Mẹ Maria không đồng công cứu chuộc với Chúa Giêsu Con Mẹ, với tư cách là cộng tác viên bất khả thiếu, thay cho loài người, thì Mẹ đã chẳng được ơn vô nhiễm nguyên tội là ơn chẳng những gìn giữ Mẹ cho khỏi vướng mắc nguyên  tội, mà còn khỏi tất cả mọi hậu quả của nguyên tội là khổ đau cùng chết chóc nữa, trong khi đó, Mẹ vẫn chịu đau khổ hơn ai hết, không phải để đền tội nơi Mẹ và của Mẹ, nhất là Mẹ lại phải chịu đau khổ bởi thấy Con Mẹ chịu khổ, và đã cùng chịu đau khổ với Con Mẹ, "Đấng vô tội nhưng Thiên Chúa đã biến Người thành tội lỗi để công chính hóa chúng ta" (2Corintô 5:21), Đấng "tuy là Con, nhưng Người cũng biết tuân phục nơi những gì Người chịu, để khi thành toàn thì nên nguồn mạch cứu độ cho những ai tin vào Người" (Do Thái 5:8-9), thậm chí Mẹ chẳng những đau cái đau vì Con Mẹ và với Con Mẹ, Mẹ còn đau cái đau của Con Mẹ và đau cái đau thay Con Mẹ, khi Người bị lưỡi đòng đâm vào cạnh sườn.

Trong bài giáo lý 40 của loạt 70 bài Giáo Lý Thánh Mẫu, như được đề cập đến trên đây, Thứ Tư ngày 18/12/1996, ĐTC Gioan Phaolô đã dẫn giải thêm về lời tiên tri của Ông Simeon về vai trò đồng công của Mẹ Maria như thế này:

"Những lời này đã báo trước một tương lai khổ đau sẽ xẩy ra cho Đấng Thiên Sai. Thật vậy, Người là một 'dấu hiệu phản trắc' phải đối đầu với việc nghiệt ngã chống đối của người đồng thời. Thế nhưng, cùng với cuộc khổ đau của Chúa Kitô, Simêon còn nêu lên một viễn tượng về tấm lòng của Mẹ Maria sẽ bị gươm sắc đâu thâu, như thế là ông đã liên kết Người Mẹ với định mệnh đau thương của Người Con.

"Bởi vậy, trong khi con người lão thành đáng kính này thấy trước được cảnh thù hận nổi dậy khiến Đấng Thiên Sai phải đối diện, ông muốn nhấn mạnh đến cái âm dội của sự kiện này tác dụng trên tấm lòng của Người Mẹ. Cuộc khổ đau của người mẹ này sẽ lên đến tột đỉnh nơi Cuộc Vượt Qua, lúc mà Mẹ hiệp nhất với Con Mẹ trong hy tế cứu chuộc của Người...

"Bắt nguồn từ lời tiên tri của Simêon, Mẹ Maria đã liên kết một cách chặt chẽ và huyền nhiệm cuộc đời của mình với sứ vụ đau thương của Chúa Kitô: Mẹ đã trở nên cộng sự viên trung thành của Con Mẹ trong việc cứu độ loài người".

Tóm lại, căn cứ vào những gì đã được trình bày ở cả 3 phần trên đây, liên quan đến chữ nghĩa Đồng Công, đến tín điều Đồng Công và đến danh xưng Đồng Công của hội dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc mới được đổi lại từ cuối năm 2017, đối với người viết thì, vấn đề trục trặc ở chỗ chữ nghĩa, nhưng vẫn không thể chối cãi việc cộng tác của loài người vào ơn cứu chuộc của Thiên Chúa, mà Mẹ Maria lại được ơn vô nhiễm nguyên tội, được hưởng trước ơn cứu độ của Con Mẹ, chẳng những để Mẹ xứng đáng làm Mẹ Thiên Chúa, mà còn để Mẹ có thể đại diện loài người cộng tác vào công cuộc cứu chuộc của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô Con Mẹ. Mẹ Maria thật sự đã đồng công cứu chuộc với Con Mẹ, với tư cách đại diện nhân loại và ở vai trò cộng tác tất yếu của Mẹ trong toàn bộ công cuộc cứu độ của Chúa Giêsu Kitô Con Mẹ!


Đaminh Maria cao tấn tĩnh, BVL
Nam California viết từ ngày Lễ Mẹ Dâng Con 2/2/2021 và được thêm chi tiết của ĐTC Phanxicô vào ngày Lễ Mẹ Thụ Thai Lời Nhập Thể 25/3/2021.





From: Tinh Cao <daminhmariacaotantinh@gmail.com>
Date: Mon, Jun 6, 2022 at 3:25 PM
Subject: Mẹ Giáo Hội - Mẹ Đồng Công
To: <crm-thanhuudongcong@googlegroups.com>
Cc: <crm-tusidongcong@googlegroups.com>

Quí THĐC rất thân mến của em,

Hôm nay chúng ta đã cùng với Giáo Hội cử hành Lễ nhớ Mẹ Giáo Hội, Thứ Hai sau Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống,
một lễ được ĐTC Phanxicô thiết lập từ năm 2018.

Tước hiệu Mẹ Giáo Hội đã được Thánh GH Phaolô VI tuyên bố trước Công đồng Chung Vaticanô II ngày 21/11/1964, 
khi ngài ban bố Hiến Chế Lumen Gentium, một hiến chế tín lý về bản chất và sứ vụ của chính Giáo Hội.

Tước hiệu Mẹ Giáo Hội này, khi em vào tu trong Dòng Đồng Công từ ngày 21/6/1964 em thấy đã có trong Kinh Cầu cho ĐTC 
mà anh em dòng ngày nào cũng đọc vào giờ kinh trưa. 

Theo em, sứ vụ Đồng Công của Mẹ Maria đã được chất chứa và bao hàm trong chính tước hiệu và thiên chức Mẹ Giáo Hội này rồi,
do đó, có thể vì thế mà đã có những đợt xin các ĐTC tuyên bố tín điều Mẹ Đồng Công bất thành.

Thiên chức và vai trò làm Mẹ Giáo Hội của Mẹ Maria được ghi nhận trong chính mạc khải Thánh Kinh, nơi Phúc Âm Thánh Gioan,
ở đoạn Mẹ Maria đứng kề bên Thánh Giá Con của Mẹ và được Con Mẹ trao phó tông đồ Gioan là hình ảnh và đại diện Giáo Hội bấy giờ cho Mẹ (Gioan 19:25-26).
Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra ở đây là nếu Giáo Hội được phát sinh từ cạnh sườn của Chúa Kitô như xưa Eva từ cạnh sườn Adong, 
thì theo cả nguyên tắc lẫn thực tế, đâu phải là Mẹ Maria đã sinh ra Giáo Hội, bởi Giáo Hội phát sinh từ chính Chúa Kitô tử giá mà.

Thế nhưng, mầu nhiệm là ở chỗ đó, ở chỗ Giáo Hội phát sinh từ cạnh sườn của Chúa Kitô mà lại được chính Mẹ Maria sinh ra! Tại sao?
Tại vì, khi cạnh sườn của Chúa Kitô bị lưỡi đòng đâm thì Chúa chẳng còn biết đớn đau nữa, bấy giờ Mẹ Người đã đau cái đau của Người và thay Người.

Vậy nếu người đàn bà khi lâm bồn sinh con phải quằn quại đớn đau thế nào (xem Gioan 16:21) thì Mẹ Maria cũng đã trải qua đớn đau khi cạnh sườn Con Mẹ bị đâm thâu qua,
và nếu Giáo Hội phát sinh từ cạnh sườn của Chúa Kitô cũng được sinh hạ từ Trái Tim Thương Đau và Thương Xót của Mẹ Đồng Công Maria.

Chính giây phút Mẹ đau cái đau của Con Mẹ và đau cái đau thay Con Mẹ ấy, theo em, là tột đỉnh vai trò Đồng Công của Mẹ, bởi Mẹ đã được nên một với Con Mẹ hơn bao giờ hết,
và Giáo Hội quả thật được Mẹ hạ sinh ngay chính lúc cạnh sườn của Con Mẹ bị lưỡi đòng đâm thâu qua, do đó, thiên chức Mẹ Giáo Hội bao gồm cả vai trò Đồng Công của Mẹ vậy.

Xin Mẹ Chúa Cứu Chuộc luôn ấp ủ anh chị em chúng ta trong Lòng Đồng Công của Mẹ. Amen.

em tâm phương