Chúa Nhật
Bài Ðọc I:
G Kn 1, 13-15; 2, 23-25
"Bởi ác quỷ ghen tương,
nên tử thần đột nhập vào thế gian".
Trích sách Khôn Ngoan.
Thiên Chúa không tạo dựng
sự chết, chẳng vui mừng khi người sống phải chết. Người tác
thành mọi sự cho có. Người tạo dựng mọi sự trên mặt đất đều lành
mạnh, chúng không có nọc độc sự chết, và không có địa ngục ở
trần gian.
Vì chưng, công chính thì
vĩnh cửu và bất tử. Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình
ảnh Chúa, để sống vĩnh viễn. Nhưng bởi ác quỷ ghen tương, nên tử
thần đột nhập vào thế gian: kẻ nào thuộc về nó thì bắt chước nó.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv
29, 2 và 4. 5-6. 11-12a và 13b
Ðáp: Lạy
Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con (c. 2a).
Xướng: 1) Lạy Chúa, con ca
tụng Chúa vì đã giải thoát con, và không để quân thù hoan hỉ về
con. Lạy Chúa, Chúa đã đưa linh hồn con thoát xa âm phủ; Ngài đã
cứu con khỏi số người đang bước xuống mồ. - Ðáp.
2) Các tín đồ của Chúa,
hãy đàn ca mừng Ngài, và hãy cảm tạ thánh danh Ngài. Vì cơn giận
của Ngài chỉ lâu trong giây phút, nhưng lòng nhân hậu của Ngài
vẫn có suốt đời. - Ðáp.
3) Lạy Chúa, xin nhậm lời
và xót thương con. Lạy Chúa, xin Ngài gia ân cứu giúp con. Chúa
đã biến đổi lời than khóc thành khúc nhạc cho con; Lạy Chúa là
Thiên Chúa của con, con sẽ tán tụng Chúa tới muôn đời. - Ðáp.
Bài Ðọc
II: 2 Cr 8, 7. 9. 13-15
"Sự dư thừa của anh em
bù đắp lại sự thiếu thốn của những anh em nghèo khó".
Trích thư thứ hai của
Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, cũng như
anh em vượt trổi về mọi mặt: về lòng tin, về hùng biện, về sự
hiểu biết, về mọi hình thức nhiệt thành, cũng như về lòng bác ái
của anh em, thì anh em cũng phải vượt trổi trong việc phúc đức
này.
Vì anh em biết lòng quảng
đại của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta: mặc dù giàu sang, Người
đã nên thân phận nghèo khó, để nhờ việc nghèo khó của Người, anh
em nên giàu có. Nhưng không lẽ để cho kẻ khác được thư thái, mà
anh em phải túng thiếu, nhưng phải làm sao cho đồng đều. Trong
hoàn cảnh hiện tại, sự dư giả của anh em bù đắp lại chỗ thiếu
thốn của họ, để sự dư giả của họ bù đắp lại sự thiếu thốn của
anh em, hầu có sự đồng đều như lời đã chép rằng: "Kẻ được nhiều,
thì cũng không dư; mà kẻ có ít, cũng không thiếu".
Ðó là lời Chúa.
Alleluia:
Ga 6, 64b và 69b
Alleluia, alleluia! - Lạy
Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban
sự sống đời đời. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 5, 21-43
"Hỡi em bé, Ta bảo em
hãy chỗi dậy".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô
theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu đã
xuống thuyền trở về bờ bên kia, có đám đông dân chúng tụ họp
quanh Người, và lúc đó Người đang ở bờ biển. Bỗng có một ông
trưởng hội đường tên là Giairô đến. Trông thấy Người, ông sụp
lạy và van xin rằng: "Con gái tôi đang hấp hối, xin Ngài đến đặt
tay trên nó để nó được khỏi và được sống". Chúa Giêsu ra đi với
ông ấy, và đám đông dân chúng cũng đi theo chen lấn Người tứ
phía.
{Vậy
có một người đàn bà bị bệnh xuất huyết đã mười hai năm. Bà đã
chịu cực khổ, tìm thầy chạy thuốc, tiêu hết tiền của mà không
thuyên giảm, trái lại bệnh càng tệ hơn. Khi bà nghe nói về Chúa
Giêsu, bà đi lẫn trong đám đông đến phía sau Người, chạm đến áo
Người, vì bà tự nhủ: "Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ
được lành". Lập tức, huyết cầm lại và bà cảm thấy trong mình đã
được khỏi bệnh. Ngay lúc ấy, Chúa Giêsu nhận biết có sức mạnh đã
xuất phát tự mình, Người liền quay lại đám đông mà hỏi: "Ai đã
chạm đến áo Ta?" Các môn đệ thưa Người rằng: "Thầy coi, đám đông
chen lấn Thầy tứ phía, vậy mà Thầy còn hỏi 'Ai chạm đến Ta?'!"
Nhưng Người cứ nhìn quanh để tìm xem kẻ đã làm điều đó. Bấy giờ
người đàn bà run sợ, vì biết rõ sự thể đã xảy ra nơi mình, liền
đến sụp lạy Người và thú nhận với Người tất cả sự thật. Người
bảo bà: "Hỡi con, đức tin của con đã chữa con, hãy về bình an và
được khỏi bệnh".}
Người còn đang nói, thì
người nhà đến nói với ông trưởng hội đường rằng: "Con gái ông
chết rồi, còn phiền Thầy làm chi nữa?" Nhưng Chúa Giêsu đã
thoáng nghe lời họ vừa nói, nên Người bảo ông trưởng hội đường
rằng: "Ông đừng sợ, hãy cứ tin". Và Người không cho ai đi theo,
trừ Phêrô, Giacôbê và Gioan, em Giacôbê. Các Ngài đến nhà ông
trưởng hội đường và Chúa Giêsu thấy người ta khóc lóc kêu la ồn
ào, Người bước vào và bảo họ: "Sao ồn ào và khóc lóc thế? Con bé
không chết đâu, nó đang ngủ đó". Họ liền chế diễu Người. Nhưng
Người đuổi họ ra ngoài hết, chỉ đem theo cha mẹ đứa bé và những
môn đệ đã theo Người vào chỗ đứa bé nằm. Và Người cầm tay đứa
nhỏ nói rằng: "Talitha, Koumi", nghĩa là: "Hỡi em bé, Ta truyền
cho em hãy chỗi dậy!" Tức thì em bé đứng dậy và đi được ngay, vì
em đã được mười hai tuổi. Họ sửng sốt kinh ngạc. Nhưng Người cấm
ngặt họ đừng cho ai biết việc ấy và bảo họ cho em bé ăn.
Ðó là lời Chúa.
tà áo chữa lành, bàn tay cải
tử
Chủ đề "sự sống" của Mùa Phục Sinh vẫn còn
tiếp tục ở
Mùa Thường Niên hậu Phục Sinh, như trong bài Phúc Âm Chúa Nhật
XIII Thường Niên Nam B hôm nay (Marco 5:21-43 hay
5:21-24,35a-43) cho thấy, qua phép lạ Chúa Giêsu hồi sinh người
con gái đã chết của ông Giairô nhờ lòng tin tưởng của ông.
Thật vậy, thái độ "sụp lạy và van xin" của
một trưởng hội đường như ông, được Thánh ký Marco diễn tả trong
bài Phúc Âm hôm nay đã chứng tỏ đức tin của ông: "Trông
thấy Người, ông sụp lạy và van xin rằng: 'Con gái tôi đang hấp
hối, xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được
sống'".
Chính Chúa Giêsu "là sự sống lại và là
sự sống" (Gioan 11:25) cũng muốn lợi dụng trường hợp người
con gái của ông để tỏ mình ra. Bởi thế, cho dù đứa con gái
của ông đã "chết rồi", như người nhà của ông báo cho ông biết và
can ông rằng: "còn
phiền Thầy làm chi nữa?" nhưng chính Chúa
Giêsu bấy giờ lại đích thân trấn an ông và củng cố đức tin cho
ông: "Ông đừng sợ, hãy cứ tin".
Tại sao Chúa Giêsu lại tỏ ra ân cần với người cha trưởng
hội đường này một cách đặc biệt như vậy? Phải chăng vì ông
có đức tin? Bằng không, ông không thể nào bỏ đứa con gái đang
hấp hối gần chết và chết bất cứ lúc nào của mình ở nhà để đích
thân tìm đến với Người, nhỡ ở nhà con gái của ông chết thì sao,
và như thế thì ông không được nhìn nó lần cuối. Để đề phòng ông
có thể sai gia nhân hay thân nhân đi đến với Chúa Giêsu thay cho
ông cũng được vậy, nhưng ông lại không làm thế, chứng tỏ ông hết
lòng tin tưởng cậy trông nơi Đấng duy nhất có thể cứu con ông.
Chưa hết, nếu Chúa Giêsu không chậm trễ một chút bởi người đàn
bà loạn huyết 12 năm được chữa lành trên đường Người đến nhà ông
Giairô thì có thể Người đã đến nhà ông ngay trước khi người con
gái của ông chết. Thế nhưng, vì Người có quyền cải tử hoàn sinh
cho bất cứ một con người nào, như sau này Người đã làm cho
Lazarô chết 4 ngày vẫn có thể hồi sinh (xem Gioan 11:43-44), mà
Người đã không cần hấp tấp hối hả. Có lẽ vì việc chữa lành cho
người đàn bà loạn huyết 12 năm này không hợp với chủ đề "sự
sống" nên Giáo Hội không buộc phải đọc đoạn liên quan đến
người đàn bà này.
Về những trường hợp người chết được Chúa Giêsu cải tử hoàn sinh,
như trường hợp Lazarô đã chết mà Người bảo là đang ngủ (xem
Gioan 11:11) thế nào thì trường hợp của người con gái ông Giairô
này cũng thế, như Thánh ký marcô thuật lại: "Chúa
Giêsu thấy người ta khóc lóc kêu la ồn ào, Người bước vào và bảo
họ: 'Sao ồn ào và khóc lóc thế? Con bé không chết đâu, nó đang
ngủ đó'".
Thật vậy, Chúa Giêsu đến trần gian này không phải chỉ để cứu vớt
linh hồn người ta mà cả thân xác của họ nữa, nghĩa là Người cứu
toàn thể bản tính của con người (bao gồm cả hồn lẫn xác), bằng
chính nhân tính Người mặc lấy để có thể tử giá và phục sinh, nhờ
đó, nơi Người, nhân tính của loài người đã bị hư đi bởi nguyên
tội, được giải cứu khỏi tội lỗi và sự chết.
Thế nên, đối với người và theo công cuộc cứu độ của Người thì
con người chết đi chẳng khác gì như là một giấc ngủ để chờ ngày
phục sinh từ trong cõi chết. Cái chết đáng sợ nhất, cái chết
thật sự là chết, không còn bao giờ hồi sinh sống lại nữa, vĩnh
viễn hư đi, không thể nào còn cứu được nữa đó là "cái chết lần
thứ hai", như được Sách Khải Huyền nói tới (xem 2:11; 20:6,14;
21:8).
Theo dự án thần linh của mình, Thiên Chúa tạo dựng nên loài
người là để cho họ được hiệp thông thần linh với Ngài, được sống
sự sống thần linh của Ngài và với Ngài muôn đời muôn kiếp, chứ
không phải để đầy đọa họ, bởi thế, sau khi họ bị tiêm nhiễm nọc
độc sự chết từ ma quỉ, Ngài chẳng những không trừng phạt họ như
trừng phạt ma quỉ mà còn sai Con Một của Ngài xuống trần gian vô
cùng thấp hèn và chịu chết vô cùng khốn khổ nhục nhã để giải cứu
họ khỏi sự chết và tội lỗi cùng ban sự sống cho họ.
Sách Khôn Ngoan (1:13-15; 2:23-25) trong bài đọc 1 hôm nay đã
cảm nhận, xác tín và tuyên xưng như thế: "Thiên Chúa không
tạo dựng sự chết, chẳng vui mừng khi người sống phải chết. Người
tác thành mọi sự cho có. Người tạo dựng mọi sự trên mặt đất đều
lành mạnh, chúng không có nọc độc sự chết, và không có địa ngục
ở trần gian. Vì chưng, công chính thì vĩnh cửu và bất tử. Thiên
Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, để sống vĩnh
viễn. Nhưng bởi ác quỷ ghen tương, nên tử thần đột nhập vào thế
gian: kẻ nào thuộc về nó thì bắt chước nó".
Thánh Phaolô Tông Đồ, ở bài đọc 2 hôm nay, qua Thư 2 gửi
Giáo Đoàn Corinto (8:7,9,13-15), cũng đã căn cứ vào gương sống
quảng đại của Chúa Kitô, "Vị mục tử nhân lành hiến mạng sống
mình vì chiên... cho chiên được sống và sống viên mãn" (Gioan
10:11,10): "mặc dù
giàu sang, Người đã nên thân phận nghèo khó, để nhờ việc nghèo
khó của Người, anh em nên giàu có", để huấn dụ Kitô
hữu ở đây sống bác ái yêu thương nhau được thể hiện bằng
việc bù đắp tình trạng thiếu thốn của nhau: "Trong
hoàn cảnh hiện tại, sự dư giả của anh em bù đắp lại chỗ thiếu
thốn của họ, để sự dư giả của họ bù đắp lại sự thiếu thốn của
anh em".
Trước tình yêu vô cùng nhân hậu của Thiên Chúa, Đấng dựng nên
con người để cho họ được sống, và cho dù có đã chết đi
cũng đã được Ngài cải tử hoàn sinh nơi Người Con của Ngài, mà
loài người nói chung và những ai thuộc về Dân Chúa nói riêng cần
phải có một tâm tình tri ân cảm mến chúc tụng Ngài, như Bài
Thánh Vịnh 29 (2 và 4,5-6,11-12a và 13b) trong Bài Đáp Ca hôm
nay:
1) Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con, và không
để quân thù hoan hỉ về con. Lạy Chúa, Chúa đã đưa linh hồn con
thoát xa âm phủ; Ngài đã cứu con khỏi số người đang bước xuống
mồ.
2) Các
tín đồ của Chúa, hãy đàn ca mừng Ngài, và hãy cảm tạ thánh
danh Ngài. Vì cơn giận của Ngài chỉ lâu trong giây phút,
nhưng lòng nhân hậu của Ngài vẫn có suốt đời.
3) Lạy
Chúa, xin nhậm lời và xót thương con. Lạy Chúa, xin Ngài gia
ân cứu giúp con. Chúa đã biến đổi lời than khóc thành khúc
nhạc cho con; Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con sẽ tán
tụng Chúa tới muôn đời.
Thứ Hai
Bài Ðọc I: (Năm
II) Am
2, 6-10. 13-16
"Chúng sẽ dập đầu kẻ cùng khổ
xuống bùn đất".
Trích sách Tiên tri Amos.
Ðây Chúa phán: "Vì ba tội ác của
dân Israel, và vì bốn tội, Ta sẽ không rút lại quyết định của Ta nữa: vì
chúng sẽ bán người công chính để lấy tiền, sẽ buôn kẻ nghèo khó để kiếm
một đôi giầy! Chúng đã dập đầu kẻ khốn cùng nghèo khó xuống bùn đất,
chặn lối người hèn hạ. Vì cả cha con chúng cùng tìm đến một cô gái để
xúc phạm thánh danh Ta. Chúng nằm lên đống y phục thế nợ gần mỗi bàn
thờ, chúng uống rượu của kẻ chúng đã bắt nộp phạt ngay trong ngôi chùa
vị thần chúng thờ.
Ta đã tiêu diệt dân Amorrhê trước
mặt chúng, dân ấy cao lớn như cây bá hương, và cường tráng như cây sồi.
Ta đã tiêu diệt từ hoa trái trên cao đến tận gốc rễ dưới thấp. Chính Ta
đã dẫn các ngươi ra khỏi đất Ai-cập, dẫn dắt các ngươi suốt bốn mươi năm
trong sa mạc, để các ngươi chiếm lấy đất Amorrhê.
Này, Ta sẽ đè nặng trên các ngươi,
làm cho các ngươi rên siết như tiếng rít của một chiếc xe chở đầy cỏ bị
kẹt. Người mau lẹ cũng sẽ không trốn thoát được, kẻ mạnh sức cũng không
dùng được sức mình, kẻ can trường cũng không thoát chết; người mang cung
nỏ cũng không đứng vững, kẻ lanh chân cũng chẳng chạy thoát, người kỵ mã
cũng hết đường trốn tránh; kẻ can đảm nhất trong muôn người can đảm,
trong ngày đó, cũng sẽ phải trốn thoát mình trần".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 49,
16bc-17. 18-19. 20-21. 22-23
Ðáp: Hãy am
hiểu điều đó, hỡi những người quên Thiên Chúa (c. 22a).
Xướng: 1) Tại sao ngươi ưa kể ra
những điều huấn lệnh, và miệng ngươi thường nói về minh ước của Ta?
Ngươi là kẻ không ưa lời giáo huấn, và ném bỏ lời Ta lại sau lưng? -
Ðáp.
2) Gặp tên trộm cắp, ngươi liền
bén gót chạy theo, và ngươi đồng lõa với những kẻ ngoại tình. Ngươi
buông miệng để tha hồ nói xấu, và lưỡi ngươi thêu dệt những chuyện gian
ngoa. - Ðáp.
3) Ngươi ngồi đâu là buông lời nói
xấu anh em, làm tủi nhục cho người con cùng mẹ với ngươi. Ngươi làm thế
mà Ta đành yên lặng? Ngươi đã tưởng rằng Ta giống như ngươi? Ta sẽ bắt
lỗi, sẽ phơi bày trước mặt ngươi tất cả . - Ðáp.
4) Hãy am hiểu điều đó, hỡi những
người quên Thiên Chúa, kẻo khi Ta bắt mang đi, thì không ai giải thoát
cho. Ai hiến dâng lời khen ngợi, người đó trọng kính Ta; ai đi đường
ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên Chúa cứu độ. - Ðáp.
Alleluia: Tv
118, 27
Alleluia, alleluia! - Xin Chúa cho
con hiểu đường lối những huấn lệnh của Chúa, và con suy gẫm các điều lạ
lùng của Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 8,
18-22
"Con hãy theo Ta".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đám đông
dân chúng vây quanh Người, thì Người ra lệnh sang qua bờ bên kia. Một
luật sĩ đến thưa Người rằng: "Lạy Thầy, bất cứ Thầy đi đâu, con cũng xin
theo Thầy". Chúa Giêsu trả lời: "Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con
Người không có chỗ gối đầu". Một môn đệ khác thưa Người rằng: "Thưa
Thầy, xin cho phép con về chôn cất cha con trước đã". Chúa Giêsu trả
lời: "Con hãy theo Ta, và hãy để kẻ chết chôn kẻ chết".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm
"kẻ chết chôn kẻ chết"
Bài Phúc Âm cho
ngày trong tuần hôm nay rất ngắn gọn, chỉ bao gồm 2 câu trả lời của Chúa
Giêsu cho 2 trường hợp khác nhau. Trường hợp thứ 1 về "Một
kinh sư tiến đến thưa Người rằng: 'Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin
đi theo'" ,
và trường hợp thứ 2 về "Một
người
khác là
người môn
đệ thưa với Người: 'Thưa Ngài, xin cho phép con về chôn cất cha con
trước đã.'"
Chúa
Giêsu đã
trả lời cho vị kinh sư rằng "Con
chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu", và
trả
lời
cho người môn đệ
rằng: "Anh
hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ".
Trước
hết, chúng ta thấy nơi 2 câu Chúa
Giêsu trả lời như
thế này: câu thứ nhất cho vị kinh sư hoàn toàn có
tính chất khách quan, thách đố và
mời gọi, để
vị kinh sư này suy
nghĩ xem có
thể theo Người là một tôn sư homeless vô gia cư để rồi tự quyết định
lấy.
Trái lại, câu trả lời thứ hai của Người (hình như) cho một trong thành
phần môn đệ đã theo Người ngỏ lời xin phép Người cho về nhà lo phần an
táng thân phụ của mình, có tính cách chủ quan, cương quyết và nghiêm ngặt,
như
thể đã theo Người thì không được coi ai hơn Người, dù là thân nhân ruột
thịt của mình, và vì thế đừng
lo chuyện thế gian, hãy để cho thế gian lo chuyện thế gian, "phần
con, hãy theo Thày" (Gioan 21:22).
Cả
2 câu trả lời này đều phản ảnh Bài Giảng Trên Núi về các Phúc Đức Trọn
Lành mà Người đã huấn dụ các môn đệ của Người. Câu trả lời thứ nhất liên
quan đến mối phúc đức trọn lành "ai có lòng khó khăn ấy là phúc thật,
vì chưng Nước Chúa Trời là của họ" (Mathêu 5:3), và câu trả lời thứ
hai liên quan đến lời huấn dụ của Người: "Trước hết hãy
tìm Nước Chúa và
sự cống chính của Ngài, còn tất cả mọi sự khác sẽ được ban cho sau"
(Mathêu 6:33).
Tóm lại, qua hai câu trả lời này, Chúa Giêsu kêu gọi ai muốn theo Người
thì phải sống trọn lành hơn, một sự sống như Người (câu trả lời 1) và
với Người (câu trả lời 2), một sự sống nhờ đó mới có thể "nên trọn
lành như Cha trên trời là Đấng trọn lành" (Mathêu 5:48).
Câu Chúa Giêsu huấn dụ người môn đệ nào đó "xin
cho phép con về chôn cất cha con trước đã"
rằng "Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ" không phải
là một thứ huấn dụ dạy con cái bất hiếu với cha mẹ của mình, trái lại,
Người muốn thăng hóa và thánh hóa tình nghĩa xác thịt, như Người đã đối
xử với chính Mẹ của người sau khi Mẹ Người tìm thấy Người trong đền thờ
sau 3 ngày lạc mất Người (xem Luca 2:49), hay khi Mẹ Người và anh chị em
họ của Người ở bên ngoài muốn gặp Người (xem Luca 8:20).
Bởi thế, phải hiểu cái "chết" trong câu Chúa Giêsu muốn
nói đến ở đây không phải chỉ hoàn toàn về phần xác mà còn nhất là về
phần hồn. Và vì thế lời khuyên của Chúa Giêsu ở đây có thể hiểu là ai
muốn theo Người và muốn làm môn đệ đích thực của người thì phải làm sao
sống vượt lên trên thế gian, đừng chiều theo khuynh hướng chết chóc của
thế gian, khuynh hướng "chuộng tối tăm hơn ánh sáng" (Gioan 3:19),
khuynh hướng thích đi vào con đường rộng dẫn đến diệt vong (xem Mathêu
7:13). Nhờ đó, họ chẳng những thoát khỏi cái chết của thế gian mà còn có
thể cứu được thế gian nữa bằng thế giá thánh đức của họ trước nhan Chúa.
Cái chết được Chúa Giêsu nói đến trong bài Phúc Âm hôm
nay và
kêu gọi người môn đệ nào đó của Người "hãy
để kẻ chết chôn kẻ chết", là cái chết về luân lý, như được Chúa đề
cập đến qua miệng Tiên Tri Amos trong Bài Đọc 1 hôm nay: "Vì
ba tội ác của dân Israel, và vì bốn tội, Ta sẽ không rút lại quyết định
của Ta nữa: vì chúng sẽ bán người công chính để lấy tiền, sẽ buôn kẻ
nghèo khó để kiếm một đôi giầy! Chúng đã dập đầu kẻ khốn cùng nghèo khó
xuống bùn đất, chặn lối người hèn hạ. Vì cả cha con chúng cùng tìm đến
một cô gái để xúc phạm thánh danh Ta. Chúng nằm lên đống y phục thế nợ
gần mỗi bàn thờ, chúng uống rượu của kẻ chúng đã bắt nộp phạt ngay trong
ngôi chùa vị thần chúng thờ".
Cái chết về luân lý này cũng được Thánh Vịnh gia nhắc tới trong Bài Đáp
Ca hôm nay: "Gặp
tên trộm cắp, ngươi liền bén gót chạy theo, và ngươi đồng lõa với những
kẻ ngoại tình. Ngươi buông miệng để tha hồ nói xấu, và lưỡi ngươi thêu
dệt những chuyện gian ngoa" (câu 2)
Đó là lý do trong Bài Phúc Âm hôm nay Chúa Giêsu đã khuyên một người môn
đệ nào đó còn lo toan về cái chết của người thân trong gia đình này
rằng: "Anh
hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ". Còn
trong Bài Đáp Ca, qua miệng Thánh Vịnh gia, Thiên Chúa đã vừa cảnh báo
vừa kêu gọi những con người sống trong chết chóc của trần gian như thế
rằng: "Ngươi
làm thế mà Ta đành yên lặng? Ngươi đã tưởng rằng Ta giống như ngươi? Ta
sẽ bắt lỗi, sẽ phơi bày trước mặt ngươi tất cả" (cảnh giác); "Hãy
am hiểu điều đó, hỡi những người quên Thiên Chúa, kẻo khi Ta bắt mang
đi, thì không ai giải thoát cho. Ai hiến dâng lời khen ngợi, người đó
trọng kính Ta; ai đi đường ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên Chúa cứu
độ." (kêu gọi)
Thứ Ba
Bài Ðọc I: (Năm
II) Am
3, 1-8; 4, 11-12
"Chúa phán: Ai lại chẳng nói
tiên tri".
Trích sách Tiên tri Amos.
Hỡi con cái Israel, hãy nghe lời
Chúa phán về các ngươi, và cả dòng giống mà Ta đã đem ra khỏi đất
Ai-cập: "Trong muôn dân trên mặt đất, Ta chỉ nhận biết một mình các
ngươi. Vì thế, Ta sẽ đến sát hạch các ngươi về mọi gian ác của các
ngươi. Hai người, nếu không đồng ý với nhau, có bao giờ lại đi chung với
nhau không? Khi chưa bắt được mồi, có bao giờ sư tử gầm lên giữa rừng
không? Khi sư tử con chưa bắt được gì, có bao giờ người ta nghe thấy
tiếng nó không? Nếu không có gì cạm bẫy, chim có bao giờ sa lưới không?
Nghe tiếng kèn thổi trong thành, có bao giờ người dân không lo sợ không?
Có tai hoạ nào trong thành mà không do Chúa điều khiển không? Thực ra,
Chúa là Thiên Chúa không làm điều gì mà lại không mạc khải ý định của
Người cho các tiên tri tôi tớ của Người. Sư tử gầm thét, ai lại không
run sợ? Chúa là Thiên Chúa phán, ai lại chẳng nói tiên tri?
"Ta đã triệt hạ các ngươi như
Thiên Chúa đã triệt hạ Sôđôma và Gômôra, các ngươi đã trở thành như
thanh củi cháy dở rút khỏi đống lửa, thế mà các ngươi không trở lại với
Ta! - Chúa đã phán như thế. Vì vậy, hỡi Israel, Ta sẽ làm cho ngươi
những điều này: nhưng sau khi Ta đã làm cho ngươi như vậy, hỡi Israel,
ngươi hãy sửa soạn đón rước Thiên Chúa của ngươi".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 5, 5-6.
7. 8
Ðáp: Lạy Chúa, xin
dẫn con trong đức công minh (c. 9a).
Xướng: 1) Chúa không phải là Chúa
tể ưa điều gian ác; kẻ độc dữ không được cư trú nhà Ngài; đứa bất nhân
không thể đứng trước thiên nhan; Chúa ghét những kẻ làm điều gian ác. -
Ðáp.
2) Ngài tiêu diệt những đứa nói
man; người độc ác và gian giảo thì Chúa ghê tởm không nhìn. - Ðáp.
3) Phần con, bởi gội nhuần sủng
ái, con sẽ vào tới hoàng đài của Chúa; con sấp mình gần bên thánh điện
với lòng tôn sợ Ngài, thân lạy Chúa. - Ðáp.
Alleluia: 1 Sm 3,
9
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa,
xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có lời ban sự sống
đời đời. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 8,
23-27
"Người chỗi dậy, truyền lệnh
cho gió và biển, và biển yên lặng như tờ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu xuống thuyền,
có các môn đệ theo Người. Và đây biển động dữ dội, đến nỗi sóng phủ lên
thuyền, thế mà Người vẫn ngủ. Các môn đệ lại gần đánh thức Người dậy mà
rằng: "Lạy Thầy, xin cứu lấy chúng con kẻo chết mất!" Chúa phán: "Hỡi
những kẻ yếu lòng tin! Sao các con nhát sợ?" Bấy giờ Người chỗi dậy,
truyền lệnh cho gió và biển. Và biển yên lặng như tờ! Cho nên những
người ấy kinh ngạc mà rằng: "Ông này là ai mà gió và biển đều vâng
phục?"
Ðó là lời Chúa.
Chúa mà giả vờ thì chỉ cần tỉnh bơ
Bài Phúc Âm hôm nay của Thánh ký Mathêu (8:23-27)
tương tự như bài Phúc Âm của Thánh ký Marco cho Chúa Nhật XII Thường
Niên vừa rồi.
Tương tự ở 3 điểm sau đây: 1- thày trò đang ở trên
cùng một thuyền thì "biển
động dữ dội, đến nỗi sóng phủ lên thuyền, thế mà Người vẫn ngủ"; 2- cảm
thấy hoảng sợ "Các môn đệ
lại gần đánh thức Người dậy mà rằng: 'Lạy Thầy, xin cứu lấy chúng con
kẻo chết mất!'"; 3- sau
khi thấy Người dẹp yên bão tố xong thì các môn đệ tỏ vẻ kinh ngạc về
Người: "Ông này là ai mà gió và biển đều vâng phục?".
Thế nhưng, có một chi tiết hơi
khác nhau giữa 2 bài phúc âm cùng thuật về
một biến cố, đó
là thái độ của
Chúa Giêsu trước tâm trạng của các môn đệ
khi gặp nạn bấy giờ. Trong
khi ở bài Phúc Âm Thánh ký Marco Chúa Giêsu dẹp yên sóng gió đã rồi mới
lên tiếng khiển trách lòng tin của các môn đệ: "Sao các
con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?",
thì ở bài Phúc Âm Thánh ký Mathêu hôm nay Người lại khiển trách các vị
trước khi ra tay dẹp yên bảo tố: "Hỡi
những kẻ yếu lòng tin! Sao các con nhát sợ?"
Trong câu Chúa Giêsu khiển
trách sau khi dẹp yên bão tố, vấn đề sợ hãi trước rồi mới tới đức tin
sau, như thể Người muốn nói với các vị rằng: "Vì các con sợ mới chứng tỏ
rằng các con thật sự là yếu tin, nên Thày đã tỏ
quyền năng của Thày ra để các con tin vào Thày hầu sau này có bị nạn các
con không sợ hãi nữa"; còn ở câu Người khiển trách trước khi ra tay
khuất phục sóng gió, vấn đề đức tin trước sợ hãi sau, như thể Người muốn
nói với các vị rằng: "Vì các con yếu tin nên các con mới sợ, bởi vậy
Thày sẽ tỏ cho các con biết Thày là ai để các con lần sau không cảm thấy
sợ hãi nữa khi Thày đang ở với các con".
Đúng thế, sự kiện Chúa Giêsu là Đấng ngủ ít làm nhiều, sáng sớm đã không
thấy Người đâu, vì Người đã ẩn mình ở một nơi hoang vắng để cầu nguyện,
cho đến khi các môn đệ tìm thấy Người (xem Marco 1:35-37), mà lại say
ngủ trên thuyền đến độ bão tố ầm ầm nổi lên kèm theo tiếng kêu gào hô
hoán trong cơn nguy tử của các môn đệ mà vẫn cứ ngủ được thì không phải
là Người chơi trò "giả vờ" (Luca 24:30) hay sao? Chúa cố ý làm như thế,
cố ý để xẩy ra như vậy, để lợi dụng mà tỏ mình ra và nhờ đó các môn đệ
tin vào Người hơn. Bởi thế, Chúa mà giả vời thì chỉ cần tỉnh bơ là xong,
nghĩa là tin vào Chúa vậy!
Đó là lý do, qua miệng Tiên Tri Amos trong Bài Đọc 1 hôm nay, đã khẳng
định rằng: "Có
tai hoạ nào trong thành mà không do Chúa điều khiển không? Thực ra, Chúa
là Thiên Chúa không làm điều gì mà lại không mạc khải ý định của Người
cho các tiên tri tôi tớ của Người". Và
mục đích Ngài làm như thế không phải là để tiêu diệt con người, trái
lại, làm cho con người tin vào Ngài mà được sống, như Ngài phán cũng qua
miệng Tiên Tri Amos trong cùng Bài Đọc 1 hôm nay: "Nhưng
sau khi Ta đã làm cho ngươi như vậy, hỡi Israel, ngươi hãy sửa soạn đón
rước Thiên Chúa của ngươi".
Và đó cũng là lý do, một khi đã nhận biết Thiên Chúa, qua các việc
Ngài làm, qua những gì Ngài tỏ mình ra cho họ nơi tất cả mọi hoàn cảnh
và biến cố trong cuộc đời riêng tư của họ cũng như trong lịch sử loài
người nói chung, tâm hồn họ, như đưoọc Bài Đáp Ca hôm nay nhận định và
bày tỏ: "Phần
con, bởi gội nhuần sủng ái, con sẽ vào tới hoàng đài của Chúa; con sấp
mình gần bên thánh điện với lòng tôn sợ Ngài, thân lạy Chúa".
Ngày 3 tháng 7
THÁNH TÔ-MA, TÔNG ĐỒ
lễ kính
Vào lúc Đức Giê-su chịu thương khó và phục sinh, khuôn mặt của thánh
Tô-ma nổi bật. Trong bữa ăn tối, đáp lại thắc mắc của người, Đức
Giê-su nói : “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga
14,6). Khi nghe nói Đức Giê-su đã phục sinh, vị tông đồ này không
tin ngay. Mãi tới lúc Đức Giê-su cho người thấy tay và cạnh sườn bị
đâm thủng, người mới tuyên xưng : “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa
của con” (Ga 20,28). Theo truyền khẩu thì thánh nhân đã đi loan báo
Tin Mừng cho dân Ấn-độ. Từ thế kỷ IV, người ta mừng ngày rước hài
cốt của người về Ê-đét-xa, tức là ngày 3 tháng 7.
Bài đọc 2
Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !
Trích bài giảng của thánh Ghê-gô-ri-ô Cả, giáo hoàng, về các sách
Tin Mừng.
Một người trong nhóm Mười Hai tên là
Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến.
Chỉ có người môn đệ này vắng mặt. Khi trở về, ông nghe thuật lại sự
việc đã xảy ra nhưng không chịu tin những điều đã nghe. Chúa đến lần
nữa và đưa cạnh sườn cho người môn đệ không tin chạm tay vào. Người
đưa tay ra và, khi cho ông thấy các thương tích của Người, Người
chữa lành vết thương cứng tin của ông. Anh em thân mến, trong chuyện
này, anh em chú ý đến điều gì ? Lúc đầu, người môn đệ được chọn này
vắng mặt, sau đó ông về và nghe kể lại, nghe rồi nghi ngờ, nghi ngờ
rồi đưa tay chạm, chạm rồi tin, chẳng lẽ anh em cho tất cả chuyện
này là tình cờ hay sao ?
Không, không phải tình cờ đâu, nhưng Thiên Chúa an bài cho xảy ra
như thế. Thật vậy, Đấng từ bi cao cả đã hành động cách lạ lùng là
cho người môn đệ hoài nghi đó chữa lành vết thương cứng tin nơi
chúng ta khi ông chạm tay vào thương tích trên thân thể của Thầy
mình. Đàng khác, đối với đức tin của chúng ta, sự cứng tin của ông
Tô-ma còn hữu ích hơn đức tin của những môn đệ khác là những người
đã tin. Vì ông đã chạm tay vào Chúa và đã tin, nên tâm trí chúng ta
không còn hoài nghi nữa và được một đức tin vững mạnh. Thật vậy,
người môn đệ nghi ngờ và được chạm tay vào Chúa đã trở thành người
làm chứng Chúa đã sống lại thật.
Ông đã được chạm tay vào Chúa và đã kêu lên : Lạy
Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con. Đức Giê-su bảo : Vì
đã thấy Thầy nên anh tin. Thánh tông đồ Phao-lô lại nói : Đức
tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những
điều ta không thấy. Vì thế, chắc chắn đức tin là bằng chứng của
những điều không thể thấy đó. Thật vậy, những gì đã thấy thì không
cần phải tin, nhưng phải nhìn nhận. Thế tại sao khi ông Tô-ma thấy
và được chạm tay vào Chúa, Chúa lại bảo ông rằng : Vì
đã thấy Thầy, nên anh tin ? Nhưng điều ông thấy là
một chuyện, điều ông tin lại là chuyện khác. Người phàm phải chết
không thể nhìn thấy Thiên Chúa được. Thế mà ông thấy một con người
và ông tuyên xưng Thiên Chúa : Lạy
Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con ! Nhờ đã thấy
nên ông đã tin : khi nhìn xem một con người thật, ông đã gọi người
ấy là Thiên Chúa, Đấng ông không thể thấy được.
Lời tiếp theo còn làm cho chúng ta vui hơn : Phúc
thay những người không thấy mà tin. Chắc chắn lời này đặc biệt
nhắm đến chúng ta, vì chúng ta không thấy Chúa bằng giác quan nhưng
lại gắn bó với Người bằng tâm trí. Câu ấy nhắm đến chúng ta, nhưng
với điều kiện là chúng ta phải thể hiện đức tin bằng hành động. Vì
chưng ai thực hành điều mình tin mới là người tin thật sự. Còn những
ai chỉ tin ngoài môi ngoài miệng, thì thánh Phao-lô nói về họ rằng : Họ
tuyên bố là biết Thiên Chúa, nhưng trong hành động họ lại chối Người.
Thánh Gia-cô-bê cũng nói : Đức
tin không có hành động là đức tin chết.
Lời nguyện
Lạy Thiên Chúa toàn năng, hôm nay chúng
con hoan hỷ mừng lễ thánh Tô-ma tông đồ. Xin nhậm lời thánh nhân cầu
thay nguyện giúp mà củng cố lòng tin của chúng con, để chúng con
được sống muôn đời khi cùng với thánh nhân tuyên xưng Đức Giê-su
Ki-tô là Chúa, Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa, hợp nhất với
Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.
Bài Ðọc I: Ep 2, 19-22
"Anh em được xây dựng trên nền tảng các tông đồ".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, anh em không còn là khách trọ và khách qua đường
nữa, nhưng là người đồng hương với các Thánh và là người nhà của
Thiên Chúa: anh em đã được xây dựng trên nền tảng các Tông đồ và các
Tiên tri, có chính Ðức Giêsu Kitô làm Ðá góc tường. Trong Người, tất
cả toà nhà được xây dựng cao lên thành đền thánh trong Chúa, trong
Người, cả anh em cũng được xây dựng làm một với nhau, để trở thành
nơi Thiên Chúa ngự trong Thánh Thần.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 116, 1. 2
Ðáp: Hãy đi rao
giảng Tin Mừng khắp thế gian (Mc 16, 15).
Xướng: 1) Hỡi muôn dân, hãy ngợi khen Chúa! Hỡi ngàn dân, hãy ca
tụng Người. - Ðáp.
2) Vì lòng từ bi Người vững bền trên chúng ta, và lòng trung kiên
Người tồn tại đến muôn đời. - Ðáp.
Alleluia: Ga 20, 29
Alleluia, alleluia! - Tôma, vì con đã xem thấy Thầy nên con đã tin.
Phúc cho những ai đã không thấy mà tin. - Alleluia.
Phúc Âm: Ga 20, 24-29
"Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!"
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Bấy giờ trong Mười Hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Ðiđy-mô, không ở
cùng với các ông, khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói
với ông rằng: "Chúng tôi đã xem thấy Chúa". Nhưng ông đã nói với các
ông kia rằng: "Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi
không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh
sườn Người thì tôi không tin". Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau
trong nhà, và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín,
Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: "Bình an cho các con". Ðoạn
Người nói với Tôma: "Hãy xỏ ngón tay vào đây và hãy xem tay Thầy;
hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng,
nhưng hãy tin". Tôma thưa rằng: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của
con!" Chúa Giêsu nói với ông: "Tôma, vì con đã thấy Thầy nên con đã
tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin".
Ðó là lời Chúa.
Thánh Thomas (Tôma) Tông Đồ hay cũng còn được gọi là là
Đi-đy-mô, xuất thân từ một gia đình nghèo túng tại Galilea,
Do-thái. Tuy nhiên, không ai biết về ngày tháng năm sinh của
Ngài, cũng không ai biết Ngài đã sinh ra tại địa điểm cụ thể nào
ở Galilea. Theo tương truyền,
Ngài đã đến Mailapur,
một khu vực thuộc thánh phố Madras của Ấn-độ ngày nay, và đã
chết tại đó vào năm 72 sau Chúa Ki-tô với tư cách là một vị Tử
Đạo. Ngài là một trong nhóm 12 Tông Đồ, tức những môn đệ thân
tín nhất của Chúa Giê-su, đã đồng hành với Chúa Giê-su suốt ba
năm trường với tư cách là những người bạn và những môn sinh (xc.
Ga 15,15). Tên của Ngài được đặt theo tiếng Aram: ta'am
(Thomas), có nghĩa là „một cặp“ hay „người được sinh đôi“. Vì
thế, trong Kinh Thánh, Thomas cũng được gọi là Didymos, vì từ
Thomas được dịch sang tiếng Hy-lạp là δίδυμος (didymos). Theo
truyền thống Syria, Thánh Nhân cũng còn được gọi là Judas
Thomas, vì tại đó, Thomas được hiểu là tên đệm, hay tục danh.
Trong các Giáo hội Công
giáo, Chính thống giáo và Anh giáo, Thánh Thomas được tôn kính
với tư cách là vị Thánh Tông Đồ Tử Đạo. Trong các Giáo hội Tin
Lành cũng có ngày tưởng nhớ tới Ngài.
1.Hình ảnh của Thánh Thomas trong Kinh Thánh:
Thánh Thomas được cả
bốn Tin Mừng nhắc tới trong bảng danh sách các Tông Đồ. Trong
Tin Mừng Nhất Lãm, tức ba cuốn Tin Mừng đầu tiên, Ngài đứng bên
cạnh Thánh Mát-thêu - viên quan ngành thuế (Mt 10,3; Mc 3,18; Lc
6,15). Trong sách Công Vụ Tông Đồ, người ta thấy Ngài đứng bên
cạnh Tông Đồ Philiphê (Cv 1,13). Tin Mừng theo Thánh Gio-an đã
cung cấp một số chi tiết đặc biệt về Thánh Nhân, mà những chi
tiết đó đã mô tả một cách rõ nét về những tính cách nơi con
người Ngài.
a.Thomas là người đa nghi:
Trước tiên, con đường
dẫn tới việc tuyên xưng Đức Tin vào Con Thiên Chúa được trình
bày nơi Thánh Thomas, dựa trên nền tảng căn bản phát xuất từ mối
tương quan cá nhân của Ngài với Chúa Giê-su. Tin Mừng theo Thánh
Gio-an (xc. Ga 20,19-29) đã cung cấp cho chúng ta một cái nhìn
như thế:
“Vào
chiều ngày ấy, tức ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở,
các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su
đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em! " Nói xong,
Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì
được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: "Bình an cho anh em!
Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." Nói xong,
Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh
Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm
giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."
„Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là
Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su
đến. Các môn đệ khác nói với ông: "Chúng tôi đã được thấy Chúa!"
Ông Tô-ma đáp: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi
không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn
Người, tôi chẳng có tin." Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su
lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa
đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an
cho anh em." Rồi Người bảo ông Tô-ma: "Đặt ngón tay vào đây, và
hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy.
Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin." Ông Tô-ma thưa Người: "Lạy
Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con! " Đức Giê-su bảo: "Vì đã
thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!"
Sở dĩ Thánh Thomas bị
gọi là người „đa nghi“ là vì, như được trình bày trong đoạn văn
Kinh Thánh nêu trên, trước khi tuyên xưng niềm tin của mình vào
Chúa Giê-su Phục Sinh thì Ngài đã nghi ngờ về sự phục sinh của
Chúa, cho tới khi chính Ngài tận mắt thấy được những vết đanh
trên người của Đấng Phục Sinh.
b.„Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự
Sống“:
Một chi tiết tiếp theo về Thánh Thomas
được ghi lại trong trình thuật về Bữa Tiệc Ly (xc. Ga 14,4).
Trong Bữa Tiệc này, sau khi loan báo về cái chết đang đến gần
của Ngài, Chúa Giê-su đã nói rằng, Ngài sẽ đi để dọn chỗ cho các
Môn Đệ, để Ngài ở đâu thì các ông cũng sẽ được ở đó với Ngài; và
Ngài đã giải thích cho các ông rằng: „Thầy
đi đâu thì anh em cũng đã biết đường đến đó rồi“
(Ga 14,4). Nhưng Thánh Thomas đã xen vào và nói: „Thưa
Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết
được đường?“ (Ga 14,5). Câu hỏi
của Thánh Nhân đã tạo điệu kiện cho Chúa Giê-su tuyên bố một lời
rất nổi tiếng: „Thầy chính là
đường, là sự thật và là sự sống“
(Ga 14,6).
c.“Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để
cùng chết với Thầy!“:
Thánh Thomas lại xuất hiện một lần
nữa trong Tin Mừng trước khi Chúa Giê-su làm cho La-gia-rô phục
sinh. Trong một khoảnh khắc đầy nguy ngập đối với cuộc sống của
Ngài, Chúa Giê-su đã quyết định đi tới Bê-ta-ni-a để làm cho
La-gia-rô được sống lại, và như thế, Ngài đã lên đường trong sự
nguy hiểm, vì Bê-ta-ni-a nằm rất gần Giê-ru-sa-lem, nơi các thủ
lãnh của dân đã quyết định làm mọi cách để khử trừ Chúa Giê-su
(xc. Ga 10,22-39), do đó, chỉ cần nói tới đi đến Giê-ru-sa-lem
thôi thì tất cả các môn đệ của Chúa Giê-su lẫn những người đi
theo Ngài đều cảm thấy kinh hoàng và sợ hãi (xc. Mc 10,32).
Trước sự quyết tâm của Chúa Giê-su và trước nỗi do dự của các
Tông Đồ khác, Thánh Thomas đã nói với họ: „Cả
chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy!“
2.Thánh Thomas đã nghi ngờ về cuộc Thăng Thiên của Đức Maria:
Theo tương truyền,
Thánh Thomas cũng là một Tông Đồ duy nhất đã không có mặt trong
cuộc Thăng Thiên của Đức Maria. Khi được các Tông Đồ khác thuật
lại cho biết sự kiện vừa nêu, Ngài cũng đã tỏ ra nghi ngờ giống
như Ngài đã từng nghi ngờ về cuộc Phục Sinh của Chúa Giê-su. Vì
thế Đức Mẹ đã hiện ra với kẻ đa nghi này và trao cho Ngài dây
thắt lưng của Mẹ như là bằng chứng về việc cả hồn lẫn xác của Mẹ
đều đã được nghinh đón trên Thiên Đàng. Do đó, trong nền kiến
trúc Barock, hình ảnh Đức Maria cầm dây thắt lưng chính là một
Mô-típ rất được yêu chuộng và phổ biến trong nghệ thuật Ki-tô
giáo.
3.Những tương truyền về hoạt động tông đồ của Thánh Thomas:
Cuốn Didache, tức cuốn
Giáo Lý của các Thánh Tông Đồ - một trong những tác phẩm Ki-tô
giáo cố nhất ngoài 27 cuốn sách của Tân Ước – xuất hiện vào
khoảng năm 100 sau Chúa Ki-tô, chứa đựng những bằng chứng cổ
nhất bằng văn bản về hoạt động truyền giáo của Thánh Thomas tại
Ấn-độ. Theo cuốn sách này, Ngài đã thành lập Giáo hội tại Ấn-độ
và tại những khu vực lân cận.
Khoảng một trăm năm
sau, những tài liệu được gọi là những văn kiện về Thánh Thomas
mới xuất hiện. Những tác phẩm này đã tường thuật lại một cách
khá giống nhau về những công việc của Thánh Thomas, nhưng được
thêu dệt thêm bởi rất nhiều những tình tiết giầu tính tưởng
tượng, và có vẻ như bị ảnh hưởng nhiều bởi ngộ đạo thuyết.
Giáo phụ Ô-ri-gen cho
biết rằng, trước tiên Thánh Thomas đã đến loan báo Tin Mừng tại
Irak và Iran. Sau đó Ngài mới đến miền Nam Ấn-độ để hoạt động
Tông Đồ, và vì những hoạt động truyền giáo của mình, nên Ngài đã
bị giết tại Mailapur – một khu vực thuộc miền Nam Ấn-độ - vào
năm 70 của thế kỷ thứ nhất. Người ta vẫn còn giữ được nhiều văn
bản nói về những hoạt động của Thánh Thomas tại Ấn-độ, nhưng
những văn bản đó xuất hiện sau thời Ô-ri-gen. Trong đó có những
bản văn của Thánh Hieronymô (347-420), và của những người sống
cùng thời với Ngài là Thánh Gaudentiô thành Brescia và Thánh
Paulinô thành Nola (354-431).
Thánh Grêgôriô thành
Tours (538-594) đã không chỉ cho chúng ta biết rằng, Thánh
Thomas Tông Đồ đã hoạt động và chết tại Ấn-độ, nhưng còn cho
biết thêm là, Ngài đã được mai táng tại đó trong một thời gian
dài, và sau đó, các Thánh Tích của Ngài đã được chuyển tới
Edessa, nhưng nơi có ngôi mộ nguyên thủy của Ngài vẫn còn được
tiếp tục tôn kính tại Ấn-độ. Thánh Isidor thành Sevilla
(560-636) cũng nói tương tự như thế về Thánh Thomas, và cũng nói
về cách thức lãnh nhận ơn Tử Đạo của Ngài tại Ấn-độ.
Một truyền thống khác
phát sinh tại Nam Ấn-độ, và có nguồn gốc từ thời các Thánh Tông
Đồ, và luôn tồn tại từ đó tới nay, đã cho biết về những hoạt
động truyền giáo của Thánh Thomas tại đó, và cho biết rằng, Ngài
đã thành lập 7 giáo đoàn đầu tiên tại vùng duyên hải Malabar,
cũng như cho biết về cuộc Tử Đạo của Ngài tại Mailapur nằm đối
diện với vùng duyên hải Coromandel. Ngay cả truyền thống có tính
địa phương của Ấn-độ về Thánh Thomas cũng xác nhận về việc các
Thánh Tích của Ngài đã được chuyển một phần lớn về Edessa, mà
tại đây, trong các cuộc khai quật sau sau này, người ta đã phát
hiện ra một ít Thánh Tích vẫn còn sót lại của Ngài.
Ibas Edessa đã cho xây
dựng một ngôi Thánh Đường tại quê hương của ông để tôn kính các
Thánh Tích của Thánh Thomas. Còn hộp sọ được cho là của Thánh
Thomas thì hiện tại đang được bảo quản trong Nhà Thờ Chính Tòa
Sioni tại Tiflis, Giorgia, và được tôn kính tại đó bởi Giáo hội
Tông Truyền Chính thống Giorgia như là Thánh Tích. Trong cuộc
Thập Tự Chinh vào năm 1258, phần lớn Thánh Tích của Thánh Thomas
đều được chuyển từ Edessa về Ortona, Ý, và những Thánh Tích đó
vẫn đang được bảo quản tại đó cho tới tận ngày nay, trong một
hòm đựng Thánh Tích đặt trong Nhà Nguyện nằm bên dưới Vương Cung
Thánh Đường Ortona. Ngôi mộ nguyên thủy của Thánh Thoams tại
Ấn-độ hiện đang là một điểm hành hương có sức lôi cuốn rất mạnh.
Ngoài Vương Cung Thánh Đường kính Thánh Thomas được xây dựng
ngay trên ngôi mộ trước đây của Ngài tại Mylapore, thuộc thành
phố Chennai, thì tại khu vực phía Nam Ấn-độ cũng còn vô số những
điểm hành hương khác, mà những điểm hành hương này đều có liên
quan đến Thánh Thomas cũng như liên quan tới những hoạt động
truyền giáo của Ngài tại đó. Sau đây là một số địa điểm nổi
tiếng nhất:
1.Thánh Đường kính Thánh Thomas trên núi
Chennai: đây là nơi
mà theo tương truyền, Ngài đã Tử Đạo tại đó;
2.Thánh Đường kính Thánh Thomas nằm trên
một ngọn núi nhỏ khác tại Chennai:
đây là nơi mà theo tương truyền, Thánh Thomas đã đến ẩn náu tại
đó trước khi chịu Tử Đạo;
3.Núi và Thánh Đường Malayattoor tại
Kerala: đây là nơi
được cho là Thánh Thomas đã đến sống ẩn dật tại đó trong một
thời gian dài để cầu nguyện và suy niệm;
4.Thánh Đường Codungallur:
theo tương truyền, nơi đây đã từng là một thành phố cảng nổi
tiếng, và vào năm 52, Thánh Thomas đã cập bến tại đây, và là một
trong bảy cộng đoàn nguyên thủy do Thánh Thomas thành lập. Một
cánh tay của Thánh Nhân đang được tôn kính tại đây. Cánh tay này
đã được chuyển đến từ Ortona, nước Ý, như là một món quà của Đức
Pi-ô XII nhân dịp mừng kỷ niệm 1900 năm Ngày thánh Thomas đặt
chân tới Ấn-độ.
5.Thánh Đường Palayur:
đây là một trong bảy cộng đoàn nguyên thủy tại vùng duyên hải
Malabar, và nguyên là một đền thờ của người Ấn giáo. Sau khi hầu
hết các Giáo sĩ Bà-la-môn gia nhập Giáo hội Công giáo, Thánh
Thomas đã biến ngôi đền này thành một ngôi Thánh Đường.
Theo một số truyền
thống khác, mà những truyền thống này có lẽ có nguồn gốc từ ngộ
đạo thuyết và từ phái Manichê, Thánh Thomas được coi là người
anh em song sinh của Chúa Giê-su.
Thánh Thomas còn bị gán
là tác giả của một cuốn Tin Mừng và của nhiều tác phẩm khác.
Nhưng tất cả các tác phẩm này đều bị liệt vào số các sách Ngụy
Thư.
4.Việc tôn kính Thánh Thomas:
Tại Châu Âu, ngoài việc
được tôn kính với tư cách là Thánh Tông Đồ Tử Đạo, Thánh Thomas
còn được tôn kính với tư cách là vị Bổn Mạng của những người làm
nghề thợ nề và thợ mộc. Bên cạnh đó, Ngài còn được tôn kính là
Bổn Mạng của các Thần Học Gia.
Trước đây Giáo hội mừng
kính Thánh Thomas vào ngày 21 tháng 12, nhưng từ năm 1969, với
cuộc cải tổ Phụng Vụ, Giáo hội đã mừng kính Ngài vào ngày mồng
03 tháng 07 với bậc Lễ Kính, tức Lễ Bậc II. Ngày mồng 03 tháng
07 được coi là ngày di chuyển các Thánh Tích của Thánh nhân từ
nơi Ngài được phúc Tử Đạo, tức từ Kalamina về Edessa hồi thế kỷ
thứ III.
Giáo hội Chính Thống
giáo mừng kính Thánh Thomas vào ngày mồng 06 tháng 10.
Còn các Giáo hội Tin
Lành thì vẫn tiếp tục mừng kính Thánh Thomas vào ngày 21 tháng
12.
Và Giáo hội Anh giáo
cũng mừng kính Thánh Thomas vào ngày 21 tháng 12.
Lm Đa-minh Thiệu O.Cist
http://conggiao.info/thanh-toma-tong-do-d-41872
Thứ Tư 27/9/2006 - Bài 19: Tông Đồ Tôma (ĐTC Biển
Đức XVI)
Thứ Tư
(Tiếp tục PVLC ngày Thứ Tư trong tuần
này nếu ngày thứ tư trong Tuần XIII này không bị
Lễ kính 2 Thánh Tông đồ Toma át đi như năm 2024)
Bài Ðọc I: (Năm
II) Am
5, 14-15. 21-24
"Ngươi hãy mang đi xa Ta giọng
hát, lời ca của ngươi, và hãy biểu lộ sự chính trực như suối chảy mạnh".
Trích sách Tiên tri Amos.
Các ngươi hãy tìm sự lành, và đừng
tìm sự dữ, để các ngươi được sống. Và như vậy, Chúa là Thiên Chúa các
đạo binh sẽ ở cùng các ngươi, như các ngươi đã nói. Các ngươi hãy ghét
sự dữ, và yêu sự lành, hãy lập công nơi cửa thành, như vậy có lẽ Chúa là
Thiên Chúa các đạo binh, sẽ thương xót những kẻ còn sót lại bởi chi tộc
Giuse.
Ta khinh ghét và chê bỏ những ngày
lễ trọng của các ngươi. Ta không thèm ngửi mùi hương trong các kỳ hội
của các ngươi. Nếu các ngươi dâng cho Ta của lễ toàn thiêu và phẩm vật,
Ta sẽ không chấp nhận. Ta cũng không nhìn đến các lễ khấn tốt đẹp của
các ngươi; ngươi hãy mang đi cho xa Ta giọng hát, lời ca của ngươi. Ta
sẽ không nghe tiếng đàn ca của ngươi. Sự công minh sẽ biểu lộ như nước
chảy, và sự chính trực như suối chảy mạnh.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 49, 7.
8-9. 10-11. 12-13. 16bc-17
Ðáp: Ai đi đường ngay
thẳng, Ta chỉ cho biết ơn Thiên Chúa cứu độ (c. 23b).
Xướng: 1) Hỡi dân tộc của Ta, hãy
nghe Ta nói; hỡi Israel, Ta sẽ chứng tỏ lời phản đối ngươi: Ta là Thiên
Chúa, Ðức Thiên Chúa của ngươi. - Ðáp.
2) Ta không khiển trách ngươi về
chuyện dâng lễ vật, vì lễ toàn thiêu của ngươi đặt ở trước mặt Ta luôn.
Ta không nhận từ nhà ngươi một con bò non, cũng không nhận từ đàn chiên
ngươi những con dê đực. - Ðáp.
3) Vì ta sở hữu mọi muông thú sơn
lâm, và muôn ngàn súc vật ở những miền non núi. Ta biết hết thảy mọi
giống chim trời, và động vật sống nơi đồng ruộng, Ta cũng rõ. - Ðáp.
4) Nếu Ta đói, Ta không phải nói
với ngươi, vì Ta là chủ địa cầu và mọi cái chứa đầy trong đó. Phải chăng
Ta thèm ăn thịt bò, hay là Ta thèm uống tiết dê ư? - Ðáp.
5) Tại sao ngươi ưa kể ra những
điều huấn lệnh, và miệng ngươi thường nói về minh ước của Ta? Ngươi là
kẻ không ưa lời giáo huấn, và ném bỏ lời Ta lại sau lưng? - Ðáp.
Alleluia: Tv 94,
8ab
Alleluia, alleluia. - Ước gì hôm
nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt
8,28-34
"Ông đến lúc này để hành hạ các
quỷ".
Bài trích Phúc Âm theo Thánh
Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu lên thuyền sang
bờ bên kia, đến miền Giêrasa, thì gặp hai người bị quỷ ám từ các mồ mả
đi ra, chúng hung dữ đến nỗi không ai dám qua đường ấy.
Và chúng kêu lên rằng: "Lạy Ông
Giêsu, Con Thiên Chúa, chúng tôi có can chi đến ông? Ông đến đây để hành
hạ chúng tôi trước hạn định sao?"
Cách đó không xa có một đàn heo
lớn đang ăn.
Các quỷ nài xin Người rằng: "Nếu
ông đuổi chúng tôi ra khỏi đây, thì xin cho chúng tôi nhập vào đàn heo".
Người bảo chúng rằng: "Cứ đi".
Chúng liền ra khỏi đi nhập vào đàn
heo.
Tức thì cả đàn heo, từ bờ dốc
thẳng, nhào xuống biển và chết chìm dưới nước.
Các người chăn heo chạy trốn về
thành, báo tin ấy và nói về các người bị quỷ ám. Thế là cả thành kéo ra
đón Chúa Giêsu. Khi gặp Người, Họ xin Người rời khỏi vùng của họ.
Ðó là Lời Chúa.
Thà sống với ma quỉ hơn là với Đấng trừ quỉ
Trong bài Phúc Âm hôm nay, Phúc Âm Thánh Ký Mathêu
(8:28-34) cho Thứ Tư Tuần XIII Thường Niên, Thánh ký Mathêu thuật lại
việc Chúa Giêsu trừ quỉ cho hai người bị quỉ ám. Bài Phúc Âm về tình
trạng bị quỉ ám ở miền này cũng đã được Thánh ký Marcô và Luca thuật
lại, với một số chi tiết khác nữa: chẳng hạn cả 2 vị thánh ký kia chỉ
cho biết là 1 bị quỉ ám chứ không phải 2, và Thánh Luca còn có chi tiết
người bị quỉ ám không mặc quần áo (8:27), còn Thánh ký marco dài dòng
chi tiết hơn: người bị quỉ ám mạnh đến độ không ai có thể xiếng xích;
quỉ xưng mình là đạo binh cùng xin được ở lại vùng ấy; đàn heo chừng 2
ngàn con v.v. (6:3,9,10).
Có mấy chi tiết hay hay trong câu chuyện trừ quỉ
lần này có một không hai của Chúa Giêsu: trước hết là chi tiết không
phải thân nhân của hai nạn
nhân xin Chúa Giêsu trừ quỉ cho họ; sau nữa
là chi tiết "hai
người bị quỷ ám từ trong đám mồ mả ra đón Người", trong
khi đó
có lẽ 2 người này chưa
bao giờ đã
từng gặp
Chúa Giêsu mà lại nhận ra Người, chắc
là nhờ đám quỉ tinh quái ám
họ; sau hết
là chi tiết chính Chúa Giêsu không trực tiếp ra tay trừ bọn quỉ ấy, mà
chính bọn quỉ muốn xuất khỏi hai người bị chúng ám này, để tránh khỏi bị
Người khu trừ: "Bọn
quỷ nài xin Người rằng: 'Nếu ông đuổi chúng tôi, thì xin sai chúng tôi
nhập vào bầy heo kia'".
Qua câu
chuyện này chúng ta thấy ma quỉ nhận biết Chúa Kitô là ai và đến thế
gian để làm gì: "Hỡi
Con Thiên Chúa, chuyện chúng tôi can gì đến ông? Chưa tới lúc mà ông đã
đến đây làm khổ chúng tôi sao?" Đúng
như lời Thánh Gioan viết trong Thư Thứ Nhất của ngài: "Chính là để
phá hủy các công
việc của ma quỉ mà
Con Thiên Chúa đã tỏ mình ra" (3:8).
Công việc của ma quỉ là gì, nếu không phải là những gì liên quan đến
chết chóc, nên hai người bị quỉ ám đã sống ở nơi "mồ mả" chết chóc, và
chết chóc lại liên quan đến xác thịt (cả về nghĩa đen lẫn nghĩa
bóng - "khuynh hướng của xác thịt thiên về sự chết" -
Roma 7:6), nên
bọn quỉ đã xin nhập vào đàn heo là loài vật vốn được tiêu biểu cho xác
thịt, khiến cho "tất
cả bầy heo từ trên sườn núi lao xuống biển và chết đuối hết".
Quả vậy, sau nguyên tội, con người như bị quỉ ám, bởi bản tính của loài
người đã bị nọc độc tội lỗi và chết chóc của
ma quỉ tiêm nhiễm vào, khiến họ bắt đầu
xu hướng về tội lỗi và rất dễ sa ngã phạm tội. Bởi nơi bản thân họ đã
chất chứa sẵn mầm mống tội lội là đam mê nhục dục cùng tính mê nết xấu,
những thứ mầm mống tội lỗi đóng vai trò làm nội công cho ma quỉ, như thể
con người bị ma quỉ cài đặt sẵn tần số tội lỗi nơi họ, đến độ nó chẳng
cần cám dỗ con người mà chỉ cần sử dụng bộ phận viễn khiến - remote
control từ
hỏa ngục là con người cũng đủ quay cuồng mù quáng làm theo ý muốn
gian ác của chúng.
Cho dù con người có lãnh nhận Phép Rửa chăng nữa, họ chỉ được khỏi
nguyên tội (nếu mới sơ sinh) và
tư tội (nếu đã khôn lớn) cùng
với các hình phạt kèm theo tội lỗi, nhưng bản tính của họ vẫn còn nguyên
mầm mống nguyên
tội là đam
mê nhục dục cùng tính mê nết xấu và
vẫn phải chịu hậu quả nguyên tội là đau khổ và chết chóc. Tuy nhiên, bởi Phép
Rửa họ có được sự sống thần linh, một sự sống của Đấng Vượt Qua "nắm
toàn quyền trên trời dưới đất" (Mathêu 28:18), nhờ đó
họ có thể cùng với
Chúa Kitô Phục
Sinh chiến thắng tội lỗi và sự chết.
Có lẽ một trong những lý do tại sao miền đất trong bài Phúc Âm hôm nay
lại có nhiều quỉ đến như vậy, ở chỗ 2 người bị quỉ ám chứ không phải là
1 như các nơi khác, và đông như đàn heo 2 ngàn con, là vì, như câu kết
bài Phúc Âm cho biết: "Các người chăn heo chạy trốn về thành, báo
tin ấy và nói về các người bị quỷ ám. Thế là cả thành kéo ra đón Chúa
Giêsu. Khi gặp Người, Họ xin Người rời khỏi vùng của họ". Đáng
lẽ họ phải vui mừng vì một người trong làng của họ bị quỉ ám được thoát
khỏi xiếng xích sự chết mới phải, và do đó họ phải năn nỉ van xin Đấng
có quyền trừ qủi ở với họ để quỉ khỏi trở lại nữa, đằng này họ lại mời
Người đi, tỏ ra sợ Đấng trừ quỉ hơn hơn là sợ chính ma qủi vốn tác hại
họ, cả người (nạn nhân bị quỉ ám) lẫn thú (đàn heo). Và đó cũng chính là
lý do ma quỉ trước khi bị Chúa Giêsu trục xuất ra khỏi nạn nhân của
chúng thì đã ngỏ ý xin Người, như Thánh ký Marco cho biết, cho ở lại
vùng đất như là sào huyệt của chúng ấy!
Đó là lý do, qua miệng Tiên tri Amos ở bài Đọc I hôm nay, Thiên Chúa đã
nhắn gọi họ như sau: "Các
ngươi hãy tìm sự lành, và đừng tìm sự dữ, để các ngươi được sống. Và như
vậy, Chúa là Thiên Chúa các đạo binh sẽ ở cùng các ngươi, như các ngươi
đã nói. Các ngươi hãy ghét sự dữ, và yêu sự lành, hãy lập công nơi cửa
thành, như vậy có lẽ Chúa là Thiên Chúa các đạo binh, sẽ thương xót
những kẻ còn sót lại bởi chi tộc Giuse". Vì ở câu họa
của Bài Đáp Ca hôm nay, chính Thiên Chúa đã khẳng định: "Ai
đi đường ngay thẳng, Ta chỉ cho biết ơn Thiên Chúa cứu độ" .
Thứ Năm
Bài Ðọc I: (Năm
II) Am
7, 10-17
"Ngươi hãy đi nói tiên tri cho
dân Ta".
Trích sách Tiên tri Amos.
Trong những ngày ấy, một vị tư tế
ở Bêthel, là Amasia, sai người đến với Giêrôbôam, vua Israel, mà thưa
rằng: "Amos đã nổi loạn chống đức vua, ngay trong nhà Israel, xứ sở
không chịu nghe các lời của y". Vì đây, Amos nói rằng: "Giêrôbôam sẽ
chết vì gươm, và dân Israel sẽ bị đày xa xứ sở".
Và Amasia đã nói với Amos: "Hỡi
nhà tiên tri, hãy trốn sang đất Giuđa mà kiếm ăn và nói tiên tri. Ðừng ở
Bêthel mà tiếp tục nói tiên tri nữa. Vì đây là nơi thánh của vua, là đền
thờ của vương quốc". Nhưng Amos trả lời Amasia rằng: "Tôi không phải là
tiên tri, cũng không phải con của tiên tri: nhưng tôi là một mục tử,
chuyên trồng cây sung. Chúa đã bắt tôi khi tôi đi theo đoàn vật, và Chúa
bảo tôi: "Ngươi hãy đi nói tiên tri cho dân Israel của Ta". Và này, hãy
nghe lời Chúa phán: "Người bảo: Chớ nói tiên tri chống lại Israel, chớ
chỉ trích dòng họ kẻ theo dị thần". Chính vì thế mà Chúa phán như sau:
"Vợ ngươi sẽ gian dâm trong thành phố. Con trai con gái ngươi sẽ gục ngã
dưới lưỡi gươm. Ruộng vườn ngươi sẽ bị phân tán. Chính ngươi, ngươi sẽ
chết trên đất nhơ nhớp, và dân Israel sẽ bị đày ải xa quê hương mình".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 18,
8. 9. 10. 11
Ðáp: Phán
quyết của Chúa chân thật, công minh hết thảy (c. 10b).
Xướng: 1) Luật pháp Chúa toàn
thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt. - Ðáp.
2) Giới răn Chúa chính trực, làm
hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng soi con mắt. - Ðáp.
3) Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết,
còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thật, công minh hết thảy. -
Ðáp.
4) Những điều đó đáng chuộng hơn
vàng, hơn cả vàng ròng; ngọt hơn mật và hơn cả mật chảy tự tàng ong. -
Ðáp.
Alleluia: Ga 8,
12
Alleluia, alleluia! - Chúa phán:
"Ta là sự sáng thế gian, ai theo Ta, sẽ được ánh sáng ban sự sống". -
Alleluia.
Phúc Âm: Mt 9,
1-8
"Họ tôn vinh Thiên Chúa đã ban
cho loài người quyền năng như thế".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu xuống thuyền,
vượt biển mà về thành của Người. Bấy giờ người ta đem đến cho Người một
kẻ bất toại nằm trên giường. Thấy họ có lòng tin, Chúa Giêsu nói với
người bất toại rằng: "Hỡi con, con hãy vững tin, tội con được tha rồi".
Bấy giờ mấy luật sĩ nghĩ thầm rằng: "Ông này nói phạm thượng". Chúa
Giêsu biết ý nghĩ của họ liền nói: "Tại sao các ngươi suy tưởng những sự
xấu trong lòng? Bảo rằng "Tội con được tha rồi", hay nói "Hãy chỗi dậy
mà đi", đàng nào dễ hơn? Nhưng (nói thế là) để các ngươi biết rằng trên
đời này Con Người có quyền tha tội". Bấy giờ Người nói với người bất
toại: "Con hãy chỗi dậy, vác giường mà về nhà con". Người ấy chỗi dậy và
đi về nhà. Thấy vậy dân chúng sợ hãi và tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho
loài người quyền năng như thế.
Ðó là lời Chúa.
"đằng nào
dễ hơn"
Chủ đề "sự sống" của Mùa Phục Sinh tiếp tục
với bài Phúc Âm cho Thứ
Năm Tuần XIII Thường Niên hậu Phục
Sinh hôm nay, trong đó, Thánh
ký Mathêu (9:1-8) đã thuật lại việc Chúa Giêsu chữa một người bại
liệt để tỏ quyền năng tha tội của Người, một
sự kiện tha tội liên quan đến sự sống thần linh.
"Đức Giê-su xuống thuyền, băng qua hồ, trở về thành của
mình. Người ta liền khiêng đến cho Người một kẻ bại liệt nằm trên
giường. Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt:
'Này con, cứ yên tâm, con đã được tha tội rồi!'"
Thật vậy, chính vì nguyên tội mà con người đã bị chết về phần hồn
(xem Khởi Nguyên 2:17) kèm theo cả cái chết về phần xác là hậu quả
tất yếu của tội lỗi nữa (xem Khởi Nguyên 3:19). Tất cả những khổ đau
con người phải chịu trên trần gian này đều là biểu hiệu của sự chết
cả về tâm linh lẫn thể xác. Chứng bại liệt nơi thân xác của con
người, như nạn nhân trong bài Phúc Âm hôm nay, chẳng những là hậu
quả của nguyên tội mà còn là biểu hiệu cho tình trạng bất lực của
con người mang bản tính nhiễm lây nguyên tội nữa.
Đó
là lý
do, một khi con người được tha tội là con người được giải phóng về
phần hồn, và vì bệnh nạn tật nguyền về phần xác gây ra bởi tội lỗi
mà họ cũng có thể thoát được những chứng bệnh họ đang mắc phải, như
trường hợp của người bất toại ở bài Phúc Âm hôm nay. Cho dù được
khỏi tội mà không khỏi bệnh con người có tâm hồn trong sạch theo
lòng tin tưởng vẫn có thể sống với bệnh tật một cách an bình, thậm
chí còn lợi dụng được cả bệnh tật để làm vinh danh Chúa nữa (xem
Gioan 9:3).
Có ích gì cho con người nếu thân
xác được lành mạnh mà lại lạm dụng nó để sống đời
tội lỗi chứ. Nếu thà mất đi một phần thân thể mà được vào Nước Trời
còn hơn lành cả thân xác mà bị quẳng vào hỏa ngục (xem Mathêu 5:29),
thì đúng
như Chúa Giêsu nói với thành phần "kinh
sư nghĩ bụng rằng: 'Ông này nói phạm thượng'", "trong hai
điều: một là bảo: 'Con đã được tha tội rồi', hai là bảo: 'Đứng dậy
mà đi', điều nào dễ hơn?"
Đối
với
Thiên Chúa thì "con đã được tha tội rồi" thì "dễ hơn",
còn đối với loài người thiển cận và dính bén với trần thế thì "đứng
dậy mà đi" thì "dễ hơn", "dễ hơn" ở chỗ họ (nếu
là nạn nhân) được "dễ"
chịu hơn, vì được khỏi bệnh, và ở
chỗ họ
(thành
phần khán
giả hay chứng dự) "dễ"
nhận hơn vì thấy được tỏ
tường quyền năng thần linh.
Bởi
thế, Chúa Giêsu đã phải chiều theo khuynh hướng của loài người, hay
nói đúng hơn, đã lợi dụng yếu điểm tò mò của loài người để tỏ mình
ra cho họ, nhờ đó họ có thể thấy được vị thế thần linh siêu việt của
Người, một
vị thế vượt trên tất cả mọi vị tiên tri trong lịch sử của họ, hơn cả
Moisen là vị cứu tinh dân tộc của họ cũng đã thực hiện không ít dấu
lạ, một vị thế thần linh ở nơi quyền
tha tội
của Người, một con người như họ và ở giữa họ:
"Vậy,
để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội - bấy
giờ Đức Giê-su bảo người bại liệt: 'Đứng dậy, vác giường đi về
nhà!' Người bại liệt đứng dậy, đi về nhà. Thấy vậy, dân chúng sợ hãi
và tôn vinh Thiên Chúa đã ban cho loài người được quyền năng như thế".
Tuy nhiên, cho dù Thiên Chúa có quyền tha tội cho con người qua Con
của Ngài một cách "dễ" dàng như thế, Ngài vẫn không "dễ" dãi với Con
của Ngài, trái lại, Thiên Chúa "đã không dung tha cho Con của
Ngài, một phó nộp Người vì tất cả chúng ta" (Roma 8:32), nghĩa
là Ngài muốn, hay đúng hơn, Ngài "bắt" Người Con duy nhất vô cùng
dấu yêu của Ngài phải khổ nạn và tử giá vô cùng hèn hạ và ô nhục như
một hy tế đền bù tội lỗi của nhân loại và cho nhân loại, một tội
phạm đến Ngài là Đấng vô cùng thì cũng phải có một Đấng vô cùng là
Con Ngài đền thay mới cân xứng.
Đúng thế, bệnh nạn tật nguyền, khổ đau đầy ải và chết chóc là hậu
quả của tội lỗi, của nguyên tội ngay từ ban đầu, mà tội lỗi là ở chỗ
bất tuân phục, loại bỏ những gì là chân thật và thiện hảo để theo
đuổi những gì là gian dối và bất hảo theo ý riêng của mình. Bài Đọc
1 hôm nay được trích từ Sách Tiên Tri Amos đã cho thấy một trường
hợp điển hình, đó là Amasia, vị tư tế ở Bêthel đã tỏ ra chống lại
Tiên Tri Amos vì vị tiên trì này đã dám nói lên sự thật phản lại vua
(Giêrôbôam) và
nhân dân Israel (Israel là vương quốc ở miến bắc khi nước Do Thái
được chia thành 2 vương quốc, trong đó vương quốc Giuđa thuộc triều
đại Vua Đavít ở miền nam là nơi có Thành Thánh và Đền Thờ
Giêrusalem): "Giêrôbôam
sẽ chết vì gươm, và dân Israel sẽ bị đày xa xứ sở". Và với
chính vị tư tế chống đối này, vị tiên tri còn tiên báo: "Vợ
ngươi sẽ gian dâm trong thành phố. Con trai con gái ngươi sẽ gục ngã
dưới lưỡi gươm. Ruộng vườn ngươi sẽ bị phân tán. Chính ngươi, ngươi
sẽ chết trên đất nhơ nhớp, và dân Israel sẽ bị đày ải xa quê hương
mình".
Cho dù con người có chống lại Thiên Chúa và các giới răn hay
huấn lệnh của Ngài, thì chỉ hại cho chính "kẻ nào dám giơ chân
đạp mũi nhọn" mà thôi, chứ Ngài và Lời Ngài tự bản chất bất
diệt và chỉ nhờ đó con người mới đạt đến tầm vóc viên trọn của mình
mà thôi, đúng như Bài Đáp Ca hôm nay tuyên nhận:
1) Luật pháp Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố
định, phá ngu kẻ dốt.
2) Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh
Chúa trong ngời, sáng soi con mắt.
3) Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết
của Chúa chân thật, công minh hết thảy.
4) Những điều đó đáng chuộng hơn vàng, hơn cả vàng ròng; ngọt
hơn mật và hơn cả mật chảy tự tàng ong.
Thứ Sáu
Bài Ðọc I: (Năm
II) Am
8, 4-6. 9-12
"Ta sẽ cho nạn đói trên đất
này: nhưng không phải là đói cơm bánh, mà là đói lời Chúa".
Trích sách Tiên tri Amos.
Ðây Thiên Chúa phán: "Hãy nghe
đây, hỡi những ai đàn áp kẻ nghèo khó và muốn tiêu diệt hết những kẻ bần
cùng trong cả nước. Các ngươi bảo: "Bao giờ qua tuần trăng mới để chúng
tôi bán hàng! Khi nào hết ngày Sabbath để chúng tôi bán lúa mạch. Chúng
tôi sẽ giảm lường đong, tăng giá và làm cân giả. Chúng tôi sẽ lấy tiền
mua người nghèo, lấy đôi dép đổi lấy người túng thiếu. Chúng tôi sẽ bán
lúa mục nát".
Chúa là Thiên Chúa phán: "Ngày ấy
Ta sẽ khiến mặt trời lặn ngay giữa chính ngọ, và sẽ khiến mặt đất ra tối
tăm giữa ban ngày. Ta sẽ làm cho các ngày đại lễ của các ngươi trở nên
ngày tang tóc, cho các bài ca trở thành lời khóc than. Ta sẽ lấy bao bố
đặt trên lưng các ngươi và khiến mọi người trọc đầu. Ta sẽ làm cho ngày
ấy trở thành như ngày tang mất con một, và sau cùng nó trở nên ngày cay
đắng".
Thiên Chúa lại phán: "Rồi đây sẽ
đến ngày Ta cho nạn đói đến trên đất này, nhưng không phải là đói cơm
bánh hay khát nước đâu, nhưng là đói nghe lời Chúa. Người ta sẽ di
chuyển từ biển này qua biển nọ, từ bắc đến đông: họ đi vòng quanh tìm
kiếm lời Chúa, nhưng chẳng thấy.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 118, 2.
10. 20. 30. 40. 131
Ðáp: Người ta sống
không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra (Mt
4, 4).
Xướng: 1) Phúc đức những ai giữ
lời Ngài nghiêm huấn, những người đó tận tâm tìm kiếm Ngài. - Ðáp.
2) Với tất cả tâm can con tìm
Chúa, xin chớ để con lạc xa chỉ thị Ngài. - Ðáp.
3) Sở dĩ linh hồn con mòn mỏi, là
vì luôn luôn khao khát thánh dụ của Ngài. - Ðáp.
4) Con đã chọn con đường chân lý,
con quyết tâm theo các thánh chỉ của Ngài. - Ðáp.
5) Này đây, con khao khát huấn
lệnh của Ngài; theo lượng công minh Ngài, xin cho con được sống. - Ðáp.
6) Con há miệng để hút nguồn sinh
khí, và con ham muốn những chỉ thị của Ngài. - Ðáp.
Alleluia: Tv 94,
8ab
Alleluia, alleluia! - Ước chi hôm
nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 9,
9-13
"Người lành mạnh không cần đến
thầy thuốc: Ta muốn lòng nhân từ, chớ không phải là hy lễ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua,
thấy một người ngồi ở bàn thu thuế, tên là Matthêu. Người phán bảo ông:
"Hãy theo Ta". Ông ấy đứng dậy đi theo Người. Và xảy ra là khi Người
ngồi dùng bữa trong nhà, thì có nhiều người thu thuế và tội lỗi đến ngồi
đồng bàn cùng Chúa Giêsu và các môn đệ của Người. Những người biệt phái
thấy vậy, liền nói với các môn đệ Người rằng: "Tại sao Thầy các ông lại
ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như thế?" Nghe vậy, Chúa
Giêsu bảo rằng: "Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là
người đau yếu! Các ông hãy đi học xem lời này có ý nghĩa gì: "Ta muốn
lòng nhân từ, chứ không phải là hy lễ". Vì Ta không đến để kêu gọi người
công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi".
Ðó là lời Chúa.
"với
bọn thu thuế và quân tội lỗi"
Nếu bài Phúc Âm hôm qua liên quan đến quyền năng
tha tội của Chúa Giêsu thì bài Phúc Âm cho Thứ Sáu Tuần XIII Thường Niên
hôm nay (Mathêu 9:9-13), tiếp ngay sau bài Phúc Âm hôm qua, liên
quan đến tội nhân, đúng
hơn liên quan đến sứ vụ của Người đối với thành phần tội nhân.
Đúng thế, sau khi gọi "một
người tên là Mathêu đang ngồi tại trạm... 'Anh hãy
theo tôi!'",
Chúa
Giêsu đã đến nhà của viên thu thuế này để "dùng
bữa ... có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và
các môn đệ", và
hậu
quả xẩy ra là: "Thấy
vậy, những người Pharisiêu nói với các môn đệ Người rằng: 'Sao Thầy của các
anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi như thế
chứ?'".
Nếu
chính vì loài người tội lỗi mà "Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa
chúng ta"
(Gioan 1:14), thì
sứ vụ của Người đó
là "tìm
kiếm và
cứu vớt những gì hư hoại" (Luca 19:10), nên Người càng cần
phải làm
sao để có thể đến gần
với họ hơn ai hết và hơn bao giờ hết, nhờ đó
họ có thể cảm nghiệm được tình thương của Người mà trở về nhà Cha của
Người. Đó
là lý do: "Nghe
thấy thế, Đức Giê-su nói: 'Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người
đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng
nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà
để kêu gọi người tội lỗi'".
Trước mặt Thiên Chúa loài người không ai là người công chính, tất cả đều
là tội nhân đáng thương và cần được cứu độ, bao gồm cả tổ
phụ Abraham vốn được
xưng "là
cha của tất
cả các
kẻ tin" (Roma 4:11), thậm
chí kể cả đệ nhất tạo vật về ân sủng là Mẹ Maria, cho dù được hoài
thai vô nhiễm nguyên tội, cũng đã chân nhận là mình được cứu độ (được
gìn giữ một cách đặc biệt nhờ hưởng trước ơn cứu chuộc của Chúa Kitô Con
Mẹ), như lời Mẹ tuyên xưng trong Ca Vịnh Ngợi Khen của Mẹ: "Linh hồn
tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hân hoan trong Thiên Chúa Đấng
cứu độ tôi" (Luca 1:46-47), huống chi là thành phần biệt phái
(Pharisiêu) trong dân Do Thái, thành phần bị Chúa Giêsu thậm tệ quở
trách là "đồ giả hình", "thứ gian trá", "những
hướng đạo viên mù quáng" (xem
Mathêu toàn đoạn 23).
Đời
sống và thái độ của họ tỏ ra như thể họ là "Người
khoẻ mạnh không cần thầy thuốc". Thế
nhưng, họ đã hoàn toàn lầm lạc, chỉ sống theo chữ nghĩa của lề luật hơn
là tinh thần của lề luật, và sử dụng chính lề luật để xét đoán xấu cùng
lên án tha nhân và khinh bỉ thành phần "thu
thuế và tội lỗi", nghĩa
là để sát hại hơn là để cảm thông và cứu giúp, hoàn toàn ngược với cốt
lõi của dự án thần linh, phản lại với cõi lòng yêu thương vô cùng nhân
hậu của
Thiên Chúa. Đó
là lý do trong bài Phúc Âm hôm nay Chúa Giêsu đã khuyên thành phần biệt
phái kiêu hãnh về đời sống công chính hoàn toàn giả tạo của họ rằng: "Hãy
về mà học
cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân lành chứ
đâu cần lễ tế".
Sự kiện Chúa Giêsu tha
tội cho người bất toại bằng quyền tha tội của Người, nhưng lại bị thành
phần biệt phái đặt vấn đề về thẩm quyền của Người hơn là tin vào Người.
Tuy nhiên, lần này không phải là lần đầu tiên mà là thói quen bắt bẻ của
họ, nhất là đối với ai trổi vượt hơn họ, như một nhân vật lịch sử Giêsu
Nazarét được dân chúng mộ mến cảm phục hơn họ, nên bị họ theo dõi sát
nút. Bởi thế, lời Thiên Chúa cảnh báo qua miệng Tiên Tri Amos trong Bài
Đọc 1 hôm nay rất thích hợp với họ về tình trạng họ có mắt mà không
thấy, và luôn cảm thấy vui ít buồn nhiều như thế này:
"Ngày ấy Ta sẽ khiến mặt trời lặn ngay giữa chính ngọ, và sẽ khiến mặt
đất ra tối tăm giữa ban ngày. Ta sẽ làm cho các ngày đại lễ của các
ngươi trở nên ngày tang tóc, cho các bài ca trở thành lời khóc than. Ta
sẽ lấy bao bố đặt trên lưng các ngươi và khiến mọi người trọc đầu. Ta sẽ
làm cho ngày ấy trở thành như ngày tang mất con một, và sau cùng nó trở
nên ngày cay đắng".
Thế nhưng, cho dù vì tội lỗi của mình mà họ phải chịu hậu quả như vậy,
Thiên Chúa quan phòng thần linh vẫn lợi dụng tình trạng bất hạnh và bất
xứng của họ để giúp họ có thể nhận biết chân lý về bản thân họ cũng như
về Thiên Chúa, nhờ đó họ mới hướng về Chúa và khao khát lời Chúa, như
chính Thiên Chúa đã báo trước, cũng qua miệng Tiên Tri Amos này, trong
Bài Đọc 1 hôm nay: "Rồi
đây sẽ đến ngày Ta cho nạn đói đến trên đất này, nhưng không phải là đói
cơm bánh hay khát nước đâu, nhưng là đói nghe lời Chúa. Người ta sẽ di
chuyển từ biển này qua biển nọ, từ bắc đến đông: Họ
đi vòng quanh tìm kiếm lời Chúa, nhưng chẳng thấy."
Chính vì cơn đói Lời Chúa mà không no thỏa này, không no thỏa như vậy, ở
chỗ "Họ
đi vòng quanh tìm kiếm lời Chúa, nhưng chẳng thấy",
như chính thái độ của họ luôn theo dõi Chúa Kitô là Lời Chúa mà "chẳng
thấy" được tất cả sự thật, Lời Chúa, ở một nghĩa nào đó, lại trở thành
lương thực hằng ngày của họ và cho họ, lại trở thành những gì họ khát
khao theo đuổi một cách vô thức, đúng như câu họa của Bài Đáp Ca hôm
nay: "Người
ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa
phán ra".
Thứ Bảy
Bài Ðọc I: (Năm
II) Am
9, 11-15
"Ta sẽ đem dân Ta bị lưu đày
trở về, và sẽ trồng họ trên đất của họ".
Trích sách Tiên tri Amos.
Ðây Chúa phán: "Trong ngày ấy, Ta
sẽ dựng lại nhà xếp của Ðavít đã xiêu đổ, Ta sẽ lấp những lỗ hổng nơi
tường, trùng tu lại những gì đổ nát. Ta sẽ xây dựng lại như ngày xưa, để
chúng chiếm hữu những gì còn sót của Êđom và tất cả các dân tộc, vì
chúng đã xưng tụng danh Ta".
Chúa hoàn thành những việc Chúa đã
phán như thế. Và Chúa còn phán: "Ðây đã đến những ngày mà người cày
ruộng tiếp nối người thợ gặt, kẻ ép nho tiếp nối người gieo giống. Từ
các núi non, rượu nho mới sẽ chảy tuôn tràn, và từ các đồi, rượu sẽ vọt
ra lai láng. Ta sẽ đem Israel dân Ta bị lưu đày trở về. Họ sẽ xây lại
các thành phố bị bỏ hoang và cư ngụ tại đó. Họ sẽ trồng nho và sẽ uống
rượu nho. Họ sẽ lập vườn, và sẽ ăn quả sinh ra ở nơi ấy. Ta sẽ trồng họ
trên đất của họ, và không khi nào họ bị nhổ ra khỏi đất Ta đã ban cho
họ. Chúa là Thiên Chúa của ngươi phán như thế".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 84, 9.
11-12. 13-14
Ðáp: Chúa phán bảo về
sự bình an cho dân tộc của Người (c. 9).
Xướng: 1) Tôi sẽ nghe Chúa là
Thiên Chúa của tôi phán bảo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ phán bảo về sự
bình an, bình an cho dân tộc và các tín đồ của Chúa, và cho những ai
thành tâm trở lại với Người. - Ðáp.
2) Lòng nhân hậu và trung thành
gặp gỡ nhau; đức công minh và sự bình an hôn nhau âu yếm. Từ mặt đất,
đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống. - Ðáp.
3) Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều
thiện hảo, và đất nước chúng tôi sẽ sinh bông trái. Ðức công minh sẽ đi
trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lối bước của Người. - Ðáp.
Alleluia: Tv 24,
4c và 5a
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa,
xin dạy bảo con về lối bước của Chúa và xin hướng dẫn con trong chân lý
của Ngài. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 9,
14-17
"Làm sao các phù rể có thể buồn
rầu khi tân lang còn đang ở với họ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Matthêu.
Khi ấy, [Chúa Giêsu sang miền
Giêsarênô,] các môn đệ Gioan đến gặp Người mà hỏi: "Tại sao chúng tôi và
những người biệt phái thì giữ chay, còn môn đệ của Ngài lại không?" Chúa
Giêsu nói với họ rằng: "Làm sao các khách dự tiệc cưới có thể buồn rầu
khi tân lang đang còn ở với họ? Rồi sẽ có ngày tân lang ra đi, bấy giờ
họ mới giữ chay. Không ai lấy vải mới mà vá vào áo cũ, vì miếng vải mới
làm áo dúm lại, và chỗ rách lại càng tệ hơn. Người ta cũng không đổ rượu
mới vào bầu da cũ, chẳng vậy, bầu da vỡ, rượu đổ ra, và bầu da hư mất.
Nhưng rượu mới thì đổ vào bầu da mới, và cả hai được nguyên vẹn".
Ðó là lời Chúa.
"rượu mới bầu mới"
Bài Phúc Âm hôm nay (Mathêu
9:14-17), Thứ Bảy Tuần XIII Thường Niên,
ghi lại câu trả lời của Chúa Giêsu về vấn đề được "các
môn đệ ông Gioan" (Tẩy
Giả) đặt
ra: "Tại
sao chúng tôi và các người Pharisiêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn
chay?".
Câu
trả
lời của Chúa Giêsu cho họ là: "Chẳng
lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể than khóc, khi chàng rể còn ở với họ?
Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay. Chẳng
ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì miếng vá mới sẽ co lại, khiến áo rách lại
càng rách thêm. Người ta cũng không đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như
vậy, bầu sẽ bị nứt: rượu chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì đổ
vào bầu mới: thế là giữ được cả hai".
Bài Phúc Âm hôm nay tiếp ngay sau bài Phúc Âm hôm qua, mà bài Phúc Âm
hôm qua về việc Chúa Giêsu cùng với các môn đệ của Người ngồi ăn uống
với những người thu thuế và tội lỗi ở nhà viên thu thuế Mathêu sau khi
chàng được Người kêu gọi theo Người. Có thể vì thế mà việc thày trò của
Người mới trở thành vấn đề (gương mù) ngứa mắt cho thành phần môn đệ của
Tiền Hô Gioan Tẩy Giả vốn
chay tịnh nhiệm nhặt theo
gương thày của họ.
Bởi vì, thành phần môn đệ của vị tiền hô ấy chắc chắn không thể nào
quên được những gì vị thày rất khả kính của họ đã hết lời nói hay nói
tốt về Đức Kitô là "một
Đấng đến sau nhưng cao trọng hơn tôi, tôi không đáng cởi giây giầy cho
Người" (Gioan 1:27). Thế mà giờ đây nhân vật được thày họ ca tụng
hết mình ấy lại ngồi "ăn nhậu" ngon lành với bọn thu thuế và tội
lỗi đáng khinh bỉ và xa lánh trong xã hội!
Tuy nhiên, trong câu chất vấn của những người môn đệ theo Tiền Hô Gioan
Tẩy Giả không hề đặt vấn đề với chính Chúa Giêsu mà chỉ đặt vấn đề về
các môn đệ của Người mà thôi "Tại
sao chúng tôi và các người Pharisiêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn
chay?".
Có
lẽ họ thấy các môn đệ hầu hết có
vẻ quê mùa của Người ăn
uống một cách tự nhiên thoải mái không
kiêng cữ gì, chẳng
những lần này ở nhà của viên thu thuế Mathêu mà còn ở những lần khác nữa
hay chăng, trong khi Chúa Giêsu Thày của họ có ngồi chung bàn ăn uống với
những người thu thuế và tội lỗi cũng vẫn tỏ ra tư cách xứng đáng là một
bậc sư
phụ của các vị.
Trong câu
trả lời của mình, Chúa Giêsu đã ám chỉ Người là "chàng rể" và các
môn đệ của Người là thành phần "khách dự tiệc cưới". Không biết
nhóm môn đệ chất vấn Chúa Giêsu có hiểu câu trả lời bóng bẩy nhưng đầy ý
nghĩa sâu xa của Người hay chăng.
Chỉ
biết rằng, có thể Người cố ý nói là khi Người còn ở với các
môn đệ và sống với các môn đệ thì các vị chưa cần phải chay tịnh, "cho đến
khi chàng rể bị đem đi rồi thì bấy giờ họ mới ăn chay", nghĩa là cho
tới khi Người "đi để dọn
chỗ cho các con" (Gioan 14:3), tức
là "đi" tử nạn, nhờ đó cho
dù "các
con sẽ than van khóc lóc còn thế gian thì hân
hoan, nhưng
nỗi sầu thương của các con trong một thời gian sẽ trở thành niềm vui"
(Gioan 16:20), như
hai tông đồ Phêrô và Gioan đã cảm thấy "tràn đầy hân hoan"
chính khi các vị bị cấm đoán và
hành hạ (xem Tông
Vụ 5:41).
Trường hợp của hai tông đồ Phêrô và Gioan này đúng là trường hợp "rượu
mới thì đổ vào bầu mới": nếu
"rượu mới" đây ám chỉ giáo huấn trọn lành của Chúa Kitô, thì "bầu
mới" (chứ không phải "bầu cũ" ám chỉ tinh thần vị luật như
khuynh hướng và lối sống của nhóm luật sĩ và biệt phái) để
có thể đựng thứ "rượu mới" này đó
là tinh
thần vị
tha, là "lòng
nhân lành" mà
Chúa Kitô đã mong muốn trong bài Phúc Âm hôm qua, một "lòng nhân lành"
rất thích hợp với thứ "rượu mới" là "giới răn mới" của
Người (Gioan
13:34), và
nhờ đó mới có thể hiện thực "giới răn mới" này được: ở chỗ "các
con hãy yêu thương nhau như Thày đã yêu thương các con" (Gioan
13:34).
Như thế có nghĩa là cho dù ở trong trường hợp "khi chàng rể còn ở
với họ" hay "khi chàng rể bị đem đi rồi" mà một khi trong
tâm hồn của người môn đệ Người vẫn có Người, thì họ không bao giờ mất
niềm vui, một niềm vui vô cùng bất tận, vì họ được Người ban cho họ một
thứ bình an thần linh đích thực "không như thế gian ban"
(Gioan 14:27), một thứ bình an Vượt Qua của một Đấng Phục Sinh, toàn
thắng tội lỗi và sự chết mà mang lại sự sống thần linh bất tử cho những
ai tín phục Người.
Đó là ý nghĩa sâu xa của những gì Thiên Chúa phán qua miệng Tiên Tri
Amos trong Bài Đọc 1 hôm nay: "Trong
ngày ấy, Ta sẽ dựng lại nhà xếp của Ðavít đã xiêu đổ, Ta sẽ lấp những lỗ
hổng nơi tường, trùng tu lại những gì đổ nát... Từ các núi non, rượu nho
mới sẽ chảy tuôn tràn, và từ các đồi, rượu sẽ vọt ra lai láng. Ta sẽ đem
Israel dân Ta bị lưu đày trở về. Họ sẽ xây lại các thành phố bị bỏ hoang
và cư ngụ tại đó. Họ sẽ trồng nho và sẽ uống rượu nho. Họ sẽ lập vườn,
và sẽ ăn quả sinh ra ở nơi ấy. Ta sẽ trồng họ trên đất của họ, và không
khi nào họ bị nhổ ra khỏi đất Ta đã ban cho họ. Chúa là Thiên Chúa của
ngươi phán như thế".
Bài Đáp Ca hôm nay cũng đề cập đến vấn đề "bình an", ngay ở câu họa: "Chúa
phán bảo về sự bình an cho dân tộc của Người",
và bao gồm các câu xướng liên quan đến một thứ bình an được Ngài dành "cho
những ai thành tâm trở lại với Người" như sau:
1) Tôi sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán bảo điều chi? Chắc hẳn
Người sẽ phán bảo về sự bình an, bình an cho dân tộc và các tín đồ của Chúa,
và cho những ai thành tâm trở lại với Người.
2) Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau; đức công minh và sự bình an
hôn nhau âu yếm. Từ mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự
trời nhìn xuống.
3) Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và đất nước chúng tôi sẽ
sinh bông trái. Ðức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo
sau lối bước của Người.